Monday, February 11, 2013

Đón Xuân trong nỗi ngậm ngùi


Phong Thu (RFA) - Tết Nguyên Đán năm 2013 đang đến. Mọi người đang nô nức đón chào năm mới nhưng gia đình vợ con của bốn anh em ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sinh, Đoàn Văn Vệ vẫn không có nụ cười.

Quạnh hiu ngày Tết 

Những người đàn bà nông dân hiền lành phải một mình vất vả, vật lộn với công việc mưu sinh, nuôi dạy các con và từng ngày vẫn mong ngóng tin tức của chồng. Họ không còn tha thiết gì đến ba ngày Tết. Họ đang sống trong những ngày tháng đầy lo âu, tuyệt vọng và đau buồn. 

“Chưa chắc Tết đi khi mà sự việc nhà em chưa có ra làm sao thì chắc là chúng em không bao giờ có niềm vui với bất kỳ cái Tết nào cả. Từ ngày xảy ra sự việc thì chúng em đã gặp muôn vàn khó khăn rồi. Cái điều mà chúng em ở bên ngoài nuôi con đấy thì chúng em có thể chịu đựng được. Còn về vấn đề tinh thần với các anh ở trong đấy thì đến bây giờ đã hơn một năm trôi qua rồi bọn em cũng chưa được biết tình hình của các anh như thế nào. Bởi vì chúng em cũng chưa được gặp các anh ấy. Đó cũng là điều nặng nề nhất đối với chúng em. Bởi vì chúng em rất lo về tình hình sức khoẻ cho các anh ấy. 

Không biết ở trong ấy họ đối xử với người nhà mình như thế nào. Bởi vì một năm qua rồi họ chưa làm một cái gì để tạo được một cái niềm tin cho chúng em cả mà chỉ là gây những cái gì mà mình thất vọng cơ quan chính quyền thành phố Hải Phòng. Đến bây giờ, chúng em khẳng định rằng với tầm cỡ của Trung Ương thì chúng em không có cái gì để hy vọng cả chị ạ. Bởi vì Thủ Tướng đã có kết luận rồi tất cả đều là sai trái từ chính quyền. Đến bây giờ, họ vẫn để nguyên như vậy. Họ vẫn chưa giải quyết được một cái việc gì mà Thủ Tướng đề ra cả. Bọn em không biết nó như thế nào và không biết tin vào đâu.” 

Bà Phạm Thị Hiền, vợ anh Đoàn Văn Quý đã tâm sự những nỗi lo của bà suốt hơn một năm không được gặp mặt, không được tin tức gì của chồng. Ngày Tết đối với bà và gia đình không còn có ý nghĩa gì. 

Bà Nguyễn Thị Thương, vợ ông Đoàn Văn Vươn nói rằng gần đến ngày Tết nhưng bà không còn lòng dạ nào nghĩ đến. Bà tâm sự trong nỗi lo lắng: 

“Nam giới là trụ cột gia đình, giờ chỉ còn hai chị em với đàn cháu nhỏ thì cũng gặp nhiều khó khăn lắm. Ăn Tết em cũng chưa có dự định gì cả.

Thôi thì dù muốn dù không cũng phải lo cho các cháu có cái Tết cổ truyền Việt Nam. Chớ nói thật với chị là em nghĩ băn khoăn. Một năm nay, gia đình chỉ tiếp tế quà vào chớ không được gặp. Gia đình cũng làm đơn bảo lãnh để người nhà gặp người thân trong gia đình nhưng mà đâu có được gặp đâu. Họ cứ bảo trong lúc điều tra thì cũng không cho gặp. Tháng trước, họ đưa cáo trạng rồi mà cũng không được gặp.”

