Kính thưa quý vị,
Kính thưa quý thân hữu, quý chiến hữu cùng quý Niên trưởng,
Cho tới nay có lẽ không còn ai có thể phủ nhận được được sự tiện dụng, nhanh chóng, rẻ tiền và bao trùm của Internet. Ít lãnh vực nào của đời sống còn tách rời khỏi Internet. Nó chứa đựng gần như toàn bộ kho thông tin và kiến thức của nhân loại.
Ngược lại, sức mạnh và sự phổ quát của Internet đã làm thay đổi tư duy con người và bộ mặt thế giới. Nó đã được nhân loại mặc nhiên công nhận như một phương tiện để con người thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do tìm kiếm, tiếp nhận, và chia sẻ thông tin hoặc quan niệm, mà Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đã minh định là một quyền cơ bản của con người và được lập lại trong Điều 19 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.
Trong thực tế, các quốc gia trên thế giới đều ít nhiều muốn kiểm duyệt Internet vì nhiều lý do. Điều này không chỉ riêng ở các quốc gia độc tài, mà cả ở những nước có chỉnh phủ do dân thực sự bầu ra. Các quốc gia độc tài kiểm soát tin Internet chặt chẽ vì lo ngại về sự lan truyền thông tin trái chiều và ảnh hưởng của các nhà bất đồng chính kiến; còn một số nước dân chủ thì lo ngại tiềm năng kích động bạo lực, kỳ thị, phát tán hình ảnh khiêu dâm của Internet.
Tại các quốc gia độc tài như Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Syria, Iran…nơi mà các quyền của con người trong cuộc sống hàng ngày đều bị kiểm soát, hạn chế và các phương tiện truyền thông báo chí đều nằm trong tay của chế độ, thì những thông tin độc lập của giới báo chí lề trái chỉ được tìm thấy trên Internet và nơi đây cũng trở thành nơi thảo luận, bày tỏ quan điểm tự do.
Những cố gắng kiểm soát, hạn chế của các chính quyền độc tài đối với Internet chẳng những không cách nào bịt kín được, mà còn làm cho sự đối kháng từ những “cư dân mạng“ trở nên mãnh liệt hơn. “Cư dân mạng” đã sáng tạo cách thức làm thế nào để chống đỡ hữu hiệu việc ngăn chặn, cấm đoán, phong tỏa Internet, và hướng dẫn người khác vượt qua được hàng rào kiểm soát, những tường lửa do các chế độ độc tài dựng lên. Mấy năm trước, khi mạng xã hội Face Book bị ngăn chặn hoặc bị cố tình làm cho chậm lại tại Việt Nam thì ngay lập tức đã có hàng chục ngàn trao đổi trên mạng hướng dẫn đủ mọi cách cách vượt qua rào cản này. Trước đó và cho đến nay, nhiều cá nhân, tổ chức, cũng đã bỏ công nghiên cứu, soạn thảo và phổ biến rộng khắp nhiều tài liệu hữu ích giúp dân cư mạng tại Việt Nam vượt qua sự kiểm soát và theo dõi của công an khi lướt mạng. Một vài trang mạng điển hình như trang: http://nofirewall.blogspot. com/, http://vnctcmd.wordpress.com/ v%C6%B0%E1%BB%A3t-t%C6%B0%E1% BB%9Dng-l%E1%BB%ADa/, http://en.flossmanuals.net/ bypassing-vi/kiem-duyet-va- mang-Internet/.
Nhận định về sự cố gắng kiểm soát Internet, một bài viết của ký giả Raju Gopalakrishnam (1) cho biết: “Các nhà nước tại Á Châu đang ngày càng nhận ra rằng, kiểm soát nội dung trực tuyến, bao gồm cả các bất đồng ý kiến, là việc hầu như không thể thực hiện được…. Ngay cả Trung Quốc, nơi mà có nhiều quy định mạnh mẽ về Internet cũng đang phải vật lộn và tìm cách làm thế nào để đối phó với các trang blog đang ngày càng trở nên phổ biến bởi hàng trăm hàng triệu người đọc, và việc ngăn chạn chúng là hoàn toàn rất khó để ngăn.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc bộ phận Châu Á của Human Rights Watch ở Bangkok cho biết: “Chính phủ [các nước độc tài] đang dành ra khá nhiều nguồn lực và thời gian để ngăn chặn các trang web và tôi nghĩ rằng đó là một phản ứng hoảng loạn. Họ có một số cách ngăn chặn tạm thời, nhưng về lâu dài, sẽ không có hiệu quả, bởi vì người ta vẫn sẽ tìm cách này hay cách khác để có được những tin tức mà họ muốn nghe, muốn biết. Một khi người dân đã được tiếp xúc với Internet và nhận ra rằng sức mạnh thông tin miễn phí hiển hiện ngay trước mắt, thì đó là một cảm giác đặc biệt về sức mạnh trong tay mình.”
