Linh Mục Pascal NGUYỄN NGỌC TĨNH |
Bằng cung giọng mạnh mẽ vẫn thường thấy, sau khi cho thấy Kinh
thánh nói gì về việc ăn chay và ăn chay sao cho đẹp lòng Chúa, bằng những minh
chứng cụ thể, ngài kết luận: “Là tín hữu Chúa Ki-tô, bước vào Mùa Chay nếu ta đặt
câu hỏi : ta phải làm gì đây, phải cố gắng sống thế nào cho đẹp lòng Chúa, thì
quan ngôn sứ I-sai-a, Chúa đã cho chúng ta câu trả lời. Không những thế, Chúa còn
cho ta những tấm gương sống động như đã nói trên đây, và còn biết bao nhiêu tấm
gương khác nữa. Tất cả đang trả giá để bày tỏ lòng yêu nước trước hiểm hoạ xâm
lăng, để nói lên khát vọng tự do dân chủ, để đấu tranh cho công lý, cho hoà bình.
Họ không phải là những người ngồi trước bàn phím ung dung đặt câu hỏi : phải lên
tiếng hay không lên tiếng. Họ cũng không dừng lại nơi những kiến thức thâu thập
được từ những buổi tập huấn về học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo, và cứ
coi như học thuộc bài để trả cho thầy là xong.’
Chúng tôi trân trọng gửi tới quý độc giả nội dung bài chia sẻ này.
***
Cầu nguyện cho Công Lý & Hoà Bình
Cũng như trong các thánh lễ 8 giờ tối Chúa nhật cuối mỗi tháng tại
nhà thờ Kỳ Đồng này từ ít lâu nay, hôm nay chúng ta cầu nguyện cho Công Lý
& Hoà Bình. Việc đạo đức này đặc biệt thích hợp trong Mùa Chay như chúng ta
sẽ thấy.
Cao điểm của Năm Phụng Vụ chính là Tam Nhật Vượt Qua trong đó Hội
Thánh họp mừng Chúa Ki-tô chết và phục sinh để hoàn tất công trình cứu độ. Và để
chuẩn bị mừng biến cố trọng đại đó, chúng ta có đến 40 ngày, đó là Mùa
Chaybắt đầu từ thứ Tư lễ Tro vừa rồi. Hai chữ “Mùa Chay” trong tiếng Việt chúng
ta thì ngắn gọn, tiện dụng, nhưng lại nghèo về ý nghĩa, trong khi tiếng gốc
La-tinh chỉ có nghĩa là Mùa 40. Con số này nhắc ta nhớ đến cuộc hành trình
40 năm của dân Do-thái từ nơi lưu đày về đất hứa, từ nô lệ đến tự do. Con số 40
cũng làm ta liên tưởng đến cuộc hành trình của ngôn sứ Ê-li-a lên đường đi gặp
Chúa. Cuối cùng và đặc biệt hơn nữa con số 40 làm ta liên tưởng đến 40 ngày Đức
Giê-su sống trong hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ như ta vừa thấy trong bài Tin
Mừng hôm nay.
Thế nào là ăn chay ?
Trong bài Tin Mừng ngày thứ Tư lễ Tro Hội Thánh muốn chúng ta
nghe chính Chúa Giê-su đề ra cho chúng ta những mục tiêu cần cố gắng đạt tới, đó
là ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái. Không những thế, Chúa Giê-su còn chỉ
cho thấy người môn đệ của Ngài phải thực thi các việc đó như thế nào, theo tinh
thần nào, mới đích thực là môn đệ của Ngài.
Linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh trong thánh lễ cầu nguyện cho công
lý và hòa bình tối 26/2/2012, tại nhà thờ Kỳ Đồng.
Rồi tiếp theo sau những lời giáo huấn của Chúa Giê-su, ngày thứ
Sáu vừa qua trong bài đọc 1 trong thánh lễ, Hội Thánh lại mời ta nghe ngôn sứ
I-sai-a diễn giảithế nào là ăn chay. Tôi chỉ xin đọc mấy câu sau đây :
“Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau,
nằm trên vải thô và tro bụi,
phải chăng như thế mà gọi là ăn chay
trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng Đức Chúa ?
