Giáo
Sư Tương Lai
Sau chuyến
thăm Trung Quốc thì chuyến công du sắp tới của ông Chủ tịch Nước là mối bận tâm
của rất nhiều người đang trĩu nặng suy tư về vận nước. Những hoạt động ngoại
giao dồn dập trong thời gian qua càng làm cho mối bận tâm ấy thêm bức xúc trước
những diễn biến mới của thời cuộc trong nước và thế giới. Những hoạt động đối
ngoại gắn liền máu thịt với hoạt động đối nội, mà về thực chất thì nội lực của
dân tôc, thế đứng của đất nước là nhân tố quyết định chiến lược và sách lược đối
ngoại. Tiếng chuông đánh ở nước người vang đến đâu là tùy thuộc vào sự dồn sức,
góp lực của cả toàn dân. Đương nhiên, khôn khéo và thông minh để nắm bắt thời
cơ, khai thác và phát huy tối đa hợp lực được tạo ra từ hoạt động đối ngoại với
nhận thức rằng, bỏ lỡ thời cơ là sự bỏ lỡ đáng tiếc nhất mà rồi cái giá mà dân
tộc phải trả là không sao tính xuể! Chẳng thế mà Nguyễn Trãi từng căn dặn
"Thời! Thời! Thực không nên lỡ".
Những tri thức cũ, kinh nghiệm cũ, dù qúy báu đến đâu, cũng không còn đủ cho
hành trình của dân tộc đi về phía trước. Không thể không có tri thức mới, kinh
nghiệm mới để hình thành một kiểu tư duy tương thích với nhịp sống đương đại của
nền văn minh trí tuệ đang làm cho tiến trình phát triển đưa tới những bước hợp
trội, tạo ra những đột biến không thể nào dự báo trước được hết. Hiện tượng
Mianma là một ví dụ thật hấp dẫn.
Ngoài ra, những bài học trị nước và cứu nước của ông cha ta vẫn ẩn chứa những
nguyên lý ứng xử với dân với nước, với bạn với thù theo lối "mãn chiêu tổn,
khiêm thụ ích" (cái đầy gọi cái vơi, võng xuống thì được làm cho đầy trở lại,)
vẫn có ý nghĩa sâu sắc trong hoạt động đối nội và đối ngoại. Dòng sông cuộc sống
đang đẩy con thuyền đất nước đi vào đoạn nước xoáy, người lèo lái chỉ một chút
sơ sẩy, thiếu bản lĩnh, thiếu hiểu biết sẽ khiến cho dân tộc phải trả giá đắt.
Vì xét đến cùng, cái quyết định vẫn ở con người.
Thì chẳng thế sao? "Đại Việt Sử ký toàn thư. Kỷ nhà Trần" có chép lời
tên tướng Ô Mã Nhi nhận xét về Đỗ Khắc Chung, người được vua Nhân Tông cử đến
trại giặc dò xét tình hình : "Có thể nói là[người này] không nhục mệnh
vua. Nước nó còn có người giỏi, chưa dễ mưu tính được". Sai người
đuổi theo nhưng không kịp". "Sai người đuổi theo" là để bắt
mà giết đi để mà còn liệu "dễ bề mưu tính". Tên tướng Tàu này quả là
biết xét đoán người và hiểu được thời cuộc để thực thi đường lối cổ truyền nhất
quán của chúng : không khuất phục, mua chuộc được đối phương thì tìm cách mà trừ
đi! Bản lĩnh hiên ngang không biết cúi thấp đầu của Đỗ Khắc Chung là biểu hiện
khí phách dân tộc, làm nên sức mạnh Việt Nam đánh tan tác kẻ thù từng xéo nát
nhiều vùng lãnh thổ từ Á sang Âu ở thế kỷ XIII. Người thực thi mệnh [lệnh]
của nước của dân ở thế kỷ XXI này, vì thế, phải biết học cha ông, không để nhục
quốc thể.
