Hoàng Vi (Danlambao)
Bạn tôi – Đỗ Thị Minh Hạnh, người đang thụ án 7 năm tù giam vì tội “phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân”.
Tôi và bạn quen biết nhau ở độ tuổi 18 - 20 – tuổi của sự hồn nhiên, trong sáng, ấp ủ biết bao ước mơ và hoài bão đẹp. Bạn là người vui vẻ, thân thiện, hòa đồng và hay giúp đỡ mọi người.
Ngày ấy, tuy còn đang đi học với muôn vàn khó khăn nhưng bạn vẫn dành thời gian để tìm hiểu, quan tâm và chia sẻ những hiện trạng của xã hội và đất nước. Bạn không ngại khó khăn, lặn lội từ Sài Gòn đến hết tỉnh này sang tỉnh nọ để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh chịu nhiều bất công bị xã hội chà đạp lên quyền làm người của họ, những người dân oan bị cướp đất, những công nhân bị bóc lột sức lao động… Chính những việc làm này mà không ít lần bạn gặp khó khăn với chính quyền. Thật khó hiểu! Có lẽ những việc ấy đã có Đảng và Nhà nước lo, ai bảo bạn giành phần để Đảng và Nhà nước thất nghiệp làm chi? Mặc dù bị Công an giam giữ trái phép nhiều ngày (năm 2005) và giam lỏng ở địa phương, bạn vẫn nung nấu niềm tin, tiếp tục hành trình đấu tranh với mong muốn xã hội thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn, tốt đẹp hơn…
Đầu năm 2010, bạn bị bắt cùng 2 người bạn khi tham gia hỗ trợ công nhân nhà máy Mỹ Phong – Trà Vinh đình công. Trải qua gần 10 tháng điều tra với biết bao nhục hình, bạn vẫn khẳng định rằng mình vô tội. Bạn bị kết án 7 năm tù với tội danh “phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân” - Bản án quá cay nghiệt và không có chút lương tâm, tình người.
Tôi không thể nào tin nổi họ lại kết tội bạn chống lại “chính quyền nhân dân” vì tôi hiểu về những việc bạn làm hơn ai hết. Họ không bao giờ biết rằng năm 2006, khi ông Nguyễn Tấn Dũng đắc cử chức Thủ tướng Chính phủ và ông Nguyễn Minh Triết đắc cử chức Chủ tịch nước, bạn đã vui biết nhường nào, bạn nói với tôi rằng bạn tin dưới sự lãnh đạo “tài tình” của 2 ông, Việt Nam sẽ có tự do, nhân quyền, đất nước sẽ phát triển hơn, văn minh hơn, tiến bộ hơn… Bạn và tôi đã cùng nhau đi ăn uống, ca hát để mừng sự kiện đó. Như vậy mà gọi là “chống lại chính quyền nhân dân” sao? “Chống lại chính quyền nhân dân”, bạn tôi được gì? Nhờ sự lãnh đạo “tài tình” của 2 ông mà bạn phải chịu 7 năm tù cho sự đấu tranh để đất nước này ngày một phát triển hơn. Bản án ấy đã chà đạp lên niềm tin của bạn tôi về một xã hội Việt Nam tốt đẹp hơn, chà đạp lên cái nhìn tốt đẹp mà bạn đã dành cho tầng lớp lãnh đạo. Tôi không biết những người viết lên bản án ấy khi biết được điều này, có cảm thấy ray rức lương tâm không? Bạn tôi chỉ mong các ông hãy mở tai để mà nghe, mở mắt để mà xem thấy những tiêu cực còn tồn tại trong xã hội mà mở lòng thương xót để người dân được nhờ.
Hãy thôi chà đạp lên niềm tin mà bạn tôi vẫn luôn dành cho “chính quyền nhân dân” mà hãy trả tự do cho người bạn vô tội!
Đừng mãi ngủ quên trên “chiến thắng” của 37 năm về trước! Chính quyền sẽ mất vào tay “thế lực thù địch” nếu không biết lấy dân làm gốc - lịch sử đã chứng minh điều đó!
