Sunday, December 15, 2013

VIỆT NAM: ĐỐI THOẠI NHÂN QUYỀN PHẢI ĐEM LẠI NHỮNG BƯỚC TIẾN CỤ THỂ

ĐÃ ĐẾN LÚC CHÍNH QUYỀN VIỆT NAM PHẢI BẮT ĐẦU THỰC HIỆN CÁC CAM KẾT VỀ NHÂN QUYỀN – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu, chính quyền Việt Nam nên nhân dịp Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ sắp tới phóng thích các tù nhân chính trị và đưa ra cam kết chấm dứt đàn áp các blogger, những người hoạt động vì quyền lợi đất đai cũng như những người lên tiếng phê phán chính phủ một cách ôn hòa. Kỳ Đối thoại Việt-Mỹ về Nhân quyền lần thứ 17 sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 12 tháng Tư.

“Chính quyền Việt Nam đã tổ chức hàng loạt phiên tòa chính trị trình diễn nhằm ngăn chặn trào lưu bất đồng chính kiến đang gia tăng,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Hoa Kỳ cần nhân cơ hội này tuyên bố rõ rằng Việt Nam cần tiến hành cải tổ một cách nghiêm túc để cải thiện tình trạng nhân quyền, nếu không sẽ phải chịu những hậu quả nghiêm trọng, kể cả những sứt mẻ trong quan hệ với Hoa Kỳ.”  
Theo Hoa Kỳ, mục đích của đối thoại về nhân quyền là mang lại những kết quả cụ thể nhằm thu hẹp những khác biệt giữa tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế và chính sách về nhân quyền cũng như việc thực thi các chính sách đó ở Việt Nam. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho rằng phía Hoa Kỳ nên tuyên bố thẳng thắn rằng nếu muốn được coi là một đối tác quốc tế có trách nhiệm, Việt Nam cần thể hiện những bước tiến mạnh mẽ nhằm đáp ứng các nghĩa vụ quốc tế về nhân quyền của mình ngay lập tức.
Việt Nam đang tranh một ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, và đương nhiên sẽ phải đối mặt với quy trình xem xét nghiêm khắc hơn về thành tích nhân quyền của mình theo thủ tục Đánh giá Định kỳ Toàn cầu của Hội đồng này.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền muốn nhắc đến số lượng lớn những vụ người phản đối ôn hòa ở Việt Nam bị truy tố hình sự, và con số đó vẫn đang tiếp tục gia tăng. Trong năm 2012, có ít nhất 40 người bị truy tố và kết án trong các phiên tòa không phù hợp với quy trình xét xử quốc tế và các tiêu chuẩn về xét xử công bằng. Điều đáng báo động là, chỉ trong vòng sáu tuần lễ đầu tiên của năm 2013, có thêm ít nhất 40 người nữa đã bị kết án trong các phiên tòa chính trị.
“Năm ngoái là một năm tồi tệ đối với những nhà bất đồng chính kiến, vì hàng loạt trong số họ đã bị bỏ tù,” ông Adams nói. “Nhưng chỉ trong hai tháng đầu năm 2013, con số các nhà hoạt động bị bỏ tù sau các phiên tòa chính trị đã cao bằng cả năm 2012. Chính quyền Việt Nam cần nhận ra rằng họ không thể giải quyết được các vấn đề nghiêm trọng về chính trị và xã hội của đất nước bằng cách tống tất cả những ai lên tiếng phê phán chính quyền vào tù.”
Trong những tháng gần đây, chính quyền phát động một chiến dịch ngăn chặn những ý kiến phê phán về quá trình sửa đổi hiến pháp Việt Nam. Hình như chiến dịch cũng này là một tác nhân trong vụ bắt giữ luật sư bảo vệ nhân quyền Lê Quốc Quân vào ngày 27 tháng Mười Hai năm 2012, và vụ chính quyền sách nhiễu và đe dọa những người lên tiếng chỉ trích, như nhà báo Nguyễn Đắc Kiên và nhà hoạt động Phật Giáo Lê Công Cầu trong tháng Hai và tháng Ba năm 2013. Tư gia của nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn, người được trao giải Hellman Hammett năm 2012, bị những kẻ côn đồ giấu mặt ném đầu và ruột cá thối vào. Vào các ngày mồng 8 và 9 tháng Tư, hai blogger Bùi Thị Minh Hằng và Nguyễn Chí Đức bị hành hung trong khi cảnh sát không can thiệp.
Có một số tù nhân chính trị ở Việt Nam đã bị giam giữ trong hàng chục năm. Một số trường hợp tù nhân bị từ chối yêu cầu được khám chữa bệnh đầy đủ, dù tình trạng sức khỏe của họ đã suy sụp. Một người trong số đó là Nguyễn Hữu Cầu, năm nay 66 tuổi, bị giam lần đầu vào năm 1975, sau đó bị bắt lại vào năm 1982 và bị giam suốt từ đó đến nay. Có tin sức khỏe của ông gần đây đã xấu đi rất nhiều.
Để thực hiện bước đầu tiên có tính khẩn cấp và nhân đạo, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi Việt Nam cho phép tất cả những người bị giam giữ vì lý do chính trị đang gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, như Nguyễn Hữu Cầu, được tại ngoại khám chữa bệnh, sau đó nhanh chóng xem xét lại các trường hợp của họ một cách độc lập và khách quan để đảm bảo rằng những người từng bị giam giữ chỉ vì thực thi các quyền con người cơ bản của mình một cách ôn hòa sẽ được trả tự do hoàn toàn và vô điều kiện.
Danh sách những người có thể thuộc diện trên bao gồm: Nguyễn Hữu Cầu, Trần Huỳnh Duy Thức, Hồ Đức Hòa, Đặng Xuân Diệu, Lê Văn Sơn, Nguyễn Văn Hải, Mai Thị Dung, Nguyễn Công Chính, Phạm Thị Phượng, Tạ Phong Tần, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Trần Thị Thúy, Phùng Lâm, Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Tiến Trung, Phạm Văn Thông, Nguyễn Ngọc Cường, Đinh Đăng Định, Nguyễn Xuân Nghĩa, Trần Vũ Anh Bình, Nguyễn Kim Nhàn, Hồ Thị Bích Khương, Lê Thanh Tùng, Phan Ngọc Tuấn, Vi Đức Hồi, Nguyễn Văn Lía, Võ Minh Trí, Lê Quốc Quân – và nhiều người khác nữa.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi chính quyền Việt Nam vận dụng quy trình sửa đổi hiến pháp đang được triển khai để khởi xướng một chương trình khẩn cấp nhằm cải tổ pháp lý với các mục tiêu sau đây:

·                     Sửa đổi hoặc hủy bỏ các quy phạm pháp luật có nội dung hình sự hóa bất đồng chính kiến ôn hòa, tự do ngôn luận và tổ chức nghiệp đoàn;
·                     Dỡ bỏ mọi rào cản pháp lý đối với việc tự do tiến hành các hoạt động tín ngưỡng ôn hòa của các tổ chức tôn giáo độc lập;
·                     Chấm dứt các kế hoạch triển khai “Nghị định về Quản lý, Cung cấp và Sử dụng Dịch vụ Internet và Nội dung Thông tin Trên Mạng” và chấm dứt việc chặn lọc, theo dõi và các hình thức hạn chế khác đối với việc sử dụng internet;
·                     Hủy bỏ mọi cơ sở pháp lý biện minh cho việc cưỡng bức lao động và giam giữ không qua xét xử dẫn tới cái gọi là “lao động trị liệu” đối với các trường hợp sử dụng ma túy hay các mục đích khác; và
·                     Hủy bỏ mọi quy phạm pháp luật cho phép trưng thu đất đai không kèm theo một quy trình thích hợp, đền bù công bằng và có phương thức kiểm tra độc lập và khách quan.
“Từ rất lâu rồi, chính quyền Việt Nam được hưởng một hành trình quá dễ dãi về nhân quyền, hậu quả là nhân dân Việt Nam phải chịu sự lạm dụng ngày càng tăng,” ông Adams nói. “Lộ trình hướng đến cải tổ đã rõ ràng, nhưng điều đó còn đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam phải dung thứ bất đồng chính kiến và chấp nhận quyền của người dân được ủng hộ các quan điểm khác biệt.”

No comments:

Post a Comment