Wednesday, August 14, 2013

TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM VÀ HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG ĐỨC- NHÌN LẠI MỘT THỜI

Bs.Vũ Ngọc Tấn
    Thời đại nào cũng có lúc thăng trầm và phản ứng của con người, kể cả người lãnh đạo, cho dù thông minh, nhìn xa hiểu rộng cách mấy, cũng có khi phạm điều sai trái. Mà người lãnh đạo, khi đã sai lầm, thì hoặc là đưa cả đất nước vào vòng lao lý, hoặc là đưa chính bản thân mình vào cảnh tù đày hay thậm chí bị diệt vong. Ngày xưa Napoleon bách chiến bách thắng, xua quân chiếm gần hết châu Âu, nhưng rồi phạm phải sai lầm là đã xua quân sang Nga và rồi bị hãm trong tuyết giá mà đại quân chết lạnh, tàn lụi, tan rã, đưa tới chuyện bản thân bị lưu đày tại đảo Elba, rồi Saint Helena trước khi chết. Lưu Bị thời Tam Quốc khởi nghiệp là người anh hùng áo vải nghèo túng làm dép nuôi thân, rồi do khả năng khuất phục những người tài, đã hùng cứ xưng đế tại đất Ba Thục, nhưng sau khi Quan Vũ chết vì Đông Ngô, đã phạm sai lầm là thay vì nuốt hận riêng và hợp tác và mưu tính với đồng minh (Đông Ngô) lo việc đánh Tào để lấy lại Trung Nguyên, thì lại vì mối hận cá nhân này mà xua quân đánh chính đồng minh của mình để trả thù. Sai lầm đó đã đưa tới chuyện tướng chết, quân tan về tay Lục Tốn và cuối cùng Lưu Bị ra đi trong hoàn cảnh bi tráng tại thành Bạch Đế.
 Câu chuyện về Tổng thống Ngô Đình Diệm:..

Ông Ngô Đình Diệm cũng không thoát khỏi những thăng trầm này.
Năm 1954, sau ngày phân chia đất nước, ông hùng cứ ở miền Nam. Ông là chủ chốt, cùng với sự giúp đỡ của phiá đồng minh Mỹ, đã đưa 1 triệu người di cư từ phương Bắc thoát khải ngục tù cộng sản vô Nam sống đời tự do. Ông đã truất phế Bảo Đại (đương nhiên, một đất nước không thể có 2 vua) và sau đó dẹp Bình Xuyên và những phần tử võ trang của Cao Đài và Hoà Hảo- những sứ quân một thời- để đưa đất nước về một mối. Đây là những việc làm rất cần thiết trong một thời nhiễu nhương: một thời mà ông phải đối phó với các sứ quân có võ trang ở bên trong và với giặc cộng ở ngoài. Ông đã mở ra một kỷ nguyên mới: Một kỷ nguyên của Miền Nam thanh bình, thịnh vượng. Mà sự thực miền Nam dưới thời tổng thống Diệm là một thời vàng son của lịch sử, một thời vàng son mà không cần phải đổ máu sau khi người Pháp ra đi. Mức sống của người dân VN dưới thời ông Diệm lúc đó có thể nói nếu không hơn thì cũng bằng người dân Thái lan - một đất nước luôn luôn thanh bình trong khi miền Nam VN đã trải qua biết bao tang thương biến đổi. Sau này, ngay cả chính sách “Ấp Chiến Lược” cuả ông, tuy có những lạm dụng và sai sót, nhưng phần lớn là đã giữ được công sản ra ngoài vòng thôn xóm.
Nhưng sau đó là những biến cố kế tiếp: một số những biến cố đã xảy ra vượt khỏi tầm tay ông- nhưng cũng có những biến cố trong tầm giải quyết của ông- nhưng ông đã không làm và sau đó đưa tới hoàn cảnh bi đát cho ông và có thể nói là cho cả đất nước.

