Sunday, February 24, 2013

Sinh viên, cựu sinh viên Luật kiến nghị Hiến pháp


Hienphap.kiennghi.net - Kiến nghị này được gửi đến toàn thể nhân dân Việt Nam với tư cách là những người nắm giữ quyền lập hiến, đồng thời gửi tới Quốc hội và Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 với tư cách là những cơ quan chủ trì việc thảo luận sửa đổi Hiến pháp của nhân dân.

Chúng tôi, những công dân Việt Nam, đồng thời là những sinh viên và cựu sinh viên Luật, nhất trí ký tên vào bản kiến nghị này với tất cả tinh thần ái quốc và pháp quyền...

Thư ngỏ 

Các bạn sinh viên và cựu sinh viên Luật thân mến, 

Xã hội chúng ta đang ở trong một thời kỳ đặc biệt, khi bản Hiến pháp 1992, sửa đổi năm 2001 đang được cân nhắc sửa đổi một cách toàn diện. Bất kỳ ai đã từng là sinh viên trường Luật đều hiểu rõ vai trò đặc biệt quan trọng của Hiến pháp đối với sự vận hành của một xã hội. Không chỉ là văn bản pháp lý có giá trị hiệu lực cao nhất, chi phối toàn bộ hệ thống pháp luật quốc gia, Hiến pháp còn là thỏa thuận căn bản nhất giữa người dân trong một quốc gia nhằm lập ra một nhà nước và định ra những nguyên tắc để cùng nhau chung sống trong một không gian lãnh thổ. Hiến pháp vượt ra ngoài mọi giá trị thông thường của một văn bản pháp lý để trở thành bản cam kết chung về tương lai của một quốc gia, thể hiện những nhu cầu và khát vọng chung của cả một dân tộc. 

Lịch sử lập hiến của các quốc gia trên thế giới cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của những người tốt nghiệp từ trường luật, nếu không muốn nói rằng chính họ là những người dẫn dắt và thúc đẩy sự tiến bộ của tư duy lập hiến ở khắp mọi nơi. Tính thiêng liêng của Hiến pháp không cho phép bất kỳ một sự bất cẩn nào và đòi hỏi phải huy động trí tuệ của toàn xã hội. Hơn lúc nào hết, các sinh viên và cựu sinh viên Luật Việt Nam, bất kể ở Việt Nam hay nước ngoài, tốt nghiệp từ các trường Luật ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, đều đang đứng trước cơ hội và trách nhiệm to lớn trong việc xây dựng nên nền tảng cơ bản của hệ thống pháp luật Việt Nam. 

Chúng tôi, những người khởi xướng, kêu gọi sự lên tiếng và ủng hộ của toàn thể giới sinh viên và cựu sinh viên Luật Việt Nam, từ ĐH Luật Hà Nội, Khoa Luật - ĐHQGHN, đến ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh, ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM), các Khoa Luật của ĐH Ngoại thương Hà Nội, Học viện quan hệ quốc tế, ĐH Kinh tế quốc dân, Viện ĐH Mở Hà Nội, ĐH Công đoàn, ĐH Vinh, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, ĐH Đà Lạt, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Sài Gòn, ĐH Cần Thơ và các cơ sở đào tạo Luật khác trong nước cũng như nước ngoài, đối với bản Kiến nghị về việc sửa đổi Hiến pháp này. 

Chúng tôi kêu gọi các luật sư, luật gia, giảng viên Luật, sinh viên Luật và cựu sinh viên Luật Việt Nam ký tên vào bản Kiến nghị này, như một trong những cách chúng ta đóng góp cho nền lập hiến nước nhà, cũng chính là hoạch định cho tương lai của mỗi chúng ta và gia đình chúng ta. 

Cụ thể, bản Kiến nghị có hai nội dung: 

1. Kiến nghị bãi bỏ thời hạn góp ý sửa đổi Hiến pháp. 
2. Kiến nghị ghi nhận và tổ chức để nhân dân thực hiện quyền phúc quyết Hiến pháp.

Chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ của các bạn. 

Trân trọng.

*

Dưới đây là toàn văn Kiến nghị và danh sách những người ký tên đợt đầu. Mời bạn xem danh sách cập nhật tại đây.


KIẾN NGHỊ - Về việc sửa đổi Hiến pháp 1992

Hà Nội, ngày 21 tháng 02 năm 2013.

