Thụy My (RFI) - Theo luật gia Lê Hiếu Đằng, hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 6 vừa qua là kết quả đương nhiên của một Nhà nước toàn trị, mà ở đó người dân không là gì cả. Người dân không tác động được gì đến chủ trương, chính sách của Nhà nước, mà do ý chí chủ quan, và bộ máy quan liêu tham nhũng chi phối.
Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành từ ngày 1 đến 15/10/2012 tại Hà Nội, đã được dư luận chờ đợi sẽ có những thay đổi lớn lao.
Tuy nhiên, kết quả theo như thông báo chính thức thì Bộ Chính trị và Ban bí thư đã nhận lỗi về những yếu kém, suy thoái ; và đề nghị Ban chấp hành trung ương « kỷ luật khiển trách Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị », nhưng Ban chấp hành trung ương không đồng ý. Có nghĩa là, theo như AFP, thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thoát được sự trừng phạt của Đảng, tuy nhiên vị thế sẽ bị yếu đi.
Dư luận trong và ngoài nước đến nay vẫn còn xôn xao về sự kiện này. Chúng tôi đã liên lạc với luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh để tìm hiểu thêm.
RFI : Kính chào luật gia Lê Hiếu Đằng. Thưa ông, xin ông vui lòng cho biết những nhận xét của ông về Hội nghị trung ương 6 vừa qua ?
Luật gia Lê Hiếu Đằng : Thật ra trước kỳ họp Ban chấp hành Hội nghị trung ương 6 có hai loại ý kiến. Một là hy vọng và mong chờ đây là dịp để Chủ tịch nước và Tổng bí thư phối hợp với nhau bài trừ tham nhũng, mà tham nhũng ở đây rõ ràng là bên chính phủ. Vì vậy người ta cũng hy vọng sẽ có những bước chuyển trong vấn đề chống tham nhũng.
Nhưng cũng có nhiều người, mà cũng là quan điểm của cá nhân tôi, đó là thật ra - như ông Nguyễn Văn An từng là chủ tịch Quốc hội trước đây đã nói - là cái lỗi hệ thống. Có nghĩa là không phải một vài cá nhân, mà vai trò trách nhiệm chính là của Đảng Cộng sản.
Với một cơ chế như vậy thì không phát huy được vai trò làm chủ của người dân. Không có một định chế để người dân giám sát được, kiểm tra được các cơ quan của Đảng và của Nhà nước, thì dù có thay đổi đi chăng nữa thì cũng không giải quyết được vấn đề một cách cơ bản. Do đó không trông chờ, không hy vọng gì ở hội nghị Ban chấp hành trung ương (BCHTƯ) lần thứ 6 này.
Đó là hai khuynh hướng ý kiến khác nhau trước đại hội 6. Thì rõ ràng diễn tiến hội nghị đúng như khuynh hướng thứ hai. Có nghĩa đây là lỗi hệ thống, và những người nằm trong cái hệ thống đó là có vấn đề.
Ví dụ 175 ủy viên BCHTƯ Đảng là ai ? Phân tích ra, thì bao gồm bí thư hoặc là chủ tịch các tỉnh, thành phố, hoặc là các bộ trưởng, trưởng đầu ngành. Mà có thể nói những vị này cũng có những thiếu sót nhất định trong vấn đề tham nhũng. Tất nhiên không phải là tất cả, nhưng ví dụ trong vấn đề đất đai chẳng hạn, thì nhiều người cũng vi phạm cái này. Hoặc là các bộ trưởng, thì một số cũng có vấn đề.
Vì vậy việc Bộ Chính trị đề nghị kỷ luật bản thân Bộ Chính trị và một vị trong Bộ Chính trị, nhưng mà đưa ra BCHTƯ thì lại không được chấp nhận, không đồng ý. Thành ra cái hội nghị này thì kết quả - nói như giáo sư Tương Lai - là bằng không.
Như vậy rõ ràng đây là lỗi hệ thống, và không thể giải quyết bằng một hội nghị trung ương được. Mà theo tôi, muốn giải quyết tình trạng tham nhũng ở Việt Nam, cũng như vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, nói chung là phải làm sao cho nhân dân Việt Nam có một quyền nhất định, thông qua các định chế dân chủ, trong đó các quyền tự do của người dân phải được tôn trọng theo như Hiến pháp quy định. Và dứt khoát theo xu hướng tiến bộ hiện nay trên tất cả các thể chế trên thế giới thì phải tam quyền phân lập, trong đó vai trò của Đảng như thế nào phải định rõ.