Ngô-An (Danlambao)
Kính thưa quý vị,
Kính thưa quý thân hữu, quý chiến hữu cùng quý Niên trưởng,
Hôm nay - ngày 13 tháng 3 - sẽ là một ngày rất bình thường nếu tôi không biết Hạnh. Tôi còn nợ cô bé ấy nhiều lắm. Có nhiều điều còn nhớ mãi, có những chuyện sẽ không thể nào quên. Thế nhưng, Hạnh vào tù đã được 3 năm, tôi chưa bao giờ viết được một bài trọn vẹn cho em. Có lẽ, tình càm tôi dành cho Hạnh đã bão hòa, đã đầy ắp để mỗi con chữ về Hạnh cũng là thừa. Có lẽ, tôi nhìn thấy sự thừa thãi trong những dòng chữ của mình vì đã có nhiều người viết về Hạnh mặc dù họ chưa được gặp em một lần. Mặc dù họ chưa được một lần nghe Hạnh hát, những bài hát do em tự đặt lời, giọng tự nhiên, trong sáng, không chải chuốt. Nhưng, quả thật, những dòng chữ họ dành cho Hạnh thật ấm áp, thật nghĩa tình như đã quen Hạnh từ lâu.
Như một Nguyệt Quỳnh đã dành cho Hạnh một chỗ đứng thật đẹp trong lòng dân tộc: "tôi nhìn thấy tuổi trẻ đang vịn vai Hạnh đứng dậy, dân tộc tôi đang cần vịn vai em để bước đi cùng nhân loại" (1)
Như một Bác 8 Bến Tre đã dành cho Hạnh một phần trang trọng trong lịch sử: "Giai đoạn hậu Cộng sản ở nước ta, lịch sử sẽ được chép lại để vinh danh các anh thư hào kiệt Việt nam, trong đó chắc chắn có tên Đỗ thị Minh Hạnh" (2).
Như một Vũ Đông Hà, chưa gặp Hạnh bao giờ những ông cũng đã viết về Hạnh bằng những ngôn từ chuẩn xác về một cô gái bình dị, nhưng không bình thường ở xã hội hôm nay: "Hạnh đã cùng với Hùng lên đường, phẫn nộ nhưng không hận thù, hiền hòa nhưng dũng cảm, chông gai nhưng không khiếp nhược, thất bại nhưng không sờn lòng" (3)
Quả thế, trong một xã hội mà tầm nhắm của mọi người chỉ ngừng lại ở tất cả những cụm từ có chữ "khủng" và "siêu" đi cùng thì có lẽ Hạnh là người không bình thường khi can đảm từ bỏ tuổi 20 để dấn thân cho lý tưởng của mình. Có lẽ Hạnh đã không bình thường khi dám dứt khoát từ bỏ cuộc sống ấm êm bên cạnh người Mẹ và Cha yêu thương em hết lòng để lên đường đi vào một xã hội đã bị đời bỏ quên, để cuối con đường đó là một nhà tù giam lại tuổi thanh xuân, nhốt chặt bao nhiêu hoài bão của em.
Bỏ gia đình ra đi, Hạnh sống tự lập để có thể giúp đỡ cho dân oan, cho người lao động mà không phải liên lụy đến Ba Mẹ bởi những hoạt động của mình. Ngay cả trong tù, Hạnh cũng chỉ nghĩ đến người khác: nhờ gửi quà cho Hùng, cho Chương trong ngày sinh nhật. Thăm hỏi bác Giang, bác Truyển, papy Liêm. Nhịn ăn sáng để mua mì gói cho một cặp vợ chồng già không có người thăm nuôi trong tù, xin những xuất công quả của Mẹ để cho hai anh em đang bị giam cùng trại, nhường thuốc của mình cho người tù khác v.v... Có lẽ cuộc đời của Hạnh chỉ nghĩ đến người khác, chỉ sống vì người khác. Viết đến đây tôi tưởng chừng như ngửi lại mùi dầu khuynh diệp một buổi chiều ở ML. Hạnh ơi, có nhớ không?
Những ai đã có lần biết Hạnh, có lẽ sẽ nhớ mãi đôi mắt long lanh sáng của em chứa cả một bầu tâm huyết, Hạnh tin ở con người, cuộc sống, Hạnh tin mãnh liệt ở lý tưởng và điểm đến trên con đường chông gai mà em đã chọn. Bởi đó là hoài bão của em. Hoài bão của Hạnh không phải là một người chồng giàu, một căn nhà đẹp mà là một cuộc sống công bằng, cơm no cho người nghèo, áo ấm cho kẻ không nhà. Và em đã chọn một lối đi riêng cho mình - không giống những cô gái đồng trang lứa - để thực hiện hoài bão đó.