Cách ăn chay mà Ta ưa thích
chẳng phải là thế này sao :
mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc,
trả tự do cho người bị áp bức,
đập tan mọi gông cùm ?
Chẳng phải là chia cơm cho người đói,
rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ ;
thấy ai mình trần thì cho áo che thân,
không ngoảnh mặt làm ngơ
trước người anh em cốt nhục ?” (Is 58,5b-7)
Ăn chay sao cho đẹp lòng Chúa
Điều không thể chối cãi là hai chữ ăn chay làm ta nghĩ
đến khổ chế, đến việc hy sinh hãm mình. Đó là những cố gắng nhằm giúp ta cụ thể
hoá lòng thành của chúng ta khi muốn từ bỏ tội lỗi để trở về với Chúa. Thế nhưng
điều Chúa muốn căn dặn chúng ta qua lời ngôn sứ I-sai-a là bấy nhiêu thôi thì
chưa đủ, cũng chưa phải là việc chính yếu nếu ta muốn làm đẹp lòng Ngài, muốn tìm
lại ân nghĩa xưa đã mất. Thế thì phải làm gì ? Chúa dạy ta :
Cách ăn chay mà Ta ưa thích…
(là) mở xiếng xích bạo tàn, tháo gồng cùm trói buộc,
trả tự do cho người bị áp bức,
đập tan mọi gông cùm…
…chia cơm cho người đói v.v…
Những ý tưởng này sẽ được chính ngôn sứ I-sai-a lấy lại khi đề cập
đến Người Tôi Trung. Và đến lượt Đức Giê-su thì chính Ngài sẽ dựa vào đó để
minh định sứ mạng cứu thế của Ngài khi tuyên bố : “Thần Khí Đức Chúa ngự trên
tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo
hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người
mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng
ân của Đức Chúa” (Lc 4,18-19).
Mùa Chay : Cầu nguyện cho Công Lý & Hoà Bình
Thế thì không có gì hợp lý hơn khi khởi đầu Mùa Chay mà chúng ta
cầu nguyện cho Công Lý & Hoà Bình, vì sứ mạng người Ki-tô hữu chúng ta
không là gì khác hơn là cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa Giê-su. Do đó
thật là thích họp khi chúng ta cử hành thánh lễ hôm nay mà tưởng nhớ đến tất cả
những nạn nhân của tàn ác, bất công, gian dối trên thế giới, đặc biệt nơi chính
quê hương yêu dấu của chúng ta. Đó là những người dân oan bị mất đất, mất phương
tiện sinh sống do một chính sách mang dáng vẻ công bằng khi khẳng định đất đai
thuộc sở hữu toàn dân, nhưng thực chất chỉ tạo điều kiện cho đám quan tham thành
những tên cướp ngày. Đó là những ngư dân bị giặc Tàu bắt ngay trong lãnh hải Việt
Nam, những công nhân bị chủ nhân bóc lột tàn tệ mà không được bảo vệ, những người
đi lao động nước ngoài bị lừa gạt, những phụ nữ, thậm chí trẻ em bị biến thành
nô lệ tình dục, và còn biết bao thứ nạn nhân nữa, kể sao cho xiết !
Nhưng ở đây tôi muốn đặc biệt nói đến những người hiện đang bị
giam cầm, tù tội. Đó là những người chấp nhận bao thiệt thòi, bao phiền toái
cho bản thân và gia đình, chấp nhận hy sinh sự nghiệp, hy sinh hạnh phúc cá nhân,
chấp nhận tù đày, thậm chí chấp nhận cả cái chết. Để làm gì ? Thưa để nói lên, để
gào thét lên khát vọng thấy nhân quyền được tôn trọng, người dân sống tự do, đất
nước có dân chủ, quốc gia được độc lập, lãnh thổ cũng như lãnh hải được bảo toàn.
