Wednesday, July 31, 2013

LẬT TẨY HAY BỊ LẬT TẨY?

Bài báo có tựa “Lật tẩy chiêu tuyệt thực của Nguyễn Văn Hải” do nhà báo Vũ Đại Phong viết và đăng trên tờ Công An Nhân Dân Hà Nội đang phải đối mặt với rất nhiều câu hỏi, trong đó tấm hình đi kèm được chú thích chụp blogger Điếu Cày rất khỏe mạnh trong nhà giam bị cho là đã qua chỉnh sửa và điều này đã đi ngược lại với tiêu chuẩn đạo đức báo chí. Mặc Lâm tìm hiểu sự việc qua phân tích của chuyên gia IT về vấn đề này.
 Trong thời đại computer đã phát triển vượt bậc như hiện nay, một tấm hình được xem là “hot” nếu xuất hiện trên mặt báo và có khả năng thay đổi nội dung một câu chuyện hay chứng minh đuợc sự thật mà công chúng đang tranh cãi thì tấm hình ấy chắc chắn sẽ đuợc săm soi rất kỹ để tìm hiểu nó chụp vào thời gian nào, trước hay sau sự việc diễn ra và quan trọng nhất tấm hình ấy có được chỉnh sửa bằng kỹ thuật Photoshop hay không.

Tờ báo Dân Trí của Việt Nam đã từng mang tiếng chỉnh sửa hình ảnh trong vụ Trần Khải Thanh Thủy với mục đích tăng thêm tội trạng cho bà và bẻ hướng câu chuyện theo ý đồ của phóng viên nếu không muốn nói kể cả của cơ quan công quyền. Sự việc gần đây nhất là tấm ảnh của phóng viên Vũ Đại Phong của báo Công an Nhân dân Hà Nội khi mang hình ảnh của Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải vào bài viết của mình để chứng minh người tù này vẫn mạnh khỏe và không phải là đang tuyệt thực như dư luận đang tố giác sự vô tâm của nhà giam Tổng cục 8.

Tấm hình nhanh chóng bị tố cáo là chỉnh sửa, lắp ghép một cách vụng về và từ đó làm động cơ cho gia đình người blogger nổi tiếng này cùng với bạn hữu tới thẳng tòa soạn báo Công an Nhân Dân đòi làm sáng tỏ vào sáng ngày 31 tháng Bảy vừa qua.

Bà Dương Thị Tân vợ cũ của blogger Điếu Cầy cho biết sự việc xảy ra khi đến tòa soạn báo Công an Nhân Dân:

Cũng như mọi khi giống như là từ lúc mẹ con tôi đi Nghệ An đến nay tất cả mọi nơi đều lẩn tránh, đều có chung luận điệu là không có người giải quyết công việc của gia đình tôi, hoặc thế này hoặc thế kia nhưng nói chung là lẩn tránh, thậm chí họ còn đóng cửa không có một người nào để chúng tôi có thể hỏi. Người ta cũng chỉ trả lời một cách rất đơn giản là sếp của họ đi vắng và người phóng viên viết bài đó cũng đi công tác xa tại Tây nguyên. Chúng tôi không chấp nhận cách trả lời như vậy và chúng tôi yêu cầu gặp người chịu trách nhiệm xuất bản bài báo đó.

Không chấp nhận chuyện đó nên anh em bạn hữu chúng tôi đi ra ngoài cửa của tòa soạn đó và căng băng rôn để phản đối những việc làm của báo Công an Nhân dân đã có hành vi xuyên tạc, vu khống bôi nhọ thân nhân tôi cũng như những bằng hữu của chúng khi bài báo cho là một nhóm người chuyên tụ tập kích động gây rối các thứ trong bài báo đó.

- Bà Dương Thị Tân 

Trong kỹ thuật computer graphic design, việc chỉnh sửa hình ảnh trông đẹp và thực hơn nhờ vào các tính năng cắt ráp rất thành công của phần mềm Photoshop. Người xem dễ dàng chấp nhận một tấm ảnh sau khi qua chỉnh sửa trở nên hoàn toàn khác với tấm ảnh nguyên mẫu mà chính người trong ảnh cũng bất ngờ nếu không được huấn luyện chuyên môn.

