Friday, August 10, 2012

CUỘC SỐNG TRÊN CÔNG TRƯỜNG BOXIT TÂN RAI, LÂM ĐỒNG


Vĩnh Hòa (SGTT.VN) - LTS: Theo kế hoạch, vào tháng 10 năm nay, nhà máy Tân Rai sẽ ra mẻ alumin đầu tiên sau mấy lần lỡ hẹn. Trong khi đó, mới đây UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành thêm một quyết định thu hồi đất phục vụ khai thác mỏ với diện tích gần 231ha. Tính đến tháng 7.2012, tổng diện tích đất đã có quyết định thu hồi qua bốn đợt tại khu vực 5 (khai thác) cho năm đầu là khoảng 383ha trên tổng số gần 615ha (đạt khoảng 62%). Trong những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua, phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị có dịp trở lại địa danh này và sau đây là những ghi chép về chuyện đời, chuyện người, chuyện cuộc sống xã hội đang có những thay đổi từ bên trong cũng như bên ngoài công trường này.

Bài 1: Khi khách tính đếm hơn chủ

Đã ít nhất lần thứ ba, cái hẹn ra mẻ alumin đầu tiên từ mỏ bôxít Tân Rai (thuộc công ty Bôxít Lâm Đồng – huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) bị dời. Lần hẹn thứ 4 vào tháng 10 năm nay cũng chưa chắc đúng vì thiết bị lắp đặt chưa xong, không ít thiết bị nghi ngờ không rõ nguồn gốc, sai với hợp đồng ban đầu, một kỹ sư cho biết.
Nhưng điều đập vào mắt của người đến thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm lại bắt đầu từ hai bên con đường ngập ngụa bùn đất, tỉnh lộ 725, nối công trường bôxít với quốc lộ 20. Năm ngoái, sau khi tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam (TKV) đã duyệt gần 180 tỉ đồng để mở rộng, nâng cấp đường cho doanh nghiệp chở quặng, hai bên đoạn đường dài chưa đầy 20km bị xới tung. Làm “bầy hầy” được mấy tháng, đến đầu năm nay, phía thi công tạm ngưng, bỏ lại những ngổn ngang, bùn đất đỏ quạch, lấn ra con đường nhựa cũ. Một cán bộ huyện cho biết, nghe nói nhà thầu tạm ngưng vì thiếu tiền, chưa biết bao giờ thi công lại. Vị này nói thêm về một viễn cảnh, khi từng đoàn xe 25 – 40 tấn cày ủi ngày đêm trên con đường có những cây cầu tải trọng nhỏ như hiện giờ, không biết con đường có thọ nổi qua một mùa mưa.



Con đường vào công trường vẫn vẫn ngổn ngang dù sắp đến ngày ra mẻ bôxít đầu tiên. Ảnh:

Dịch vụ càphê, nhà trọ


Thị trấn Lộc Thắng nằm uốn lượn ven một cái hồ rộng gần 300ha vẫn không có thay đổi gì đáng kể so với bốn năm trước, khi dự án bôxít bắt đầu khởi động, ngoại trừ khu vực ngã ba Cát Quế, gần cổng dự án, nơi này mọc lên dãy quán càphê cóc, quán ăn và vài ba nhà nghỉ ngoài bảng ghi bằng tiếng Hoa. Một tính toán mấy năm trước đã được đưa vào nghị quyết là dự án sẽ thúc đẩy dịch vụ của huyện phát triển nhanh coi như phá sản. Tuy lúc cao điểm, có trên 1.000 công nhân, chuyên gia Trung Quốc có mặt ở công trường, nhưng có giao dịch, trao đổi, mua bán cũng chỉ là ly càphê, nhu yếu phẩm tối thiểu ở chợ.

Quán ăn không mấy ai vào vì người nhiều tiền (thường là các chuyên gia của nhà thầu chính Chalieco) ra thẳng thành phố Bảo Lộc ăn uống. Kẻ ít tiền (công nhân, chuyên gia của các nhà thầu phụ) phải tự nấu nướng tại nhà trọ hay khu tập thể. Số lượng này chiếm hầu hết công trường, họ thường rủ nhau vài ba chục người thuê một người đi chợ, nấu ăn hàng ngày. Nhiều công nhân, đến cuối ngày, tranh thủ chạy ra chợ mua thức ăn về tự nấu, trả giá mớ rau đến từng trăm đồng và sẵn sàng bảo nhau tẩy chay một sạp hàng nào đó nếu cho rằng người Việt bán mắc.

Riêng dịch vụ cho thuê phòng nghỉ, khách sạn tuy có kiếm tiền đỡ hơn, nhưng cũng theo thời điểm bởi chỉ có ít chuyên gia mới bỏ tiền thuê phòng nghỉ, thường là những người chỉ sang đây vài ba tháng. Các chuyên gia ở lại lâu rủ nhau chừng dăm bảy người thuê luôn một căn nhà của cư dân Bảo Lâm làm chỗ ở cho rẻ.

