Phan Văn Tuấn kể cho Nam Dao
Kính thưa quý vị,
Kính thưa quý thân hữu, quý chiến hữu cùng quý niên trưởng,
40 năm sau cuộc thảm sát Tết Mậu Thân 68 ở Huế, có nhiều bài viết khác nhau về vụ này. Người Việt sống ở miền Nam nhớ lại với những căm phẫn. Lãnh đạo Hà Nội ăn mừng và triển lãm chiến thắng vĩ đại Mậu Thân. Người ngoại quốc viết về những nói dối (của truyền thông) về Mậu Thân. Còn cựu đại tá bộ đội CSVN Bùi Tín, nguyên phó tổng biên tập hiện đang sống tại Pháp, biện hộ cho cuộc thảm sát tại Huế trong một cuộc phỏng vấn trên đài BBC
ngày 24-1-08 với những lời lẽ như sau: ''Lúc bấy giờ tôi không biết quy mô nó lớn đến vậy, chỉ biết là có những cuộc thảm sát nhưng tôi nghĩ nó chỉ xảy ra ít thôi... chứ tôi không nghĩ về sau này người ta nói tới hàng nghìn... Khi quân Mỹ đổ bộ lại từ Phủ Bài trở ra để lấy lại Huế thì anh em họ trói, di chuyển đi hàng mấy trăm tới hàng nghìn người... Do vướng chân, mệt, rồi bị pháo bắn ở ngoài biển vào dữ dội cho nên do phần lớn do tự động các chỉ huy trung đội tới trung đoàn đồng lõa với nhau để thủ tiêu không cho cấp trên biết.'' Ông Bùi Tín giải thích sở dĩ họ phải làm như vậy là để tuân theo lệnh ''không được để tù binh trốn thoát'' nhằm giữ bí mật. ''Theo tôi biết thì không có mệnh lệnh cấp trên là tiêu diệt và giết tù binh.''
ngày 24-1-08 với những lời lẽ như sau: ''Lúc bấy giờ tôi không biết quy mô nó lớn đến vậy, chỉ biết là có những cuộc thảm sát nhưng tôi nghĩ nó chỉ xảy ra ít thôi... chứ tôi không nghĩ về sau này người ta nói tới hàng nghìn... Khi quân Mỹ đổ bộ lại từ Phủ Bài trở ra để lấy lại Huế thì anh em họ trói, di chuyển đi hàng mấy trăm tới hàng nghìn người... Do vướng chân, mệt, rồi bị pháo bắn ở ngoài biển vào dữ dội cho nên do phần lớn do tự động các chỉ huy trung đội tới trung đoàn đồng lõa với nhau để thủ tiêu không cho cấp trên biết.'' Ông Bùi Tín giải thích sở dĩ họ phải làm như vậy là để tuân theo lệnh ''không được để tù binh trốn thoát'' nhằm giữ bí mật. ''Theo tôi biết thì không có mệnh lệnh cấp trên là tiêu diệt và giết tù binh.''
Ông Phan Văn Tuấn (trong nguyên bản ghi là Phạm Văn Tuấn, chúng tôi xin phép đổi lại cho ăn khớp với bài trên kia) sinh tại thành nội Huế. Khi CS chiếm đóng Huế ông vừa hơn 16 tuổi và đang theo học trường tư thục Nguyễn Du. Ông chứng kiến tận mắt vụ ám sát tập thể 5 người ngay ngày đầu cộng quân vào Huế. Sau đó, ông và hơn chục thiếu niên khác bị cộng quân bắt đem đi đào hố, chôn sống đồng bào ở Gia Hội. Nhờ một phép nhiệm màu, ông và 2 em khác thoát thân, còn những em còn lại thì bị cộng quân giết chết. Sau đây là lời ghi lại cuộc phỏng vấn. Đối với những quý vị muốn nghe trực tiếp câu chuyện của ông Tuấn trong tất cả sự kinh hoàng của tội ác và sự nức nở của con tim, xin mời quý vị nghe trực tiếp từ tamthucviet.com, mục Tạp chí Truyền thanh ngày 7-2-2008.
Việt Cộng (VC) đầy đường
Nam Dao (ND): Nam Dao xin kính chào anh Tuấn.
Phan Văn Tuấn (PVT): Kính chào chị ND.
ND: Thưa anh, quân CSVN tới chiếm Huế vào ngày nào và giờ nào, và lúc đó khi CS đã bắt đầu chiếm Huế rồi thì quang cảnh thành phố Huế và dân tình ở đó ra sao trong suốt thời gian 28 ngày mà CS chiếm đóng? Và nhất là tâm trạng của anh lúc đó như thế nào khi lần đầu tiên CS bước vào cố đô Huế?
PVT: Vào ngày Tết Mậu Thân 1968, chúng tôi ăn được ngày mồng một, thì đến đêm mồng một rạng mồng 2 Tết thì súng bắt đầu nổ. Súng bắt đầu nổ từ phía bên kia chỗ gọi là chợ Đông Ba vọng qua chợ Xép, tức là cái cửa phía bên chúng tôi đang ở tại đường Nguyễn Thành và đường Mai Thúc Loan. Súng nổ rất nhiều, lúc đầu tưởng là pháo nổ mừng xuân, tại vì chúng tôi cũng biết có 48 tiếng đồng hồ hưu chiến mà chính phủ VNCH và chính phủ miền Bắc VN thoả thuận với nhau để cho đồng bào hai miền Nam Bắc ăn Tết. Chúng tôi cứ nghĩ đó là tiếng pháo hòa lẫn với tiếng súng của các anh lính VNCH mừng xuân. Nhưng mà thưa không phải. Người ta bắt đầu bỏ chạy. Họ chạy dồn từ phía bên chỗ cửa Đông Ba chạy vô. Đến khuya chúng tôi mới lục đục được báo là những người đó rất sợ hãi, và Việt Cộng về tới bên ngoài kia rồi, tức là phía ngoài cửa Đông Ba chỗ tôi đang ở.
Người ta bắt đầu chạy thì gia đình chúng tôi rất sợ. Tất cả mọi người đều chui xuống những cái sập, đi-văng để núp. Súng nổ. Nhưng khi sáng sớm ngủ dậy hôm mồng 2 Tết, thì... VC đầy đường. VC là những thằng mặc bộ đồ đen, quần đen, áo đen, tay ngắn, quần ngắn, vác những khẩu súng AK, và chúng mang những đôi dép râu và nón tai bèo. Trong những đám lộn xộn đó có những thằng VC mặc bộ đồ bộ đội VC, như hôm nay chúng mặc ở VN, mà chúng tôi được thấy ở trong tù những thằng quản giáo mặc, đó là những thằng cán bộ. Rồi trong những đám đó, tôi thấy có những người quen. Một đám những người quen chúng tôi, bạn của tôi, thầy của tôi, những người mà tôi quen biết trong thành phố Huế đang có mặt trong những đoàn người đội nón tai bèo, mặc áo bộ đội của VC đang tràn ngập các đường phố. Đường phố tôi nói ở đây là đường Nguyễn Thành - tôi chứng kiến - và góc đường Mai Thúc Loan lúc sáng mồng 2 Tết Mậu Thân năm 1968.