Kiến nghị này được gửi đến toàn thể nhân dân Việt Nam với tư cách là những người nắm giữ quyền lập hiến, đồng thời gửi tới Quốc hội và Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 với tư cách là những cơ quan chủ trì việc thảo luận sửa đổi Hiến pháp của nhân dân.

Chúng tôi, những công dân Việt Nam, đồng thời là những sinh viên và cựu sinh viên Luật, nhất trí ký tên vào bản kiến nghị này với tất cả tinh thần ái quốc và pháp quyền.

Chúng tôi tin rằng, Việt Nam đang đứng trước một trong những cơ hội lớn trong lịch sử để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn thông qua việc sửa đổi Hiến pháp. Và để thiết kế được một bản Hiến pháp tốt cũng như tôn trọng tính thiêng liêng của Hiến pháp, quy trình lập hiến và nội dung của Hiến pháp nhất thiết phải đảm bảo một số tiêu chuẩn tối thiểu.

Trên cơ sở đó, chúng tôi kiến nghị hai vấn đề sau đây:

1. Kiến nghị bãi bỏ thời hạn góp ý sửa đổi Hiến pháp 

Theo Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23-11-2012 của Quốc hội về việc “tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”, thời gian lấy ý kiến nhân dân “bắt đầu từ ngày 02 tháng 01 năm 2013 và kết thúc vào ngày 31 tháng 3 năm 2013”, có nghĩa là ba tháng. 

Chúng tôi cho rằng, việc hạn chế thời gian lấy ý kiến nhân dân đối với một trong những vấn đề quan trọng nhất của quốc gia như vấn đề sửa đổi Hiến pháp, là bất hợp lý. 

Thứ nhất, việc đặt ra khoảng thời gian lấy ý kiến nhân dân đồng nghĩa với việc chỉ có những ý kiến được nêu ra và gửi tới các cơ quan có thẩm quyền trong khoảng thời gian đó mới được tiếp nhận và xem xét đưa vào dự thảo Hiến pháp, mọi ý kiến ngoài khoảng thời gian đó đều không có giá trị. Như vậy thời hạn đó đã hạn chế cơ hội của nhân dân trong việc đóng góp để xây dựng một bản Hiến pháp hoàn thiện nhất có thể. 

Thứ hai, khoảng thời gian ba tháng mà Quốc hội đưa ra để lấy ý kiến nhân dân trùng với dịp mà người dân phải dành nhiều thời gian cho Tết Dương lịch 2013 và Tết Nguyên đán Quý Tỵ, do vậy, thời gian thực tế mà nhân dân có thể dành để góp ý Hiến pháp không còn nhiều. 

Thứ ba, và quan trọng nhất, chúng tôi cho rằng quyền lập hiến là quyền tự nhiên của nhân dân, Hiến pháp cũng là bản thỏa ước của nhân dân với nhau về việc định ra những thiết chế chung cho xã hội (hay còn gọi là khế ước xã hội) và nhân dân mới là chủ thể của quy trình lập hiến, nên nhân dân có quyền góp ý cho dự thảo Hiến pháp sửa đổi cho đến khi Hiến pháp sửa đổi được thông qua trên cơ sở phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đa số nhân dân. 

Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Quốc hội bãi bỏ thời hạn lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp sửa đổi được nêu trong Nghị quyết số 38/2012/QH13. 

2. Kiến nghị ghi nhận và tổ chức để nhân dân thực hiện quyền phúc quyết Hiến pháp 

Quyền phúc quyết Hiến pháp là quyền quyết định đối với Hiến pháp của nhân dân, thông thường được tiến hành thông qua thủ tục trưng cầu dân ý. Trên thực tế, quyền phúc quyết Hiến pháp đã được thừa nhận tại Điều 21, Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, và là quy định phổ biến tại các quốc gia văn minh trên thế giới. Mặc dù vậy, qua các bản Hiến pháp và các lần sửa đổi, bổ sung sau này, quyền phúc quyết Hiến pháp của nhân dân Việt Nam không còn được ghi nhận.

Quyền lập hiến là quyền tự nhiên thuộc về nhân dân và vì vậy quyền phúc quyết Hiến pháp của nhân dân cũng là đương nhiên. Nhân dân là chủ sở hữu của Hiến pháp, với ý nghĩa của Hiến pháp là một thỏa thuận của nhân dân với nhau về việc lập ra một nhà nước và thiết kế những nguyên tắc cùng chung sống trong một xã hội. Hiến pháp là của nhân dân và hướng tới phục vụ lợi ích của nhân dân. Do đó, nhân dân là người phải trực tiếp quyết định các nội dung của Hiến pháp. Việc ghi nhận và tổ chức để nhân dân thực hiện quyền phúc quyết đối với Hiến pháp là việc tất yếu phải thực hiện và đây chính là thời điểm cần phải thực hiện việc này.

