CHƯƠNG 7
BIỆN PHÁP THANH TRỪNG
● Tình hình từ tháng 12/1956 đến tháng 2/1958
Nhân Văn Giai Phẩm xuất hiện từ tháng 8/1956 đến tháng 12/1956.
Cuối tháng 12/1956, tất cả những tờ báo có khuynh hướng theo NVGP, đều bị đình
bản.
Từ 20 đến 28/2/1957, tại Đại Hội Văn Nghệ II, họp ở Hà Nội,
có khoảng 500 đại biểu, Trường Chinh kêu gọi đấu tranh "đập
nát" NVGP.
Tuy nhiên Trung Quốc chưa dẹp phong trào "Trăm hoa đua
nở, trăm nhà đua tiếng", cho nên Đảng Lao Động chưa thể mạnh tay với trí
thức văn nghệ sĩ: đầu tháng 4/1957, Hội Nhà Văn chính thức thành lập thay
Hội Văn Nghệ, Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh vẫn được bầu vào ban chấp hành.
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 65 Nguyễn Du, do Tô Hoài, Hoàng Cầm, Đoàn Giỏi phụ trách. Hoàng Cầm đại diện miền Bắc, Đoàn Giỏi, nhà văn tập kết, đại diện miền Nam. Tô Hoài làm chủ nhiệm. Theo Hoàng Cầm, Tô Hoài thường lấy cớ đi sáng tác, để ông quán xuyến mọi việc, cho nên trong vòng mười tháng, ông đã in được tập Bài thơ trên ghế đá của Lê Đạt cùng với thơ Vĩnh Mai; tập thơ Quang Dũng và Trần Lê Văn. Vừa chuẩn bị xong tập thơ Hữu Loan, chưa kịp in, thì có lệnh đình chỉ để chuẩn bị cho một lớp học chính trị, nhưng thực chất là lớp học tập toàn thể văn nghệ sĩ để đấu -có thể nói là đấu hơn địa chủ nữa- đấu tư tưởng NVGP[1].
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 65 Nguyễn Du, do Tô Hoài, Hoàng Cầm, Đoàn Giỏi phụ trách. Hoàng Cầm đại diện miền Bắc, Đoàn Giỏi, nhà văn tập kết, đại diện miền Nam. Tô Hoài làm chủ nhiệm. Theo Hoàng Cầm, Tô Hoài thường lấy cớ đi sáng tác, để ông quán xuyến mọi việc, cho nên trong vòng mười tháng, ông đã in được tập Bài thơ trên ghế đá của Lê Đạt cùng với thơ Vĩnh Mai; tập thơ Quang Dũng và Trần Lê Văn. Vừa chuẩn bị xong tập thơ Hữu Loan, chưa kịp in, thì có lệnh đình chỉ để chuẩn bị cho một lớp học chính trị, nhưng thực chất là lớp học tập toàn thể văn nghệ sĩ để đấu -có thể nói là đấu hơn địa chủ nữa- đấu tư tưởng NVGP[1].
Ngày 10/5/1957, Hội Nhà Văn ra tuần báo Văn, với Nguyễn Công
Hoan, chủ bút, Nguyễn Tuân, phó chủ bút, Nguyên Hồng, tổng thư ký. Lúc đầu Văn
theo đường lối chính thống, nhưng đến khi Thế Toàn trên báo Học Tập của Đảng
lên tiếng chê báo Văn "nghèo nàn", "xa rời thực tế cách mạng", Nguyên
Hồng bèn trả lời[2] phê
bình Thế Toàn "quan liêu", "trịch thượng".
Cuộc bút chiến giữa Văn và Học Tập khiến Bộ Chính Trị chú ý. Rồi
Văn dần dần thay đổi thái độ: một số cây bút cũ trong NVGP xuất hiện lại trên
Văn. Văn số 21 ra ngày 27/9/1957 đăng bài thơ Lời mẹ dặn của Phùng
Quán. Số 24, ra ngày 18/10/57 đăng kịch thơ Tiếng hát của Hoàng Cầm.
Số 28, ngày 15/11/1957, bài thơ Hãy đi mãi của Trần Dần, và số 30,
ngày 29/11/1957, hý hoạ của Trần Duy chế giễu chế độ văn nghệ của Đảng.
Năm 1957, Hồ Chí Minh đi thăm Liên Xô, Mông Cổ, Bắc Triều Tiên,
có ghé Bắc Kinh học hỏi kinh nghiệm. Cuối năm 1957, Mao Trạch Đông hạ lệnh đánh
phái hữu. Tố Hữu, Huy Cận, Hà Xuân Trường[3] được
cử sang học tập Trung Quốc. Khi họ trở về, Đảng mới thực thụ áp dụng chính
sách đàn áp của Bắc Kinh.
Ngày 6/1/1958, Bộ Chính Trị ra nghị quyết số 30 về văn nghệ.
Tinh thần nghị quyết dựa trên hai điểm chính:
1- Trình bày các hiện tượng chống lại đường lối văn nghệ của Đảng:
"Về văn học nghệ thuật, ranh giới giữa tư tưởng văn nghệ của
Đảng và tư tưởng văn nghệ tư sản đã bị xóa nhòa. Trên tuần báo Văn và
trong một số sách xuất bản hoặc tái bản, đã biểu hiện khuynh hướng xa rời thực
tế đời sống của nhân dân lao động ở nông thôn và thành thị, thoát ly chính trị
và không nhằm đúng những nhiệm vụ trung tâm của cách mạng trong giai đoạn mới.
Những tình cảm cá nhân chủ nghĩa đang có chiều hướng phát triển, những chủ đề lớn
do đời sống thực tại đề ra không được chú ý. Hình ảnh công nông binh phấn đấu
dũng cảm trong hòa bình mờ nhạt trong văn thơ và trong các tác phẩm nghệ thuật
khác. Nhiều quan điểm văn nghệ của giai cấp tư sản lại được nêu lên.
Cuộc tranh luận giữa tạp chí Học Tập và báo Văn gần đây lại là một
biểu hiện cụ thể của cuộc đấu tranh giữa đường lối văn nghệ của Đảng với khuynh
hướng chống lại hoặc xa rời đường lối đó. Tư tưởng chủ đạo biểu hiện trên báo
Văn chính là tư tưởng tách rời đường lối văn nghệ phục vụ công nông binh, tách
rời những nhiệm vụ trung tâm của cách mạng trong giai đoạn hiện tại, tách rời sự
lãnh đạo của Đảng.”
2- Phải tìm cách giải quyết ngay:
"Rõ ràng những phần tử chống chủ nghĩa xã hội, chống Đảng
đã nhân chỗ sơ hở của ta mà tiếp tục tiến công ta về mặt tư tưởng dưới hình thức
văn nghệ. Sự hoạt động của những phần tử phá hoại trong giới văn nghệ là một hiện
tượng hết sức nguy hiểm, một vấn đề cấp bách cần giải quyết (...) Chúng truyền
bá những tài liệu và những báo chí phản động. Dưới chiêu bài “chống giáo điều,
máy móc”, chúng gieo rắc những nọc độc của chủ nghĩa xét lại trong văn nghệ, nhằm
lôi kéo văn nghệ sĩ đi vào con đường nghệ thuật tư sản suy đồi. Trước những hoạt
động có hại đó, số đông văn nghệ sĩ, kể cả một số văn nghệ sĩ đảng viên, đã mất
cảnh giác hoặc bị động, không kiên quyết đấu tranh, thậm chí một số còn hùa
theo chúng".
Văn bị đình bản ở số 36, ra ngày 10/1/1958, trong có đăng
bài Ông Năm Chuột của Phan Khôi.
Tháng 2, 3 và 4/1958, Đảng Lao Động tổ chức hai "hội
nghị" quan trọng ở ấp Thái Hà.
● Biện pháp thanh trừng đối với
văn nghệ sĩ: "Hội nghị" Thái Hà
Thi hành tinh thần nghị quyết số 30, ngày 6/1/58 của Bộ Chính Trị,
Đảng tổ chức hai lớp học tập đấu tranh "chống bọn Nhân Văn Giai Phẩm" ở
Thái Hà ấp, chính thức gọi là hai "Hội nghị nghiên cứu nghị quyết của Bộ
Chính Trị Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, kết hợp với hai bản
Tuyên Ngôn và Tuyên Bố của hội nghị các Đảng Cộng Sản và các Đảng Công Nhân họp
ở Mạc Tư Khoa cuối năm 1957". Duy chỉ có Hồng Cương, gọi thẳng tên là hai
lớp chỉnh huấn chính trị.
"Hội nghị" đầu, tổ chức tháng 2/58, dành riêng
cho 172 đảng viên, theo Lê Đạt là để học tập cách "phát hiện" và "tố
giác", chuẩn bị cho hội nghị sau, tháng 3-4/58, 304 người, gồm
các đảng viên, quần chúng và những người ngoài đảng đã tham gia NVGP, dốc toàn
lực đấu tranh chống NVGP. Phương pháp này đã áp dụng trong Cải Cách Ruộng Đất
dưới hình thức khác: Giảm Tô là giai đoạn một, Cải Cách Ruộng Đất chính thức là
giai đoạn 2. Và cũng đã áp dụng trong thời điểm đánh Trần Dần: Đại hội Tuyên huấn
trước, rồi Đại hội Văn nghệ sĩ. sau.
Văn Cao, Đặng Đình Hưng, Phùng Cung... "được" dự
hội nghị đầu, vì là đảng viên. Lê Đạt, Hoàng Cầm, Trần Dần, Tử Phác... chỉ "được" đi
hội nghị sau, vì Lê Đạt đã bị khai trừ khỏi Đảng từ tháng 5/57, sau khi in bài
thơ dài Cửa hàng Lê Đạt, bị cấm. Hoàng Cầm không ở trong đảng. Trần Dần, Tử
Phác đã xin ra khỏi đảng từ trước. Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Trần Duy, là những "phần
tử xấu", không được dự cả hai "hội nghị". Ở "hội
nghị" thứ hai, mọi người phải viết bài "thú nhận", sau
đăng báo.
Thành quả hai "hội nghị" được chính thức ghi
lại trong bài Cái ổ chuột "Nhân Văn Giai Phẩm" bị vạch trần trước
ánh sáng của dư luận", như sau:
"Đầu năm 1958, có hai cuộc hội nghị của anh chị em công tác
văn nghệ, nghiên cứu nghị quyết của Bộ Chính Trị Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng
Cộng Sản Việt Nam, kết hợp với hai bản Tuyên Ngôn và Tuyên Bố của hội nghị các
Đảng Cộng Sản và các Đảng Công Nhân họp ở Mạc Tư Khoa cuối năm 1957. Hội nghị đầu,
tháng 2 năm 1958, gồm 172 người dự. Hội nghị sau, tháng 3 năm 1958, gồm 304 người
dự.
Qua hai cuộc hội nghị ấy, tất cả những "nhân vật" bỉ ổi
đã được phát hiện, tất cả nhũng âm mưu, luận điệu, thủ đoạn đều bị vạch trần.
Những con chuột đã phải bò ra khỏi cống. Những người tự giác hay không tự giác
gần gũi với những con chuột ấy cũng đã tự giác tự phê bình. Đây là bước cuối
cùng của trận chiến đấu chống «Nhân văn-Giai phẩm» trong thời kỳ 1956-1958.
Qua sự phát hiện của hai cuộc hội nghị nói trên, chúng ta được
biết nhóm phá hoại "Nhân văn-Giai phẩm" bao gồm những tên "đầu sỏ",
những "cây bút" đã viết "hoặc nhiều hoặc ít" cho "Nhân
văn-Giai phẩm" như: Thụy An, Nguyễn hữu Đang, Trần thiếu Bảo, Trương Tửu,
Trần đức Thảo, Phan Khôi, Trần Duy, Trần Dần, Lê Đạt, Tử Phác, Đặng đình Hưng,
Hoàng Cầm, Sĩ Ngọc, Chu Ngọc, Văn Cao, Nguyễn văn Tý, Phùng Quán, Hoàng tích
Linh, Trần Công, Trần Thịnh, Phan Vũ, Hoàng Huế, Huy Phương, Vĩnh Mai, Như Mai
tức Châm văn Biếm, Hữu Thung, Nguyễn khắc Dực, Hoàng tố Nguyên, Hoàng Yến,
Thanh Bình, Yến Lan, Nguyễn thành Long, Trần lê Văn, Lê đại Thanh v.v...
Nhưng đó không phải là tất cả (còn những tên chưa ra mặt). Và
cũng không phải tất cả những "cây bút" trên đây đều có những hành động
phá hoại giống nhau, hoặc phá hoại với những mức độ giống nhau. Có bọn đầu sỏ,
có bọn phụ họa, có người bị lôi cuốn vì ngây thơ chính trị...[4].
Những dòng đây trên đưa đến hai nhận xét:
1- Những tên tuổi liệt kê trong danh sách, đã được xếp đặt theo
trật tự "tội" nặng, nhẹ: trí thức đứng đầu, rồi mới đến văn nghệ sĩ.
2- Tuy Hồ Chí Minh thân chinh và gửi thêm Tố Hữu, Huy Cận, Hà
Xuân Trường đi học tập chính sách đàn áp ở Trung Quốc, nhưng khi thi hành, Đảng
tránh nói đến Bắc Kinh, mà nêu cao việc "nghiên cứu nghị quyết của Bộ
Chính Trị" và "hai bản Tuyên Ngôn và Tuyên Bố của Đảng Cộng
Sản và Đảng Công Nhân Mạc Tư Khoa cuối năm 1957".
● Hoàng Cầm thuật lại tổ chức "hội nghị" Thái Hà
Theo Hoàng Cầm trong băng ghi âm:
Hội nghị Thái Hà được tổ chức tại trường Tuyên Huấn Trung Ương,
trước là trường Đại Học Nhân Dân, gần lăng Hoàng Cao Khải, trên đường từ Gò Đống
Đa xuống Ngã Tư Sở, trước cửa Đại Học Thủy Lợi.
Giảng viên là cán bộ từ Trung Ương lên Bộ Chính Trị, các bộ trưởng...
có Lê Duẩn, Hoàng Tùng... không thấy Trường Chinh. Lê Đức Thọ chỉ đến hôm khai
giảng, không nói gì. Tố Hữu là giám đốc trường, ban lãnh đạo cạnh Tố Hữu có những
tay chân đắc lực như Nguyễn Đình Thi, Huyền Kiêu, Chính Hữu, Vũ Tú Nam, Huy Cận,
Xuân Diệu...
Có khoảng 300 người, chia làm 15 hay 16 tổ, mỗi tổ có một tổ trưởng,
một tổ phó, và một thư ký. Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Tử Phác, Hữu Loan,
Phùng Quán, Quang Dũng, Trần Lê Văn... mỗi người một tổ, anh em Nhân Văn không
được 2 người ở chung một tổ, họ sợ để 2 người, sẽ hỗ trợ cấu kết với nhau khó
điều khiển.
Tổ của tôi có Nguyễn Khải là tổ trưởng. Lê Khang, tổ phó, Bàng
Sĩ Nguyên, thư ký. Như vậy là họ đánh mình giáp là cà, chứ không đánh xa xôi
gì, tức là họ để cho Nguyễn Khải, một đảng viên sắc sảo, trẻ tuổi, rất trung
thành với xã hội chủ nghiã, làm tổ trưởng. Được chọn làm tổ trưởng thì phải là
người chống bọn Nhân Văn một cách quyết liệt. Nguyễn Khải là tay mới nổi tiếng,
được ông Tố Hữu thích lắm, mới viết một bút ký tên là Xung đột, đăng ở Văn
Nghệ Quân Đội về cuộc đấu tranh chống những linh mục, giám mục mà người ta cho
là những kẻ phản động, làm việc cho phòng nhì Pháp, vì là công giáo nên được ở
lại miền Bắc. Một bên là chính phủ ta, đảng ta, một bên là công giáo. Nguyễn Khải
viết truyện ấy được các cấp lãnh đạo ca ngợi lắm cho là người sắc nước trong cuộc
đấu tranh. Tôi rất ngại Nguyễn Khải, ngại cái trò sắc sảo, mới lên, được Trung
ương tín nhiệm.
Anh Lê Khang, tổ phó, là người đã đi sát với tôi từ 1952, trước
đó, anh là đoàn trưởng và là chính trị viên của đoàn văn công trường Lục quân
Việt Nam đóng bên Trung Quốc. Anh Lê Khang là người thẳng thắn, tốt bụng.