Thủ tiêu dân chúng ngay ngày đầu
ND: Thế thì quang cảnh đường phố trong những ngày kế tiếp như thế nào, nhất là trong suốt 28 ngày đó?
PVT: Nói về 28 ngày VC chiếm Huế thì tôi không có mặt tại Huế cả 28 ngày. Tôi xin kể với Chị nghe là đến ngày mồng 2 Tết, mở mắt ra thì thấy VC đi vòng vòng. Người đầu tiên tôi thấy là thầy tôi, ông Tôn Thất Dương Tiềm. Ông dạy môn Việt văn cho lớp đệ tam chúng tôi, bây giờ gọi là lớp 10. Tôi đang học lớp đệ tam thì khi đó ông dạy tôi Việt văn. Thầy dạy tôi thế nào là thương đồng bào, yêu tổ quốc, yêu quê hương. Ông Tiềm là người mở cho tôi con đường thấy rõ được bổn phận của thanh niên là phải làm gì cho quê hương. Nhưng quý vị biết không, trời đất ơi, chính ông Tiềm lại là người dạy cho tôi thế nào là tàn ác của VC! Ông Tiềm là người vác súng K54, dưới thì ông mặc quần xanh xanh của cán bộ chính quy, trên thì ông mặc áo màu trắng, áo sơ mi.
Tôi thấy ông Tiềm lúc đó đang chỉ huy những người cũng mặc áo trắng, mặc quần bộ đội, tức là cán bộ, đeo súng K54 làm làm gì đó, nói xầm nói xì gì đó, sau đó mấy người đó mới chỉ trỏ cho mấy người mặc bộ đồ đen, tức là mấy thằng du kích VC. Trong đám đó tôi còn thấy anh Hoàng Văn Giàu nữa. Anh Hoàng Văn Giàu là một sinh viên học ở Huế. Tôi phải sống mà chứng kiến những sự tàn sát theo lệnh của thầy Tôn Thất Dương Tiềm tại thành phố Huế, tại ngã tư Nguyễn Thành và Mai Thúc Loan ở khu thượng thành đó.
Sáng ngày mồng 2 Tết, khi VC xuất hiện, nó bắt đầu xách ra... nó bắt ở đâu không biết, nó bắt ra được 5 người, nó trói tay sau lưng. Một số còn mặc áo quần ngủ, một số mặc áo quần bình thường, mặc bộ đồ ngủ vì đang ngủ ở nhà mà. Đến trưa trưa 11, 12 giờ ngày mồng 2 Tết, tôi thấy mấy thằng du kích nó dắt ra, dắt ra. Có mấy thằng loong toong VC nằm vùng cỡ như Hoàng Văn Giàu chạy theo đít, chạy theo, chạy theo, ra tới ngay chỗ cửa Đông Ba. Người ta trói cả rồi bắt đứng sắp hàng, xoay lưng vô thượng thành - thành cao lắm. Tôi thấy ông Tiềm sắp đủ 5 người, sắp lần lần, 1, 2,3,4, bắt đầu 5 người. Tôi thấy đông, chạy tới coi. Tôi cũng núp núp mà coi. Tôi thấy ông Tiềm ra lệnh cho thằng cán bộ VC nói tiếng Bắc. Thằng đó mới ra lệnh cho thằng VC mặc bộ đồ quần đùi đen, bắt đầu giương súng bắn.
Trong đó tôi thấy có ông Quế ở tại đường Nguyễn Thành. Ông này hồi trước làm cảnh sát gì đó, ổng cũng về già rồi, ông đâu làm gì nữa. Rồi trong đó tôi cũng thấy một số người lạ, rồi người dân, một số người mà tôi biết mặt ở trong thành phố mà có làm nghề gì đâu. Còn nói lính thì chưa thấy một người lính nào bị bắt và bị bắn tại đó cả. Những người lính VNCH và các công chức mà tôi biết, chưa bị bắt và chưa bị bắn trong trận đó.
Bắt đầu, ông Tiềm ổng gật đầu, ổng gật đầu. Thằng cán bộ VC mới ra lệnh cho thằng kia bắn, nó dùng chữ 'bắn!'. Tụi kia mới bắn, bắn không biết bao nhiêu viên AK. Tôi thấy người cuối cùng gục xuống, sụm xuống. Cuối cùng chết rồi, thân nhân của một số người bị bắn bu quanh, họ chồm tới họ khóc, họ chồm tới họ khóc, thì mấy thằng mặc bộ đồ đen, nó đá, nó dộng, nó kêu: “Đi! Cút! Cút!”. Một số mấy thằng đó cứ la, không cho thân nhân người ta tới. Để đó! Phơi đó!
Quý vị có biết không? Nắng, máu, ruồi, máu, ruồi, cứ nằm đó, cứ nằm đó. Mấy hôm sau, người ta mới lén lén, riết rồi làm lơ cho thân nhân người ta đem xác về chôn. Đó là cuộc bắn đầu tiên, và người đầu tiên tôi thấy ra lệnh bắn đồng bào vô tội của tôi là một giáo sư khả kính của trường tư thục trung học Nguyễn Du tại Huế, ông thầy kính mến của tôi, Tôn Thất Dương Tiềm.
15, 16 tuổi bị VC bắt trong khi chạy đạn
ND: Ở trong hoàn cảnh nào mà những người CS bắt được anh?
PVT: Chúng tôi phải ở lại tại góc đường khu chợ Xép cho đến không biết mấy ngày, tôi cũng chẳng nhớ mấy ngày. Quanh quẩn ở đó từ ngày mồng 2 Tết cho đến khi chúng tôi bắt đầu thấy sự xuất hiện của những chiếc máy bay của quân lực VNCH bắn xuống cửa Đông Ba. Phi cơ trực thăng của VNCH với Đồng minh khi đó xuất hiện trên bầu trời bắn xuống. Ba tôi nói: thôi bây giờ ở đây cũng chết, phải chạy thôi. Chạy! Chúng tôi bắt đầu bỏ chạy, chạy về hướng Mang Cá, từ Nguyễn Thành, Mai Thúc Loan mà chạy ngược về phía Mang Cá. Chạy qua một xóm được, hai xóm được, qua đến xóm thứ ba thì bị mấy thằng du kích chặn lại. Nó không cho chạy, nó bắt tôi đứng lại, nó kêu tôi đứng lại đi khiêng đồ.
