Trần Bình Nam
- Năm 1971, tôi là một Thiếu Tá Hải quân (VNCH) đang phục vụ tại trường
Sĩ quan Hải Quân Nha Trang. Tôi quyết định ra ứng cử dân biểu quốc hội
nhiệm kỳ 1971-1975. Vào thời gian đó cuộc chiến tại Việt Nam đang dâng
cao và cuộc hòa đàm tại Paris sắp kết thúc. Tôi muốn có một diễn đàn để
đóng sức vào công cuộc xây dựng dân chủ cho miền Nam Việt Nam.
Qua cuộc bầu cử 1971, Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo quốc gia đã kiểm soát được quốc hội với đa số tuyệt đối dân biểu thân chính quyền. Phật giáo chiếm 19 ghế, phần còn lại cho nhóm ông Dương Văn Minh, cho Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) và Phong Trào Cấp Tiến (Đại Việt) của giáo sư Nguyễn Ngọc Huy.
Khối Dân Tộc Xã Hội
Sau khi đắc cử tại thành phố Nha Trang cùng với dân biểu Nguyễn Văn Cử, tôi gia nhập Khối đối lập Dân Tộc Xã Hội (DTXH) một kết hợp của Khối Xã Hội (XH) và Khối Dân tộc (DT).
Khối XH thành hình trong nhiệm kỳ 1967-1971 do dân biểu Phan Thiệp
lãnh đạo gồm các dân biểu gốc VNQDĐ và một số dân biểu độc lập có
khuynh hướng Phật giáo. Phật giáo không có đại diện chính thức vì tẩy
chay cuộc bầu cử quốc hội 1967-71. Lập trường của Khối Xã Hội là chống
chính quyền quân nhân (dưới lốt dân sự) của tổng thống Thiệu. Khối Dân
Tộc gồm 19 dân biểu thân Phật giáo, đắc cử do sự ủng hộ của Phật Giáo
miền Trung. Tôi là một trong 19 dân biểu được Phật giáo ủng hộ. Dân Biểu
Đinh Xuân Dũng (Phan Thiết) ra tranh cử với tư cách độc lập. Vào Quốc
hội ông gia nhập khối DTXH.
Sau thủ tục hợp thức hóa sự đắc cử của các dân biểu, Khối DT và XH nhập
lại cho đủ túc số theo nội quy và thành lập khối đối lập Dân Tộc Xã Hội.
Khối DTXH gồm 29 dân biểu, 19 thân Phật giáo, 10 dân biểu còn lại thuộc
các đảng phái và những thành phần ủng hộ tướng Dương Văn Minh.
Lúc bầu trưởng khối của Khối DTXH, quý vị lãnh đạo Ấn Quang có ý chọn anh Lê Đình Duyên. Anh Duyên là con trai của bác sĩ Lê Đình Thám, người có công chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam thập niên 1930. Nhưng sau khi cân nhắc hơn thiệt đề nghị của dân biểu Lý Trường Trân, quý vị đồng ý mời luật sư Trần Văn Tuyên, lãnh tụ VNQDĐ, một nhân vật có uy tín làm trưởng khối.
Sinh hoạt tại quốc hội trong bốn năm 1971 – 1975 cho thấy đây là một sự
chọn lựa có viễn kiến. Khối đối lập có một khuôn mặt lãnh đạo có tầm vóc
quốc tế, có lập trường chống Cộng vững chắc và với khéo léo và uy tín
luật sư Trần Văn Tuyên đã giữ cho khối đối lập mà đa số chưa có kinh
nghiệm sinh hoạt nghị trường không bị các khuynh hướng quá khích và thân
Cộng sản lôi kéo.
Từ khi còn làm Phó thủ tướng, luật sư Tuyên đã biết rằng con đường cứu
vãn VNCH là xây dựng một chế độ dân chủ được sự hậu thuẫn của toàn dân
và một nền kinh tế tự lập. Ông nghĩ nếu Nam Hàn trong cùng cảnh ngộ tồn
tại được thì tại sao VNCH không tồn tại được, nhất là VNCH được Hoa Kỳ
viện trợ nhiều hơn Nam Hàn.