Hoà thượng Thích Quảng Đức và Tổng thống Ngô Đình Diệm:
Câu chuyện ông Diệm tin tưởng người Công giáo hơn Phật giáo- sự thực không có gì đáng nói. Những người nắm quyền bính từ xưa có quyền tin tưởng một số thân tín là điều dễ hiểu – và ai cũng biết ông Diệm là người Công giáo – và người Công giáo thân cận ông hơn là lẽ đương nhiên. Bên Giáo hội Công Giáo được cấp đất, cấp ngân khoản ưu tiên hơn phía Phật giáo dưới thời ông Điệm cũng là điều khá hiển nhiên và điều này đã gây ra những bất mãn sâu xa trong hàng giáo phẩm Phật giáo và phật tử. Tuy nhiên có lẽ ta không nên đào sâu về vấn đề này vì đây là những sự việc đã qua vào một thời mà ngày nay nếu muốn chứng minh rất khó khăn và cần phải có phương tiện để điều tra lại. Và ta hãy bỏ qua trường hợp những phật tử bỏ đạo Phật, theo Công giáo dưới trào ông Diệm vì mong được cất nhắc dễ dàng hơn- và xin cho rằng đây là những trường hợp cá biệt.

Nay xin trở về với những biến cố chính đưa tới sự sụp đổ của triều đại Nhà Ngô mà một số người trong chúng ta, dù đã sống trong triều đại đó, nhưng có thể đã quên một số chi tiết đã đưa tới sự sụp đổ của triều đại này.
- Ngày Lễ Phật Đản (Vesak- Lễ Đản Sanh của Đức Phật- là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của Phật giáo) vào dịp đầu tháng 5 năm 1963, chính phủ ông Diệm ra lệnh cấm treo cờ Phật giáo. Tuy nhiên trước đó vài ngày, chính phủ lại khuyến khích treo cờ toà thánh Vatican trong dịp lễ Khánh đản của Đức cha Thục (anh của TT Diệm). Xin nhớ là lễ này không phải là dịp lễ lớn bên Công Giáo như lễ Giáng Sinh, Phục Sinh v.v, và những ngày lễ này không hề có lệnh cấm bên Công giáo treo cờ.
- Ngay ngày hôm đó, phật tử biểu tình trước Đài phát thanh Huế để phản đối lệnh cấm treo
cờ. Cảnh sát được lệnh bắn vào đám biểu tình làm 9 người chết. Ông Diệm đổ lỗi cho Việt Cộng
- Tiếp theo, ông Diệm không hề nhận lỗi hay nhượng bộ, ông ra lệnh cấm biểu tình trên toàn quốc và sẽ bắt giam những kẻ vi phạm. Làn sóng công phẫn và phản đối lan rộng khắp nơi tại Miền Nam VN. Không khí toàn quốc trở nên rất nặng nề, ngột ngạt.
- Ngày 10/6/63, giới truyền thông trong và ngoài nước được báo trước là một “biến cố đặc biệt” sẽ xảy ra vào ngày hôm sau, trên con đường bên ngoài tòa Đại sứ Cam Bốt tại Sài Gòn. Ngày hôm sau (11/6/63) tại ngã tư đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu) và Lê Văn Duyệt (nay là CM Tháng 8), phía sau dinh Độc Lập, một đoàn gồm khoảng 350 tăng ni tuần hành thành 2 hàng dọc sau chiếc xe nhà Austin Westminster. Chiếc xe dừng lại: từ trong xe Hoà thượng Thích Quảng Đức bước ra cùng 2 tăng ni. Một tăng ni đặt một chiếc gối trên mặt đường và tăng ni thứ hai mở cốp xe lấy ra can xăng. Lập tức các tăng ni từ trong đoàn diễn hành tiến ra làm thành một hàng rào vây quanh. HT Quảng Đức ngồi xuống trong tư thế tọa thiền trên chiếc gối. Một tăng ni đổ dầu lên đầu và y trang của ông. HT tay bấm tràng hạt, miệng niệm Phật và sau đó tự bật diêm. Ông để que diêm đang cháy rơi trên áo và tự thiêu mình.
Sau đây là mô tả cuả ký giả David Halberstam (báo The New York Times), người đã chứng kiến cảnh này: “Ngọn lửa bốc lên ngùn ngụt từ da thịt con người. Thân thể của ông dần dần co lại và nhăn nhúm. Không gian nồng nặc mùi thịt người bị cháy. Từ phía đằng sau tôi nghe thấy tiếng khóc từ quần chúng lúc này đã tụ tập bu quanh. Tôi quá ngỡ ngàng tới mức không thể khóc, qúa rối loạn tới mức không thể mở miệng phỏng vấn ai để ghi lại sự việc, quá hoang mang tới mức không thể suy nghĩ gì được... Khi bị thiêu, ông (HT Quảng Đức) không mảy may cử động, không nói một lời: hình tượng của ông ngồi nổi bật thật vững vàng so với những than khóc biến chuyển xung quanh ông.”
Lúc đó một toán cảnh sát xông vào để can thiệp, nhưng không vượt qua được hàng rào tăng ni. Một cảnh sát nhảy qua được hàng rào nhưng không phải để can thiệp mà để nằm phủ phục xuống đất trong tư thế tôn thờ và sùng kính. Sau gần 10 phút, thân thể hòa thượng hoàn toàn cháy rụi và từ từ ngả về phía sau...