Quan hệ Nước lớn-Nước nhỏ và Bản lĩnh Dân tộc
Có một điều phải suy nghĩ thêm khi báo chí ta gần đây hay nói đến chuyện ứng xử
giữa nước nhỏ với nước lớn. Điều ấy có cái lý của nó. Nhưng cũng lại phải thấy
cho ra một điều nữa là, một nước đứng thứ 13 thế giới về dân số, cũng đã từng
được cả thế giới biết đến như là một dân tộc từng đánh thắng những thế lực ngoại
xâm khổng lồ ở thế kỷ XIII, XV, XVIII và XX để hiên ngang tồn tại bên bờ Thái
Bình Dương rộng lớn, có một vị thế trong khối ASEAN, mà cứ vẫn mang tâm lý
"nước nhỏ" trong ứng xử thì e cũng có chỗ chưa thỏa đáng.
Hàn Quốc với diện tích 100.032 km vuông, dân số 48 triệu người, là
"nước nhỏ" nhưng xem ra thế ứng xử của họ trên trường quốc tế thì
cũng không "nhỏ" như người ta tưởng. Vì sao? Vì nhờ vào thực lực kinh
tế, khoa học công nghệ và thành tựu về văn hóa nghệ thuật mà họ đạt được có thể
ngang ngửa canh tranh với nhiều nước công nghiệp phát triển! Rồi Singapore, với
diện tích 697.7km2, chỉ bằng diện tích huyện Cần Giờ của TPHCM và dân số chỉ
5,1 triệu người vào năm 2010 thì đúng là nhỏ, rất nhỏ. Nếu tính từ ngày tuyên bố
độc lập 9 tháng 8 năm
1965 thì họ chỉ mới có gần 50 năm phát triển từ một nước hầu như không có tài
nguyên, nguyên liệu đều phải nhập từ bên ngoài. Nhưng cũng chính vì thế, họ
nhanh nhạy đi đầu trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức và theo dự
tính thì đến 2018 Singapore sẽ là một đầu mối của mạng lưới năng động trong nền
kinh tế châu Á và toàn cầu với tính đa dạng nhạy bén trong hoạt động kinh
doanh. Thế đứng của đất nước này, vì thế, đâu kém những nước diện tích lớn, dân
số đông!
Còn ta, vì sao Việt Nam ta từ đỉnh cao chiến thắng lại trở thành lạc hậu và lạc
điệu với thế giới. Đây là câu chuyện dài chưa thể trong vài dòng nói hết, nhưng
không thể không thẳng thắn và sòng phẳng chỉ ra nguyên nhân của nó. Muốn thế,
phải đặt vận mệnh của tổ quốc lên trên hết và trước hết, thực hiện sự hòa giải
và hòa hợp dân tộc, gạt bỏ những mâu thuẫn về lợi ích riêng tư, chấm dứt những
hành vi và thủ đoạn tranh giành quyền lực để đồng tâm hiệp lực xây dựng đất nước.
Có như vậy mới tạo nên được một thế đứng Việt Nam trong những mối liên hệ phụ
thuộc và tác động lẫn nhau của các mối quan hệ quốc tế, vấn đề có ý nghĩa sống
còn trong hoạt động đối ngoại, tránh được nguy cơ thao túng của nước lớn. Điều
chua chát đáng nói nhất khi sử dụng khái niệm "nước nhỏ" chính là sự
nếm trải vị đắng của thân phận một dân tộc từng là một quân cờ trên bàn cờ
trong cuộc chơi giữa các "nước lớn"!
Bản lĩnh và khí phách của dân tộc trước kẻ thù ngoại xâm đã giục giã nhiều thế
hệ Việt Nam lên đường cứu nước, không ngại hy sinh. Máu người không phải nước
lã. Và máu đã chảy thành sông, xương đã chất thành núi từ Ải Nam Quan đến Mũi
Cà Mâu. Tổ quốc đời đời vinh danh những người con yêu đã ngả xuống để giữ gìn từng
thước núi, tấc sông của non sông gấm vóc ông cha bao đời gây dựng và bảo vệ để
trao lại cho con cháu hôm nay. Vì thế, quyết không để cho mạng sống của người
Việt, vận mệnh của tổ quốc bị lợi ích của những nước lớn với đủ thứ "nhân
danh" để biến thành những quân cờ trong cuộc chơi của họ.
