Lãnh đạo một số nước thành viên TPP tại cuộc họp thượng
đỉnh 2010.
|
Trong số các hồ sơ chính
mà tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ bàn thảo khi tiếp chủ tịch nước Việt Nam
Trương Tấn Sang ngày 25/07/2013 tại Nhà Trắng, có vấn đề đàm phán giữa Hà Nội
với Washington về hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Hiệp
định được cho là đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam, cho tới nay vẫn chưa
được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường.
Đối với Việt Nam, mục tiêu chủ yếu khi tham
gia hiệp định này là gia tăng xuất khẩu sang các nước thành viên TPP, nhờ việc
các nước này giảm hoặc miễn thuế cho hàng Việt Nam. Nhưng hiệp định này cũng
đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam, quốc gia cho tới nay vẫn chưa được Hoa Kỳ
công nhận là nền kinh tế thị trường.
Việt Nam đã tham gia đàm phán hiệp định TPP từ
tháng 11/2010. Hiện giờ có 11 quốc gia đang thương lượng hiệp định TPP là Hoa
Kỳ, Úc, Brunei, Canada, Chilê, Malaysia, Mêhicô, New Zealand, Peru, Singapore
và Việt Nam. Trong số 11 quốc gia này, Hoa Kỳ là đối tác “khó tính” nhất.
Hồ sơ nổi cộm nhất trong đàm phán Mỹ-Việt về
TPP là ngành dệt may. Mức thuế trung bình của Hoa Kỳ đối với hàng hóa nhập khẩu
là dưới 2%, nhưng hiện giờ mức thuế này là 11% đối với các sản phẩm dệt may, và
đối với một số loại quần áo, mức thuế lên tới gần 30%.
Theo điều khoản về xuất xứ hàng hóa trong
khuôn khổ TPP, các sản phẩm xuất khẩu của các nước thành viên phải có xuất xứ
từ các nước trong khối TPP mới được hưởng ưu đãi về thuế. Đây là một bất lợi,
vì Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu từ các nước bên ngoài TPP, như Trung
Quốc, Hàn Quốc, để gia công hàng xuất khẩu. Nếu không chuyển đổi được vùng
nguyên liệu, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ không được hưởng ưu đãi thuế khi
nhập vào thị trường Mỹ.
Trong thời gian gần đây, ngành dệt may của Mỹ
đã gia tăng áp lực lên chính quyền Obama vì lo ngại là hiệp định TPP có thể đe
dọa đến ngành này. Trong cuộc điều trần trước một tiểu ban của Hạ viện Mỹ ngày
09/07/2013, ông Smyth McKissick, một lãnh đạo công ty dệt may Alice
Manufacturing, đại diện cho Hội đồng các tổ chức dệt may của Mỹ, tuyên bố rằng
hiệp định thương mại với Việt Nam trong khuôn khổ TPP có thể sẽ khiến rất nhiều
người mất việc trong ngành dệt may của Mỹ, mà hiện đang sử dụng 500.000 người
trên toàn quốc.
Ông McKissick kêu gọi các dân biểu Quốc hội Mỹ
ký tên vào một bức thư gởi Đại diện Thương mại của Mỹ để yêu cầu ông này duy
trì quy định “yarn-forward” ( từ sợi trở đi ) , tức là quy định rằng hàng dệt
may phải được sản xuất với nguyên liệu từ một quốc gia là đối tác tự do mậu
dịch của Mỹ, thì mới được nhập vào thị trường Hoa Kỳ với mức thuế ưu đãi. Quy
định này vẫn được đưa vào các hiệp định tự do mậu dịch quan trọng mà Mỹ ký kết
trong 25 năm qua. Cho tới nay đã có hơn 160 nghị sĩ Dân Chủ lẫn Cộng hòa ký tên
vào bức thư nói trên.
Các công ty dệt may của Mỹ lo ngại rằng, nếu
không áp dụng quy định “ yarn forward”, Trung Quốc sẽ chuyển hàng vải sợi sang
cắt may Việt Nam, nơi mà chính phủ vẫn trợ giá ngành dệt may, rồi lợi dụng quy
chế ưu đãi thương mại của Việt Nam để xuất hàng dệt may giá rẻ sang thị trường
Hoa Kỳ.
Theo hãng tin Reuters ngày 02/07, Hoa Kỳ hy
vọng kết thúc đàm phán về TPP với Việt Nam trước cuối năm nay, nhưng hai bên
còn nhiều bất đồng trong lĩnh vực hàng dệt may. Hôm 19/06, trong một cuộc thảo
luận tại trung tâm Wilson, cơ quan chuyên nghiên cứu các chính sách ngoại giao,
ông Nguyễn Vũ Tùng, Phó Đại sứ Việt Nam ở Washington, cho biết đề nghị mới nhất
của Mỹ “thực sự, thực sự rất khó để chúng tôi chấp nhận”. Theo ông Tùng, trừ
phi hai bên có bước đột phá, không chắc là Việt Nam đàm phán thành công hiệp
định TPP.
Mặt khác, Việt Nam sẽ gặp nhiều bất lợi, vì Mỹ
và một số thành viên tương lai của TPP vẫn chưa công nhận Việt Nam là nền kinh
tế thị trường. Nếu hàng hóa Việt Nam bị kiện chống bán phá giá ở Hoa Kỳ, chắc
chắn doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị thua. Hơn nữa, không giống như các hiệp định
khác, TPP là một sân chơi bình đẳng, không phân biệt quốc gia phát triển hay
đang phát triển, nên không có chính sách ưu đãi như khi Việt Nam đàm pháp gia
nhập WTO.
Thêm vào đó, trong khuôn khổ TPP, Việt Nam
phải cam kết về nhiều lĩnh vực như đầu tư, sở hữu trí tuệ, lao động... Đặc
biệt, những yêu của Mỹ về bảo hộ sở hữu trí tuệ rất cao, cho nên một nước đang
phát triển như Việt Nam khó mà đáp ứng nổi.
Tuy nhiên, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, trả lời RFI
từ Hà Nội, nghĩ rằng, do nền kinh tế hai nước Việt Mỹ mang tính bổ sung cho
nhau, cho nên cả hai bên đều sẽ cố vượt qua những bất đồng để nhanh chóng kết
thúc đàm phán về TPP.
No comments:
Post a Comment