Nguyễn Thanh Giang - Emmanuel Kant (1724 -
1804), người đã từng có đóng góp lớn vào việc nghiên cứu sự vận hành của Trái
đất, sự tồn tại của Đại Thiên hà vũ trụ nằm ngoài Thiên hà chúng ta, lại cũng
chính là nhà bác học rất thích nhắc đi nhắc lại câu ngạn ngữ: “Hãy thực
hiện công lý đi, cho dù thế giới có tiêu vong”.
Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền do Liên
Hiệp Quốc công bố ngày 10 tháng 12 năm 1948 mở đầu rất thống thiết:
“Sự xâm phạm và coi thường nhân quyền dẫn đến
các hành động dã man xúc phạm tới lương tâm của nhân loại, và việc xây dựng một
thế giới trong đó con người không còn phải chịu sự khủng bố và sự khốn cùng,
được tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng là khát vọng cao nhất của con người.
Nhân quyền phải được pháp luật bảo đảm, để mỗi
người không còn bị buộc phải - khi không còn cách nào khác - nổi dậy đấu tranh
chống lại sự tàn bạo và áp bức”.
Ngày 25-6-1993, hội nghị thế giới về nhân
quyền
“Trịnh trọng thông qua Tuyên ngôn Vienna và
Chương trình Hành động dưới đây:
Hội nghị thế giới về nhân quyền khẳng định lại
cam kết trịnh trọng của tất cả các quốc gia là hoàn thành nghĩa vụ của họ về
thúc đẩy sự tôn trọng ở khắp nơi, thực hiện và bảo vệ tất cả các quyền con
người và quyền tự do cơ bản cho mọi người phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp
Quốc cùng các văn kiện khác liên quan tới quyền con người và luật pháp quốc
tế...” vv...
Từ 1948 đến nay, sau Tuyên ngôn toàn thế giới
về Nhân quyền, Liên Hiệp Quốc đã ban hành tới 53 công ước và văn bản pháp lý
quốc tế liên quan đến lĩnh vực quyền và tự do cơ bản của con người bao gồm các
công ước về các quyền chính trị dân sự, công ước về các quyền kinh tế, văn hóa,
xã hội... Con người hằng khao khát, nhân loại đã dốc bao nhiêu trí lực nhằm tìm
phương cách tốt nhất hiện thực hóa vấn đề quyền con người, nhưng chính Các Mác
thì cho rằng nhân quyền tư sản là “quyền con người của chủ nghĩa ích kỷ” là
“quyền lợi của thành viên xã hội thị dân”. Ông Lý Quang Diệu thì phỉ báng rằng:
“Vấn đề nhân quyền là mặt trái của đồng bạc
trắng châu Á”.
Ông còn võ đoán:
“Người Nga không hề tin một chữ nào trong bản
tuyên ngôn mà họ đã ký (tức tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền, 1948 - TG).
Còn người Trung Quốc thì bấy giờ đang trong tình trạng hỗn loạn cực độ. Họ phải
giả vờ ủng hộ nhân quyền và tự do gắn liền với nhân loại để tranh thủ viện trợ
của Mỹ và đối phó với sự chống đối của những người cộng sản”.(1)
Ở Việt Nam, nhân quyền được quy kết vào quyền
công dân. Điều 50, Hiến pháp Việt Nam 1992 ghi
“Ở nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam,
các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn
trọng thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và Luật”.
Một vấn đề rất thiết thân với con người lại bị
chính con người đem ra chế tác, ngụy tạo, phỉ báng! Chẳng trách gì ở một chuồng
thú trong thảo cầm viên tại thủ đô Lusaka, nước Zambia có treo tấm biển ghi: “Con
vật nguy hiểm nhất thế giới”. Nhìn vào chuồng chẳng thấy gì hết ngoài
hình ảnh của chính người đứng xem trong chiếc gương treo ngang mặt người.
Liệu thế giới có những giá trị chung về nhân
quyền không? Liệu Việt Nam có nhất quyết phải bảo đảm những giá trị chung đó
không?
Người viết bài này vốn chỉ quen khảo sát các
trường Địa vật lý mà “ngoại đạo” đối với “các trường nhân văn” nên không hy
vọng có thể luận đàm hay lý giải về một vấn đề to lớn như vậy mà chủ yếu muốn
trình bày những nhận thức về một khát vọng của nhân loại và mong ước đất nước
mình - với hàng triệu sinh linh khi ngã xuống trong suốt nửa thế kỷ qua đã
tưởng vọng đến những giá trị cơ bản của nhân quyền thông qua các tiêu chí độc
lập, tự do, hạnh phúc - sẽ phải hoàn toàn xứng đáng tận hưởng khát vọng đó.
1.
