Tổng thống Obama nói sẽ 'cố gắng' thăm Việt Nam trước khi kết thúc nhiệm kỳ |
Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Trương Tấn
Sang, Hoa Kỳ và Việt Nam ra tuyên bố chung về quan hệ "đối tác toàn
diện" (comprehensive partnership).
Tuyên bố chung, được đăng trên trang web Nhà Trắng, nói ông
Obama và Trương Tấn Sang "quyết định xác lập quan hệ Đối tác toàn diện
Việt Nam - Hoa Kỳ để đem lại khuôn khổ tổng thể cho việc thúc đẩy quan
hệ".
Quan hệ này dựa trên các nguyên tắc "tôn trọng Hiến chương
Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế, hệ thống chính trị, độc lập, chủ quyền và
toàn vẹn lãnh thổ của nhau".
Quan hệ mới sẽ tạo ra "cơ chế hợp tác trong các lĩnh vực
gồm quan hệ ngoại giao và chính trị, kinh tế, thương mại, khoa học, công nghệ,
giáo dục và đào tạo, môi trường và sức khỏe, các vấn đề di sản chiến tranh,
quốc phòng và an ninh, bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, văn hóa, thể thao và du
lịch," theo tuyên bố chung.
Tuyên bố chung Việt - Mỹ tái khẳng định "ủng hộ nguyên tắc
không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp trên
biển và tranh chấp lãnh thổ"
Việt Nam nói đồng ý ký Công ước chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc
vào cuối năm nay và sẽ mời Báo cáo viên Đặc biệt về Tự do tôn giáo và tín
ngưỡng vào năm 2014.
Các phóng viên ghi nhận Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 25/7 thúc
giục Chủ tịch Trương Tấn Sang tăng cường tự do ngôn luận và tôn giáo ở Việt
Nam, nhưng lạc quan về triển vọng quan hệ.
Hai nhà lãnh đạo tỏ ra vui vẻ trong cuộc gặp ở Phòng Bầu dục.
Ông Obama tiết lộ ông Sang đã tặng bản sao lá thư lãnh tụ cộng
sản Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Harry Truman năm 1946, đề nghị Mỹ giúp đỡ.
"Tất cả chúng ta đều nhận ra lịch sử vô cùng phức tạp giữa
Mỹ và Việt Nam, nhưng từng bước một, chúng ta đã có thể thiết lập một mức độ
tôn trọng và tin tưởng nhau," ông Obama nói.
'Thẳng thắn'
Nhà lãnh đạo Mỹ phát biểu sau điều mà ông mô tả là cuộc đối
thoại "rất thẳng thắn" tại Nhà Trắng
"Hoa Kỳ tiếp tục tin rằng tất cả chúng ta phải tôn trọng
các vấn đề như tự do bày tỏ, tự do tôn giáo, tự do hội họp," ông Obama nói
với các phóng viên ở Phòng Bầu dục, trong khi ông Sang ở cạnh.
"Chúng tôi đã có đối thoại rất thẳng thắn về cả tiến bộ mà
Việt Nam đạt được và những thách thức còn tồn tại," ông nói.
Hàng trăm người biểu tình, đa số là người Mỹ gốc Việt, vẫy cờ
Việt Nam Cộng Hòa và hô khẩu hiệu từ Công viên Lafayette, thỉnh thoảng vang tới
cả bên trong Nhà Trắng.
Hai nhà lãnh đạo tỏ ra vui vẻ trong cuộc gặp
Tổng thống Mỹ cho hay hai người quyết tâm hoàn tất Hiệp định Đối
tác Xuyên Thái Bình Dương trước cuối năm.
Ông nói nó sẽ tạo thêm việc làm và tăng đầu tư ở châu Á và hai
quốc gia.
Chủ tịch Việt Nam, thừa nhận hai bên còn những "khác
biệt", nói ông Obama sẽ "cố gắng" để thăm Việt Nam trước khi
nhiệm kỳ kết thúc.
Phát biểu qua phiên dịch, ông Sang nói: "Chúng tôi sẽ tăng
cường các trao đổi cấp cao giữa hai nước."
