NGUYỄN CHÍ VỊNH SANG CHẦU BẮC KINH, THÔNG BÁO "SẼ KIÊN QUYẾT XỬ LÝ VẤN ĐỀ BIỂU TÌNH CHỐNG THIÊN TRIỀU TẠI VIỆT NAM"
danlambao - Bài tường thuật trên báo Quân Đội Nhân Dân về chuyến đi chầu Bắc Kinh của Trung tướng - Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Nguyễn Chí Vịnh. Trong cuộc gặp gỡ hai bên, Nguyễn Chí Vịnh đã thông báo với Mã Hiểu Thiên (Phó tổng tham mưu quân Giải phóng Nhân dân TQ) về "chủ trương kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam". Thông báo này hàm ý nói đến những cuộc biểu tình chống Trung Quốc vừa qua đã bị chính quyền thẳng tay đàn áp, đồng thời, Vịnh tiếp tục cam kết "không tái diễn" những cuộc biểu tình như vừa qua.
Xin gửi đến bạn đọc nguyên văn bài viết trên báo Quân Đội Nhân Dân :
Mở rộng hợp tác, xây dựng tin cậy, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống
QĐND - Đối thoại chiến lược quốc phòng-an ninh Việt - Trung cấp Thứ trưởng lần thứ hai đã diễn ra tốt đẹp ngày 29-8 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, dưới sự đồng chủ trì của Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và Thượng tướng Mã Hiểu Thiên, Phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Hai bên đã nhất trí nhiều biện pháp thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương và đạt được nhận thức chung trong nhiều vấn đề, góp phần tăng quan hệ hữu nghị Việt-Trung.
Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền
Phát biểu tại Đối thoại, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh và Thượng tướng Mã Hiểu Thiên nhất trí đánh giá dưới sự chỉ đạo của phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt, quan hệ giữa hai Đảng, hai nhà nước tiếp tục phát triển phù hợp với khuôn khổ quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Quan hệ kinh tế và thương mại phát triển nhanh. Giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân liên tục được mở rộng. Hàng nghìn sinh viên Việt Nam đang học tập tại Trung Quốc.
Với đà phát triển chung của quan hệ hai nước, hợp tác quốc phòng Việt-Trung cũng có những bước tiến mạnh mẽ. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp nhằm tạo sự tin cậy, hiểu biết nhau, xây dựng quan hệ gắn bó giữa quân đội hai nước. Trong đó nổi bật là chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam vào đầu năm 2010; chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thượng tướng Lương Quang Liệt và dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) cuối năm 2010 và chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thượng tướng Quách Bá Hùng, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc vào đầu năm 2011. Quan hệ giao lưu, hợp tác, phối hợp giữa Hải quân, Biên phòng và quân khu giáp biên giới hai nước được đẩy mạnh. Các cuộc tuần tra liên hợp trên biển và trên bộ đạt được kết quả tốt. Việc trao đổi học viên quân sự tăng cả số lượng và chuyên ngành…
Trên nền tảng tốt đẹp đó, tại Đối thoại chiến lược quốc phòng-an ninh Việt-Trung lần này, hai bên thống nhất tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực như tăng cường trao đổi đoàn, sớm hoàn thành đường dây nóng giữa hai Bộ Quốc phòng, mở rộng trao đổi đào tạo học viên quân sự dài hạn và ngắn hạn. Trung Quốc nhất trí chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc... Hai bên cũng cho rằng cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để chiến sĩ và nhân dân Việt-Trung hiểu rõ mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác thiết thực và cùng có lợi giữa quân đội và nhân dân hai nước.
Tại cuộc Đối thoại, hai bên cũng dành thời gian trao đổi về tình hình Trung Đông-Bắc Phi và đặc biệt là việc đẩy mạnh can dự của các nước lớn vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương: “Chúng ta cần nghiên cứu kỹ hệ lụy của sự can dự này để xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định và không bị bất ngờ”, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh nói, tuy nhiên, ông cho rằng: “Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến sự can dự này là do các nước nội bộ khu vực phát sinh vấn đề với nhau”.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lương Quang Liệt và Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam.
