Sunday, February 10, 2013

Chuyện cuối năm


Thằng Nẫu - Việt gia trang, chạng vạng, ngày cuối năm. 

Sau cả chục ngày đi ngoại giao tận bên trời Tây, rồi cả tuần tiếp khách đến quà cáp chúc tụng năm mới tại văn phòng, đến chập tối ngày cuối năm Lão Sản mới lọ mọ ghé nhà vợ cũ để dự cái tiệc tất niên theo lệ cùng lũ con ghẻ. Nói là con ghẻ vì trong cái nhà đó chỉ toàn là con riêng của mụ Việt, vợ lão, còn con riêng của lão hay con chung thì đứa đang học bên Tây, đứa đi bù khú với bạn bè, xưa giờ chúng chưa bao giờ có mặt ở cái tiệc tất niên họp mặt ở cái nhà này cả.
Xe đỗ xịch trước cổng hồi lâu mà chẳng thấy ai ra mở cửa cả. Lão bực dọc xuống xe định bấm chuông thì nhìn trực thấy cánh cổng khép hờ. Rảo bước đến trước cánh cổng lão giật mình nhận ra có vài điều khác lạ. Đầu tiên là lũ chó, mọi khi lão vừa bước đến cổng là chúng xông ra mừng rỡ nhưng hôm nay chúng nó nằm im chẳng thèm ngó ngàng gì đến lão. Tiếp nữa, hôm nay tiệc tất niên mà sao đèn đóm trong sân nhà lại tù mù như nhà lũ dân nghèo tiết kiệm điện vậy?. Không thấy một chậu hoa, cây cảnh, lại không một bóng người. Mọi năm giờ này rình rang lắm chứ. Thật lạ quá! 

Vừa nghĩ lão vừa xăm xăm băng qua khoảng sân rộng bước thẳng vào nhà. Vừa đẩy cửa chính lão thấy ngay lũ con đang ngồi trên bàn tiệc trong sảnh lớn. Lão thở phào nhưng rồi lại băn khoăn ngay. Sao mặt mày đứa nào đứa nấy ủ rũ, đăm chiêu như mất sổ gạo vậy cà? Chúng lại chẳng nói chuyện với nhau, không khí cực kỳ căng thẳng như thể chúng đang ngồi họp hội nghị bàn về biển Đông vậy. 

Vừa lạ vừa bực mình, lão quát hỏi: 

- Chuyện gì mà chúng mầy ngồi đực mặt ra thế? Tiệc tùng, tết tư gì thế này, hả? 

Lũ con lão im thin thít, hình như sợ quá nên không đứa nào dám lên tiếng. Chắc nghe lão có mùi rượu nên chúng sợ. Bình thường tính lão đã dữ, có chút men lão càng dữ tính hơn. Mắt lão trừng trừng nhìn về phía lũ con như muốn ăn tươi nuốt sống. 

Bỗng thằng Doanh đứng dậy, nó kéo cái ghế mời lão ngồi rồi ấp úng thưa: 

- Năm nay tụi con không tổ chức đình đám như mọi năm vì kinh phí... eo hẹp quá. Chỉ làm một mâm cơm nhỏ đợi Bố, Mẹ về để gia đình sum họp cuối năm thôi. 

- Thế Mẹ mày đâu rồi? Còn thằng Công nữa đâu? 

- Dạ, chợ hoa ế ẩm, Mẹ cố bán cho hết lấy tiền để sau Tết thằng Sinh đi học, chắc không về kịp. Còn thằng Công thì không có tiền về nên đón tết phương xa ạ. Mà sao Bố về trễ thế? 

Thường ngày lão cũng hay gần gũi thằng Doanh. Vì tính nó hoạt bát, biết chịu khó làm ăn nên đi công tác nơi đâu lão cũng hay dẫn nó theo. Bây giờ nghe nó nhẹ nhàng nói thế buộc lão phải dịu giọng phân bua: 

- Khổ quá. Bố bận trăm công nghìn việc, lần sau thì chúng mầy đừng đợi bố. Mà năm nay chúng mày làm ăn thế nào mà ra nông nỗi này, đến bữa tiệc tất niên cũng không tổ chức nổi, hả con? 