Tôi sợ và ghê tởm nhất là thư ký Bàng Sĩ Nguyên[5],
trước kia hắn là chính trị viên cho đoàn tôi ở Việt Bắc, lúc đó hắn là kẻ vô
danh tiểu tốt, có viết lách vớ vẩn. Hắn có một vở kịch dở lắm, trong vòng thảo
luận với anh em có lần tôi lấy ví dụ viết kịch như Bàng Sĩ Nguyên là dở, chuyện
đến tai hắn, hắn thù tôi từ đấy, hắn bịa chuyện tôi đạo văn nhưng không có hiệu
quả gì. Người xấu lắm, mắt lồi, trắng dã, mồm vêu, răng vẩu, người gầy đét, má
hóp nhỏ tí, thấy cấp trên thì khúm núm, cổ rụt lại. Bây giờ hắn lại làm thư ký
của tổ, thì mình vào tay nó rồi, tha hồ nó bới móc.
Sau 15 ngày học "lý thuyết", bắt đầu vào kiểm điểm.
Ban lãnh đạo cho 7 ngày để viết kiểm điểm, không phải lên lớp, mỗi người cứ lặng
lẽ viết. Tôi viết khoảng 100 trang giấy học trò, có thể coi là bản hồi ký cực
đúng về những việc đã diễn ra từ khi hoà bình lập lại. Viết tự kiểm điểm thì phải
tự tố lên, tự mình xỉ vả mình, để trên người ta thấy mình "thành khẩn học
tập", và như vậy là có kết quả.
Vào giai đoạn phải đem bản khai của mình ra đọc cho tổ nghe, để
tổ phê phán trước, giai đoạn này kéo dài độ nửa tháng; thì một hôm Quang Dũng đến
tìm tôi, gọi ra chỗ kín đáo, anh bảo: Tôi bị nó đấu dữ quá, nó bảo tôi là
bí thư Quốc Dân Đảng, chui vào làm chủ báo Nhân Văn để phá hoại toàn bộ văn nghệ
sĩ. Tôi hỏi: Thế ai làm tổ trưởng bên ấy? Anh nói: Bùi Huy
Phồn (hay ai tôi không nhớ rõ lắm, nhưng cũng vào cái loại ấy, tức là cực kỳ
trung thành với Tố Hữu). Tôi bảo: Cái thằng ấy nó làm tổ trưởng thì
nguy thật. Quang Dũng mặt tái đi, chắc sáng nay nó đấu anh ghê lắm, anh cầu
cứu tôi: Ông nói làm sao cho cả lớp, cả trường biết, tôi có tham gia Nhân
Văn đâu, tôi có bao giờ họp hành gì đâu, tôi đã nói tôi chẳng biết gì về Nhân
Văn cả, anh Hoàng Cầm xin bài thì tôi đưa một bài thơ tình mà cũng chỉ đăng ở
Giai Phẩm. Thương bạn quá, lúc đó mà bị kết án là trùm Quốc Dân Đảng thì sợ
thật, có thể nó đem ra xử bắn ngay. Tôi an ủi anh:Anh yên chí, tôi đã viết tỉ mỉ,
tôi báo cáo hết mọi việc Nhân Văn từ đầu đến cuối rồi. Hôm trước tôi đã đọc
xong 100 trang báo cáo cho tổ rồi, còn đang trong tình trạng phê phán toàn tổ.
Thế là tôi báo ngay cho Nguyễn Khải, bảo Khải chiều nay lên báo với lãnh đạo là
tôi xin lên "báo cáo điển hình" vì tôi là người hoạt động số
một, ngay từ khi chưa có Nhân Văn đến khi báo đóng cửa. Tôi xin báo cáo tất cả
mọi hoạt động và ý nghiã của nó cho toàn trường. Nguyễn Khải hoan nghênh lắm, vừa
mới bước vào kiểm điểm mà Hoàng Cầm đã xin lên nói điển hình như thế, giúp toàn
trường đạt kết quả mau chóng.
Ngày hôm sau tôi lên báo cáo từ 7g30 đến 11g30, nghỉ cơm trưa, rồi
nói từ 2g đến 5g30, nghỉ cơm tối, rồi lại tiếp tục từ 7g30 đến 11g đêm, tổng cộng
hơn 10 tiếng đồng hồ. Sau 11g30 trưa hôm đó, anh Quang Dũng đến tìm tôi vui vẻ: Ông
cứu sống tôi đấy. Nó buộc tội Quang Dũng chỉ vì nó tìm được cái ảnh anh chụp
bên Vân Nam, mặc áo đại cán Tôn Dật Tiên, lại chụp chung với Nhất Linh. Chụp ảnh
với trùm Quốc Dân Đảng Nhất Linh là chết rồi! Tuổi trẻ, óc giang hồ, lại mê văn
Nhất Linh, cho nên anh lấy tên Dũng, nhân vật của Nhất Linh mà đặt tên mình.
Sau khi tôi đọc bài báo cáo điển hình rồi thì về lớp học đến phần
phê phán tác phẩm. Nguyễn Khải lấy quyền tổ trưởng át giọng, trấn áp, tôi muốn
phân trần điều gì, hắn cắt ngay: Im mồm đi! Hắn còn bảo tôi: Gái
đĩ già mồm!, Bàng Sĩ Nguyên là tay khốn nạn nhất, chỉ bới lông tìm vết. Họ
dành 5 ngày để phê phán tác phẩm của tôi. Phê phán ghê lắm, từng bài thơ một,
phê phán cả ngày, từng câu, từng chữ, dùng đủ mọi danh từ, thơ đểu, vu cáo cho
Đảng... Xong thơ đến văn, tên Bàng Sĩ Nguyên phê phán ghê nhất, rồi đến Nguyễn
Khải sắc sảo ra cái vẻ có học hơn, anh Lê Khang chỉ ôn tồn nói rằng tôi
không hiểu gì lắm về thơ, làm thơ không đúng với chính sách của Đảng. Anh đúng
là con người có tình.
Sau báo cáo của tôi thì có ba người mừng là Quang Dũng, Trần Lê
Văn và Thanh Châu, nhưng ông Văn Cao bảo tôi hèn: Mày báo cáo như thế là
hèn, việc gì mày phải khai hết ra? Mày bán anh em à?
Không, tôi chỉ nói sự thật, tôi không bịa chuyện gì, tôi không
vu khống anh em. Tôi đã có kinh nghiệm những lớp chỉnh huấn từ trước, họ biết hết,
nếu mình giấu cái gì. Ngay hôm bắt đầu viết kiểm thảo thì ông Nguyễn Đình Thi
đã loan tin cho cả trường biết anh Đang và "đồng bọn" đã bị bắt, gây
chấn động hết cả, bởi vì lúc bấy giờ văn nghệ sĩ cũng như nhân dân, tất cả đều
như con cá nằm trong cái rọ, họ muốn bắt con nào thì bắt. Vì vậy, tôi thấy
không thể giấu họ bất cứ chuyện gì, kể cả những chuyện không cần phải nói như
chuyện chúng tôi hút thuốc phiện ở nhà Tử Phác có cả Văn Cao. Vì thế mà anh Văn
Cao cho là tôi hèn nhát, chưa bị đánh đã sợ run lên, phản bạn. Từ đó tôi và Văn
Cao xa nhau và cuối cùng thì hầu như không còn là bạn nữa[6].
● Những lời buộc tội
Để biết rõ tinh thần và phương pháp chỉnh huấn ở ấp Thái Hà,
chúng ta nên đọc qua bài viết của ba người trách nhiệm cấp lãnh đạo trong trường:
Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi và Võ Hồng Cương.
♦ Tố Hữu trong bài "Ý nghĩa một cuộc đấu tranh
trong văn nghệ" in trên báo Học Tập, dựa vào tinh thần nghị quyết
6/1/58, lên án gắt gao:
"Dưới ánh sáng mới ấy[7] đã
bật rõ ranh giới giữa cách mạng và phản cách mạng, giữa cái mới và cái cũ; mỗi
người yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội đều đã có thể nhìn thấy, phân biệt rõ
ràng những con người và những con quỷ, những hoa thơm và những cỏ độc trong văn
nghệ"[8].
Sau khi ca tụng "Hai văn kiện có ý nghĩa quốc tế lớn
lao của Mạc Tư Khoa"đã giúp cho "Trung Ương Đảng
ta" chuyển biến, "có con mắt sáng để nhìn đúng tình hình",
Tố Hữu xác định:
"Không thể nào khác, muốn là “kỹ sư tâm hồn” xã hội chủ
nghĩa, không thể nào không tự cải tạo bản thân văn nghệ sĩ thành những tâm hồn
xã hội chủ nghĩa thật sự (...) Càng không thể để lén lút vào trong hàng ngũ văn
nghệ, những con rắn độc thù địch phun nọc giết người."(...) Đó là tiêu chuẩn
chính trị để phân rõ ranh giới: ai là thù, ai là bạn. Không thể mập mờ".
Rồi ông đe doạ:
"Mỗi văn nghệ sĩ lại phải tự trả lời dứt khoát: ủng hộ hay
phản đối đường lối văn nghệ của chủ nghĩa Mác–Lênin, đường lối văn nghệ phục vụ
công nông binh, phục tùng chính trị, theo yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng và phục
tùng sự lãnh đạo của Đảng?"
"Đã đến lúc cách mạng đòi hỏi mỗi văn nghệ sĩ và mỗi
cán bộ văn hóa “duyệt lại” những tư tưởng, tình cảm của mình, những sáng tác và
công tác trong ba năm qua, và dưới ánh sáng của tư tưởng xã hội chủ nghĩa, làm
một cuộc phê phán thật nghiêm trang, không khoan nhượng đối với mình, đối với bạn,
đối với địch". (...)
"Thông qua cuộc đấu tranh lần này mà lột trần bộ mặt gian
ác của những phần tử phản cách mạng, chống chế độ, chống nhân dân, phá hoại sự
nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh thống nhất
nước nhà. Phải lôi chúng ra ánh sáng, xé toạc mặt nạ của chúng mà ném xuống đất."
Rồi ông "vạch mặt" những "tên phản động":
"Chúng là những tên phản trắc, có kẻ như Phan-Khôi một
đời đã năm lần phản bội Tổ quốc, kẻ đã từng phục mạ “người An-nam là chó, và đã
là chó thì phải ăn cứt” để “thuyết phục” người khác đầu hàng địch, mà vẫn dương
dương tự cho mình là “học giả tiết tháo”, và được kẻ đồng bọn phong cho là “anh
hùng của ba trăm nô lệ” (!)
Chúng là những con buôn "mác-xít", "cách mạng"
đầu lưỡi như Trương-Tửu, Trần-Đức-Thảo mà thực chất là những tên tơ-rôt-skit vô
tổ quốcđã từng nấp dưới nách của địch chống lại cách mạng, suốt đời thù ghét những
người cộng sản và tất cả những ai tin yêu (...) Chúng là những kẻ đầu cơ
cách mạng, như Nguyễn-Hữu-Đang (...) Gặp nhau trong một mục đích
chung, chống Tổ quốc, chống nhân dân, chống chế độ, chống phe xã hội chủ nghĩa,
chống Đảng lãnh đạo, tất cả bọn chúng đã liên minh thành một khối, phối hợp hoạt
động phá hoại trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, trong các hội văn học nghệ thuật,
một số cơ quan văn hóa, trong giới đại học, v.v… (...) Trên thực tế, rõ
ràng chúng đã làm như những tay sai của địch thực hành kế hoạch phá hoại của Mỹ-Diệm
ở miền Bắc là “chống cộng trong lòng cộng".
Cuối cùng, Tố Hữu nhấn mạnh đến sự kiện:
"Cuối năm 1956, nói đến báo Nhân văn và các tập Giai phẩm,
Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ: "Đó là những hạt giống xấu gieo trên miếng đất của
những tư tưởng sai lầm". Bởi vậy, vấn đề không phải chỉ là vứt bỏ những hạt
giống xấu, mà còn là dọn lại đất cho tốt[9]".
Lời kết luận của Tố Hữu xác định hai điểm:
- Khi Trường Xuân đến họp, tuyên bố bác Hồ cũng có "cảm
tình" với Nhân Văn, bác nói: không nên dùng dao mổ trâu để giết
gà, là Trường Xuân đã phản ảnh chỉ thị ở cấp trên cùng, bởi không ai dám bịa một
chuyện như thế về "bác Hồ" dưới thời đại Hồ Chí Minh.
- Khi Tố Hữu tuyên bố: Nhân Văn Giai Phẩm là những hạt
giống xấu, không những phải vứt bỏ mà còn phải dọn lại đất cho tốt. Ông cũng phản
ảnh trực tiếp chỉ thị của Hồ Chí Minh. Trường Xuân và Tố Hữu thi hành sách lược
của vị lãnh tụ, riêng Tố Hữu thực hiện ý nghiã thâm sâu của cuộc thanh trừng:
nhổ cỏ phải nhổ tận rễ.
♦ Nguyễn Đình Thi tổng kết chủ trương của NVGP, cũng trên
báo Học Tập, qua 6 điểm:
1. Bôi nhọ chủ nghĩa cộng sản là không "nhân
văn", là "chà đạp con người", bôi nhọ những đảng viên cộng sản
là "khổng lồ không tim", không phải là "cộng sản chân
chính", xuyên tạc sự giáo dục của Đảng là "rập khuôn đầu óc và tâm hồn",
văn học nghệ thuật xã hội chủ nghĩa là "công thức, giả tạo", đẻ ra những
"thi sĩ máy". Dưới chiêu bài "đề cao con người", "chống
công thức", báo Nhân văn, Giai phẩm đã đề cao chủ nghĩa cá nhân, "tự
do" cá nhân, đòi quyền, "tự do" cho những lối sống và tình cảm
ích kỷ trụy lạc.
2. Phản đối chuyên chính, đòi "dân chủ", "tự
do" theo lối tư sản trên mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa. Đả kích từ Mậu
dịch, quản lý hộ khẩu, Bưu điện, cơ quan báo chí, bệnh viện, cho tới Quốc hội,
nói chung là đả kích vào bộ máy Nhà nước của ta, đòi tự do đối lập với Chính phủ,
trong lúc bọn phản động đang âm mưu phá hoại và một vài giới tư sản đang tiến
công ta.
3. Đưa ra chiêu bài "chống sùng bái cá nhân" để
xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng là "đảng trị" (...) Đem đối lập quần
chúng với lãnh đạo, khích quần chúng chống lãnh đạo (...)
4. Phỉnh nịnh đầu óc quốc gia chủ nghĩa tư sản, đả kích
Liên-xô, cho sự giáo dục con người ở Liên-xô là "rập khuôn", văn học
nghệ thuật Liên-xô là "công thức", không có giá trị. Vin vào khẩu hiệu
"trăm hoa đua nở" để xuyên tạc đường lối văn học nghệ thuật của Trung
quốc (...)
5. Phủ nhận những thành tích to lớn của nhân dân ta, của Đảng
ta trong công cuộc xây dựng miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, phủ nhận
những kết quả to lớn của Cải cách ruộng đất (...)
6. Riêng về văn nghệ, thì trong Nhân văn, Giai phẩm đã đề
xướng "trăm hoa đua nở" theo lối tự phát vô chính phủ, "hoa
lành, hoa độc, hoa thối, hoa thơm" đều có quyền nở tự do như nhau. Thực chất
là nó đòi hủy bỏ sự lãnh đạo của Đảng, nêu khẩu hiệu "trả văn nghệ về cho
văn nghệ", "văn nghệ và chính trị vỗ vai nhau hai bên cùng có lợi"
v.v...[10]
Nguyễn Đình Thi luôn luôn có hành động của một thuộc hạ chân
thành, ông áp dụng đúng chính sách đường lối của Tố Hữu, của Đảng, để tiến
thân.
♦ Võ Hồng Cương, Cục phó Cục Tuyên huấn, trong bài tổng kết "Cuộc
đấu tranh giai cấp trên mặt trận văn nghệ hiện nay[11] tóm
tắt toàn bộ hành trình đấu tranh của NVGP, chỉ "chân tướng phản động
chính trị của những tên cầm đầu":Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi, Trương Tửu,
Trần Đức Thảo, Thụy An, Minh Đức, và coi phong trào NVGP là cuộc đấu tranh giai
cấp giữa chủ nghiã xã hội và chủ nghĩa tư bản trên ba khái niệm chính:
1- Đấu tranh giữa hai đường lối chính trị khác nhau.
2- Đấu tranh giữa hai đường lối văn nghệ khác nhau.
3- Đấu tranh giữa hai thế giới quan và nhân sinh quan khác nhau.
Hồng Cương nhấn mạnh đến những nguy cơ "xụp đổ chế độ":
"Hạ được tập thơ Việt Bắc và hạ được Tố Hữu xuống là hạ được
cả giá trị văn nghệ kháng chiến xuống và hạ được sự lãnh đạo văn nghệ của Đảng
và Chính phủ xuống. (...)