Hướng tới giải pháp “Cùng thắng”
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh và Thượng tướng Mã Hiểu Thiên đã thẳng thắn trao đổi những vấn đề còn khác biệt trong quan hệ hai nước. Theo Thượng tướng Mã Hiểu Thiên, hiện nay điểm bất đồng và nhạy cảm nhất trong quan hệ hai nước là tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, hai nước cần xử lý thỏa đáng vấn đề này vì đại cục quan hệ Việt-Trung và ổn định khu vực: “Hòa bình hai bên đều có lợi, đối đầu hai bên đều thiệt hại”, Thượng tướng Mã Hiểu Thiên nói.
Khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đại cục với Trung Quốc và mong muốn tìm được giải pháp “cùng thắng”, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh đã nêu rõ vấn đề Biển Đông có ba khía cạnh khác nhau nhưng liên quan mật thiết, đó là Tuyên bố chủ quyền của các nước liên quan; xử lý mối quan hệ giữa Việt Nam-Trung Quốc; xử lý trên các diễn đàn đa phương. Việt Nam và Trung Quốc có nhiều tuyên bố chủ quyền vào nhiều thời điểm, nội dung và phạm vi khác nhau. Giải quyết vấn đề phải tôn trọng lịch sử nhưng dù thế nào đi chăng nữa cũng phải tuân thủ luật pháp quốc tế.
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, các vấn đề trên Biển Đông cần được xử lý theo luật pháp quốc tế. Đó là, những vấn đề mang tính quốc tế theo Luật Biển phải giải quyết trên bình diện quốc tế, những vấn đề liên quan đến nhiều nước cần phải giải quyết giữa những nước liên quan, những vấn đề liên quan đến hai nước cần giải quyết song phương. Những tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam-Trung Quốc, rõ ràng cần giải quyết hai nước với nhau, theo luật pháp quốc tế và công khai minh bạch:“Việt Nam không có ý định quốc tế hóa các vấn đề giữa Việt Nam và Trung Quốc vì chính lợi ích của chúng tôi”, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh nói.
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng chia sẻ rằng, để bảo vệ và xây dựng đất nước chỉ có một con đường là giữ gìn độc lập tự chủ, chủ quyền lãnh thổ và quan hệ tốt với cộng đồng thế giới, không thể có những điều đó nếu dựa vào nước này để chống nước kia: “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các quốc gia trên thế giới. Nhưng nếu Việt Nam cần sự ủng hộ, đồng cảm, hợp tác và phát triển thì còn có ai hơn một nước Trung Quốc Xã hội chủ nghĩa láng giềng, với hơn 1 tỷ 350 triệu dân, đang phát triển, có vị thế và uy tín ngày càng cao trên thế giới, một khi các đồng chí tôn trọng độc lập chủ quyền của Việt Nam và mong muốn Việt Nam cùng phát triển?”.
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng nêu bật việc cần phải công khai, minh bạch trên các diễn đàn để nhân dân hai nước và cộng đồng quốc tế hiểu rõ bản chất vấn đề Biển Đông trong mối quan hệ hữu nghị tổng thể giữa hai nước.“Có thông tin đầy đủ và chính xác là nhu cầu của hơn 80 triệu người dân Việt Nam và hơn 1 tỷ 350 triệu người dân Trung Quốc”. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng thông báo chủ trương kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam với tinh thần không để sự việc tái diễn.“Các thế lực thù địch hiện có hai luận điệu chống phá. Thứ nhất, là Việt Nam dựa vào Mỹ để chống Trung Quốc. Thứ hai, là Việt Nam nhượng bộ để Trung Quốc lấy đất, lấy biển Việt Nam. Đây là các luận điệu bất lợi cho Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng như quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Chúng ta cần làm cho nhân dân hai nước hiểu rõ, giữa Việt Nam và Trung Quốc còn tồn tại vấn đề nhưng hai Đảng, hai Nhà nước đã cam kết xử lý bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế, với giải pháp hai bên cùng có thể chấp nhận được”. Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu và nhấn mạnh thêm:“Có một thực tế là Trung Quốc cam kết không lấy đất, lấy biển của Việt Nam và Việt Nam cũng không bao giờ nhượng bộ vô nguyên tắc về chủ quyền. Và Việt Nam cũng không bao giờ dựa vào bất kỳ một nước nào để chống Trung Quốc!". Việt Nam sẵn sàng hợp tác cùng phát triển với Trung Quốc ở những khu vực thực sự có tranh chấp theo luật pháp quốc tế quy định và về lâu dài sẽ tìm giải pháp xử lý mà hai bên có thể chấp nhận được, nhưng“trong lúc chưa phân định được, hai bên tuyệt đối không được sử dụng vũ lực và thậm chí cũng không được nghĩ đến việc sử dụng vũ lực”, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Thượng tướng Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã tiếp Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam. Cùng dự buổi tiếp có Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ. Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh đã chuyển lời thăm hỏi của Đại tướng Phùng Quang Thanh tới Thượng tướng Lương Quang Liệt. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định lại mong muốn giải quyết những vấn đề còn tồn tại giữa hai nước ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình và cho rằng kết quả tốt đẹp của cuộc Đối thoại sẽ tạo động lực để tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc phòng Việt-Trung, góp phần tích cực vào việc củng cố và phát triển quan hệ đoàn kết hữu nghị giữa hai nước.