RFI : Hiện nay Đảng Cộng sản vẫn là người lãnh đạo toàn bộ nền chính trị Việt Nam…
Vừa rồi Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) trung ương cũng đề nghị phải có luật về sự lãnh đạo của Đảng. Đề nghị đó là hợp lý, bản thân tôi khi góp ý cho Hiến pháp cũng có nêu ý đó, nhưng vấn đề ở chỗ luật đó như thế nào. Và nói thật ra bây giờ những người lãnh đạo của ĐCSVN, của chính phủ có thật tâm muốn cho người dân làm chủ thật sự đất nước này hay không ? Có thật tâm đặt lợi ích của đất nước, của Tổ quốc lên trên hay không ?
Lúc đó mới có thể nói là giải quyết vấn đề triệt để được, bằng cách xây dựng một thể chế dân chủ thực sự. Quốc hội cho ra Quốc hội, MTTQ và các đoàn thể cho ra MTTQ và các đoàn thể. Chứ không phải Quốc hội gì mà đa số là đảng viên, khi Đảng quyết định thì người đảng viên phải thi hành thôi. Cũng như tất cả các tổ chức khác, đại đa số đều là đảng viên, thì như vậy Đảng trở thành một thứ siêu quyền lực. Còn các cơ quan dân cử khác, từ Quốc hội đến Hội đồng nhân dân các cấp thì cũng chỉ là hình thức, hay các tổ chức chính trị xã hội khác như Mặt trận rồi các đoàn thể cũng chỉ là hình thức.
Không giải quyết căn bản những vấn đề trên, thì dù có mấy cái hội nghị như hội nghị trung ương 6 thì cũng không giải quyết được gì. Mà kết quả nhãn tiền rõ ràng là hội nghị trung ương 6 không giải quyết được vấn đề gì, chỉ có lời nói của ông Tổng bí thư hứa hẹn thế này thế kia. Nhưng người ta đặt vấn đề, nếu chống tham nhũng, tại sao những người gây hậu quả rất nghiêm trọng cho nền kinh tế Việt Nam, và có biểu hiện vi phạm, tham nhũng, thì lại không bị xử lý, mà lại vô tội hết ? Thì tôi nghĩ điều này làm cho người dân hoài nghi. Và đem lại một hậu quả theo tôi là rất nghiêm trọng, là người dân không còn tin Đảng và Nhà nước nữa.
Bởi vì trước khi họp HNTƯ 6 nói về cả một quá trình trước HNTƯ 4, rồi nói thực tâm của Đảng của Chủ tịch nước, Tổng bí thư để mà dẹp tham nhũng, nhưng kết quả lại không phải như vậy. Và như vậy cũng là tình trạng phổ biến ở Việt Nam hiện nay : giữa lời nói và việc làm không đi đôi với nhau. Vì vậy dân vốn đã mất niềm tin rồi, qua hội nghị này lại càng mất niềm tin hơn nữa. Tôi cho hậu quả này là rất nghiêm trọng, bởi vì nói gì thì nói, sự tồn tại của chế độ phải dựa trên niềm tin người dân. Mà một khi người dân mất niềm tin thì đó là nguy cơ rất lớn.
RFI : Thưa ông, cũng có nhận định là dù sao hội nghị này phê bình có vẻ mạnh mẽ hơn so với từ trước đến nay ?
Đúng là có sự phê bình mạnh mẽ, và nhất là lời ông Tổng bí thư nhận lỗi trước đảng và trước nhân dân, là vì sao ? Là vì cái tình trạng nó nghiêm trọng quá rồi ! Tham nhũng nó bày ra trước mẳt rồi, các tổng công ty làm tổn thất cho nhà nước không biết bao nhiêu, mà nhà nước là tiền của của nhân dân, chứ bản thân nhà nước làm gì có tiền là mồ hôi nước mắt của nhân dân.
