NHÀ CẦM QUYỀN CSVN CẦN "QUEN" VỚI VIỆC NGƯỜI DÂN BIỂU TÌNH THEO HIẾN ĐỊNH
Phỏng Vấn Tiến Sỹ NGUYỄN QUANG ANhà nước nếu muốn ngăn chặn, tôi nghĩ cũng khó ngăn chặn được, bởi vì đấy là quyền đã được Hiến định của người dân. Nhưng mà Nhà nước và những người biểu tình cũng có thể có một đối thoại gì đấy để không gây căng thẳng giữa hai bên. Bởi vì, nếu Nhà nước nghĩ rằng, mình dùng sức mạnh để bắt bớ, để dẹp, để cấm, thì tôi nghĩ rằng những cuộc biểu tình như thế sẽ còn bùng phát lớn hơn nữa, và điều đấy chưa chắc đã phải là hay. Vì những người biểu tình cũng không muốn sự căng thẳng ấy. Nhưng nếu việc dùng bạo lực mà nhiều, thì đó cũng là cái kích người ta.... -
Trọng Thành (RFI) - Ngày hôm nay Chủ nhật 28/7/2011, tại Hà Nội không có cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc gây hấn như các tuần trước. Hôm qua (27/8), chính quyền Hà Nội đã có một cuộc đối thoại với nhóm nhân sĩ, trí thức phản đối bản thông báo cấm biểu tình của Ủy ban Nhân dân Hà Nội (18/8).
Việc các thành viên chủ chốt trong ban lãnh đạo Hà Nội có mặt trong cuộc tiếp xúc kể trên đã được tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện - một trong các khách mời -, đánh giá là « trọng thị ». Đây là lần đầu tiên chính quyền chính thức đối thoại với những người tham gia biểu tình về chủ đề này, kể từ cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc gây hấn được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội vào Chủ nhật 5/6/2011.
RFI có cuộc phỏng vấn với tiến sĩ Nguyễn Quang A trước khi ông tham gia buổi đối thoại với lãnh đạo thành phố Hà Nội.
RFI : Xin thân chào tiến sĩ Nguyễn Quang A. Như anh biết và bản thân anh đã tham gia vào trong một số cuộc biểu tình tại Hà Nội để phản đối sự gây hấn của Trung Quốc tại vùng Biển Đông, vậy anh có thể cho thính giả biết nhận định tổng quát của anh về các cuộc biểu tình đã diễn ra từ hơn hai tháng nay ?
Nguyễn Quang A : Trong thời gian vừa qua, đã có 11 cuộc biểu tình. Trừ ba cuộc bị ngăn cản và bắt bớ, các cuộc biểu tình nói chung đã diễn ra một cách yên bình, có trật tự. Và cũng tương đối là lạ ở Việt Nam lại có những cuộc biểu tình diễn ra liên tục như vậy, và nói chung là không có sự cố gì lớn. Có ba cuộc mà lực lượng cảnh sát can thiệp tương đối mạnh mẽ và có lúc rất gay cấn. Cái đợt Chủ nhật vừa qua, cuộc biểu tình mới diễn ra được khoảng 15, 20 phút, thì [người ta] bốc hết tất cả người biểu tình lên ô tô buýt. Ngày hôm ấy, tuy không có bạo lực lớn, nhưng quy mô bắt bớ rất lớn.
RFI : Thưa anh, hiện nay có các ý kiến cho rằng, các cuộc biểu tình vừa qua là quá khích và nó thiên về chỗ kích động khía cạnh xúc cảm của những người tham gia, đánh vào tình cảm đối với đất nước. Cụ thể là trong các chương trình của đài truyền hình phỏng vấn những người dân, cán bộ địa phương, thanh niên, sinh viên. Những người này chỉ trích rất mạnh thái độ của những người tham gia biểu tình. Vậy, ý kiến của anh về điều này như thế nào ?
Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ rằng những người, mà bình luận và phát biểu như thế, hoặc là người ta chưa tham gia một cuộc biểu tình nào, có khi là chưa quan sát một cuộc biểu tình nào. Mà phát biểu với tư cách là một người đã tham gia bảy cuộc, thì tôi thấy các chỉ trích này hoàn toàn không có căn cứ gì cả. Bởi vì các cuộc biểu tình đó không hề có chuyện kích động gì cả. Không có gì là gây cấn, người ta đi rất trật tự, không có gây lộn xộn về giao thông. Đi trên vỉa hè, thậm chí mọi người bảo nhau, không được giẫm lên cỏ, không được bước xuống đường để cản trở giao thông.
