Tuesday, December 17, 2013

JOHN KERRY LÀ AI ?

Trong bài viết dài hơn 9.600 từ trên nguyệt san The Atlantic (12/2013), cây bút bình luận Reuters, David Rohde đã khen John Kerry với những thành công của ông trong gần một năm ngồi ghế ngoại trưởng. Xuất thân John Kerry đã được kể lại như một phần lý do để giải thích thành công của nhân vật chính trị gia lão làng này…

Dòng dõi
John Kerry xuất thân từ gia đình có người theo Bà-la-môn. Ông nội là người Tiệp Khắc theo Do Thái tên Fritz Kohn. Theo lời một thành viên gia đình, Fritz Kohn và anh chị em mình đã dò trên bản đồ châu Âu và ngẫu nhiên chọn hạt Kerry tại Ireland làm tên thay thế để tránh làn sóng bài Do Thái. Đó là lý do tại sao một số người Mỹ gốc Ireland cho rằng John Kerry là dân gốc Ireland. Cùng vợ (Ida Lowe, sinh trong gia đình Do Thái tại Budapest), Fritz Kohn đổi tên thành Frederick Kerry, cải đạo sang Công giáo năm 1902 và di cư đến Mỹ năm 1905.
Sau thời gian làm tư vấn doanh nghiệp thành công tại Chicago, Frederick Kerry dọn đến Massachusetts. Năm 1915, Richard Kerry (bố John Kerry) ra đời. Đến trước năm 1921, gia đình Kerry đã lên đẳng cấp thượng lưu và Frederick Kerry từng được báo Boston Globe (thời điểm đó) gọi là “nhân vật nổi bật trong làng doanh nghiệp giày”. Ngày 23/11/1921, Frederick Kerry vào phòng vệ sinh khách sạn Copley Plaza ở Boston, rút khẩu súng lục, nã vào đầu. Vài ngày trước, ông đã lập di chúc, tiết lộ những khoản nợ gần bằng giá trị tài sản gia đình. Cậu Richard Kerry 6 tuổi mất cha. Tuy nhiên, gia đình chưa đến nỗi phá sản và Richard Kerry vẫn đủ khả năng theo Đại học Yale và Harvard.
John Kerry với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (phải) tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ngày 26/9/2013
Trong một chuyến sang châu Âu năm 1937, Richard theo một lớp điêu khắc tại thị trấn vùng biển St. Brieuc (Pháp) và gây ấn tượng tốt cho gia đình bề thế James Grant Forbes (dân gốc Massachusetts và cũng từng học luật tại Harvard). Vợ James Grant Forbes - Margaret Winthrop - thuộc hậu duệ gia đình Winthrop từng có công thành lập bang Massachusetts. Khi được mời đến thăm nhà Forbes, cậu thanh niên đồng hương Massachusetts Richard Kerry đã gây ấn tượng tốt cho Rosemary, một trong 11 người con của Forbes. Rồi Đức Quốc xã xuất hiện. Năm 1940, quân Đức tiến vào làng Brittany và chiếm biệt thự Forbes làm căn cứ. Rosemary phải trốn lên Paris và sang Mỹ. Vài tháng sau, Richard và Rosemary tổ chức lễ cưới tại Alabama, nơi Richard đang theo khóa huấn luyện phi công quân sự.
Con đường chính trị
John Kerry - thứ hai trong bốn người con - ra đời ngày 11/12/1943, tại Quân y viện Fitzsimmons ở Denver, bang Colorado (nơi Richard đang nằm điều trị bệnh phổi). Sau đó, Richard làm việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ và Rosemary làm tình nguyện viên cho hoạt động cộng đồng. John Kerry sống năm đầu tiên tại Groton, 5 năm kế tại thị trấn Millis (Massachusetts) và sau đó là Washington DC.