Chưa bao giờ trong lịch sử VN, hay nói ngắn hơn là từ 1975 đến giờ, mà có tổn thất về mặt kinh tế như trong giai đoạn hiện nay. Thành ra Bộ Chính trị và Trung ương phải kiểm điểm thôi, chứ không làm thì không trả lời trước dân được. Nhưng lẽ ra bên cạnh việc thừa nhận, tự phê như vậy, thì phải kèm theo hình thức kỷ luật những người đã gây ra cái hậu quả này. Chứ không phải chỉ nói thành khẩn tự phê bình, trong khi đó chẳng có ai đứng ra chịu trách nhiệm cả, thì vô lý.
Còn bây giờ qua kết luận của hội nghị BCHTƯ và qua thông báo, thì vị ủy viên Bộ Chính trị đó có khuyết điểm, đề nghị kỷ luật nhưng BCHTƯ không thông qua, tất nhiên cũng sẽ tại vị. Vì nếu không kỷ luật thì làm sao Quốc hội có thể đặt vấn đề được, bởi vì Quốc hội đại bộ phận là đảng viên.
Nếu tại vị, tôi nghĩ sẽ có hai vấn đề đặt ra. Một, nếu vị ủy viên Bộ Chính trị đó, hay nói thẳng ra là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – bởi vì ai cũng biết hết, ngay cái điều này tôi cũng thấy, đâu phải BCHTƯ, Bộ Chính trị nêu tên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra là không đoàn kết được. Mà nêu tên thì lại càng thấy là Đảng rất nghiêm khắc, dù là ở cấp nào. Bởi vì không nêu tên nhưng ai cũng biết rằng đó là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Theo tôi sắp tới nếu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một vị lãnh đạo khôn ngoan và thành khẩn, thấy được những cái sai, những thiếu sót của mình, thì sẽ sửa đổi. Đây là thời cơ để Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lấy lại lòng tin, bằng những công việc cụ thể trong việc chấn chỉnh nền kinh tế của chúng ta. Nhất là chấn chỉnh, một là các tổng công ty, không được thua lỗ, thất thoát nữa, thì mới gọi là chủ đạo chứ. Thứ hai là hệ thống ngân hàng, vốn là mạch máu của một nền kinh tế. Làm sao xây dựng hệ thống ngân hàng lành mạnh, là đòn bẩy cho phát triển, chứ không phải như trước.
Trong thông báo có nêu ông bầu Kiên, ông cựu bộ trưởng Trần Xuân Giá, rồi một số vị nữa, nhưng thực tế không chỉ những cá nhân đó, mà hiện nay cả một hệ thống ngân hàng đang gặp nguy cơ rất lớn, mà biện pháp sắp tới phải như thế nào nếu không sẽ gây tổn thất rất lớn cho nền kinh tế. Mà hậu quả cuối cùng ai chịu đựng ? Là người dân thôi.
Bây giờ rõ ràng vật giá gia tăng, các công ty xí nghiệp đóng cửa hàng loạt nên nhiều người thất nghiệp. Trong khi đó các đại gia, các vị quan chức của Đảng và Nhà nước đâu có hề hấn gì, còn người dân đen là nạn nhân trước tiên của những sai lầm của các vị lãnh đạo.
RFI : Thí dụ sau hội nghị này Thủ tướng từ chức hay bị buộc từ chức, theo ông thì sẽ có thay đổi gì không ?
Tôi cho là nếu qua hội nghị này mà Thủ tướng từ chức, đưa một người khác lên mà nếu vẫn giữ cái hệ thống như thế này thì sẽ không có thay đổi gì. Thành ra mình mới gọi là lỗi hệ thống bởi vì một Thủ tướng lên mà nếu không có những ràng buộc về mặt pháp lý, thì ai sẽ xử Thủ tướng, ai sẽ xử Chủ tịch nước khi những vị này vi phạm nghiêm trọng ? Các nước người ta có tòa án Hiến pháp, nhưng nước mình không có. Thành ra trường hợp tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì các quan chức tư pháp cũng nói là không có tiền lệ này.
Như vậy coi như các vị đó đứng trên và đứng ngoài luật pháp. Thì tâm lý người ta, bản thân tôi nếu làm Thủ tướng mà cho tôi quyền hành rộng rãi mà không ai giám sát, đôi lúc tôi cũng trở thành một người độc đoán, một người có thể phạm những sai lầm rất nghiêm trọng. Đó là quy luật khách quan thôi, con người ai cũng vậy, phải có sự kiểm soát của xã hội. Người con trong gia đình phải có kiểm soát của cha mẹ, người công dân ngoài xã hội phải được sự kiểm soát của xã hội thông qua các quy định của luật pháp thì mới sợ.
