Trần Quốc Việt - Tám mươi hai năm ngày sinh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng ta có thể không biết ngày sinh của cha mẹ mình, nhưng ngày sinh của đảng chúng ta không thể nào không nhớ khi hàng năm ngày sinh ấy được các phương tiện truyền thông loan báo rầm rộ với bao nhiêu hoạt động chào mừng cùng với biết bao nhiêu biểu ngữ giăng trên khắp đường phố trong cả nước.
Chỉ trừ khi chúng ta mù và điếc bẩm sinh hay mới chập chững bước đi những bước đầu tiên trong đời chúng ta mới không biết đến ngày sinh ấy.
Đấy là bất hạnh đầu tiên của người dân sống trong xã hội cộng sản. Ít nhất một phần bộ nhớ và ký ức của ta thuộc về đảng.
Đảng không bao giờ "chết" một khi đảng ra đời. Ngày 1 tháng Mười, 1949 nửa triệu người trên Quảng trường Thiên An Môn hô vang trời khẩu hiệu: "Mao Trạch Đông muôn năm!" Ngày 2 tháng Chín, 1945 "cả biển người" Việt Nam cũng hô vang "Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!" Những người sáng lập ra đảng muôn năm thì tất yếu đảng cũng muôn năm.
Đây là bất hạnh thứ hai của người dân sống trong xã hội cộng sản. Lịch sử của đất nước và dân tộc sau tiếng hô ấy trở đã thành lịch sử đảng nối dài.
Từ ngày đấy, phản ứng dây chuyền về sự mất mát bắt đầu. Chúng ta dần dần mất ngôn ngữ, đạo đức, văn hoá và bản sắc truyền thống. Cuộc sống chúng ta diễn ra dưới chiếc bóng bao trùm của đảng từ lúc ta lọt lòng đến lúc ta qua đời là cuộc sống giả khi bao quanh ta toàn là đồ giả. Hiện thực giả, giáo dục giả, văn hoá giả, văn chương giả, lịch sử giả, tôn giáo giả, quân đội giả, nhà báo giả, nhà văn giả, nhà thơ giả, sử gia giả, trí thức giả cho đến thiên nhiên giả qua khẩu hiệu "mừng Đảng mừng xuân."
Đây là bất hạnh thứ ba của người dân sống trong xã hội cộng sản. Sống với giả dối bao trùm. Nhà thơ Boris Pasternak viết:
"Chỉ có một mình tôi; còn tất cả quanh tôi đều chìm đắm trong giả dối:
Cuộc đời không phải cuộc đi dạo qua cánh đồng."
Đồng xanh bao đời đã thành cánh đồng xi măng khổng lồ, vùi dập dưới đấy biết bao nhiêu lá cỏ, hương thơm, sắc màu, âm thanh, mưa gió của cuộc sống tự nhiên. Chúng ta diễn trên nền xi măng bao la ấy theo sự hướng dẫn của đảng, và dù muốn hay không, chúng ta cũng trượt dài về nhân cách và đạo đức. Chúng ta vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm trong tấn bi kịch lớn diễn ra trên nền xi măng ấy.
Đây là bất hạnh thứ tư của người dân sống trong xã hội cộng sản. Chúng ta không bao giờ thành người trọn vẹn. Nhân danh thiên đường không tưởng, phần bản năng trong con người được đảng khích lệ, nhen nhúm, và thổi bùng lên như ngọn lửa, còn phần tinh tuý nhất của nền văn minh con người mờ nhạt dần.
Hôm nay chúng ta thấy những kẻ nứt toả lan ra nền xi măng giả dối và vô nhân tính ấy, và qua những kẻ hở ấy, dưới ánh mặt trời, những mầm sống tự nhiên của xã hội dân sự và của nền văn minh tinh thần con người bắt đầu cố run rẫy vươn lên.
Chúng ta hãy hy vọng và hành động cho mục đích cuối cùng: chính quyền về tay nhân dân.
Nhưng đảng là muôn năm nếu chúng ta đứng bên lề chờ lịch sử đến. Hãy bước xuống đường xây dựng những giáo đường, những mái chùa mới đích thực cho tâm hồn và niềm tin, hãy nối lại từng sợi chỉ đã đứt của tấm thảm xã hội dân sự, hãy hàn gắn lại những mảnh vỡ của nền văn hoá tan vỡ. Nếu thực hiện được những điều này, chúng ta sẽ ngày càng tách xa ra tầm ảnh hưởng và kiểm soát của đảng, và quan trọng hơn, tìm lại ý nghĩa của cuộc đời mình - bước đầu tiên trên con đường nhọc nhằn giành lại nhân phẩm.
Những người biểu tình Nga hô vang "Chúng tôi tồn tại!" trong hơi băng lạnh giá ghê gớm của mùa đông. Cử tri Tunisia hân hoan la to "Chúng tôi đi bầu, chúng tôi tồn tại!" khi đứng xếp hàng hàng mấy tiếng đồng hồ để bỏ phiếu tự do lần đầu tiên.
Ngày nào đó chúng ta cũng sẽ như họ dõng dạc hô vang:"Chúng tôi tồn tại!" Chúng tôi không phải vô hình, hay những chiếc bóng mờ nhạt trong chiếc bóng đậm đen của đảng. Vũ khí duy nhất chúng ta cần là hy vọng và can đảm.
Khi ngày ấy đến, khi chính quyền về lại tay nhân dân, trên đôi chân rướm máu, đầy thương tích, chúng ta cùng nhau dìu bước tiến về tương lai.
Tám mươi hai năm ngày sinh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng giờ là con khủng long cuối mùa sống trên thân thể còm cõi của tổ quốc Việt Nam. Con khủng long ấy có cái đuôi "định hướng xã hội chủ nghĩa" dài lê thê, cái bụng khổng lồ tham lam vô đáy của chủ nghĩa tư bản hoang dã, và bộ não tí tẹo trong cái đầu rất nhỏ so với thân thể khổng lồ. Phần chất xám tí tẹo ấy không có tầm nhin xa hơn tư duy nhiệm kỳ. Lẽ nào chúng ta đặt số phận cá nhân mình và số phận của quốc gia vào chất xám ít ỏi hình thành từ trong bóng tối và rừng thẳm ấy (1)
Nếu chúng ta không làm gì, đời con cháu ta sẽ tiếp tục đếm những ngày sinh nhật tương lai của đảng, và xác của con khủng long ấy sẽ tiếp tục gây băng hoại toàn diện cho bao thế hệ.
Trần Quốc Việt
(1) Mượn ý từ bài thơ "Bộ xương khủng long" của nữ thi sĩ Ba Lan Wislawa Szymborska.
No comments:
Post a Comment