Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry tới Việt Nam ngày hôm nay,
14/12/2013, trong chuyến công du bốn ngày. Chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ, với
trọng tâm là các vấn đề kinh tế và an ninh khu vực, khiến có nhiều lo ngại
trong dư luận là vấn đề nhân quyền sẽ bị coi nhẹ. Ngày 11/12, 47 dân biểu thuộc
đảng Cộng hòa và Dân chủ đã gởi thư tới ngoại trưởng John Kerry, nhấn mạnh đến
tình trạng nhân quyền vẫn tiếp tục tồi tệ ở Việt Nam, với nhiều đàn áp nhắm vào
các blogger và các nhà đối lập. Những người đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ
ở Việt Nam nhìn nhận như thế nào về chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ?
Sau
đây mời quý vị theo dõi phần phỏng vấn của RFI tiếng Việt với ông Nguyễn Bắc
Truyển, cựu tù nhân chính trị, thành viên Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn
giáo Việt Nam.
RFI : Thưa Ông,
nhân dịp Ngoại trưởng Hoa Kỳ công du Việt Nam, xin Ông cho biết cảm nhận của
Ông về sự kiện này.
Ông Nguyễn Bắc Truyển : Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry tới Việt Nam vào hôm
nay. Chuyên cơ của ông tới Sài Gòn vào lúc 11 giờ 30. Trong chuyến đi này, theo
các thông tin tôi được biết qua các trang tin điện tử, cũng như của Bộ Ngoại
giao Hoa Kỳ, Ngoại trưởng John Kerry đặt nặng trọng tâm vào các vấn đề kinh tế
và có thể là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), mà Hoa Kỳ và Việt
Nam đang đàm phán song phương và đa phương với các quốc gia khác.
Có
47 vị dân biểu tại Hoa Kỳ đồng ký vào lá thư gửi ông John Kerry và nói với ông
John Kerry là hãy chú trọng đến tinh thần nhân quyền ở Việt Nam. Vì hiện nay,
sau khi Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, đã ký
vào công ước tra tấn tù nhân, thì tình hình nhân quyền ở Việt Nam hiện nay vẫn
chưa được cải thiện, các tù nhân vẫn bị phân biệt đối xử, và bị giam giữ vô
nhân đạo. Rồi người dân, khi các blogger, các nhà hoạt động đi phát các bản
"Tuyên ngôn nhân quyền" ở các nơi công cộng, thì bị đánh đập, bị hành
hung bởi lực lượng an ninh của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Rồi các hội
đoàn tổ chức hội họp với nhau, thì cũng bị gây nhiều khó khăn. Đấy là tình hình
về nhân quyền ở Việt Nam trong những ngày gần đây mà tôi muốn nói sơ qua.
RFI : Theo Ông, vấn
đề nhân quyền giữ vai trò gì trong chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ, được coi
là tập trung vào vấn đề kinh tế và an ninh ?
Ông
Nguyễn Bắc Truyển : Tôi nghĩ rằng, phía chính quyền Hoa Kỳ luôn quan tâm đến
tình hình nhân quyền tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Do đó, ông Bộ trưởng
Ngoại giao John Kerry là đại diện của chính phủ Hoa Kỳ, cũng sẽ quan tâm về
tình hình nhân quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, do chiến lược xoay trục của Mỹ ở
tại Châu Á-Thái Bình Dương thì có thể họ có một cách tiếp cận về nhân quyền
tương đối là ôn hòa và không gây sức ép nhiều với nhà cầm quyền cộng sản Việt
Nam.
Tuy
nhiên, về phía Quốc hội Hoa Kỳ, các nhà lập pháp quan tâm nhiều đến tình hình
nhân quyền ở Việt Nam, một phần do sự vận động của cộng đồng người Việt tại Hoa
Kỳ, và người Việt đến Hoa Kỳ để thúc đẩy vấn đề này tại Quốc hội. Các nghị sĩ
Hoa Kỳ quan tâm đến tình hình nhân quyền nhiều hơn, và áp lực mạnh hơn, còn có
thể Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có một cách tiếp cận ôn hòa hơn và cũng muốn cho Việt
Nam có nhiều cơ hội để sửa đổi những sai trái về nhân quyền.