Nghe lão hỏi, con Thương vội đứng dậy trình bày – vì việc ăn uống, tiệc tùng gia đình này thường là việc của nó: 

- Bố ơi, năm nay con buôn bán ế ẩm lắm. Bán năm bảy ngày mà tiền lời không đủ bữa chợ. Mấy ngày cuối năm còn thê thảm hơn. Dân người ta hổng có tiền, họ cứ ngó rồi đi, hổng ai mua sắm gì hết. Kiểu này chắc qua tết con trả chỗ thuê ra lề đường buôn bán đấy Bố. Giọng con Thương thật sầu não. 

Nghe con Thương nói, thằng Doanh cũng chột dạ phân bua: 

- Năm nay con cũng chẳng làm ăn gì được. Tổng kết cuối năm toàn lỗ với lỗ, nợ xấu với nợ ác. Đi tay không về ăn tất niên ké với tụi em con cũng thấy nhục lắm, Bố ơi! 

Nghe hai đứa nói thế, lão Sản gật gù, tỏ vẻ thông cảm: 

- Thì đó là tình hình chung của cả thế giới chứ có riêng gì nhà mình đâu mà tụi mầy than vãn dữ. Thế năm nay vợ chồng chị Kiều anh Ngụy chúng mày không gởi về tí nào à? 

Nghe hỏi, thằng Sinh lí nhí đáp: 

- Nghe đâu ảnh chỉ giận không gửi tiền về nữa. Vì mấy năm trước ảnh chỉ gửi về anh Quan bòn rút hết, Mẹ và tụi con chẳng còn bao nhiêu. 

Lão Sản lầm bầm chửi: Láo thật, thằng này láo thật. Bòn rút thế mà chẳng đưa Bố đồng nào. Đợi đấy con. 

Như chợt nhớ điều gì, lão Sản quắt mắt nhìn về phía thằng Ngư đang cầm đôi đũa xỉa xỉa chọt chọt vào cái chén không như người đang xỉa cá. 

Không đợi Bố hỏi, thằng Ngư biết ý vội lên tiếng phân trần: 

- Dạ. Mấy hôm trước thấy chị Thương mãn chợ về mà chẳng có đồng nào mua mắm con vội lấy ghe, lưới ra hồ bắt cá. Đang thả lưới thì đám con nhà bác Tèo dong ghe ra đánh đuổi. Chúng lấy cá, xé lưới rồi đuổi con về. Tụi nó ngang ngược lắm, hồ của mình từ xưa tới giờ bây giờ nó bảo là của nó, chủ quyền lịch sử không thể tranh cãi. Tụi nó đông, lại còn mang theo cả hàng nóng, con không đánh lại Bố ơi. Bố gặp bác Tèo nói gì đi, Bố làm gì đi chứ cứ để một mình anh Giao ngày nào cũng chỉ mỗi câu cật lực phản đối… thì chả ăn thua gì đâu. Cứ đà này nhà mình chẳng có cá tôm mà ăn đấy, Bố ơi! 

Nghe thằng Ngư phân trần một hồi dài rồi sụt sịt khóc, lũ thằng Sĩ, thằng Nông, thằng Công, con Viên, thằng Nghệ... cũng sụt sùi khóc theo. Tình cảnh thật là bi thảm! 

Rầm, rầm, rầm! 

Lão Sản hùng hồn đứng bật dậy, mắt long song sọc. 

- Im hết đi. Mới tí chuyện mà đã ca cẩm, khóc lóc. Rõ là một lũ vô tích sự. 

- Nhưng thôi, lão đột ngột dịu giọng, nói cho chúng mầy biết, là bố đã có kế sách cả. Chúng mày cứ yên tâm, cứ ngủ yên, mọi việc đã có Bố lo. Trí tuệ đỉnh cao như Bố sao không giải quyết được mấy chuyện vặt này. Nhưng chúng mày phải bình tĩnh, không được manh động. Không được để thế lực thù địch nó lợi dụng, nó xúi giục mà làm tổn hại đến mối thâm tình giữa Bố và Bác Tèo. Nói nhỏ cho chúng mày nghe nhé, ngày xưa nếu không có sự ủng hộ, viện trợ của bác ấy thì làm sao mà Bố cưỡng đoạt... à, không, chiếm được... mà cũng không... là gì nhỉ?... 

