Thursday, September 8, 2011

ĐI TÌM NGƯỜI THÂN BỊ CÔNG AN CỘNG SẢN BẮT CÓC

ĐI TÌM NGƯỜI THÂN BỊ CÔNG AN CỘNG SẢN BẮT CÓC

Giuse Nguyễn Bình An - Trong suốt thời gian từ 30/7 đến nay bộ công an vẫn ráo riết bắt cóc những thanh niên yêu nước một cách trắng trợn, vô cớ. Cho đến bây giờ số những người trẻ đã bị đã lên con số 11, trong đó có 3 anh Phêrô Trần Hữu Đức, Antôn Đậu văn Dương, Antôn Chu Mạnh Sơn. Bộ Công An bắt đi từ ngày 02/08/2011 đến nay, gia đình vẫn chưa có một tin tức gì từ phía chính quyền báo cho gia đình.


Trong những ngày đó thân nhân của ba bạn trẻ cũng đã đi hỏi nhiều nơi nhưng kết quả vẫn là con số không. Vậy các bạn ấy đang ở đâu? Tình trạng sức khỏe ra làm sao? Thân nhân của các anh sẽ phải làm gì? Cảm nhận được tình thương và trách nhiệm của mình, hai bạn trẻ là nạn nhân trong đợt bắt cóc của Bộ Công An là Hoàng Phong và Đặng Xuân Tương (Hai bạn bị bắt vào ngày 02 – 03/08/2011 và đã được thả) đã đến trại tạm giam Nghi Kim – Nghi Lộc – Nghệ An để tìm ba người bạn của họ là Phêrô Trần Hữu Đức, Antôn Đậu văn Dương, Antôn Chu Mạnh Sơn.
Bạn Trần Hữu Đức (Hàng đầu tiên, ngồi) chụp ảnh lưu niệm trong chương trình dạy tiếng Anh hè cho các em thiếu nhi
Khi hai bạn trẻ đến trại tạm giam để hỏi thăm tin tức về ba người bạn của mình thì được các cán bộ trại cho biết là có tạm giam 3 người của họ ở trại giam. Bạn Hoàng Phong liền hỏi anh công an ở trại tạm giam, tại sao lại bắt ba người bạn của họ? Họ bị bắt vì tội danh gì? Tại sao thân nhân, gia đình lại không nhận được thông báo gì? Một mẩu giấy thông báo cũng không có là sao? Trước những câu hỏi dồn dập của hai bạn trẻ, một anh công an liền chạy tới phân bua rằng:

Anh công an: Chúng tôi đã có có thông báo về Xã, muốn biết thì về Xã mà hỏi?

Bạn Hoàng Phong: Anh xem lại đi, chứ gia đình đã lên Xã để hỏi, thì họ nói là không nhận được giấy tờ từ trên chuyển xuống cho chúng tôi? Nghĩa là sao?

Anh công an: “chắc là Xã họ làm mất rồi cũng nên”.

Bạn Hoàng Phong: ?!! (đỏ bừng mặt vì bực)

Thật là vô trách nhiệm! Đó gọi là cái “tận tình phục vụ nhân dân” của “Công An Nhân Dân” đó sao??? Xin các anh trả lại từ “nhân dân” cho chúng tôi, các anh chỉ cần dùng từ “công an” là đủ, còn từ “công an nhân dân” thì đừng dùng nữa nhé!
Đậu Văn Dương

Sau khi biết được chính xác nơi ba bạn trẻ là: Phêrô Trần Hữu Đức, Antôn Đậu văn Dương, Antôn Chu Mạnh Sơn, đang bị giam giữ tại trại giam Nghi Kim – Nghi Lộc – Nghệ An. Hai bạn Hoàng Phong và Đặng Xuân Tương ra về trong bực tức trước thái độ làm việc của anh cán bộ trại tạm giam. Họ liên lạc với người nhà của ba anh Đức, Dường, Sơn và hẹn họ ngày thứ 5 ngày 22 tháng 08 năm 2011. Để thăm nuôi và gửi một số đồ dùng cá nhân cho ba người thân.