Những ý niệm về Nhân Quyền
Ngày 4 tháng 7 năm 1776, Thomas Jefferson đã
mở đầu bản “Tuyên ngôn Độc lập” của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ bằng sự khẳng định:
“Chúng tôi coi những chân lý sau đây là hiển
nhiên, rằng tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa cho họ những
quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có Quyền được sống,
Quyền tự do và Quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Có lẽ đây là lần đầu tiên khái niệm quyền con
người được chính thức công bố trên văn bản.
Bản tuyên ngôn khẳng định quyền con người là
hiển nhiên, vốn có, là không thể xâm phạm. Nó xuất hiện và tồn tại cùng xã hội
loài người; không phải vũ đoán hoặc do ý chí áp đặt mà do “tạo hóa” sinh ra.
Các triết gia thời cổ đại từng cho rằng các quyền tự nhiên là tài sản của tất
cả mọi người. Trước đây 36 thế kỷ, Hammourabi - người sáng lập ra Babylone -
quan niệm “Công lý bùng nổ để ngăn chặn kẻ mạnh làm hại người yếu”. J.J.
Rousseau, mở đầu cuốn “Khế Ước Xã Hội” với lời tuyên bố “Con người sinh ra đã
là tự do”.
Trong lịch sử phát triển, quan niệm quyền con
người là khả năng bẩm sinh và có tính thực tế đã tạo sức mạnh cho con người
vươn tới tự do và bình đẳng. Xã hội chiếm hữu nô lệ rung chuyển và sụp đổ do
các cuộc khởi nghĩa nhằm giành lại quyền làm người của những người nô lệ bị chủ
nô tước đoạt. Lúc đó ước nguyện cơ bản của quyền con người là quyền tự do chứ
chưa có sự thôi thúc giành giật lợi quyền kinh tế. Khi giai cấp tư sản giương
ngọn cờ dân chủ, tự do, bình đẳng thì đã tập họp được cả xã hội nhất tề đứng
dậy lật đổ chế độ chuyên chế phong kiến xóa bỏ xã hội thần dân, xác lập xã hội
công dân.
Trên cơ sở quan niệm rằng con người là sự trừu
tượng hóa của tất cả các thực thể cá nhân; coi con người với tư cách chủ thể
của nhân quyền, là các cá nhân đã được trừu tượng hóa và siêu thoát khỏi những
ràng buộc của kết cấu chính trị, xã hội như: màu da, dân tộc, tôn giáo, quốc
tịch..., Tuyên ngôn độc lập 1776 nêu rõ quyền con người gồm ba nội dung chủ
yếu: quyền sống, quyền được tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc. Các quyền đó
bình đẳng đối với từng cá nhân, cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng
tộc, giới tính, vị thế xã hội... Bình đẳng là khả năng bẩm sinh của con người.
Mỗi con người đều được tạo hóa phú cho các khả năng về cảm xúc, giao tiếp, tư
duy và nếu có sự phát triển bình thường về thể chất thì đều có quyền được hưởng
các quyền cơ bản của nhân quyền. Sự bất bình đẳng trong các khả năng thụ hưởng
quyền con người chẳng qua là do sự phát triển phái sinh, giả tạo gây ra bởi xã
hội.
Theo sự phân loại chung thể hiện trong các
công ước quốc tế thì nhân quyền bao gồm hai lĩnh vực.
* Thuộc lĩnh vực các quyền dân sự và chính trị
gồm có:
1) Quyền được sống và không bị tước đoạt sinh
mạng một cách độc đoán.
2) Quyền có an ninh cá nhân, không bị bắt giữ
vô cớ hay bị bỏ tù mà không xét xử công minh.
3) Quyền không bị đối xử độc ác và không bị
tra tấn kể cả khi bị bỏ tù.
4) Quyền bình đẳng trước pháp luật và không bị
áp dụng phép hồi tố bất lợi.
5) Quyền tự do cư trú và đi lại.
6) Quyền sở hữu tài sản.
7) Quyền bất khả xâm phạm đối với đời sống
riêng tư, gia đình, nhà “, thư tín.
8) Quyền được bảo vệ danh dự, uy tín, nhân
phẩm.
9) Quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng.
10) Quyền tự do lập hội và hội họp.
11) Quyền được khiếu nại, tố cáo bất cứ cá
nhân, tổ chức nào.
12) Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.
13) Quyền tự do biểu tình.
14) Quyền được tham gia quản lý xã hội (bầu
cử, ứng cử...).
* Thuộc lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa gồm
có:
1) Quyền có việc làm và được hưởng thụ thỏa
đáng.
2) Quyền được chăm sóc về y tế.
3) Quyền được hưởng nền giáo dục, trước hết là
giáo dục tiểu học miễn phí.
4) Quyền được có nơi cư trú.
5) Quyền được sống đủ cho bản thân và gia
đình.
6) Quyền được sống trong môi trường không ô
nhiễm, độc hại.
v.v...