Nó có xảy ra cảnh lộn xộn và mất mỹ quan ở đường phố, chỉ khi mà lực lượng cảnh sát bắt đầu xô đẩy người biểu tình, hoặc tìm cách bốc người biểu tình lên ô tô buýt. Thực sự những lộn xộn như thế chỉ xảy ra khi lực lượng cảnh sát ra tay, và như thế không thể đổ cho những người biểu tình là quá khích.
Còn tôi không muốn bình luận nhiều về một số ý kiến của những người được chọn để phát biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng do Nhà nước kiểm soát, nhưng tôi có thể nói một cách sơ bộ là : Hoặc là người ta không có thông tin, hoặc là người ta bị nhồi sọ, với một kiểu hiểu rằng, đã có Nhà nước lo, yêu nước có nghĩa là làm theo lời của Nhà nước. Vẫn có nhiều người ở Việt Nam bây giờ vẫn tin là như thế. Có lẽ cũng phải tôn trọng ý kiến của người ta.
Và chúng tôi thấy rằng, như thế, cần phải có nhiệm vụ nâng cao dân trí của người dân, nâng cao quan trí của quan chức để người ta hiểu đúng, người dân – công dân có những quyền gì, có những quyền phát biểu ra sao. Tôi nghĩ, cũng có thể Nhà nước muốn người dân toàn bộ đều ngoan ngoãn như thế, nhưng nếu mà toàn bộ người dân mà cũng ngoan ngoãn, vâng lời như thế, thì tôi nghĩ đấy sẽ là một xã hội hết sức không bình thường.
Những xúc cảm, những căng thẳng về xã hội phải được bộc lộ ra, thì những căng thẳng xã hội sẽ bớt đi. Các thành phần trong xã hội, từ những người lãnh đạo, cho đến các tổ chức khác cũng thấy được một tín hiệu, và có được những cách để hiệu chỉnh cái ứng xử, cũng như chính sách của mình. Thế thì như thế là tốt để xã hội phát triển lên.
RFI : Trong các phản đối hoạt động biểu tình, thì có luận điểm cho rằng biểu tình chỉ là hô khẩu hiệu và nói những điều chung chung, chứ không phải là đi vào những việc làm cụ thể và có ý nghĩa thiết thực, vậy ý kiến của anh về quan điểm này như thế nào ?
Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ rằng có nhiều việc làm. Việc biểu tình thể hiện nguyện vọng, tâm tư, ý chí của người dân là một cách, và cách đó cũng phải được tôn trọng. Tất nhiên, còn nhiều việc khác phải làm, nhưng mà, nhân danh những việc khác mà bảo rằng, việc làm này là không tốt, thậm chí người ta còn nói là « phản động », thì tôi nghĩ đó là những cách hiểu rất sai lầm.
RFI : Thưa anh, lại có ý nghĩ đặt vấn đề rằng, nếu trong hai tháng vừa qua, không có các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc vào Chủ nhật, thì các quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc có khác đi không ?
Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ, có thể những cuộc biểu tình này không ảnh hưởng nhiều đến quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, nó có thể có ảnh hưởng nhất định để cho nhà cầm quyền Trung Quốc phải cảm nhận được tinh thần của Việt Nam, và có thể nhà đương cục Việt Nam có thể có cơ sở nào đấy để hỗ trợ họ trong việc đàm phán, đấu tranh với Trung Quốc.
RFI : Vâng, thưa anh, trở lại chuyện đối xử của chính quyền đối với những người biểu tình, thì có lúc họ để cho cuộc biểu tình diễn ra một cách bình ổn, còn nếu không thì can thiệp, cụ thể là có ba lần bắt bớ, gây ra lộn xộn. Vậy, anh có thể cho biết lý giải của anh, tại sao lại có sự khác biệt như vậy từ phía Nhà nước, lúc thế này, lúc thế kia ?
Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ rằng, đúng là chính quyền ở Hà Nội và Việt Nam nói chung ở vào trong một thế tương đối khó xử. Họ chưa quen với các hoạt động như vậy. Có lẽ, họ phải quen dần, vì trong một xã hội văn minh biểu tình là chuyện hết sức bình thường. Họ sẽ phải hoàn thiện khung pháp lý để cho những chuyện như thế có thể diễn ra một cách văn minh.