Nó dắt tôi đi một hồi, tôi thấy tập trung có 5 thằng cùng xóm. Đợi đến đêm, nó dắt tụi tôi đi qua phía bên chỗ cửa Đông Ba về phía bên chùa Diệu Đế. Ngó lui ngó tới, đến khi bị bắt đầy đủ thì tôi đếm cũng khoảng mười mấy người, bằng tuổi tôi khoảng 15, 16 tuổi. Sau khi tập trung ở chùa Diệu Đế, VC sai tụi tôi đi khiêng ba cái đồ gạo cơm hay là súng đạn gì đó. Nó sai cái gì thì làm nấy thôi, nhưng con mắt thì khi nào cũng ngó đường để trốn.
Đào hố chôn đồng bào
Sau chùa Diệu Đế, chúng nó đưa về phiá Gia Hội, sống xung quanh mấy nhà dân. Chúng bắt chúng tôi đi khiêng vác trong vòng mấy ngày, sau thì tôi bắt đầu thấy phía bên chỗ Đông Ba, máy bay bắn xuống dữ lắm. Tụi tôi thấy chắc là phản công rồi, lính VNCH mình phản công chúng nó rồi. Tôi cũng cầu nguyện, cầu nguyện. Nhưng không phải là đi dân công đâu quý vị ơi. Đến tối đó, nó phát cho mấy cái cuốc, nó nói bây giờ đi đào mấy cái hào, cái hầm. Tại vì máy bay bắn xuống quá, tôi nghĩ chắc nó sai tụi tôi đi đào mấy cái hầm để cho tụi nó núp, giống như công sự, núp để tránh đạn tránh bom. Tụi tôi mười mấy thằng to xác vác cuốc đi đào, tối nào cũng đi đào, đào. Cái hố bề sâu xuống một thước, bề ngang bằng một sải tay, một sải tay ngang, một thằng một khúc. Đào cứ nối liền nhau, nối liền nhau. Đào xong cái này rồi đi đào cái khác, như là đào tuyến công sự đó mà.
Nhưng quý vị biết không, sau khi đào xong lúc 3 giờ sáng, lần đầu tiên tôi thấy nó dẫn ra một đám người từ xa trong bóng tối. Những người này khi tiến tới gần, bấy giờ tôi mới thấy là tay bị trói về phía sau, cột chùm, cột dính vào với nhau bằng sợi dây điện thoại màu đen đen. Nó cột chùm, người ta dắt ra, dắt ra. Mỗi toán nó dắt ra như vậy là khoảng 14, 15 người. Những cái hố chúng tôi đào cũng vừa cái khoảng đó. Nó mới bắt những người đó đứng xoay lưng về cái hố. Nó sắp hàng những người này, những người mà nó bắt, bị cột sợi dây điện thoại, dính chùm với nhau.
Số người này, một số mặc đồ ngủ hoặc mặc bộ đồ thường, có người mang dép, có người đi chân, có cả những người mặc quần xà loỏn. Nó sắp người ta xoay lưng về cái hố mà chúng tôi đào [ông T thở mạnh như bị ngộp thở, khóc thút thít], rồi cái thằng VC mặc áo trắng và quần cán bộ chính quy, đội nón cối, nó đọc, nó đọc bản án tội ác của những người đó. Nó nói những người đó có tội với nhân dân, có tội với cách mạng. Nó vừa đọc xong bản án thì thằng du kích VC, thằng đứng đầu mặc quần xà loỏn, quần đen áo đen, nó lấy súng AK bắn người đầu tiên, nó bắn rào, nó bắn rafale. Ông này bị trúng, ông lật ngược ra. Đằng sau đâu có cái gì đâu, là cái hố!
Ổng té xuống, quý vị biết không, mấy người sau đâu có trúng đạn gì đâu, cũng lăn xuống. Lăn và lộn, lộn vòng xuống, lật ngửa ra. [Ông T khóc rống lên] Nó bắt tôi lấp! Nó kêu lấp, lấp, lấp lẹ! [vẫn khóc] Tôi không lấp, nó đánh tôi. Tôi nhìn mấy người đó, tôi khóc, tôi khóc! Không! Người ta còn sống mà! Lấp đi! Không! Thế là nó dọng báng súng vào tôi, súng AK nó dọng, nó dọng đằng sau xương sống tôi [vừa thở như bị ngộp, vừa khóc].
Chưa được, nó quay mũi lưỡi lê nó đâm tôi, nó đâm vào sườn tôi. Trời ơi, máu me! Nó đâm! Mấy thằng bạn, thằng nào cũng khóc! Nó đánh, nó đánh! Tôi phải lấp, phải lấp. Tôi lấp đồng bào tôi [khóc nức nở]. Trời ơi, trời ơi, Thượng Đế coi này! Bây giờ tôi nhớ tôi có tội quá. Tôi nhớ mấy con mắt đồng bào, mấy người dưới hố ngó tôi. Trời, trời, trời, trời ơi VC ơi là VC! Không lấp thì nó đánh! Lấp thì bà con tôi chết! Thôi, thôi, lạy Phật, lạy Trời, lạy Thượng Đế. Chưa có thằng nào nó tàn ác như vậy... [tiếp tục khóc].
Mười mấy cái hố, mười mấy lần chôn
ND: [cũng khóc theo] Anh không phải là người giết đâu. Tội đó là mấy thằng cộng sản [cả hai người đều khóc]
PVT: Có hiểu thấu lòng tôi? Mấy người chết tội nghiệp ơi là tội nghiệp. Trời ơi, con mắt người ta, miệng toàn đất! Con mắt người ta ngó, tại bị cột chân ở dưới hố rồi, có người nằm ngửa nằm ngang. Trời ơi, mẹ ơi, con nằm con cứ thấy mấy người ta hoài, tội quá! Sao con cứ bị ác mộng hoài, mẹ ơi mẹ!
ND: Thưa anh, họ bắt anh đào hố ban đêm, và sau đó nó lấy người từ dân ra đó, thì tất cả những người đào cái hố đó là toàn người dân chứ có nó dính ở trong đó không thưa anh?