Tuy nhiên có một sự thật là cho dù tay nghề của người sử dụng phần mềm Photoshop chuyên nghiệp cách nào cũng không thể giấu được các công đoạn mà phầm mềm này thực hiện. Dưới sự phân tích của một chuyên gia, để phát hiện một bức ảnh cắt dán thì  tấm ảnh sẽ đuợc phóng to để lộ ra vết cắt chung quanh của chủ thể muốn cắt. Mặc dù chủ thể đã được làm mờ đi nhưng vẫn để lại những khác biệt của các Pixels hiện ra trong vùng bị cắt. Những chấm nhỏ li ti được gọi là Pixels này là các phân tử tạo nên hình ảnh trong Photoshop và do đó chúng có cùng cấu tạo từ màu sắc, ánh sáng trên từng vùng nhất định cho nên khi bị cắt dán, những khác biệt của các Pixels sẽ lộ ra vì không một bức ảnh nào lại có thể trùng khớp với một bức ảnh khác ở độ sáng cũng như màu sắc.

Hai nữa, cấu tạo hình ảnh của Photoshop trên màn hình computer căn bản trên ba channel khác nhau. Ba channel đỏ, lá cây và xanh (Red, Green, Blue) khi nằm chồng lên nhau sẽ tạo ra hình ảnh thật nhưng khi tách rời chúng từng phần một sẽ hiện lên sự lắp ghép cắt dán ấy rất rõ ràng vì mỗi màu đều nằm riêng ra trên channel của màu ấy.

Kỹ thuật thứ ba để phát hiện các công đoạn chỉnh sửa là Histogram trong chuơng trình của Photoshop. Histogram sẽ ghi nhận mọi hoạt động chỉnh sửa màu sắc, khẩu độ ánh sáng trên một chủ thể và từ Histogram người ta dễ dàng nhận ra bức ảnh được sửa khi nào và vùng nào bị sửa.

Lắp ghép vụng về

Tấm hình trên báo cand online với lời chú thích: Nguyễn Văn Hải trong buổi khám sức khỏe định kỳ (ngày 26/7) và nhận khẩu phần ăn từ cán bộ trại (ngày 28/7). Photo courtesy of cand online

Nhận xét tấm hình đang gây ồn ào của bài viết mang tên “Lật tẩy chiêu tuyệt thực của Nguyễn Văn Hải” do nhà báo Vũ Đại Phong sáng tác, chuyên gia IT về hình ảnh và an ninh mạng Hoàng Ngọc Diêu cho biết:

Tôi nhìn qua thì tôi thấy có hai điểm rất rõ ràng và hiển nhiên. Thứ nhất là cái vai của anh Điếu Cày trên hình nền nó bị mờ đi vì ai đó đã cố tình làm mờ đi để tiệp với hình nền nhưng vì họ làm rất vụng về cho nên khi mình chuyển qua một channel thì mình thấy nó hiện ra rất rõ. Thứ hai là cái Histogram trên mặt và trên ngực của anh Điếu Cày nó khác nhau rất nhiều. Nếu tấm hình đựơc chụp cùng một ánh sáng cùng một góc độ thì không có thể nào cái skin tone, cái màu da ở trên trán và trên ngực lại khác biệt nhau đến như vậy. Đây là điểm mà tôi tìm ra ngay lập tức không cần phải phân tích gì nhiều.

Khi được nhắc tới chi tiết cánh tay trong tấm hình bị cắt một cách vụng về và tác giả của nó lắp ghép với sự thiếu sự hiểu biết về cơ thể học cũng như luật phối cảnh của hội họa, chuyên gia Hoàng Ngọc Diêu cho biết:

Đó cũng là một chi tiết rất thú vị vì nói một cách khoa học thì khi đưa tay ra nắm thì ngón cái phải xòe ra để giữ cái ca chứ không thể ào nó cụp lại như trong tấm hình này. Nhìn cái hình thì rõ ràng mình thấy ngón tay cái nó bị cụt mất. Đây là do người cắt ghép tấm hình khá vụng về nên cắt nó bị biến mất một miếng nên không còn thấy nguyên vẹn ngón tay cái nữa. Còn chi tiết cánh tay của người nào đó đưa vào tấm hình nhìn rất kỳ quái, nó không phải là màu da bình thường nó giống như bị over expose, được cắt ở đâu đó rồi dán vô nên không phù hợp với ánh sáng, màu sắc của hình nền.

Sự bức xúc của dư luận và gia đình blogger Điếu Cày trước bài báo của nhà báo Vũ Đại Phong cũng như sự im lặng của Tổng biên tập tờ báo Công an Nhân dân Hà Nội cần được làm rõ, có như thế nền báo chí cách mạng mới khả dĩ có thể thuyết phục người đọc trong tình hình ngành công an đang tự đánh mất niềm tin một cách trầm trọng như hiện nay.

Người ta cũng chỉ trả lời một cách rất đơn giản là sếp của họ đi vắng và người phóng viên viết bài đó cũng đi công tác xa tại Tây nguyên. Chúng tôi không chấp nhận cách trả lời như vậy... 

No comments:

Post a Comment