Những con người như thế, đúng là tinh hoa của dân tộc. Bất chấp những gì bị gán
ghép cho họ, cái tội của họ là yêu tự do, yêu dân chủ, cái tội tày đình của họ
là yêu nước, yêu một cách thiết tha, họ đã biểu lộ tình yêu đó một cách công
khai, dũng cảm, và đã trả giá cho tình yêu đó bằng chính cuộc đời mình.
Những trường hợp điển hình
Có những tù nhân “chuyên nghiệp”, bởi sau khi được tha đã bị bắt
trở lại như các ông Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Bắc Truyển, linh mục Nguyễn Văn Lý.
Có những người ở độ tuổi trung niên như ông Vi Đức Hồi, tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ,
anh Điếu Cày, hay chị Bụi Thị Minh Hằng.
Điều đáng để ý là có một số khá đông bạn trẻ thay vì hưởng thụ
hay chấp nhận sống an phận thủ thường đã dấn thân tranh đấu cho chính nghĩa. Chẳng
hạn các bạn Nguyễn Tiến Trung, Phạm Thanh Nghiên, Đỗ Thị Minh Hạnh, Paulus Lê Sơn,
Huỳnh Thục Vy, hay 17 bạn sinh viên gốc Vinh bị bắt từ nhiều tháng nay mà chưa
ai rõ vì tội danh gì.
Đoàn Văn Vươn
Trong số những người bị bắt, có hai nhân vật nổi bật trong lúc này,
trước hết là anh Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, người cựu quân nhân, kỹ sư nông
nghiệp đã trắng tay sau 10 năm trời đầu tư tiền bạc và công sức, cuối cùng đã
phải dùng đến vũ khí tự tạo để cất lên tiếng nói của con người chẳng còn gì để
mất. Thật ra thì câu chuyện anh Đoàn Văn Vươn cũng không khác gì câu chuyện của
bao nhiêu dân oan từ bắc chí nam mất nhà mất đất cách oan uổng, bất công, phi lý
từ mấy chục năm nay rồi. Có khác chăng là anh Vươn dám phản ứng.
Nay thì đã rõ : việc thu hồi đất của anh Vươn là một việc làm
sai luật pháp, do đó hành động của anh Vươn là một hành động tự vệ chứ không phải
là chống người thi hành công vụ. Cần nói thêm rằng đây chỉ là mấy món vũ khí thô
sơ, loại đạn hoa cải hoa cà gì đó, nếu trúng xa xa thì chỉ đủ làm trầy da, chảy
máu là cùng. Thế nhưng mấy món đồ chơi đó đủ sức làm cho mọi người nghiệm ra sức
mạnh của người dân khi bị đẩy đến bước đường cùng. Mai đây, khi không chỉ có một
Đoàn Văn Vươn, nhưng cả trăm cả ngàn và nhiều hơn nữa, thì mọi thứ vũ khí trong
tay nhà cầm quyền đều trở nên vô hiệu. Từ mấy chục năm nay đã có biết bao dân
oan kêu ca, khiếu nại, hết địa phương tới trung ương mà tuyệt đại đa số các vụ
khiếu kiện có được tích sự gì đâu. Nay phát đạn hoa cải của anh Đoàn Văn Vươn
cho mọi người hiểu là tiếng kêu oan của anh đã vọng tới trời.
Có thể nói không quá lời rằng lần đầu tiên tiếng nói của dân oan
Đoàn Văn Vươn đã tạo nên một dư chấn khiến chính quyền Việt Nam không thể tiếp
tục chơi bài lỳ, nhưng đã buộc phải lên tiếng. Ai theo dõi tình hình cũng nhận
ra rằng biến cố này là một cột mốc quan trọng trong cuộc đấu tranh đòi công lý.
Chính vì vậy mà nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã vô cùng phấn khởi khi sáng tác bài thơ
mang tựa đề “Gió Tiên Lãng”. Tôi xin trích một đoạn sau đây :
Lần đầu trong thời cộng
sản
một người nông dân bắn
vào chính quyền
đã chiến thắng.