PVT: Những người đào hố là thanh niên tụi tôi đó, thanh niên thành phố Huế đó, khoảng 14, 15, 16 tuổi như tụi tôi, nó bắt đi dân công, bắt đi đào hố. Đào hố xong tưởng là để nó núp đạn, cuối cùng nó bắt chôn. Không phải một lần đâu quý vị ơi, mười mấy lần lận! [khóc lớn] Mười mấy lần, bắt chôn mười mấy đám! Mỗi lần nó bắt mình đi chôn, trời ơi tôi sợ! Không chôn thì nó đánh, hỡi ơi Việt Nam ơi, Việt Nam ơi! Lấp, lấp! Lẹ lẹ ! [ông T nói ngọng theo giọng Bắc] ĐM, ĐM, tao bắn mày! Không lấp thì nó đánh, không lấp thì nó đâm. Giọng người miền Bắc đó chị, là cái giọng người miền Bắc, nó bận đồ chính quy...
Người bị chôn sống, người bị đập vỡ sọ
ND: Nhưng thưa anh, trước khi nó lấp thì nó đều có bản án tử hình mấy người đó hay sao ạ?
PVT: Khi nó dàn người ra, dàn hàng ngang ra, xoay lưng vào hố. Lúc đầu thì khi nào cũng đọc hết, đọc lệnh cách mạng, nói rằng có tội với nhân dân, có tội với tổ quốc. Nó đọc xong lúc đầu nó bắn, bắn là có phước lắm, bắn người nào trúng đạn AK là có phước lắm, tại vì trúng là chết, còn không chết mới tội. Không chết, ngột lắm, ngột! Bây giờ tôi bị ngột! Chị biết không, mấy đợt sau, nó đâu có bắn, không chôn ban đêm mà cũng không bắn chị ạ, tại vì nó sợ máy bay quan sát, bắn ra xẹt lửa, người ta sẽ bắn xuống, thành ra nó lấy AK dộng người đứng đầu. Nó đập xong rồi cái thằng VC quần đen áo đen đánh vào đầu người đó, đánh một cái là té ngửa thôi.
Sau quý vị biết không, mấy người kia té lăn xuống. Té lăn xuống thì nằm đâu có gọn, không gọn thì nó xách cuốc, nó bắt tụi tôi lấp. Còn số cuốc dư thì nó lấy cuốc nó nện đầu người ta xuống. Đầu người ta ngoi lên, nó đập người ta xuống. Lý do tại sao mà sau này đào lên, thấy cái dấu bể sọ, là bể vì cuốc đó! Là tại vì người ta không chịu chết, người ta muốn sống, mà nó bắt tôi lấp, người ta muốn ngoi lên, nó lấy cuốc đập. Những cái nhát cuốc lên đầu người ta đó, mấy thằng VC đập vào đầu dân cho đầu người ta không ngoi lên được, để đất lấp qua đầu,... Thành ra quý vị nhớ dùm cho: có những cái hố không có đạn, không có AK, không có một viên đạn. Những cái hố chôn sau không có đạn, toàn là AK nó dọng vô đầu người ta, xong rồi những người nào nằm lăn xuống mà cái đầu còn lên cao, là nó vác cuốc nó đánh.
Trời ơi, cái cuốc mà nó xoay ngược đánh trúng cái đầu người ta là phải bể thôi. Máu ra chết từ từ, tội lắm. Chẳng thà nó bắn lúc đầu. Lúc đầu nó xử bắn ở Thượng Tứ, ở chỗ Đông Ba, bắn 5 người đó, tôi thích lắm. Tôi thích bắn như vậy đi, bắn một phát cho người ta chết, chết xong nó khỏe đi, chứ đâu có chôn sống kiểu đó được.
Tôi thấy Hitler giết người Do Thái, ổng xả hơi ngạt đó chị, đếm 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, họ chết với nhau, ôm chùm chết với nhau mà còn sướng. Chết vậy còn sướng, vì hơi ngạt chết nhanh hơn là lấp đất. Đất dưới đó đâu có chết liền đâu, nó chết từ từ, nó chết từ từ, đồng bào chết từ từ [bật khóc]. Ngột lắm chị, ngột lắm, bây giờ tôi nghe ngột...
Hôm nay chúng ăn mừng chiến thắng
PVT: Tôi không muốn nói nữa thưa chị à, mỗi lần nghĩ tới tôi bị trauma (=chấn thương tâm thần) chị à. Chỉ có giấu vợ tôi, giấu con tôi. Vợ tôi bây giờ nó biết tôi rồi, vợ tôi hiểu tôi, vợ trước nó không hiểu tôi đâu. Bà này bả hiểu, tại vì sau khi nói chuyện với chị, tôi ngồi tôi khóc... Tết này tôi nhớ, nhớ Mậu Thân [bật khóc], nhớ bà con, nhớ đồng bào mình, nhớ cái ác ôn của VC.
Nó ác quá, nó ác quá. Tôi đi lính mà tôi đâu có ác vậy đâu. Hồi tôi đi lính tôi bắt nó, tôi cho nó ăn, cho nó hút thuốc, giao cho an ninh quân đội, đưa nó ra Phú Quốc, đi đâu thì đi, đâu đập đánh gì. Đồng bào tôi, ông Tiềm ơi, ông còn sống hay chết?
Hôm nay chị biết không, Huế nó ăn 40 năm. Thằng Nguyễn Hữu Ước, tướng VC, nói là 40 năm 'tổng nổi dậy', huy hoàng, chiến thắng, anh hùng... Trời ơi, 40 năm vẫn không có lời xin lỗi! Và chúng nó vẫn rêu rao giết đồng bào theo lệnh cái thằng cha Nguyễn Sinh Cung sinh quán tại làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thằng khốn nạn sau này nó lấy cái bí danh đầu trộm đuôi cướp trôi sông dạt chợ đá cá lăn đưa, là cái thằng Hồ Chí Minh đó. Chúng theo lệnh thằng khốn nạn đó chị. Ngày mồng một, đêm 30 giao thừa, Hồ Chí Minh đọc thông điệp trên đài phát thanh Hà Nội, nhắn gởi đồng bào miền Nam 'tổng nổi dậy, tiến lên toàn thắng ắt về ta'...
Tôi muốn chết chị ạ, để tôi về dưới kia tôi gặp nó, tôi muốn hỏi nó một câu thôi. Nó người Bắc, tôi người Trung, nó đẻ trước tôi, gần 60 năm rồi, tôi chỉ hỏi nó một câu thôi: tại sao mi ác vậy? Đồng bào Huế của tao có tội gì đâu. Tết người ta đang ăn Tết, mi kêu ngưng bắn, người ta ngưng bắn, mi lợi dụng ngưng bắn, mi đưa lính vô, bắt đồng bào đi bắn, là làm sao vậy?...
Thoát thân.
ND: Thưa anh, anh có nhớ những địa điểm nào đồng bào bị chôn sống hay không, và anh có nhớ thời gian nào hay không?
