Việt Hà, phóng viên RFA
Đối với những người quan tâm đến tình hình Việt Nam, việc Thượng nghị sĩ John Kerry được chọn làm Ngoại trưởng Mỹ đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến thái độ và cách tiếp cận của ông với tình hình nhân quyền tại Việt Nam.
Những
thắc mắc hay thậm chí nghi ngờ này có những căn cứ nhất định, xuất phát từ mối
quan hệ lâu dài giữa tân Ngoại trưởng Mỹ và Việt Nam trong quá khứ.
Thách thức tân ngoại trưởng.
Tải xuống âm thanh |
Ngày 1
tháng 2 năm 2013, Thượng nghị sĩ John Kerry chính thức tuyên thệ trở thành
Ngoại trưởng mới của Hoa Kỳ. Ông là một trong không nhiều thượng nghị sĩ đã có
gắn bó lâu dài với Việt Nam, và không ít thì nhiều cũng dành được những cảm
tình nhất định từ phía chính quyền Việt Nam vì những đóng góp không nhỏ trong
việc bình thường hóa quan hệ hai nước. Tuy nhiên, ngay trước khi vị tân Ngoại
trưởng lên nhậm chức, tình hình Việt Nam đã có nhiều thay đổi, nhất là vấn đề
nhân quyền đang bị cộng đồng quốc tế chỉ trích là xuống dốc trong những năm trở
lại đây. Đây là một thách thức không nhỏ cho vị tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ, trong
khi cả Mỹ và Việt Nam đang hướng tới việc đưa mối quan hệ hai nước lên tầm đối
tác chiến lược.
Nhận
định về nhiệm kỳ tới của ông John Kerry, giáo sư Carl Thayer, thuộc học viện
Quốc phòng Úc, chuyên gia về Việt Nam, đã viết trên trang blog cá nhân của mình
vào ngày 6 tháng 2 như sau:
Nhiệm
kỳ tới của Thượng Nghị sĩ John Kerry sẽ phản ánh những ưu tiên của Tổng thống
Obama và những di sản do Ngoại trưởng Hillary Clinton để lại. Vào năm 2010, Tạp
chí Quốc phòng của Bộ Quốc phòng Hoa kỳ đã xếp Việt Nam vào một trong ba đối
tác chiến lược tiềm năng tại Đông Nam Á. Hai nước kia là Malaysia và
Indonesia…. Việt Nam là một quốc gia trung bình đang nổi lên trong khu vực và
sẽ giữ một vị trí quan trọng với Mỹ bởi vai trò của Việt Nam trong ASEAN.
Tuy
nhiên, chỉ 1 ngày trước khi vị tân Ngoại trưởng Mỹ tuyên thệ nhậm chức, một báo
cáo dài 8 trang của tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế công bố cho thấy tình
hình nhân quyền ở Việt Nam trong năm 2012 đã trở nên tồi tệ. Báo cáo viết: ‘nhà
cầm quyền Việt Nam đàn áp có hệ thống các quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội,
tự do hội họp trong ôn hòa; họ trừng phạt những người đặt vấn đề với chính
quyền về chính sách, vạch trần tham nhũng, hoặc kêu gọi một giải pháp dân chủ
thay thể chế độc đảng. Công an thường xuyên quấy nhiễu, đe dọa các nhà hoạt
động và gia đình của họ. Nhà cầm quyền tùy tiện bắt giam các nhà tranh đấu,
biệt giam họ lâu dài mà không xét xử bằng pháp luật, không cho gia đình
viếng thăm, tra tấn và truy tố họ tại những tòa án được đảng hướng dẫn để kết
án tù dài hạn với tội danh vi phạm luật an ninh quốc gia rất mơ hồ’.
Theo
báo cáo của tổ chức này, trong năm 2012, chính quyền Việt Nam đã bỏ tù ít nhất
33 nhà hoạt động và bắt giữ thêm ít nhất 34 nhà vận động tôn giáo và chính trị
khác.
Theo
Giáo sư Carl Thayer thì tình hình nhân quyền đang xuống dốc tại Việt Nam là một
cản trở, khiến cho những đối thoại đối tác chiến lược giữa Mỹ và Việt Nam phải
chững lại. Vì vậy ông Kerry sẽ phải duy trì sức ép lên Hà Nội để đảo ngược
chiều hướng này.
Gây sức ép hay thuyết phục Việt Nam?