Từ quyền lập hiến thuộc về nhân dân mới sinh ra các quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp, được nhân dân quyết định trao cho nhà nước để quản lý xã hội. Bản thân Hiến pháp hiện hành cũng đã quy định tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Điều đó có nghĩa là, nhân dân có quyền quyết định đối với việc phân bổ quyền lực nhà nước. Việc Quốc hội - một bộ phận của nhà nước - nắm giữ quyền lập hiến, quyết định Hiến pháp thay cho nhân dân, là không phù hợp với nguyên tắc này. 

Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, việc sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ được tiến hành theo thể thức: Quốc hội biểu quyết thông qua một Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp 1992, và Nghị quyết này của Quốc hội sẽ làm thay đổi nội dung Hiến pháp. Điều này không hợp lý ở chỗ, Nghị quyết của Quốc hội là văn bản có giá trị pháp lý thấp hơn Hiến pháp, do đó không có giá trị thay đổi nội dung Hiến pháp. 

Chúng tôi cho rằng, một bản Hiến pháp ban hành mà không thông qua thủ tục phúc quyết sẽ mất đi phần lớn ý nghĩa vốn có và không được nhân dân cũng như cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Trên cơ sở đó, chúng tôi kiến nghị:

(i) Bổ sung quy định ghi nhận quyền phúc quyết Hiến pháp của nhân dân vào dự thảo Hiến pháp sửa đổi. 

(ii) Tiến hành thủ tục để nhân dân phúc quyết Hiến pháp trong lần sửa đổi này một cách dân chủ, công bằng và minh bạch. Việc Hiến pháp hiện hành không quy định thủ tục phúc quyết Hiến pháp không cản trở thủ tục này được tiến hành, bởi phúc quyết Hiến pháp là quyền tự nhiên, vốn có của nhân dân.

Lời kết:

Hiến pháp là vấn đề hệ trọng mang tính sống còn của một quốc gia, quyết định tới tương lai đất nước cũng như tương lai của mỗi cá nhân và các thế hệ người Việt Nam sau này. Do đó, việc sửa đổi Hiến pháp cần được tiến hành dựa trên những chuẩn mực khoa học và tinh thần trách nhiệm cao nhất. Với tư cách là những người có chuyên môn về pháp luật, bên cạnh tư cách công dân Việt Nam, chúng tôi - những sinh viên và cựu sinh viên Luật - mong muốn đóng góp trí tuệ và tâm huyết của mình nhằm xây dựng một bản Hiến pháp có giá trị nền tảng cho sự phát triển của đất nước trong một tầm nhìn dài hạn. 


DANH SÁCH NHỮNG NGƯỜI KÝ KIẾN NGHỊ (đợt 1):

1. Trần Ngọc Cảnh - cựu sinh viên lớp KT29E, Đại học Luật Hà Nội, niên khóa 2004-2008; sáng lập viên, Admin Diễn đàn SinhVienLuat.vn; Luật gia.

2. Trịnh Hữu Long - cựu sinh viên lớp KT29A, Đại học Luật Hà Nội, niên khóa 2004-2008; sáng lập viên, Admin Diễn đàn SinhVienLuat.vn; Phóng viên. 

3. Trần Duy Bình - cựu sinh viên lớp KT26B, Đại học Luật Hà Nội, niên khóa 2001-2005; cựu học viên sau đại học, khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; Luật gia.

4. Hoàng Duy Tiến - cựu sinh viên lớp KT27E, Đại học Luật Hà Nội, niên khóa 2002-2006.

5. Nguyễn Hùng Cường - cựu sinh viên lớp QT28A, Đại học Luật Hà Nội, niên khóa 2003-2007.

6. Trần Long - sinh viên lớp 3404, Phó Chủ nhiệm CLB Kĩ năng luật, Đại học Luật Hà Nội, niên khóa 2009-2013.

7. Phạm Công Trình - sinh viên lớp 3417, Đại học Luật Hà Nội, niên khóa 2009-2013.

8. Trương Thị Thu Hà - cựu sinh viên lớp QT33A, Đại học Luật Hà Nội, niên khóa 2008-2012. 

9. Nguyễn Như Chính - cựu sinh viên lớp KT29D, Đại học Luật Hà Nội, niên khóa 2004-2008.

No comments:

Post a Comment