Jonathan London - Các cuộc gặp của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ở Hà Nội vào hôm thứ
hai là một sự kiện quan trọng trong tiến trình quan hệ ngoại giao song phương
giữa Washington và Hà Nội trong những nỗ lực nhằm phát triển quan hệ này lên tầm
“đối tác toàn diện”. Nhưng ý nghĩa lớn hơn của các cuộc gặp ấy, hay là mục đích
tiềm tàng của chúng, đòi hỏi phải có một cái nhìn rộng hơn cả vào hiện tại lẫn
tương lai.
Chuyến thăm của Kerry diễn ra vào một thời điểm đặc biệt thú vị
trong tình hình chính trị Việt Nam. Quả thật, tốc độ thay đổi trong nền chính
trị Việt Nam đã gia tăng với nội dung khó đoán biết hơn, và do đó, thú vị hơn
so với hồi trước. Gần đây nhất, cuộc cải cách hiến pháp và những mối lo ngại về
nhân quyền đã trở thành chủ đề bao trùm trong các thảo luận chính trị. Tôi sẽ
tóm tắt những diễn biến mới này trước khi trở lại với câu hỏi lớn hơn được đề cập
ở đầu bài.
Cải cách và nhân quyền
Chúng ta hãy bắt đầu với công cuộc cải cách hiến pháp, và cái kết
luận chống lại sự thay đổi, cùng với các sự kiện liên quan đến nhân quyền. Sau
một cuộc thảo luận mở và công khai chưa từng có tiền lệ về cải cách hiến pháp,
trong đó có cả những thảo luận rất đáng chú ý về nhu cầu phải thay đổi thể chế
căn bản, Quốc hội Khóa 13 của Việt Nam đã quyết định thông qua một bản hiến
pháp sửa đổi mà về cơ bản là phớt lờ mọi thay đổi quan trọng, trước sự thất vọng
(dù không ngạc nhiên) của những người cổ súy cho cải cách trong và ngoài nhà nước.
Ngay sau khi Quốc hội bỏ phiếu, một số ít nhưng đều là các nhân
vật có tiếng, đảng viên lâu năm của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã rời khỏi Đảng.
Những người này và các cá nhân cổ súy cho cải cách khác đều khẳng định rằng nếu
Việt Nam muốn giải quyết các khó khăn lớn nhất lúc này, thì đất nước cần những
định chế có thể tăng cường minh bạch, trách nhiệm giải trình, và nhà nước pháp
quyền, theo một cách àm bản hiến pháp sửa đổi đã không làm được.
Vài ngày trước cuộc bỏ phiếu về hiến pháp, các nhà nước thành
viên Liên Hợp Quốc cũng đã bỏ phiếu dành cho Việt Nam một ghế trong Hội đồng
Nhân quyền. Như chúng ta có thể thấy trước, kết quả này bị đón nhận trong sự thất
vọng của những người ủng hộ cải cách trong và ngoài nhà nước, và của những người
đã phải chịu đựng hậu quả của các thành tích nhân quyền “không khí” của Việt
Nam.
Điều mà có lẽ không được trông đợi, từ cả phía chính quyền lẫn
nhiều nhà quan sát đang phát nản về chính trị Việt Nam, là phản ứng rất thông
minh và mới mẻ của những người ủng hộ cải cách. Thay vì thất vọng giơ tay lên
trời hay âm thầm rút lui vào im lặng, họ đã hào hứng đón nhật kết quả Việt Nam
vào LHQ như một cơ hội để buộc nhà nước phải giải trình trách nhiệm như một
thành viên đầy tích cực của Hội đồng Nhân quyền.
Có thể thấy điều này rõ nhất ở các nỗ lực – dựa vào xã hội dân sự
– của những người ủng hộ cải cách nhằm quảng bá việc Việt Nam trở thành thành
viên Hội đồng, nhằm nhấn mạnh một cách rất đặc biệt những cam kết chính thức của
Việt Nam liên quan đến Công ước Quốc tế về Nhân quyền, và nhằm tiến hành một
chiến dịch gây xôn xao một cách đáng ngạc nhiên, mặc dù được tổ chức lỏng lẻo,
nhằm nâng cao nhận thức của người dân Việt Nam về nhân quyền và quyền thực tế của
họ như là những công dân của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Vào các ngày 8 và 10/12, chỉ sáu ngày trước các phiên đàm phán
song phương của Kerry ở Hà Nội, và trong bối cảnh đàm phán về TPP đang diễn ra
(và khá căng thẳng), những người cổ súy cho cải cách ở Việt Nam đã tổ chức một
loạt sự kiện kỷ niệm ngày Nhân quyền Quốc tế, gồm những buổi sinh hoạt, thảo luận
với người của cộng đồng quốc tế, và chính thức thành lập tổ chức phi đảng phái
– Mạng Lưới Blogger Việt Nam.