Phụ nữ thôn quê miền bắc những ngày giáp Tết Quý Tỵ - AFP photo 

Mỗi năm, khi tháng Chạp bắt đầu, người dân Việt Nam trong và ngoài nước đều nhớ đến vụ án cưỡng chế đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn tại Cống Rộc, Xã Vinh Quang, Huyện Tiên Lãng, tỉnh Hải Phòng vào buổi sáng ngày 5 tháng 1 năm 2012. Vụ án ông Đoàn Văn Vươn đã trở thành vụ án lịch sử. Bởi vì lần đầu tiên, sau 65 năm đảng cộng sản Việt Nam cai trị miền Bắc, và 38 năm cai trị miền Nam, người nông dân Đoàn Văn Vươn, một hình tượng tiêu biểu, đại diện cho những người bị áp bức đã nổi dậy chống lại những cán bộ đã cướp đất, phá hoại tài sản gia đình ông, đẩy cả dòng họ, vợ con ông vào cảnh không nhà, không cửa, không đất dung thân trong những ngày đông giá rét của tháng Chạp. Ông Bùi Văn Chương, một dân oan của tỉnh Khánh Hoà, đã đánh giá ông Vươn là một tấm gương anh hùng. Ông nói: 

"Chính quyền thì nó mạnh, bây giờ nó rải khắp cả cái nước Việt Nam. Nó cướp hết rồi. Chẳng ai còn tin vào chính quyền Việt Nam nữa. Ai tin vào chính quyền Việt Nam người đó bị bệnh tâm thần đó. Bằng chứng là Việt Nam không có nhân quyền, con người ở đó loạn hết rồi. Thực sự em không bằng ông Đoàn Văn Vươn đâu. Ông Đoàn Văn Vươn là dạng một anh hùng, có trình độ. Cái xã hội thì nầy nó hỏng gán cho mình cái tội nầy thì nó gán cho mình cái tội khác. Tại vì thật sự nó là tham nhũng. Vì chế độ độc tài thì cái sợi dây tham nhũng để đi liên kết với nhau. 80 chục triệu người dân nhưng chỉ có một Đoàn Văn Vươn. Em cũng khâm phục Đoàn Văn Vươn. Có trình độ đó chị. Em cũng muốn học tập theo Đoàn Văn Vươn nhưng em chưa được như vậy.”

Không còn biết tin vào đâu 

Cụ già bán bánh chiều 26 tết Quý Tỵ ở Hà Nội, ảnh minh họa. AFP photo 

Đối với gia đình bà Thương, ngày 5 tháng 1 năm 2012, đã ghi khắc thêm một kỷ niệm đau buồn đáng nhớ nhất của bà sau cái chết của đứa con ruột trong những ngày đầu gian truân, khai phá, chinh phục vùng đất Cống Rộc. Những người phụ nữ và trẻ em gia đình nhà họ Đoàn đã bàng hoàng, kinh sợ khi phải chứng kiến một buổi sáng trên một đất nước thanh bình, bỗng dưng hàng trăm công an, bộ đội có súng ống, có dùi cui, chó săn chuyên nghiệp đã bao vây, dàn trận rầm rộ tấn công ngôi nhà nhỏ bé của họ như đang đánh với kẻ xâm lược. Người nông dân Đoàn văn Vươn, đã phải tự vệ bằng cách dùng súng hoa cải chống trả và máu đã đổ. Có 7 công an và bộ đội bị thương.

Là phận dân đen, chỉ biết làm ăn lương thiện, không chức, không quyền. Dĩ nhiên, anh em gia đình ông Vươn sẽ được chính quyền chăm sóc tận tình bằng cách đem tống giam vào ngục tối. Xem như số phận của họ đã được chính quyền định đoạt. 

Mặc cho dư luận lên án, mặc cho lời của ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu làm rõ vụ cưỡng chế bất hợp pháp. Nhưng đã hơn một năm trôi qua, vụ án của dòng họ Đoàn vẫn dậm chân tại chỗ. Họ bị giam cầm như những tội phạm nguy hiểm dám chống lại chính quyền bằng vũ khí tự vệ. Lời nói của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng giống như nước chảy qua cầu. 