PVT: Thưa chị, suốt mười mấy đêm, chúng tôi phải liên tục làm cái công việc phải đi lấp người ta sau khi đào lỗ, trước khi thành phố Huế được lấy lại bởi lính VNCH mình. Vùng đó là vùng Gia Hội, xung quanh cái khúc Gia Hội, sau này kéo tràn xuống. Đó là vùng mà nhiệm vụ của tôi là làm dân công, cũng giống như bị bắt buộc phải lấp đồng bào tôi trong những cái hồ chôn người, vòng vòng ở tại Gia Hội. Trong thời gian mười mấy ngày đó thì chôn được mười mấy đợt, dưới sự áp lực của AK. Không làm thì nó bắn, tôi có kể với chị.
Nhưng cũng may mắn đó chị, cũng nhờ vậy mà chúng tôi mới thoát. Tại vì nếu như chúng tôi không được đi ra ngoài thì không có cách gì tôi thoát thân mà ngồi nói chuyện với chị.
Đêm tối đến khuya, chúng nó cứ theo cái việc là bắt được bao nhiêu, chúng tôi chỉ việc đào lỗ bấy nhiêu rồi chôn. Nhưng đến một lúc thì chúng tôi được thư thả hơn những người mà nó bắt, nó giam. Một số thanh niên không được đi làm việc như tụi tôi, số mạng những người đó sau này là bị chôn sống. Tụi nó là tụi trâu cột ghét trâu ăn, tụi sinh viên học sinh quyết tử ở Huế, cái tụi đi theo bưng bây giờ bắt những thằng không theo bưng: "Tao theo Bác Đảng, tao vô bưng, tại sao mày không vô? Bắt mày bắt để trả thù." Tư thù, tư oán, A, B, C, D gì mình không biết chuyện đó. Thành ra tụi tôi đào lỗ, chôn người ta. Ngày thì đi ăn, đi kiếm đồ nhà dân, nhưng đến chiều -mấy ngày trước khi mình lấy lại được Huế- trời ơi tôi thấy sao mà lính Việt Cộng từ phía trên cứ tràn về, tràn về; tức là như nó bị quân lực VNCH rượt nó, thành ra nó dồn về. Lúc đó tới 5, 6 trăm người đó chị! Khi chạng vạng tối, máy bay trực thăng rọi đèn xuống bắn, nó bắn, bắn riết. Thì tụi nó - lính nó đông lắm chị - nó bắn lên. Ở trên bắn xuống.
Tôi nói chị nghe, lúc tụi tôi đi chôn thì tổng cộng là mười mấy người, nhưng tụi tôi thân với nhau cùng xóm chỉ có 4 thằng thôi. Tôi nói với mấy thằng đó: "Tình trạng này, mình phải lợi dụng thời cơ mà chạy thôi, tại vì trước sau gì nó cũng bắn mình thôi. Bây giờ mình cứ đợi, đến khi..." Đến khi, chị biết sao không, máy bay bắn xuống lúc hoàng hôn chạng vạng. Tôi có dặn tụi nó trước rồi - hồi đó tôi khỏe, to con, tôi nói cái gì thì tụi nó đồng ý, tất cả đồng ý với nhau - tôi nói khi nào mà tôi nháy mắt thì mình chạy về cái hướng mà tụi nó không chạy, mình chạy ngược lại thì hy vọng rằng còn sống sót, còn nếu chạy lại thì không cách gì được cả. Và cuối cùng là tôi chạy, và tôi nháy mắt, vừa nháy mắt thì máy bay bắn xuống. Trời ơi, chạy khi đó thì một ngàn, chỉ một cơ sống sót. Máy bay bắn xuống thì mình cũng chết thôi, mà chẳng thà chết như vậy đi, chứ thấy chết dưới hố ngột quá đi.
Chạy ra! Một hai ba bốn! Bốn thằng chạy, chạy xong phóng vô bụi liền. Máy bay đang bắn xuống, nó bận bắn máy bay, nó bận núp nữa, nó cũng sợ chết chứ đâu phải... Núp vô bụi xong lại chạy, chạy! Một trong mấy thằng tụi tôi, cái thằng chạy sau - cùng xóm - nó bị bắn, bắn rớt lại. Ba thằng tôi chạy, cắm đầu cắm cổ chạy, chạy một hồi. Máy bay không thấy bắn xuống tụi tôi, mà thấy AK ở dưới nó bắn xà tới... tạch tạch tạch tạch. Chị biết không, khi chị chạy mà súng trên trời bắn xuống hay súng bắn theo, thì chị biết liền à.
Ôm anh lính VNCH mà khóc.
Nó bắn chết một thằng, song tụi tôi cứ chạy, chạy chết thôi! Tụi nó bắn theo, biết bắn chỗ nào bây giờ, bắn vô bụi thôi! Ba thằng tôi chạy một hồi, tới tối thấy một vùng có đèn, có máy xe nhà binh rú, rú, rú! Thấy xe nhà binh, tụi tôi hét lên "Cứu, cứu, cứu, cứu!" Mới thấy anh lính rằn ri cầm khẩu súng M16 - cái súng dài dài đó. Ba thằng tôi la: "Cứu, cứu, cứu!..."
Cái xe có cái đèn pha, nhờ ánh sáng đó tụi tôi mới thấy, tụi tôi mới hét lên. Ổng mới lấy cái đèn pha, cái đèn pin, rọi rọi; thấy tụi tôi, mới ngoắc tay ra. Ổng nghe "cứu, cứu, cứu," cũng chẳng hỏi tụi tôi là Việt Cộng hay quốc gia gì hết. Nghe "cứu cứu" thì ổng biết là dân mình thôi. Chạy ra, chạy ra!
Trời ơi, tôi kể chị nghe, trong tay thằng Việt Cộng mấy chục ngày, đến lần đầu tiên gặp anh lính Cộng Hoà (ảnh cầm khẩu súng, ảnh ngoắc ngoắc tới) trời ơi, tôi tới tôi ôm ảnh đó chị! Trời ơi, giống như mẹ đi chợ về! Tôi ôm ảnh tôi khóc, khóc nức nở. Ba thằng ôm ảnh khóc nức nở, không bảo nhau gì hết. Tự nhiên cái lòng thương người lính VNCH, một người mà mình cảm thấy có sự bảo vệ... Tôi ôm ảnh khóc! Anh vuốt đầu nói: "Không sao đâu! Không sao đâu! Không sao đâu em!" Bắt đầu tôi kể từ đầu đến cuối. Anh dắt vô cho ăn. Phía sau có nước, anh cho tắm. Rồi mặc đại ba cái đồ lính của ảnh. Có đồ gì đâu!
Tìm lại xác bạn.