Đối với những lo ngại Internet có thể phát tán ý tưởng kích động bạo lực, kỳ thị, trong bài phát biểu tại Đại học George Washington vào tháng 2 năm 2011, Ngoaị trưởng Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton cho rằng nhiều khi việc kiểm duyệt những lời lẽ đó lại là vi phạm quyền tự do ngôn luận và cách tốt nhất để đối phó với những kêu gọi hằn học là có thêm tự do ngôn luận. Người dân cần phải lên tiếng phản đối sự hiềm khích và thù hằn.
Trong những năm đầu của thiên niên kỷ này, khi ngày càng có nhiều phóng viên, nhà báo, bloggers trên thế giới bị cầm tù vì đã nói lên nguyện vọng yêu chuộng tự do dân chủ, công lý và sự thật trên Internet, trong lúc mạng Internet ngày càng bị kiểm soát chặt chẽ hơn tại một số quốc gia, công luận trên thế giới bắt đầu lên tiếng. Nhiều tổ chức quốc tế và chính phủ cho rằng mọi người cần phải có phản ứng chung đối với những biện pháp độc đoán bằng cách cùng sát cánh với nhau bày tỏ thái độ, hầu tìm cách hoá giải, phá vỡ sự kiểm soát trên mạng, cũng như vận động tự do cho các phóng viên, nhà báo, Blogger bị cầm tù. Trong bối cảnh đó, ngày 12/3/2008 Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới đã khởi xướng và kêu gọi mọi người chống kiểm duyệt Internet. Lời kêu gọi này đã được sự hưởng ứng rộng rãi trên khắp thế giới trong lúc nhà cầm quyền tại các chế độ độc tài coi đây là một mối nguy mới.
Một năm sau, hai tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới và Ân Xá Quốc Tế gửi thư đến Google và Yahoo đã công nhận ngày 12 tháng 3 là Ngày Quốc Tế Chống Kiểm Duyệt Internet.
Sức mạnh của Internet không chỉ khiến các chế độ độc tài lo ngại về bức màn bưng bít thông tin bị phá vỡ, những sự thực về chế độ, về lãnh tụ bị phơi bày; mà ngay cả ở Hoa Kỳ, Internet đã buộc quốc hội Mỹ, tức cơ quan quyền lực ngang hàng với quyền hành pháp của tổng thống, phải lùi bước. Mới đây, khi dự luật “Đình chỉ hoạt động vi phạm bản quyền trực tuyến” (viết tắt là SOPA) và “Dự luật Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (viết tắt là PIPA) dự định được đưa ra quốc hội Hoa Kỳ để xem xét đã bị sự phản đối của nhiều người, trong đó có rất nhiều công ty và tổ chức như:Google, Yahoo!, YouTube, Facebook, Twitter, AOL, LinkedIn, eBay, Tập đoàn Mozilla, Roblox, Riot Games, Epic Games, Reddit, Wikipedia và tổ chức Wikipedia, Hội Phóng viên không biên giới, Hội Electronic Frontier (EFF), ACLU, và Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền,… qua các hình thức như xuống đường biểu tình, để biểu ngữ màu đen trên logo website với dòng chữ “NGỪNG KIỂM DUYỆT” (STOP CENSORSHIP), ký kiến nghị trực tuyến, làm “mất điện” các trang web trong vòng 24 giờ, hiển thị tin nhắn phản đối SOPA và PIPA trên các trang web và hướng người dùng đến khẩu hiệu: “Hãy tưởng tượng một thế giới mà không có kiến thức tự do”…
Những người phản đối dự luật cho rằng dự luật này quy định quá rộng, lại quá lỏng lẻo, có nguy cơ ảnh hưởng tới nhiều hoạt động không liên quan gì tới vi phạm bản quyền. Như vậy sẽ làm tê liệt Internet và đe dọa quyền tự do ngôn luận. Trước làn sóng phản đối quyết liệt đó, ngày 20.1.2012 quốc hội Hoa Kỳ đã phải rút lại việc xem xét hai dự luật nêu trên.
Theo một thống kê cho biết chỉ trong năm 2009 đã có hơn 90 ngàn tỉ eMail được gởi đi và chỉ riêng tháng 12/2009 đã có 131 tỉ lượt tìm kiếm trên mạng Internet. Dự kiến trong năm 2012 này sẽ có 2,1 tỉ người trên thế giới xử dụng Internet. Riêng tại Việt Nam tính đến cuối tháng 1/2012 số người sử dụng Internet ước tính đạt 33,4 triệu người. Nếu chỉ tính theo số người xử dụng Internet thì theo thống kê năm 2011, Việt Nam đứng hàng thứ 19 trên thế giới (2). Tuy nhiên, nếu tính theo tỷ lệ dân số thì Việt Nam còn đứng khá thấp. Nhìn vào bảng xếp hạng 58 quốc gia có trên 50% dân số xử dụng Internet (3) người ta có thể thấy được điều này.