- “Giành được tình cảm” – thấy lão ấp a ấp úng tìm từ phù hợp, thằng Sĩ vội lên tiếng nhắc. 

- Ừ, đúng đấy... giành được tình cảm của Mẹ chúng mầy. Không nhờ Bác ấy có thể bây giờ phải sống chung với Lão Sam, có khi chúng mày lại đang giãy chết bên nhà lão ấy cũng nên. 

- Nhưng dạo này con thấy Bác Tèo hay ghẹo Mẹ lắm đấy Bố, con Viên méc. 

- Ôi dào, Mẹ chúng mầy lão nào mà chả thích. Mà cái lão Tèo mê Mẹ mày từ ngàn năm giờ, í lộn, từ mấy năm giờ chứ có phải tới bây giờ mới mê đâu. Như lão Sam ấy, đến giờ vẫn cứ ve vãn Mẹ chúng mày đấy thôi. Còn cả lão Xô nữa chứ, bao năm co đầu rụt cổ bây giờ khấm khá một tí cũng đánh tiếng với Mẹ mày nối lại tình xưa đấy. Bố biết tất, Bố đâu ngu. Nhưng cho Mẹ chúng mầy quan hệ với ai thì còn tùy vào thái độ của lão ấy với Bố. Mà chúng mầy lo làm ăn đi hơi đâu mà lo chuyện tình cảm của người lớn. 

Đi ngang qua thằng Ngư, tiện tay lão xoa đầu nó và bảo: 

- Ăn tết xong Bố cho tiền mày đóng ghe mới, mua lưới, mua cần câu mới nhé. Mầy cứ ra khơi, í lộn, ra hồ mà bắt cá. Nếu thấy ghe con nhà bác Tèo thì mầy tránh đi. Ông bà mình có câu: “tránh voi chả xấu mặt nào”. Bố nói thế, mày hiểu không, ngu? (Chắc là Ngư mà lão kêu nhầm). 

Thằng Ngư mắt trợn tròn, mồm há hốc vì ngạc nhiên, hỏi: 

- Thế sao Bố không nói chuyện với bác Tèo bảo con bác không được gây rối nữa. Hay Bố bảo anh Quân ra bảo vệ con? Bố cho tiền anh ấy học võ, sắm vũ khí để làm gì? 

- Ôi dào, bảo vệ, đánh đấm gì cái thằng ấy. Võ của nó cũng học từ nhà lão Tèo. Còn vũ khí hả? Sắm là để hù doạ đám con nhà lão Thái, lão Phi... thôi chứ làm gì được ai. Mà bây giờ anh Quân mầy nó cũng bận lắm, nó cũng đầu tư làm ăn khắp nơi, khổ lắm. Lớn nhỏ gì nó cũng làm. Có lúc nó còn phải mang rau ra đứng ngoài đường để bán nữa đấy. Thôi mày tự cứu mình đi con. 

Nghe lão nói thế, lũ con nhao nhao phản đối. Không được, phi lý, bố nói thế phi lý quá. 

Vừa lúc thằng An bước vào, mặt hằm hằm quát lớn: 

- Im đi lũ ngu. Bố nói thế không đúng à? Phản đối à, bạo loạn à, tao đạp vỡ mặt hết bây giờ. 

Thấy thằng An to tiếng và hung dữ quá, lão Sản vội xoa: 

- Không được, làm thế không được. Dù sao cũng là anh em một nhà, đánh đập làm gì, mất tình cảm. Không khéo hàng xóm người ta biết người ta bảo nhà mình không dân chủ, không tự do con ơi. 

- Tự do là cái con cờ ặc – Thằng An lầm bầm. 

Đến gần thằng An, Lão thì thầm: 

- Đứa nào hư, khó bảo, không vâng lời Bố mầy nhốt biệt vào nhà kho bỏ đói vài ngày là được rồi, khỏi cần xét xử. 

