Carlyle A. Thayer (BBC) - Có lẽ mục tiêu của Việt Nam là đẩy mạnh quan hệ trong những tháng tới để Tổng thống Obama có thể có chuyến thăm bên lề tới Việt Nam nơi hai nước sẽ ký hiệp định hợp tác chiến lược. Việt Nam sẽ được lợi vì hiệp định được ký trên đất của họ trong khi Hoa Kỳ cũng có lợi vì Tổng thống Obama sẽ tới Đông Nam Á thúc đẩy chiến lược tái cân bằng...
*
Hồi đầu tháng Sáu, Thủ tướng Việt Nam tuyên bố tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore rằng Việt Nam muốn thiết lập quan hệ chiến lược với tất cả năm thành viên thường trực của Liên Hiệp Quốc.
Tới nay Việt Nam đã có quan hệ chiến lược với Trung Quốc, Nga và Anh.
Giờ Việt Nam phát tín hiệu rằng họ muốn nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ và Pháp.
Vào giữa năm 2010 khi Ngoại trưởng Hillary Clinton thăm Hà Nội, bà tuyên bố rằng đã có đủ điều kiện để đưa quan hệ song phương Hoa Kỳ-Việt Nam lên tầm cao mới.
Nhưng, bà cảnh báo, trước hết Việt Nam cần cải thiện về nhân quyền. Kể từ chuyến thăm của bà Clinton, tình hình nhân quyền ở Việt Nam đã xấu đi, nhất là trong nửa đầu năm nay.
Vào cuối năm 2011, các nhà ngoại giao ở Hà Nội nói đàm phán về quan hệ chiến lược đã bị đình trệ vì chuyện vấn đề nhân quyền cần được đề cập tới như thế nào trong dự thảo.
Phía Hoa Kỳ muốn có một điều khoản riêng về nhân quyền trong khi Việt Nam muốn nhân quyền chỉ nằm trong điều khoản nói về quan hệ chính trị.
Tới cuối năm 2012, Hoa Kỳ bất ngờ rút khỏi đối thoại nhân quyền thường niên với Việt Nam.
Đối thoại được nối lại đầu năm nay nhưng không có cải thiện nhân quyền đáng chú ý nào.
Hồi tháng Sáu, hai quan chức cao cấp của chính quyền Obama điều trần trước Quốc hội về quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam và cả hai đều nhấn mạnh rằng cần phải có những thay đổi tích cực về nhân quyền ở Việt Nam.
Chính vì thế tin được hãng thông tấn Pháp AFP đưa hôm 11/7 rằng Tổng thống Barack Obama đã mời người tương nhiệm Trương Tấn Sang thăm Washington vào cuối tháng là điều ít nhiều gây ngạc nhiên.
Hai ngày trước đó Việt Nam tuyên bố hoãn phiên xử của nhân vật bất đồng chính kiến có liên hệ với Hoa Kỳ, ông Lê Quốc Quân.
Hai bên cùng lợi
Tại sao Hoa Kỳ lại có vẻ thay đổi quan điểm về nhân quyền và mời chủ tịch Việt Nam tới thăm Hoa Kỳ? Câu trả lời có thể nằm ở chính sách tái cân bằng và tiến triển gần đây trong quan hệ Việt - Trung theo sau chuyến thăm của ông Sang tới Bắc Kinh.
Việt Nam cũng đang tìm cách cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Hà Nội đã vận động trong ít nhất một năm trở lại đây để Tổng thống Obama tới thăm. Hồi tháng Sáu, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu trưởng quân đội thăm Washington cùng phái đoàn cao cấp.
Liệu cả hai phía đã đồng ý được về một sự trao đi đổi lại?! Việt Nam có thể đang tìm cách đẩy mạnh quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ trong khi Washington muốn thâm nhập sâu thêm vào Việt Nam.
Một số nhà lãnh đạo Việt Nam dường như đã kết luận rằng nếu bế tắc trong quan hệ với Hoa Kỳ không được khai thông, họ sẽ không có nhiều con bài trong quan hệ với Trung Quốc.
Việt Nam muốn Hoa Kỳ xóa bỏ các hạn chế trong Quy định về Buôn bán Vũ khí Quốc tế (ITAR) mà theo đó hiện nay Việt Nam chỉ được phép mua vũ khí không sát thương tùy từng trường hợp. Mặc dù vậy, quy định này có lẽ sẽ không được xóa bỏ.
Nhưng gần đây ITAR cũng đã được sửa đổi và cho phép bán các công nghệ và thiết bị lưỡng dụng (quân-dân sự).
Khó mà có thể đoán được sự thay đổi cách nhìn của Hoa Kỳ đối với ITAR nhưng điều chắc chắn hơn là Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam trong cam kết đầu tiên của họ đối với sứ mệnh gìn giữ hòa bình dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã công bố quyết định tham gia vào các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại đối thoại Shangri-La.
Chuyến thăm của ông Sang tới Hoa Kỳ là một phần cố gắng của Hà Nội nhằm có được hiệp định hợp tác chiến lược với Washington.
Tổng thống Obama sẽ cố gắng để có được những cam kết thêm nữa từ phía Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ kinh tế thông qua Hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương.
Chuyến thăm của Chủ tịch Sang hứa hẹn sẽ đưa quan hệ Việt - Mỹ lên tầm cao mới trước Thượng đỉnh Á Đông tại Brunei vào tháng Mười năm nay.
Có lẽ mục tiêu của Việt Nam là đẩy mạnh quan hệ trong những tháng tới để Tổng thống Obama có thể có chuyến thăm bên lề tới Việt Nam nơi hai nước sẽ ký hiệp định hợp tác chiến lược.
Việt Nam sẽ được lợi vì hiệp định được ký trên đất của họ trong khi Hoa Kỳ cũng có lợi vì Tổng thống Obama sẽ tới Đông Nam Á thúc đẩy chiến lược tái cân bằng.
Giáo sư Danh dự, Học viện Quốc phòng Australia, Canberra.
No comments:
Post a Comment