Chúng nói Trung Ương Đảng ta, thậm chí nói các lãnh tụ ta là
"dốt văn nghệ".Chúng rêu rao rằng Đảng và Chính phủ ta là "bọn
ngu khờ cầm quyền" (l'ignorance au pouvoir) không thể lãnh đạo được văn
nghệ (...).
Chúng vu khống chế độ ta là cộng sản thời trung cổ (communisme
du moyen âge), là cộng sản phong kiến (communisme féodal), chế độ ta là cộng sản
suy đồi (dégénérescence du communisme), chúng xuyên tạc và nguyền rủa Chỉnh huấn
của ta là đồi trụy tinh thần (avilissement de l'esprit), là nô dịch hoá tư tưởng
(esclavage de la pensée). Chúng chế giễu chính sách đãi ngộ của ta là "bổng
lộc" vua ban, huân chương của ta là "mề đay" của đế quốc. Không
khác gì Phan Khôi đã ví chế độ ta với một triều đại phong kiến nào đó[12]".
Lời buộc tội của Hồng Cương, có vẻ mạnh mẽ nhưng khác hẳn lối
nhìn đao phủ của Tố Hữu: Hồng Cương xác nhận NVGP là cuộc đấu tranh tư tưởng giữa
hai quan niệm khác nhau về chính trị, văn nghệ, nhân sinh. Ông kín đáo biện hộ
và đồng tình. Vậy, không phải mọi người có quyền đều táng tận lương tâm. Hồng
Cương là một nhân cách.
● Bao nhiêu người bị liên lụy?
1/ Danh sách nhóm NVGP, ghi trong bài Cái ổ chuột
"Nhân Văn Giai Phẩm" bị vạch trần trước ánh sáng của dư luận[13] có
tên 34 người:
"Thụy An, Nguyễn Hữu Đang, Trần Thiếu Bảo, Trương Tửu, Trần
Đức Thảo, Phan Khôi, Trần Duy, Trần Dần, Lê Đạt, Tử Phác, Đặng Đình Hưng, Hoàng
Cầm, Sĩ Ngọc, Chu Ngọc, Văn Cao, Nguyễn Văn Tý, Phùng Quán, Hoàng Tích Linh, Trần
Công, Trần Thịnh, Phan Vũ, Hoàng Huế, Huy Phương, Vĩnh Mai, Như Mai tức Châm
Văn Biếm, Hữu Thung, Nguyễn Khắc Dực, Hoàng Tố Nguyên, Hoàng Yến, Thanh Bình, Yến
Lan, Nguyễn Thành Long, Trần Lê Văn, Lê Đại Thanh" v.v...[14]
2/ Danh sách những người ký tên dưới các bài viết, hoặc cộng tác
với 5 số báo Nhân Văn và 5 cuốn Giai Phẩm, gốm có: Nguyễn Hữu Đang, Trần Thiếu
Bảo (nxb Minh Đức), Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Văn Cao, Trần Duy, Nguyễn
Sáng, Phùng Quán, Sỹ Ngọc, Tử Phác, Tô Vũ, Nguyễn Bính, Quang Dũng, Phan Khôi,
Hữu Loan, Phùng Cung, Trần Lê Văn, Phác Văn, Huy Phương, Lê Đại Thanh, Hoàng Yến,
Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Công, Hoàng Huế, Hồng Lực, Bùi Xuân Phái, Trương Tửu,
Đào Duy Anh, Bùi Quang Đoài, Mai Hạnh, Chu Ngọc, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo,
Trúc Lâm, Phan Vũ, Hoàng Tích Linh, Đặng Văn Ngữ, Trần Thịnh, Hữu Tâm, Thanh
Bình, Trần Phương, Thanh Châu, Châm Văn Biếm, Hoàng Tố Nguyên, Cao Nhị, Trần Hải
An... gồm 47 người.
Hai danh sách trên đây không hoàn toàn giống nhau, vì ngoài Nhân
Văn và Giai Phẩm, còn có một số sách báo khác, cùng xu hướng, như Trăm Hoa của
Nguyễn Bính, Đất Mới của sinh viên, hoặc Tự Do Diễn Đàn[15] và Sách
Tết 1957[16];
hoặc tạp chí Sáng Tạo (kịch trường và điện ảnh) của nhóm Trần Thịnh-Trần Công.
Ngoài ra còn có những bài in trên các báo khác như Văn, 1957, sau khi NVGP bị
đình bản.
3/ Lê Hoài Nguyên cho biết: "Số người gọi là tham gia
NVGP tại Hà Nội do Bộ Công an và Công an Hà Nội quản lý, do tác giả (LHN) thống
kê được gồm khoảng 170 người. Số bị xử lý nặng khoảng gần 100 người, còn số
bị đưa vào danh sách để phân loại xử lý tính trên toàn miền Bắc ở tất cả các
lĩnh vực phải tới hàng ngàn người. Bởi vì các ấn phẩm của phong trào NVGP đã được
đón nhận nồng nhiệt, được hưởng ứng không chỉ ở Hà Nội, mà xuống đến tận các
vùng nông thôn miền núi[17]".
Như vậy chúng ta tạm nhận con số gần 100 người bị xử lý nặng của
Lê Hoài Nguyên.
Trong danh sách chính thức năm 1959, thiếu tên hai người: Phan Tại
và Phùng Cung, mặc dù cả hai đều bị đi tù, có thể vì Phan Tại và Phùng Cung,
năm 1959, chưa bị tố giác. Hai trường hợp này cần tìm hiểu.
● Phan Tại và nhóm Sáng Tạo
Trong phiên toà ngày 19/1/1960, xử Nguyễn Hữu Đang, Thụy
An, Trần Thiếu Bảo, Lê Nguyên Chí[18],
Phan Tại bị kết án 6 năm tù giam và 3 năm mất quyền công dân.
Tại sao kịch tác gia Phan Tại, chủ đoàn kịch Sông Nhị, lại
bị kết án nặng như vậy? Ngoài tội trốn vào Nam, ông còn những tội gì nữa?
Tổng hợp lời những nhân chứng và những bài viết, ông đã phạm những
"tội" sau đây:
- "Chứa chấp" Thụy An - Thụy An ở chung nhà với ông bà
Phan Tại.
- Nhà Phan Tại - Thụy An là một "câu lạc bộ văn nghệ"-
Tập kịch, chiếu phim, hội họp.
- "Nhóm" Thụy An-Phan Tại cùng với
nhóm Sáng Tạo của Trần Thịnh-Trần Công chủ trương thành lập
hội điện ảnh độc lập. Đả phá phim tuyên truyền Liên Xô. Đổi mới kịch nghệ và điện
ảnh theo lối Tân hiện thực- Néoréalisme Ý và Nhật. Thụy An, Cao Nhị,
Nắng Mai Hồng, Vũ Phạm Từ, Kỳ Nam... viết những bài giới thiệu, phê bình điện ảnh.
Họ tổ chức chiếu lại những phim hay đã chiếu ở Hà Nội trước 1954, do Thụy An viết
thuyết minh, trong đó có những kiệt tác tân hiện thực như "Miếng cơm cay đắng
- Riz amer", "Chiếc xe đạp - La bicyclette"của Ý,
"Rashomon", "Những đứa trẻ Hiroshima", "Anh gắng nuôi
con" của Nhật, v.v...
- Những người trong Sáng Tạo như đạo diễn Trần Thịnh
chủ nhiệm, Trần Công, Chu Ngọc, Phan Vũ, Cao Nhị, v.v... đều có bài trên NVGP.
Trong bài Đi ttìm dấu tích tờ báo Sáng Tạo, Hà Nội, 1956[19] Lại
Nguyên Ân cho biết: Sáng Tạo ra được hai số: Số 1, ngày 5/11/1956 và số 2, ngày
20/11/1956. Trong đợt đánh Sáng Tạo, Trần Đức Hinh, chủ nhiệm tờ Điện Ảnh của Cục
Điện Ảnh tố cáo:
"Nửa tháng "Liên hoan phim Liên Xô" khai mạc vào
ngày 7-11-56, thì đúng ngày 5-11-56, Giai phẩm mùa thu tập III xuất bản,
trong đó có đăng bài "Chúng ta gắng nuôi con", hoạt cảnh của Chu
Ngọc, đả kích không tiếc lời vào phim Liên Xô. Cùng ngày 5-11-56, báo Sáng
Tạo ra số đầu, đã lộ ngay ý định xấu đối với phim Liên Xô (...) Những bài
như trên phải được đặt bên cạnh bao nhiêu bài khác của Nguyễn Hữu Đang, Phan
Khôi, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Lê Đạt, Trần Dần, v.v… đang nhan nhản lúc bấy
giờ ở các số Nhân văn, Giai phẩm thì mới thấy đầy đủ tính chất nguy
hiểm của nó[20]".
Như vậy, có thể nói: song song với Nhân Văn và Giai Phẩm, đã có
phong trào điện ảnh kịch trường, do hai nhóm Phan Tại-Thụy
An và Trần Thịnh-Trần Côngchủ trương.
Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm như vậy, không chỉ giới hạn trong
phạm vi văn học, mà còn lan rộng ra các ngành nghệ thuật khác, để trở thành cuộc cách
mạng văn hóa toàn diện của các trí thức văn nghệ sĩ miền Bắc, đòi tự do
sáng tác và tự do dân chủ.
Phan Tại, bị tù 6 năm, kèm 3 năm quản thúc, có thể vì những tội:
"cấu kết" với Thụy An và là một trong những người "lãnh đạo"
phong trào điện ảnh kịch trường cùng với Trần Thịnh-Trần Công.
● Các biện pháp kỷ luật
"Trận chiến đấu chống bọn phá hoại NVGP" đã kết
thúc bằng Hội Nghị thứ ba của ban chấp hành hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật Việt
Nam, họp tại Hà Nội ngày 4/6/1958 với bài báo cáo tổng kết của Tố Hữu, và nghị
quyết của của ban chấp hành hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam lên án
"bọn NVGP".
Ngày 5/6/1958, tại Hà Nội, hơn 800 văn nghệ sĩ thảo bản nghị quyết
gọi là"Nghị quyết của 800 văn nghệ sĩ" phụ họa với nghị quyết của
Hội Liên Hiệp. Sau đó trong tuần lễ từ 21/6 đến 3/7/1958, các ban chấp hành Hội
Nhạc Sĩ, Hội Mỹ Thuật, Hội Nhà Văn, lần lượt thi hành các biện pháp kỷ luật đối
với các thành viên của Hội đã tham gia NVGP:
Hội Nhà Văn khai trừ Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh ra khỏi ban chấp
hành. Hội Mỹ Thuật, cảnh cáo Sĩ Ngọc, "chấp nhận cho Sĩ Ngọc và Nguyễn
Sáng rút khỏi ban chấp hành". Hội Nhạc Sĩ "chấp nhận cho
Văn Cao, Nguyễn Văn Tý rút khỏi ban chấp hành". Cả ba hội quyết định:
Khai trừ Phan Khôi, Trương Tửu, Thụy An ra khỏi Hội Nhà Văn, Trần Duy ra khỏi Hội
Mỹ Thuật. Khai trừ trong thời hạn một năm Hoàng Cầm và Phùng Quán ra khỏi
Hội Nhà Văn. Khai trừ ba năm Trần Dần, Lê Đạt ra khỏi Hội Nhà Văn, ba năm Tử
Phác và Đặng Đình Hưng ra khỏi Hội Nhạc Sĩ. Và cảnh cáo một số hội viên khác đã
tích cực hoạt động trong nhóm NVGP.
Tháng 7/58: Văn Cao đi thực tế Điện Biên cùng với Nguyễn Tuân và
Nguyễn Huy Tưởng, ông bị chảy máu ruột và được trở về.
Ngày 22/8/58: Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Tử
Phác... đi lao động cải tạo ở Chí Linh, đến Tết mới được về Hà Nội nghỉ, đợi
đợt sau. Trần Dần cho biết: Phùng Quán mới đầu "bất trị" đi rồi lại bỏ
về, đến tháng 8/58 mới chịu đi thực tế Thái Bình với Hoàng Cầm. Trong thời kỳ
lao động cải tạo này Tử Phác bị ho lao. Nhật ký Trần Dần
ghi: 25/11/58 Tử Phác đi khám ruột, lại thấy bị lao phổi.
Hoàng Cầm kể: Phùng Quán đi độ 3 hôm thì lộn về Hà Nội, anh loan
tin: Không biết Đảng nghĩ thế nào mà cho anh em văn nghệ đi cải tạo ở gần một
làng hủi, tin đồn ầm lên, BBC biết, họ loan trên đài. Anh Võ Hồng Cương hoảng
quá, cho là Đảng cũng vô tình thôi, anh lập tức chỉ thị cho Hoàng Trung Thông
phải tìm chỗ khác. Phùng Quán đến tôi và vài tuần sau đi cùng với tôi. Tới nơi,
bị Hoàng Trung Thông đuổi: Anh vô kỷ luật, tôi không nhận anh nữa. Phùng
Quán: Về thì về, sợ gì! Thế là anh lại trở về Hà Nội. Hoàng Trung
Thông đã tìm được một chỗ mới ở làng Thái Thủy, huyện Vũ Ninh. Phùng Quán lại
xuống, có giấy của Võ Hồng Cương viết cho Hoàng Trung Thông, yêu cầu phải nhận
Phùng Quán vào tổ vì Phùng Quán đã nhận khuyết điểm với ban chấp hành rồi.[21]
Những người tội nặng, bị đưa ra toà ngày 19/1/1960. Qua những bản
tin về phiên toà này, đăng trên các báo tại Hà Nội tháng giêng năm 1960, do Lại
Nguyên Ân sưu tầm và công bố mới đây trên Talawas, luận điệu các bài viết khá
giống nhau:
"Ngày 19/1/1960, Toà án Nhân Dân Hà Nội đã xử vụ gián điệp
có tổ chức do bọn Nguyễn Hữu Đang và Thụy An cầm đầu. Nhiều đại biểu các tầng lớp
nhân dân Hà Nội đã tới dự phiên toà này. Bọn gián điệp bị đưa ra xử gồm năm
tên: Nguyễn Hữu Đang, Lưu Thị Yến tức Thụy An, Trần Thiếu Bảo tức Minh Đức,
Phan Tại và Lê Nguyên Chí"[22].
Chánh án: Nguyễn Xuân Dương. Hội thẩm: Nguyễn Tử Các và Phùng Bảo
Thạch.
Vẫn theo bài báo trên: "Thụy An là một tên gián điệp lợi
hại quốc tế (...) Năm 1956, Thụy An, Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi nhập thành một
nhóm (...) tháng 9/1956 xuất bản tờ Nhân Văn" (...) Nguyễn Hữu Đang và Thụy
An lấy nhà Phan Tại làm một "câu lạc bộ" bí mật, tụ tập một số phần tử
phản cách mạng (...) "Đến khi chúng thấy âm mưu và hoạt động của chúng bị
bại lộ, chúng định trốn vào Nam để tiếp tục làm tay sai cho Mỹ-Diệm. Lê Nguyên
Chí thú nhận: "Đang nói với tôi, Đang vào theo Mỹ-Diệm sẽ được chúng tin
dùng và sẽ làm được những việc lớn". Đang cùng Lê Nguyên Chí chuẩn bị trốn
vào Nam".
Toà đã tuyên án:
Nguyễn Hữu Đang, 15 năm phạt giam, 5 năm mất quyền công dân; Lưu
Thị Yến tức Thụy An, 15 năm phạt giam, 5 năm mất quyền công dân; Trần Thiếu Bảo
tức Minh Đức, 10 năm phạt giam, 5 năm mất quyền công dân; Phan Tại, 6 năm phạt
giam, 3 năm mất quyền công dân; Lê Nguyên Chí, 5 năm phạt giam, 3 năm mất quyền
công dân[23].
Phùng Cung bị bắt tháng 5/61. Bị giam 12 năm tù. Không có án.
Trường hợp Phùng Cung sẽ được tìm hiểu trong phần viết về Phùng Cung.
Các giáo sư đại học Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh, ...
bị cách chức và bị quản thúc. Cách đối xử với họ như thế nào, tư liệu chính thức
không nhắc đến. Trong bài báo cáo tổng kết, có một đoạn Tố Hữu viết:
"Cho đến khi, dưới ánh sáng của nghị quyết Bộ Chính Trị, mở
ra hai lớp học tập cho ngót 500 anh chị em văn nghệ sĩ, qua một cuộc đấu tranh
kiên quyết thì mặt nạ của nhóm phá hoại "Nhân văn-Giai phẩm" mới hoàn
toàn rơi xuống đất; và đồng thời, những sai lầm lệch lạc nghiêm trọng, nhất là
tình trạng mất cảnh giác giai cấp trong văn nghệ sĩ, trong các đảng viên và cơ
quan của Đảng cũng được vạch chỉ rõ ràng.