Công nhân bèo bọt hơn, khi khu tập thể hết chỗ (được xây cất tạm bợ: mái tôn thấp tè, giường tầng) họ ra ngoài thuê nhà trọ, giá khoảng 500.000 đồng/phòng/tháng, ở chen chúc bốn năm người. Cùng với những người có nhà trọ cho thuê, những ai có ôtô từ bảy chỗ trở lên cũng phát hiện cơ hội làm ăn mới. Nhiều nhóm chuyên gia Trung Quốc thuê chung một căn nhà thường, thuê chung một chiếc ôtô để đi lại giữa nhà ở và công trường, nếu ở xa.

Học 7 năm, lương 4 triệu đồng!

Đến nay, khi nhà máy đã thi công và lắp đặt gần xong, thay thế công nhân Trung Quốc là công nhân Việt Nam, số lượng hiện khoảng trên 1.000 người và còn tăng nhanh trong thời gian tới. Hầu hết họ đều là người miền ngoài và vùng Nghệ An, Thanh Hoá được TKV tuyển dụng cho dự án bôxít, một cán bộ đoàn của công ty Bôxít Lâm Đồng kể. Phía lao động Trung Quốc còn để lại ít người để vận hành và chuyển giao công nghệ từng phần khi nhà máy đi vào hoạt động.

Nhiều năm trước, khi chuẩn bị xây dựng dự án bôxít ở đây, phía TKV đã chủ trương bỏ tiền đưa người đã tốt nghiệp đại học một số ngành kỹ thuật trong nước sang Trung Quốc học nghề khai thác. Con số đưa đi đào tạo tính đến nay khoảng 300 người, đa phần đã học xong về nước.

Mới chi trên 543 tỉ đồng bồi thường đất đai


Vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành thêm một quyết định thu hồi đất phục vụ khai thác mỏ với diện tích gần 231ha. Tính đến tháng 7.2012, tổng diện tích đất đã có quyết định thu hồi qua bốn đợt tại khu vực 5 (khai thác) cho năm đầu là khoảng 383ha trên tổng số gần 615ha (đạt khoảng 62%). Tổng số tiền đã chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng của toàn bộ dự án từ đầu đến cuối tháng 6.2012 là 543,6 tỉ đồng/1.933 lượt hộ dân.

(NGUỒN: BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN TỔ HỢP BÔXÍT – NHÔM LÂM ĐỒNG)

N., một kỹ sư của Việt Nam được gửi đi học ở trường đại học Bách khoa Côn Minh (thành phố Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc) chuyên ngành khai thác mỏ kể, N., là một trong nhóm người đầu tiên được gửi đi học sau khi anh tốt nghiệp đại học Sư phạm kỹ thuật. Cả huyện Bảo Lâm lúc đó chỉ tuyển dụng được vỏn vẹn ba người đủ điều kiện, còn lại hầu hết người đi học ở ngoài Bắc. Thời hạn học là ba năm, trong đó, phần quan trọng nhất là đi thực tập ở nhà máy sản xuất alumin Bình Quả (Quảng Tây).

Theo ông Quách, một chuyên gia về điều độ đang ở công trường Tân Rai, nhà máy Bình Quả có quy mô lớn gấp năm lần ở đây. Tuy nhiên, cả ông Quách và N. đều nhận định, thời gian bốn tháng ngó nghiêng ở Bình Quả giống như cưỡi ngựa xem hoa, cho nên các kỹ sư Việt Nam, tất cả đều chưa có kinh nghiệm gì về bôxít, không nắm được mấy những cái gọi là kỹ thuật, công nghệ. Cho nên, nếu chuyển giao công nghệ xong, theo ông Quách, chỉ cần kỹ sư Việt Nam vận hành tốt.

N., kể một thực tế ở Quảng Tây, khi bắt đầu xây dựng một nhà máy alumin, họ gửi toàn bộ công nhân, chuyên gia sang Bình Quả sống và làm việc ít nhất một năm, sau đó mới rút dần về nhà máy mới. Giả sử, có sự cố gì trong quá trình sản xuất, điều chắc chắn lại phải mời đến chuyên gia Trung Quốc. Tuy khoe đây là công nghệ mới của Trung Quốc, nhưng khi hỏi đến chuyện bùn đỏ, ông Quách lắc đầu bó tay vì Bình Quả cũng chứa vào hồ, không xử lý được.

Với mức lương tròm trèm 4 triệu đồng/tháng, đã có lúc N. tính bỏ đi tìm việc mới, nhưng chàng trai này bị vướng một điều khoản ràng buộc với công ty: nếu bỏ ngang phải bồi thường tiền học ba năm trước. Một số tiền không hề nhỏ, không dễ kiếm nếu phải trả lại. Thành thử các anh em trong công ty bảo nhau, cố mà qua giai đoạn khó khăn này, bây giờ chưa có sản phẩm nên lương thấp, mai mốt nhà máy hoạt động sẽ cao hơn, chắc đủ nuôi vợ, con.

BÀI VÀ ẢNH: VĨNH HOÀ
http://sgtt.vn/Thoi-su/167010/Bai-1-Khi-khach-tinh-dem-hon-chu.html

Kỳ tới: Bọt bèo phận làm thuê

No comments:

Post a Comment