Các nước bây giờ nhiều vị tổng thống, nhiều vị thủ tướng hạ cánh an toàn rồi nhưng bây giờ phát hiện có tham nhũng, có vấn đề cũng lôi ra. Ví dụ bà tổng thống trước đây của Philippines chẳng hạn. Như vậy người ta mới sợ, mới thấy trách nhiệm của mình.
Chứ còn cái kiểu này, không có hệ thống luật pháp để trừng trị, theo nguyên tắc tất cả mọi công dân kể cả những quan chức cao cấp của Nhà nước, kể cả Thủ tướng, Chủ tịch nước, Tổng bí thư, khi vi phạm thì cũng phải bị nghiêm trị thì mới được nếu không thì sẽ không đi đến đâu cả.
RFI : Dự định đặt ra ban chống tham nhũng do Đảng phụ trách phải chăng lại là một bước lùi ?
Đúng rồi. Thật ra chống tham nhũng mà giao cho đảng cũng không ổn, nó trái với luật mà lại tăng cường quyền lực của đảng. Lẽ ra phải thành lập một ủy ban chống tham nhũng độc lập, trong đó nòng cốt là Quốc hội, Mặt trận và các đoàn thể. Nó có tính chất độc lập thì mới mong chống tham nhũng được. Chứ còn nếu không dù đưa qua tổ chức đảng đi chăng nữa cũng không thể nào chống tham nhũng có hiệu quả được.
RFI : Ông còn những thất vọng gì về Hội nghị trung ương 6, và theo ông thì tình hình sắp tới sẽ như thế nào ?
Nhưng qua hội nghị tôi còn một thất vọng nữa, là về vấn đề ruộng đất không giải quyết được gì, vẫn xác định quản lý nhà nước về ruộng đất tất nhiên nhà nước quản lý thì quản lý nhưng phải thừa nhận quyền sở hữu ruộng đất của người dân thì mới giải quyết được những cái lỗ hổng về mặt pháp lý để từ đó các quan chức nhà nước không thể tham nhũng thông qua vấn đề ruộng đất. Mà trong nhiều hội nghị cũng đã kết luận tham nhũng lớn nhất là trong vấn đề ruộng đất, và người dân khổ sở nhất trong vấn đề này. Từ đó mới có hiện tượng Đoàn Văn Vươn, hiện tượng Văn Giang, vân vân.
HNTƯ có nhiều điều để người ta hy vọng, nhưng kết quả lại không như mong muốn của mọi người. Tôi cho rằng đó là kết quả đương nhiên của một Nhà nước toàn trị thôi, ở đó vai trò người dân không là gì cả. Không có ảnh hưởng gì, không có tác động gì đến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, mà là ý chí chủ quan, rồi bộ máy quan liêu tham nhũng chi phối, lúc đó những thiếu sót sẽ vẫn tiếp tục.
Theo quan điểm riêng của tôi, tình hình không sáng sủa lắm. Tức là sau hội nghị này tình hình cũng sẽ ngày càng xấu đi. Nếu không có biện pháp chấn chỉnh, đặt Đảng và Nhà nước trong sự giám sát nghiêm ngặt của người dân, thì lúc đó mới có thể thay đổi.
Như vậy phải chấp nhận tam quyền phân lập, chấp nhận những định chế dân chủ như các nước. Đây là sản phẩm có thể nói là trí tuệ của loài người đã tổng kết rồi, thì mình không thể nào phủ nhận điều đó cả.
Còn một Nhà nước toàn trị, muốn làm gì thì làm, thì sẽ dẫn đến hậu quả rất là to lớn, đe dọa sự tồn vong của đất nước bên cạnh một nước lớn luôn luôn lăm le xâm chiếm, luôn luôn uy hiếp là Trung Quốc, thì mối nguy này cộng với nội lực dân tộc bị suy yếu, bị tệ nạn tham nhũng quan liêu đục ruỗng, thì lúc đó nguy cơ hết sức lớn.
RFI : Xin chân thành cảm ơn luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh đã vui lòng dành thì giờ trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ.
No comments:
Post a Comment