Cùng một lúc, qua cuộc học tập đấu tranh trong các trường Đại học,
chủ yếu ở khoa Văn, khoa Sử, bọn tơ-rốt-kít Trương Tửu, Trần đức Thảo khoác áo
giáo sư cũng phơi trần chân tướng[24]".
Câu: "Cùng một lúc, qua cuộc học tập đấu tranh trong
các trường Đại học..." của Tố Hữu, xác định sự kiện cùng lúc với
hai lớp Thái Hà, dành cho văn nghệ sĩ, trong Đại học có các "lớp" khác,
dành cho các giáo sư Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường...
Hiện nay, có rất ít tư liệu của các nhà trí thức NVGP viết về vấn
đề này, nên không thể biết những gì đã xẩy ra cho họ, nhờ cuốn Un
Excommunié - Kẻ bị khai trừ[25],
trong đó giáo sư Nguyễn Mạnh Tường kể lại ông đã bị đưa ra "corrida - đấu
trường" ba lần: đấu trường Mặt Trận Tổ Quốc, đấu trường Đại Học và đấu
trường Đảng. Sau đó, ông hoàn toàn bị ly khai, không được tiếp xúc với người
ngoài, không được dạy học, không cả dạy tư, rơi vào cảnh đói rét, bệnh tật. Về
những biện pháp trừng phạt đối với toàn bộ văn nghệ sĩ, trí thức, sinh viên và
quần chúng đã ít nhiều tham gia, đã đọc, đã mua báo, hoặc đã giúp đỡ, ủng hộ
phong trào NVGP bằng cách này hay cách khác, hiện nay chưa có một ước lượng nào
gần với sự thật.
Tháng 8/2010, Lê Hoài Nguyên tiết lộ trong bài Vụ Nhân Văn-
Giai Phẩm từ góc nhìn một trào lưu tư tưởng dân chủ, một cuộc cách mạng văn học
không thành[26] một
số thông tin quan trọng, chúng tôi xin trích lại sau đây những điểm chính:
"Tại các đợt học tập Chỉnh huấn tại các trường Sư phạm và Tổng
hợp Hà Nội các Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh, Trương Tửu, Trần Đức Thảo
cũng bị đưa ra cho giáo viên và sinh viên đấu tố, bị miễn nhiệm thôi giảng dạy.
Ngoài ra còn nhiều người khác cũng chịu kỷ luật như Cao Xuân Hạo, Phan Ngọc,
Cao Xuân Huy,… Một số sinh viên cũng bị kỷ luật như Bùi Quang Đoài (Thái Vũ),
Văn Tâm, Phan Kế Hoành, Hà Thúc Chỉ (Thúc Hà)…
Một số trí thức là nhân sĩ đã có thái độ ủng hộ NVGP cũng chịu
các hình thức đối xử như Vũ Đình Hòe, Đỗ Đức Dục, Hoàng Văn Đức, Đặng Văn Ngữ,
Nguyễn Tấn Gi Trọng… Ngoài ra, tại các địa phương những giáo viên, cán bộ, học
sinh có hưởng ứng NVGP mua báo NVGP đều bị xử lý với nhiều hình thức.
Trong vòng ba đến bốn tháng các văn nghệ sĩ đi cải tạo lao động
tại các nhà máy, nông trường, hợp tác xã… Một số người phải cư trú lâu dài tại
các địa phương như Hoàng Tố Nguyên, Nguyễn Bính, Hải Bằng, Trần Lê Văn, Nguyễn
Khắc Dực…
Kết tội nhóm NVGP có 3 nguồn chính thức như sau:
- Nghị quyết 30 của BCTĐCSVN[27] ngày
6/1/1958 về việc chấn chỉnh công tác văn nghệ.
- Báo cáo tổng kết cuộc tranh đấu chống nhóm phá hoại Nhân
Văn-Giai Phẩm của Tố Hữu tại Hội Nghị Ban chấp hành Hội liên hiệp văn học nghệ
thuật Việt Nam ngày 4/6/1958.
- Bản án của Toà án nhân dân Hà Nội ngày 19/1/1960 xử vụ gián điệp
Nguyễn Hữu Đang, Thụy An.
NVGP không hoạt động gián điệp. Cái tội gọi là hoạt động gián điệp
ở đây là sự gán ghép suy diễn buộc tội. Nguyễn Hữu Đang không liên quan gì đến
những người Pháp còn ở Hà Nội. Còn Thụy An thì được một cơ quan giao nhiệm vụ nắm
ý đồ của mấy người Pháp đối với tình hình Hà Nội lúc đó. Sau đó những lời báo
cáo của bà trở thành chứng cứ buộc tội bà hoạt động gián điệp. Họ cũng không có
tài liệu bí mật để chuyển giao cho cái gọi là cơ quan tình báo Pháp".
● Thực chất hội nghị Thái Hà
Trong ba người bạn thân Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, ban đầu Trần
Dần có vẻ rất cứng cỏi, nhưng trong lớp Thái Hà, dường như ông lại là người nao
núng nhất. Sự nao núng này sống lại trong những trang nhật ký. Nhật ký, chủ
đích là viết riêng cho mình, không cần giấu diếm, che đậy, nhưng trái lại, ngay
trong nhật ký của Trần Dần, đã có màu sắc "hối cải", giống
như lời tự thú để đăng báo, viết cho "người khác" đọc, phản
ảnh một Trần Dần đã thấm đòn, biết sợ, ông viết:
"Nhân Văn Giai Phẩm thế là đã đứng về phe tư bản chủ nghiã,
phản đối xã hội chủ nghiã; hơn thế, lớp học trình bày sự thực, làm cho tất thẩy
đều thấy rõ chân tướng bọn cầm đầu NVGP, đó là một công ty phá hoại bao gồm những
kẻ phản cách mạng, đứa là phần tử Quốc Dân Đảng cũ (PhKhôi), đứa là mật thám
trước (TDuy), đứa là tên bất mãn chống Đảng có lịch sử, đi đến chủ nghiã
trotskisme (Nguyễn hữu Đang),... chúng ngoặc với bọn trotkistes Trương Tửu, TrầnđThảo,
và với bọn gián điệp vẫn liên lạc với Sainteny, là Thụy An"[28]. Đó
là những "nhận định" về người đồng hành, còn đây
là "nhận định" về cái "tôi":
"Tôi là cái gì?
Trước Cách Mạng, tôi là một thứ hổ lốn phản động của những tư tưởng
tư sản địa chủ: hưởng lạc đến đồi trụy, hám danh to đến bệnh "vĩ đại cuồng",
vô chính phủ đến phá phách mọi trật tự, thoát ly đến rơi vào sinh hoạt sa đọa,
và đi vào các trường phái nghệ thuật vị nghệ thuật, tượng trưng, lập thể, siêu
thực... và vào triết học ru ngủ tối phản động của Bergson (...)
Tôi đã tự lừa dối (...)
Tôi đã tự lừa dối (...)
Tôi đã tự lừa dối (....)"[29]
Trần Dần là người duy nhất để lại ba trang nhật ký về giai đoạn
Thái Hà, nhưng ông không dám viết gì về nội dung học tập, mà chỉ ghi lại những "kết
quả"học tập và sự tự hối của mình sau "lớp nghiên cứu 2 văn kiện".
Đến khi Lê Đạt trả lời phỏng vấn năm 1999 ở Paris, phát trên
sóng RFI năm 2004, chúng ta mới biết rõ thực chất hai "hội nghị" Thái
Hà.
Trước hết, ông giải thích tại sao lại có hai lớp học khác nhau
(lớp đầu tháng 2/56 và lớp sau tháng 3-4/56): "Lớp đầu tiên tổ chức
cho các đảng viên (...) tức là người ta vận động các đảng viên khác phát hiện tất
cả những tội của những đảng viên tham gia Nhân Văn Giai Phẩm đã đành rồi, nhưng
còn để phát hiện cả những tội của những người chưa tham gia Nhân Văn, của quần
chúng, vì vậy người ta phải làm trong buổi trước".
Hình thức "học tập trước" các cách "phát
hiện tội" này, đã được dùng trongCải Cách Ruộng Đất và Hoàng Văn
Chí đã trình bầy rõ trong cuốn Từ Thực Dân Đến Cộng Sản và Nguyễn Mạnh
Tường cũng mô tả trong tiểu thuyết Une voix dans la nuit, sẽ nói đến sau. Ở
đây xin tiếp tục lời thuật của Lê Đạt. Và đây là diễn biến của lớp thứ nhì, với
304 người, trong tháng 3 và 4/56. Trước tiên, về không khí của "lớp học", Lê
Đạt kể:
"Không khí rất căng thẳng, tôi nói thế này để chị biết nó
căng thẳng như thế nào: Văn Cao đã đi lớp trước rồi, lớp cho đảng viên hồi
tháng 2, thì sau đó, họ cũng kéo tất cả trở lại lớp sau để đánh tiếp. Tôi xin
nhắc lại: tức là trong lớp trước, họ học tập đảng viên phát hiện quần chúng, để
họ đánh; nhưng bây giờ, ở lớp thứ hai này: quần chúng lại phát hiện trở lại, để
nếu đảng viên có gì, họ lôi ra đánh tiếp luôn, chị có rõ ý tôi không? Thế thì
tôi thấy Văn Cao -hôm ấy trời nóng- Văn Cao mặc áo sơ mi to phồng thế mà sau
khi nó tố những khuyết điểm của Văn Cao, tôi thấy cái áo sơ mi cứ dính dần,
dính dần, dính dần... toát hết cả mồ hôi, nó dính như một cái áo lót cơ mà... Ðấy,
chị thấy không khí căng thẳng như thế nào".
Về thực chất của "lớp học", Lê Đạt cho biết:
"Ðây không phải là một cuộc học tập mà là một cuộc đấu
tranh, nó khác hẳn các cuộc học tập khác. Trong những ngày đầu, người ta vạch tất
cả "những tội" của những người trong Nhân Văn Giai Phẩm, ai nhớ được
gì thì nói ra..., nó là một cái tụi... tố cáo nhau (...)Trong khi "học"
như thế thì công an đi ra đi vào rất nhiều, mà đi một cách rõ ràng cho mình
trông thấy chứ không phải người ta kín đáo gì! Sau khi tất cả mọi người đều đã
"phát hiện các tội" của Nhân Văn xong rồi, thì mới đến lượt Nhân Văn,
từng người một, nhận tội".
Cuộc "đấu tranh" kéo dài hơn một tháng, theo Lê Đạt:
"Trong suốt một tháng ấy là cứ ngày nào, ngày nào cũng...
lên phát hiện tội. Cứ phát hiện tội, tức là mình có gì thì mình báo cáo; còn
người ta, người ta phát hiện tội của mình. Nó là một thứ đấu tranh đấy mà. Ðấu
tranh rất gay gắt. Và lẽ dĩ nhiên, nói là cả lớp, nhưng người ta chỉ tập trung
vào một vài người thôi, trong số đó có tôi cho nên vất vả lắm".
Cách "phát hiện tội" như thế nào? Bằng miệng
hay là ghi trên giấy? "Bị can"có quyền cãi khi lời "phát
hiện" là bịa đặt hay không?
Lê Đạt trả lời: "Không! Không! Tất cả mọi người đều đứng
lên phát hiện chứ. Phát hiện thì có thư ký ghi hết và bản thân mình cũng phải
ghi. Rồi sau căn cứ trên cái phát hiện của người ta, mình về tổ, mình phát hiện
cái khuyết điểm của mình, cái tội của mình và sau đó mình phải làm bài kiểm điểm
rất dài về toàn bộ thời gian mà mình tham gia Nhân Văn. Người ta phát hiện, còn
mình không được nói nữa. Ðông Tây người ta phát hiện ầm ầm, ầm ầm, làm sao mà
mình có quyền, nhất là không được cãi gì".
Về các văn bản "thú tội", Lê Đạt cho biết đã
được viết trong hoàn cảnh thế nào:
"Tức là như thế này: Bây giờ anh làm trong tổ, tổ thông qua
bài khai của anh. Bài của anh lại phải đưa ra hội trường, hội trường thông qua
thì anh mới được xong. Nếu không thì anh cứ việc tiếp tục lại. Viết xong, nhưng
chưa thành khẩn, thì lại phải viết tiếp. Mình cứ phải viết tiếp, viết tiếp...
mãi, mà mình chỉ có từng ấy ý thì làm sao viết thêm được mãi!"
Về việc bắt Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt kể:
"Trong lúc kiểm thảo như thế, thì người ta loan tin, người
ta nói rằng: "Công an đã bắt Nguyễn Hữu Ðang!" Cái anh Ðang này cũng
là người hoạt động mà sao dại dột thế! Ông ấy lại nhờ người mang một lá thư về
Hải Phòng để bố trí cho ông ấy vào Nam. Thế là nó bắt được cái thư ấy. Vì chính
người đưa thư ấy là người của công an. Thế là họ đồn ầm lên: "Sự liên hệ
giữa Nhân Văn và bọn Mỹ Diệm là đã rõ ràng rồi. Nguyễn Hữu Ðang trong lúc không
còn đường thoát nữa, liên lạc với trong ấy và chúng ta đã bắt được Nguyễn Hữu
Ðang rồi, bắt vào ngày bao nhiêu, bao nhiêu"... Tất cả mọi người vỗ tay:
Hoan hô! Hoan hô!... Tức là một sức ép rất ghê gớm."
Về việc lao động cải tạo, Lê Đạt cho biết:
"Lúc đầu mới đi thì mình cũng lao động, cũng hăm hở. Mình
hăm hở vì chắc là hai năm thì xong. Thế nhưng mà hai năm rồi cũng không thấy ai
nói gì về vấn đề đó cả và lại tiếp tục hai năm nữa... rồi dần dần nó phai nhạt
đi không ai nhắc đến chuyện đó nữa. Thì thời gian disponibilité -thời gian mà
phải đi, lúc nào người ta gọi đi lao động cũng được- thời gian đó kéo dài 10
năm. Lẽ dĩ nhiên là trong 10 năm ấy, không phải lúc nào cũng đi. Người ta gọi
đi, rồi người ta lại cho mình về; về rồi, họ lại kéo mình đi, nghĩa là trong 10
năm là thời gian mình phải dành cho việc đi lao động cải tạo. Thế còn sau này hết
10 năm thì ở nhà. Nhưng mà ở nhà thì... Tôi không ngờ nó kéo dài đến thế: cả thời
kỳ đi lao động lẫn thời kỳ "cấm" là gần 40 năm chị ạ. Mình thấy nó đằng
đẵng mà mình coi như là số mệnh thôi".
"Lúc bấy giờ, nếu tôi không có sự cưỡng lại thì tôi là một
người vứt đi, thành một cái giẻ rách. Tôi cho cái việc giẻ-rách-hóa-con-người
đó, chính quyền phải chịu trách nhiệm"[30].
Ngày 10/12/1959, Trần Dần ghi trong nhật ký: "Sớm mai
toà xử Thụy An gián điệp và Nguyễn Hữu Đang phá hoại, cả hai: hiện hành. Tôi
không có giấy gọi cho dự (...) Người có một cái gì văng vắng. Tôi đã có đứng với
nhóm Đang cầm đầu. Tôi đã ly khai với "lý tưởng" đó. Cả khi đứng ở
đó, cả khi ly khai, cả bây giờ, tôi vẫn cứ rớm máu. Chao ơi! Con đường để
đi đến chỗ "Đúng" mới nhiều máu làm sao? Tương lai có để dành cho tôi
nhát dao nào nữa không? Đang đã thấy cái sai lớn của Đang chưa? (...) Ngoài trời
mưa bụi. Rét xoàng. Không có gió. Đôi lúc vài tiếng chuông xe đạp. Năm nay rét
muộn. Đang ra toà cuối năm. Tôi cũng không thể nào nhởn nhơ với sự kiện này.
Chao ơi! Con đường để đi tới chỗ "Đúng" mới nhiều máu làm sao?"
● Biện pháp thanh trừng đối với trí thức
Các đấu trường khác
Un excommunié của Nguyễn Mạnh Tường thuật lại những nổi
trôi của một người trí thức có lòng với đất nước, trong buổi đổi đời. Tác phẩm phản
ảnh phong cách của một kẻ sĩ bất phục tòng, mô tả sự hèn mạt và tráo trở của những
phường mũ mão cân đai và chứng minh thế nào là lòng yêu nước đích thực. Qua biện
pháp kỷ luật mà nhà cầm quyền dành cho Nguyễn Mạnh Tường, chúng ta có thể đoán
được chính sách đối xử với những nhà trí thức khác như Trương Tửu, Trần Đức Thảo,
Đào Duy Anh...
