Friday, August 17, 2012

NƯỚC VIỆT HIỆN NAY CẦN CÓ MỘT NGÔ QUYỀN


Chu Chi Nam (Danlambao) - Có thể nói từ ngày Hội nghị Thành đô tới nay, Việt Nam bị Tàu đô hộ lần thứ năm. Đảng cộng sản Việt Nam chẳng khác nào Kiều Công Tiễn khi xưa, để cướp được chính quyền thì họ Hồ nhờ đến Đệ Tam Quốc tế Cộng sản, nay để giữ được chính quyền, thì con cháu Hồ nhờ đến Trung Cộng, mặc dầu phải dâng đất, nhượng biển, lệ thuộc. Chính vì vậy mà dân Việt ngày hôm nay cần có một Ngô Quyền để trước tiên dẹp nội thù là Đảng Cộng sản, sau đó cởi ách Bắc thuộc, giành lại độc lập cho nước nhà, mở ra một kỷ nguyên mới...
“Lòng quyết tử tiến lên đường gió bụi
Hai bàn tay thề phục lại sơn hà
Thái bình dương quyết san bằng nguồn nhục tủi
Đem máu đào thề rửa sạch máu yêu ma.” - (Thái Dịch Lý Đông A)


(Viết để nhớ người Anh hay ngâm bài này).


Cụ Trần Trọng Kim, trong quyển Việt Nam sử lược, có viết:
“Ngô Quyền trong thì giết được nghịch thần, báo thù cho chủ, ngoài thì phá được cường địch, bảo toàn được nước, thật là một người trung nghĩa, lưu danh thiên cổ. Mà cũng nhờ có tay Ngô Quyền, nước Nam ta mới cởi mở được cái ách Bắc-thuộc hơn một nghìn năm, và mở đường cho Đinh, Lê, Lý, Trần, về sau này được tự chủ ở cõi nam vậy.”
Qua câu trên, nhiều người cho rằng Việt Nam ta hiện nay cần có một Ngô Quyền mới.

Tại sao?

Ngô Quyền: (898-944), ông sinh trưởng trong một gia đình khá giả, có thể nói là quyền thế lúc bấy giờ, người làng Dương Lâm, huyện Phú Thọ, tỉnh Sơn Tây. Ngô Quyền lớn lên trong hoàn cảnh nước Việt bị đô hộ bởi nhà Đường. Tuy nhiên nhà Đường càng ngày càng suy yếu và sụp đổ vào năm 907, nước Tàu chia ra thành nhiều mảnh, được gọi là thời Ngũ Quí (Đường, Lương, Tống, Chu và Hán (Nam Hán)).

Bởi lẽ đó, nên quyền hành cai trị của nhà Đường ở Việt Nam ta cũng trở nên suy yếu, đưa đến cuộc nổi dậy của họ Khúc, của họ Dương (Dương Diên Nghệ) vào năm 931.

Ngô Quyền lúc đầu là bộ hạ của họ Dương. Ông này thấy ông là người có tài, nên đã gả con gái cho và phong chức tước, sau đó cử vào trấn vùng Thanh Hóa, nơi doanh chính của họ Dương.

Khi nghe Kiều Công Tiễn giết Dương Diên Nghệ, Ngô Quyền liền triệu tập binh mã, mang quân ra bắc, trả thù cho bố vợ. Kiều Công Tiễn nghe tin, liền cho người sang cầu viện quân Nam Hán.

Vua Nam Hán sai Thái tử là Hoàng Thao đưa quân đi trước, mình tự dẫn quân đi tiếp ứng.

Khi quân Hoàng Thao vào gần sông Bạch Đằng, thì Ngô Quyền đã giết được Kiều Công Tiễn (938), một mặt truyền quân hết sức phòng bị; mặt khác, thì sai người lấy cọc gỗ, bọc sắt nhọn, đóng ngầm xuống lòng sông, chờ đến lúc thủy triều lên, cho quân ra khiêu chiến. Quân Nam Hán đuổi theo, đến lúc thủy triều xuống, Ngô Quyền hồi quân lại, đánh ập.

Bao nhiêu thuyền địch bị mắc vào cọc, thủng nát, người thì bị giết hết nửa.

Hoàng Thao bị Ngô Quyền bắt được, đem về giết.

Hán chủ được tin ấy, òa lên khóc, rút quân về Phiên Ngung, không dám quấy nhiễu nước ta nữa.

Sau khi phá tan quân Nam Hán ở sông Bạch Đằng, năm 938, năm sau, Ngô Quyền lên ngôi vua, mang lại nền tự chủ cho nước nhà, mở đường cho những triều đại huy hoàng Đinh, Lê, Lý, Trần của dân Việt. (Theo Việt nam sử lược và Việt Wikipia).

Suy ngẫm lịch sử, nhất là hành động trả thù nhà, cứu nước của Ngô Quyền, nhiều người nghĩ rằng Việt Nam ta hiện nay cũng cần có một Ngô Quyền.

Nước Việt hiện nay cần có một Ngô Quyền, vì Việt Nam hiện đang bị Trung cộng đô hộ. Đây là lần Bắc thuộc thứ năm.

Thật vậy, từ ngày Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản nổi lên cướp chính quyền ở Hà Nội vào ngày 19/8/ 1945, rồi họ Hồ đọc “Bản Tuyên Ngôn Độc lập” vào ngày 2/9/1945, trên thực tế Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản đã đưa nước ta vào gông cùm cộng sản. Xưa thì lệ thuộc Liên sô, ngày nay thì nô lệ cho Tàu.