"Con đã bán cái xe honda và xin tiền của Mẹ để đi Thái Lan" Hạnh kể và cười rất tự nhiên. Nhưng không ai biết đó là cái vốn liếng cuối cùng của cô để có thể gặp Hùng, lúc đó Hùng đã sang Thái Lan trước. Không ai biết cô đã phận gái một mình đi qua nhiều chặng đường, qua nhiều ngõ gian nan để gặp những người lao động. Không ai biết những vũng lầy đất đỏ cô đã trải qua trên Bauxit Tây Nguyên, những buổi cơm hẩm với công nhân Trà Vinh. Và còn nhiều điều không ai biết được về sự can đảm đến độ gan lì của cô bé này. Tất cả cũng chỉ vì điều mà cô vẫn ước ao, điều mà cô vẫn la to ngay cả trước mặt quan tòa trong tòa án ở Trà Vinh, đó là: "tôi chỉ muốn thực hiện hoài bão của mình".
Ngay cả trong tù, Hạnh vẫn luôn lạc quan với niềm tin trong sáng vào chân lý, công bằng và sống với những "hoài bão" mà em ấp ủ:
Hạnh thích hát, những bản nhạc do Hạnh tự sáng tác lời, tiếng hát tự nhiên, không gọt giũa, trong sáng vút cao. Hạnh có thể ca bất cứ lúc nào: hát bên vỉa hè cho bạn bè; hát trong trại tù những lời gửi gấm đến công an, quản giáo (với những lời Hạnh tự sáng tác mà một "bạn tù dân chủ" nhốt chung với Hạnh cũng phải suỵt khẻ), hát trên đường đi đến tòa án, tiếng hát vươn lên trên mọi sự sợ hãi đã làm Hùng và Chương cũng cất tiếng hát theo và đã khiến công an phải bịt miệng Hạnh lại. Tấm ảnh bịt miệng cha Lý đã vượt đại dương để đến thế giới tự do, rất tiếc chúng ta thiếu một tấm hình "không ai ngăn nỗi lời ca" của Hạnh.
Hôm nay, sẽ là một ngày rất bình thường nếu tôi không biết Hạnh. 27 tuổi, 3 lần sinh nhật trong tù. Hạnh chọn con đường vượt lên tất cả những mơ ước đời thường, nhưng có lẽ đâu đấy Hạnh cũng ao ước một mái ấm gia đình khi em đọc trong mắt Ba Mẹ nỗi mong đợi đó. Mong cho con mình có một đời sống như mọi đời sống bình thường khác: một tấm chồng, một mái nhà, những tiếng cười trẻ thơ. Có lẽ, em chưa đáp lại được sự mong đợi của Ba Mẹ, nhưng tình yêu thương em dành cho Ba Mẹ thật tràn đầy. Tình yêu thương mà em đã gửi gấm qua những nét chữ kẻ dòng gửi từ trại tù Bình Thuận:
Trong tù, một lần bị biệt giam, Hạnh suýt chết khi bồn nước trong nhà giam bị bể, Hạnh bị nước cuốn trôi đi. Bị giam chung với bệnh nhân HIV trong khi thân thể bị ghẻ lở. Bị bịt miệng, bị trói tay chân và đánh, thế nhưng Hạnh vẫn không chịu gọi công an trại giam là cán bộ và vẫn rất nhiều lần viết vào tờ tự khai bằng những dòng chữ to: TÔI KHÔNG CÓ TỘI!
Can cường như thế, cứng rắn là thế, nhưng Hạnh vẫn là một phụ nữ với tất cả những thường tình nhi nữ, Hạnh vẫn có những mơ ước bình dị là được cuộn tròn trong hạnh phúc của Ba Mẹ:
Hôm nay, em, người con gái sinh ra lầm thế kỷ đã tròn 3 tuổi tù, 27 tuổi đời. Những hoài bão chưa trọn, những giấc mơ còn dang dở sau chấn song tù. Tôi sẽ tặng em gì đây để đôi mắt em mãi sáng, để nụ cười em mãi tươi bên cạnh những buổi cơm tù?
Hôm nay, ngày 13/3, sinh nhật Hạnh, tôi sẽ không tặng em một bó hoa vì hoa không thể nở trong chốn lao tù. Mượn lời của nhà thơ Trần Trung Đạo, tôi muốn tặng em niềm hy vọng ở một ngày hội lớn của dân tộc. Ngày đó sẽ có Ba Mẹ và mọi người yêu thương em, ôm em trong vòng tay với những hoài bão đã vung đầy:
Giữa quê người còn một bài thơ
Viết cho em bằng những dòng hy vọng
Đừng gục xuống, đừng than thân trách phận
Hãy mỉm cười như một chuyến đi xa
Mẹ sẽ chờ em dù năm tháng trôi qua
Sông núi chờ em trong ngày hội lớn (4)
Thay một bó hoa cho ngày sinh nhật trong tù của Hạnh
13/3/2012
No comments:
Post a Comment