Bà Hiền, bà Thương cho biết càng ngày họ càng thấy tuyệt vọng, mất niềm tin vào công lý, luật pháp để đi tìm lẽ công bằng cho chồng. Nhất là tháng Một vừa qua, Viện Kiểm Sát Nhân Nhân tỉnh Hải Phòng đã tống đạt cáo trạng kết tội 4 anh em ông Đoàn Văn Vươn vào tội “giết người”. Riêng bà Hiền và bà Thương bị truy tố về tội chống người thi hành công vụ. Ngoài ra, em trai ông Vươn là ông Đoàn Văn Thoại và ông Phạm Thái, anh ruột của bà Hiền, đang có lệnh truy nã từ hơn 1 năm qua.

Ngoài ra, bản cáo trạng còn đòi hỏi gia đình ông Vươn phải bồi thường tiền thương tật và danh dự cho những người đến tấn công nhà ông. Nhiều người cười mỉa mai rằng chuyện đời xem bộ tréo cẳng ngỗng bởi kẻ cướp mà đòi bồi thường thiệt hại và danh dự mới là chuyện lạ. Bà Hiền cho rằng hành động của gia đình bà là hành động tự vệ. Bởi gia đình bà đã chống lại hành động cướp bóc trắng trợn của nhóm người tự mệnh danh là đầy tớ của dân: 

“Quyết định nầy là hoàn toàn phi lý vì giết người mà chưa có người chết. Bọn em không có giết người mà giết cướp, giết giặc. Chúng em cho đấy là giết giặc. Chính quyền Huyện Tiên Lãng, cũng như Tỉnh Hải Phòng cũng là những tên cướp những tên giặc luôn. Chúng em có giết thì là giết giặc chớ không phải giết ngưòi. Em muốn là ra trưóc tòa họ phải chứng minh rằng đây là những người đang thi hành công vụ. Họ cứ ra cáo trạng đi nhưng mà sau nầy ra toà họ sẽ giải trình cái cáo trạng đó như thế nào? Họ quy cho gia đình chúng em tội giết người nhưng người chết ở chỗ nào? Người chết ở đâu? Nhìn cái bản cáo trạng thì họ không nói đến nguyên nhân mà chỉ nói đến hậu quả thôi. Tất cả cái việc gì khi mà họ đưa ra xét xử thì cũng phải tìm cái nguyên nhân đã. Cái vụ án nhà em đặc biệt là họ không có tìm nguyên nhân mà chỉ nói cái hậu quả mà gia đình em làm. Em cho đấy là một điều hoàn toàn vô lý. 

Với chị em em thì họ kết tội rằng chống người thi hành công vụ. Nó lại càng phi lý hơn nữa khi mà cưỡng chế xảy ra thì chúng em đang ở trên đê. Trước đó, họ nói là chồng của các bà làm thì các bà phải biết. Các bà phải có trách nhiệm. Sau nầy, chúng em bắt họ phải chứng minh rằng những người nầy là những người đang thi hành công vụ.” 

Bà Thương không giấu được sự lo âu. Giọng bà yếu ớt như lời than thở: 

“Cái cáo trạng mà nói về gia đình em giết người nhưng chưa có chết một người nào cả, mà cho là hai chị em chống lại người thi hành công vụ thì em nghĩ nó bất công quá! Nhà vất vả như thế mà dồn ép gia đình em thì cuối cùng nhà em phải đứng lên. Nó áp bức đến đường cùng chớ gia đình em cũng đâu có muốn thế.” 

Mong chờ công lý 

Khu nhà của vợ con ông Vươn, ông Quý. Photo courtesy of giaoduc.net 

Dư luận đang theo dõi hàng ngàn vụ án xảy ra tại Việt Nam và họ đã đặt ra câu hỏi “có phải chăng đây là giai đoạn đen tối nhất của lịch sử Việt Nam khi tình trạng loạn xứ quân đã xuất hiện một cách công khai?” Mỗi Tỉnh có một ông vua và mỗi ông tự đặt ra cho mình một quyền hạn tối thượng, một luật pháp riêng để cai trị và làm vua một cõi? Bởi vì trên bảo dưới chẳng muốn nghe. Cảnh loạn quan, loạn quân đã khiến cho hiện tượng quan lại từ trên xuống dưới tha hồ cướp bóc, tham ô, hối lộ bất chấp lẽ công bằng, luân thường đạo lý và luật pháp. Bà Phạm Thị Hiền còn nghĩ rằng bề ngoài Thủ Tướng nói để trấn an sự phẫn nộ của công chúng. Nhưng bên trong là sự chỉ đạo ngầm cho nên việc xử án dậm chân tại chỗ. Vợ không được thăm chồng, con không được nhìn mặt cha. Bà nói:

