Luật sư Trần Đình Triển cho rằng điều tra vụ "lót tay" không khó |
Phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng đã khép lại nhưng với những lời khai “động trời” của Dương Chí Dũng tại tòa, dư luận đang chờ những sự thật đằng sau cuộc trốn chạy của Dũng được phanh phui.
Luật sư của Dương Chí Dũng: Điều tra tiền lót tay không khó!
Theo ông Trần Đình Triển, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội và cũng là một trong ba luật sư tham gia bào chữa cho Dương Chí Dũng tại phiên tòa ngày 14/12 vừa qua, thì việc điều tra tính xác thực của lời khai là không hề khó. Khi bị cáo được đưa ra xét xử, cả luật sư và HĐXX luôn luôn yêu cầu bị cáo phải khai trung thực, khách quan theo đúng quy định củapháp luật Tố tụng hình sự.
Lời khai này của ông Dũng đã có từ giai đoạn điều tra chứ không phải đến phiên tòa mới có, tuy nhiên việc công nhận lời khai của ông Dũng có là chứng cứ để buộc tội cho người khác hay không hoàn toàn phụ thuộc vào các cơ quan tố tụng, bởi nó cần phải được cơ quan tố tụng xác định là có phù hợp với các chứng cứ khách quan khác hay không?
Ví dụ ông Dũng khai cùng với vợ là bà Mai Phương đưa 10.000USD cho "ông anh" tại một khách sạn ở Tuần Châu. Cả ông Dũng và bà Mai Phương đều khai căn phòng đó có 1 giường đôi, có 2 cái ghế… vậy thì cần xác định khoảng thời gian đó có việc vợ chồng cán bộ này nghỉ ở khách sạn trên; căn phòng vợ chồng cán bộ này ở có đúng như mô tả của hai vợ chồng ông Dũng hay không?
Đối với lời khai mang 500.000USD đến cho "ông anh" ở tòa nhà Pacific Lý Thường Kiệt (Hà Nội) thì ngày đó camera tòa nhà có lưu lại được hình ảnh ông Dũng đến hay không? Ông Dũng khai việc đến đó có lái xe cơ quan đưa đi, vậy thì cần lấy lời khai của lái xe.
Ông Dũng khai "ông anh" này gọi điện cho ông Trần Duy Thanh - Cục trưởng C48 - vậy thì cần điều tra xem vào thời điểm đó ông Thanh có tắt máy hay không, có cuộc gọi của cán bộ này đến hay không?
Ông Dũng khai khi đến nhà ông Trần Duy Thanh có anh Hùng là con trai cán bộ này đưa đi và ông Dũng đón anh Hùng tại đám sinh nhật nhà ông Thiều, Tổng cục XDLL. Vậy cũng cần xác định xem hôm đó có đúng nhà ông Thiều có đám sinh nhật hay không? Lời khai của anh Hùng thế nào?
Đối với lời khai "ông anh" nhận 1.000.000USD của bà Trương Mỹ Lan - Cty Vạn Thịnh Phát - cũng cần lấy lời khai những người trong cuộc sẽ làm sáng tỏ vấn đề. Toàn bộ những lời khai này của ông Dũng đã có trong hồ sơ từ giai đoạn điều tra, ông Dũng cũng khai rằng ngay sau khi gặp cán bộ này ở Tuần Châu, "ông anh" đã khuyên ông Dũng dùng sim rác để gọi và ông Dũng đã thực hiện đúng lời khuyên trên.
Vì vậy tôi cho rằng việc không thấy danh sách điện thoại của số thuê bao của ông Dũng và cán bộ này gọi cho nhau là điều hoàn toàn dễ hiểu. Tôi cho rằng việc điều tra, chứng minh lời khai của ông Dũng có đúng sự thật khách quan, phù hợp với các chứng cứ khác không là hết sức cần thiết, bởi nó sẽ làm sáng tỏ hàng loạt vấn đề vừa để không bỏ sót người, lọt tội, nhưng cũng không để làm oan người vô tội.
Chia sẻ quan điểm về cơ quan sẽ tiến hành điều tra vụ án liên quan đến một cán bộ cao cấp ở Bộ Công an, theo luật sư Triển, căn cứ vào quy định của pháp luật, khi vụ án được TAND khởi tố, hồ sơ sẽ chuyển cho Viện KSND cùng cấp thụ lý, theo nguyên tắc việc điều tra đối với những cán bộ thuộc cơ quan tố tụng đã xâm phạm hoạt động tư pháp thì thẩm quyền thuộc về Cục điều tra hình sự Viện KSND Tối cao. Tuy nhiên tùy trường hợp cụ thể, Viện KSND thụ lý vụ án có thể chuyển hồ sơ cho Cơ quan ANĐT, Bộ Công an điều tra cũng đúng pháp luật.
Trách nhiệm điều tra vụ đưa – nhận hối lộ thuộc về VKS
Chia sẻ về lí do HĐXX xét xử quyết định khởi tố vụ án liên quan đến Thẩm phán Trương Việt Toàn, người giữ chức Chủ tọa trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Dương Tư Trọng vừa qua đã nêu lên tính chất và sự khác nhau trong hai tội danh theo Điều 263 BLHS và Điều 286 BLHS.
Theo ông Toàn, xét một cách toàn diện, tính chất của 2 tội danh này về mức độ rất khác nhau vì hành vi làm lộ bí mật trong công tác chỉ là vấn đề được xem xét, đánh giá trong công việc hàng ngày còn lộ bí mật nhà nước phải căn cứ theo danh mục quy định của nhà nước. Mức độ xâm hại của hành vi làm lộ bí mật nhà nước nghiêm trọng hơn.