Sau Nhân Văn, Nguyễn Mạnh Tường đã trải qua ba "đấu trường":
Mặt Trận Tổ Quốc, Đại Học và Đảng. Tại mỗi đấu trường, ông phải trả lời về "tội
trạng"của mình. Đấu trường đầu tiên là phòng họp của Mặt Trận Tổ Quốc ở phố
Tràng Thi, được ông mô tả như sau:
"Tôi đã có nhiều dịp tới đây dự các cuộc họp, hồi tôi còn ở
trong nhóm những người được sủng ái được ngồi bên cánh phải của Người. Tôi biết
rõ tất cả các vị "đồng liêu" sẽ quyết định số phận của tôi hôm nay!
Lần này, tôi vào phòng họp như con bò mộng bị thả vào đấu trường.
Đúng là một đấu trường bởi vì tất cả bàn ghế đã được xếp dẫy dọc tường, chừa một
chỗ trống giữa phòng. Sau dẫy bàn, là đám đông nhiều hạng người. Những người ngồi
là thành viên Mặt Trận, đứng là những kẻ hiếu kỳ, phần đông là nhà báo, hoặc
các cơ quan hội đoàn. Đó là thứ quần chúng đấu trường, thèm cảm giác mạnh và
sôi sục ham muốn thấy quang cảnh lạ lùng khó tả sắp diễn ra!
Như con bò mộng thả trong đấu trường, tôi đưa mắt nhìn một lượt
cử tọa. Nếu những người đứng, trố mắt nhìn và lắng tai nghe, thì những vị
"đồng liêu" của tôi ngồi sau dãy bàn, có vẻ ngượng nghịu với nhiệm vụ
mà họ chưa quen lắm. Tuy những câu hỏi đã được các vị "có thẩm quyền"
soạn sẵn, nhưng trong cách diễn tả, giọng họ có chút bối rối. Tôi không khỏi
thương cho họ bị rơi vào hoàn cảnh trái khoáy này"[31].
Biết rõ bản lĩnh của mình, luật sư Nguyễn Mạnh Tường cảm thấy
hoàn toàn thoải mái trong việc tự biện hộ, ông nắm chắc phần "thắng"
trước những đối thủ tầm thường, đuối lý, không đáp lại được những lời hùng biện
của người luật sư đầy kinh nghiệm.
Ngày hôm sau, đấu trường Đại học diễn ra trong
không khí công cộng, mọi hạng người đều có thể tham dự. Hàng ngàn sinh viên,
nhân viên trong đại học, nhà báo, những kẻ hiếu kỳ, bọn lang bang, đến kín chật
hành lang, giảng đường, muốn dự kiến buổi "xử tử một trí thức nổi tiếng
ở Hà Nội". Lần này quan toà không ngồi bàn, mà thay phiên nhau bước
lên giảng đàn. Nếu bên Mặt Trận Tổ Quốc còn có chút nể mặt ông, chưa
làm quá lộ liễu, thì ở đây, ông thấy rõ:
"Người ta muốn kéo tên tôi xuống bùn đen, họ muốn chỉ rõ tội
ác của tôi để biện minh trước cho sự trừng phạt mà họ sẽ dành cho tôi. Và đồng
thời, để răn đe tầng lớp trí thức, để cải tạo họ, bắt họ tuân thủ vô điều kiện
những mệnh lệnh và quyết định của đảng, theo đúng đường lối chính thống cộng sản.
Tất cả mọi vi phạm vào nguyên tắc thần thánh này sẽ bị trừng phạt nghiêm ngặt,
dù cho thủ phạm đã có công lớn như thế nào đối với tổ quốc và cách mạng.
Dưới chân giảng đàn mà tôi đã trải qua những giây phút đẹp nhất
cuộc đời, tôi được thấy những điều tồi tệ nhất. Tôi thấy, không những người ta
muốn trừng phạt tôi -xin lỗi- cải tạo tôi, mà còn hơn nữa: họ muốn dìm tôi xuống
địa vị một phạm nhân dưới chân cái bục mà thời vàng son tôi đã đứng, bắt tôi
nghe những lời thoá mạ mỉa mai cay độc của những kẻ không phải là đồng song với
tôi như ở Mặt Trận mà là những đứa nhãi ranh không biết lượm được ở đâu, một
vài kẻ hình như đã học tôi.[32]"
Những lời đấu tố thô bỉ người thày, không được Nguyễn Mạnh Tường
nhắc lại, ông chỉ ghi lại cuộc tranh luận của ông với một sinh viên học trò cũ
và một nhà giáo trung học nhờ chạy chọt, được lên dạy đại học, vì những vấn đề
họ đưa ra, có chỗ đáng bàn. Và ông vẫn vận dụng kiến thức của mình để thuyết giảng.
Ông thấy mình như đã chiếm được cảm tình của số đông cử tọa, qua ánh mắt của họ.
Đấu trường Đảng xẩy ra trong không gian kín, không có quần chúng
tham dự. Có lẽ người ta thấy bất lợi khi đưa ông ra trước công chúng: không những
ông không bị bôi nhọ mà dường như ông còn được quần chúng ủng hộ. Trong đấu trường
thứ ba này, Nguyễn Mạnh Tường phải trả lời ba vị quan tòa về Thái độ của
người trí thức trong thế giới cộng sản. Câu hỏi chính đặt ra trong buổi thẩm vấn
là: Sau chín năm theo cách mạng, đồng chí đã gặt hái được những thành quả không
nhỏ và được sự trọng đãi của Đảng và nhà nước, thay vì hưởng thụ những đặc quyền
mà Đảng đã dành cho, tại sao đồng chí lại đứng lên chống Đảng? Và đây là lời vấn
đáp cuối cùng giữa người hỏi cung và Nguyễn Mạnh Tường, trong buổi đối chất trước
toà án Đảng:
"Đồng chí không thể không biết những gì đang chờ đợi. Nhà
nước chỉ chấp nhận một thái độ duy nhất của trí thức. Đó là thái độ theo đúng
đường lối chính thống, tin vào Đảng, trung thành với Đảng, suy nghĩ, cảm nhận,
hành động, theo chiều hướng và cung cách mà các cấp lãnh đạo đã quy định. Bất
luận kẻ nào đi ra ngoài con đường này là bị rơi vào tà thuyết và sẽ bị trừng trị
như những kẻ phản động bán nước. Đây là cơ hội cuối cùng để đồng chí hối cải về
sự cả gan và bất cẩn của đồng chí. Hãy nắm lấy!"
Nguyễn Mạnh Tường trả lời:
"Mỗi người chịu trách nhiệm về hành động của mình. Nếu xã hội,
tức là nhân dân, đạt tới một trình độ văn hoá cao, có mức nhận thức trong sáng,
thì những cả gan của một tư tưởng khác với đường lối chung sẽ không bị trừng phạt,
mà ngược lại sẽ được khuyến khích, bởi sự tiến bộ của dân tộc tùy thuộc vào những
cả gan này. Lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng không bao giờ số đông quần
chúng có thể khai quang được một lối đi trong rừng rậm của dốt nát, thành kiến,
hèn hạ, để tiến lên một bước về phía ánh sáng mặt trời. Trong thành Athènes,
kinh đô của hiền triết, Socrate đã phải uống cạn cốc độc cần, để lại bài học
cho những trí thức trên thế giới suy nghiệm và noi theo: người trí thức phải giữ
vai trò tiên phong, hướng đạo trên con đường khó khăn và nhọc nhằn, để dẫn dân
tộc đến niềm vui và hạnh phúc.
Nước ta đã phải chứng kiến sự thâm nhập của một chủ nghĩa ngoại
bang hoàn toàn không bắt rễ từ quá khứ dân tộc. Bao nhiêu nhà ái quốc lớn mà mọi
người đều kính phục đã bảo vệ, đã bênh vực, đã bảo trợ cho chủ nghiã này, họ đã
đưa nó ra rồi bắt dân chúng phải thừa nhận, bằng cách hứa hẹn nó là chìa khoá mở
cửa vào thiên đàng trần thế. Quần chúng tin vào lời nói của lãnh đạo và chờ đợi
sự thực hiện những lời hứa. Chính nhờ vào sự đồng tình, vào những cố gắng, những
hy sinh của của toàn dân mà đất nước đã giành được độc lập và tự do. Những cánh
tay làm việc và những cái đầu suy nghĩ đã là rường cột cho đảng cầm quyền.
Bất hạnh thay, con đường chúng ta đi không bọc nhung. Hợm mình
trước những chiến công hiển hách mà họ tưởng đã đạt được nhờ chủ nghiã mác-xít,
những người lãnh đạo đã xây dựng nền móng và áp dụng sâu rộng hơn chủ nghiã này
trong tất cả các ngành, không cần đếm xỉa đến khoa học và thực tế, tuy vẫn hô
hào kính trọng giáo dục. Cuộc Cải Cách Ruộng Đất đưa đến những sai lầm nghiêm
trọng mà những người cầm quyền phải chịu trách nhiệm. Sự đói khổ của nhân dân
đã đến mức khốc liệt, vậy mà những kẻ trách nhiệm vẫn khoác lác rêu rao những
điều ngược lại.
Trước bi kịch này, thái độ của trí thức phải thế nào? Có kẻ bịt
mắt đút nút lỗ tai để đồng thanh phụ họa với bọn cơ hội và phỉnh nịnh, luôn miệng
kêu gào: "Cộng Sản thắng lợi. Đảng Cộng Sản muôn năm". Những kẻ này
hy vọng được ân sủng đến ba đời. Công chúng biết rõ và khinh họ. Nhưng những khối
óc biết nghĩ và và những trái tim yêu tổ quốc và dân tộc không thể nhẫn nhục chịu
đựng -trong im lặng và thụ động- những cay đắng của khát vọng không thành và những
giấc mơ bị chà đạp. Họ lên tiếng tố cáo những sai lầm và đề nghị những biện
pháp sửa đổi. Họ được cám ơn bằng những cú roi quất, bằng tù tội suốt đời, họ bị
kết tội phản đảng, phản cách mạng, là kẻ thù của nhân dân! Sự an ủi duy nhất của
họ là được quần chúng hiểu, ái ngại, nhưng không làm gì cho họ được. Họ phải đợi
sự phán đoán của Lịch sử".
Và ông viết tiếp:
"Không một lời tuyên án. Những người cộng sản ưa bí mật. Lệnh
được quyết định và thi hành trong yên lặng chết chóc. Công chúng không biết gì
cả: bí mật được giữ trọn để khỏi khơi lên những tình cảm vô ích, những xao động
đáng tiếc! Họ đã tiên đoán tất cả và hành động kịp thời![33]"
Ba đấu trường. Không có án. Nguyễn Mạnh Tường đã phải xuyên qua
hơn ba mươi năm sa mạc từ 1958 đến 1990. Bị khai trừ khỏi đại học. Chiếc xe đạp
đi dạy bị lấy lại. Không được mở lớp dạy tư để kiếm tiền. Phải bán dần đồ đạc
trong nhà. Sống trong đói khát. Bệnh tật. Bạn bè xa lánh. Người quen đổi vỉa
hè.
Nhưng trong đêm khuya tăm tối vẫn có những đốm lửa lóe lên:
"Thỉnh thoảng, sáng thức dậy mở cửa tôi thấy ai đã nhét vào
kẽ cửa một phong bì đầy tiền. Chúng tôi cảm động rơi nước mắt, tuyệt vọng vì
không thể cám ơn ân nhân được bởi có biết họ là ai. Hay có những hôm tôi đi dạo
lúc trời nhá nhem. Luôn luôn vẫn có cớm theo dõi đằng xa. Bỗng một chiếc xe đạp
đạp rất nhanh, sát bên tôi, nhét vào tay tôi một phong bì hay một gói nhỏ rồi
biến mất. Tất cả chỉ trong nháy mắt.[34]"
Những đốm lửa hy vọng đó đã nuôi sống nhà trí thức trong suốt cuộc
đời còn lại.
[3] Theo Hoàng Cầm có Huy Cận, Lưu Trọng Lư. Theo Lê Hoài
Nguyên có Tố Hữu, Huy Cận, Hà Xuân Trường. Ở đây, chúng tôi dùng thông tin của
LHN.
[4] Trích bài Cái ổ chuột "Nhân Văn Giai Phẩm" bị
vạch trần trước ánh sáng của dư luận, in trong BNVGPTTADL, nxb Sự Thật, Hà
Nội, 1959, trg 309-310.
[5] Bàng Sĩ Nguyên là người đã viết những dòng vô cùng nhơ bẩn
về Thụy An, được đăng lại trong BNVGPTTADL.
[8] Những chữ in đậm trong bài "Ý nghĩa một cuộc đấu
tranh trong văn nghệ" của Tố Hữu, được trích dẫn ở đây, là theo
đúng nguyên văn.
[12] Hồng Cương, Bọn phản bội Trần Dần-Hoàng Cầm-Tử Phác,
Quân Đội Nhân Dân số 437, ra ngày 11/4/1958.
[15] Báo chuyên nghị luận, số 1 ra ngày 10/12/ 56, do Minh Đức
xuất bản, vừa phát hành đã bị tịch thu.
[18] Lê Nguyên Chí là người đưa đường cho nhóm Nguyễn Hữu Đang
trốn vào Nam, nhưng Hoàng Cầm cho là người của công an trá hình. Con trai
ông có viết bài thanh minh cho cha.
[20] Trần Đức Hinh, Tẩy sạch nọc độc của chủ nghĩa xét lại
trong việc giới thiệu, phê bình phim ảnh, Điện Ảnh số 14, ngày 1/5/58, tài
liệu Lại Nguyên Ân.
[26] Lê Hoài Nguyên tên thật Thái Kế Toại, nguyên Đại Tá
công an, công tác văn hoá tại A25, chuyên theo dõi văn nghệ sĩ, bài đăng trên mạng
nguyentrongtao từ 6/8/2010.
CHƯƠNG 8
THỤY AN (1916-1987)
Thụy An là khuôn mặt nổi trội, bị kết án nặng nề nhất. Trường hợp
của bà giống như một bi kịch Hy Lạp, cho đến nay, chưa mấy ai hiểu được những
khúc mắc bên trong.
Thụy An là ai?
Là phụ nữ duy nhất, không viết bài cho NVGP, nhưng tên bà bị nêu
lên hàng đầu trong "hàng ngũ phản động", bị quy kết
là "gián điệp quốc tế", lãnh án 15 năm tù cùng với Nguyễn Hữu
Đang. Những lời thoá mạ nhơ bẩn nhất dành cho bà"Con phù thủy xảo quyệt" cùng
những lời lẽ độc địa nhất: "Như vắt ngửi thấy máu, Thụy An như rắn bò
tới các câu lạc bộ Hội Nhà Văn phun nọc độc mạt sát chế độ ta bần cùng hoá nhân
dân"[1].
Tại sao lại có sự căm thù ghê gớm đối với nhà thơ, nhà văn, nhà
báo phụ nữ tiên phong của Việt Nam? Người đầu tiên thực hiện nữ quyền bằng ngòi
bút và hành động. Người chủ trương giải phóng phụ nữ không bằng lý thuyết mà bằng
việc làm. Người xác định vị trí phụ nữ như một công dân tự do, thấm nhuần tinh
thần dân chủ.
Đáng lẽ bà phải có chỗ đứng xứng đáng trên văn đàn, bởi bà chủ
trương các tờ Đàn Bà Mới, tại Sài Gòn, từ 1934, và Đàn
Bà, tại Hà Nội, 1937. Bà là nhà văn nữ tiên phong với tiểu thuyết Một
linh hồn, 1942. Nhưng cho đến nay, chính quyền cộng sản chưa hề trả lại cho bà
phần danh dự bị bôi nhọ trong hơn nửa thế kỷ, với những lời nhục mạ tàn nhẫn, một
cái án 15 năm phi lý, và cho đến chết bà vẫn chưa hề được phục hồi danh dự.
Để tìm hiểu về Thụy An con người và tác phẩm, chúng tôi đã liên
lạc với hai con bà, ông Bùi Thụy Băng, nguyên chủ nhiệm kiêm chủ bút nguyệt san
Atlanta Việt Báo, Hoa Kỳ, bà Bùi Thư Linh, Paris, và sử dụng bản tiểu sử Thụy
An do Trinh Tiên -bạn thân của Thụy An- viết ngay sau khi Thụy An qua đời năm
1987, nhưng đến 1998, gia đình mới nhận được, đăng trên Atlanta Việt Báo Xuân Ất
Dậu, 2005.
