Phạm Trần - Lần đầu tiên sau 82 năm ra đời (1930), đảng Cộng sản Việt Nam đã bị đặt lên bàn cân với thách thức lãnh đạo phải trả lời: Có quyết tâm làm sạch đảng để cứu nước hay “thỏa hiệp” để phá nước? Áp lực này đến từ mọi phía, cả trong lẫn ngoài đảng, trước hiểm họa Tổ quốc bị Trung Cộng chiếm đóng lên cao và lòng dân không còn gần với đảng nữa.
Chuyện bắt đầu từ khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đưa ra Nghị quyết 4 ngày 31/12/2011 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” dẫn đến một “phong trào” kiểm điểm trên cả nước, nhưng chưa thấy Ban đảng nào dám “vạch áo cho dân xem lưng” để thấy nó sạch hay bẩn.
Mọi người chỉ biết đến tháng 10 (2012) thì Nghị quyết 4 chỉ còn 2 tháng nữa tròn 1 tuổi nhưng xem ra công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình chưa ra ngô ra khoai gì cả.
Mọi con mắt ở Việt Nam bây giờ đều dồn về 15 ngày họp của Hội nghị Trung ương 6 bắt đầu từ ngày 1/10 (2012) để xem Ban Chấp hành Trung ương đảng sẽ quyết định ra sao về Báo cáo kiểm điểm làm gương của Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương.
Vai trò Nguyễn Tấn Dũng
Chưa có tin chắc chắn ai trong số 14 Ủy viên Bộ Chính trị và thêm 4 Ủy viên Ban Bí Thư sẽ chịu kỷ luật hay phê bình, hoặc bị đề nghị “bất tín nhiệm”, nhưng nhiều tin hành lang đã chĩa mũi dùi vào Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng, người bị lên án là “bất lực, độc tài và không có khả năng kinh tế làm thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước và tiền đóng thuế của dân”.
Nhưng ai có khả năng bảo vệ Dũng?
Người “bắn phát đạn” cảnh báo về áp lực bảo vệ Nguyễn Tấn Dũng của Trung Cộng không ai khác hơn là Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ Hà Nội tại Bắc Kinh.
Ông Vĩnh viết ngày 6/10/2012 trên Bauxite Việt Nam: “Trong vụ Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến can thiệp gì của Tập Cận Bình không? Nếu có thì theo Tập Cận Bình hay theo Ban Chấp hành trung ương và theo dân? Việc của nội bộ chúng ta thì chúng ta tự giải quyết việc gì phải nể vì ai, theo ai? Nếu không kiên quyết xử lý dứt điểm vấn đề Nguyễn Tấn Dũng trong thời điểm hiện nay để mắc mưu ông ta thoát khỏi bị xử lý ngay trong hội nghị trung ương kỳ này và kỳ họp Quốc hội tháng 11 tới thì vô cùng nguy hại.”
Tập Cận Bình, Phó Chủ tịch Nhà nước Trung Cộng và là người sẽ giữ chức Chủ tịch Nhà nước sau Đại hội đảng Trung Cộng vào tháng 11 năm 2012, đã gặp Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị kinh tế tại Nam Ninh, Quảng Tây ngày 20/09/2012.
Tuy nhiên không ai biết Tập Cận Bình đã nói gì với Dũng hoặc Dũng đã “cầu viện” như thế nào, nhưng tướng Vĩnh đã công khai cảnh giác Ban Chấp hành đảng CSVN phải cương quyết đề phòng về việc “rất có thể” sẽ có áp lực “phải duy trì Dũng” từ Tập Cận Bình.
Tướng Vĩnh đã đưa ra bằng chứng nhiều chuyện “nhượng bộ” áp lực của Trung Quốc khó hiểu trong quá khứ của các lãnh đạo đảng CSVN, trong đó có việc Tổng Bí thư đảng Nông Đức Mạnh đã để cho Trung Quốc vào khai thác Bauxite ở Tây Nguyên, ngay sau khi lên cầm quyền năm 2001.
Tại cuộc họp Tập Cận Bình-Nguyễn Tấn Dũng ngày 20/9/2012, báo VietNamNet viết: “Hai vị lãnh đạo nhất trí cho rằng, tình hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc do các thế hệ lãnh đạo tiền bối và nhân dân hai nước dày công vun đắp là tài sản vô cùng quý giá của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, hai bên cần phải có trách nhiệm kế thừa, gìn giữ và phát huy.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, không ngừng củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng, hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nước là chủ trương nhất quán, lâu dài mang tầm chiến lược và là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam.
