Sunday, February 24, 2013

Ngày thơ Việt Nam năm Quý Tị - nhạt như nước ốc


Người Buôn Gió - Mấy năm nay không ra Văn Miếu xem ngày thơ Việt Nam thế nào. Lần này nghe tin là chương trình có chủ đề về biển đảo quê hương. Mới tạt ra xem có khấm khá gì không. Gửi xe cạnh Văn Miếu thấy có mấy bóng công an áo xanh đứng trong chỗ gửi xe. Nghĩ là chỗ trông xe nhà nước bèn chui vào gửi con xe máy ghẻ. Một gã đàn ông mặc áo màu ghi kiểu cán bộ công chính ghi vé lấy 20 nghìn.

Vào Văn Miếu mua vé mất 20 nghìn nữa. Mua vé quay ra thấy mấy an ninh mọi khi vẫn bám theo đoàn biểu tình Hồ Gươm rải rác các góc, thôi thì năm mới cũng chả chụp ảnh đưa lên mạng làm gì, chắc nhiệm vụ của họ là chỗ nào có đông người thì phải quan sát. Hội thơ của Việt Nam có khác, người đầy chật ních đi lại như nêm, có ai nói hình như Việt Nam có nhiều nhà thơ nhất thế giới. Chuyện này có thể có thật vì ở nhiều phường, xã đâu đâu cũng có tổ thơ của các cán bộ hưu trí, người cao tuổi, từ thành phố đến nông thôn. Tâm hồn thi ca thế này bảo sao người ta không xếp hạnh phúc thứ nhì thế giới.



Trung niên thì ít, đa phần khách đến hội thơ là trên 60 tuổi và dưới 30 tuổi.
Đi vào trong đã gần 11 giờ, qua sân thơ già thì thấy đang hát ỏm tỏi chả rõ là bài gì. Có mấy em mặc váy hở vai nhìn khá hấp dẫn. 


Đi tiếp vào bên trong là sân thơ trẻ, người xem hơi khiêm tốn. Đúng lúc gặp tiết mục tứ ca tình diễn một ca khúc về biển đảo. Người sáng tác từng đến và ở Trương Sa, anh cũng từng có mặt ở biên giới phía Bắc năm 1979. Theo như anh kể thì mọi người lính ở Trường Sa đều gọi nhau là đồng hương, dù ở Bến Tre, Nghệ Tĩnh gì gì đi nữa. Nguyên nhân là do những người lính đảo đều coi quê hương, đất liền là một nơi. Ý nghĩa cũng hay, nhưng hơi thắc mắc là như thế thì Trường Sa đâu thân thiết như là một tỉnh Khánh Hòa. Mà nó là lãnh thổ ngoài biên giới Việt Nam hay sao mà mọi người ở đó dù khác tỉnh thành cũng coi nhau là đồng hương như Việt Kiều vậy.?

Thôi thi ca, nghệ thuật vặn vẹo thì cũng vô cùng, vỗ tay một cái cho tấm lòng quan tâm đến biển đảo quê hương. Dù cái tấm phông nền không ghi tên Hoàng Sa. Trường sa mà chỉ có hình là cánh hoa đào cũng ổn. Giờ mà bóng gió nhắc đến biển đảo cũng là tốt rồi, thời nay không giống thời trước. Năm mới có khác thật dễ tính, bỏ qua chuyện gửi xe bị chém, an ninh rải rác, đóng quân ở trong nước mà cứ như đang làm nghĩa vụ quốc tế xứ người như hồi Căm Bốt, rồi phôngnền không dám nhắc đích danh tên gọi biển đảo quê hương.



Nhạc sĩ sáng tác bài hát về biển đảo.



Tốp ca trình diễn trong trang phục lính hải quân. Điểm sáng duy nhất trong ngày thơ Việt Nam năm Quý Tị. Sau tiết mục này là đến tiết mục các nhà thơ trẻ trình diễn thơ của mình, cách trình diễn được thể hiện bằng diễn xuất như một vở nhạc kịch, êm đềm, sâu lắng. Trang phục đơn giản lịch sự, phong cách trang nhã, dung dị. Chính các nhà thơ là diễn viên luôn.



Xem xong tiết mục này thì thấy giới thiệu một ca sĩ Sao Mai điểm hẹn hát bài gì đó, chả buồn nghe quay ra ngoài xem có gì không.?

Mỗi năm vào ngày nhà thơ Việt Nam, ban tổ chức thường đặt ở khu trung tâm chính những bức tượng của các thi sĩ quá cố nổi tiếng. Năm nọ lúc tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ bị bắt tù vì tội dám khởi kiện thủ tướng và trung tướng công an, hình như tội bắt không phải tội thế, mà bọn bắt và xét xử nói là tuyên truyền chống phá nhà nước thì phải. Năm ấy đi tìm tượng thân sinh của thân sinh tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ để chiêm ngưỡng hơi mất công. Chỉ có tượng của Tố Hữu thì dễ tìm vì còncó lồng kính chềnh ềnh trưng bay cả di vật của ông ấy. Năm nay định đi tìm tiếp thì thấy một đám đông quây quanh cụ Tạ Trí Hải đang chơi đàn violon, thế là nhảy vào xem luôn. Cụ Hải mặc áo No-U đỏ bên trong, áo khoác bên ngoài phanh ra cho bà con thấy hình chiếc lưỡi bò bị gạch chéo. Trông cụ thật khí thế.




Chụp ảnh cụ Hải một hồi, lúc xem lại ảnh. Giật mình mới biết cụ đứng ở vị trí của thân sinh tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ. Lạy cụ luôn, đúng là gừng càng già càng cay. Thật thâm sâu, không suy nghĩ chút thì đúng là không hiểu vì sao cụ Hải lại chọn chỗ này.

Ở chỗ sân thơ trẻ, kế bên có hai gian hàng của hai cơ quan này.



Hai gian hàng này chễm chệ ở vị trí đẹp nhất, có quầy che nắng che mưa, nhưng bên trong chả có gì, khách vào đó nghe điện cho đỡ ồn. Chẳng có tập thơ nào, chỉ có ảnh trưng bày thành tích của ngành. Ngày thơ Việt Nam mà bon chen vào kiểu này để làm gì cơ chứ.



Trong khi các nơi khác dù chả có gian hàng, phải kê bàn ra sân bán mà khách vẫn đông tơi tới.


Nghe phong phanh hình như nội dung thơ về chủ quyền, biển đảo có nhiều hơn và cụ thể hơn. Nhưng do sợ ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế giữa ta và nước bạn anh em. Nên phải lược bỏ đi nhiều phần.

Bởi thế ngày thơ nham nhở, nhạt toét vì dở dang. Lần sau cứ ca ngợi đảng và Hồ Chí Minh cho nó lành, đỡ bị cắt xén bất ngờ khiến chương trình lỡ dở chữa cháy không kịp thành vớ vẩn hơn cả gánh hát rong.


No comments:

Post a Comment