Trong bài viết “Việt Nam đàn áp Internet và quyền tự do phát biểu” của ký giả Doug Bernard, được đài VOA dịch ra Việt Ngữ và được trang mạng Boxit VN đăng tải (4) ông đã cho độc giả một số thống kê thú vị, với nhận xét như sau: “Trong lĩnh vực tự do thông tin, việc sử dụng điện thoại di động cũng như iPhone, iPad…luôn gắn liền với việc sử dụng Internet. Bài báo đã cung cấp cho bạn đọc những con số thống kê rất nên biết, ví dụ “Hơn 111 triệu điện thoại cầm tay đã được đăng ký tại một đất nước có dân số chỉ tới 86 triệu người” (tức là bình quân mỗi người Việt Nam đang sử dụng từ 1 đến 2 điện thoại di động). Chỉ trong 10 năm gần đây số người truy cập Internet đã tăng từ 1% vọt lên tới 27%, nhưng cũng “Chỉ trong vài tháng qua, có tới 9 nhà báo và 33 blogger bị bỏ tù! Tác giả cũng giới thiệu ngắn gọn về các blogger nổi tiếng bị khống chế và tù tội như Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Anh Ba SG, Mẹ Nấm…”
Tuy chưa có con số thống kê chính thức nào, nhưng điều được nhiều người thừa nhận là đại đa số những người dùng Internet ở Việt Nam là giới trẻ và có khuynh hướng truy cập những trang mạng được nhà nước cho phép. Những chủ đề thịnh hành trong giới này là “hàng hot”, bạo lực,“lộ hàng“, v.v… và do đó vô hình chung đã gần như tạo thành nếp “thời trang” cho giới trẻ nói riêng và xã hội VN nói chung, hiện nay. Trong dịp kỷ niệm 33 năm trận chiến Biên Giới Phía Bắc vừa qua đã không ít người than phiền rằng, có đến 80 – 90% thành phần trẻ ngày nay không hề biết gì về biến cố Trung Quốc xâm lược năm 1979 cũng như biến cố Trường Sa năm 1988, vì nền giáo dục của đảng không bao giờ nhắc đến, còn truyển thông, đặc biệt là Internet, tuy là những phương tiện giáo dục hữu hiệu nhưng những vấn đề vừa kể lại bị coi là nhạy cảm, không ai dám nhắc đến.
Điều rất đáng buồn từ nguồn thống kê của các công ty chủ quản các động cơ truy tìm như Google, Yahoo cho biết Việt Nam đã “lọt được” danh sách những quốc gia có tỷ lệ người dùng Internet thăm viếng các trang mạng khiêu dâm, tình dục cao nhất thế giới. Ngay cả trên hầu hết các trang báo mạng do nhà nước quản lý và cho phép đều đầy rẫy những hình ảnh và mẫu chuyện khêu gợi, khiêu dâm. Trong lúc đó, mọi lệnh cấm Internet đều có thòng thêm lý do để ngăn chận văn hóa đồi trụy và bảo vệ trẻ em!
Bên cạnh thành phần vừa kể là một thiểu số khao khát sự thật, tìm đọc những nguồn tin tức dữ kiện bị xem là “nhạy cảm” đối với nhà nước. Nhờ sự hướng dẫn dây chuyền, thành phần này đã ngày càng có nhiều người biết cách tự bảo vệ mình thoát khỏi sự theo dõi, rình rập của công an trong khi “lướt mạng”. Đồng thời, ảnh hưởng của thành phần thiểu số này cũng ngày một gia tăng trên cộng đồng mạng. Hẳn nhiên đây là điều khiến nhà nước không thể yên tâm. Do đó, bên cạnh những chiến dịch tấn công dịch vụ (DOS) các trang mạng “không được lòng của nhà nước”, Hà Nội đã liên tục ra những văn bản dưới luật, gọi là để “quản lý” Internet, mà thực chất là để trói buộc những người xử dụng Internet trong cái rọ của nhà nước chặt chẽ hơn, và khi không “quản lý” được theo ý muốn thì cấm cản, đàn áp, sách nhiễu, bắt bớ, giam cầm. Với “thành tích” này, hàng năm CSVN luôn luôn được xếp hạng là nhà nước kẻ thù của Internet, và hiện đang đứng hàng thứ nhì thế giới về số blogger và nhà báo bị giam giữ.
Để đáp lại sự quan tâm của thế giới về quyền xử dụng Internet của người Việt Nam, có lẽ đã đến lúc người Việt Nam chúng ta cùng tham gia lên tiếng với thế giới trong ngày Chống Kiểm Duyệt Internet 12/3/2012 năm nay. Những việc làm cụ thể rất đa dạng và có thể rất đơn giản, như gởi cho người chung quanh địa chỉ những nơi hướng dẫn cách vượt tường lửa, cách xoá dấu chân khi lướt mạng; cùng nhau đăng một hình tượng chung về Tự Do Internet; đăng tại trang mạng, trang blog của mình một câu về quyền tự do thông tin của con người, v.v….
Internet đang đưa con người không chỉ GẦN lại với nhau mà còn BÌNH ĐẲNG với nhau hơn về kiến thức, lương tâm, và nhân phẩm. Khuynh hướng này cần thêm từng bàn tay của chúng ta góp phần đẩy tới.
Nguyễn Thanh Văn
No comments:
Post a Comment