Sunday, February 10, 2013

Đàn tế trời của UBND tỉnh Bình Định


Người Bình Định - Ấm ức trước sự xâm lấn biển đảo của ngoại bang phương Bắc mà không được biểu tình, tết này tôi về quê ăn tết và quyết tâm ở lại quê cho đến ngày mồng 5 để dự lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa: “Quân Ta đại phá quân Tàu”.

Trưa mồng 1 tết tôi đến Phú Phong thì nghe nói có một công trình mới xây dựng xong rất hoành tráng, đó là đàn tế trời đất của vua Quang Trung ở núi Ấn thuộc xã Bình Tường huyện Tây Sơn. Tôi tìm đến nơi ấy, tại ngả rẽ trên quốc lộ 19 thuộc xã Bình Tường tôi thấy một tấm bảng chào. Đọc kỹ lời trong tấm bảng thì biết họ chỉ chào và mừng “đại biểu” thôi, chứ dân thường như tôi thì không ai chào cả.

Đến núi Ấn thì thấy người ta vừa mới lở đất xây dựng một công trình với quang cảnh thật là hoành tráng.


Trước lối vào công trình có xây cái hồ nước sâu, sen trồng dưới nước nhưng chưa kịp… sống


Tiếp theo lối vào là cái cầu nổi, nhưng là nổi trên… đất, vì dưới cầu cũng chỉ là đất chứ không có nước


Đường lên đàn tế bậc đá cũng nhiều, xây toàn bằng đá granite chứ không hề có gạch.



Trèo lên bậc đá đi một đoạn, thấy phía bên phải xây một tháp cao 7 tầng.

Và phía bên trái có cảnh ngự triều, có voi, có ngựa và có các bá quan đang đứng ngự triều.


Lên gần đến đỉnh đồi thì thấy cái cổng chào hoành tráng.

Qua khỏi cổng chào thì trước mắt tôi đàn tế hiện ra.


Trèo lên đàn tế thấy có mâm cỗ bằng đá đặt giữa trời.

Bốn phương đàn tế đều có xây bốn cái cổng chào.

Có trống và có chuông đặt bên đàn tế.

Có nhiều con rồng chầu bằng đá ngày đêm canh giữ đàn tế.


Có nhiều nhà hai mái xây quanh đàn tế, chắc là để khi tế mà trời đổ mưa thì còn có chỗ để đục mưa.


Xem bảng vẽ phối cảnh mặt bằng tổng thể công trình đàn tế trời thì mới thấy sự hoành tráng của công trình.

Bất chợt cháu nhỏ nhà tôi hỏi một câu trẻ thơ, nhưng câu hỏi làm tôi phải giật mình suy nghĩ. Cháu hỏi đàn tế trời này là của ai vậy ba?

Vợ tôi nói đàn tế trời này là của vua Quang Trung chứ của ai. Tôi bảo hình như không phải vậy để tôi xem lại đã. Thế rồi tôi mở laptop mang theo bên mình, lên mạng tìm kiếm thông tin thì thấy trang web của Đại học văn hóa Hà Nội có đoạn viết thế này: “Thể theo nguyện vọng của quần thần, Nguyễn Huệ cho đắp đàn tế trời ở núi Bân tại Thừa Thiên Huế, ngày 25/11/1788, làm lễ tế cáo trời đất, lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu Quang Trung. Ngay sau ngày lên ngôi, vua Quang Trung thống lĩnh đại quân hành quân thần tốc ra Bắc, đánh tan quân Thanh, giải phóng Thăng Long.”

Đọc đoạn viết trên tôi kết luận: Đàn tế trời này dứt khoát không phải của vua Quang Trung”.

Đàn tế trời của ai? Tôi đang lúng túng chưa có câu trả lời thì vợ tôi nói: “ai bỏ tiền ra xây thì đàn tế trời này là của người đó”.

Vậy thì đàn tế trời này là của UBND tỉnh Bình Định do Chủ tịch UB Nguyễn Văn Thiện đứng đầu UB và của Ngân hàng ĐT&PT do Bắc Hà đứng đầu ngân hàng làm chủ sở hữu.


Có tấm bảng ghi: “3. Nguồn vốn : UBND tỉnh Bình Định – Ngân hàng ĐT & PT Việt Nam”

Với công trình này Họ đã không những phá đi tiền thuế của dân mà còn phá đi sự thật của lịch sử nữa.

Chiều mồng một tết trên quê hương, chưa bao giờ ngụm chén rượu Bầu Đá quê nhà mà lòng tôi thấy chua và đắng như hôm nay.

Người Bình Định

No comments:

Post a Comment