Friday, July 5, 2013

CƠN BÃO "MÙA XUÂN A-RẬP" LẠI TRÀN VÀO AI CẬP


Rạng sáng 4-7 (giờ Việt Nam), quân đội Ai Cập đã phế truất Tổng thống M.Mo-xi, đình chỉ Hiến pháp, đồng thời chỉ định Chánh án Tòa án Hiến pháp Tối cao Ai Cập Át-li Man-xua làm người đứng đầu nhà nước lâm thời. Chính biến này đã một lần nữa đẩy Ai Cập vào cơn bão "Mùa xuân A-rập" và cuốn đất nước Kim tự tháp vào một cuộc khủng hoảng mới phức tạp và rối bời.
Tổng thống được bầu cử ở Ai Cập Mo-xi đã bị phế truất quyền lực sau một năm cầm quyền ngắn ngủi và đầy giông bão. Cuộc chính biến xảy ra sau khi Tổng thống Mo-xi không đáp ứng thời hạn chót thực hiện các yêu cầu của quân đội Ai Cập trong một "tối hậu thư", theo đó quân đội đề xuất lộ trình chính trị riêng cho đất nước nếu các lực lượng chính trị không "đáp ứng các yêu cầu của nhân dân" trong vòng 48 giờ. Chỉ hai giờ trước khi xảy ra "chính biến",

Hội đồng quân sự Ai Cập đã tiến hành cuộc họp khẩn "bàn chi tiết lộ trình thời hậu Mo-xi". Như vậy, một lần nữa quân đội Ai Cập lại can thiệp chính trường kể từ sau khi họ lật đổ cựu Tổng thống Mu-ba-rắc. Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập, Tướng En Xi-xi kêu gọi tiến hành bầu cử tổng thống và QH trước thời hạn, thành lập một ủy ban sửa đổi hiến pháp và ủy ban hòa giải dân tộc.

Ðánh dấu một năm Tổng thống Mo-xi lên nắm quyền là hàng loạt cuộc biểu tình đòi ông từ chức bắt đầu từ cuối tháng 6 vừa qua. Bầu không khí sôi sục tại Quảng trường Ta-hơ-ria và trước Phủ Tổng thống ở Thủ đô Cai-rô đã gợi nhớ lại làn sóng chính biến kéo dài 18 ngày dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền cựu Tổng thống H.Mu-ba-rắc hồi đầu năm 2011. Tuy nhiên, cuộc biểu dương lực lượng của phe đối lập với hàng chục triệu người tham gia lần này có quy mô lớn hơn nhiều so với làn sóng biểu tình cách đây gần hai năm rưỡi. Biểu tình và bạo lực trong hơn một tuần đã làm hàng chục người chết. Tổng thống Mo-xi đứng trước sức ép mạnh mẽ của phe đối lập. Trước khi chính biến xảy ra, báo chí Ai Cập đã đăng hàng loạt bài dự báo sự ra đi của ông như là một tất yếu, đồng thời đề cập "sự tan rã của nhà nước Anh em Hồi giáo". Ngay các đồng minh theo đường lối cứng rắn của Tổng thống Mo-xi cũng kêu gọi ông tổ chức một cuộc bầu cử sớm nhằm tránh đổ máu và đảo chính quân sự. 

Những diễn biến nói trên ở Ai Cập được coi là một cuộc "cách mạng mới" khi người dân xứ Kim tự tháp quá mệt mỏi trước thực trạng kinh tế suy thoái, xã hội bị chia rẽ sâu sắc, an ninh bất ổn sau một năm dưới quyền điều hành của Tổng thống Mo-xi. Sau khi lên nắm quyền, ông đã quá nóng vội thâu tóm quyền lực,"vô hiệu hóa" vai trò của quân đội, vốn điều hành chính trường và có ảnh hưởng lớn kể từ sau khi cựu Tổng thống Mu-ba-rắc bị lật đổ. Tham vọng quyền lực của tổ chức Anh em Hồi giáo đã khiến dư luận, nhất là những người đã tiến hành "cuộc cách mạng" trước đó thất vọng, họ cho rằng đó là "cuộc cách mạng" bị đánh cắp. Không có sự biến chuyển nào về đời sống xã hội được tạo ra như người dân kỳ vọng. Sau khi Tổng thống Mu-ba-rắc bị lật đổ và ông Mo-xi lên nắm quyền, Ai Cập triền miên chìm trong khủng hoảng. Tâm lý chống Tổng thống Mo-xi và lực lượng Anh em Hồi giáo của ông ngày càng dâng cao, biến thành các cuộc biểu tình rầm rộ liên tục diễn ra trong suốt năm qua. Người biểu tình nói rằng, họ cần "bánh mỳ, tự do và công bằng xã hội". Sự bất mãn trước sự điều hành của Tổng thống Mo-xi cũng đã khiến sáu bộ trưởng trong chính phủ từ chức, đẩy Tổng thống Mo-xi vào thế bị cô lập, trong khi chịu sức ép từ đông đảo công chúng yêu cầu ông phải từ bỏ quyền lực.

Dư luận quốc tế đã bày tỏ quan ngại trước những diễn biến căng thẳng tại Ai Cập. Sự kiện này một lần nữa làm thay đổi đời sống chính trị của quốc gia này. LHQ, Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) bày tỏ quan ngại về những biến động mới nhất trên chính trường Ai Cập. Tổng thống Mỹ tuy không bình luận về cuộc chính biến, song cũng bày tỏ quan ngại về sự can thiệp của quân đội vào chính trường

Ai Cập, đồng thời tuyên bố xem xét có thể sẽ cắt viện trợ quân sự cho Ai Cập, mỗi năm lên tới khoảng 1,5 tỷ USD, nếu Oa-sinh-tơn xét thấy động thái vừa qua là một "cuộc đảo chính". Mỹ kêu gọi quân đội Ai Cập nhanh chóng trao lại quyền lực cho một chính quyền dân sự. Trong khi đó, các nước A-rập ở vùng Vịnh lại hoan nghênh cuộc chính biến nói trên, coi đây là biện pháp chấm dứt chuỗi ngày khủng hoảng ở Ai Cập.

Việc Tổng thống Mo-xi bị lật đổ sẽ càng khoét sâu hận thù giữa những người ủng hộ Anh em Hồi giáo và phe đối lập. Dù chưa gọi chính biến vừa qua là cuộc đảo chính và nhãn quan đối với diễn biến ở Ai Cập có thể khác nhau, song một sự thật rõ ràng là đất nước này đang đứng trước cơn giông bão mới của một thời kỳ đầy bất ổn. Tương lai của Ai Cập phải do người dân nước này quyết định.



No comments:

Post a Comment