Hai bên nhất trí cho rằng cần kiên trì giữ gìn hòa bình, ổn định tại Biển Đông, giải quyết thỏa đáng mọi vấn đề thông qua đàm phán hòa bình và xuất phát từ tầm cao chiến lược của quan hệ hai nước.”
Những lời hứa của Dũng không mới, nhưng cũng có một giá trị đối với cá nhân Dũng vào lúc Dũng đang chịu áp lực của Bộ Chính trị đảng CSVN trong đợt kiểm điểm về khả năng lãnh đạo.
Vì vậy, theo lời tướng Vĩnh, nếu Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục giữ chức Thủ tướng thì sẽ không có lợi cho Việt Nam.
Ông Vĩnh nói với Đài Á Châu Tự Do ngày 10/10/2012: “Toàn dân người ta đã biết ông này không có năng lực quản lý xã hội, quản lý kinh tế cho nên chưa bao giờ kinh tế của chúng ta nó sa sút như bây giờ. Sự không có năng lực của ông ấy là đã rõ. Mặt khác các tập đoàn kinh tế nào là Vinashin, Vinalines rồi còn bao nhiêu tập đoàn kinh tế khác mà ông Thủ tướng trực tiếp quản lý đã thất thoát hàng ngàn tỷ của nhân dân, thiệt hại quá lớn. Vì vậy nếu ông ấy cứ tiếp tục thì thiệt hại lớn lắm. Kinh tế sẽ còn sa sút và các tập đoàn kinh tế nó sẽ còn thất thoát đến đâu nữa, như vậy thì còn gì nguy hại hơn nữa?
Mặt khác ông ấy lại độc đoán, độc tài vì vậy nếu còn nắm quyền thì ông ấy còn làm bao nhiêu thứ khác chỉ có hại cho đất nước như vậy thì không lo sao được?”
Trong khi đó thì các báo cáo của Thành ủy, Tỉnh ủy và Ban Cán sự cấp bộ, ngành trung ương và của các cơ quan truyền thông báo chí của đảng đều nói là họ đã thực hiện Cuộc kiểm điểm với tinh thần “dân chủ, khẩn trương, nghiêm túc, cầu thị, thẳng thắn, trách nhiệm”.
Nhưng câu chữ không nói lên được những điều người dân muốn biết.
Có điều đáng chú ý là ở đâu cũng sử dụng chữ nghĩa giống nhau như có mẫu sẵn và tuyệt nhiên chẳng có nơi nào nêu ra khuyết điểm hay đưa ra được một tên người nào đáng được tuyên dương hay nên bị phê bình.
Hãy đọc vài tỷ dụ:
Ban Cán sự Chính phủ
Ban này làm việc dưới quyền Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người, theo các tin từ Việt Nam, đã bị chỉ trích bởi Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương trong đợt kiểm điểm 16 ngày (từ 12/7 đến 7/8/2012 vì đã không làm tốt nhiệm vụ.
Quan trọng hơn cả là Dũng đã để cho tệ nạn tham nhũng lan rộng kéo dài trong nhiều năm và tại nhiều cơ quan nhà nước; đã để cho các Doanh nghiệp Nhà nước và Tập đoàn Kinh tế làm ăn thua lỗ, gây thiệt hại nhiều ngàn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước và tiêu phí tiền đóng thuế của nhân dân và không kiểm soát được tình trạng lũng đoạn, thao túng các ngân hàng của các “nhóm lợi ích” trong và ngoài đảng.
Ngoài ra cũng có tin Dũng còn bị chỉ trích vì đã dành nhiều ưu đãi cho các cơ sở kinh tài và kinh doanh của con gái Nguyễn Thanh Phượng.
Tuy nhiên, tên của Nguyễn Tấn Dũng đã không có trong Bản tin của Chính phủ phổ biến nói về Cuộc kiểm điểm này. Mọi người ở Việt Nam chỉ biết:
“Từ ngày 11/9, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã tiến hành phiên họp trong 5 ngày để kiểm điểm tự phê bình và phê bình, theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; tham dự họp có đồng chí Nguyễn Văn Quynh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Nhóm công tác Trung ương.
Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã chuẩn bị báo cáo tự phê bình và tiến hành kiểm điểm nghiêm túc, cầu thị, thẳng thắn, trách nhiệm theo đúng Nghị quyết Trung ương 4, hướng dẫn gợi ý của Bộ Chính trị và tiếp thu giải trình ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân.
Qua kiểm điểm đã khẳng định Ban Cán sự Đảng Chính phủ luôn kiên định với Chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu lý tưởng Chủ nghĩa xã hội, Cương lĩnh, đường lối của Đảng; trung thành với lợi ích của quốc gia, dân tộc; nghiêm túc chấp hành, kịp thời thể chế hóa, quyết liệt triển khai thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng. Không suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; không cục bộ, bè phái; không có “lợi ích nhóm”. Kiên quyết đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị và tham nhũng, lãng phí.
Ban Cán sự Đảng Chính phủ luôn đề cao trách nhiệm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ trong các cơ quan Chính phủ có phẩm chất và năng lực cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và có bước chuẩn bị cho nhiệm kỳ sau.
Ban Cán sự Đảng Chính phủ luôn nghiêm túc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; phát huy vai trò tập thể và cá nhân người đứng đầu. Ban Cán sự Đảng Chính phủ là một tập thể đoàn kết, thống nhất cao; tất cả hành động vì lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân; vì độc lập chủ quyền quốc gia, vì sự ổn định và phát triển của Đất nước.
Trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, thách thức, Ban Cán sự Đảng đã nỗ lực lãnh đạo Chính phủ điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý; giữ vững quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự xã hội; cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân...
Qua kiểm điểm nghiêm túc, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã thẳng thắn nhận trách nhiệm, khuyết điểm đối với những hạn chế, yếu kém:
- Chưa thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước. Năng lực tư duy, tổ chức triển khai còn hạn chế. Thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng có mặt còn chậm, chưa sát thực tiễn. Hiệu lực, hiệu quả điều hành chưa cao, kinh tế, xã hội còn nhiều mặt yếu kém.
- Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chưa đạt được mục tiêu đã đề ra là ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Một số lãnh đạo tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về kinh tế và bức xúc trong xã hội.
Ban Cán sự Đảng Chính phủ khẳng định quyết tâm phát huy ưu điểm, khắc phục yếu kém, khuyết điểm; nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.”
Đọc báo cáo này, ai cũng thắc mắc: Sao mà giống báo cáo trước Quốc hội của Chính phủ thế? Nhưng “một bộ phận không nhỏ” là bao nhiêu và họ là ai, ở đâu mà không thấy nêu ra cho mọi người biết? Nếu chỉ nói “chung chung như thế” mà không sợ bị phê bình là “vơ đũa cả nắm” à?
Nguyễn Tấn Dũng và những Phó Thủ tướng, Thủ trưởng trong cơ quan Chính phủ có lỗi lầm gì không mà không thấy nói?
Từ Công an đến Ngoại giao
Sang Bộ Công An thì phải biết là nơi “hái ra bạc, khạc ra tiền”, nhưng cũng chỉ thấy Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương nói cho phải lẽ rằng: “Nhìn chung, cấp ủy các cấp trong Đảng bộ Công an Trung ương đã chỉ đạo triển khai Nghị quyết khẩn trương, nghiêm túc. Công tác phổ biến, quán triệt Nghị quyết ở các cấp trong Đảng bộ Công an Trung ương được chỉ đạo tổ chức nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả, đúng mục đích, ý nghĩa, yêu cầu và thời gian quy định; giúp các các cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ, sâu sắc, mục đích, ý nghĩa yêu cầu, nội dung của Nghị quyết.
Thời gian tới, Đảng bộ Công an Trung ương tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác chuẩn bị, bảo đảm cho việc kiểm điểm, tự phê bình của tập thể, cá nhân ban thường vụ đảng ủy tổng cục, bộ tư lệnh đạt mục đích yêu cầu đề ra. Đồng thời trên cơ sở những kinh nghiệm rút ra từ kiểm điểm tập thể và cá nhân ban thường vụ trên, tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cấp ủy cơ sở, chi bộ và đảng viên tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình đạt chất lượng.”