Còn phần những thông tin Dương Chí Dũng đã khai về việc đưa tiền cho 1 ông anh là cán bộ cơ quan công an để “chạy tội” như bản án đã nêu, ông Toàn cho biết, kiến nghị xem xét làm rõ của tòa sẽ được gửi đến các cơ quan của VKS và cơ quan công an. “Đây là trách nhiệm của VKS, trách nhiệm của tòa đến đây là hoàn thành” – ông Toàn phân tích.
Về phần thông tin về người mật báo tin bị khởi tố cho Dương Chí Dũng kịp thời trốn chạy, tòa đã nhận định là có nhiều chứng cứ, tài liệu khác đối chứng như lời khai của bị cáo Vũ Tiến Sơn, tài liệu khác. Cụ thể ở đây là quyển số nhật ký của Dương Chí Dũng (sổ vạn sự), nội dung ghi chép cũng tương tự như những thông tin anh này khai ra tại tòa.
Có nhiều ý kiến e ngại về việc câu chuyện đưa nhận hối lộ của Dương Chí Dũng không xác thực và thiếu căn cứ, theo Thẩm phán Trương Việt Toàn khẳng định, đứng trước lời khai về việc đưa tiền của Dương Chí Dũng, tòa cũng nhận định đây mới chỉ là một lời khai, chưa có tài liệu nào chứng minh cho lời khai này. Việc này rất khác so với nội dung trên. Nếu phần này cũng có căn cứ đối chiếu thì tòa đã phải đi xa hơn nữa. Lời khai này sẽ phải được xem xét, trên cơ sở thu thập thêm các chứng cứ, tài liệu khác.
Thẩm phán Trương Việt Toàn cho rằng điều tra
vụ đưa nhận hối lộ trách nhiệm thuộc về VKS
|
Ngay việc tại phiên tòa, một nhân chứng khác có mặt là vợ Dương Chí Dũng, bà Phạm Thị Mai Phương xác nhận cùng chồng đi Tuần Châu thăm vợ chồng "ông anh", chứng kiến việc Dũng đưa biếu phong bì 10.000 USD hay cùng tham gia chuẩn bị khoản tiền 500.000 USD để Dương Chí Dũng đưa biếu ông này tối 2/5, thực ra cũng chỉ là một lời khai. Việc này, các cơ quan có thẩm quyền xem xét theo kiến nghị của tòa sẽ đi sâu làm rõ thêm. Ở đây tòa cũng không khẳng định lời khai của bà Phương đúng hay sai.
Một nội dung thông tin gây sốc khác trong lời khai của Dương Chí Dũng trước tòa là khoản tiền 20 tỷ đồng (1 triệu USD) của bà chủ Công ty Vạn Thịnh Phát (TPHCM) chuyển để cựu Chủ tịch Vinalines đưa cho người mật báo trong dự án chuyển đổi công năng cảng Sài Gòn. Việc này có sự tham gia của bên thứ 3 này.
Nói chung, với các khoản tiền Dương Chí Dũng khai ra, kể cả khoản 20 tỷ đồng Dương Chí Dũng nói nhận của bà chủ công ty Vạn Thịnh Phát để chuyển cho "ông anh" trong dự án chuyển đổi công năng cảng Sài Gòn, tòa chỉ dừng lại ở kiến nghị cơ quan chức năng xem xét làm tiếp. Nếu có căn cứ thì thẩm quyền củng cố chứng cứ thuộc các cơ quan này khi đã thu thập được các tài liệu có liên quan.
Các tố cáo về hoạt động thao túng Vinalines cũng thuộc thẩm quyền xem xét của các cơ quan khác, không thuộc thẩm quyền của tòa án. Với các tài liệu, chứng cứ như thể hiện tại tòa, tòa đã làm đầy đủ trách nhiệm của mình.
Có ý kiến băn khoăn về việc nên chuyển nội dung vụ án sau này đến một cơ quan độc lập vì có liên quan đến 1 cán bộ cấp cao của Bộ Công an. Tuy nhiên, ông Trương Việt Toàn khẳng định, vấn đề này thì liên quan đến thẩm quyền điều tra của nhiều ngành, nhiều cơ quan, thực hiện theo pháp lệnh Điều tra. Có thành lập một cơ quan điều tra độc lập hay không, trong trường hợp nào thì thẩm quyền điều tra thuộc VKSND tối cao, trường hợp nào thuộc CQĐT Bộ Công an đều có quy định cụ thể.
Ông Toàn cho hay, đó cũng là vấn đề ông suy nghĩ nhiều nhất trong vụ án. Mỗi con người, mỗi đời người đều phải đứng trước những thời khắc như thế nhưng quyết định như nào, vì sự ích kỷ cá nhân hay vì cộng đồng thì hoàn toàn theo sự lựa chọn của cá nhân đó. Nhưng dù sao đi chăng nữa thì nguyên tắc xuyên suốt là phải phù hợp với pháp luật, với đạo đức thì sẽ không phải hối tiếc trước những quyết định này.
Không có động cơ vì tình cảm nào có thể mang ra để biện hộ cho mỗi hành động, quyết định. Như chúng tôi, chúng tôi vẫn phải xử người nhà, người thân một cách bình thường. “Pháp bất vị thân” là ở chỗ đấy.
No comments:
Post a Comment