Bức hình và tin HT tự thiêu loan truyền trên trang nhất các báo trên toàn thế giới. Ký giả Malcolm Browne (thuộc Associated Press) người chụp tấm hình này sau đó được giải thưởng cao qúy Pulitzer của Mỹ. Tổng thống Kennedy, người đã hỗ trợ ông Diệm và chính phủ của ông trong bao năm trưóc, đã bật lên than “Chúa ơi” (Jesus Christ) khi nghe báo tin về việc HT Quảng Đức tự thiêu. Và sau đó khi nhìn thấy tấm hình của M Browne (về HT Quảng Đức) TT Kennedy đã bùi ngùi nói “Chưa một tấm hình nào trong lịch sử lại có thể làm mọi người trên thế giới xúc động đến như vậy””

Hiển nhiên đây là khúc quanh của lịch sử: người Mỹ - qua bao đời tổng thống Mỹ kể cả TT Kennedy- trước đây đã cưu mang, hỗ trợ ông Diệm bao nhiêu thì nay đã bắt đầu xoay chiều. Dư luận thế giới và nhất là dân Mỹ đã nhìn ông Diệm và chính phủ của ông dưới một con mắt khác. Và Tổng thống Mỹ, dù có muốn tiếp tục hỗ trợ ông Diệm, nhưng không thể nào đi ngược lại ý nguyện của dân Mỹ. Ông Diệm và chính phủ của ông có nhận ra điều này hay chăng? Xin đọc tiếp những diễn biến sau vụ tự thiêu.