Người tham dự tụ tập ôn hòa để phân phát tài liệu về nhân quyền
và các cam kết của Việt Nam liên quan đến nhân quyền (một nhiệm vụ mà đúng ra
chính nhà nước Việt Nam phải tham gia). Thật không may, nếu không nói là đáng
ngạc nhiên, là các nỗ lực này được đáp lại bằng một loạt biện pháp đàn áp quá
quen thuộc, từ việc cho nhân viên an ninh mặc thường phục và côn đồ đánh đập, đến
thu giữ trái phép tài sản cá nhân, và đe dọa.
Người ta có thể ngạc nhiên tự hỏi, những diễn biến thú vị này
trong tình hình chính trị Việt Nam sẽ ảnh hưởng tới các cuộc thảo luận hôm thứ
hai ra sao.
Tình hình chính trị ở Hà Nội
Là người Mỹ và là người quan sát lâu năm về chính trị và xã hội ở
Việt Nam, nhưng tôi chưa bao giờ đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ Mỹ-Việt. Tuy
nhiên, trong tình hình bây giờ, tôi bỗng thấy mối quan hệ này thu hút chú ý và
quan trọng. Lập trường của Việt Nam trong các cuộc đối thoại – vào thời điểm đặc
biệt hiện nay – đặc biệt thú vị, và khó giải mã.
Điều gì đang diễn ra ở quảng trường Ba Đình, chúng ta có thể phỏng
đoán không? Trước khi trả lời trực tiếp câu hỏi này, cái quan trọng là phải nhấn
mạnh rằng bên dưới vẻ bề ngoài thống nhất của một nước độc đảng, nhà nước Việt
Nam, ở một vài khía cạnh đáng chú ý, lại là đa nguyên, mặc dù theo một kiểu
không hữu hiệu). Hành vi của nó chỉ có thể được hiểu như là sản phẩm kết hợp của
một cuộc tranh giành đấu đá, đôi khi có màu sắc phong kiến, giữa các nhân tố cải
cách và các nhân tố muốn giữ mọi sự ở nguyên trạng.
Mặc dù cuộc bỏ phiếu thông qua hiến pháp cho thấy những giới hạn
trần, hoặc mục đích tới hạn của những động lực cải cách bên trong chính quyền,
nhưng thật ra, số phiếu tán thành là một phong vũ biểu phản ánh sai lạc tình
hình trong chính quyền, bởi lẽ, các đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam buộc phải
thuận theo cơ chế trung ương quyết định, và hành vi thách thức công khai trước
Quốc hội – một cơ quan của Đảng, do Đảng và vì Đảng – chỉ đơn giản là không nằm
trong các khả năng có thể xảy ra.
Với mong muốn tăng cường quan hệ với Washington, mở rộng thị trường
đầu ra cho thương mại, và thúc đẩy lại nhịp độ đầu tư hiện đang ì ạch, chính phủ
Việt Nam giữ lập trường để có thể hưởng lợi thật nhiều từ một cách tiếp cận đa
dạng hơn, sáng tỏ hơn và (như một số người Việt Nam có thể nói) văn minh hơn
trong việc điều hành đời sống xã hội trong nước, và trong các diễn văn chính trị,
trong việc vận động chính trị trong nước nói riêng.
Tôi không phải là nhà phân tích duy nhất có quan điểm cho rằng yếu
tố quan trọng nhất mà nền kinh tế chính trị của Việt Nam đang thiếu là minh bạch,
trách nhiệm giải trình, và nhà nước pháp quyền. Dứt khoát là các tiến bộ trong
cải cách ở Việt Nam – và quả thật là trong cách vận hành của nền kinh tế – phụ
thuộc vào những đối sách rõ ràng, hiệu quả đối với các khiếm khuyết về thể chế.
Dường như đã rõ ràng là để có được những đối sách này, thì cần phải có một nỗ lực
xây dựng không ngừng nghỉ nhằm chấm dứt mô hình điều hành xã hội thiếu tính xây
dựng, đầy hoang tưởng, bạo lực và quả thật là bất hợp pháp, mà chúng ta đã chứng
kiến trong quá khứ và hiện tại.