Quân cờ ấy, khi cần thiết thì người ta đánh bóng mạ kền, hoặc thổi lên thành một
chiếc bong bóng sặc sỡ sắc màu huyền thoại để mà vui vẻ nhận lãnh những vinh
quang vô ích : "Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa, Vui gì hơn làm người
lính đi đầu". Để rồi, trong "niềm vui" ấy, những núi xương, sông
máu của "người lính đi đầu" đổ ra tạo thành khoảng cách an toàn cho
Mao "đại nhảy vọt" (như cách trước đó cuộc "kháng Mỹ viện Triều"
tạo ra một Bắc Triều Tiên làm trái độn) và đến một ngày đẹp trời thì Chu vui vẻ
bắt tay Ních ở Thượng Hải để mặc cả trên đầu người bạn láng giềng "núi liền
núi, sông liền sông, chung một biển Đông" về nước cờ "thí tốt, đẩy
xe", bật đèn xanh cho B52 rải thảm Hà Nội.
Quyền lực và Tội lỗi
Chiếc bong bóng sặc sỡ kia vỡ tan, nhưng không chỉ là một ảo ảnh tan vỡ mà là một
hệ lụy lịch sử nặng nề với những vết thương hằn sâu trong lòng dân tộc khi non sông
đã quy về một mối. Thay vì làm lành vết thương, người ta lại khoét sâu thêm do
bị chủ nghĩa giáo điều cầm tù, mà nguy hiểm nhất là tiếp tục thực thi quan điểm"đấu
tranh giai cấp là động lực của sự phát triển " để rồi tạo ra một xã hội
bất an và xáo động, hệ thống giá trị bị đảo lộn, văn hóa dân tộc với cốt lõi là
nền văn hóa làng, cái nôi của tâm hồn Việt, bị băng hoại. Đó chính là hệ lụy nặng
nề vừa nhắc đến. Liều thuốc chữa trị cho sự bất an ấy, bi đát thay, lại là một
chế độ toàn trị phản dân chủ đang được đẩy tới ngày càng hung hãn như không có
điểm dừng. Cái gọi là "nhà nước pháp quyền" được rao giảng là "của
dân, do dân và vì dân" đang quay lưng lại với dân. Cán cân công lý chao đảo
trước vòng xoáy lợi ích của các nhóm quyền lực với những bản án bỏ túi theo Nghị
quyết. Đó là lý do giục giã những "bàn chân nổi giận" của nông dân, của
thanh niên sinh viên, của trí thức rầm rập xuống đường bất chấp mọi thủ đoạn trấn
áp và sự xuyên tạc, lừa mị.
Chưa bao giờ người ta thấy cái nguyên lý khủng khiếp vận hành trong xã hội từng
được trí tuệ loài người đúc kết : "Quyền lực thúc đẩy việc mở rộng vô hạn
độ quyền lực, và hầu như không có điểm dừng. Nhưng "quyền lực lại có
xu hướng tham nhũng và quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng cũng tuyệt đối” (Power
tends to corrupt and absolute power corrupts absolutely). Chế độ toàn trị phản
dân chủ là nguyên nhân sâu xa cho cái chuyện "quyền lực tuyệt đối thì tham
nhũng cũng tuyệt đối " ấy. Liệu lịch sử loài người đã biết có bao
nhiêu thứ "quyền lực tuyệt đối" như chê độ toàn trị hiện hành? Vừa rồi,
báo cáo của Tổ chức theo dõi tình trạng tham nhũng trên toàn thế giới[Transparency
International]cho biết "Kết quả khảo sát cho thấy là giới công an cảnh
sát bị người dân Việt Nam đánh giá là tham nhũng nhất, đứng đầu danh sách"!