Chủ nghĩa nhân bản xuất phát từ nhân tính, coi
tự do, bình đẳng, bác ái là thuộc tính con người. Lấy con người làm điểm xuất
phát và cũng là đích cuối cùng, là giá trị cao nhất trong mọi giá trị, nhân
quyền được xếp cao hơn chủ quyền, nhân quyền không có biên giới quốc gia.
Tuy nhiên chủ nghĩa Mác không thừa nhận con
người trừu trượng, con người khái quát, nên cũng không thừa nhận khái niệm nhân
quyền trên. Mác từng nói:
“Con người quyết không phải là cái trừu tượng
bám đậu ngoài thế giới. Con người chính là thế giới của con người, chính là
quốc gia, xã hội”.
Những người xuất phát từ chủ nghĩa duy vật
lịch sử chỉ xem nhân quyền là quyền lợi của con người với tư cách là thành viên
xã hội, do đó, nhân quyền mà họ được hưởng dù nói về tính chất, nội dung, hình
thức cùng những bảo đảm về tư pháp đều do chế độ xã hội quyết định. Họ cho rằng
nhân quyền chỉ là sự giới định và thừa nhận xã hội mà con người giành được với
tư cách là sự vật tồn tại trong xã hội. Sự thừa nhận và giới định này biểu hiện
ở tư cách là người tham dự giao lưu xã hội. Có hay không có tư cách này tức là
có hay không có quyền lợi; tư cách bằng nào thì quyền lợi bằng nấy.
Trong khi Jan Martenson, Cao ủy Liên Hiệp Quốc
về quyền con người đã khẳng định:
“Trong nhân quyền không có công dân hạng hai,
và không có ai sinh ra để phải ngồi đằng sau cỗ xe nhân quyền” (2)
Thì thậm chí có nhà lý luận Trung Quốc còn
coi:
“Nhân quyền trước hết là nhân quyền của một
giai cấp nhất định, có tính giai cấp rất rõ rệt. Ban đầu sự nảy sinh nhân quyền
có cùng một quá trình lịch sử với sự sản sinh giai cấp....
Sự thừa nhận của xã hội đối với người nào đó,
trước hết phải coi người đó là thành viên của giai cấp nào.... Nhân quyền của
giai cấp thống trị là sự hạn chế đối với giai cấp bị trị... Cho dù ngay trong
nội bộ một giai cấp, nhân quyền của mỗi người đều là sự hạn chế đối với mọi
người có quan hệ giao lưu với người đó...” (3)
Những lý luận kiểu ấy dễ dàng trở thành nền
tảng, thiết lập nên “cái nhân quyền” của giai cấp công nhân phải khác, và tất
nhiên là hơn, nhân quyền của giai cấp nông dân, của tầng lớp trí thức. “Cái
nhân quyền” của những người cộng sản phải là một đặc quyền. “Cái nhân quyền”
của Pol Pot cho phép ông ta tàn sát hàng triệu đồng bào mình! “Cái nhân quyền”
của Stalin trao sứ mệnh cho người ấy đày đọa, giết hại hàng vạn đồng chí mình! Thật
là kinh khủng!!!
Ngay từ thời cổ đại người ta đã biết quan tâm
đến quyền con người. Thị dân ở một số thành phố Ai Cập đã sử dụng các quyền như
quyền tự do ngôn luận, quyền bình đẳng của tất cả mọi người trước pháp luật.
Antigone đã nói đến quyền không vâng lời trước Creon. Spartacus đã tuyên bố
trước những người nô lệ về quyền chống lại áp bức.
Tiếc rằng trong suốt lịch sử hình thành và
phát triển của mình, ở các nước XHCN đã tồn tại phổ biến tinh thần phủ nhận
khái niệm quyền con người. Khi cực chẳng đã phải ngồi bàn thảo về một nhu cầu
hết sức thiêng liêng và toàn diện này thì người ta lại thường nhấn mạnh sự ưu
tiên của các quyền kinh tế - xã hội so với các quyền chính trị và tự do cá
nhân. Họ xem các quyền chính trị và tự do cá nhân chỉ là những xa xí phẩm chưa
cần thiết hoặc không cần thiết đối với quảng đại quần chúng. Ngay giữa hội nghị
nhân quyền Vienna 1993, thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lưu Hoa Thu vẫn còn
dóng dả:
“Đối với bất kỳ một nước đang phát triển nào,
vấn đề phát triển kinh tế là quyền con người quan trọng nhất”.
Phải chăng người ta muốn dìm đầu con người vào
cái máng ăn để quên hết mọi thứ khác? Thế rồi cứ vậy, nay họ cho thêm ít khô
lạc, mai chút bột cá là phải tung hô đảng muôn năm và Đời đời nhớ ơn lãnh tụ!