Bài và ảnh: Bảo Trung (từ Bắc Kinh)
CHIỀU NAY, NHÂN SỸ TRÍ THỨC ĐẾN GẶP TỔNG GIÁM ĐỐC ĐÀI PTTH HÀ NỘI
Tin nóng – 15h45′: Như đã hẹn trong bức thư Yêu cầu Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội xin lỗi và cải chính vì đã phát nội dung xuyên tạc, vu khống, xúc phạm đến công dân, một số người có tên trong bức thư đã có mặt tại trụ sở Đài, số 5 Huỳnh Thúc Kháng, vào 15h30′ chiều nay.
Các vị có mặt gồm: Ông Nguyễn Đăng Quang (Đại tá công an, đã nghỉ hưu), TS Nguyễn Văn Khải “Ô-zôn”, TS Nguyễn Quang A, TS Nguyễn Xuân Diện, “Binh nhì” Nguyễn Tiến Nam và một số người nữa....
Lực lượng an ninh, trật tự đã có mặt từ trước, chĩa máy quay phim vào phái đoàn ghi hình liên tục, và chỉ cho 05 người vào là ông Nguyễn Đăng Quang, TS Nguyễn Văn Khải “Ô-zôn”, TS Nguyễn Quang A, TS Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Tiến Nam.
Ông Phó chánh văn phòng Đài PTTH Hà Nội tiếp đoàn tại phòng chờ cổng thường trực của Đài. Ông nói: TGĐ Trần Gia Thái hôm nay đi công tác Hải Phòng nên không tiếp được và ông nói rằng TGĐ đã nhận được Thư yêu cầu Đài xin lỗi và cải chính.Ông cũng cho biết hiện nay TGĐ đang chỉ đạo các bộ phận liên quan xem xét lại các chương trình đã phát để có cơ sở trả lời.
Những người ký tên có mặt tại Đài PTTH Hà Nội cho biết những người ký tạo cơ hội cuộc họp này cho ông TGĐ Đài để ông có thể tìm hiểu rõ thêm những ý kiến trong thư để tránh sự hiểu lầm có thể xảy ra. Cơ hội gặp gỡ này là tỏ rõ thiện chí đối thoại của những người ký văn thư yêu cầu. Việc tận dụng cơ hội đối thoại này là tùy thuộc vào ông TGĐ Đài PTTH Hà Nội. Những người ký tên vào văn thư yêu cầu nói rõ là Đài PTTH Hà Nội không phải trả lời cho họ mà phải trả lời cho khán giả truyền hình bằng cách xin lỗi, cải chính và đọc toàn bộ Thư yêu cầu đó trên sóng truyền hình ở tại chương trình Thời sự, đúng thời điểm và không quá thời lượng (06 phút) đã phát chương trình ngày 22 tháng 8 năm 2011, theo quy định tại Luật Báo chí. Việc cải chính và xin lỗi này phải được diễn ra trong vòng 05 ngày tới, kể từ khi Đài PTTH Hà Nội nhận được văn thư nói trên.
BS - NXD
Một số hình ảnh trong và sau cuộc gặp chiều nay
No comments:
Post a Comment