Ô hay, kiểm điểm tự phê bình và phê bình là phải vạch ra những ưu và khuyết điểm của mình, nhưng đằng này chỉ thấy “chỉ đạo”, tức là cấp chỉ huy đã bảo nhau “chỉ tay năm ngón” cho cấp dưới thi hành, còn mình thì “không làm gì cả”.
Chẳng là cấp lãnh đạo nào của công an cũng “sạch như nước, trắng như vôi” hay sao?
Đến Bộ Ngoại giao của Phạm Bình Minh cũng chỉ thấy nói giống như thế.
Tin phổ biến viết: “Các ý kiến đóng góp đều rất chân thành, thẳng thắn, bám sát 3 nội dung của Nghị quyết Trung ương 4, nêu rõ các kết quả đạt được cũng như một số mặt hạn chế, tồn tại của tập thể và từng thành viên Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao trong xử lý công tác đối ngoại, các hoạt động xây dựng Đảng và phát triển ngành ngoại giao. Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao đã tiếp thu các ý kiến đóng góp và đã có giải trình cụ thể.
Tại Hội nghị, tập thể Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao và các đồng chí ủy viên đã nghiêm túc tiến hành kiểm điểm với tinh thần thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật, tập trung làm rõ những hạn chế, trách nhiệm của tập thể và cá nhân về ba vấn đề cấp bách được Nghị quyết Trung ương 4 chỉ ra. Trên cơ sở đó, Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao đã rút ra bài học và đề ra phương hướng phát huy ưu điểm cũng như những biện pháp cụ thể để sửa chữa, khắc phục những khuyết điểm, tập trung tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng; chú trọng nâng cao năng lực, phẩm chất cán bộ; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương và địa phương triển khai toàn diện các hoạt động đối ngoại nhằm thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XI, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, củng cố môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.”
Lạ thật. Chả thấy Cán bộ ngoại giao nói gì đến thất bại và sự nhục nhã của Bộ Ngoại giao đã “gục mặt đầu hàng” trước các hành động tàn ác, dã man của Hải quân Trung Cộng trong các vụ giết hại ngư dân Việt Nam khi họ đánh bắt trên Biển Đông của Việt Nam trong nhiều năm qua.
Và Bộ này cũng quên luôn trách nhiệm của họ đã để cho Cán bộ Ngoại giao và báo chí của Trung Cộng, đặc biệt là Tân Hoa Xã (Xinhua News Agency) và Hoàn Cầu Báo đã xuyên tạc, phủ nhận chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải và công khai mạ lỵ nhân dân Việt Nam trong cuộc tranh đấu bảo vệ chấp chủ quyền.
Cái Bộ “phản ngoại giao” của Việt Nam đôi khi còn “đồng lõa” với người Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Cộng để vào hùa lên án nhân dân Việt Nam đã tham gia 12 cuộc biểu tình tại Sài Gòn và Hà Nội chống chính sách bá quyền và bành trướng của Trung Cộng khi họ lấn chiếm biển đảo của Việt Nam.
Như vậy thì Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao có còn nhớ Cha của ông, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (tên thật là Phạm Văn Cương) đã bị Trung Cộng ép buộc đảng CSVN tại Đại hội VII loại ra khỏi Chính phủ như một “điều kiện bắt buộc” để Việt Nam có thể nối lại quan hệ ngoại giao với Trung Cộng năm 1991?
Sự căm ghét của Trung Cộng đối với Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, một người mà Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ của Hà Nội tại Bắc Kinh từ 1974 đến 1987 nhìn nhận là “một nhà ngoại giao yêu nước, đầy tài năng và rất cảnh giác với bành trướng, bá quyền Trung Quốc”, chẳng lẽ đã phai mời trong trí nhớ người con Phạm Bình Minh khi làm cuộc kiểm điểm về những khuyết điểm của ngành ngoại giao?
Đối với các thành phố và tỉnh, các cuộc kiểm điểm cũng không ra ngoài các câu chữ như đã thực hiện với “tinh thần nghiêm túc, dân chủ, cầu thị, trách nhiệm; làm rõ ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm và trách nhiệm của tập thể Ban Thường vụ Thành ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thời gian qua, đề ra các giải pháp khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong thời gian tới; thống nhất cao các vấn đề cần tập trung chỉ đạo xử lý ngay sau Hội nghị kiểm điểm”, theo mô tả của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng.