Dẫu vậy, việc đề cao quyền kinh tế xã hội chỉ
càng làm cho họ càng thêm “hở sườn” cả về lý luận lẫn trong thực tế. Xét về mặt
đời sống kinh tế thì các nước XHCN nói chung và Trung Quốc nói riêng đều đã
giải quyết rất kém so với các nước Phương Tây.
Còn Việt Nam?
Vì sao cho đến bây giờ chúng ta vẫn còn là một
trong hai mươi nước nghèo nhất thế giới? Cách mạng Việt Nam từ 1930 đến nay đã
làm được gì?
Vì sao chúng ta không tập trung sách lược,
chiến lược vào để giải quyết “vấn đề phát triển kinh tế là quyền con người quan
trọng nhất” như quý vị nêu trên?
Thật ngạc nhiên khi nghe một nhà lý luận biện
lý hùng hồn rằng:
“Chỉ có đồ ngốc mới tin rằng: Một người không
có một tý gì ngoài cái mồm ra lại có quyền tự do ngôn luận giống như người có
điện đài, tivi, báo chí và nhà xuất bản; một người không có một xu đút túi lại
có quyền ứng cử ngang với người có thể tiêu hàng triệu, hàng chục triệu đồng để
tranh cử; một người lang thang đầu phố lại có quyền bảo đảm an toàn thân thể
ngang với người có thể thuê được cả vệ sỹ”. (4)
Làm sao lại có thể lộn sòng giữa nhân và quả,
giữa phương tiện và sự thành đạt như vậy được. Cùng một điều kiện ban đầu nhưng
ai cũng đã biết, mọi đối tượng khác nhau đều biến hóa khác nhau. Cũng như trong
xã hội rồi có người làm thầy, làm thợ, làm vua, làm tôi nhưng Tạo Hóa chí minh,
chí công thì chí ít cứ phải “nặn” cho mỗi con người đủ cả đầu mình, tứ chi và
năm giác quan đã. Nhân quyền cũng vậy, tất phải có cái chung.
2.
Thế giới cần thống nhất hành động vì Nhân Quyền
Vào cuối thiên niên kỷ thứ hai này, thế giới,
tự giác và không tự giác, đang xích lại gần nhau bằng tốc độ ánh sáng so với
tốc độ máy hơi nước của những năm ra đời bản Tuyên ngôn về Nhân quyền và Dân
quyền 1789. Người ta không chỉ tự giác đập tan bức tường Berlin - một trong
những vết nhơ chia rẽ trắng trợn nhất của nhân loại - mà, với sự xuất hiện của
mạng Internet, ai đó đều rất khó ngăn chặn một thông điệp ngay tức khắc được
truyền đi khắp địa cầu.
Thế giới đang trở nên đầm ấm biết bao khi
những kẻ yêu nhau xa nhau vẫn có thể thường xuyên không chỉ nghe được tiếng nói
của nhau qua điện thoại mà còn có thể trực tiếp nhìn thấy nhau trên màn hình
của máy điện toán cá nhân. Nhưng, thế giới lại cũng đang cùng có những mối lo
chung về lỗ thủng của tầng Ozon, về sự lan truyền của căn bệnh thế kỷ AIDS, về
tổ chức khủng bố xuyên quốc gia v.v...
Trước thực tế của những yếu tố toàn cầu đó,
loài người đang ngày càng ý thức rõ hơn về một chỉnh thể thống nhất, trong đó
mỗi cá nhân không thể chỉ suy nghĩ về mình, mỗi quốc gia không còn chỉ có thể
tự bảo vệ mình mà tất cả cùng phải đặt mình vào cộng đồng chung toàn thế giới.
Từ đây, những lợi ích và giá trị chung toàn nhân loại không những đang trở
thành hiện thực không thể chối bỏ mà còn có ý nghĩa ưu tiên hàng đầu so với
những cái khác.
Sự xuất hiện của những vấn đề toàn cầu động
chạm đến lợi ích của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Sở dĩ như vậy là vì các quyền
của con người bản thân nó vừa chứa đựng những nhu cầu riêng biệt vừa là phản
ánh tổng hợp mọi vấn đề toàn cầu. Mặt khác, mỗi vấn đề toàn cầu hoặc có hình
thức là một quyền xác định của con người hoặc trở thành đối tượng tác động của
chính nó. Các quyền của con người và của các dân tộc đan kết hữu cơ với những
vấn đề toàn cầu và những vấn đề toàn cầu cũng làm nảy sinh sự ra đời và vận
hành các thiết chế và quy phạm chung tạo điều kiện hình thành các lực lượng
chung cùng tham gia giải quyết những vấn đề nhân quyền hướng tới trào lưu tiến
hóa của nền văn minh nhân loại. Nhân quyền cũng đa dạng, cũng phức tạp và bản thân
cũng chứa đầy mâu thuẫn như thế giới nhưng lại cũng phải được quan niệm thống
nhất như chính bản thân thế giới không thể chia cắt, không thể tách rời.