Đúng hẹn, người nhà của anh Phêrô Trần Hữu Đức là bác Trần Đức Trường, chị gái của anh Antôn Đậu Văn Dương là chị Trần Thị Thanh, còn gia đình bạn Antôn Chu Mạnh Sơn bận công việc gia đình, nên họ đã gởi quà nhờ bạn Hoàng Phong và Đặng Xuân Tương mang vào. Khi đã chuẩn bị xong các vật dụng cần thiết, cả bốn người cùng nhau tới trại tạm giam Nghi Kim.
Bạn Chu Mạnh Sơn
Khi đến trại giam, hai bạn Hoàng Phong và Đặng Xuân Tương dẫn hai người vào làm thủ tục. Lúc vào gặp anh cán bộ của trại thì họ nhận được hai cuốn sổ thăm gặp, gửi quà cho hai bạn Đức và Dương. Trang đầu của sổ có ghi tên tuổi, quê quán, tội danh,... Quyển sổ của bạn Trần Hữu Đức thì có tội danh là “tội tuyên truyền, chống phá Nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa”. Còn quyển của bạn Đậu Văn Dương thì ghi “ T2TPCMT”, cả bốn người cùng đọc nhưng họ đều không hiểu những ký tự viết tắt đó là gì, phải chăng trại tạm giam hết bút để viết, hoặc đang viết thì bút hết mực, nên họ mới phải viết tắt, có khi nào anh cán bộ tạm giam vội quá nên ghi tắt tội danh? Vì không hiểu nên hai bạn Hoàng Phong và Đặng Xuân Tương quay sang hỏi anh công an trại giam:

Hoàng Phong và Tương: Anh ơi cho em hỏi trong quyển sổ thăm nuôi của bạn Đậu Văn Dương, có ghi tội danh của bạn ấy là “ T2TPCMT”, tụi em không hiểu được những ký tự viết tắt đó, anh có thể giải thích giùm tụi em không ạ!

Anh cán bộ: Có thế thôi mà cũng không hiểu! Những ký tự đó là viết tắt của “tội phạm tàng trữ chất ma túy”. (Anh cán bộ này giỏi quá, này nhé: “T2TPCMT = tội phạm tàng trữ chất ma túy”)

Hoàng Phong và Tương: Giật nảy mình, đứng tim vì bức xúc! Anh bảo Đậu Văn Dương là “tội phạm tàng trữ chất ma túy”, anh có nhầm không vậy???

Anh cán bộ: im lặng, bỏ đi nơi khác.
 
Cả bốn người rất bức xúc trước cái tội danh mà Công An gán ghép cho Đậu Văn Dương, riêng chị gái của bạn Đậu Văn Dương thì rất lo lắng. Cả bốn người yêu cầu anh cán bộ xác minh lại. Sau khoảng 30 phút, anh cán bộ trở ra và đính chính lại trong quyển sổ thăm nuôi, tội danh của bạn Đậu Văn Dương là “tội tuyên truyền, chống phá Nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa”.

Có phải không vậy ta? Hết “tội phạm tàng trữ chất ma túy” giờ lại đến “tội tuyên truyền, chống phá Nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa”. Sao chưa có quyết định khởi tố cũng như chưa có bản án kết tội của Tòa án, mà sao các anh Công an đã kết tội hai bạn Trần Hữu Đức và Đậu Văn Dương? Các anh ấy làm vậy có đúng không ta?

Trong bản hiến pháp 1992 của Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, trong chương V: Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, điều 72 quy định:

Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.

Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam giữ, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý nghiêm minh.”

 

Bên cạnh đó, Bộ luật Tố tụng Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1999, phần thứ nhất, trong chương II: Những nguyên tắc cơ bản, điều 9 cũng quy định:

 

“Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.


Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.”

Các anh là Công an, là những người rất am hiểu về luật pháp Việt Nam, tôi thấy các anh làm sai luật rồi đấy nhé! Cấm có cãi nhé! Tôi xin kể thêm về tình tiết các anh không tuân thủ luật pháp (đúng hơn là ngồi xổm trên luật pháp mà chính họ là những người làm luật) nhé:

Bản hiến pháp 1992 của Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, trong chương V: Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, điều 71 quy định:

“Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm.

Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật.

Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân.”

Các anh lại vi phạm pháp luật tiếp nhé! Các anh không tuẩn thủ quy trình bắt người nhé! Các anh là Công An mà lại bắt người kiểu “Bi-la-den” nhé! Mà tôi thấy không hiểu tại sao các anh lại gán ghép tội danh “tuyên truyền, chống phá nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” đối với hai người bạn trẻ này. Ba con người bé mọn như Đức, Dương, Sơn, với “2 bàn tay trắng” thì lấy gì để chống phá nhà nước đây. Vũ khí không? Tiền bạc không, cái gì gì cũng không, họ chỉ có “lòng yêu nước” mà thôi. Phải chăng những ai yêu nước đều bị các anh vu khống như vậy? Chẳng nhẽ các anh muốn bắt ai thì bắt, muốn kết tội ai thì kết tội, muốn bỏ tù ai thì bỏ tù sao? Vậy đất nước này có còn hiến pháp không?

Sau khi thủ tục xong họ đi vào gửi quà và mọi người vẫn không quên hỏi lại vấn đề “ tại sao ba bạn đó bị bắt rồi đưa và trại tạm giam mà gia đình không được một văn bản chính thức, cũng như tin tức nào từ phía chính quyền”

Hoàng Phong và Tương: Tại sao ba người bạn của tụi cháu bị bắt giam đã gần một tháng trời, mà gia đình và người thân chưa nhận được một thông báo nào từ phía chính quyền vậy?

Anh công an Đặng Xuân Hoài: “Việc này thì gia đình không có quyền được biết, chỉ có người bị bắt mới được biết là mình được giam ở đâu, còn theo luật thì gia đình sẽ không có giấy báo và không được biết”

Hoàng Phong và Tương: khi nghe xong cả hai bạn xoay 1800 rồi đi thẳng, chắc anh này chưa “học luật” nên không đáng để nói chuyện. Cả bốn người cùng rời khỏi trại giam.
Đến 14h chiều cùng ngày, bạn Hoàng Phong cùng bác Trần Đức Trường và chị Đậu Thị Thanh đến cơ quan an ninh điều tra Nghệ An để xin giấy thăm để gặp con cái họ. Cơ quan an ninh cho biết hiện nay gia đình vẫn chưa được gặp còn giấy báo thì cơ quan đã chuyển về xã.

Lại chuyển về xã. Ít sau đó mấy ngày Tôi có hỏi bác Trần Đức Trường là “đã có giấy ở Xã chưa vậy bác?” bác nói một câu thất vọng là “chưa có gì cả cháu ạ”, Và cho đến bây giờ thì cái giấy báo mà các chú công an đùn về Xã, và Xã lại đùn lên Tỉnh, Tỉnh lại đùn lên Trung Ương , Trung Ương lại đùn về Xã…chỉ là ảo mà thôi. Thái độ vô trách nhiệm của các anh Công An mà đứng đầu là Bộ Công An là thế! Xin hãy trả lại từ “nhân dân” ở đằng sau từ “Công An” cho chúng tôi!

Giuse Nguyễn Bình An VRNs – Vinh – Nghệ An

Tác giả gửi cho danlambao

Tài liệu đọc thêm:

VỤ BẮT CÓC TRẦN MINH NHẬT: VIỆT CỘNG ĐÃ LỪA NHÀ TRƯỜNG

VRNs (01.09.2011)


– Sài Gòn – Một vị lãnh đạo nhà trường tỏ ra ngạc nhiên khi biết gia đình của Paul Trần Minh Nhật đến hỏi thăm Nhật đang bị bắt giam ở đâu, vào sáng 29.08.2011. 
Theo vị này, sáng ngày 27.08.2011, hai anh công an tên Nguyễn Thành Đăng, và Lê Mạnh Tùng cán bộ an ninh cục phòng chống khủng bố A67, thuộc bộ công an đến trình giấy giới thiệu, và lệnh triệu tập Trần Minh Nhật. Khi nhà trưởng đề nghị cho biết rõ lý do tại sao lại bắt sinh viên của họ, thì các anh công an cho biết chỉ triệu tập, hỏi thăm vài chuyện rồi sẽ cho về ngay.