Ban Thường vụ Hải Phòng là những người đã đồng lõa với các viên chức Huyện Tiên Lãng trong vụ đàn áp có nổ súng để cưỡng chế đất của gia đình anh em ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Qúy từng làm rung chuyển hệ thống cầm quyền của Việt Nam hồi tháng 1/2012.
Tuy nhiên, trong bản tin kiểm điểm không thấy có tên người nào từ to đến bé của Thành ủy Hải Phòng bị kỷ luật hay khiển trách mà chỉ thấy nói bâng quơ: “Về kiểm điểm cá nhân các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy (từ 19/9 đến 21/9/2012), các ý kiến tham gia phê bình đối với từng cá nhân cụ thể đều thể hiện tinh thần nghiêm túc, thẳng thắn, chân thành, khách quan, xây dựng, và về các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.”
Như vậy thì có nên “bắc thang lên hỏi ông Trời” xem Hải Phòng đã “nghiêm túc” và “chân thành” như thế nào chăng?
Tắm phải biết gội đầu
Trước nguy cơ “kiểm điểm cho có lệ rồi đâu lại vào đó”, Tổng Bí thư đảng Khóa VIII Lê Khả Phiêu đã cảnh giác: “Trong ba vấn đề cấp bách thì vấn đề trung tâm và cấp bách nhất, đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp.
Điều này thực nguy cho chế độ. Bởi lẽ, nếu một đảng viên cấp cơ sở suy thoái, hư hỏng sẽ chỉ ảnh hưởng đến cơ sở nhưng một người đứng đầu tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, người giữ trọng trách cao trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước mà hư hỏng thì hại cho Đảng, hại cả quốc gia, dân tộc.”
Cũng nên biết dưới thời Lê Khả Phiêu, Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) đã được ban hành năm 1999, có nội dung giống hệt như Nghị quyết 4 của đảng Khóa XI đang thi hành, nhưng cũng không ăn thua gì.
Bây giờ 13 năm sau, Phiêu vẫn băn khoăn: “Bệnh đã chẩn. Thuốc đã bốc. Nhưng thuốc kê giải bệnh phải uống để chỉnh đốn Đảng không phải là khẩu hiệu. Tôi cũng đã nêu nhiều lần rằng vai trò tiên phong "uống thuốc giải bệnh" phải là Bộ Chính trị, cần sinh hoạt dân chủ, thẳng thắn tự phê bình và phê bình những yếu kém, tồn tại để làm gương cho cấp dưới.”
Đã tắm phải biết gội đầu. Bộ Chính trị làm trước, báo cáo trước Trung Ương đã phê bình, tự phê bình đến đâu, TƯ có ý kiến, rồi đến lượt TƯ làm. Nếu ít thời gian thì làm TƯ 4 lần hai, giống như TƯ 6 năm 2003 lần một bàn về nông nghiệp, lần hai bàn riêng về xây dựng Đảng trong 8 ngày.
Trong thư gửi Bộ Chính trị mới đây, tôi đã nói Bộ Chính trị phải làm gương làm mẫu, kiểm điểm cả tư tưởng chính trị, đạo đức, công tác cán bộ, quan hệ giữa những người đứng đầu các tổ chức, tập thể, cá nhân.
Sự cấp bách TƯ 4 đã tự nhận rõ và tôi đồng tình tuyệt đối. Đó là những cấp bách nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Nếu chỉnh đốn Đảng lần này làm không nghiêm thì bộ máy Đảng và Nhà nước suy yếu, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ bị xói mòn.”
Quả đúng như thế. Người dân bây giờ không còn tin vào đảng nữa. Điều được gọi là “liên hệ máu thịt” giữa đảng và dân đã tan loãng từ lâu lắm rồi.
Vì vậy, nếu kết quả của 15 ngày họp, dự trù kết thúc ngày 15/10 (2012) không đáp lại mong đợi của dân hoặc không thỏa mãn được cảnh báo của thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh về vai trò của Nguyễn Tấn Dũng trong guồng máy cai trị thì còn gì để nói rằng “Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền, của dân, do dân và vì dân”?
(10/012)
No comments:
Post a Comment