Mấy ngày sau, lấy được Huế! Mình kể là mình đi chôn như vậy, thấy tội ác như vậy, họ mới đi theo. Tôi chạy, chỉ, chỉ, chỉ, đi phía trước chỉ... Chị nhớ cái chỗ mà lúc tụi tôi chạy, có máy bay bắn xuống, để thoát khỏi Việt Cộng, bạn tôi còn đó! Mười mấy thằng còn đó! Mới 4 thằng chạy, 1 thằng chết. Chị biết không? Bạn tôi, xác mấy thằng nhỏ cùng tuổi tụi tôi: bị bắn vô đầu! Tụi nó bắn vô đầu trước khi rút đi. Thì ra thế này! Tụi tôi tới gặp mấy cái xác đó, cũng thúi rồi, mấy ngày rồi. Khóc! khóc! [anh T. cũng khóc khi kể] Trời ơi đứa nào cũng lỗ chỗ trên đầu. Nó bắn xong nó chạy, tại vì tụi này, nó hết xài được rồi. Mà sợ chạy như tụi tôi thì đi báo!
Con cảm ơn Ơn Trên. Sau khi thấy xác mấy người bạn đó rồi, bắt đầu tôi mới chỉ hầm. Đào lên... Đào lên thì xác cũng thúi rồi.
Sau này có một số mồ nó mới chôn, nó chôn trước chôn sau, thúi ơi là thúi. Chị có tưởng tượng không, cái lỗ mũi tôi thúi, giống như bị nước xác chết, thúi, thúi! Khi đó, phải bôi dầu, bôi mỡ mà kéo mấy cái xác đó lên, vừa kéo vừa khóc. Tới ngay mấy cái mộ mà mình đào, mình chôn người ta, tôi còn nhớ những bộ áo quần lúc đêm người ta mặc, nhớ những con mắt người ta ngó lên... Ám ảnh, ám ảnh, ám ảnh... Tôi thành con người khốn khổ...
Suốt thời gian ấy giúp mấy anh đó đi chỉ mộ cho họ đào, đem xác người ta lên. Đó là những vùng mà tôi biết có những cái mộ mà chính tụi tôi tham dự đào dưới sự áp lực của giặc. Sau này có bao nhiêu mồ chôn tập thể, nhiều lắm chị ạ.
Phải khôi phục danh dự người chết.
Nhiều lúc mình ngồi mình suy nghĩ lại: những người chết ở dưới mồ, làm sao mình khôi phục lại được danh dự cho người ta. Nó nói những người đó là có tội với cách mạng, có tội với nhân dân, có tội với đất nước, thành ra nó chôn người ta. Nhưng dưới mắt tôi, tôi thấy tội lắm! Rõ ràng là nó vô, nó dùng vũ lực bắt người ta đi chôn. Bởi vậy do đó, tôi nói với chị, 40 năm rồi chưa có một ai lên tiếng để đòi hỏi nhân quyền, danh dự cho những người chết tại Huế và tại đất nước VN trong Mậu Thân.
Bởi vậy lòng đau canh cánh hoài, mỗi lần đến Tết là cứ canh cánh, canh cánh. Con người tôi giống như vật vờ, vật vờ, sống mà bị ảo tưởng của mộng và thực, mộng và thực. 40 năm rồi tôi vẫn thấy con mắt của những người dưới hố, nhìn một cách căm hờn. Một nhát cuốc đánh vào đầu, họ không chết đâu chị. Việt Cộng đánh họ không chết đâu, vẫn còn sống chứ; nhưng những cái lấp đất của mình, lấp từ từ, từ từ, đất nó tràn qua, không có không khí thở, tại vì người ta phải nằm dưới đó! Tội nghiệp...
Mỗi lần nhắc tới... Tôi ước mơ lần này là lần cuối cùng, tôi không bao giờ muốn nhắc nữa đâu! Mỗi lần nhắc tới, lòng tôi khốn khổ lắm, nó khốn khổ giống như nhắc về một tội ác mà mình tham dự vào. Chị Nam Dao ơi, mong chị hiểu cho tôi. Tôi khốn khổ lắm! Bây giờ tôi giống như là cạn kiệt rồi. Khi Tết về, tôi cầu nguyện cho mấy oan hồn đó siêu thoát, đạo nào siêu thoát theo đạo đó đi. Tôi cầu nguyện có được một câu trả lời: tại sao người Việt Nam mình ác với nhau làm chi vậy? Ác quá, ác thiệt! Ác quá chị Nam Dao ơi, ác quá! Không có một sách sử nào có thể diễn tả được.
ND: [ngậm ngùi] Thưa anh, trước tiên ND rất là xin lỗi anh đã tới xin anh kể lại những thực tế đã làm cho anh đau lòng mỗi lần anh nhắc tới. Nhưng hồi nãy, anh có nói một câu, anh bảo là anh muốn khôi phục lại danh dự cho những người dân oan bị chôn sống, thì thưa anh, việc ngày hôm nay anh nhắc lại những điều đó tức là anh đã tìm cách khôi phục lại danh dự cho đồng bào mình. Có lần nói chuyện, anh bảo thà là anh chết đi, nhưng cái đó không đúng đâu thưa anh. ND nghĩ là lịch sử và định mệnh đã giao cho anh cái vai trò là anh còn sống sót để mà anh đại diện lên tiếng nói cho những người đã bị chôn sống. Anh đại diện cho những ánh mắt uất ức. Người ta không nói được cho thế giới thấy [ND cũng khóc] cái tội ác của cộng sản VN. Thành ra, anh can đảm sống anh nhé, và anh có trách nhiệm đối với tổ quốc, đối với dân tộc, là anh đi nói cho đồng bào, cho tất cả mọi người, cho thế giới thấy tội ác này để trả lại lịch sử đúng đắn cho VN mình. Đây không phải là cuộc chiến thắng Mậu Thân, mà đây là thảm sát Mậu Thân, một tội ác của Cộng sảng đã làm nhơ nhuốc trang sử ngày hôm nay. Anh can đảm lên anh nhé!
Sao tôi lại hèn vậy?
T: Dạ cảm ơn chị. Tôi thú thật với chị là suốt 40 năm, kể từ ngày mà tôi như một cậu bé bị tụi nó bắt phải chôn sống đồng bào tôi, những ánh mắt căm hờn, những ánh mắt lạy lục - trong ánh mắt đó có lạy lục, van xin đừng lấp nữa, và căm hờn cũng có: tại sao mày làm như vậy - thú thật nó cứ đeo đuổi tôi hoài. Hôm nay mặc dù chị nói vậy, tôi cũng nghĩ mình có tội. Có tội tại vì mình hèn đó chị [bật khóc], thật là tôi đã cầm cuốc đánh nó được rồi, rồi nó bắn tôi cũng vậy thôi, nhưng tôi hèn tôi không làm được, chị biết không. Cuối cùng tôi phải làm cái trò đi chôn sống đồng bào tôi.