Về chuyện có sự ứng xử không nhất quán, lúc thế này, lúc thế kia, chỉ nói thí dụ của bản thông báo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội yêu cầu chấm dứt các cuộc biểu tình tự phát. Thông báo này đưa ra không đúng với pháp luật, không có người ký. Việc không có người ký có thể phản ánh một sự giằng co, một sự do dự, rất là khó [xử] của nhà cầm quyền ở Hà Nội.
RFI : Thưa anh, như thế đã có 11 cuộc biểu tình diễn ra, vậy anh nghĩ như thế nào về hoạt động tuần hành phản đối sự xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc nói chung ?
Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ rằng, chừng nào mà Việt Nam muốn trở thành một nước dân chủ, văn minh, thì chính quyền hay Nhà nước phải chấp nhận cái quyền của người dân đã được ghi trong Hiến pháp, và chắc chắn phải có những quy định để cho những cuộc biểu tình như thế diễn ra một cách văn minh.
Về những cuộc biểu tình chống hoạt động xâm lấn của Trung Quốc đối với các vùng biển, đảo của Việt Nam, thì tôi nghĩ, sẽ còn có thể kéo dài, vì việc giải quyết cái vấn đề này là chuyện lâu dài, chứ không nhanh được. Việc biểu tình có diễn ra liên tục hay không, tôi không dám nói, nhưng tôi nghĩ, chừng nào những gây hấn còn tiếp tục thì khó có thể hy vọng sẽ không có các cuộc biểu tình.
Tất nhiên, Nhà nước nếu muốn ngăn chặn, tôi nghĩ cũng khó ngăn chặn được, bởi vì đấy là quyền đã được Hiến định của người dân. Nhưng mà Nhà nước và những người biểu tình cũng có thể có một đối thoại gì đấy để không gây căng thẳng giữa hai bên. Bởi vì, nếu Nhà nước nghĩ rằng, mình dùng sức mạnh để bắt bớ, để dẹp, để cấm, thì tôi nghĩ rằng những cuộc biểu tình như thế sẽ còn bùng phát lớn hơn nữa, và điều đấy chưa chắc đã phải là hay. Vì những người biểu tình cũng không muốn sự căng thẳng ấy. Nhưng nếu việc dùng bạo lực mà nhiều, thì đó cũng là cái kích người ta.
Tôi nghĩ, có hai sự kích động. Thứ nhất là từ phía các hành động của nhà cầm quyền Trung Quốc. Điều thứ hai là ứng xử của lực lượng cảnh sát. Nếu mà lực lượng này giữ yên bình, cho các hoạt động biểu tình diễn ra bình thường, thì tôi nghĩ rằng có thể các cuộc biểu tình không đến nỗi nhiều như thế.
RFI : Xin chân thành cảm ơn tiến sĩ Nguyễn Quang A.
THẤY GÌ QUA CÁCH HÀNH XỬ CỦA VIỆT CỘNG ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI BIỂU TÌNH
Nguyễn Chính Kết
Đoạn video quay cảnh đại úy công an tên Minh đạp vào mặt người tham dự biểu tình chống Tầu cộng ngày 17/7 tại Hà Nội khiến dư luận trong và ngoài nước hết sức phẫn nộ. Sự việc ấy và những vụ đàn áp biểu tình khác cho thấy lòng căm thù rất tự phát của công an Việt cộng đối với những người yêu nước, đồng thời cho thấy nhiều tên công an Việt cộng −và cả chế độ CSVN khi đồng ý với thái độ của tên công an ấy bằng việc không xử lý hắn một cách nghiêm minh− đã đứng hẳn về phía Tầu cộng để chống lại nhân dân và phản bội tổ quốc.
Để “xì” bớt lòng căm phẫn của người dân đã quá “căng” có thể “bùng nổ”, ngày 2/8, Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh phát biểu: “.… các cuộc biểu tình tỏ thái độ yêu nước, phản đối Trung Quốc xâm lấn Biển Đông… là những hành vi mang tính chất yêu nước… Công an thành phố và cấp trên không ai chủ trương đàn áp, trấn áp và bắt giữ người trong các cuộc biểu tình”. Ông còn xác định: công an chỉ tiến hành cưỡng chế những người cố tình tập trung đông người, cản trở giao thông, gây mất an ninh trật tự thành phố theo Nghị định 38 năm 2005 của Chính phủ. ([1])
Nghe ông Nhanh nói, những người yêu nước những tưởng nhà cầm quyền cộng sản đã bắt đầu đứng về phía nhân dân chứ không còn về phía kẻ thù của dân tộc để đàn áp những người yêu nước nữa. Ông Nhanh đã tuyên bố như thế thì chắc hẳn từ rày về sau những người yêu nước sẽ được tự do biểu tình chống Trung Quốc. Nhưng than ôi, lời ông Nhanh chỉ có giá trị tại Hà Nội vào hai Chúa nhật liền sau đó khi hai cuộc biểu tình này tại Hà Nội không bị đàn áp. Còn tại Sàigòn, vào hai Chúa nhật ấy, công an được lệnh bao vây chặt chẽ những người biểu tình khiến họ chỉ biết biểu tình bằng cách ngồi tại chỗ.