Nhưng có hai khác biệt căn bản: Nam Hàn có lãnh đạo tốt, trong khi VNCH
không có. Các tướng lãnh của VNCH đều là sản phẩm của nền thống trị cuối
mùa của Pháp để lại. Thứ hai tại Nam Hàn Hoa Kỳ quyết ở lại, trong khi
tại Nam Việt Nam Hoa Kỳ muốn đi.
Sau Hiệp Định Paris, nhìn thấy trước mắt con đường liên hiệp, tâm lý các
khối thế lực: Phật giáo, Công giáo, Đảng phái đều ra sức chống tổng
thống Thiệu để dành chỗ làm cho tình hình trở nên rối ren hơn. Và chỉ có
lợi cho cộng sản.
Trong giai đọan đó, 3 nhóm họp thành khối đối lập DTXH theo đuổi ba chương trình khác nhau:
(1) nhóm Phật giáo chống Thiệu và muốn Thiệu ra đi bằng mọi giá.
(2) nhóm Đảng phái (VNQDĐ, Đại Việt) lo cũng cố đảng
(3) nhóm thân tướng Minh muốn ông Dương Văn Minh thay thế Thiệu.
Trong thâm tâm hình như luật sư Trần Văn Tuyên nghĩ rằng tình hình vô
vọng. Nhưng bản năng tự tồn loay hoay trong một ván bài không dễ thấy
lời giải, làm cho ông nghĩ rằng có thể vì quyền lợi toàn cầu của ba thế
lực Nga- Mỹ-Trung Quốc, và nhất là địa lý chính trị Á châu – Thái bình
Dương, Hà Nội sẽ không thanh toán VNCH bằng vũ lực mà tìm một giải pháp
ôn hòa. Kết luận: Minh thay Thiệu có thể là một giải pháp.
Khối Dân Tộc Xã Hội và tướng Dương Văn Minh
Với phân tích đó trong 2 năm sau cùng (1974, 1975), Khối DTXH đã ủng hộ
giải pháp Dương Văn Minh. Đây là một sai lầm. Vì sau khi ký Hiệp Định
Paris người Mỹ chỉ muốn rút lui khỏi Việt Nam an toàn không bị quân lực
VNCH ngăn cản.
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu muốn đẩy đối lập ra ngoài sinh họat chính trị trong một thời gian.
Từ năm 1972 đến năm 1974 có sự tranh chấp căng thăng giữa tổng thống
Thiệu và đối lập do sự vận động của Hành pháp thông qua Luật Ủy quyền
(1972) sau khi quân đội cộng sản tấn công qua Bến Hải chiếm nửa tỉnh
Quảng Trị và đe dọa Huế, để ông Thiệu cai trị bằng sắc luật. Mục đích
của ông Thiệu là đẩy đối lập ra ngoài sinh họat chính trị trong một thời
gian để ông rãnh tay ban hành những sắc luật cần thiết để củng cố quyền
lực mà ông cho là cần thiết trong giai đoạn khẩn trương.
Căng thẳng khác là đầu năm 1974 ông Thiệu vận động tu chính Hiến pháp để
ông ra ứng cử tổng thống nhiệm kỳ 3 (1975-1979). Theo ông phụ tá Nguyễn Văn Ngân tình hình bắt buộc vì “không ai thay ngựa giữa dòng”. Cuộc chiến nổ rộ toàn quốc, trong khi Hoa Kỳ đang cắt dần viện trợ.
Sau khi tu chính Hiến pháp tin tức Trung Quốc tấn chiếm quần đảo Hoàng
Sa ngày 19/1/1974 tràn ngập và không ai còn thì giờ để lên án sự tham
quyền của tổng thốngThiệu.
Trung Quốc chiếm Hoàng Sa
Những sự việc chung quanh vụ Hoàng Sa vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được
trả lời. Quần đảo Hoàng Sa cách bờ biển Đà Nẵng 230 hải lý (379 km) do
quân đội VNCH và một đơn vị Địa phương quân tỉnh Quảng Nam trấn giữ.