Phấn đấu thiết chế cho được những ý niệm chung
về nhân quyền và nỗ lực xúc tiến những biện pháp hữu hiệu nhất để thực hiện hóa
việc thực thi và bảo vệ các giá trị chung toàn nhân loại đó phải là nghĩa vụ
thiêng liêng xây dựng một thế giới công bằng, nhân ái, bảo đảm sự phát triển ổn
định và bền vững cho mỗi quốc gia và cho cả cộng đồng quốc tế.
Tự do, bình đẳng, công lý chính là đặc trưng
bản chất và yêu cầu cơ bản của nhân quyền. Chính những giá trị nhân văn cao
quý, vĩnh hằng đó sẽ hội tụ nhân loại lại và nâng tầm con người lên. Khi giương
cao ngọn cờ “Tự do hay là chết” thì dù con người có phải hy sinh người ta cũng
chắc chắn là thánh thiện, là không bị dối lừa. Bởi vì, ta từng thấy trong lịch
sử, nếu chỉ biết xả thân dưới ngọn cờ: “Tổ quốc hay là chết” thì nhiều khi con
người dễ bị mê hoặc để tự biến thành vật tế thần cho một tập đoàn xảo quyệt
hoặc một cá nhân cuồng loạn nào đó.
Thật ghê sợ khi vị thủ lĩnh từ một hòn đảo nhỏ
bé gào thét lên: Kẻ thù mà đặt chân lên đất nước này thì chúng chỉ có thể bước
đi trên hoang tàn của máu và tro bụi!
Hàng chục, hàng trăm triệu người sao lại chỉ
có thể được sống, tổ quốc sao lại chỉ có thể được phép tồn tại khi nó chịu
“nhuộm màu” bởi một hệ tư tưởng ABC, chịu tuân theo sự lãnh đạo của một đảng
OPQ, chịu thừa nhận một lãnh tụ XYZ? Sao người ta lại bắt trẻ già trai gái muốn
được thừa nhận là yêu nước thì phải yêu chủ nghĩa xã hội (để rồi nếu không yêu
chủ nghĩa xã hội tức là phản quốc, là không được bảo đảm quyền được sống). Sao
lại phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn đi nếu đất nước này không thuộc về chúng
ta?!
Nhân quyền nếu được đề cao đúng mức, được tôn
trọng thực sự thì quần chúng hẳn đã không bị dễ dàng lừa mị để phải hy sinh vô
ích.
Do phải bảo vệ quyền lợi riêng cho những tập
đoàn nhất định, do cần chống đỡ để duy trì quyền cai trị của những chính phủ
độc tài, chuyên chế, nhiều nhà chính trị đang ra sức xuyên tạc vấn đề nhân
quyền. Lúc thì họ thổi phồng sự tách biệt giữa các quyền dân sự - chính trị với
các quyền kinh tế - xã hội, lúc thì họ tô mạc tính đặc thù của nhân quyền
phương Đông đối lập với nhân quyền phương Tây, lúc thì họ rêu rao về nguy cơ uy
hiếp chủ quyền của nhân quyền.
Cần trích dẫn để lưu ý ở đây một số điều đã
được ghi nhận trong các văn bản quốc tế về nhân quyền:
- “Nhắc lại tính độc lập và không thể
chia cắt được của các quyền kinh tế - xã hội - văn hóa - dân sự và chính trị,
và sự coi trọng ngang nhau tất cả các thể loại quyền con người”(điều 10 của
Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Nhân quyền châu Á tháng 4-1993).
- “Tất cả các quyền con người đều mang
tính phổ cập, không thể chia cắt, phụ thuộc lẫn nhau. Cộng đồng quốc tế phải xử
lý các quyền con người theo phạm vi toàn cầu một cách công bằng và bình đẳng và
được coi trọng như nhau. Trong khi phải luôn ghi nhớ ý nghĩa của tính đặc thù
dân tộc và khu vực và bối cảnh khác nhau về lịch sử, văn hóa và tôn giáo, các
quốc gia không phân biệt hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa có nghĩa vụ đề
cao và bảo vệ tất cả các quyền con người và các quyền tự do cơ bản” (điều
5 - Tuyên ngôn Vienna và chương trình hành động tháng 6-1993).
- “Bất cứ hành động chống lại luật
quốc tế nào của quốc gia cũng dẫn tới trách nhiệm quốc tế của quốc gia đó” (Trích
điều mục 1 của Dự án các điều mục về trách nhiệm của các quốc gia về những vi phạm
luật quốc tế).
