Đoan Trang - Sau đợt “trăm hoa đua nở, người người góp ý sửa đổi hiến pháp” này, có thể sẽ có một số dư luận như là: 1. Đại đa số ý kiến đóng góp đều bày tỏ nguyện vọng, thiết tha đề nghị Đảng ta tiếp tục là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; 2. Một bộ phận người dân có những kiến nghị chưa tích cực, thiếu tính xây dựng, thậm chí gây chia rẽ xã hội. Thiết nghĩ đây là một mặt hạn chế của việc khuyến khích toàn dân tham gia đóng góp ý kiến vào một văn bản có tính chất thiêng liêng, quan trọng như hiến pháp; cho nên về lâu về dài, cần cơ chế để đảm bảo mọi ý kiến đóng góp đều mang tính xây dựng, kết hợp hài hòa giữa tự do ngôn luận và lợi ích xã hội, chống mọi ý đồ lợi dụng các quyền tự do dân chủ để...
Phát thanh viên: Chia tay cụ Giàng A Tráng, chúng ta cùng gặp gỡ người nhỏ tuổi nhất của cuộc thi, à, của đợt nhân dân đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp này. Đó là cháu Trần Lê Vàng Anh, học sinh lớp 9A trường THPT..., ngụ tại nhà C34, phường Tân Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Thưa quý vị và các bạn, tính theo dấu bưu điện, lá thư đóng góp ý kiến của cháu được gửi đến chương trình Hộp thư Truyền hình của Đài Truyền hình Việt Nam khi cháu mới 15 tuổi và 21 ngày. Phóng viên Ban Thời sự đã có cuộc trao đổi với cháu Vàng Anh.
Phóng viên: Vàng Anh có thể cho biết vì sao cháu tham gia đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp?
Cháu Vàng Anh: Cháu thưa chú, vì cháu thấy tham gia đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp là quyền và nghĩa vụ của công dân ạ.
(Tiếng bố Vàng Anh nhắc rất khẽ ngoài hình, bị lọt vào micro): Quyền, quyền chứ. Quyền thôi, không phải nghĩa vụ.
Phóng viên: À, tức là vì Vàng Anh biết là đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp là quyền của công dân. Thế cháu đã tham gia như thế nào nào?
Vàng Anh: Cháu thưa chú, cháu tham gia rất tích cực ạ. Ngoài việc tham gia trên lớp, cháu còn vận động các bạn cùng khu tập thể tham gia nữa ạ.
Phóng viên: Giỏi quá. Thế ý kiến đóng góp của Vàng Anh là gì nào?
Vàng Anh: Cháu thưa chú, cháu có hai ý kiến ạ. Ý kiến thứ nhất là cháu khải định, (bố Vàng Anh ở ngoài nhắc khẽ: “khẳng định, khẳng định”), à khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Thứ hai là cháu khẳng định “các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình” ạ.
Phóng viên: Giỏi quá. Tức là Vàng Anh khẳng định Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, với cả “các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết” riêng. Thế cháu có đề nghị sửa đổi điều gì không, đây là đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp mà?
Vàng Anh: Thưa chú có ạ. Cháu đề nghị sửa Điều 142 ạ.
Phóng viên: Điều 142. Tức là sửa đổi gì thế?
Vàng Anh (cầm giấy, đọc): “Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, chung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng và dòng chữ: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Cháu đề nghị thêm từ “có” vào sau từ “bánh xe” ạ, thành: “Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, chung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe CÓ răng và dòng chữ: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
* * *
Lại xin lưu ý các cụ, đây là chuyện nhà cháu bịa.