Vì vậy, nếu chỉ chĩa mũi nhọn vào một số người, cho dù là cần thiết đi chăng nữa,
thì chỉ là bôi thuốc chữa mụn ngoài da để mong đẩy lùi căn bệnh đã ăn sâu vào lục
phủ ngũ tạng. Chính cái đó đang hủy hoại sức sống của dân tộc, đặc biệt là thế
hệ trẻ. Cho nên, nỗi bức xúc lớn đang chứa chất trong lòng xã hội là cải cách
thể chế để lập lại trật tự và thúc đẩy kinh tế phát triển, cải thiện đời sống của
mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nông dân và bà con dân tộc ở vùng sâu, vùng
xa.Dân chủ là liều thuốc đặc trị để chống tham nhũng và các tật bệnh nói trên
có hiệu quả nhất vào lúc này.
Dân chủ là phương thuốc hiệu nghiệm cho căn bệnh tưởng như vô phương cứu chữa
là bộ máy nhà nước đang ngày càng phình to. Mà phình to mãi vì lộ trình chạy chức
chạy quyền đang được cải tiến và rất gọn nhẹ. Chẳng hạn như, nếu nhìn vào con số
thì đồng lương của viên chức nhà nước không sống được, nhưng người ta vẫn sống,
mà sống đàng hoàng nên vẫn đua chen vào biên chế nhà nuớc!
Dân chủ cũng là phương thuốc hiệu nghiệm nhất để Đảng Cộng sản Việt Nam, lực lượng
chính trị lớn nhất, có mạng lưới rộng khắp cả nước, tự chỉnh đốn mình nhằm đáp ứng
đòi hỏi bức xúc của dân và của cả đông đảo đảng viên của đảng. Những phong trào
từng được phát động rầm rộ và tiêu phí bao nhiêu sức lực và tiền của lấy từ
ngân sách, cũng là tiền thuế của dân, sở dĩ không có kết quả vì không dám mở rộng
dân chủ trong đảng và thực thi dân chủ trong dân một cách thực chất.
Chuyện này chẳng có gì mới, sở dĩ phải nêu lên đây vì chúng liên quan mật thiết
với gương mặt đất nước trước thế giới. Nói cách khác, liên quan đến sức mạnh của
dân tộc, thế đứng của đất nước trong hoạt động đối ngoại. Thế giới văn minh làm
sao chấp nhận một thứ luật rừng trong ứng xử với dân? Làm sao xây dựng được niềm
tin chiến lược với các đối tác trên trường quốc tế khi Việt Nam tuy đã công nhận Tuyên ngôn Quốc
tế Nhân quyền là giá trị phổ dụng, đã ký cam kết tuân thủCông ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị,Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa,
ứng cử vào Hội đồng
Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhưng trong ứng xử thực tế thì làm
ngược lại ? Cái chuyện nhân danh "đặc thù" của mỗi nước về văn
hóa, chính trị để phủ nhận những chuẩn mực chung về văn minh mà thế giới tôn trọng
đã trở nên kệch cỡm và lạc điệu. Cần quan niệm rằng thực thi dân chủ, cải thiện
điều kiện để quyền con người được thực hiện một cách công khai và lành mạnh,
chính là đòi hỏi của sự phát triển, tăng cường nội lực chứ không phải là do sức
ép của bên ngoài, càng không thể là một sự áp đặt.
Bỏ lỡ Cơ hội và Lựa chọn Sai lầm
Một cơ hội bị bỏ lỡ cho việc đưa đất nước đi vào quỹ đạo của thế giới tiến bộ
và văn minh là thời điểm lấy ý kiến toàn dân về sửa đổi Hiến Pháp. Biết bao tâm
huyết và trí tuệ chân thành, thẳng thắn góp vào chuyện quốc gia đại sự này đã bị
lãng phí một cách vô ích mà Kiến nghị của giới trí thức, nhân sĩ (gọi tắt là Kiến
nghị 72) góp vào xây dựng Hiến Pháp là một bằng chứng sống động. Phải chăng người
ta muốn noi theo cách hành xử của Tập Cận Bình khi ông ta khẳng định : " Tôi
cho rằng điều kiện hiện nay cũng giống trước kia, thời cơ vẫn chưa chín muồi.
