Wednesday, May 15, 2013

TRẦN HUỲNH DUY THỨC - TÌNH YÊU KỲ DIỆU



Nguyễn Ngọc Già - Tôi đã từng hỏi nhà tôi: Nếu anh bị bắt như những người tù nhân lương tâm thì sao?

Em không biết, dù đã từng vài lần nghĩ về điều này. Em cũng không biết, lúc đó em có đủ bản lĩnh đấu tranh cho anh như những người vợ khác không nữa, nhưng có một điều chắc chắn: em sẽ chờ anh, chờ anh về cho đến khi nào em còn sống - nhà tôi nhẹ nhàng trả lời.
Câu trả lời giản dị của nhà tôi làm tôi chợt nhớ đến vợ anh Trần Huỳnh Duy Thức.

Tôi không biết chị là ai, ngoài một bài báo cũ gần 4 năm về trước cho hay chị có tên Lê Đính Kim Thoa, khi đài BBC phỏng vấn về tình trạng chồng mình.

Từ một lá thư, anh Thức viết trong tù [1]:

"...ánh mắt Mẹ vẫn còn một số lo âu, dù đã bớt rất nhiều. Ba rất hiểu những lo âu đó. Nhưng hãy vứt bỏ tất cả, tất cả mọi lo âu và sống vui, thật vui và lạc quan Mẹ à. Chúng ta cần có sự quan tâm cần thiết nhưng không bao giờ cần đến sự lo âu cả. Đừng lo lắng về những gì mà chúng ta không thay đổi được. Ba từng đọc một tài liệu thống kê rằng 92% nỗi lo âu của người Mỹ là vô ích hoặc chẳng có căn cứ gì, chúng chỉ mang đến cho họ những phiền não, khiến họ chẳng làm được việc gì, rồi từ đó làm họ càng lo âu, càng bị cuốn vào vòng xoáy của chúng. Trong mọi hoàn cảnh, ta hãy chủ động chấp nhận tình huống xấu nhất rồi giữ nỗ lực để đạt được càng trên mức đó càng tốt, như vậy sẽ tạo cho ta một tâm lý tích cực, thấy mọi việc dần tốt lên, không thể xấu hơn được nữa. Điều tác hại nhất đối với tâm lý con người là bị rơi vào cảm giác ngày một xấu đi, hoặc hy vọng rất nhiều rồi thất vọng, chúng ta đã chấp nhận được tình trạng xấu nhất, giờ nó cũng qua rồi..."
và từ những vần thơ anh viết cho chị [2]:

Chốn lao tù thân xác anh xiềng xích
Nhưng Con đường anh vẫn bước dưới trời thu
Bão tố mưa giông sóng dữ thác ghềnh
Không ngăn được anh đi về phía trước

Em hãy vui lên bão dữ sắp qua rồi
Anh đã thấy bến chờ em đứng đợi
Gió đông chiều thoảng hoa rừng thơm mát
Biết chăng em xuân đang đợi én về

Tôi mường tượng về hình ảnh của chị nhưng mãi không phác họa ra được bức chân dung như mình muốn...

Gác lại để đó, bởi không thể vẽ một người với vóc dáng mờ ảo, đó là bức chân dung nhạt nhòa, không phản ánh được cái "thần" cần chuyển tải đến người đọc, dù chị đã gây ấn tượng mãnh liệt với tôi bằng câu nói giản dị và bình thản [3] sau khi chồng đã thụ án 2 năm:

“Anh ấy đâu có tội gì đâu nên vẫn bình thường, tinh thần vẫn ổn như cũ vậy thôi. Vẫn giữ vững lập trường từ xưa đến giờ.”

