Trần Văn Huỳnh - Thứ Bảy đầu tháng tuần qua, đến hẹn lại lên, gia đình tôi lại rong ruổi trên những dặm đường hướng về nơi có người con, người em, người chồng, người cha thương yêu. Đây là lần thăm thứ hai của gia đình tại Xuyên Mộc - hơn 1 tháng sau diễn biến bất ngờ ở trại giam Xuân Lộc – và hơn 1 tuần sau sự việc gia đình không thể đưa đơn kêu oan đến nhà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hôm 20/7 vừa qua. Vì vậy, có biết bao điều chúng tôi muốn chia sẻ với Thức, muốn hỏi thăm Thức với mấy anh em vẫn ổn hay ra sao.
Nhưng có những việc dường như là không thể. Tương tự như lần thăm đầu, đợt này gia đình được sắp xếp để phòng thăm gặp chỉ còn riêng người nhà chúng tôi và Thức, bên cạnh là các cán bộ quản trại đứng lẫn ngồi. Gặp lại mọi người, Thức vui lắm. Thức nói mấy bữa rồi tự dưng thấy nhớ cả nhà đến lạ. Trong cái ôm siết chặt, câu hỏi trong lòng tôi như muốn chực chờ bật ra: “Thức ơi, con có biết chuyện thứ Bảy bữa trước không?”
Cả nhà lại ngồi xuống quây quần, tận dụng 30 phút quý giá của mỗi tháng. Chẳng biết Thức đọc được tâm ý của mọi người hay nét mặt chúng tôi lộ rõ suy nghĩ, mà Thức đã chủ động cho biết Thức vẫn khỏe rồi cười. Thức bảo ở đây giữa rừng, cây cối nhiều, không khí thoáng đãng nên mát mẻ, dễ chịu. Nhưng Thức cũng nói mặc dù ở chung khu với các anh Phan Ngọc Tuấn, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Huỳnh Anh Trí và Nguyễn Ngọc Cường, mỗi người lại bị giam biệt lập, chỉ trừ anh Hùng, nên bốn anh em ở một mình cả ngày không tiếp xúc với ai. Thức nói vì báo chí cách 3, 4 ngày mới được phát, còn ti vi chỉ phát sóng kênh VTV3 của Đài truyền hình Việt Nam từ 3h chiều đến 10h tối nên phần lớn thời gian Thức thường ngồi thiền, làm thơ, đọc thơ. Gia đình hỏi về chuyện ăn uống, Thức bảo ở đây không được nấu nướng và chỉ phát cơm trắng nên phải mua thêm đồ ăn ở căn-tin hay dùng mấy món khô gia đình gửi vào. Nói rồi Thức cười bảo cà phê, mì gói nhà gửi tháng trước đến nay vẫn còn chưa hết, vì nước trại giam phát không đủ nóng cho mấy món cần nước sôi. Theo quy định về chế độ ăn uống trong trại giam của Luật thi hành án hình sự hiện hành, mỗi phạm nhân đều được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng về gạo, rau xanh, thịt, cá, đường, muối, nước mắm, bột ngọt (Điều 42, khoản 1), do đó, lần thăm tới gia đình dự định sẽ làm rõ với trại giam về việc chỉ phát cơm trắng.