Tổng thống Thiệu không báo cáo nên Quốc hội không biết những gì đang
diễn ra ngoài Hoàng Sa cho đến khi tin tức quốc tế loan báo Hải quân
Trung Quốc đã đánh bại một Hải đội của Hải quân Việt Nam trong ngày
19/1/1074 và mấy hôm sau cho đổ bộ chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa. Gần 80
binh sĩ gồm biệt kích, thủy thủ, sĩ quan VNCH tử trận. Ông Gerald Kosh, một cựu sĩ quan Hoa Kỳ thuộc tòa lãnh sự Hoa Kỳ tại Đà Nẵng đi theo quan sát bị bắt.
Lệnh bảo vệ Hoàng Sa bằng sức mạnh vũ trang do chính tổng thống Thiệu
ban ra. Tổng thống Thiệu không tham khảo ý kiến của tòa đại sứ Hoa Kỳ
khi ban lệnh này.
Sau khi Hoàng Sa bị chiếm, Khối DTXH yêu cầu chính phủ điều trần, nhưng ông chủ tịch quốc hội Nguyễn Bá Cẩn không đưa vào nghị trình.
Chính phủ Thiệu lúng túng vì các đơn vị Hải quân Hoa Kỳ thuộc hạm đội 7 ở
gần đó đã không đáp ứng lời kêu cứu của Bộ Tư Lệnh HQVN xin vớt thủy
thủ Việt Nam của chiến hạm HQ 10 bị đánh chìm đang trôi dạt trên biển.
Hình như có một sự đồng ý giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc để Trung Quốc chiếm
Hoàng Sa.
Lúng túng
Khối DTXH lại có thêm một lần lúng túng khác khi lưỡng viện quốc hội họp
ngày 27/4/1974 để thông qua một quyết nghị cho phép tổng thống Trần Văn Hương
(vừa nhận quyền tổng thống ngày 21/4 khi tổng thống Thiệu từ chức) trao
quyền tổng thống cho tướng Dương Văn Minh. Quyết nghị này vi hiến,
nhưng khối DTXH quyết định bỏ phiếu thuận xem đây con đường duy nhất còn
lại để có một giải pháp chính trị cho Việt Nam. Tướng Minh nhậm chức
chiều ngày 28/4 cũng là lúc Không quân Bắc Việt oanh tạc phi trường Tân
Sơn Nhất.
Cho đến phút kết thúc, luật sư Trần Văn Tuyên giữ đúng vai trò một lãnh
tụ đối lập có lập trường chống Cộng kiên quyết. Luật sư Tuyên quyết định
không bỏ nước ra đi dù tòa đại sứ Hoa Kỳ qua đệ nhất tham vụ Joe Bennett hẹn đưa ông và gia đình di tản.
Đầu tháng 5/1975, sau khi Hà Nội chiếm Sài Gòn, tướng Võ Nguyên Giáp
gởi một sĩ quan cán bộ đến nhà cho biết ông ta sẽ can thiệp với Ủy ban
Quân quản Sai Gòn Gia định cho phép ông khỏi đi trình diện học tập. Luật
sư Tuyên cũng từ chối. Ông muốn chia sẻ số phận của người bại trận cùng
với các đồng bào miền Nam và chiến sĩ của ông.
Sau đó luật sư Tuyên được tập trung cùng với 3000 quân cán chính VNCH
tại trại Long Thành. Rồi cùng một số nhỏ được đưa qua nhà tù Thủ Đức.
Mùa thu năm 1976 ông được đưa ra giam tại một trại giam trong tỉnh Hà
Sơn Bình. Tại đây ngày 26/10 luật sư Tuyên đột trụy khi cùng với các tù
nhân khác tham dự một buổi học tập tự phát biểu lập trường “đề cao cách mạng, nhục mạ chế độ VNCH, xỉ vả cá nhân tội lỗi của mình”
như yêu cầu của ban quản trại. Ban quản trại cho rằng ông chỉ bị xâm
xoàng, tiếp tục buổi học tập. Sau đó ban y tế trại mới cho xe chở ông đi
bệnh viện tỉnh, và mấy hôm sau cho biết ông đã chết sáng ngày
28/10/1976.