Công việc, những biến cố, sự kiện xã hội kéo tôi đi và lãng quên chị, nhưng hình ảnh chị vẫn thấp thoáng đâu đó bởi ít nhất một câu hỏi bám riết trong đầu tôi: Chị đã phản ứng như thế nào ngay trước lời tuyên án tàn khốc đối với chồng mình: 16 năm tù giam và 5 năm quản chế?Câu hỏi cứ ám ảnh tôi, bởi đó là "kỷ lục" cao nhất trong mười năm trở lại đây cho những người đã thành án chính thức sau phiên phúc thẩm.

***
Sài Gòn hôm nay không nắng. Màn trời bàng bạc mây xám ảm đạm với cơn mưa lất phất suốt ngày, lên tiếng báo hiệu cho mùa hè đang tới. Những ngày này làm tôi chạnh lòng nhớ về những ngày hỗn độn trên quê hương của 38 năm về trước. Quãng thời gian này của ngày xưa, nhà nhà nhốn nháo, xã hội bấn loạn vào ban ngày cùng với những đêm giới nghiêm thật lặng lẽ mà căng thẳng, hồi hộp với tiếng đại bác vẫn ầm ì dội về cùng những hỏa châu, chốc chốc lóe sáng đầy trời như ánh mắt đỏ ngầu của những ai không thể ngủ. Mấy má con tôi thì khấp khởi hy vọng và chờ mong tin anh trai tôi từ Côn Đảo trong cái nóng hầm hập của mùa hè.

Rồi hội ngộ trong chan hòa nước mắt, sau những tháng năm xa cách biền biệt không chút tin tức của cái thuở truyền thông ngày xưa còn lạc hậu.

Mấy ngày nay, tin tức bỗng hỗn loạn vô cùng, từ phủ nhận việc đổi tiền cho đến những tín hiệu đen đủi của các ngành kinh tế, cho thấy sự thất bát trở nên vô phương cứu vãn cùng với việc xuất hiện những trang blog mới, lạ và kỳ quái v.v... Những thông tin ở đó như đánh phủ đầu tất cả. Loạn xạ. Hồ đồ và mất phương hướng. Chừng như không phải là vài ba phe đang đánh nhau mà tới những chục phái có lẻ! Điều này chứng tỏ bộ máy tuyên truyền và định hướng của giới cầm quyền hoàn toàn mất kiểm soát, hầu như bất lực với châm ngôn "hồn ai nấy giữ".

Nhớ đến lời của Thức, tôi càng cảm phục tài năng dự báo chuẩn xác của anh khi nhiều lần nhấn mạnh [4]: "...trong những bối cảnh chính trị tương tự như Việt Nam hiện nay, sự thay đổi sẽ diễn biến rất nhanh một khi lực lượng cơ hội phá vỡ thế cân bằng trong nội bộ của một Đảng toàn trị...". Những thước "phim âm bản" của 7 năm về trước mà Thức đành bỏ dở nửa chừng vì án tù, nay đang dần thay thế bằng "dương bản" ngày càng mồn một cho bộ phim "xã hội Việt Nam - những điểm chết tận cùng" đang rõ rệt hơn bao giờ hết.

Khả năng dự báo khoa học chuẩn xác của anh càng chỉ ra một con người sáng suốt trong mọi hoàn cảnh và bình tĩnh trong mọi tình huống. Con người ta chỉ đạt đến độ tĩnh tâm mới có thể làm được như vậy. Ở đây, tôi phát hiện ra Thức trong tư cách một con người biết yêu và yêu tha thiết như Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết trong tác phẩm "Anger": Patience is the mark of true love (Tạm dịch: Sự kiên trì là chỉ dấu của tình yêu chân thật). Không xuất phát từ đó, chắc anh khó lòng truyền nghị lực cho vợ mình bình thản đối diện với án tù nghiệt ngã mà anh nhận lãnh.

Không những thế, không có tình yêu chân thật ở nghĩa rộng hơn xuất phát từ tính kiên trì hiếm có, anh cũng khó lòng bình thản và lạc quan, vững tin vào con đường đã chọn, sau khi đã chấp nhận toàn bộ tài sản mấy trăm tỉ đồng biến mất. Còn gì để bàn cãi về sự kiên trì mà từ đó tạo nên tình yêu - tình yêu cả nghĩa hẹp và nghĩa rộng mà không phải ai cũng có được?