Vâng, người Việt Nam ở trong và ngoài bộ máy nhà nước đều có những
khác biệt về việc chính trị Việt Nam phải như thế nào. Một số người cho rằng
“chủ nghĩa xã hội hoàn hảo” có lẽ phải cuối thế kỷ mới có. Tuy nhiên, với những
người có suy nghĩ nghiêm túc về việc giúp đất nước tiến lên, thì có một nhu cầu
to lớn hơn bao giờ hết, là phải vượt qua những động lực đàn áp hoang tưởng
trong quá khứ.
Tôi tin rằng người dân Việt Nam không muốn trải qua thêm nhiều
năm, thậm chí thập niên, cái mà chúng ta có thể gọi là “hội chứng Việt Nam”: một
sự kết hợp đặc biệt giữa đa nguyên không minh bạch và bất hữu hiêu, hành vi
phong kiến, và những động lực trấn áp mà từ đâu đã dại dện cho nền chính trị cả
nước, và vẫn đang tiếp tục phá hoại cũng như giới hạn các khả năng có được một
trật tự xã hội công bằng, năng động về kinh tế, và sôi động hơn.
Cái mà người Việt Nam xứng đáng được hưởng, nhưng cuộc cải cách
hiến pháp gần đây dã bác bỏ – là các bước tiến thực sự và có ý nghĩa nhằm giải
quyết những hạn chế căn bản về thể chế. Điều này đưa chúng ta trở lại với các
cuộc đàm phán song phương trong tuần.
Quá khứ, hiện tại và tương lai
Thật kỳ cục và trùng khớp là tại thời điểm quyết định hiện nay
trong lịch sử đương đại Việt Nam, các gương mặt lãnh đạo của đất nước đều gặp
khó khăn trong việc đối thoại một cách xây dựng với Mỹ. Có một mối quan hệ đặc
biệt giữa Mỹ và Việt Nam, vì những lý do mà tất cả chúng ta đều đã biết. Bản
thân Ngoại trưởng Kerry cũng là một phần trong quá khứ này, và nói chung ông được
những phe lớn trong đội ngũ lãnh đạo Việt Nam mến và tôn trọng. Do đó, để Việt
Nam tiến lên, có cách nào tốt hơn là chấm dứt kiểu chính trị đàn áp, lạc hậu,
và thực thi các khả năng để giúp Việt Nam đi tới.
Những cuộc cải cách thể chế có ý nghĩa sẽ chỉ đến thông qua tiến
trình đa phương, mà vào một thời điểm nào đó, có thể vượt qua các trở lực nằm
bên trong phe bảo thủ, đầu óc bị ám ảnh vì an ninh quốc gia. Những con người
dũng cảm cổ súy cho xã hội dân sự ở Việt Nam hiện nay tiến hành công việc của họ
bất chấp nguy hiểm lớn, bởi vì họ yêu nước và họ khao khát những quyền tự do
căn bản, mà chính nhà nước của họ đã cam kết, cả theo hiến pháp lẫn theo các
quy định quốc tế.
Trên thực tế, chính là nhà nước Việt Nam, chứ không phải công
dân Việt Nam, muốn ngồi vào Hội đồng Nhân quyền, và họ nên, họ phải thúc đẩy
nhân quyền trong nước mình. Thay vì đánh đập những người ủng hộ cải cách, nhân
viên công quyền nên bảo vệ, và tham gia cùng những nhà hoạt động đó trong tinh
thần “niềm tin chiến lược” như chính Nguyễn Tân Dũng đã đề cập cách đây không
lâu ở Singapore.
Cuối cùng, cải cách thể chế, theo hướng Việt Nam cần, sẽ đòi hỏi
những nỗ lực của rất nhiều bên tham gia, cả ở trong và ngoài chính quyền, kể cả
những phe phái trong nhà nước mà vốn vẫn phản đối hoặc chỉ đơn giản là chẳng biết
gì về nhu cầu cải cách. Việt Nam không phải Trung Quốc và sẽ không bao giờ là
Trung Quốc. Và đó là một điều tốt. Việt Nam cũng không phải một đất nước sẽ đi
áp dụng chủ nghĩa tân tự do một cách ngu ngốc.
Việt Nam cần vạch ra con đường của chính mình. Và hy vọng của
công dân Mỹ này là những cuộc đàm phán song phương hôm thứ hai, cùng với các nỗ
lực cải cách trong và ngoài nhà nước, sẽ giúp đất nước Việt Nam tuyệt vời này
bước vào một con đường hứa hẹn hơn. Một con đường có thể thật sự mang lại cho đất
nước Tự do, Độc lập, Hạnh phúc, những điều mọi người dân vốn vẫn khao khát, bất
kể giai cấp, đảng phái, tầng lớp
Jonathan London, Hà Nội
No comments:
Post a Comment