Tôi nghĩ mình hèn chớ. Nếu như nói người ta ai cũng chết, tại sao không phản kháng, tại sao mình lại tiếp tay cho nó, khiến đồng bào mình chết? Tôi khổ lắm, tôi cứ dằn vặt, dằn vặt giữa cái xấu và cái tốt. Tự nhiên bây giờ mình lớn tuổi bị dằn vặt rất nhiều, cứ sống bị ảo mộng, bị ác mộng. Mặc dầu nói thì dễ, nhưng nhiều lúc mình nghĩ: đáng lẽ mình làm vậy, đáng lẽ mình làm vầy...
Hồi đi lính, tôi cũng là một chiến sĩ. Mặc dầu là một sĩ quan pháo binh, nhưng tôi cũng đã chiến đấu hết lòng. Trong lúc Việt Cộng bắn đồng đội tôi, bắn nhân dân tôi, tôi cũng phải bảo vệ nhân dân tôi, tôi cũng đâu có tiếp tay để VC nó sát hại nhân dân tôi! Tại sao tôi đi lính tôi làm được việc đó, mà lúc đối diện với kẻ thù khi 16 tuổi, tôi lại hèn như vậy? Tôi nghĩ nếu tôi có đủ can đảm, chắc là tôi cũng không phải ngồi lại bây giờ mà nhớ những nhát cuốc, nhát đất mà đồng bào tôi, những người dưới hố nhìn tôi bằng con mắt căm hờn, con mắt van xin tôi đừng làm. Nó khốn khổ lắm! Chị phải ở trong hoàn cảnh chị mới thấy.
Sống là sao? Sống là chuẩn bị một hành trình để mình chết cho nó dễ, mình đi cho nó dễ. Tại vì ở đây chỉ có chỗ ở tạm mà thôi; tôi quan niệm sống là ở tạm mà thôi, sống gởi thác về. Hành trình mình còn đi xa lắm. Thành ra khi tôi thấu được điều này, tôi cảm thấy kiếp này tôi mắc nợ nhiều lắm. Tôi mắc nợ mười mấy đợt chôn sống người ta. Và tại sao tôi lại khốn khổ như thế này? [bật khóc] Tại sao không phải là người khác mà lại là tôi? Bởi vậy do đó tôi cứ cầu nguyện hoài, cầu nguyện Ơn Trên. Tôi đang chuẩn bị hành trình tôi phải đi để rời quả điạ cầu này. Một lúc nào đó cũng phải đi thôi, nhưng cái tâm của mình không biết làm sao cởi bỏ được đây! Tại sao, tại sao, tại sao?
Tôi ước mơ một lúc nào đó tôi sẽ phá được cái u minh trong đầu tôi, tôi thấy được Chân lý để có thể cảm thấy bình an tâm hồn, chứ thiệt ra tâm hồn tôi không có bình an suốt mấy chục năm nay!
Tôi giấu giếm đủ thứ chị ơi, giấu giếm vợ con tôi. Tôi đâu dám nói với con tôi, không dám nói chuyện với người vợ đầu tiên của tôi, không dám nói chuyện với bạn. Vậy mà hôm nay tự nhiên làm sao, chắc tuổi già rồi, tự nhiên tôi nói, nói, nói... Khi tôi thấy lá cờ CSVN tung bay ở trên tivi SBS, tôi tức quá tôi mới nói, tôi chịu không được nữa rồi. Vậy bây giờ tôi mới nói, từ hồi mình đánh cái vụ VTV4 tôi mới nói, chứ tôi giấu đó chị. Chẳng ai biết tôi dính dáng ba cái chuyện đó đâu. Tại vì mình nghĩ mình dính cái tội, mà mình lại hèn quá, mình không làm gì được. Tức quá, tức quá, tức quá! Nhưng tôi muốn nói lên tội ác của CSVN, tôi không muốn nhìn mặt cái thằng khốn nạn Nguyễn Sinh Cung Hồ Chí Minh trên cái ti vi của nhà tôi nữa. Bởi vậy tôi mới lên tiếng đấu tranh trong vụ VTV4 năm 2005.
Bởi vậy, chính từ khi tôi nói ra thì tôi nói ra luôn, chứ đáng lẽ chuyện này tôi giấu, tôi giấu kín, tôi không dám nói...
Huế sợ con ma Mậu Thân.
Tội quá đi ! Mỗi lần nghĩ tới, tự nhiên sao cái đầu tôi -trời ơi chị biết không- như đầy dòi bọ thúi tha, giống những người đã chết oan uổng. Dòi bọ trong hốc mắt, dòi trong lỗ tai, dòi bọ trong mũi. Ruồi - Huế nóng lắm - ruồi, ruồi, dòi, dòi, thúi cả một thành phố. 40 năm về trước nó thúi cả thành phố Huế. 40 năm sau, hôm nay tụi khốn nạn cầm quyền nó ăn mừng đại thắng. Tôi nói thật với chị : có điều tôi không hiểu làm sao, cũng con người với nhau, tại sao cái tư tưởng con người nó khác nhau nhiều vậy? Làm tôi bứt rứt quá! Mỗi lần nó nói chuyện đại thắng Mậu Thân, tự nhiên tôi cảm thấy tôi khốn nạn lắm, tâm hồn tôi cảm thấy khốn nạn vô cùng, không cách gì mà diễn tả được....
ND: Thưa anh, anh nên nhìn khía cạnh tích cực hơn, tại vì ND nghĩ ở cái tuổi đó, lúc anh 16 tuổi, mà anh đã từng lên tiếng phản đối rồi, nó đã lấy lưỡi lê nó đâm vào anh rồi, ND nghĩ sự anh chọn lựa anh ở lại anh chôn...