Diễn biến sau khi HT Quảng Đức tự thiêu
Hòa thượng Quảng Đức sau khi mất để lại lá thư nội dung như sau “Trước khi nhắm mắt trở về với ánh hào quang của Phật tổ, tôi trân trọng thỉnh cầu Tổng thống Ngô Đình Diệm hãy thương lấy toàn dân và xin áp dụng bình đẳng tôn giáo để duy trì sức mạnh cuả tổ quốc mãi mãi...”
Tưởng cũng cần nói là sau khi HT Quảng Đức tự thiêu và ngay cả sau khi thi thể được đưa vô hỏa thiêu trong đám tang của ông ngày 19/6/63, trái tim ông vẫn còn nguyên và không hề bị hủy. Sự việc này được coi là một phép lạ: một biểu tượng của lòng từ bi- và sau đó trái tim của ông được đưa về lồng kính tại chùa Xá Lợi. Trong những ngày sau đó, 5 tăng ni khác cũng noi gương HT Quảng Đức và tự thiêu để phản đối chính quyền của TT Diệm.
- Ngày 21/8: Lực lượng Đặc biệt của ông Nhu tấn công chùa Xá Lợi và các chùa chiền khác trên toàn Miền Nam VN: Cảnh sát đặc biệt lục lọi chùa từ trong ra ngoài, đánh đập tăng ni, tịch thu tro và trái tim không cháy của HT Quảng Đức (có tin khác nói là trái tim này đã được đưa sang một cơ sở của Mỹ gần bên chùa). Cảnh sát bắt 400 tăng ni trong lúc họ đang ngồi xếp bằng trước tượng Phật. Chùa Từ Đàm tại Huế cũng chung số phận: chùa bị lục tung, tượng Phật bị phá hủy. Khi các phật tử tới can thiệp để bảo vệ cho sư và đương đầu với cảnh sát thì hậu quả là 30 thường dân chết và 200 bị thương. Tổng cộng là có cả thảy 1,400 tăng ni bị giam cầm và 30 tăng khác bị thương trên toàn quốc.
- Vụ tấn công chùa chiền đã đưa tới bất mãn lớn trong quần chúng. Sinh viên Sài gòn và Huế tẩy chay trường ốc và nổi dậy đòi tự do phát biểu, đòi quyền biểu tình... Chính phủ trả lời bằng việc bắt bớ giam cầm hàng loạt sinh viên học sinh- một số lớn là con cháu các công chức của chính phủ. Điều này đã mặc nhiên gây phẫn nộ ngay trong những người thuộc chính quyền ông Diệm.
- Trong một hành động đổ thêm dầu vào lửa, bà Nhu (Trần Lệ Xuân) đã không chút mủi lòng trước việc các sư tăng tự hủy mình một cách đau đớn và thảm khốc cho ước nguyện của họ. Bà đã diễu các sư tự thiêu là “màn trình diễn nướng sư” (barbecue show) và nói với các ký giả ngoại quốc “Tôi sẽ vỗ tay thưởng thức một màn trình diễn “nướng sư” kế tiếp” và “Nếu các phật tử muốn xem một màn trình diễn “nướng sư” sau này thì tôi sẽ sẵn sàng cho thêm xăng”. Những lời nói này của bà Nhu và hình của bà được đăng trên tờ báo Time phát hành trên toàn nước Mỹ và thế giới. Khỏi nói thì ta cũng hiểu sự buồn nôn của dư luận trước những lời nói lạnh lùng và tàn nhẫn này. Bà Nhu đã từ lâu được coi là Đệ nhất phu nhân cuả thời Đệ Nhất Cộng hoà (ông Diệm không có vợ) và lời nói của bà có thể được coi là tiếng nói bán chính thức của chính quyền. Và những lời tuyên bố trên, được báo Mỹ đưa đẩy đã dẫn tới những thất vọng xâu xa của người Mỹ và cả thế giới tới mức coi rẻ cả một chế độ (của TT Diệm). Sử gia Mỹ Howard Jones phát biểu: “(những lời của bà Nhu) đã là cái đinh đóng quan tài cho chế độ ông Diệm”. Nhận thấy sự nguy hiểm này, đại sứ Mỹ tại VN lúc đó là Frederick Nolting nói với ông Diệm là nếu ông không lên án bà Nhu trước công luận, thì Người Mỹ buộc lòng phải ngưng hỗ trợ ông. Ông Diệm từ chối việc (lên án bà Nhu) này- và thay vào đó, ông lên án các sư.

Và chuyện gì xảy ra sau đó thì mọi người đã biết: Nước Mỹ và chính phủ Mỹ quay lưng lại với ông Diệm.  VN, một âm mưu lật đổ ông Diệm và thành phần không phải chỉ là những người đã chống đối ông trước kia, nhưng gồm cả những tướng lãnh trước kia đã từng ủng hộ ông, nay quay lại chống ông. Cuối cùng, tân đại sứ Mỹ tại VN Henry Cabot Lodge từ chối gặp ông Diệm nhưng lại tìm tới chùa Xá Lợi gặp các sư. Mọi chuyện đã rõ ràng về phiá người Mỹ. Và sau khi nghe về vụ các tướng lãnh âm mưu đảo chánh cùng với sự móc nối của Lucien Conein (một CIA Mỹ), Lodge bảo đảm ngầm với các tướng là Mỹ sẽ không can thiệp. Sau đó ông Diệm bị lật đổ và ông cùng ông Nhu bị ám sát ngày 1/11/63.