Tình hình trong và ngoài nước hiện nay chỉ cho phép chúng ta dùng “liệu pháp giữ
nguyên”, hơn nữa duy trì được hiện trạng cũng là tốt lắm rồi, thực ra duy trì
được cũng không phải dễ dàng. Bởi vậy, tôi chỉ có thể nhắc lại “ba tin tưởng”[
tin vào đường lối, tin vào lý luận, tin vào chế độ] mà thực sự không thể đụng
tới cải cách thể chế chính trị hoặc ít nhất hiện nay không được đụng tới".
Không được đụng tới vì chính đây là tử huyệt của chế độ toàn trị phản dân chủ
đang thống trị Trung Quốc. Nếu điều dẫn ra ở trên đúng là tư tưởng của người giữ
vai trò nguyên thủ của đất nước Trung Hoa thì rất đáng phải suy nghĩ về tác động
không nhỏ của tư tưởng này đối với một số ai đó đang nuôi dưỡng ảo mộng "đi
với Trung Quốc thì bảo vệ được đảng, giữ được chế độ XHCN"! (Nói "nếu
đúng" vì có thông tin cho biết là nhiều khả năng đây là bài phát biểu ngụy
tạo, tuy nhiên nó phản ánh rất thực hiện trạng TQ ngày nay).
Họ không dám nhìn thẳng vào sự thật là khi Trung Quốc diễu võ dương oai bên
ngoài là nhằm đánh lạc hướng những mâu thuẫn gay gắt bên trong, nhằm che lấp những
giằng xé đấu đá trong nội bộ đảng cầm quyền, những mâu thuẫn trong xã hội, mâu
thuẫn sắc tộc, tôn giáo đang ngày càng gay gắt, đẩy tới nguy cơ bùng nổ. Ngoài
ra, những chỉ số giảm sút về tăng trưởng kinh tế và sự kiện hệ thống ngân hàng
tiếp tục tài trợ cho các dự án quốc doanh thua lỗ nặng đã cho thấy Trung Quốc
đang trên đà suy thoái khó lòng cứu vãn. Như vậy, vội vã hớp lấy "liệu
pháp giữ nguyên" của Trung Quốc, để rồi "thực sự không thể đụng tới cải
cách thể chế chính trị hoặc ít nhất hiện nay không được đụng tới", chính
là ngăn chặn sự phát triển của đất nước, duy trì sự lạc hậu và lạc điệu với thế
giới để "ông bạn láng giềng"dễ bề thao túng chứ không có gì khác.
Đây là ý đồ thâm hiểm của một bộ phận trong giới cầm quyền Bắc Kinh đang thực
thi âm mưu bành trướng của chủ nghĩa Đại Hán. Nếu tìm được người cùng hội cùng
thuyền, cùng chung cái gọi là "ý thức hệ" thì "dễ mưu tính"
như cách Ô Mã Nhi xưa kia mưu toan, sẽ không phải điều binh khiển tướng hết sức
tốn kém,lại phải đương đầu với cả thế giới, nhưng vẫn tháo gỡ được cái xương
đang mắc ngang cổ họng khiến khó nuốt trôi được cả vùng tài nguyên và con đường
huyết mạch ở Biển Đông và khu vực Đông Nam Á.
Lựa chọn “liệu pháp giữ nguyên” của Trung Quốc cũng là quên mất rằng một khi
“điểm tựa duy nhất” này sụp đổ chế độ ăn theo cũng sẽ không thể thoát khỏi cùng
chung số phận.