PVT: [ngắt lời ND] Lúc đó tôi ngừng, tôi không lấp đất! Tôi khóc, tôi đứng đó tôi khóc! Tại vì nó kêu lấp mà! Tôi không lấp, tôi đứng tôi khóc, tôi chống nó tôi khóc. Tại vì tôi không thể làm chuyện này - tôi nói trong bụng mà - tôi không thể làm chuyện này. Tôi khóc, không làm, thì nó mới lấy báng súng AK nó dộng lên lưng tôi. “Lấp lẹ lẹ, lấp lẹ lẹ ![ông T. nói ngọng theo kiểu giọng Bắc] ĐM! ĐM!” nó chửi thề như vậy. Xong rồi đánh. Nói thật lúc đó cũng đau chị ơi, nhưng đâu có đau bằng thấy đồng bào mình dưới đó! Thành ra tôi đứng đó, nhưng mà hồi sau nó lấy lưỡi lê nó đâm vào sườn tôi, tôi mới đau. Lúc đó hết rồi, hết đứng được rồi, phải lấp thôi. Bởi vậy chị có thấy không, tôi không chống đối nó. Nếu tôi chống đối nó, tôi quay cuốc tôi đánh nó, thì nó sẽ bùm bùm cắc cắc tôi một vài phát thì tôi cũng chết. Nhưng chẳng thà vậy đi! Bây giờ tôi nghĩ chẳng thà vậy đi! Mình chết thì chết, nhưng mình làm vậy tội lắm, tội lắm... Con cá mà mình bóp cổ, nó ngóp, nó ngóp, mình còn chờ cho nó chết mình mới chôn! Đàng này người ta còn sống mà! Ác quá! Ác quá!
Bây giờ hai thằng bạn tôi sống đâu rồi, tụi nó không biết ở đâu rồi, phiêu bạt giang hồ chỗ nào? Làm ơn giúp tôi đi, giúp tôi một tay, làm nhân chứng trong vụ này. Tôi vái trời cho tụi nó còn sống...
Phiêu bạt giang hồ, tôi bỏ Huế tôi đi từ hồi đó tới giờ, không bao giờ về... Tôi sợ Huế chị ạ! Không phải tôi sợ quê hương tôi, nhưng tôi sợ cái quá khứ khốn nạn mà CSVN gieo rắc vào quê hương tôi. Mỗi lần nhắc tới Huế, tôi tắt radio. Nhạc mà hát về Huế, tôi tắt. Nói tiếng Sàigòn đi, chị mà nói tiếng Huế, tôi sợ tôi đi. Ở Huế mà sợ Huế, không có chị ơi! Huế không phải sợ Huế, mà Huế sợ cái con ma Mậu Thân Huế. Cái bóng ma Mậu Thân Huế 40 năm nó vẫn theo tôi. Ai nói tiếng Huế tôi giật mình. Chị nói anh người Huế, ai nói tiếng Huế anh thích, không có đâu! Ai nói thì giật mình, giật mình giống như cái lưỡi dao nằm trong thịt, nó lành rồi nhưng mà ai đụng thì tự nhiên thốn! Thốn trong tim!
Tôi thưa với chị tại vì chị hết lòng, chị nói tôi tham dự cuộc phỏng vấn này, nhưng thiệt tôi không tính đâu. Tại vì sau cái này, tôi phải mất mấy tuần lễ mới hồi phục lại đời sống bình an, nhưng tôi khốn khổ lắm.
Buổi sáng chị thấy sau vườn tôi có lá cờ vàng ba sọc đỏ, sáng ngồi đây mà khóc đó chị! Ai cũng nói có vườn đẹp vậy, ngồi cười chứ sao khóc? Khóc, khóc nhớ đồng bào... [Ông T. khóc]
Tôi yêu ngọn cờ chính nghĩa.
Chị biết không, họ đem mấy cái xương, cái sọ, đem lên núi Bân. Cái núi Bân gọi là núi Bàng, chỗ mà vua Quang Trung lên ngôi hoàng đế, xuất quân đánh Tôn Sĩ Nghị đó! Đem xương, có nhiều cái đùi đã rã thịt, trắng hếu đem chôn, làm cái đài gọi là đài Mậu Thân, nạn nhân thảm sát Mậu Thân. Tiên sư cha nó, 1975 nó vô nó đào, nó xới lên hết!
ND: Anh nói đó là Nghiã trang Ba tầng?
PVT: Dạ thưa đó đó! Nó đào lên hết, không còn dấu vết nữa, bây giờ trồng hoa. Thằng Nguyễn Công Khế, thằng đó dân Huế, bây giờ nó đem mồ mả cha ông nó đem chôn ở đó. Chị biết cái núi Ba Tầng đó là ở đâu không? Là chỗ vua Quang Trung lên ngôi hoàng đế. Khi Lê Chiêu Thống đem quân vượt qua ải Nam Quan đến chiếm Thăng Long, Lê Chiêu Thống phò Tôn Sĩ Nghị về, thì vua Quang Trung Nguyễn Huệ bấy giờ mới lên ngôi tại đó. Tại vì ngài lên ngôi ở núi đó, nên đám cộng sản Bắc Việt và cả tụi ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản bây giờ, tụi nó mới nghĩ đó là đất linh, có thể đem dòng họ ông cố nội nó về đó chôn. Bởi vậy nó phá núi Ba Tầng, bây giờ nó đem dòng họ nó về đó chôn. Trồng hoa, trồng mồ mả ở đó.
Bởi vậy Huế bây giờ tội nghiệp lắm ! Còn có tên đường Mậu Thân, tên đường Xuân 68, chị biết không? Nó đặt một cái tên đồng bào ở đó vẫn gọi là Mậu Thân, là Xuân 68. Đi qua đường Xuân 68, qua đường Mậu Thân! Những cái tên ô nhục như vậy mà nó lấy đặt tên đường!
Tôi không hiểu đồng bào Huế ở đó làm sao. Không phải mình ở nước ngoài này mà mình nói chuyện chống Cộng. Nhưng đi đâu cũng vậy, mình giương ngọn cờ vàng ba sọc đỏ chẳng phải tại vì mình là sĩ quan VNCH nhớ quá khứ. Không có đâu! Ngọn cờ chính nghĩa này, mình cứ giữ hoài, tại vì nhờ nó tôi được ăn no, đất nước tôi có thanh bình. Tại vì từ hồi ngọn cờ máu vào quê hương tôi miền Nam, thì đất nước tôi bắt đầu có chiến tranh, bắt đầu có bom nổ chậm, bắt đầu có mìn giựt xe đò, có bắn pháo kích vô trường Cai Lậy. Quê hương tôi khói lửa kể từ ngày có ngọn cờ máu. Tụi nó đi tới đâu là đem máu tới đó.
Tôi thương yêu cái ngọn cờ chính nghĩa lắm. Bởi vậy tôi ước mơ tất cả mọi người mình, không phải vì vấn đề tiếc thương quá khứ chức vụ, mà vì tương lai tiền đồ của dân tộc, đất nước mình phải khá hơn. Nếu như bọn đầu trộm đuôi cướp, bọn theo cái chủ nghĩa coi đồng bào còn thua súc vật -là bọn theo chủ nghĩa Mác Lênin, con cháu của Hồ Chí Minh- nếu tụi này không còn cầm quyền ở đất nước nữa thì mình sẽ khá thôi chị.
No comments:
Post a Comment