Friday, February 1, 2013

Về Hiệp định Paris: Điển hình của sự rút quân có trách nhiệm


Melvin R. Laird / Trần Quốc Việt - lược dịch - Abrams hoàn tất một cách xuất sắc kế hoạch của chúng tôi là quân đội Miền Nam đã được huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu khi Hoa Kỳ rút dần quân. Và quân đội Miền Nam chưa từng bao giờ thua trận nào từ lúc đợt rút quân lần cuối cùng của chúng ta cho đến lúc chính quyền của chúng ta nuốt lời hứa tiếp tục ủng hộ quân sự tạm thời cho nhân dân Miền Nam...
*

Henry Kissinger nhận xét rằng Miền Nam Việt Nam mất nhanh là do Hoa Kỳ cắt viện trợ vào thời điểm mà "trong suốt hai năm trước đấy không một người lính Mỹ nào đã tham chiến." Trong khi đấy, ngay cả khi viện trợ quân sự của Hoa Kỳ chấm dứt thì Liên Xô vẫn tiếp tục cung cấp cho Miền Bắc Việt Nam. 

Đây không phải là điều chúng ta đã dự định sau Hiệp định Hòa bình Paris 1973. Kế hoạch là vẫn tiếp tục ủng hộ hậu cần và duy trì sự cam kết của Mỹ cho tới khi nào Miền Nam và Miền Bắc Việt Nam có thể đạt được hiệp định hòa bình riêng của hai bên. Nhưng Hoa Kỳ đã không giữ đúng những lời hứa viện trợ hậu cần đã cam kết tại Paris, và không có viện trợ ấy Miền Nam sụp đổ. 

Tưởng cũng nên nhắc sơ lại ở đây bối cảnh thời ấy. Sau khi tôi nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng dưới chính quyền Nixon vào năm 1969, Tướng Creighton Abrams và tôi vạch ra chương trình rút quân.

Tôi đặt tên kế hoạch của chúng tôi là "Việt Nam hóa", và các đợt rút quân đều được dự trù và bắt đầu ngay trong vòng sáu tháng kể từ ngày tôi nhậm chức. Tất cả các đợt rút quân đều dựa trên sự tấn tới thật sự và đáng kể của quân đội Miền Nam theo đúng những mục tiêu huấn luyện nghiêm ngặt do Tướng Abrams đề ra. 

Miền Nam cuối cùng nhận thức rằng họ bắt đầu gánh vác trách nhiệm: Sẽ không còn những đợt tăng quân Mỹ mà chỉ có giảm quân. Trong cuộc họp lần đầu tiên với Tổng thống Miền Nam Việt Nam Nguyễn Văn Thiệu vào đầu năm 1969, tôi trình bày rõ ràng rằng tôi đã từ chối yêu cầu của Tướng William Westmoreland tăng thêm 150.000 quân Mỹ. 

Theo yêu cầu của tôi, Tướng Abrams và Đại sứ Ellsworth Bunker đi cùng với tôi đến dự cuộc họp này. Sau cuộc họp Bunker trách tôi là quá cứng rắn với Tổng thống Thiệu, và Bunker đã phàn nàn với Bộ Ngoại giao. Nhưng cho dù Bộ Ngoại giao và Tòa Bạch Ốc nhận thức hay không, Quốc hội không còn muốn quan tâm đến tài trợ quân đội Mỹ hay đến thương vong của lính Mỹ tại Việt Nam. Tôi bảo đảm với những người đứng đầu các ủy ban Quốc hội (Cả Cộng hòa và Dân chủ) mà Bộ Quốc phòng có trách nhiệm báo cáo là sẽ không còn quân Mỹ ở Việt Nam khi bốn năm tôi đồng ý phục vụ chấm dứt. 

Nhưng chưa bao giờ tôi hay bất kỳ ai khác trong Bộ Quốc phòng gợi ý với các ủy ban Quốc hội này rằng viện trợ quân sự sẽ là không cần thiết sau khi chúng ta rút binh lính chiến đấu về. Hơn nữa, với sự thuyết phục hợp lý của Bộ Quốc phòng, Quốc hội đã ủng hộ tất cả những yêu cầu ngân sách quốc phòng chung, bao gồm trợ giúp quân sự cho Miền Nam Việt Nam. Trong suốt thời gian tôi phục vụ với tư cách Bộ trưởng Quốc phòng những yêu cầu như thế luôn luôn được bỏ phiếu chấp thuận. Và trong suốt bốn năm ấy, Quốc hội do Đảng Dân chủ kiểm soát hợp tác rất tốt đẹp với tôi, một đảng viên của đảng đối lập. 

Abrams hoàn tất một cách xuất sắc kế hoạch của chúng tôi là quân đội Miền Nam đã được huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu khi Hoa Kỳ rút dần quân. Và quân đội Miền Nam chưa từng bao giờ thua trận nào từ lúc đợt rút quân lần cuối cùng của chúng ta cho đến lúc chính quyền của chúng ta nuốt lời hứa tiếp tục ủng hộ quân sự tạm thời cho nhân dân Miền Nam. 

*

Melvin R. Laird là Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ từ năm 1969 đến 1973.

Nguồn: Washington Post ngày 29/6/2007

Bản tiếng Việt:

Trần Quốc Việt

No comments:

Post a Comment