16 ngày sau khi ông Nhanh tuyên bố những lời tưởng là đáng hy vọng đó, người dân hết sức ngỡ ngàng và thất vọng khi nghe tin: Ngày 18/8, Ủy ban Nhân dân Hà Nội ra thông báo yêu cầu chấm dứt biểu tình và tuần hành tự phát ([2]). Thông báo cho rằng những cuộc biểu tình đã bị “các thế lực chống đối nhà nước Việt Nam trong và ngoài nước kêu gọi, kích động…; gây mất an ninh trật tự ở Thủ đô…; gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, đến hình ảnh Thủ đô Hà Nội…; gây mất ổn định chính trị; tác động tiêu cực tới đường lối, quan hệ đối ngoại của Đảng, Nhà nước.”
Thông báo cũng đe dọa: “Đối với những người cố tình không chấp hành; tụ tập đông người trái luật; gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, lực lượng làm nhiệm vụ áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ trật tự công cộng theo quy định tại điều 9, Nghị định số 38/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng và xử lý theo quy định của pháp luật”.
Như vậy là muốn chấm dứt biểu tình, giới cầm quyền chỉ việc chụp cho những người yêu nước một cái mũ”: “bị các thế lực chống đối nhà nước kích động”. Cũng như từ xưa đến nay, nhà nước Việt cộng này muốn bắt ai, bỏ tù ai thì cứ việc chụp cho người ấy “cái mũ”: “âm mưu lật đổ chính quyền”, “tuyên truyền chống nhà nước”, “phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”… Với những “cái mũ” ấy, công an cứ việc tự do đàn áp người dân một cách “vô tội vạ”. Thế là lời tuyên bố của ông tướng công an đã bị vứt vào sọt rác, chẳng còn giá trị gì, và giờ đây nó đã hiện nguyên hình là một lời dối trá, mị dân ([3]).
Điều đặc biệt là thông báo cấm biểu tình này rất khác với những thông báo bình thường khác ở chỗ: không ai ký tên và cũng không đưa được một căn cứ pháp lý nào có giá trị cho lệnh cấm đoán này ([4]). Điều này cho thấy: chính những kẻ chủ trương ra thông báo biết rõ đây là một thông báo phi pháp ([5]), phản lại ý chí chống ngoại xâm của cả dân tộc… nên không ai trong bộ chính trị, quốc hội, nhà nước, hay ủy ban nhân dân thành phố dám đứng ra chịu trách nhiệm ([6]). Nói chung, những gì mà đảng CSVN và bộ máy tay sai không dám chịu trách nhiệm hoặc quyết tâm dấu diếm thì đều là những việc sai trái, là có tội với nhân dân, là phản quốc.
Để thông báo phi pháp này được thi hành ngay nhằm ngăn chặn cuộc biểu tình vào Chúa nhật 21/8 liền sau đó, thì ngày 19/8, tức một ngày sau khi ra thông báo cấm biểu tình, nhà cầm quyền CSVN liền vội vàng “hối lộ” bộ máy công an, nô bộc trung thành của mình, bằng cách cho 4732 công an được lên chức, được hưởng một mức lương cao hơn. Hy vọng nhờ sự ưu đãi hối lộ này, cả bộ máy công an sẽ hứng hết mọi oán trách, thù ghét của dân chúng, và chịu trách nhiệm thay cho họ trong việc đàn áp những người yêu nước biểu tình ([7]). Không biết trong bộ máy công an này có bao nhiêu người cảm nhận được việc hối lộ như thế của cấp trên là một sự coi thường và nhục nhã đối với mình? Cuộc biểu tình ngày 21/8 tại Hà Nội với 40 người bị bắt đã trả lời cho câu hỏi này ([8]).