Thụy An, còn có bút hiệu Thụy An Hoàng Dân, tên thật là Lưu Thị
Yến, sinh năm 1916 tại Hà Nội, là con ông bà Lưu Tiến Ích và Phùng Thị Tôn, quê
gốc làng Hoà Xá, quận Vân Đình, tỉnh Hà Đông. Thuở nhỏ học trường Hàng Cót, Hà
Nội. Năm 1929, 13 tuổi, Yến đã có thơ đăng trên Nam Phong. 1932, 16 tuổi, được
giải thưởng văn chương của Triều đình Huế. Năm 1934, 18 tuổi, Thụy An kết hôn với
Bùi Nhung, nhà văn kiêm nhà giáo, bút hiệu Băng Dương, em ruột học giả Bùi Kỷ
và bà Trần Trọng Kim, sinh 7 con, một người mất sớm: An Dương (1934), Thụy Băng
(1937), Thư Linh (1938), Dương Chi (1939), Ngọc Trinh (1943) và Châu Công
(1945). Ông Bùi Nhung hai lần làm giám đốc đài phát thanh Hà Nội từ 1948-49, và
1951-52, rồi giám đốc đài phát thanh Hải Phòng năm 1954[2].
Năm 1934, 18 tuổi, Thụy An bắt đầu nghề báo, cùng chồng lập tuần
báo Đàn Bà Mới ở Sài Gòn. 1937, bà ra Hà Nội chủ trương tờ Đàn Bà. Trong
chiến tranh Việt-Pháp, Thụy An là phóng viên chiến tranh, tham dự nhiều cuộc nhảy
dù ra mặt trận để cung cấp tài liệu cho báo chí.
1954, bà giữ chức quyền giám đốc Việt Tấn Xã.
Thụy An-Băng Dương sống ly thân từ 1949, nhưng không ly dị vì cả
hai đều theo đạo công giáo. Bà có quan hệ mật thiết với ông Đỗ Đình Đạo, một
nhân vật quan trọng của Quốc Dân Đảng. Đỗ Đình Đạo được coi như người chồng thứ
nhì. Thụy An và Đỗ Đình Đạo chia tay năm 1952. Nhưng đến 1954, khi Đỗ Đình Đạo
bị đầu độc chết, dư luận buộc tội bà giết chồng, và chính những lời vu cáo này,
sẽ được thổi phồng và sử dụng chống bà sau 1954.
Về biệt hiệu Thụy An Hoàng Dân, Bùi Thụy Băng giải thích: Phan
Khôi và Thụy An là hai người bạn vong niên từ lâu. Thụy An kém Phan Khôi 29 tuổi.
Biệt hiệu Chương Dân của Phan Khôi ngày trước và Hoàng Dân của Thụy An sau này,
cùng để tưởng niệm đến một người anh hùng, có tên Chương Hoàng Dân hay Hoàng
Chương Dân.
● Tác phẩm
Thụy An là nữ tiểu thuyết gia duy nhất được Vũ Ngọc Phan lựa chọn
trong bộ Nhà văn hiện đại, với tác phẩm Một linh hồn, xuất bản
1943. Trong bài phê bình dài dành cho tác phẩm Một linh hồn, Vũ Ngọc
Phan nhận định: "Là một nhà thơ, nhưng bà là người đi tiên phong
trong địa hạt tiểu thuyết với cuốn Một linh hồn" và ông kết luận
"Một linh hồn cũng đáng kể là cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất của phụ nữ Việt
Nam từ trước đến nay, tác giả đã giàu tưởng tượng, truyện lại xây dựng một cách
vững vàng, chắc chắn".
Về cuốn tiểu thuyết thứ nhì, Bốn mớ tóc (1952), Trinh
Tiên nhận xét: "Đây là tập truyện gồm nhiều đoản tác: "Một
thương", "Bà mẹ", "Cô con", "Mớ tóc"... Tác
giả cố ý nêu cuộc sống dân tộc trong buổi giao thời, mọi sinh hoạt đan che nhau
giữa mới và cũ. Điển hình như một mái tóc phụ nữ. Cổ thì để dài vấn trần hoặc vấn
khăn búi tó; mới thì cắt ngắn hoặc uốn quăn"[3].
Truyện ngắn của Thụy An in trên các báo hàng ngày tại Hà Nội. Một
vài truyện được in lại như: Giết chó[4]; phần lớn chưa tìm lại được: Chiếc cầu
chân chó; "Les vingt cinq meilleures histoires du monde - Hai mươi lăm
truyện hay nhất thế giới" do Hội Văn Bút Quốc Tế in khoảng 1954-55; một
cuốn sách viết về gia đình, gửi một tờ báo ở San José in năm 1985; truyện Vợ
chồng...
Lại Nguyên Ân sưu tầm được một số bài của Thụy An trong thời kỳ
NVGP, đã công bố trên Talawas, gồm: tiểu luận phê bình Nhân xem phim
"Anh gắng nuôi con" đặt lại vấn đề Tân hiện thực[5]; truyện ngắn Chuyện bố, mẹ, bé và con
búp bê[6]; thơ Chiếc lược[7]. Trong thời kỳ NVGP, bà in một tập truyện
ngắn, theo bài buộc tội của Vũ Đức Phúc, trong có những truyện như: Trường
hợp tòng quân của thiếu úy Lâm, Bích-xu-ra...
● Thơ văn sáng tác trong tù
Trong bài "Thụy An, mẹ chúng tôi" bà viết cuối
1988, sáu tháng trước khi mất, dùng giọng các con để viết về mình, bà có nói đến
việc sáng tác trong tù:"Bên cạnh cái án đó là nỗi đau khổ của một người mẹ
lìa xa con cái 30 năm trời, chưa hề biết mặt 17 đứa cháu nội, ngoại, cũng chưa
được ẵm đứa chắt đầu tiên vừa mới ra đời. (...) Lại cũng cần phải nói ngay,
không vì bị 15 năm mất tự do và treo bút vô thời hạn mà Mẹ chúng tôi phải
"tìm tự do", tìm "đất sống" cho những thứ mình viết ra hầu
hết trong thời gian bị tù [8].
Khởi sự bị giam cầm, Mẹ chúng tôi trong một thời gian ngắn có bị
khủng hoảng tinh thần trước tai biến bất ngờ quá ư to lớn đối với một người đàn
bà. Song Mẹ chúng tôi đã kịp thời trấn tĩnh lại, nhận tai biến như một cái Nghiệp
(...) Mẹ chúng tôi coi tai biến như một cái giá phải trả cho cho sự may mắn được
làm người, mà lại làm người Việt Nam có một thứ ngôn ngữ "đẹp nhất trần đời",
dễ học nhất thế giới, có sức diễn đạt truyền cảm, thẩm thấu suốt tâm hồn dân tộc
đến nỗi:
Một người mẹ không biết một chữ A,
Cũng biết hát những lời thơ hay nhất[9]
(...) Từ ngày anh em chúng tôi biết đọc, Mẹ chúng tôi vẫn tự
hẹn sẽ kể cho các con nghe những chuyện cổ tích Việt Nam để khối óc trinh tuyền
của con cái được thâm nhập ngay tính nhân hậu, hiền hoà, thơ và mộng, trí và
dũng của dân tộc... Thời kỳ mẹ chúng tôi có ý định này, vào thập niên 30-40,
chính là thời kỳ văn học Việt Nam đang tiến lên hiện đại hoá cả hình thức lẫn nội
dung, một sự tất yếu phải nhiệt liệt đón chào. Chỉ tiếc một điều, trên con đường
hiện đại hoá, những vốn cổ dân tộc: Trê Cóc, Lục Súc Tranh Công, Vợ Cóc, Vợ
Tranh, Châu Long, Tô Thị, v.v... bị lãng quên...
Thế rồi suốt 20 năm sau, cuốn vào thời cuộc thế giới, của đất nước
và nghề báo chí, Mẹ chúng tôi chưa thực hiện được ý định. Phải đợi vào nhà tù Cộng
sản, Mẹ chúng tôi mới khởi công làm cái việc tha thiết nhất một đời."[10]
Như vậy, những sáng tác trong tù của bà có thể rất phong phú,
ngoài 16 truyện cổ tích Việt Nam viết bằng thơ, bà vừa nhắc đến, nói lên chí
khí và tâm sự của mình mà bà coi như tập "Nhật ký trong
tù", còn có tiểu thuyết và biên khảo. Thơ của bà cũng trong tình trạng
tứ tán thất lạc. Theo Trinh Tiên: "Thụy An sáng tác thơ cũng rất nhiều,
phần đăng rải rác trên các báo, phần vẫn còn trong bản thảo. Bài thơ trường
thiên tựa đề "Sao lại mùa thu". Rồi như bài "Ân thiên nhất đẳng"
tặng Thái Bằng có giọng ca thiên phú độc đáo..." Về các sách chưa xuất
bản, Trinh Tiên nhắc đến 2 cuốn tiểu thuyết: Người lãnh tụ, Phiên chợ trời
Đanh Xuyên, và 2 cuốn biên khảo: Bùi Thị Xuân và Vợ chàng
Trương, có lẽ đó những sách bà đã viết trong tù, không biết bây giờ thất lạc
ở đâu.
● Những lời buộc tội
Trong những lời buộc tội, có hai loại: loại vô bằng chứng kiểu "gián
điệp quốc tế", "tay sai Mỹ-Diệm"... là những công thức
có sẵn, không cần bàn đến. Loại thứ nhì dựa trên một vài sự kiện có thực rồi
khuếch trương lên, đã tác hại lên danh dự của Thụy An. Loại này xoay quanh ba dữ
kiện:
1- Bà quen nhiều người Pháp.
2- Bà di chuyển thường xuyên trên trục Nam-Bắc.
3- Người ta đồn bà giết ông Đỗ Đình Đạo, một yếu nhân của VNQĐD,
để tỏ"lòng trung thành" với cách mạng.
Xuân Dung viết:
"Hồi Hà Nội tạm chiếm, nó bỏ Băng Dương, hiện nay là tay
chân "đắc lực" của Mỹ-Diệm, và lấy Đỗ đình Đạo (một tên Quốc dân đảng
đã từng chống lại chính quyền dân chủ nhân dân và tàn sát đồng bào ta ở Vĩnh
Yên, Phúc Yên hồi Cách mạng tháng Tám). Lúc này tên phản quốc Đạo đang chỉ huy
những đội "quân thứ hành chính lưu động" của Pháp chuyên đi càn quét
các vùng. Và nó được Đạo nâng đỡ, cất nhắc lên chức quyền Giám đốc Việt Tấn Xã
của ngụy quyền. Một tờ báo xuất bản thời ngụy quyền, ra ngày 8/8/1954 có viết:
"Thường thường bà Thụy An đi lại trên đường hàng không Hà Nội-Sài Gòn nhiều
lần và hành tung bí mật như đời sống riêng của bà..."
Hành tung của con mẹ phù thủy ấy là đi máy bay dự các cuộc nhảy
dù và ra khắp các mặt trận để cung cấp tin tức cho nhiều đài và báo địch; còn đời
sống riêng là luôn luôn ra vào buồng những thằng Tát-xi-nhi, Cô-nhi... Cuối
1953, nó liên lạc chặt chẽ với tụi tơ-rốt-kít Hồ hữu Tường và cổ động tích cực
cho báo Đông Phương với nội dung tuyên truyền thuyết "trung lập chế"
(trung lập hay chính là tay sai cho đế quốc?).
Trước hoà bình lập lại ít ngày, đùng một cái, người ta nghe tin
Thụy An giết Đỗ đình Đạo; mà lúc đó có tờ báo trong Hà Nội đã nêu lên với một đầu
đề lớn "Tiền, tình hay chính trị". Vì gì thì vì, có điều nhất định
không vì chế độ dân chủ nhân dân của chúng ta rồi! Đỗ đình Đạo tên trùm GAMO
(quân thứ hành chính lưu động) vừa bị giết được hai ngày, có người (hiện đương ở
Hà Nội) lại trông thấy Thụy An ngồi chung xe với tên tướng giặc Cô-Nhi, ấy là
chưa kể còn có tin nó vào Sài Gòn rồi lại trở ra Hà Nội, 1 tháng trước khi tiếp
quản.
Giải phóng thủ đô, nhiều người lạ lùng vì sự có mặt của con này.
Riêng cái việc xuống Hải Phòng khi ta chưa tiếp quản, rồi lại về Hà Nội một
cách đàng hoàng cũng đủ cho chúng ta suy nghĩ (...) Việc đầu tiên là luôn luôn
lấy việc giết Đạo để tỏ lòng "trung thành" với cách mạng"[11].
Cách viết trên đây rất thâm độc: tác giả dựa vào một vài sự kiện
có thật như việc Thụy An hay ra vào Nam Bắc, và cái chết bí mật của Đỗ Đình Đạo,
được báo chí loan tin, để tạo cho người đọc cái cảm tưởng là mọi việc có thật;
nhưng lại chêm vào những chữ: nghe tin, có người trông thấy, ấy là chưa kể...
để chứng tỏ mình -người viết- vô can. Không kể những điểm vô lý như: Nếu ông Đạo
là trùm GAMO của Pháp thì tại sao Thụy An lại không bị Pháp bắt, vì giết Đỗ
Đình Đạo, mà lại đàng hoàng đi xe với tướng Cogny? Việc bà "luôn luôn
lấy việc giết Đạo để tỏ lòng trung thành với cách mạng" thật đáng ngờ,
vì trong những phát biểu của Thụy An, cho đến lúc chết, chưa bao giờ
bà "tỏ lòng trung thành với cách mạng".
Tất cả những lời đồn đại ác ý làm cho bà bị mang tiếng "giết
chồng", và nhiều người tin và xác định như là sự thật, ví dụ sau này
trong bài "tự thú", Phùng Quán viết "tôi có biết Thụy An trước
đây đã giết chồng" và cả Lê Đạt cũng viết "lúc đầu rất ghê
tởm Thụy An".
Tiếng oan giết chồng là bi kịch đầu tiên của Thụy An.
Lê Hoài Nguyên, nguyên Đại Tá công an, công tác tại A25, chuyên
theo dõi văn nghệ sĩ và văn hoá, cho biết:
"NVGP không hoạt động gián điệp. Cái tội gọi là hoạt động
gián điệp ở đây là sự gán ghép suy diễn buộc tội. Nguyễn Hữu Đang không liên
quan gì đến những người Pháp còn ở Hà Nội. Còn Thụy An thì được một cơ quan
giao nhiệm vụ nắm ý đồ của mấy người Pháp đối với tình hình Hà Nội lúc đó. Sau
đó những lời báo cáo của bà trở thành chứng cứ buộc tội bà hoạt động gián điệp.
Họ cũng không có tài liệu bí mật để chuyển giao cho cái gọi là cơ quan tình báo
Pháp"[12].
● Gia cảnh Thụy An và cái chết của Đỗ Đình Đạo
Trong một điện thư gửi cho chúng tôi, ông Bùi Thụy Băng cho biết
hoàn cảnh gia đình: "Là đứa con trai thứ nhì, tôi là người gần mẹ tôi
nhất vì từ năm 1943 trở đi mẹ tôi bệnh tật luôn luôn. Mới 6 tuổi tôi đã trông
nom mẹ tôi. Anh cả tôi là Bùi An Dương bị bệnh hen suyễn từ khi mới sinh ra nên
rất yếu đuối và mẹ tôi đã cho anh An Dương khi chưa đầy một tuổi, làm con nuôi
ông bà Trần Trọng Kim (cụ Bùi Kỷ và bà Trần Trọng Kim là anh, chị ruột của ba
chúng tôi)"[13].
Trong cuộc nói chuyện điện thoại ngày 17/10/2009 tại Paris, bà
Bùi Thư Linh trả lời những câu hỏi của chúng tôi:
- Thụy An và Băng Dương ly thân từ năm 1949. Tại sao?
- Vì cha tôi không trung thành, ông có nhiều bà khác.
- Sau khi ly thân, ai nuôi các con?
- Mẹ nuôi các con, nhờ bà ngoại giúp đỡ và bác (gái) Trần Trọng
Kim cho vay tiền, nhưng mẹ vất vả lắm.
- Khi nào thì gia đình vào Nam?
- Năm 1952, đi bằng tàu thủy. Mẹ thường đi về đường Sài Gòn - Hà
Nội bằng máy bay, nhưng vé máy bay cả nhà đắt lắm. Mẹ mua vé tàu thủy cho các
con, nhờ người cậu dẫn vào Sài Gòn.
- Đến 1954, Bùi Thư Linh (16 tuổi) đi Pháp, tại sao?
- Tôi bị bệnh lao xương, Mẹ gửi tôi đi Pháp chữa bệnh ngày
20/5/1954.
- Gia đình túng thiếu, lấy tiền đâu ra?
- Đi theo diện Pupille de la Nation (Nghiã tử Quốc
gia), chính phủ Pháp lo hết[14].