Sau khi ông Diệm bị ám sát, Hồ Chí Minh được phỏng vấn và trả lời báo chí: “Tôi không thể ngờ là người Mỹ có thể quá ngu như vậy”. Bộ Chính Trị Bắc Việt thì nói rõ hơn, nguyên văn:
“... Diệm là người mạnh nhất trong những kẻ chống lại Cách mạng và nhân dân. Tất cả những việc gì có thể làm để dẹp cách mạng đều được Diệm đem ra thi hành. Diệm là một trong những đầy tớ trung thành nhất cuả Đế quốc Mỹ (sic). Trong số tất cả những kẻ chống phá cách mạng ở miền Nam hay ở hải ngoại, không một người nào có đủ trình độ chính trị hay khả năng khuất phục người (như Diệm). Do đó chế độ tôi tớ miền Nam (sic) sẽ không thể ổn định sau Diệm. Vụ đảo chánh ngày 1/11/63 sẽ không phải là lần đảo chánh chót...”


Một vài suy nghĩ
                      Cuồn cuộn sông dài tuôn biển Đông
                      Sóng xô cát dập anh hùng
                      Tàn mơ thành bại cũng là không...  
Ông Diệm là một người mà ta có thể nói là suốt đời ông, không lúc nào ngưng lo toan cho đất nước. Từ những ngày làm Tổng đốc Bình Thuận cho tới khi làm Thượng thư dưới trào Bảo Đại và Pháp thuộc, ông không ngừng đòi tự chủ từ tay người Pháp, đòi có một đạo luật riêng cho người VN. Sau khi người Pháp từ chối những đòi hỏi này, ông từ chức – dù ai cũng biết chức Thượng thư không phải là một chức nhỏ trong triều đình. Trở về làm thường dân, ông xuôi ngược khắp Nam, Bắc, thường xuyên vô Sài gòn để tiếp xúc với cụ Phan Bội Châu vì cùng chung chí hướng. Do những hoạt động chống cộng sản của ông, ông bị Việt Minh bắt trên Cao Nguyên Trung phần, và sau đó suýt chết vì sốt rét và kiết lỵ. Rồi tới những ngày bôn ba hải ngoại: Âu châu và Mỹ. Tại Mỹ dưới sự bao bọc của Hồng Y Spellman, một tu sĩ có thế lực nhất trong hàng giáo phẩm ở Mỹ lúc đó, ông được giới thiệu với chính quyền Mỹ, gặp gỡ ngoại trưởng Dean Achison. Spellman giúp ông Diệm chinh phục sự hỗ trợ của phe hữu và giáo hội Công giáo My- cùng giúp tổ chức cho ông diễn thuyết tại các trường đại học miền Đông Mỹ: ông (Diệm) lập luận rằng Việt Nam chỉ có thể còn đứng trong thế giới tự do nếu người Mỹ hỗ trợ cho việc thành lập một chính quyền không có Việt minh và Pháp. Ảnh hưởng của ông tại Mỹ lên rất cao. Cuối cùng, dưới sự hỗ trợ của chính quyền Eisenhower lúc đó, Bảo Đại buộc lòng phải chỉ định ông làm Thủ tướng- dù trong lòng Bảo Đại không hề ưa ông Diệm.
Khi trở về VN, như đã nêu ở trên, ông đã bình định, dẹp nạn sứ quân và đưa miền Nam vào một giai đoạn thanh bình và phồn vinh đã từ lâu hiếm thấy trong lịch sử. Trong triều đại 9 năm của ông - tất nhiên có những việc làm một số người không vừa ý (không ai có thể vừa ý hoàn toàn với một chính quyền trong một thời gian dài như vậy- và chính vì nhận thấy điều đó, nên tại Tây phương, trong hầu hết các nước, người ta chỉ chấp nhận cho một chính quyền làm tối đa 2 nhiệm kỳ mà thôi) và lúc cuối triều đại ông, ông đã phạm một sai lầm lớn là ông đã gây ra và không giải quyết được vụ Phật giáo. Tuy nhiên, vì việc này, ông đã trả một giá cao nhất một con người có thể trả: đó là mạng sống của ông.
Nay nhìn lại những công lao của Tổng thống Ngô Đình Diệm, ta không khỏi bùi ngùi tiếc thương cho một con người suốt đời tận tụy vì dân vì nước. Như đã nêu ở phần đầu: có biết bao nhân vật lịch sử đã phạm những sai lầm lớn, nhưng vẫn có miếu thờ, có tượng đồng bia đá trơ gan cùng tuế nguyệt. Ông Diệm, dù không phải là một anh hùng dân tộc, nhưng cũng là một nhà lãnh đạo, trong hoàn cảnh rất khó khăn thù trong giặc ngoài- đã tạo thanh bình, phồn vinh cho miền Nam trong gần 10 năm. Ông há không đáng được có tượng đồng, bia đá hay sao? Vậy thì, đơn giản hơn- là ngày giỗ kỷ niệm ông Diệm là một ngày nên làm. Và để chứng tỏ sự hoà đồng dân tộc, ngày của ông Diệm không những chỉ có phiá cộng đồng, bên Công giáo tham dự mà thôi và qúy vị bên Phật giáo, nhất là các thầy bên phía Phật giáo - cũng nên tham gia để chứng tỏ sự từ bi đối với một con người mà tấm lòng đối với tổ quốc đã trải dài với trăng sao.