- “Dân chủ, phát triển và tôn trọng
quyền con người và các quyền tự do cơ bản phụ thuộc lẫn nhau và bổ sung cho
nhau. Dân chủ phải được xây dựng trên nền tảng ý chí bày tỏ tự do của nhân dân
về sự lựa chọn hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của mình và sự
tham gia đầy đủ của họ vào mọi lĩnh vực đời sống. Theo cách đề cập như trên,
việc đề cao và bảo vệ các quyền con người và quyền tự do cơ bản trên bình diện
quốc gia và quốc tế cần mang tính phổ cập và được thực hiện vô điều kiện. Cộng
đồng quốc tế cần ủng hộ việc tăng cường và đề cao dân chủ, phát triển và tôn
trọng các quyền con người và quyền tự do cơ bản trên toàn thế giới.”(Điều 8
Tuyên ngôn Vienna và chương trình hành động của Hội nghị thế giới về nhân quyền
ngày 25-6-1993).
Xuất phát từ những yêu cầu bức xúc của các
quyền kinh tế - văn hóa - xã hội, những người cộng sản đã từng nắm tay nhau hát
vang bài “Quốc tế ca”, “Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian... “. Các Mác đã từng
kêu gọi thống thiết: “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại!”. Trước những yêu cầu
tổng hòa và thiêng liêng của nhân quyền trong thế giới hiện đại, liên minh của
cả cộng đồng nhân loại càng phải rộng rãi hơn. Liên minh vì nhân quyền sẽ không
phân biệt kẻ giàu với người nghèo, “lục địa đen” đói rách hay “mái nhà chung”
của những người da trắng sang trọng, phương Đông với các nền văn minh Hoàng Hà
và Euphrate hay phương Tây với Hollywood và Baikonur.
Tổng thống nước Cộng hòa Pháp Francois
Mitterrand từng trăn trở với câu hỏi: Liệu người ta có thể hoạt động chung được
không, nếu tất cả các giá trị đều là tương đối và do đó triệt tiêu lẫn nhau?,
và ông tự trả lời: Làm thế nào có thể khác hơn là xác định một số tối thiểu giá
trị phổ quát để chí ít đặt nền tảng cho sự đoàn kết giữa những con người. Chính
ông đã từng khẳng định:
“Trong thế giới ngày nay, không ai có thể tự
cứu mình bằng cách chống lại người khác. Tình trạng ngày càng phụ thuộc lẫn
nhau giữa các nền kinh tế và văn hóa buộc người ta phải đoàn kết”.
Sẽ không mấy ai đồng tình với ý đồ lợi dụng trong
lời tuyên bố phi nhân quyền của cố vấn tổng thống Hoa Kỳ Brezinski: “Với ngọn
cờ quyền con người chúng ta sẽ dồn chủ nghĩa cộng sản đến tận chân tường”,
song, vì những lý tưởng nhân quyền phải được thấm nhiễm đến mỗi cộng đồng dân
tộc đến từng số phận con người, nên sự quan tâm của mỗi cá nhân, của mỗi quốc
gia đến nhân quyền là tất yếu. Bởi vậy, một thái độ như được biểu thị trong
diễn văn của tổng thống Jimmy Carter đọc tại lễ kỷ niệm 30 năm Tuyên ngôn về
Nhân quyền là cần thiết khi ông nói:
“Nguyên tắc quyền con người là linh hồn của
chính sách đối ngoại của Mỹ, là một nhân tố để xác định mọi quan hệ của Mỹ với
các nước khác”.
Ngoại trưởng Joe Clark cũng từng khẳng định
trong lễ khai trương chính thức Trung tâm Quốc tế về Nhân quyền và Phát triển
Dân chủ:
“Canada có thể sẵn sàng ngừng quan hệ với chế
độ nào vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng, trong khi, có thể bằng các
biện pháp khác, dành viện trợ trực tiếp cho những người cần đến”.
Đầu năm 1990, tổng thống Pháp, thứ trưởng
Ngoại giao Mỹ và Ngoại trưởng Anh cũng từng công bố rằng chính phủ nước họ cũng
dự định làm một mắt xích tương tự giữa chính sách viện trợ và nhân quyền.
Đúng là phải như vậy! Phải thực sự như vậy mới
xứng đáng là những con người, những chính phủ đang cùng quây quần lại trong
hành tinh xanh đầm ấm này mà vây bọc quanh nó là vô vàn tinh tú lấp lánh sáng
chứ! Đừng úp mặt vào sự sung túc về vật chất và tinh thần của cá nhân mình của
quốc gia mình rồi lãng quên, rồi vô trách nhiệm với những cộng đồng người còn
bị những tập đoàn này nọ nhân danh đảng, nhân danh nhà nước, nhân danh lãnh
tụ... tước bỏ hay hạn chế thụ hưởng những giá trị thiêng liêng của nhân quyền.