Nhìn lại, luật sư Tuyên đã hiến trọn cuộc đời chống Pháp, chống Cộng sản
để giành độc lập và tự do của Việt Nam. Ông đã không thành công, nhưng
ông thành nhân.
Đóng góp
Khối DTXH đã đóng góp được gì trong công cuộc xây dựng dân chủ tại Việt Nam?
Yếu tố quan trọng nhất của sự thất bại của đối lập là thiếu kinh nghiệm
dân chủ và sinh hoạt nghị trường. Cho đến đầu thập niên 1970 Việt Nam
chưa bao giờ là một nước dân chủ. Thời gian 1946-1954 với chính phủ Bảo
Đại, bên trên là một Ủy viên toàn quyền người Pháp. Chỉ là một chính
quyền đô hộ Pháp với các vỏ quốc gia của cựu hoàng Bảo Đại. Dưới chính
thể ông Ngô Đình Diệm, VNCH chỉ là một nước dân chủ trên giấy tờ. Và qua
đệ nhị Cộng Hòa với hai nhiệm kỳ của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng
vậy. Hiến pháp 1967 dân chủ hơn Hiến Pháp đệ nhất Cộng Hòa nhưng chỉ là
hình thức.
Mục tiêu chiến lược của Hoa Kỳ đến giúp Nam Việt Nam xây dựng một miền
nam độc lập, dân chủ và phú cường ngăn chận sự bành trướng của chủ nghĩa
Cộng sản trong thập niên 1960 là một chiến lược đúng. Chỉ vì lãnh đạo
chiến tranh (của Hoa Kỳ) kém cỏi, và các nhà lãnh đạo sót lại tại miền
Nam thiếu bản lãnh nên cuối cùng Hoa Kỳ phải chấp nhận thất bại, rút lui
để bày một ván cờ khác.
Lý do địa phương cũng đóng góp không ít vào sự thất bại này. Miền Nam
Việt Nam thiếu truyền thống dân chủ, lãnh tụ bất tài, và các chính trị
gia – theo Thiệu hay chống Thiệu - thiếu khả năng. Chương trình của đối
lập do sự thúc đẩy của Phật giáo là dân sự hóa chính quyền, nói chuyện
với Mặt Trận Gỉai Phóng Miền Nam thay thế tổng thống Nguyễn Văn Thiệu để
chấm dứt chiến tranh đã chứng tỏ là một đường lối sai lầm. Nó làm yếu
chính quyền Thiệu thay vì đoàn kết các lực lượng chống Cộng và chống
Thiệu thành một khối. Mặt khác Cộng sản cũng đã thành công xâm nhập vào
mọi cơ cấu và định chế của VNCH.
Làm gì?
Sau 35 năm cục diện Á Châu thay đổi. Trung Quốc đang vươn lên thế siêu
cường. Việt Nam đang chuyển đổi chính sách vì nhu cầu bảo vệ đất biển và
an ninh quốc gia. Hoa Kỳ trở lại Á châu để bảo vệ vị trí siêu cường.
Trên bàn cờ Á châu lại xuất hiện những con cờ cũ. Và bên cạnh là một lực
lượng đối lập. Đối lập với chính quyền Việt Nam bây giờ là ai? Là khối
người Việt hải ngoại và thành phần đấu tranh dân chủ trong nước.
Chương trình của đối lập phải như thế nào để khỏi đi vào vết xe cũ?
Chúng ta rút tỉa được gì qua sinh hoạt của đối lập qua hai nền Cộng Hoà
1955- 1975?
Bài viết được rút ngắn từ một tham luận
tác giả mang đến Hội luận tại đại học Cornell – Ithaca, New York, ngày
11 & 12, tháng Sáu 2012, của các nhân chứng Đệ Nhị Cộng Hòa.
No comments:
Post a Comment