“Em cho rằng không biết là trong đấy nó hàm một cái ý gì nữa. Nếu bình thường mà Thủ Tướng chỉ thị thì giải quyết rất là nhanh. Nhưng đến bây giờ thì em nghĩ là Thủ Tướng chỉ nói để làm yên lòng dân lúc đó thôi, Thủ Tướng không thể nói khác được. Nhưng thực ra Thủ Tướng nói ra nhưng Thủ Tướng không chỉ thị, không làm. Em cũng không hiểu là Thủ Tướng nói để làm cái gì. Hay là Thủ Tướng buộc phải nói như thế. Em hy vọng rằng Thủ Tướng tiếp tục chỉ thị không thể để như thế nầy được. Cái đấy chỉ là lời nói bên ngoài, còn trong ruột đấy thì em nghĩ rằng có thế giới ngầm, chỉ đạo ngầm mà mình không thể biết được. Nhưng trên thực tế họ nói như thế mà họ không thực hiện thì em thấy cái việc đó Thủ Tướng chưa sát sao, chưa muốn giải quyết cho nó công bằng hợp lý.” 

Chỉ tội cho những người vợ, người mẹ và những trẻ thơ vô tội đã trở thành nạn nhân của những cuộc cưỡng đoạt đất đai tài sản một cách bất công, vô lý. Các em đau khổ khi nhìn thấy gia đình tan nát, cha mẹ chia ly, tù tội. Những người phụ nữ như bà Hiền, bà Thương, phải sống trong cảnh cô quạnh không ai giúp đỡ những công việc đồng áng nặng nhọc để nuôi con, nợ nần vay mượn trong những năm bắt đầu lập nghiệp vẫn chưa trả hết. Bà Thương cho biết: 

“Chị ơi! Em chỉ mong muốn làm sao mà họ xử cho công lý, công bằng để những người nhà em về để gia đình đoàn tụ, làm ăn trang trải nợ nần và dạy đàn con nên người.”

Tết là ngày vui trọng đại của dân tộc Việt, ngày của sum họp, ngày của tiếng cười hân hoan trong sự đoàn viên, hạnh phúc. Nhưng giờ đây, từng ngày từng giờ họ mòn mỏi chờ đợi ngày chồng, anh, em họ bị đem ra trước vành móng ngựa. Bà Phạm Thì Hiền nghĩ rằng sự chờ đợi và niềm hy vọng của bà rất mong manh. Bà không còn tin vào công lý và luật pháp của tỉnh Hải Phòng. Bà nói: 

“Ở chế độ nầy thì chị em em cũng không có nhiều hy vọng đâu chị ạ. Nhưng mà mình cũng chịu thôi. Chấp nhận làm mà chị. Bọn em không có gì ân hận cả. Bọn em vẫn tiếp tục theo dõi và chúng em biết bên cạnh mình còn rất nhiều người như các chị, còn có nhiều tập đoàn, và rất nhiều những tổ chức nhân quyền thế giới chẳng hạn, họ vẫn luôn theo dõi những vụ việc nhà em cho chúng em rất là yên tâm.” 

Ai cũng mơ ước có một mùa xuân vui tươi, hạnh phúc và an bình. Nhưng tại Việt Nam còn có biết bao người mẹ, người vợ, người chị, người em và biết bao nhiêu bé thơ đang khóc thầm trong ngày Tết khi nhớ nhung, chờ đợi bóng dáng người thân trở về nhà đoàn viên trong những ngày xuân. Và ngày Tết Nguyên Đán đối với họ chỉ còn đọng lại trong tim nỗi chua xót, ngậm ngùi.

2013-02-07


No comments:

Post a Comment