Thượng
nghị sĩ John Kerry vốn là người đã có gắn bó lâu dài với Việt Nam kể từ cuộc
chiến Việt Nam hồi những năm 1960 và ông đã từng được tặng huân chương vì những
hành động anh hùng khi tham chiến tại đây. Trở về Mỹ, ông là người tích cực
tham gia phản chiến. Đầu những năm 1990 ông là một trong số ít các thượng nghị
sĩ góp phần xây dựng mối quan hệ hai nước từng là cựu thù của nhau. Ông cũng đã
từng đến thăm Việt Nam nhiều lần. Những gắn bó này đã giúp ông tạo dựng được
mối quan hệ có thể nói là khá tốt đẹp với giới lãnh đạo Việt Nam. Điều này cũng
có ảnh hưởng phần nào tới cách ông tiếp cận và làm việc với giới lãnh đạo tại
Việt Nam về những vấn đề quan trọng. Giáo sư Carl Thayer nhận xét về điều này
trên trang blog của mình:
Ngoại trưởng Kerry có kinh
nghiệm làm việc đáng kể với giới lãnh đạo Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua. Hơn
nữa, là một thành viên và sau đó là Chủ tịch Ủy ban đối ngoại thượng viện, ông
đã gặp tất cả các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam khi họ đến thăm Mỹ. Thượng nghị
sĩ Kerry sẽ có thể có những đánh giá độc lập về tính cách, giá trị và mục đích
của họ. Và bởi Việt Nam có vai trò quan trọng trong các mối quan hệ cá nhân của
ông, điều này sẽ có lợi cho Ngoại trưởng Kerry khi ông dự Hội nghị Bộ trưởng
ASEAN và Diễn đàn khu vực ASEAN sắp tới.
Thực tế
này cũng làm một số người lo ngại vị tân Ngoại trưởng vì quyền lợi của nước Mỹ
sẽ có thể bỏ qua vấn đề nhân quyền tại Việt Nam. Ông David Brown, một nhà cựu
ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, nhận xét:
Tất
nhiên, ông ấy sẽ thúc giục Việt Nam phải đảm bảo quyền tự do được quy định
trong hiến pháp và cam kết của Việt Nam khi tham gia vào Tuyên bố về nhân quyền
của Liên hiệp quốc….Ông ấy biết là các lãnh đạo Việt Nam muốn có hợp tác chặt
chẽ hơn trong trao đổi quân sự, phát triển năng lượng hạt nhân và mở cửa thị trường.
Với những kinh nghiệm lâu năm khi còn là thành viên trong Quốc hội, ông ấy có
thể giải thích với đối tác Việt Nam rằng có nhiều dân biểu và nghị sĩ quan tâm
đến vấn đề nhân quyền ở Việt Nam đến mức nó có thể cản trở mối quan hệ chặt chẽ
hơn mà các lãnh đạo Việt Nam đang tìm kiếm.
Theo
tôi nghĩ ông Kerry với những liên hệ tốt đẹp với nhà cầm quyền cộng sản, và bây
giờ ở vị trí ngoại trưởng thì ông có thể làm được nhiều việc hơn cho vấn đề
nhân quyền Việt Nam.
BS Nguyễn Quốc Quân
Theo
bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, Chủ tịch Ủy ban yểm trợ cao trào nhân bản, tại tiểu
bang Virginia, rất có thể vị tân Ngoại trưởng sẽ tiếp cận Việt Nam theo hướng
mềm mỏng về vấn đề nhân quyền. Ông nói:
Tôi
có liên lạc và nói chuyện với cố vấn của ông Kerry, và tôi có than phiền và
được họ trả lời là họ vẫn can thiệp nhân quyền nhưng họ chủ trương đường lối
khác, thuyết phục và không làm cộng sản Việt Nam mất mặt. Theo tôi nghĩ ông
Kerry với những liên hệ tốt đẹp với nhà cầm quyền cộng sản, và bây giờ ở vị trí
ngoại trưởng thì ông có thể làm được nhiều việc hơn cho vấn đề nhân quyền Việt
Nam. Điển hình là khi ông vừa nhậm chức thì có thả luật sư Lê Công Định và tiến
sĩ Nguyễn Quốc Quân.
Hôm 30
tháng 1 vừa qua, Việt Nam đã trả tự do cho nhà vận động nhân quyền Việt kiều
Mỹ, tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân sau khi giam giữ ông 9 tháng. Sau đó vào ngày 6
tháng 2, Việt Nam tiếp tục trả tự do cho một nhà hoạt động xã hội khác, luật sư
Lê Công Định.
Rõ
ràng, những kinh nghiệm làm việc với Việt Nam trong quá khứ đang là một điểm
lợi cho vị tân Ngoại trưởng Mỹ. Nó có thể làm một số người lo lắng cho rằng mối
quan hệ cá nhân của ông với Việt Nam sẽ có thể làm ảnh hưởng đến những quyết
định quan trọng. Tuy nhiên, nói như nhận xét của giáo sư Carl Thayer, ông John
Kerry cũng giống như Thượng nghị sĩ John McCain, sẽ không để tình cảm riêng tư
ảnh hưởng đến đánh giá của mình. Ông John Kerry là người phản chiến nhưng chắc
chắn không phải là người theo cộng sản.
No comments:
Post a Comment