Qua những sự kiện trên, chúng ta có thể thấy được rất rõ ràng bộ mặt gian trá, lật lọng, đội trên đạp dưới và rất hèn hạ của bộ máy cầm quyền Việt cộng, nói chính xác hơn là bộ chính trị. Bộ này hy vọng rằng, bằng việc thăng cấp, tăng lương, mua chuộc, hoặc dọa dẫm, gài bẫy… thì tất cả quốc hội, nhà nước, tòa án, công an, quân đội đều sẵn sàng làm nô bộc, làm công cụ “kiểu robot” cho họ, nghĩa là lệnh bảo sao thì làm như vậy, không cần xét xem lệnh đó có hại cho đất nước, cho nhân dân hay cho chính bản thân mình không. Họ mong rằng với những thứ “bả” rẻ tiền ấy, “bộ-máy-người-nhưng-giống-hệt- robot” này sẽ sẵn sàng tiếp tay cho mưu đồ bán nước cầu vinh của họ…
Tuy nhiên, chúng ta vẫn hy vọng rằng, gương hy sinh và can đảm của những người biểu tình yêu nước sẽ đánh thức lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm của mọi người đối với sự hưng vong của dân tộc, trong đó có nhiều người đang hoạt động trong các bộ máy công cụ của cộng sản hiện nay.
Houston, ngày 28/8/2011.
Nguyễn Chính Kết
[1] Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh nói: “Biểu tình phản đối Trung Quốc mang tính chất yêu nước”: http://vietnamnet.vn/vn/chinh- tri/33465/-bieu-tinh-phan-doi- trung-quoc-mang-tinh-chat-yeu- nuoc-.html.
[2] Hà Nội ra thông báo yêu cầu chấm dứt biểu tình và tuần hành tự phát: http://phapluatvn.vn/ vanbanmoicapnhat/201108/Ha- Noi-ra-thong-bao-yeu-cau-cham- dut-bieu-tinh-va-tuan-hanh-tu- phat-2057330/
[3] Xin xem thêm:
− Chân dung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an Hà Nội: http://ttxphongck.multiply. com/journal/item/374
[4] Điều 9, Nghị định số 38/2005/NĐ-CP được trưng ra không có giá trị gì đối với những cuộc biểu tình, vì những cuộc biểu tình này vẫn luôn luôn cố gắng bảo đảm trật tự công cộng. Nếu trật tự công cộng có bị xáo trộn là do chính công an đàn áp biểu tình gây ra. Đúng ra, khi có những cuộc biểu tình như thế, dù đông đảo đến đâu, thì nhiệm vụ công an phải là giữ trật tự, điều hành giao thông, ngăn cản những người phá đám biểu tình hầu bảo vệ đoàn biểu tình được an toàn khi thi hành quyền biểu tình đã được điều 69 hiến pháp 1962 công nhận.
[5] Người dân có quyền thưa kiện kẻ ra thông báo cấm biểu tình vì thông báo này vi phạm hiến pháp, điều 69: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.”
[6] Họ đã có kinh nghiệm qua việc Nguyễn Tấn Dũng bị Ts Cù Huy Hà Vũ kiện về việc vi phạm pháp luật khi ký quyết định cho phép Trung Quốc khai thác quặng bauxit ở Tây nguyên mà không thông qua quốc hội (dù quốc hội chỉ là công cụ bù nhìn sẵn sàng biểu quyết theo ý “chủ”), và về việc “ban hành nghị định cấm công dân khiếu nại tập thể, trái với Hiến pháp và pháp luật”.
[7] Công an Thành phố thăng cấp hàm cho 4.000 cán bộ chiến sĩ: http://www.baomoi.com/Home/ PhapLuat/www.anninhthudo.vn/ CATP-thang-cap-ham-cho-4000- can-bo-chien-si/6836314.epi;
Thư gửi 4732 bạn công an Hà Nội: http://danlambaovn.blogspot. com/2011/08/thu-gui-4732-ban- cong-ha-noi.html.
[8] Trên 40 ngừoi bị bắt trong cuộc biểu tình lần thứ 11 : http://changevietnam. wordpress.com/2011/08/21/tren- 40-ngừoi-bị-bắt-trong-cuộc- biểu-tinh-lần-thứ-11/;
Trấn áp biểu tình yêu nước 21/8: http://www.youtube.com/watch? v=h_v7yy-tdCI
No comments:
Post a Comment