Monday, December 9, 2013

HÃY VƯỢT QUA SỰ SỢ HÃI CỦA MỖI CHÚNG TA!


(Kỷ niệm 65 năm ngày Nhân Quyền Quốc Tế)

Kể từ khi xã hội nguyên thủy của loài người hình thành nên sự phân chia giai cấp, giai cấp thống trị đã dùng mọi thủ đoạn để tạo ra sự sợ hãi, lệ thuộc của giai cấp bị trị, tước đoạt đi đa số các quyền cơ bản của họ và diệt trừ thẳng tay những mầm mống về khát vọng tự do và bình đẳng trong mỗi con người.

Những tư tưởng về thần quyền, về đấng tối cao ban cho một số người có quyền cai trị những người khác, về thuyết vua tôi “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” hay những chủ nghĩa độc tài, độc đoán đã đè nặng lên tâm trí con người, khiến họ dù chiếm số đông nhưng luôn sống trong sợ hãi, phải hài lòng với những quyền nhỏ nhoi được những kẻ cai trị ban phát cho mình. Nhưng dù trải qua hàng ngàn năm, những mầm tư tưởng về bình đẳng, về tự do, về các quyền tự nhiên mà tạo hóa ban cho con người vẫn không hề bị hủy diệt mà càng bị đàn áp, nó càng trỗi dậy mạnh mẽ. Khi có những con người dũng cảm chiến thắng sự sợ hãi, họ sẽ cất lên những tiếng nói của sự thật, của chân lý và trở thành những ngọn cờ cách mạng để tập hợp mọi người cùng nắm tay nhau vượt qua sự sợ hãi làm nên những điều kỳ diệu giải phóng con người.
Có những câu chuyện trong lịch sự cận đại đã thể hiện hành trình vượt qua sự sợ hãi của con người như vậy. Năm 1915, khi  Mahatma Gandhi từ Nam Phi trở về Ấn Độ, ông đã nhận ra rằng, bản thân Ấn Độ đang tự chấp nhận sự đô hộ của thực dân Anh. Muốn giành độc lập, chính người Ấn Độ phải vượt qua, chiến thắng tâm lý bị trị của mình trước. Ông đã tạo ra hành trình lấy muối kỳ diệu, thực ra là hành trình chiến thắng sự sợ hãi của người dân. Bằng một hành động phản kháng rất cụ thể, dễ hiểu và dễ thực hiện với mọi người là đi ra bờ biển bốc một nắm muối để phản đối chính sách độc quyền sản xuất muối của thực dân Anh, ông đã lôi kéo được hàng chục ngàn người tham gia. Và cứ như vậy với tinh thần bất bạo động nhưng phản kháng rất kiên quyết, ông đã cùng những người dân Ấn độ giành lại độc lập cho đất nước của mình. Một người cũng rất nổi tiếng khác trong lịch sử đấu tranh cho quyền con người là Martin Luther King. Khi những người da đen tại Mỹ bị phân biệt đối xử, Martin Luther King đã dẫn đầu cuộc đấu tranh đòi quyền của họ bằng những biện pháp bất bạo động nhưng tập hợp được sức mạnh của số đông. Điển hình là phong trào tẩy chay xe buýt, một hành động phản kháng lại luật bất bình đẳng là người da đen phải nhường ghế cho người da trắng. Khi một người phụ nữ da đen dũng cảm thẳng thắn từ chối tuân thủ luật này, Luther King đã phát động phong trào tẩy chay xe buýt trong 385 ngày cho đến khi chính quyền chấp nhận bãi bỏ đạo luật vô lý đó.
Sự sợ hãi là biểu hiện của con người thiếu tự do, thiếu độc lập tự chủ. Vì quyền lực không nằm trong tay họ nên họ khiếp sợ trước sự trừng phạt, đàn áp của những kẻ nắm quyền. Nhưng sự sợ hãi sẽ làm cạn kiệt những động lực tích cực của con người như sự sáng tạo, cống hiến và niềm tin để đóng góp xây dựng một xã hội tốt đẹp và thịnh vượng. Như Fukuzawa Yukichi đã nói : “Độc lập dân tộc nhờ độc lập cá nhân”. Một đất nước có độc lập, tự do khi mỗi người dân của nước đó có được độc lập tự do. Mỗi cá nhân chỉ có được độc lập, tự do khi các quyền con người của anh ta được tôn trọng và  bảo vệ đầy đủ bằng pháp luật mà không có một thế lực nào có thể tước đoạt được. Đó còn là qui luật khách quan của sự phát triển thịnh vượng, văn minh của các quốc gia đã được minh chứng trong thực tế. Ở những nước nào người dân được đảm bảo đầy đủ các quyền con người để người dân có thể tự tin phát huy hết tiềm năng của mình, ở nước đó có dân chủ, công bằng, thịnh vượng, văn minh. Ngược lại, ở nước nào người dân bị tước đoạt các quyền con người, phải sống trong sợ hãi lệ thuộc, ở nước đó có cường quyền, tham nhũng, nghèo nàn, lạc hậu. Thật là sai trái khi nhiều người cho rằng phải phát triển kinh tế để người dân giàu có trước rồi mới nghĩ tới nhân quyền. Đó là sự phát triển trái qui luật chỉ dẫn đến một xã hội bất ổn và bạo loạn.
65 năm đã qua kể từ khi Liên Hiệp Quốc chính thức thông qua bản Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền. Hành trình đấu tranh cho nhân quyền của nhân loại đã tiến những bước dài nhờ sự đóng góp đấu tranh không ngừng nghỉ của biết bao con người. Dù đã trở thành những giá trị phổ quát cho mọi người trên toàn thế giới nhưng vẫn có rất nhiều nơi trên thế giới những kẻ thống trị vẫn trì hoãn và ngụy biện không chịu công nhận những quyền con người nhằm kéo dài sự thống trị của mình. Và vì thế ở những nơi đó, chỉ có một con đường duy nhất cho người dân để dành lại quyền con người của mình là phải đứng dậy vượt qua sự sợ hãi của chính mình. Từ những hành động phản kháng nhỏ nhưng biết đoàn kết với nhau để tạo ra sức mạnh tập thể, bóng tối của sự sợ hãi sẽ bị xóa tan và bình minh của tương lai tươi sáng sẽ đến. Hãy cùng nắm tay nhau để cùng vượt qua sự sợ hãi của mỗi chúng ta!

Mai Anh
Phong trào Con Đường Việt Nam

No comments:

Post a Comment