Năm 11 tuổi, khi bố được bổ nhiệm làm tư vấn pháp lý cho James B. Conant (Giám đốc Cao ủy Hoa Kỳ tại Đức), John Kerry học nội trú tại Thụy Sĩ, chỉ được về thăm gia đình tại Tây Đức vào kỳ hè. Năm 1957, sau khi bố trở thành Chánh văn phòng chính trị Đại sứ Hoa Kỳ ở Na Uy, cậu John Kerry 13 tuổi được đưa về Mỹ, học tại West Newton (Massachusetts), nơi cậu kết thân với Richard Pershing - cháu vị tướng Mỹ nổi tiếng John Joseph Pershing (chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Âu thời Thế chiến thứ I). Sau đó, John Kerry học tại St. Paul và rồi Đại học Yale. Thời gian này, John Kerry bắt đầu kết thân gia đình Tổng thống John F. Kennedy; từng làm việc thời gian ngắn cho chiến dịch tranh cử Thượng viện của Edward Kennedy; quen với Janet Auchincloss (chị/em cùng cha khác mẹ với Jacqueline Kennedy); và nhờ vậy có dịp tiếp xúc John F. Kennedy nhiều lần.
Trong 4 năm Đại học Yale (1962-1966), John Kerry ở cùng phòng với Harvey Bundy (có hai ông chú/bác William và McGeorge Bundy làm việc trong Nội các Kennedy và là những người phản đối gay gắt cuộc chiến leo thang của Mỹ tại Việt Nam). Gần đến ngày tốt nghiệp, John Kerry bắt đầu chán học, thường xuyên trốn lớp để học bay. Cuối cùng, John Kerry đăng ký quân dịch. Đầu tháng 2/1968, Kerry được đưa đến vịnh Bắc Bộ, trên tàu USS Gridley. Đó cũng là lúc Kerry nghe tin người bạn thân Richard Pershing (nói ở trên) tử trận. Sau thời gian đóng quân tại Đồng bằng sông Cửu Long, đầu tháng 4/1969, Kerry rời Việt Nam, với 3 huân chương Trái tim tím, một Ngôi sao đồng và một Ngôi sao bạc.
John Kerry lập gia đình với Julia Stimson Thorne, người mà Báo New York Times từng miêu tả là thuộc dòng họ “có công định dạng nền cộng hòa Mỹ thời lập quốc”. Tháng 9/1973, John Kerry ghi danh Đại học Luật Boston và 3 năm sau trở thành công tố viên Middlesex (Massachusetts). Năm 1982, Kerry được bầu làm Phó thống đốc Massachusetts và 2 năm sau giành được ghế thượng nghị sĩ. Chiến tranh lạnh đã bước vào giai đoạn cuối khi Kerry vào Quốc hội. Tổng thống tái đắc cử Ronald Reagan đang bí mật tài trợ chiến dịch lật đổ chính phủ cánh tả Nicaragua bằng cách lén lút bán vũ khí cho Iran để lấy tiền ủng hộ lực lượng contra cánh hữu Nicaragua. Nhân vật đàm phán cho thương vụ tai tiếng là trung tá Oliver North (tùy viên Hội đồng an ninh quốc gia Hoa Kỳ, cũng từng tham chiến tại Việt Nam). Vụ việc đổ bể. Đích thân John Kerry sang Nicaragua trong sứ mạng tìm hiểu sự thật và chất vấn nhiều viên chức cấp cao liên quan, trong đó có trợ lý ngoại trưởng Elliott Abrams (sau đó bị kết tội bưng bít thông tin và khai man trước Quốc hội nhưng được Tổng thống George H. Bush ân xá năm 1992).
Đầu thập niên 90, John Kerry tập trung vào vấn đề Việt Nam. Cùng thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain, Kerry thực hiện vận động hậu trường kêu gọi Tổng thống Bill Clinton xóa lệnh cấm vận Việt Nam. “Những gì John Kerry và John McCain làm thật sự là một trong những sự kiện nổi bật nhất của chúng ta trong 50 năm qua” - thượng nghị sĩ Edward Kennedy nhận xét…
Ghế ngoại trưởng
Một loạt nhà bình luận Mỹ đang đánh giá cao John Kerry. Cây bút bình luận Reuters, David Rohde, làm một bài “đinh” trên nguyệt san The Atlantic (12/2013) với hàng tít “John Kerry cuối cùng có thể qua mặt Hillary Clinton như thế nào”. Trên Los Angeles Times (8/12/2013), Doyle McManus đặt câu hỏi: “Ngài tân ngoại trưởng đang làm lu mờ Hillary Clinton trên sân khấu thế giới?”. Albert R. Hunt đặt tít bài viết trên New York Times (8/12/2013): “Cho đến giờ mọi việc vẫn tốt với John Kerry”. Và Jon Terbush viết trên The Week (9/12/2013): “Liệu những thành công trong chính sách đối ngoại của John Kerry có làm xói lở hình ảnh Hillary Clinton?”…