Sau đó, như một thói quen, Thức lại hỏi thăm gia đình về chuyện đất, chuyện nước. Qua đọc báo, xem thời sự nên Thức cũng được biết về chuyến công du đến Mỹ của Chủ tịch nước cuối tháng 7 vừa qua. Thức nói hiệp ước TPP là điều mà thành phần kinh tế tư nhân trong nước mong đợi nhiều nhất, bởi nó không chỉ thuận lợi cho xuất khẩu, rộng cửa để Việt Nam tiếp nhận trình độ, công nghệ từ các nền công nghiệp phát triển mà còn thúc đẩy cải cách hệ thống quản lý đất đai và cơ cấu lại tỷ trọng của doanh nghiệp nhà nước. Về phía Mỹ, việc tích cực khuyến khích Việt Nam tham gia TPP vượt lên trên lợi ích kinh tế và chiến lược trong ngắn hạn của họ. Lời mời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm Nhà Trắng của Tổng thống Obama đã thể hiện quan điểm này. Dù cả hai bên thống nhất sẽ nỗ lực hoàn thành việc ký kết TPP vào cuối năm nay, nhưng sự im lặng của cả hai bên về khả năng dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí cho Việt Nam, cũng như kết quả của chuyến công du chỉ là một “quan hệ đối tác toàn diện” ở các lĩnh vực vốn dĩ trước nay vẫn diễn ra – thay vì đối tác chiến lược như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hằng mong muốn tại diễn đàn Shangri-la hồi đầu tháng 6 – là dấu hiệu cho thấy hai bên vẫn còn những khác biệt cần giải quyết. Thức nói theo quy luật không thể tránh khỏi, một khi đã bước vào dòng chảy toàn cầu hóa, không một quốc gia nào có thể cưỡng lại các giá trị phổ quát. Nếu không muốn trơ trọi, hoặc tự “vỗ về” chính mình bằng những quan hệ hợp tác hình thức hay chỉ mang tính “tiền trao cháo múc”, Việt Nam phải đảm bảo thực thi các công ước quốc tế đã tham gia. Cộng đồng quốc tế nhìn thấy vị trí địa chiến lược của Việt Nam cho sự cân bằng và ổn định trong khu vực cũng như thế đa cực của thế giới. Thức nói đó là sứ mệnh của dân tộc Lạc Hồng. Họ mong muốn và sẽ hỗ trợ để Việt Nam phát huy thế mạnh này. Nhưng điều quyết định bây giờ là tầm nhìn của chính quyền. Giữa lợi ích tư và lợi ích chung, giữa trường tồn dân tộc và dĩ vãng của một ý thức hệ, cái nào mới là quan trọng? Quyết định nào thuận theo ý dân, để theo đó sẽ là sự kính trọng và lòng tin nơi nhân dân? Đó là những điều Thức muốn gửi đến những người lãnh đạo trong nước.
Cuối buổi, trong lúc một vài cán bộ kiểm tra đồ ăn, vật dụng gia đình mang vào, tôi có hỏi Thức về chuyện các anh Cường, Trí, Tuấn bị biệt giam và cùm chân 3 ngày hơn. Thông tin này gia đình nhận được từ chị Na - vợ anh Cường mấy ngày trước đó. Thức nghe xong thì gật đầu xác nhận. Chúng tôi muốn hỏi chi tiết hơn về ba anh em nói trên để báo về gia đình họ và hỏi Thức có bị kỷ luật không, nhưng điều kiện đã không cho phép chúng tôi. Gia đình đành chào tạm biệt Thức ra về.
Trên đường về ai cũng lo lắng trước tin về chuyện kỷ luật. Chúng tôi không thể biết được liệu 10 ngày đêm biệt giam đáng sợ ở Xuân Lộc có theo Thức đến Xuyên Mộc hay không. Trước đó, khi tiếp chuyện với gia đình vào ngày 1/7, các cán bộ ở trại giam Xuân Lộc đã khẳng định chắc chắn rằng việc chuyển trại của Thức và 4 anh Hùng, Cường, Trí, Tuấn hoàn toàn không liên quan đến cuộc nổi dậy của tù thường phạm 1 ngày trước đó. Vậy mà bây giờ các anh Cường, Trí, Tuấn lại bị kỷ luật, động thái này khiến gia đình không khỏi hoang mang.Theo chúng tôi hình phạt cùm chân - biệt giam liên tục trong nhiều ngày dành cho các anh là hà khắc, không phù hợp với một xã hội văn minh, nhân bản, và quan trọng hơn hết, cách đối xử này đi ngược lại tinh thần của luật pháp quốc tế mà nước ta đã ký kết.
Điều an ủi là chúng tôi vẫn còn được thăm gặp và nhìn thấy Thức trong điều kiện tương đối dễ chịu sau khi chuyển trại - may mắn hơn so với gia đình chị Tạ Phong Tần, cháu Đỗ Thị Minh Hạnh hay anh Điếu Cày, người tù nhân lương tâm chúng tôi vô cùng cảm phục. Chuyến về trời mưa nặng hạt. Nhìn bầu trời dày đặc mây xám, lòng tôi hỏi khi nào ánh sáng công bình sẽ chiếu rọi đến những người vẫn còn đang chịu án oan sai.
Nhưng Thức đã nhắn nhủ trong cái ôm chia tay: “Ba ráng giữ sức khỏe, con sẽ về.” Câu nói đó đã theo tôi trên suốt chặng đường về, và nó sẽ theo tôi đi đến hết con đường tìm lại sự trong sạch cho con trai tôi.
Như một tác giả đã nói trong một bài viết: “Một cánh én không thể gọi mùa xuân. Trong khi mùa đông đã già nua cằn cỗi. Nhưng thêm vài cánh én cùng vẫy vùng, thêm vài cánh én nữa. Mùa chắc chắn sẽ đổi thay, để xuân về.
Hãy giữ niềm tin.”
No comments:
Post a Comment