Đoàn Văn Vươn,
gió Tiên Lãng thổi
anh ra khắp nước
lấy mạng sống giữ ruộng
vườn
khi chính quyền thành
bọn cướp
từ thân phận con lươn
anh nổ súng trước
để được làm con người
;
đất của dân, máu và
nước mắt
sao cướp ngày đến cướp
mồ hôi ?
Chính quyền đối thoại
với dân bằng súng,
cướp nhà cướp đất
quen rồi ;
vụ cướp đầm tôm xã
Vinh Quang, Tiên Lãng
súng của dân đã cất lời,
cả nước bênh người
nông dân liều mạng,
lịch sử bừng hoa cải
gió xuân ơi !…
Và bài thơ của Trần Mạnh
Hảo kết thúc bằng mấy câu sau đây :
Đoàn Văn Vươn,
anh phải bắn để còn
chân lý
chứng tỏ mình còn là
người
khi lòng dân biến
thành vũ khí
chính quyền sao nhốt
được gió trời ?
Đoàn Văn Vươn
không ai nhốt được lịch
sử
không ai bỏ tù được
quê hương
gió Tiên Lãng dựng biển
bờm sư tử
gió hoa cà hoa cải
gió tình thương…
Chẳng phải ai cũng có tài làm thơ như Trần Mạnh Hảo, nhưng tiếng
súng Đoàn Văn Vươn không chỉ gây hứng khởi cho Trần Mạnh Hảo, đó là điều ta không
thể nghi ngờ.
Việt Khang
Nhân vật thứ hai tôi muốn đề cập tới hôm nay là anh Việt Khang,
người nhạc sĩ trẻ miệt vườn tỉnh lẻ chí mới được biết đến thời gian gần đây đặc
biệt qua hai bài hát mang tựa đề “Việt Nam tôi đâu ?” và “Anh là ai ?” Tác giả đã
chứng kiến cảnh những người đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược bị săn đuổi,
đấm đá, có người bị giẫm lên mặt, một số bị bỏ tù. Và rồi người nghệ sĩ của chúng
ta vừa đau xót, vừa ngỡ ngàng, đã thảng thốt đặt câu hỏi qua bài hát :
Xin hỏi anh là ai ?
Sao bắt tôi, tôi làm
điều gì sai ?
Xin hỏi anh là ai ?
Không cho tôi xuống
đường để tỏ bày
tình yêu quê hương
này,
dân tộc này đã quá
nhiều đắng cay.
Và đến đây thì người nhạc sĩ như nghẹn ngào trước viễn tượng mất
nước, đau đớn và kinh ngạc trước cách hành xử tàn ác thô bạo của những người tự
nhận là “bạn dân”. Việt Khang tiếp tục đặt câu hỏi :
Xin hỏi anh ở đâu
ngăn bước tôi chống
giặc Tàu ngoại xâm ?
Xin hỏi anh ở đâu
sao mắng tôi bằng giọng
nói dân tôi ?
Dân tộc anh ở đâu
sao đang tâm làm tay
sai cho Tàu
để ngàn sau ghi dấu
bàn tay nào nhuộm đầy
máu đồng bào ?
Và những câu tiếp
theo cũng na ná như một lời tuyên xưng đức tin :
Tôi không thể ngồi
yên
khi nước Việt Nam
đang ngả nghiêng,
dân tộc tôi sắp phải
đắm chìm
một ngàn năm hay triền
miên tăm tối !
Tôi không thẻ ngồi
yên
để đời sau cháu con
tôi làm người
cội nguồn ở đâu
khi thế giới này đã
không còn Việt Nam ?
Bài hát này không chỉ gây cảm xúc cho người Việt mà còn cho cả
người nước ngoài quan tâm theo dõi thời cuộc ở Việt Nam. Chính vì vậy mà bài “Anh
là ai” đã được chuyển qua Pháp ngữ, và được ca sĩ Antoine Figali hát để những
người sử dụng tiếng Pháp cũng hiểu được nỗi niềm của Việt Khang, của mọi người
Việt yêu nước, yêu độc lập, yêu tự do dân chủ.