Tuy nhiên, bịa thì bịa, nó cũng xuất phát từ một ý nghĩ rất thực, rằng sau đợt “trăm hoa đua nở, người người góp ý sửa đổi hiến pháp” này, có thể sẽ có một số dư luận như là:
1. Đại đa số ý kiến đóng góp đều bày tỏ nguyện vọng, thiết tha đề nghị Đảng ta tiếp tục là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội;
2. Một bộ phận người dân có những kiến nghị chưa tích cực, thiếu tính xây dựng, thậm chí gây chia rẽ xã hội. Thiết nghĩ đây là một mặt hạn chế của việc khuyến khích toàn dân tham gia đóng góp ý kiến vào một văn bản có tính chất thiêng liêng, quan trọng như hiến pháp; cho nên về lâu về dài, cần cơ chế để đảm bảo mọi ý kiến đóng góp đều mang tính xây dựng, kết hợp hài hòa giữa tự do ngôn luận và lợi ích xã hội, chống mọi ý đồ lợi dụng các quyền tự do dân chủ để... v.v. và v.v.
Thôi thì hy vọng mấy chuyện bịa của mình sẽ chỉ là chuyện bịa 100%.
*
Và trước em Vàng Anh là...
Bản tin thời sự 19h của VTV1, ngày 31-3-2013.
Phát thanh viên (tươi tắn): Thưa quý vị và các bạn, đợt tập trung lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã vừa kết thúc. Sau ba tháng được triển khai rộng rãi trong và ngoài nước, từ ngày 2-1 đến hôm nay, 31-3-2013, Uỷ ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp đã nhận được 20.800.704 lượt ý kiến đóng góp gửi về từ khắp mọi miền đất nước. Riêng chương trình Hộp thư Truyền hình của Đài Truyền hình Việt Nam cũng đã nhận được 896.000 bài dự thi, à, nhận được 896.000 lượt ý kiến nhân dân đóng góp vào Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp, trong đó hầu hết là những bài viết được đầu tư nội dung sâu sắc, hình thức trình bày công phu, sáng tạo và chất lượng, chứa đựng tâm huyết, tình cảm, niềm tin của người dân.
Đặc biệt, nhiều ý kiến được minh hoạ bằng các mô hình độc đáo, tranh ảnh phong phú và các tư liệu quý hiếm, thể hiện niềm tin tưởng vững chắc vào đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và bày tỏ nguyện vọng thiết tha về việc Đảng sẽ mãi mãi là ngọn cờ lãnh đạo đất nước.
Khán giả cao tuổi nhất là cụ Giàng A Tráng, 97 tuổi, xã Dế Xu Phình, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cao, còn khán giả nhỏ tuổi nhất là cháu Trần Lê Vàng Anh, nhà C34, tập thể Tân Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tính theo dấu bưu điện, lá thư đóng góp ý kiến của cháu được gửi đến chương trình Hộp thư Truyền hình của Đài Truyền hình Việt Nam khi cháu mới 15 tuổi và 21 ngày (cười).
Phóng viên chúng tôi đã có cuộc trao đổi với cụ Giàng A Tráng và cháu Vàng Anh.
(Băng hình) Cụ Giàng A Tráng: Sủn tún mẳn krun mă ngă menh qhov tsua hien phap npua xua rang hay tún mểnh hluốk a dang cộng sản nha nuoc then sủng chi tua la quí hmao kruô chíu hnăng a chú a chú…
Phát thanh viên (đọc ngoài hình): Đảng và Nhà nước phát động đợt sửa đổi hiến pháp này thật đúng ý Đảng lòng dân. Tôi vẫn bảo con cháu, năm nay tôi 97 tuổi rồi, phải cố gắng tham gia, kẻo sang tới đợt sau mình có muốn tham gia cũng không được...
Phản động viên ngồi xem tivi: Sao chả thấy nhắc gì đến bản kiến nghị của các nhân sĩ trí thức, với chuyện bỏ Điều 4 nhỉ?
Dư luận viên ngồi canh Facebook: Có thế chứ. Đảng và Nhà nước ta đã bẻ gãy âm mưu lợi dụng thời điểm sửa đổi hiến pháp để tiến hành cái gọi là “hoạt động đấu tranh pháp lý” của bọn rân chủ...
* * *
(Xin lưu ý các cụ, đây là chuyện nhà cháu bịa).
No comments:
Post a Comment