Thằng Sinh ngồi gần nghe câu đó, mặt xanh như đít nhái, không dám hó hé lấy nửa câu. Thấy thế lão vội đến xoa đầu, an ủi: 

- Phần mày thì lo học hành, đừng nghe lời xúi giục của anh chị mầy rồi can dự vào chuyện người lớn. Quán xá, nhạc... nhẽo bây giờ mở đầy, buồn thì mày cứ ra đó mà giải khuây, bố không cấm, nhé. 

Hướng về phía lũ con đang im phăng phắt, Lão vỗ về: 

Chúng mày lớn rồi, lo làm ăn đi. Chúng mày phải tin vào Bố, tin vào tương lai mà bố sẽ mang đến cho chúng mày. Tương lai ấy là cả thế giới này mơ ước đấy. Chỉ có Bố hoặc bác Tèo mới thực hiện được, mới xây dựng được cái tương lai ấy thôi. Bây giờ tụi mày chưa hưởng được thì đến đời cháu chít chúng mày hưởng. Không có chuyện” cả nhà xuống hố” như bọn thù địch nó tuyên truyền đâu. Bố biết, năm mới tình hình còn khó khăn hơn nhiều. Nhưng Bố tính hết rồi, tính kỹ rồi. Ở bên các nước tư bản giãy chết đang cần nhân lực nhiều lắm. Quét rác, phu hồ, ở đợ... việc gì cũng lắm tiền. Thằng Công, thằng Nông, con Thương, con Viên... đứa nào sống ở đây không nổi thì Bố lo cho sang đó mà làm. Ráng làm kiếm tiền thật nhiều gửi về phụ giúp gia đình, để Bố có kinh phí mà theo đuổi cái sự nghiệp xây dựng tương lai cho chúng mày chứ...

Thấy lão có vẻ dài dòng thằng An sốt ruột vội tiến lại bên lão kề tai nói nhỏ: 

Chương trình cuối năm đã sẵn sàng, toàn “hàng” đẳng cấp quốc tế. Anh Quân, anh Quan và cả đám nhà bác Tèo đang chờ. Bố nhanh lên. 

Mắt lão vụt sáng như hai đèn pin, lão lầm bầm trách: 

- Nãy giờ không nói sớm, phí thời giờ quá. 

Hắn giọng một tiếng rõ to, lão bảo: 

- Thôi tụi con vào tiệc đi rồi còn đón giao thừa. Bố lại phải đi lo tương lai cho chúng mày đây, Bố chẳng sung sướng gì đâu, thấy bố vất vả chưa?. 

Nói xong, lão phẩy tay bước vội ra cửa, thằng An cũng vội theo chân. Thoắt cái hai bố con đã ngồi gọn trong chiếc Limousine đang chờ sẵn, rồi trực chỉ phố Bắc mà phóng tới. 

Bàn tiệc, còn lại lũ con nhìn nhau ngơ ngác, không đứa nào động đến chén đũa. Thằng Sĩ, mặt cúi gằm, đầu lắc lia lịa, miệng lảm nhảm như người tâm thần: 

- Mạc rồi, nhà này mạt vận rồi… 

Thằng Đạo nãy giờ núp sau bàn thờ, nghe lão Sản đi rồi nó mới dám bò ra. Dạo này nó sợ Lão như sợ cọp vì lão hay uýnh nó, cấm nó tu hành. Thấy lão là nó trốn biệt ra sau bàn thờ lầm rầm đọc kinh, cầu thánh thần phù hộ. Cố làm ra vẻ cao đạo, nó nhún vai bước thẳng ra sân, ngửa mặt lên trời tính nói một câu gì đó thật hay, thật ý nghĩa, nhưng nghĩ mãi không tìm được câu gì, nó buột miệng: 

Tối như đêm ba mươi! 

Ngoài xa, tiếng pháo lậu nổ đì đùng, báo hiệu thời khắc giao thừa sắp đến. 

Một mùa xuân... đang đến. 


Thằng Nẫu

No comments:

Post a Comment