Tiếng hát của Việt Khang không hừng hực lửa đấu tranh, lời ca không
cầu kỳ, mang dáng vẻ đơn sơ, bình dị nếu không nói là ngây thơ như lời thỏ thẻ
của một em bé, nhưng đàng sau cái giọng hiền hoà gần như yêu đuối là cả một ý
chí sắt đá không biết đến sợ hãi, bên cạnh cái ngỡ ngàng day dứt là cả một lòng
yêu nước tha thiết nồng nàn. Chính vì vậy mà tiếng hát Việt Khang đã xé lòng người
Việt tha hương đến độ chỉ riêng tại Hoà Kỳ và chỉ trong hơn 10 ngày đã có hơn
50.000 người ký thỉnh nguyện thư nhằm ủng hộ những người đang đấu tranh cho tự
do dân chủ, đang đòi hỏi nhân quyền cho Việt Nam.
Thời sự dưới ánh sáng Lời Chúa
Qua những câu chuyện thời sự tôi vừa trình bày, rõ ràng là Lời
Chúa toả ánh sáng lên những gì đang diễn ra trên đất nước chúng ta. Là tín hữu
Chúa Ki-tô, bước vào Mùa Chay nếu ta đặt câu hỏi : ta phải làm gì đây, phải cố
gắng sống thế nào cho đẹp lòng Chúa, thì quan ngôn sứ I-sai-a, Chúa đã cho chúng
ta câu trả lời. Không những thế, Chúa còn cho ta những tấm gương sống động như đã
nói trên đây, và còn biết bao nhiêu tấm gương khác nữa. Tất cả đang trả giá để
bày tỏ lòng yêu nước trước hiểm hoạ xâm lăng, để nói lên khát vọng tự do dân chủ,
để đấu tranh cho công lý, cho hoà bình. Họ không phải là những người ngồi trước
bàn phím ung dung đặt câu hỏi : phải lên tiếng hay không lên tiếng. Họ cũng không
dừng lại nơi những kiến thức thâu thập được từ những buổi tập huấn về học thuyết
xã hội của Giáo Hội Công Giáo, và cứ coi như học thuộc bài để trả cho thầy là
xong.
Kết luận
Sống dưới chế độ độc tài toàn trị, ý chí người dân bị tê liệt vì
sợ hãi. Đó là lý do khiến nhạc sĩ Tô Hải trong cuốn Hồi Ký của ông đã
tự nhận mình là một “thằng hèn”. Điều hiển nhiên là khi công khai nhìn nhận mình
là một “thằng hèn”, Tô Hải không còn là một thằng hèn nữa. Có điều phải vượt
qua tuổi 70 Tô Hải mới công khai nhìn nhận điều đó. Còn Việt Khang và những bạn
trẻ tôi đề cập đến trên đây không chờ đến khi mắt mờ chân chậm mới bày tỏ khát
vọng tự do, dân chủ, mới dấn thân đấu tranh cho công lý, mới tìm cách thể hiện
lòng yêu nước và chấp nhận trả giá.
Hôm nay, chúng ta họp nhau để cầu nguyện cho công lý và hoà
bình, để tôn vinh Thiên Chúa là Đấng làm Chủ lịch sử. Qua những diễn biến ở Bắc
Phi và Trung Đông, điều hiển nhiên là khát vọng dân chủ tự do đang đẩy lùi các
chế độ độc tài toàn trị, mời gọi chúng ta xác tín rằng không có gì mà Thiên Chúa
không làm được. Có điều Thiên Chúa cần chúng ta tiếp tay với Ngài. Ước gì chúng
ta đừng để cho Thiên Chúa thất vọng.
Sài Gòn, ngày 26 tháng 02 năm 2012
Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm
No comments:
Post a Comment