Chúng tôi cũng đã đặt câu hỏi với ông Bùi Thụy Băng qua điện thoại
16/12/2004, và sau đây là những câu trả lời:
- Tại sao Thụy An đem gia đình vào Sàigòn năm 1952?
- Vì ông Đỗ Đình Đạo[15].
- Tại sao Thụy An đã vào Sài gòn năm 1952, lại còn trở ra Hà Nội
năm 1954, trước ngày tiếp quản?[16]
- Từ 1952, Thụy An đã vào Nam, tại vì ông Đỗ Đình Đạo. Ông
Đỗ Đình Đạo là Giám Đốc Quân Thứ Lưu Động của Việt Nam Quốc Dân Đảng từ
1950 đến 1954. Ông Đỗ Đình Đạo còn là bạn thân của ông cụ tôi, trước khi mất, ông
vẫn còn liên lạc với ông cụ tôi. Sau trận Điện Biên Phủ, ông Đỗ Đình Đạo có lệnh
của VNQĐD, phải ở lại Hà Nội để chống Việt Minh. Nhưng mẹ tôi không biết chuyện
đó. Nửa tháng trước khi Việt Minh tiếp thu Hà Nội, tôi (lúc đó 17 tuổi) đưa bà
cụ ra phi trường Sài Gòn để đi Hà Nội. Bà cụ tôi ra Hà Nội vì tưởng rằng ông Đỗ
Đình Đạo đã đi (Nam) rồi. Bà cụ tôi nghĩ rằng ông ĐĐĐ không còn ở Hà
Nội".
- Thụy An ra Hà Nội với mục đích gì?
- Bà cụ tôi ra Bắc, với hai mục đích:
- Về quê mình để thu thập tất cả những gì quý báu nhất
trong nhà ông ngoại tôi.
- Thứ nhì, bà cụ tôi muốn đặt cái bản doanh chống lại chính quyền
ở Hoà Xá[17].
Nhờ những chi tiết trên đây, cuộc đời Thụy An sáng tỏ hơn: người
phụ nữ ấy làm nghề báo nuôi 6 con; là phóng viên chiến tranh, cương vị quyền
giám đốc Việt Tấn Xã, bà vào Nam ra Bắc thường xuyên; bà quen biết những người
như Sainteny, đại sứ, các tướng Tassigny, Cogny, cũng nhờ họ, bà xin được cho
con gái sang Pháp chữa bệnh lao xương. Nhưng cũng chính vì việc con gái sang
Pháp với diện Pupille de la Nation mà sau này trong vụ án NVGP, bà lại
càng bị quy kết làm "gián điệp" cho Pháp. Về phiá chính quyền
cộng sản, xin nhắc lại lời Lê Hoài Nguyên: "Thụy An thì được một cơ quan
giao nhiệm vụ nắm ý đồ của mấy người Pháp đối với tình hình Hà Nội lúc đó. Sau
đó những lời báo cáo của bà trở thành chứng cứ buộc tội bà hoạt động gián điệp".
Như vậy, khi ra Bắc, Thụy An có chủ đích chính trị: đặt bản
doanh chống chính quyền cộng sản ở Hoà Xá, quê hương bà, nơi có những người tin
cẩn nhất, và Hoà Xá cũng là một trong những làng có truyền thống chống cộng. Và
để đánh lạc hướng, bà nhận cả công tác dò thám Pháp cho chính quyền cộng sản. Với
hành động này, Thụy An trở thành nhà văn đầu tiên tổ chức chống lại chính quyền
cộng sản, trong lòng chế độ.
Bà không ở trong tổ chức của VNQDĐ, cho nên bà không biết Đỗ
Đình Đạo đã có nhiệm vụ ở lại chống Việt Minh. Vậy bà ra Bắc, theo "chỉ thị"
của chính mình:
"Tình nhà, tình nước bời bời
Mẹ năn nỉ giữa, nước đòi thiết tha"[18]
Và như lời Bùi Thư Linh: "Mẹ thương các con lắm nhưng
mẹ vẫn có cái lý tưởng của mẹ, không bỏ được".
Ở thời điểm 1954, hầu hết mọi người VN đều nghĩ việc chia đôi đất
nước sẽ chỉ trong một vài năm. Vì vậy, Thụy An đã nhờ mẹ trông nom các con để
ra Bắc hoạt động. Bà không ngờ đến cái chết của Đỗ Đình Đạo; cũng không ngờ Nam
Bắc chia đôi 20 năm; và lại càng không ngờ chính mình bị rơi vào 15 năm tù tội.
Về cái chết của Đỗ Đình Đạo, Bùi Thụy Băng cho biết:
"Lúc đó, tôi từ Sài Gòn, ép bố tôi, còn đang là Giám Đốc
Đài Phát Thanh Hải Phòng, phải ký sự vụ lệnh cho tôi đáp máy bay ra Hải Phòng rồi
lấy xe lửa ra Hà Nội gặp mẹ tôi, vì cái chết của nhà cách mệnh VNQĐD Đỗ Đình Đạo. Nếu
bà cụ tôi đầu độc Đỗ Đình Đạo, thì chính quyền Pháp điều tra biết, họ cũng bắt
ngay. Khi chuyện xẩy ra, ông Đỗ Đình Đạo ở nhà bà cụ tôi (ở Hà Nội) mà
bà cụ tôi cũng không biết. Nhà hai chị em mẹ tôi ở chung. Có thể bà dì tôi đã
cho ông Đỗ Đình Đạo trú ngụ mà mẹ tôi không biết[19]. Khi ông Đỗ Đình Đạo bị đầu độc thì mẹ
tôi đương ở Hoà Xá với một người bạn là bác Phụng, ở Ngõ Nhà Do (Impasse
d'Identité)". Mẹ tôi còn nói: "Bác chết nhưng mà xác bác chết còn
thơm hơn người sống".
Mặc dù không bị bắt, nhưng Thụy An vẫn bị mang tiếng "đầu độc
chồng":"Đến anh tôi còn giận, không để hình mẹ tôi trong nhà".[20]
● Tuổi trẻ thơ mộng
Trong bài tiểu sử Thụy An, Trinh Tiên viết:
"Hè 1932, cô Yến được cha mẹ cho học tư thêm. Thày giáo là
một hàn sĩ người Quảng Bình, dáng dấp mảnh khảnh đầy vẻ cương nghị.(...) Ông thầy
giáo trẻ ấy đã bị trò Yến cùng các bạn trêu chọc gọi là "Anh đồ Nghệ".
Hơn thế, Yến còn làm thơ nhạo báng dí dỏm:
Khéo ghét anh đồ xứ Nghệ
Hơn mình mấy tí tuổi đầu?"[21]
(...). Nhưng chàng trai xứ Quảng này không chỉ là một hàn sĩ hay
một nhà mô phạm đơn thuần, mà còn là một người yêu nước thiết tha, một nhà cách
mạng chân chính. Cho nên trong những bài giảng đã gieo ảnh hưởng không ít đến lớp
học trò (...) Hơn thế nữa, chính người thầy giáo trẻ ấy lại là một chiến sĩ hoạt
động trong bóng tối. Chúng ta hãy lắng nghe lời thơ giới thiệu của Thụy An về
người anh hùng đó:
Hung hãn vọng vào tiếng bể
Hờn căm rít ngọn gió Lào
Anh mang trùng dương giận dữ
Anh mang hoang dại khô khan.
Và như:
Mắt anh hừng trí bốn phương
Tay run nắm hồn dân tộc
Tóc xòa vương hận núi sông
Môi bậm tai nghe rên xiết
Áo cơm dọa dưới cùm gông!
Thật sự, Thụy An đã hấp thụ tư tưởng cách mạng qua thầy đồ Nghệ:
... Rồi anh bắt đầu dẫn dắt
Dạy em khui lửa bất bình
Oán hận réo sôi lòng đất
Công lý tù đầy uất uất
Miếng cơm nghẹn họng nhân sinh...[22]
Thoảng chốc, lớp hè vài tháng trôi qua. Thày trò bịn rịn chia
tay. Riêng thiếu nữ Thụy An còn nghe lòng vương chút bâng khuâng, diệu vợi...
Nhưng lại là chút bâng khuâng rất nhẹ nhàng lờ lững... nó đã thoảng qua ngay
trong lứa tuổi 16 thơ ngây ấy...Và cũng bởi rằng: "làm thinh... anh vẫn thản
nhiên..." Còn chăng chút lưu luyến ở tâm hồn Thụy An là niềm cảm phục
trang thanh nhiên chí khí, cô đã kết ý thơ thành chuỗi nguyện cầu:
Nguyện mình hoá vải hoá bông
Thấm lau dòng máu anh hùng thơm tho
Máu anh đã rửa quốc thù
Máu anh viết trước bài ca khải hoàn.
Thơ Thụy An"[23]
Bùi Thụy Băng giải thích:
"Người thày giáo đề cập ở đây là tướng Võ Nguyên Giáp. Khoảng
1930, ông ngoại tôi đã mướn người thầy giáo sử địa Võ Nguyên Giáp về nhà kèm má
tôi học. Năm 1933, má tôi theo thầy vô Nam - Ông Võ Nguyên Giáp muốn đưa bà cụ
tôi sang Trung Hoa. Nhưng má tôi lại gặp ba tôi ở Sài Gòn và hai người lấy
nhau, sanh ra anh cả tôi là Bùi An Dương, năm 1934. Lúc đó ba má tôi đã xuất bản
tuần báo Đàn Bà Mới, nên má tôi trở về Hà Nội cho anh tôi làm con nuôi ông bà
Trần Trọng Kim, để vô Nam tiếp tục lo tờ tuần báo. Năm 1937, ba má tôi trở ra
Hà Nội sanh ra tôi là Bùi Thụy Băng" [24].
Tiểu sử chính thức ghi Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911 (hơn
Thụy An 5 tuổi). Năm 1931 ông ra Hà Nội học trường Albert Sarraut, sau đó học
Luật. Ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Quang Thái, năm 1934 (bà Thái chết trong Hỏa
Lò Hà Nội năm 1943). Không thấy nói đến việc Võ Nguyên Giáp sang Tầu, nhưng
trong cuốn Từ thực dân đến cộng sản, Hoàng Văn Chí viết như sau:
"Mai (Đặng Thai Mai) và Giáp đều là "con
nuôi" của Louis Marty, giám đốc phòng chính trị của phủ Toàn Quyền. Marty
kiếm việc cho Mai dạy học ở trường Gia Long mà giám đốc là Bailey, một người
Pháp, và giao Giáp, hãy còn là sinh viên, cho Mai trông coi. Trong khi những đảng
viên Tân Việt khác bị tù đầy hoạc cấm cố thì hai người ung dung sống ở Hà Nội
cho đến ngày Giáp được Pháp đưa sang Tầu theo Việt Minh chống Nhật, Giáp có
theo học lớp "chiến tranh du kích" do Mỹ mở ở Tỉnh Tây, nhưng không
bao giờ lên Diên An. Giáp và Mai coi nhau như "anh em kết nghiã"
nhưng sau khi vợ Giáp chết trong tù, Giáp lấy cô Hà, con gái Mai kém Giáp gần
20 tuổi mà trước kia Giáp vẫn bế trong tay hồi còn là "chú cháu"[25].
Tổng hợp thông tin của Trinh Tiên, Bùi Thụy Băng và Hoàng Văn
Chí, có thể kết luận: Khoảng 1931-32, khi còn là sinh viên, Võ Nguyên Giáp đã dạy
kèm Lưu Thị Yến tại nhà. Đến hè 1932, nếu Trinh Tiên ghi đúng, thì cô Yến và
các bạn còn học thêm Võ Nguyên Giáp trong lớp hè. Bài thơ dài Sao lại mùa
thu của Thụy An, được Trinh Tiên trích dẫn, nói rõ không khí lớp hè năm đó
và sự"quyến luyến" mà trò Yến dành cho người thày, đã gieo rắc
vào tâm hồn cô gái 16, lý tưởng "cứu nước". Lưu Thị Yến,
lúc đó 16-17 tuổi, cũng đã nổi tiếng vì có thơ đăng trên Nam Phong và đã được "giải
thưởng văn học của triều đình".
Sau đó, theo lời Bùi Thụy Băng: "Năm 1933, má tôi theo thầy
vô Nam - Ông Võ Nguyên Giáp muốn đưa bà cụ tôi sang Trung Hoa" và
Hoàng Văn Chí: "Giáp được Pháp đưa sang Tầu theo Việt Minh chống Nhật,
Giáp có theo học lớp "chiến tranh du kích" do Mỹ mở ở Tỉnh
Tây", chứng tỏ Võ Nguyên Giáp được Pháp cho sang Tầu năm 1933 theo Việt
Minh để chống Nhật, và định rủ Thụy An đi theo. Như vậy, tình cảm giữa hai người,
qua thơ của Thụy An, là có thật, và Thụy An đã muốn cùng "thầy" Giáp
sang Tàu theo Việt Minh. Chắc Thụy An có kể cho Lê Đạt nghe việc này, vì trả lời
phỏng vấn RFI, Lê Đạt nói một câu rất ý nghiã:
"Chị Thụy An còn nói kín hở cho tôi biết rằng chị ấy
đã từng tham gia kháng chiến! Việc liên lạc với kháng chiến trong thời ấy thì
mình mất mối là chuyện bình thường, mà mất mối thì mình không thể chứng minh được."
Điều chắc chắn là qua những câu thơ trong bài Sao lại mùa
thu, Thụy An đã nói lên lòng ái quốc của mình bằng những lời thơ bất khuất:
Tay run nắm hồn dân tộc
Tóc xòa vương hận núi sông
Môi bậm tai nghe rên xiết
Áo cơm dọa dưới cùm gông!
● Chí khí Thụy An
Bài Tôi về quên mất cả xuân sang, ký ngày 5/11 âm
lịch 1951 (3/12/1951), viết tặng vợ chồng Trinh Tiên, là một bài trường ca, nói
lên chí khí của Thụy An. Bài thơ dài kể chuyện một đêm xuân ở Sài Gòn, nhớ Hà Nội,
nhà thơ bước vào vũ trường, gặp người vũ nữ ngày xưa là em gái bạn. Người vũ nữ
kể lại bi kịch của gia đình mình: Mẹ nàng có ba người con, đang sống êm ấm; bỗng
đâu, phong ba xẩy đến:
"Năm đi cho tháng theo lần,
Mà trong êm đã ngấm ngầm phong ba.
Gió cuốn lật úp sơn hà,
Màn che trướng rủ bỗng ra dãi dàu,
Gió đưa khăn gói về đâu?
Con đường vô định trước sau còn dài
- Tình nhà, tình nước bời bời
Mẹ năn nỉ giữa, nước đòi thiết tha.
Đã đành nghiã nặng mẹ cha
Nỡ vô tình lúc nước nhà ngửa nghiêng?
Chịu sinh làm gái vô quyên,
Nỡ mang cái tiếng yếu mềm, bó tay?
Ầm tiếng súng Sơn Tây vẳng lại,
Sôi má hồng, quăng thói nữ nhi,
Chị em phận sự hai chia
Em nuôi mẹ, chị ra đi chiến trường.
Lần thứ nhất mở đường ly tán,
Cũng từ đây, hoạn nạn gieo neo:
Nhìn nhau lặn suối, trèo đèo
Mẹ già em nhỏ đến điều gian truân.
Rồi người chị cả hy sinh trên chiến địa:
Tin đâu sét đánh thình lình
Chị yêu thôi đã bỏ mình phương xa,
Nơi chiến địa xác hoa phơi giãi,
Bài điếu văn cú gọi hồn ma
Một đi lià cửa lià nhà
Một đi thế cũng kể là trăm năm.
Người mẹ và hai em còn lại, cuốn trong gió lốc:
Thân vong gia giật dờ cánh gió...
Đoạn thảm thương lần giở thêm trang:
Một đêm đang lúc mơ màng,
Thức ra giặc đã khắp làng bao vây.
Mẹ con chúi bụi cây ẩn nấp
Đạn nổ tung, trời sập đất nhào...
Tỉnh ra tủi nhục làm sao!
Tấm thân thôi đã lọt vào tanh hôi!
Bên mình, mẹ vẫn ngồi mà chết
Đầu văng xa, máu thịt bét be
Xác em nguyên vẹn nằm kề
Tay níu mẹ, sợ đường về lạc chăng?
Chưa kịp khóc thì quân lang sói
Đã lôi em về mãi đồn xa...
Nhục thay là phận đàn bà
Trong cơn binh lửa mà sa tay thù!!
Thôi gập sách! Để cho kết liễu
Đoạn về sau thừa hiểu là đây"
Dứt lời, chỉ khẽ nhíu mày,
Lạnh khô đôi mắt. Bóng ngày vừa tan...