Hoà thượng Thich Quảng Đức: ngoài sự tôn sùng đạo Phật, ông cũng vô cùng thiết tha với tiền đồ dân tộc. Ta hãy đọc lại lá thư tuyệt mệnh của ông “Tôi trân trọng thỉnh cầu Tổng thống Ngô Đình Diệm hãy thương lấy toàn dân và xin áp dụng bình đẳng tôn giáo để duy trì sức mạnh cuả tổ quốc mãi mãi”. Người ta nói: người sắp chết bao giờ cũng nói lời thành thật. HT Quảng Đức trước khi tự thiêu vẫn canh cánh bên lòng: ngoài Phật giáo còn có Quốc gia dân tộc. Và, nếu không có bình đẳng tôn giáo thì quốc gia sẽ suy đồi. Quả thưc những gì xẩy ra sau đó đã chứng tỏ hùng hồn lời ông viết trong thư tuyệt mệnh. Ông đã hy sinh mạng sống của mình cho bình đẳng tôn giáo, cho sự hợp nhất để gây sức mạnh cho toàn dân. Vậy cái chết của ông có đáng được đời đời tưởng nhớ và suy tôn chăng?
Nay có người hỏi: có thật là không có bình đẳng tôn giáo dưới thời ông Diệm chăng? Xin thưa là rõ ràng có- và sự bất bình đẳng đó đã xảy ra rõ rệt hơn hết vào cuối trào của ông Diệm. Nếu có bình đẳng thì tại sao lại có chuyện cấm treo cờ Phật giáo trong lễ Phật Đản - nhưng lại không cấm phía Công giáo treo cờ trong những dịp lễ bên Công giáo? Có bình đẳng thì tại sao có chuyện khi dân chúng biểu tình tại Huế để phản đối lệnh cấm treo cờ, thì bị dẹp một các tàn nhẫn và 9 người trong đám biểu tình bị bắn chết? Có bình đẳng thì tại sao sau đó có lệnh cấm biểu tình trên toàn quốc (để nói lên tiếng nói chính đáng: đòi hỏi tự do tôn giáo của mình) và lệnh bắt giam những người vi phạm?
Có người nói: vụ HT Quảng Đức tự thiêu và những hậu quả sau đó là có bàn tay cộng sản nhúng vào. Thì ta phải nhìn nhận là cộng sản chỉ mong chờ những điều này giúp chúng lật đổ ông Diệm - một người mà chúng cho là một địch thủ đáng gờm trước mắt chúng. Sự thực này chúng đã tự thú khi ông Diệm bị đổ. (Như đã nêu trên theo trả lời phỏng vấn của Hồ và Bộ chính trị CS). Nhưng nhìn lại cho kỹ thì những sự việc xảy ra không thể nào đổ cho Cộng sản được: Cộng sản nào có thể xúi chính phủ cuả Tổng thống Diệm cấm treo cờ trong ngày Phât đản 1963, để rồi đưa tới thảm cảnh? Cộng sản nào xúi cảnh sát tại Huế bắn vào đám biểu tình trước đài phát thanh Huế để tạo thêm căm phẫn? Cộng sản nào ra lệnh tấn công vào tất cả các chùa chiền trên khắp đất nước, phá tượng Phật, lục soát chùa, bắt