Dẫu sao trách nhiệm của Liên Hợp Quốc trong
vấn đề nhân quyền vẫn là quan trọng hơn cả. Trước hết, Liên Hợp Quốc cần tăng
cường mạnh mẽ truyền thông nhân quyền. Cần phát đến từng đơn vị dân cư ở các
quốc gia những bản tin, những tài liệu giải thích, những tuyên bố, những công
ước... về nhân quyền bằng tiếng của chính các đơn vị dân cư đó. Cần tổ chức và
loan tải rộng khắp các chương trình phát thanh và truyền hình về nhân quyền.
Đài “Châu Á Tự Do” của Hoa Kỳ nếu thực sự muốn đảm trách và làm được công việc này
một cách đúng đắn cũng sẽ được ủng hộ và hoan nghênh. Quyền hạn và nghĩa vụ của
Liên Hợp Quốc cần thực sự tăng cường đối với việc thực thi để hiện thực hóa
quyền con người một cách có hiệu quả. Đã đến lúc cần thành lập các tổ chức như
kiểu một Ủy ban Liên quốc gia về Quyền con người và một Tòa án Quốc tế về Quyền
con người. Ủy ban này có thể được giao toàn quyền xem xét các đơn khiếu nại về
tội vi phạm quyền con người của từng cá nhân riêng lẻ hay của một cộng đồng
người bất kỳ. Tòa án Quốc tế nhân quyền sẽ thụ lý hồ sơ xem xét sau khi thông
qua Ủy ban, nếu Ủy ban, vì những lý do nào đó, không thể giải quyết thỏa đáng
các đơn khiếu nại.
Do chính sách bảo thủ và ngoan cố của một số
nước, Hội nghị Quốc tế về Nhân quyền Vienna 1993 chưa thể đi đến quyết định,
nhưng tin chắc rằng việc cắt cử một cao ủy Liên Hợp Quốc đặc trách nhân quyền ở
từng nước sẽ phải được thực thi. Bởi vì, đúng như nhà xã hội học Nga Penovskin
đã nói:
“Quá trình điều tiết bằng luật pháp quốc tế
(khu vực và phổ biến) các mối quan hệ có liên quan đến các quyền của con người
không phải là cái gì khác mà chính là biểu hiện đặc thù của quá trình loài
người trưởng thành lên với tính cách là một chỉnh thể thống nhất”. (5)
3. Quyền Con Người ở Việt Nam
Những điều khoản quy định về quyền và nghĩa vụ
cơ bản của công dân Việt Nam không ngừng được tăng lên, về số lượng, qua các
bản Hiến pháp. Hiến pháp 1946 có 18 điều. Hiến pháp 1959 có 21 điều. Hiến pháp
1980 có 29 điều. Hiến pháp 1992 có 34 điều, tăng gần gấp đôi số điều trong Hiến
pháp 1946. Tuy nhiên, như đã nói ở phần mở đầu bài này, quyền con người ở Việt
Nam, theo quy định tại Điều 50 Hiến pháp 1992, được “khoán gọn” vào quyền công
dân.
Trước hết phải thấy rằng quyền con người và
quyền công dân không hề đồng nhất cả ở phương diện chủ thể lẫn nội dung. Quyền
con người có thể không loại trừ khái niệm quyền công dân nhưng khái niệm quyền
công dân không thể chứa đựng hết khái niệm quyền con người. Vả chăng, với sự
phát triển của các giá trị nhân đạo mới, trong điều kiện toàn cầu hóa của thế
giới hiện đại, con người không chỉ tồn tại với tính cách là một thành viên công
dân của một quốc gia mà còn là thành viên “công dân” của cộng đồng thế giới.
Quyền con người, hay chỉ là quyền công dân
thôi, cũng phải được bảo đảm bằng một chế độ pháp luật. Ngay từ thế kỷ thứ 6
trước công nguyên, nhà thông thái Hy lạp Salon đã quan niệm: Ta giải phóng tất
cả mọi người bằng pháp luật. Heraclit cũng cổ võ: Nhân dân phải đấu tranh bảo
vệ luật như bảo vệ chốn nương thân mình. Thế kỷ 17 - 18, cách mạng tư sản đã
từng đề cao những nguyên tắc của luật pháp: Đối với công dân, được làm tất cả
những gì mà pháp luật không cấm, còn đối với viên chức nhà nước, thì chỉ được
làm những điều mà pháp luật cho phép.
Tiến sỹ khoa học pháp lý Nersesjanc, trưởng
ban nghiên cứu Viện Hàn lâm Khoa học Nga, đã nói rất đúng
“Pháp luật không thể có nếu như không có nhân
quyền, cũng như không thể có nhân quyền mà không có pháp luật hoặc đứng ngoài
pháp luật”.
Ở Việt Nam, ngay từ đầu thế kỷ 15, Lê Lợi đã
từng giáo huấn:
“Từ thuở xa xưa, muốn cai quản quốc gia phải
có pháp luật. Không có luật thì nhà nước sẽ loạn”.