Ông Obama nói ông muốn một quan hệ đối tác với Việt Nam bao gồm
gia tăng thương mại, hợp tác quân sự, trao đổi giáo dục và khoa học.
Ông Obama cho biết hai nước vẫn đang làm việc về "những vấn
đề di sản chiến tranh", như người Mỹ mất tích và sức khỏe của người Việt
từ việc Mỹ dùng chất diệt cỏ trong chiến tranh.
Một yếu tố làm Mỹ xích lại Việt Nam là lo ngại về Trung Quốc.
Ông Obama nhắc lại kêu gọi có tiến bộ trong việc xây dựng bộ quy
tắc ứng xử trên biển giữa Asean và Trung Quốc.
Ông nói ông hy vọng sẽ có bộ quy tắc "giúp giải quyết những
vấn đề này trong hòa bình và công bằng".
"Chúng tôi đã có đối thoại rất thẳng thắn về cả tiến bộ mà
Việt Nam đạt được và những thách thức còn tồn tại."
Tổng thống Mỹ Barack Obama
Theo Bấmlịch trình, ông Obama sẽ rời Nhà Trắng ra
phi trường Andrews để bay tới Florida lúc 11:30.
Tổng thống sẽ trở lại Nhà Trắng vào lúc 17:35 để tiếp tục một số
hoạt động ở Washington DC.
Các hình ảnh cho thấy đông đảo người Việt ở Hoa Kỳ đã có mặt ở
trước cửa Nhà Trắng để phản đối tình trạng nhân quyền ở Việt Nam.
Trong số người biểu tình có ông Joseph Cao, người Mỹ gốc Việt
đầu tiên được bầu vào Hạ viện Hoa Kỳ.
Các biểu ngữ mà người biểu tình mang theo có 'Trương Tấn Sang go
home', tức 'Trương Tấn Sang hãy về nhà' và 'Free Điếu Cày', tức 'Trả tự do cho
Điếu Cày', người mà ông Obama từng nhắc tới trong một diễn văn về tự do ngôn
luận trên thế giới.
Hiện có tin blogger Điếu Cày đã tuyệt thực trong nhiều ngày qua.
Không rõ ông Obama có nhắc lại tên của blogger này trong cuộc
gặp với ông Sang hay không.
Nhân quyền và khí hậu
Nhà Trắng nói hai vị nguyên thủ quốc gia có kế hoạch thảo luận
về tình trạng nhân quyền Việt Nam và biến đổi khí hậu.
Luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada nói nhìn toàn cảnh của chuyến
công du ba ngày của Chủ tịch Sang và cách tiếp đón ông tại Hoa Kỳ, "người
ta không khỏi có cảm tưởng rằng Việt Nam cộng sản chưa thể gọi là "đối tác
chiến lược quan trọng" của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á như những gì mà truyền
thông cũng như lãnh đạo Hà Nội đã đặt kỳ vọng trước chuyến đi này."
Luật sư Khanh nói thêm: "Buổi tiệc duy nhất mà chính phủ
Hoa Kỳ chiêu đãi ngài Chủ tịch Trương Tấn Sang là buổi "ăn trưa làm việc
với Ngoại trưởng John Kerry tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm qua 24/7.
"Chủ tịch Sang không được nghi lễ đón tiếp cấp nhà nước,
thậm chí người đón ông Chủ tịch vào Tòa Bạch Ốc để giới thiệu với Tổng thống
Obama chỉ ở cấp Đại sứ đó là Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear và Đại sứ
Marshall người chịu trách Lễ tân của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
"Khác hẳn với chuyến đi hồi tháng 6 vừa qua của Chủ tịch
Sang đến Trung Quốc khi ông được long trọng đón tiếp và cùng với Chủ tịch Tập
duyệt dàn chào danh dự.
"Liệu Chủ tịch Sang và các đồng chí của ông trong Bộ Chính
Trị sẽ nghĩ gì khi phải lựa chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc?"
No comments:
Post a Comment