Tôi
cho rằng chuyến đi này sẽ có đặt vấn đề nhân quyền với Việt Nam, nhất là những
gì mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã cam kết với quốc tế, cụ thể là 14 cam
kết trước khi gia nhập Hội đồng Nhân quyền, cũng như một số động thái cải thiện
nhân quyền trước khi Hoa Kỳ đồng ý để Việt Nam tham gia vào Hiệp định TPP. Cụ
thể như việc thả một số tù nhân chính trị theo yêu cầu của phía Hoa Kỳ.
RFI : Chuyến công du của Ngoại
trưởng Mỹ có khả năng đạt được một kết quả cụ thể nhất định về phương diện nhân
quyền không ?
Ông
Nguyễn Bắc Truyển : Ông John Kerry nổi tiếng là người chuyên đi đàm phán. Cho
nên tôi tin rằng, chuyến đi này của ông John Kerry sẽ có những bước đi, mà nhà
cầm quyền cộng sản Việt Nam phải thực thi lời hứa trước đây. Tôi tin rằng điều
đó có thể xẩy ra.
Và
đã đến lúc nhà cầm quyền Việt Nam phải thực thi những lời hứa của mình, không
còn chỉ hứa suông nữa. Tôi vẫn hy vọng là từ đây đến trước Tết âm lịch, sẽ có
động thái thả tù nhân ở trong nước. Chưa biết là thả bao nhiêu người và những
người nào sẽ được chọn ra để thả. Hiện nay, tôi cũng nhận được một số thông tin
của một số người tù ở trong đó gửi ra, gia đình họ báo lại cho tôi. Có những
động thái cho thấy nhà cầm quyền đang tiếp xúc với những người tù, có thể dùng
chữ là « nổi tiếng », để yêu cầu một thỏa thuận trước khi ra tù. Trước khi được
thả, phải thực hiện một số điều kiện như là chấp nhận « ký nhận tội », chấp
nhận định cư ở một nước khác sau khi ra tù… Tôi được nghe một số thông tin như
vậy, do các gia đình chuyển đến cho tôi.
RFI : Ông có chia
sẻ gì thêm với thính giả về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam ?
Ông
Nguyễn Bắc Truyển : Về nhân quyền tại Việt Nam, cho đến nay, tôi thấy rằng nhà
cầm quyền cộng sản Việt Nam không còn trốn tránh được vấn đề phải tôn trọng
nhân quyền nữa. Trước đây nhà cầm quyền luôn nói với quốc tế rằng nhân quyền
của Việt Nam sẽ khác với nhân quyền quốc tế, do hoàn cảnh lịch sử. Tuy nhiên,
bây giờ khi Việt Nam đã tham gia vào Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc rồi,
nên Việt Nam phải tôn trọng cái giá trị phổ quát của "Tuyên ngôn nhân
quyền quốc tế", phải thực thi Tuyên ngôn nhân quyền Quốc tế, giống như
việc các nước khác thực thi.
Việc
quan trọng hơn nữa là tôi nghĩ, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không nên dùng
các thủ thuật để qua mắt quốc tế nữa. Vì ngày nay, mọi thông tin đã được truyền
rất nhanh qua truyền thông internet. Và những sự đàn áp trước đây có thể giấu
được, có thể che khuất được, thì hiện nay không còn che khuất được nữa và (rất
dễ dàng) được minh bạch qua internet.
Tôi
vẫn hy vọng là những người lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như nhà
cầm quyền cộng sản Việt Nam hãy thực thi nhân quyền một cách thực sự. Đừng lừa
dối quốc tế, đừng nói một đường, làm một nẻo, thì như vậy cái uy tín của người
cộng sản càng ngày càng xuống tệ hơn.
RFI : Xin cảm ơn
Ông Nguyễn Bắc Truyển
No comments:
Post a Comment