Không biết giông tố bao giờ nổi lên, nhưng dù cho tạo hóa trút cơn thịnh nộ đến cỡ nào đó cũng không làm cánh Đại Bàng e sợ, bởi đặc tính của Đại Bàng - vua của các loài chim - là cách đón đầu cơn bão. Khi cơn bão sắp tới, không như tất cả mọi loài chim đều tìm cách chạy trốn, Đại Bàng bay đến một đỉnh núi thật cao và đậu ở đó để chờ. Một khi cơn bão ập tới, Đại Bàng đón đầu và dùng chính sức mạnh của cơn bão để đưa đôi cánh mình bay vút lên bầu trời, cưỡi lên cơn bão đang gào thét bên dưới.

Trả lại đất trời bình yên sau cơn bão lớn, Đại Bàng trở về với thiên chức của mình, thách đố với những ngọn núi cao hơn và nó xứng đáng nhận vai trò thủ lĩnh trong những cuộc chinh phục mới.

***
Khuất sau những gì kiên trì lại ôn hòa, dũng mãnh lại dẻo dai, cương mà không cứng, nhu nhưng không nhược, Trần Huỳnh Duy Thức vẫn chứng tỏ tâm hồn êm ả và lãng mạn như vốn có từ những vần thơ anh viết cho vợ, cho mẹ, cho cha. Anh quả là người may mắn và diễm phúc khi có một gia đình và những người bạn hiểu đúng con đường anh chọn.

Có chăng, còn một chút lắng đọng mà tôi muốn gởi đến anh trong lao khổ vẫn đầy ắp tình yêu. Tình yêu của anh đôi khi như những đợt sóng dập dồn vỗ vào ghềnh đá; lúc lại thiết tha, bỏng cháy như ngọn lửa hồng trên bãi biển mênh mông; có khi thầm thì, mượt mà như bàn tay mềm ấm vỗ về nỗi đau nhân thế.

...Và cho cả chị - Lê Đính Kim Thoa:

Có bỡ ngỡ là mặt trời bỡ ngỡ.
Có xôn xao là sỏi đá xôn xaọ
Cánh tay anh, anh đã dặn nằm im.
Ðể người yêu thả trôi suối tóc mềm

Ðôi mắt anh đã trở thành tinh tú.
Ðứng thật xa canh chừng giấc ngủ ngon.
Anh canh chừng con thuyền lạ đi ngang.
Sẽ chở em về quê hương thần thoại

(Kỳ Diệu - Anh Bằng) [5]

Ai cũng có một thời tuổi trẻ để sống và để yêu.

Bạn hãy lắng nghe đi! Lắng nghe để giật mình đến thinh lặng, bởi không chỉ những ca từ kiêu sa mà nồng cháy, ở đó toát lên cả một vùng trời bình yên sau cơn bão lớn của những con người thủy chung và say đắm; tái tê đến nồng nàn.

Rồi "Con thuyền lạ" sẽ ngang qua để đón anh cùng đưa người vợ hiền về "quê hương thần thoại". Hơn cả như vậy, chắc chắn một điều: niềm tin "canh chừng" giấc ngủ cho chị sẽ mãi là "hằng số" trong anh.

Trần Huỳnh Duy Thức - Lê Đính Kim Thoa, Anh - Chị có quyền tự hào về tình yêu của mình. Không chỉ là "quê hương thần thoại" bước ra từ những nốt nhạc lóng lánh như dải lụa mà nó trở thành sự thật trong cõi nhân sinh.

Trần Huỳnh Duy Thức - Lê Đính Kim Thoa xứng đáng để ngợi ca với tư cách những Con Người Thủy Chung và Cao Cả!

Nguyễn Ngọc Già

No comments:

Post a Comment