Cần nhắc lại, John Kerry không là chọn lựa đầu tiên của Tổng thống Barack Obama ở vị trí kế nhiệm Hillary Clinton. Người thoạt đầu được Obama “chấm” là Susan Rice nhưng sự kiện khủng bố Benghazi (Libya) vào tháng 9/2012 khiến Rice liên đới đã làm ứng cử viên này bị gạt khỏi ghế ngoại trưởng. Thời điểm Kerry nhậm chức, ảnh hưởng Hillary vẫn còn bao phủ. Gần ba tuần sau khi về Bộ Ngoại giao, Kerry mới có bài diễn văn đầu tiên kéo dài một tiếng về chính sách đối ngoại Hoa Kỳ. Chẳng ai thèm nghe. Báo chí phớt lờ. Tờ Washington Post “đi” một bản tin với chỉ 500 từ trong khi New York Times thậm chí bỏ qua không nhắc! Kerry càng bị chê khi có lần lỡ miệng nói đến một quốc gia không có tên trên bản đồ là “Kyrzakhstan” (có lẽ ông muốn nói đến Kazakhstan hoặc Kyrgyzstan).
Giới quan sát châu Á càng thất vọng não nề với John Kerry. Khác với Hillary, hồ sơ châu Á với chính sách tái cân bằng dường như không nằm trên bàn làm việc của Kerry. Cục diện sôi sùng sục Châu Á - Thái Bình Dương là vậy nhưng Kerry vẫn tập trung hướng nhìn về Trung Đông. Cho đến trước chuyến công du châu Á vào trung tuần tháng 12 này, Kerry mới đến Đông Nam Á có ba lần! Thế vì sao mà Kerry được khen?
Vì những gì ông đạt được tại Trung Đông đều là những thứ khó nuốt: Tái lập tiến trình hòa bình Israel - Palestine; đàm phán Moskva để giải giáp kho vũ khí hạt nhân Syria; chìa cành olive với Teheran. “Này, chỉ có hòa bình và ổn định mới có thể thay đổi khu vực” - Kerry nói với nhà bình luận David Rohde vào tháng 10/2013 - “Viễn kiến của tôi là, nếu anh tạo ra được hòa bình, nếu anh có thể giải quyết vấn đề Israel và Palestine cũng như loại được hiểm họa hạt nhân Iran… thì anh có thể mang lại một động lực thay đổi cực lớn ở một khu vực vốn luôn sôi sục. Chỉ nội việc anh giải quyết được vấn đề Israel-Palestine, anh đã có khả năng tạo ra hòa bình với 57 quốc gia trong đó có 35 nước Hồi giáo và 22 nước Arập”… Chẳng phải tự nhiên mà Albert R. Hunt viết rằng, “Những gì Kerry làm được trong chưa đầy 1 năm còn có giá trị hơn những gì Hillary Clinton làm trong 4 năm”. Ngay cả Ngoại trưởng tiền nhiệm (phe Cộng hòa) George P. Shultz (thời Ronald Reagan) cũng phải khen Kerry.
Trong tất cả kết quả mà John Kerry đạt được ở Trung Đông, phải nói rằng thành công trong hồ sơ Iran là lớn nhất (dù báo chí Mỹ vẫn chưa nhấn mạnh đúng tầm sự kiện). Lôi được Teheran vào bàn đàm phán, để tháo ngòi nổ hạt nhân Iran, là điều bất khả thi đối với nhiều Nội các Mỹ suốt nhiều thập niên. Kéo được Iran nhích lại gần Mỹ là một thành công nổi trội của chính sách “tái cân bằng” tại khu vực chảo lửa Trung Đông…
Liệu có phải chỉ khi giải quyết được phần nào các “vụ án” phức tạp, tồn đọng, kéo dài dai dẳng… thì John Kerry mới chuyển tầm nhìn sang châu Á? Thực tế cho thấy hồ sơ châu Á dù chưa được làm đậm trong gần một năm qua từ khi John Kerry ngồi ghế ngoại trưởng nhưng chiến lược tái cân bằng của Washington, bằng cách này hay cách kia, với cường độ đậm nhạt từng lúc, vẫn luôn được tiến hành. Tần suất hiện diện của giới chức và quân đội Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương có thể nói là ở mức cao nhất sau nhiều thập niên. Tháng 4/2014, dự kiến Obama sẽ công du khu vực…

No comments:

Post a Comment