giam tăng ni? Cộng sản nào xúi bà Ngô Đình Nhu tuyên bố những lời lạnh lùng, tàn nhẫn trước việc các sư tăng tự thiêu trong muôn vàn đau đớn, để đưa tới việc người Mỹ, thế giới và cả những người, những tướng lãnh ủng hộ ông Diệm xa lánh ông- và cuối cùng cộng sản nào xúi ông Diệm không lên án bà Nhu và sau đó để mọi người hiểu ngầm rằng ông... cũng đồng ý với bà?
Nay ngược lại trong thời điểm đó, nếu ông Diệm lên án bà Nhu; cũng như nếu nhìn thấy cơ nguy trước mắt, ông tạm dẹp lòng tựa ái, tới dự đám tang HT Quảng Đức và nói vài lời tiếc thương... thì công luận đối vói ông, kể cả người Mỹ và các tướng lãnh - sẽ có thể hoàn toàn đổi khác.
Tất cả những điều trên ta không thể nào đổ cho cộng sản – mà sự thực là những sai lầm cuả ông Diệm và chính quyền của ông.
Trở lại với HT Quảng Đức, có người nói: cộng sản tôn vinh ông, lập công vìên Quảng Đức để gây chia rẽ Phật giáo và Thiên chúa giáo? Và như vậy là ta không nên làm theo và mắc mưu chúng? Xin thưa là không phải những gì cộng sản làm ta đều phải lánh xa. Cộng sản tôn thờ Lê Lợi, Quang Trung... ta cũng phải lánh xa Lê Lợi, Quang Trung chăng? HT Quảng Đức là một con người cao cả, đáng được tôn thờ, không những bởi những người cộng sản - mà cả những người tự do, dù là theo Phật giáo hay Thiên chúa giáo. Sự hy sinh cho niềm tin cuả ông và cho sự đoàn kết gây sức mạnh cho dân tộc ghi trong thư tuyệt mệnh đáng được khâm phục và đời đời tưởng nhớ- cho dù rằng ta có cùng chung niềm tin với ông hay không. Và ngày tưởng niệm ông, đáng được mọi người tham dự: không những những người bên phía Phật giáo, mà ta nên kỳ vọng cả những người bên Công giáo, những cha, thầy, và về phía cộng đồng: chủ tịch cộng đồng cùng những người khác....

Lịch sử chỉ có ý nghĩa khi mà sự việc xảy ra, ta nhìn thấy đâu là lẽ phải, đâu là người có công, đâu là kẻ có lòng và ta đã học được một bài học, để dành cho những người đó tấm lòng tôn kính, để nuôi dưỡng những kẻ có lòng mai sau. Lịch sử sẽ chẳng có y nghĩa gì khi chuyện xảy ra trước mắt mà ta không nhận được đâu là lẽ phải, đâu là kẻ có lòng, người có công- và sau này, dù có lấy lại được đất nước về tay cộng sản- ta sẽ lại đi vào vết xe đổ nếu ta gặp những hoàn cảnh tương tự.
    Bs.Vũ Ngọc Tấn
08/07/13

No comments:

Post a Comment