Monday, August 26, 2013

VIỆT NAM MUỐN QUẢN LÝ VIBER


Trọng Nghĩa (RFI) – Nhân cuộc họp ngày 07/08/2013 vừa qua về giá cước điện thoại quốc tế tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã « chỉ đạo » cho Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam là cần sớm ban hành « chính sách quản lý » các dịch vụ liên lạc miễn phí qua mạng Internet. Nội dung yêu cầu này được nêu lên trong thông báo 312/TB-VPCP đề ngày 16/08. Xuất phát từ yêu cầu của các tập đoàn viễn thông nhà nước Việt Nam, đang sợ bị thiệt hại, đề nghị này đã tạo ra lo ngại về khả năng chính sách mới sẽ lại là một công cụ kiểm duyệt internet.

Trong thời gian một hai năm gần đây, các dịch vụ nhắn tin, gọi điện thoại miễn phí thông qua đường Internet – thuật ngữ tiếng Anh là OTT (Over The Top) – đã ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam. Các công cụ như Viber, Line, WhatsApp… – gắn trên điện thoại thông minh smartphone – càng lúc càng được nhiều người sử dụng.

Tình hình này đang tác hại đến doanh thu của các tập đoàn, công ty điện thoại truyền thống trong nước, đặc biệt trong bối cảnh lượng người dùng smartphone có xu hướng gia tăng. Hãng tin Anh Reuters, dựa theo một báo cáo từ Google, cho biết là Việt Nam hiện đã có 17 triệu người dùng điện thoại thông minh.

Theo Reuters, phát biểu với báo chí trong nước, một đại diện của Viettel, một trong những nhà cung cấp mạng điện thoại lớn nhất của Việt Nam báo động là Viettel có thể sẽ mất đến 50% doanh thu nếu tất cả 40 triệu khách hàng của tập đoàn này sử dụng Viber thay vì dùng các dịch vụ gọi điện thoại hay gởi tin nhắn truyền thống.

Báo chí Việt Nam cũng trích lại một số lời báo động từng được các tập đoàn Việt Nam đưa ra công khai, theo đó do sự phát triển của các dịch vụ OTT trong thời gian qua, Viettel và MobiFone bị thất thu khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm, trong lúc VNPT cũng bị mất từ 9% đến 10% doanh thu.

Các tập đoàn này do đó đã yêu cầu chính quyền sớm ban hành chính sách quản lý các dịch vụ OTT. Trước mắt, có ý kiến cho rằng Nhà nước nên nghiêm cấm việc dùng các dịch vụ này, vốn do các hãng ngoại quốc không có văn phòng tại Việt Nam cung cấp. Theo một số chuyên gia Việt Nam, việc sử dụng các công cụ này đặt ra vấn đề « an ninh chủ quyền Việt Nam ».

Đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng như vậy đã đáp ứng yêu cầu sớm ban hành chính sách, nhưng không thấy đề cập đến yêu cầu cấm đoán. Cho dù vậy, theo hãng Reuters, chủ trương kiểm soát dịch vụ OTT có thể khiến cho những lo ngại về sự kiểm duyệt của Đảng Cộng sản gia tăng vào lúc Việt Nam đã nhiều lần bị chỉ trích vì các biện pháp bị cáo buộc là nhằm kềm chế tự do ngôn luận và trấn áp các blogger đã dám chỉ trích chế độ độc đảng.

Thái độ quan ngại càng tăng khi « chỉ đạo » của Thủ tướng Việt Nam – theo Reuters – đã không giải thích rõ ràng những gì chính phủ dự định tiến hành, tương tự như nhiều quy định khó hiểu khác, trong lúc truyền thông nhà nước lại gợi lên khả năng « cấm » tất cả các dịch vụ OTT.

Một nguyên do khác gây lo ngại là tuyên bố của Thủ tướng Dũng được đưa ra hai tuần sau khi chính phủ ra lệnh cho tất cả các mạng web nước ngoài, trong đó có Facebook, là phải đặt ít nhất là một máy chủ ở Việt Nam.

Reuters đã trích lời một nhà ngoại giao xin giấu tên nhấn mạnh rằng: «Điều này tương tự như một bước mới của chính phủ (Việt Nam) nhằm kiểm duyệt người dùng internet. Một khi không thể kiểm soát được, thì họ sẽ chặn tất cả ».

Ả Rập Xê Út vào tháng Sáu vừa qua đã cấm Viber, sau khi gặp khó khăn trong việc kiểm soát và trước tình hình các công ty viễn thông được phép hoạt động bị thất thu.

Tuy nhiên, trả lời hãng Reuters, ông Jong Buhm Park, Giám đốc điều hành của hãng NHN Việt Nam, nhà phát triển ứng dụng Line của Nhật Bản, đã có nhận định lạc quan hơn. Theo ông, sẽ không có lệnh cấm vì : « Chính phủ Việt Nam có nhiều lựa chọn khác, như yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ OTT hợp tác với các tập đoàn viễn thông Việt Nam ».

Trọng Nghĩa (RFI)

No comments:

Post a Comment