Đã nhiều ngày qua, gia đình và bạn bè của 2 nhà yêu nước trẻ tuổi đã cố gắng để đi thăm nuôi trước phiên tòa. Họ đã gặp phải nhiều sự trở ngại từ phía cán bộ trại giam. Mẹ của Nguyên Kha, bà Kim Liên, đã không được phép vào thăm con trai, làm cho bà rất đau buồn. Chỉ có luật sư biện hộ được vào trao đổi vài câu ngắn ngủi , ông cho biết mặc dù cả 2 phải chịu nhiều áp lực, đe dọa và thậm chí đánh đập của cai tù nhưng họ vẫn điềm tỉnh và có tinh thần rất tốt.
Hôm nay, từ sáng sớm, hàng trăm công an và xe cảnh sát đã được huy động đến trước tòa. Khi những người ủng hộ đến, thì họ bị chặn lại, bị đuổi đi và bi hăm dọa. Mặc dù đây đáng lẽ là 1 phiên tòa công khai, không ai đến gần được Tòa án chứ đừng nói là vào bên trong. Vài bloggers cầm theo băng rôn với dòng chữ “Phương Uyên và Nguyên Kha vô tội” đã bị đuổi bắt, băng rôn tịch thâu và xé bỏ. Khi một số người, bao gồm 1 bà mẹ với cậu con nhỏ, bi bắt bỏ lên xe công an chở đi, thì những người còn lại đã nằm ngay xuống trước mũi xe để cản đường. Họ cũng nắm tay nhau, đi vòng quanh và hô to “Tự do cho Uyên Kha”, “Uyên Kha vô tội”. Thật là một cảnh tượng hỗn loạn ngay trước cửa tòa án.
Ngay cả 2 bà mẹ của Uyên và Kha, bà Nhung và bà Kim Liên, đã không được phép vào bên trong tòa. Bà Nhung đứng bên ngoài cổng tòa, gục đầu vào hàng song sắt và khóc nức nở. Lá cờ cộng sản, thắm đỏ máu người dân, bay lặng lẽ trên đầu bà. Hình ảnh này đã lan tràn trên Facebook và làm cho những người quan tâm rất phẫn nộ.
Trong khi gia đình và những người ủng hộ kiên trì bao quanh tòa, thì hàng ngàn người khác, trong đó có tôi, từ khắp nơi trên thế giới, đang ngồi dán mắt vào máy vi tính, theo dõi từng mẩu tin lọt ra được khỏi mạng lưới ngăn chận của công an. Mỗi tin tức dù nhỏ cũng được mau chóng lan truyền trên mạng, từ Facebook đến Paltalk đến Yahoo Messengers. Cảm xúc dâng tràn cao độ. Đến cuối ngày, khi quyết định cuối cùng được ban ra: Nguyễn Phương Uyên được giảm án từ 6 năm tù giam xuống còn 3 năm quản chế, Đinh Nguyên Kha được giảm án từ 8 năm tù giam xuống còn 4 năm, người ta tưởng có thể nghe được tiếng reo mừng chiến thắng vỡ òa từ những dòng chữ chạy như bay trên màn hình vi tính.
Quả vậy, đây là thắng lợi đầu tiên của những người tranh đấu cho dân chủ tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên một người ra tòa với tội danh như thế rời khỏi tòa mà không bi án tù giam. Mặc dù đây mới là thắng lợi nhỏ nhoi, nhưng nó cũng đủ cho người ta một hy vọng. Đã thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Những người cẩn thận hơn thì nhắc chừng mọi người rằng vẫn còn hàng trăm người bất đồng chính kiến và tù nhân lương tâm bị giam cầm, và ngay chính Nguyên Kha vẫn phải chịu án, vì thế không thể mất cảnh giác mà phải tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa cho tự do của những người còn lại.
Sự thật thì hầu như ai cũng dư biết điều này không có nghĩa là đảng cộng sản có ý định gì tốt đẹp. Mọi người vẫn nhớ rõ cách đây không lâu, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp gỡ với ông Obama, Tổng thống Hoa Kỳ, và đã có những trao đổi nghiêm chỉnh về vấn đề nhân quyền. Rất rõ ràng là để Mỹ cho Việt Nam ân huệ gì thì đảng cộng sản Việt Nam bắt buộc phải giảm bớt những vi phạm nhân quyền của mình.
Việt Nam đã rất hy vọng được vào TPP (Chiến lược hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương) để hòng cứu lấy nền kinh tế kiệt quệ, và đã xin để được vào Tổ Chức Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc từ nhiều năm qua. Những ai có theo dõi đều thấy rõ là Việt Nam sẽ phải nhượng bộ nhiều trong những điều luật đàn áp người bất đồng chính kiến ôn hòa, để được chấp nhận cho vào 1 hoặc cả 2 tổ chức trên. Có vẻ như nhà nước cộng sản Việt Nam đã quyết định bước đầu tiên về hướng này là thả Phương Uyên, 1 người nữ và là người trẻ tuổi từng bị bắt và kết án.
Trong tương lai gần, những người tranh đấu cho dân chủ cho Việt Nam vẫn còn 1 cuộc chiến gian khổ phải đương đầu. Còn cần rất nhiều áp lực từ trong lẫn ngoài nước, với thật nhiều sự hỗ trợ từ các tổ chức Nhân quyền, để có thể ép nhà cầm quyền Việt Nam phải từ từ thả hết những người tù chính trị còn lại.
Nhưng dù sao, mùi vị chiến thắng lúc này cũng rất ngọt ngào, và nhiều người đang cùng nhau ăn mừng!
No comments:
Post a Comment