Bài ca hùng tráng, bi thương, nói lên tất cả những khía cạnh con
người của Thụy An. Giọng thơ mạnh mẽ, quyết liệt: "Gió cuốn lật úp
sơn hà". Hai chữ lật úp thật là vũ bão, tuyệt vời. Rồi sự
phân chia tình nước, tình nhà trong suốt cuộc đời bà: vừa nuôi 6 con, một mẹ
già, vừa có chí lớn: "Tình nhà, tình nước bời bời / Mẹ năn nỉ giữa,
nước đòi thiết tha". Sự lựa chọn của người phụ nữ trước tình thế đất nước:
"Nỡ vô tình lúc nước nhà ngửa nghiêng? Nỡ mang cái tiếng yếu mềm, bó
tay? Sự căm phẫn của người nữ anh hùng: Sôi má hồng, quăng thói
nữ nhi.Cái chết khốc liệt và của người nữ chiến sĩ: Nơi chiến địa xác hoa
phơi giãi / Bài điếu văn cú gọi hồn ma. Quang cảnh kinh hoàng chết chóc của
người dân mất nước: Bên mình, mẹ vẫn ngồi mà chết / Đầu văng xa, máu thịt
bét be / Xác em nguyên vẹn nằm kề / Tay níu mẹ, sợ đường về lạc chăng?
Thơ Thụy An nói lên chí khí bất khuất, nói lên sự quyết liệt khi
cần phải quyết liệt, nói lên cái hận mất nước, sự không chịu bó tay của người
phụ nữ. Sáng tác của bà từ truyện cổ tích đến truyện ngắn, tiểu luận, và nhất
là thơ, đã quét sạch những dòng nhơ bẩn viết về bà, giải thích tại sao Thụy An
không chịu lùi bước trước cường quyền và bạo lực.
● Thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm
Trong thời kỳ NVGP, không phải là thành viên, nhưng bà thường
xuyên ra vào các hội văn nghệ, và có ảnh hưởng không nhỏ đối với những văn nghệ
sĩ trẻ tham gia NVGP. Bà liên lạc, nâng đỡ tinh thần, tích cực giúp đỡ anh em,
đặc biệt gia đình Lê Đạt.
Lê Đạt viết trong lời "tự thú":
"Âm mưu của Đang sau này là biến thành nhà xuất bản Minh Đức
thành nhà in đối lập với Hội Nhà Văn và tập họp nhóm Nhân văn quanh nhà Minh Đức.
Cũng giai đoạn này nổi bật vai trò Thụy An. Nhà Thụy An, Phan Tại như một câu lạc
bộ.
Về Hà Nội tôi rất ghê tởm Thụy An. Nhưng sau khi bài thơ
"Nhân câu chuyện mấy người tự tử" Thụy An tìm gặp tôi rất niềm nở và
mời đến nhà bảo có nhiều sách mới. Một thời gian dài tôi không đến. Nhưng từ
sau khi “Cửa hàng Lê Đạt”, tôi bị khai trừ khỏi Đảng, tôi bắt đầu lui tới
đó.(...) Thụy An đưa vợ tôi đi may áo, đi mua vải, may áo cho con tôi và đi lấy
cả một chiếc giường cũi cho con tôi. Thụy An nghiễm nhiên trở thành thân thuộc
với cả gia đình tôi. Mỗi lần tôi gặp Thụy An sau khi nói chuyện về tư sản, tiểu
thương bất mãn, chuẩn bị đi Nam, các tin BBC về hiệp thương, lại kể chuyện
Tassigny, chuyện các phóng viên chiến tranh, các tiểu thuyết tư sản, và sau hết
đả kích vào sự lãnh đạo của Đảng cho là hạn chế sự phát triển của tài năng. Mỗi
lần ở nhà Thụy An ra là mỗi lần tôi thấy mình tài giỏi thêm, oán Đảng thêm và
chán nản thêm[26]".
Thụy An dạy Phùng Quán tiếng Pháp và tiếng Anh. Ảnh hưởng Thụy
An đối với các nhà văn trẻ khá mạnh, nhờ kiến thức và tài thuyết phục, bà hướng
dẫn họ đến với văn học Tây phương, kịch trường và điện ảnh. Thời kỳ ấy, Thụy An
ở chung nhà với Phan Tại. Theo Nguyễn Hữu Đang, bà thuê những phim như Hamlet về
chiếu. Bà cùng Phan Tại, dựng kịch Topaze của Marcel Pagnol... Phùng Quán viết
trong lời "tự thú":
"Còn học Pháp và Anh văn thì tôi học với con mụ Thụy An, và
do đó tôi bắt đầu thân với mụ từ đấy. Khi được tin tôi đã ra bộ đội thì hắn tỏ
vẻ rất săn sóc đến việc học của tôi. Tháng đầu tôi còn bận viết thì mỗi lần gặp
tôi hắn đều thúc giục sao không đi học đi, tôi sẽ dậy cho Quán một tuần bốn tiếng
đồng hồ. Tháng thứ hai tôi đến học với hắn, cùng với một người bạn của tôi là
sinh viên. Trước khi đến học, tôi có biết Thụy An trước đây đã giết chồng, làm
phóng viên chiến tranh cho Pháp, đã đi máy bay lên Điện Biên Phủ. Nhưng đến lúc
này thì bản chất cách mạng của tôi đã không còn gì nữa, nên tôi thấy những việc
làm của mụ ta là việc thường. Đến học với hắn, tôi tỏ ý phục, và mỗi ngày một cảm
tình hơn. Tôi gọi hắn là chị với tất cả nghĩa của nó[27]".
Những lời Lê Đạt tuyên bố trên RFI, tỏ sự kính trọng và lòng tri
ân của ông đối với Thụy An:
"Chị Thụy An chưa bao giờ ở trong Nhân Văn Giai Phẩm cả, đó
là dứt khoát. Nhưng chị Thụy An rất thân với anh em trong Nhân Văn Giai Phẩm và
đặc biệt là thân với tôi". "Tôi có thể bảo đảm 100% chị ấy không phải
là gián điệp. Tại vì thế này: Nếu là gián điệp thì phải có chứng cớ chứ! Chị nhận
tiền của ai? Nhận tiền ở đâu? Liên lạc với ai? Cho đến bây giờ tôi vẫn thấy đó
là một câu hỏi mà nhà nước chưa trả lời tôi được.
Tôi vẫn khao khát và thiết tha có một dịp nào đó, người ta phục
hồi chị Thụy An một cách chính thức. Không có thì riêng tôi, đối với chị Thụy
An, tôi vẫn cho là món nợ. (...) Riêng tôi không bao giờ tôi quên công của chị
Thụy An đối với tôi cả"[28].
● Bị bắt, Thụy An tự chọc mù một mắt.
Thụy An bị bắt ở đâu? Bùi Thụy Băng, cho biết:
"Tôi nghe nói bà cụ tôi bị bắt ở Hoà Xá. Nhưng theo lời ông
cụ tôi thì bị bắt ở Phủ Lý. Tại sao lại như vậy? Bởi vì khi thấy lâm nguy, biết
mình bị theo dõi, Thụy An thường di chuyển giữa Hà Nam - Phủ Lý, quê chồng và
Hoà Xá-Vân Đình, quê mình để trốn tránh [29]".
Về việc bà chọc mù mắt, dư luận chính thức loan rằng bà bị tai nạn
ở mắt, khi đi lao động cải tạo. Chúng tôi hỏi nhà thơ Lê Đạt, người rất thân với
bà trong hành trình NVGP: Thưa anh, có phải trong Hỏa Lò chị Thụy An tự chọc
mù mắt không?
Lê Đạt chỉ lặng lẽ gật đầu, không thêm một lời nào cả.
Bùi Thụy Băng cho biết: "Trong số những bài viết về bà
cụ tôi, có bài của Trần Minh, ở Bên Úc, tựa đề "Nhân văn giai phẩm, một tư
trào, một tội ác" đăng trong Giai phẩm (Việt Báo) xuân Tân Tỵ 2001, là
chính xác nhất. Với những chi tiết mà chính tôi trước đây cũng không biết: Vào
Hỏa Lò chưa được 3 tháng thì bà cụ tôi chọc mắt. Lý do là bởi phải ra hỏi cung,
đứng trước lá cờ đỏ sao vàng, người ta bắt bà cụ tôi phải cúi xuống, nhưng bà cụ
không cúi. Vào nhà giam, không có bút viết, bà cụ tôi lấy cái đinh guốc, viết
lên tường lời phản kháng: "Chọc mù mắt để không phải nhìn thấy cái chế độ
này nữa". Sau này có một người cũng bị giam tại căn phòng đó, đọc được và
ghi lại, một vài nhà văn có chép lại câu này trên sách báo".[30]
Thụy An bị giam tại Hoả Lò Hà Nội từ tháng 3/1957 đến 19/1/1960,
bà bị đưa ra tòa cùng với Nguyễn Hữu Đang, Trần Thiếu Bảo, Phan Tại và Lê
Nguyên Chí.
Theo Nguyễn Hữu Đang, giam ở Hà Nội, rồi chuyển lên Yên
Bái. Thụy An viết: "Vào thời điểm mẹ thụ án từ 1958 đến 1973, suốt 15
năm (chỉ trừ hai năm giam cứu ở Hoả Lò, Hà Nội, mẹ bị thẩm cung gắt gao, một cuộc
đấu trí -không có trọng tài- giữa pháp luật do các ông chấp pháp đại diện và mẹ,
người bị can)[31]."
● Những năm tháng cuối
Tháng 10/1974 Thụy An được thả về theo diện "Đại xá
chính trị phạm trong hiệp định Paris" cùng với Nguyễn Hữu Đang. Bà bị
trả về quản thúc tại Hoà Xá. Trên đường giải về làng, khi người ta đẩy xuống xe
tù, bà bị ném đá.
Năm 1976, Lưu Duy Trác, em trai, xin cho bà vào Nam đoàn tụ với
gia đình, bà sống với mẹ tại Gia Định. Các con bà đã rời nước từ trước, chỉ có
Bùi Thụy Băng ở lại đến 28/4/75. Năm 1987, Thụy An theo người bạn gái Trinh
Tiên đến chùa Quảng Hương Già Lam xin thọ lễ quy y. Được hoà thượng Thích Trí
Thủ ban cho pháp danh Nguyên Quy.
Bùi Thụy Băng tìm mọi cách vận động cho mẹ sang Mỹ đoàn tụ gia
đình, qua các toà Đại Sứ VN và văn phòng ông Trần Sĩ Lương, đại diện chính phủ
Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, đều vô hiệu. Trong thư phúc đáp của ông Lương, có
câu:"Trường hợp mẹ của ông chưa được giải quyết. Tôi mong ông cứ yên tâm
chờ đợi".
Đầu năm 1987, Thụy An đã yếu lắm, Bùi Thụy Băng chụp lá thư của
ông Trần Sĩ Lương gửi về cho mẹ. Bà trả lời con: Mẹ không muốn con liên lạc
với các Toà Đại Sứ như thế, và bà thêm: Con đừng chửi mẹ!. Kèm
theo là bức thư dài, bà trả lời ông Trần Sĩ Lương, mở đầu bằng những hàng:
"Tôi rất xúc động được đọc thư ông viết cho Bùi Thụy Băng,
con trai tôi, về việc T.A mẹ hắn, muốn nhờ cậy ông.
Ông đã trả lời không một hứa hẹn dứt khoát (tôi hiểu rõ tất phải
như thế, càng tất phải như thế, khi là chuyện văn chương), nhưng dầu sao cũng
đã là một lời đáp lại tiếng kêu gọi, kêu oan... của tôi... muốn thêm hình dung
từ nào cũng đều có nghiã cả.
Cám ơm, cám ơn. Tôi đón nhận với tâm trạng một tù nhân bị kẹp
lâu ngày, một mình giữa bốn bức tường hẹp, thèm được nghe tiếng người. Chợt có
tiếng lịch kịch ở phòng bên cạnh (có lẽ chỉ là một con chuột chạy)."
Và bà kết luận lá thư bằng những hàng sau đây:
"Ở Tô Thị, tâm trạng của người mẹ cõng con trên lưng đi giữa
rừng khuya, hãi hùng đến nỗi ngất xỉu, nhưng sực nhớ chồng trên đỉnh núi:
Nhớ con thơ đang gối trên lưng
Biển xanh đang ngóng đang trông
Giơ tay vung ngọn đuốc hồng cháy to.
Tôi cũng vậy, tôi còn cha mẹ già, đàn con nhỏ trên vai, tôi
không được chết, phải cố mà sống, đợi cái ngày Tô Thị:
Mặc gió rụng tóc xanh từng sợi
Tung ra xa bay với mây trời
Mặc cho nắng dãi mưa phơi
Mặc cho muối đã mặn mòi lòng sương
Mặc bao cuộc hưng tàn phế đổi
Vẫn đăm đăm một đợi, một chờ
Mẹ con hoá đá trơ trơ
Mẹ là tin tưởng, con là tương lai.
Đó là tâm trạng Tô Thị hoá đá, mà cũng là tâm trạng của tôi suốt
15 năm cho đến mãi mãi. Ông cứ đọc tất cả 16 bản của tôi, đều gặp những câu như
thế, nó gần như một tập Nhật Ký Trong Tù... "
Thụy An mất ngày 10/6/1989 tại nhà riêng ở đường Lê Văn Sỹ, Sài
Gòn.
[1] Bàng Sĩ Nguyên, BNVGPTTADL, trang
120.
[2] Trong thời gian 180 ngày trước khi vỹ
tuyến 17 khép lại.
[3] Trích Tiểu sử Thụy An, Trinh
Tiên, Atlanta Việt Báo Xuân Ất Dậu, 2005.
[4] In lần đầu trên Tạp chí Phổ Thông của
hội cựu sinh viên trường Luật Hà Nội, số 19-20 tháng 6-7/1953. In lại trên Khởi
Hành, Hoa Kỳ, số 77, tháng 3/2003.
[5] Văn Nghệ, số 142, 11/10/1956.
[6] Trăm Hoa, 25/11/56.
[7] Trăm Hoa, 2/12/56.
[8] Ý bà muốn nói phải ra hải ngoại
"tìm tự do" để in sách.
[9] Trích thơ Thụy An trong Trường
Ca Tiếng Mẹ.
[10] Trích bài Thụy An, mẹ chúng
tôi, Thụy An viết cuối năm 1988, trước khi mất, Atlanta Việt Báo, 15/12/2004.
[11] Xuân Dung, Con phù thủy xảo quyệt:
Thụy An, báo Thủ Đô 23/4/58, BNVGPTTADL, trang 42-43.
[12] Vụ Nhân Văn- Giai Phẩm từ góc nhìn một
trào lưu tư tưởng dân chủ, một cuộc cách mạng văn học không thành, mạng
nguyentrongtao từ 6/8/2010.
[13] Trích điện thư Bùi Thụy Băng ngày
15/12/2004.
[14] Bùi Thư Linh, trả lời qua điện thoại
ngày 17/10/2009.
[15] Trong một cuộc nói chuyện khác, ông
Băng giải thích: 1952 Thụy An chia tay với Đỗ Đình Đạo, vì muốn tránh ông Đạo,
bà đem các con vào sống tại Sài Gòn.
[16] Hội nghị Genève ký ngày 20/7/1954.
Việt Minh tiếp quản Hà Nội ngày 10/10/1954, và tiếp quản Hải Phòng ngày
13/5/1955.
[17] Tất cả những thông tin trên đây do
ông Bùi Thụy Băng cho biết qua điện thoại ngày 16/12/2004.
[18] Thơ Thụy An.
[19] Trong một buổi nói chuyện khác, Bùi
Thụy Băng cho biết Đỗ Đình Đạo có quan hệ tình cảm với em gái Thụy An, nhưng
lúc đó bà không biết.
[20] Điện thoại ngày 16/12/2004.
[21] Trích bài trưòng ca "Sao lại
mùa thu" của Thụy An.
[22] Trường ca Sao lại mùa thu.
[23] Trích tiểu sử Thụy An của Trinh
Tiên.
[24] Bùi Thụy Băng, điện thư ngày
15/9/2004.
[25] Hoàng Văn Chí, Từ thực dân đến
cộng sản, Chân Trời Mới, 1962, chú thích trang 83.
[26] Những lời thú nhận bước đầu của Lê Đạt,
Văn Nghệ số 12, tháng 5/1958, Số đặc biệt thứ hai chống NVGP.
[27] Phùng Quán, Những lời thú nhận bước
đầu, Văn Nghệ số 12, tháng 5/1958.
[28] Lê Đạt trả lời phỏng vấn RFI.
[29] Điện thoại ngày16/12/2004.
[30] Điện thoại ngày16/12/2004.
No comments:
Post a Comment