Sinh lộ duy nhất: Dân chủ
Nếu Việt Nam quyết liệt cải cách thể chế, thực thi dân chủ hóa, định hình
một mô hình phát triển,sẽ tạo ra một nội lực hùng hậu, nhân tố quyết định thành
công của hoạt động đối ngoại và làm phá sản thủ đoạn "bất chiến tự nhiên
thành" trong mưu đồ nham hiểm của Trung Quốc. Vì thế, Trung Quốc sẽ ra sức
ngăn cản Việt Nam thực hiện điều này.
Ngăn cản còn là vì họ không muốn có hình ảnh một quốc gia quyết tâm cải cách thể
chế, thực thi dân chủ ở sát nách họ! Hình ảnh này sẽ khơi gợi và thúc đẩy thêm
phong trào đấu tranh dòi dân chủ và nhân quyền trong đất nước họ. Một Mianma
láng giềng là đã quá đủ đối với nhà cầm quyền Trung Quốc đang cố duy trì chế độ
toàn trị phản dân chủ. Cho nên, nếu soi kỹ những phản ứng của họ tại Diễn đàn
Shangri La vừa rồi sẽ hiểu rõ chúng ta cần phải làm gì trong những hoạt động đối
ngoại sắp tới.
Đương nhiên, không chịu làm một quân cờ trên bàn cờ quốc tế trong cuộc chơi của
các nước lớn không có nghĩa là co mình lại, không dám chủ động tạo ra một thế
liên kết mới trên trường quốc tế. Chính mối liên kết đó sẽ tạo nên một thế đứng
Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, Châu Á-Thái Bình Dương và trên toàn thế giới.
Chỉ có thể tạo được thế đứng ấy khi Việt Nam thoát ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc,
vứt bỏ cái mũ kim cô mà chủ nghĩa bành trướng Đại Hán đang cố thít chặt để dễ bề
kiềm tỏa và thao túng. Chẳng thế mà Trung Quốc đã không úp mở vừa dụ dỗ vừa đe
dọa khi Việt Nam thiết lập một quan hệ mới với Mỹ và các nước phương Tây cho dù
Việt Nam đứng vững trên tư thế độc lập để thực thi một chính sách đối ngoại
thân thiện và bình đẳng với tất cả các nước, trong đó có Trung Quốc.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã từng thực hiện việc "giải
Hán hóa" một cách khôn ngoan để gìn giữ bản sắc văn hóa Việt. Ấy vậy mà,
đúng như Trần Quốc Vượng nhận xét, "cuộc đấu tranh giữa mô hình dân tộc và
mô hình kiểu Tàu cho đến khi phong kiến hết thời vẫn chưa chấm dứt...".
Trong cuộc đấu tranh ấy, "tìm về dân tộc" và "thân dân" là
phương cách hiệu nghiệm nhất để thực hiện việc "giải Hán hóa", và hôm
nay là việc thoát ra khỏi cái quỹ đạo Trung Quốc để đến với thế giới văn minh,
tiến bộ.
Vì thế, xin mượn cách diễn đạt (và chỉ là cách diễn đạt thôi) của Lê Quý Đôn
trong "Quần thư khảo biện" nhằm thâu tóm những nghĩ suy và dẫn giải
dài dòng trên đây nhân chuyến công du sắp tới của ông Chủ tịch Nước để chỉ dồn
vào một chữ, như Lê Quý Đôn đã viết:
"Kinh Dịch nói : "Biến động trong thiên hạ chính đáng chỉ có một [lý] thôi.
Chí lý thay chữ "một". Lấy chữ "một" ấy mà xuyên suốt mọi
việc thì dù bốn bể chín châu cách trở, ngàn xưa trăm đời xa xôi, mọi trao qua đổi
lại, mọi xem xét đánh giá đều vẫn rõ ràng như bày ra trước mắt, rành rọt như trỏ
bàn tay vậy"!
Chữ "một" đây chính là “DÂN CHỦ”.
T.L
No comments:
Post a Comment