Đến hôm nay, 01.09.2011, tức sau 5 ngày, mà cơ quan bắt người là Cục A67, Bộ công an chưa hề đưa ra thông tin chính thức gì về việc bắt giam sinh viên Trần Minh Nhật.

Theo tường trình của sinh viên cùng lớp với VRNs ngay sau khi Nhật bị bắt, 09:30 am, ngày 27.08.2011, thì ngay sau khi thi, ra khỏi phòng, tức khắc Nhật bị ông bảo vệ và giám thị ép xuống bằng cầu thang máy, để rồi sau ít phút, Nhật bị công an tống lên xe mang đi biệt tích cho đến hôm nay.

Theo Bộ luật tố tụng hình sự (Bộ LTTHS), “Điều 80. Bắt bị can, bị cáo để tạm giam

1. Những người sau đây có quyền ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam:

a) Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp;

b) Chánh án, Phó Chánh án Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp;

c) Thẩm phán giữ chức vụ Chánh toà, Phó Chánh toà Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao; Hội đồng xét xử;

d) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trong trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

2. Lệnh bắt phải ghi rõ ngày, tháng, năm, họ tên, chức vụ của người ra lệnh; họ tên, địa chỉ của người bị bắt và lý do bắt. Lệnh bắt phải có chữ ký của người ra lệnh và có đóng dấu.

Người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt.

Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng của người bị bắt chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người.

3. Không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp bắt khẩn cấp, phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã quy định tại Điều 81 và Điều 82 của Bộ luật này”.


Theo điều luật 80 này, chỉ Viện kiểm sát, Toà án mới có quyền ký lệnh bắt người, còn đối với công an – cơ quan điều tra – chỉ được ký lệnh bắt trong trường hợp khẩn cấp, và lệnh đó phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước 9:30 am, ngày 27.08.2011.

Chiếu theo điều 80 của Bộ LTTHS, và những gì đại diện nhà trường cho biết – công an chỉ trình giấy triệu tập – thì việc Bộ công an bắt Trần Minh Nhật là trái pháp luật ở khoản 1, điều 80, Bộ LTTHS.

Tại khoản 2, điều 80 Bộ LTTHS còn ghi rõ khi bắt người phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền và đặc biệt “Người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt”. Ở đây, sáng 27.08.2011, công an đã nói dối nhà trường rằng chỉ triệu tập để hỏi vài vấn đề rồi cho về, chứ không phải bắt giam gì cả, nhưng trong thực tế là Minh Nhật đã bị bắt giam 5 ngày qua.

Trả lời phóng viên VRNs, các sinh viên chứng kiến cảnh xét nhà trọ tại làng đại học Thủ Đức cho biết, công an xét nhà và tịch thu một số vật dụng. Công an có lập biên bản, nhưng họ giữ biên bản mà không giao biên bản cho những sinh viên bị tịch thu tài sản vì ở chung với Nhật.

Cả 15 trường hợp, thanh niên Công giáo và Tin Lành bị bắt từ 30.07.2001 đến 27.08.2011 đều bị công an bắt trái luật như thế. Điều này cho thấy, tại Việt Nam, công an đang có quyền trên luật pháp, mặc dù về bản chất, họ chỉ là cơ quan thực thi pháp luật và chỉ được làm những gì luật pháp cho phép.

Với cách hành xử thế này, mà không có bất cứ một cơ quan thẩm quyền nào lên tiếng, thì Quốc Hội (các nhà lập pháp) chỉ còn là những ông phỗng (tượng đá), ngồi lãnh lương hàng tháng. Với lối hành xử như vậy, mà mỗi người ý thức mình là công dân tốt vẫn cứ im lặng thì chính họ đang đẩy xã hội đến chỗ đất nước này đang bị công an trị một cách phi pháp.

NTH, VRNs

No comments:

Post a Comment