Một con người như họ Hồ, thản nhiên tuyên bố vào Đại hội Đảng Lao động (tức Đảng Cộng sản lúc bấy giờ vào năm 1950) rằng: “Tôi không có tư tưởng gì cả. Tư tưởng của tôi đã có Staline và Mao trạch Đông nghĩ hộ.”

Thử hỏi một con người mà không có tư tưởng riêng, độc lập, mà lại là một người lãnh đạo một quốc gia, thì chỉ đưa quốc gia vào vòng lệ thuộc.

Có một số trí thức bênh vực cho họ Hồ, đưa ra luận cứ rằng: “Bác nói như vậy là vì bác khiêm tốn.” Thực ra không phải vậy. Con người Hồ Chí Minh không khiêm tốn chút nào. Khi đi viếng thăm đền thờ Đức Trần hưng Đạo, mà dân Việt đã tôn lên thành Thánh, họ Hồ có đọc bài thơ sau:

Cũng cờ, cũng kiếm, cũng anh hùng
Tôi Bác chung nhau nợ núi sông
Bác phá quân nguyên thanh kiếm bạc
Tôi trừ giặc Pháp ngọn cờ hồng.
Bác đưa một xứ qua nô lệ
Tôi dẫn năm châu tới đại đồng.
Bác có anh linh cười một tiếng
Mừng tôi cách mạng đã thành công.

Con người đòi “dẫn năm châu tới đại đồng”, con người này không có gì khiêm tốn, nhưng là một con người có đầu óc phong kiến, trên đội, dưới đạp, coi thường dân, như gọi Đức Trần Hưng Đạo là bác, trong khi đó thì tôn thờ Marx, Mao, Staline, gọi là cụ, như trong di chúc của họ Hồ viết, trước khi chết.

Điều này còn rõ ràng hơn, như trong quyển Cuộc đời của Hồ chủ tịch hay Vừa đi đường vừa kể chuyện mà tác giả là Trần Dân Tiên hay T. Lan, tức chính Hồ Chí Minh, thì ông kể khi ở trên tàu Pháp La Touche Tréville, làm phụ bếp, một hôm trời mưa bão, sóng gió trên biển, để làm vừa lòng ông đầu bếp chính, họ Hồ đã không quản, quyết ra bong tàu, dù rất nguy hiểm, trời mưa bão, tàu chao đảo, gặp nhiều sóng, để giữ cái giỏ rau sà lát khỏi bay xuống biển.

Không những họ Hồ cam tâm làm nô lệ cho Nga Tàu, mà cả con cháu, bắt đầu bằng Lê Duẫn. Ông này cũng thản nhiên tuyên bố: “Chúng tôi đánh đây là đánh cho Liên Sô và Trung Hoa.”

Tiếp theo là Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê khả Phiêu, Nông đức Mạnh và ngày hôm nay là Nguyễn Phú Trọng, đều là những kẻ cỏng rắn về cắn gà nhà, Việt gian, bán nước, như Kiều Công Tiễn, Lê Chiêu Thống trước kia.

Người ta còn nhớ Hội nghị Thành Đô ngày 3/9/1990, với Trung Cộng. Phái đoàn Việt Nam gồm có Nguyễn Văn Linh - Tổng bí thư, Đỗ Mười - Thủ tướng chính phủ, Phạm Văn Đồng - cố vấn. Phái đoàn Trung Cộng gồm có Giang Trạch Dân - Tổng bí thư, Lý Bằng - Thủ tướng. Trung cộng đã bỉ mặt Cộng sản Việt Nam bằng cách không họp ở thủ đô mà họp ở một thủ phủ nhỏ. Thêm vào đó, Trung cộng không cho phép phái đoàn cộng sản Việt Nam đi máy bay mà phải đi đường bộ. Lúc đầu, Đặng Tiểu Bình hứa sẽ xuống gặp, nhưng sau đó thì không, mà còn tuyên bố: “Cộng sản Việt Nam là phường ăn cháo đái bát. Tôi không thèm gặp những người đó.”

Người ta có thể nói từ ngày Hội nghị Thành đô tới nay, Việt Nam bị Tàu đô hộ lần thứ năm. (1)
Nước Việt ngày hôm nay không những bị lệ thuộc về chính trị, ngoại giao, vì tất cả những quyết định chính trị quan trọng nào cũng phải được sự chấp thuận của Trung cộng, mà còn lệ thuộc về kinh tế và văn hóa, hàng hóa Trung cộng tràn ngập thị trường Việt Nam, nhất là những hàng giả, những hàng bị tẩy chay ở các quốc gia khác; phim ảnh, sách báo Trung cộng được bày bán khắp hang cùng ngõ hẻm. Đấy lại chưa nói đến cái tội tày trời của Đảng cộng sản là dâng đất, nhượng biển cho Trung Cộng.

Đảng cộng sản Việt Nam chẳng khác nào Kiều Công Tiễn khi xưa, để cướp được chính quyền thì họ Hồ nhờ đến Đệ Tam Quốc tế Cộng sản, nay để giữ được chính quyền, thì con cháu Hồ nhờ đến Trung Cộng, mặc dầu phải dâng đất, nhượng biển, lệ thuộc.

Chính vì vậy mà dân Việt ngày hôm nay cần có một Ngô Quyền để trước tiên dẹp nội thù là Đảng Cộng sản, sau đó cởi ách Bắc thuộc, giành lại độc lập cho nước nhà, mở ra một kỷ nguyên mới.

Paris ngày 17/08/2012

Chu Chi Nam
danlambaovn.blogspot.com

No comments:

Post a Comment