Tiếc rằng, hơn nửa thế kỷ qua chúng ta đã coi
thường vai trò của luật pháp nếu không muốn nói rằng đã bãi bỏ luật pháp với ý
đồ lợi dụng chuyên chính vô sản để cai trị đất nước. Tiến sỹ luật học Nguyễn
Hữu Liêm khẳng định:
“Thực tế của xã hội Việt Nam vào những năm
cuối cùng của thế kỷ 20 này là sự vắng mặt của luật pháp và sự sụp đổ của giá
trị đạo đức cổ truyền. Dân chúng Việt Nam đang sống trong cảm nhận dân tộc mơ
hồ nhưng không có nền tảng ý thức công dân”. (6)
Ông nêu nhận xét
“Lịch sử chiến tranh Việt Nam là một chuỗi dài
tiêu cực hóa cái tinh thần công dân cần thiết cho một thể chế và xã hội pháp
trị. Tranh chấp và bạo lực, bạo động đã chỉ tạo nên những con người 'can
trường', 'quyết tử' nhưng không kiên nhẫn, thiếu bình thản, thiếu sức mạnh nội
tâm về lẽ phải và công lý, thiếu tính hòa giải và rộng mở”.
Đấy là những nhận xét đúng. Suốt mấy thập kỷ
cuồng bạo, khi cần kích thích mọi người cùng say máu chiến thắng người ta đã
tung hô lên những khẩu lệnh cực kỳ phi nhân tính:
“Yêu xe như con, quý xăng như máu!”,
“Súng là vợ, đạn là con!”,
“Cuộc đời đẹp nhất là ở nơi trận tuyến” v.v...
Trời ơi! máu người sao có thể đem ví với
xăng?! Vợ, con sao lại chỉ được coi như chiếc xe vận tải, như súng, như đạn?!
Dù có giỏi biện lý đến đâu, nếu thực sự bình tâm lắng lại suy tư với con người
chân chính, người ta không thể nào không bàng hoàng và lợm giọng.
Cứ cái đà ấy mà xốc tới thì ai đứng ra thuyết
giảng về nhân quyền đều dứt khoát bị tước bỏ quyền sống.
Có cái đà ấy người ta mới dễ dàng “phát động
quần chúng” đốt sách đi, treo ngược thầy giáo lên cột đình để “đấu tranh chính
trị”. Và, vợ mới hùng hổ dạng chân giữa bà con thôn xã mà đấu tố chồng; con mới
đứng lên lăng nhục và đốt râu cha trong cải cách ruộng đất.
Có cái đà ấy thì khi cần hô hào “chống xét
lại” người ta mới sẵn sàng hùn nhau triệt hạ, đọa đày hàng trăm, hàng nghìn
người, kể cả những người cùng đứng tuyên thệ dưới ngọn cờ búa liềm. Kể cả những
người đã từng cùng nằm gai, nếm mật, vào sinh ra tử và đang được phân công giữ
trọng trách trong ban chấp hành trung ương, trong cương vị Bộ, Thứ trưởng như:
Bùi Công Trừng, Ung Văn Khiêm, Vũ Đình Huỳnh v.v...
Chợt nhớ lại ngày nào, khi cần lên án thực
dân, đế quốc, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc từng dõng dạc tố cáo trước thế giới:
“Bất kỳ người bản xứ nào có tư tưởng xã hội
chủ nghĩa cũng đều bị bắt và có khi bị giết mà không cần xét xử”.
Mỉa mai thay, chỉ sau đó không bao lâu người
ta lại thực hiện đúng cái điều này:
“Bất kỳ người bản xứ nào có tư tưởng không xã
hội chủ nghĩa cũng đều bị bắt và có khi bị giết mà không cần xét xử!”.
Những khẩu lệnh phi nhân tính ấy, những chủ
trương không ngần ngại bỏ qua pháp luật để chà đạp lên nhân quyền như vậy còn
di họa cho đến ngày nay khi chỉ vì những xung đột nhỏ, những mâu thuẫn quyền
lợi rất không đáng kể, người ta vẫn đang tâm cầm dao róc xương bạn bè, xẻ thịt
vợ, băm nát mặt cha đẻ v.v...
Không phải vô cớ mà Tuyên ngôn về Nhân quyền
và Dân quyền của cách mạng Pháp 1789 đã phải cảnh báo
“Sự không hiểu biết, sự lãng quên hay sự coi
thường quyền con người là những nguyên nhân duy nhất của những nỗi bất hạnh
công cộng, của tệ hủ bại của các chính phủ”.
Hàng núi xương và cả sông máu của mấy triệu
người Việt Nam đã đổ xuống cho lời hiệu triệu thiêng liêng “Không có gì quý hơn
độc lập tự do”. Nhưng có độc lập rồi mà luật pháp không được trọng thì làm sao
bảo đảm được công lý, làm sao để người dân Việt Nam có tự do. Bởi vì, như John
Locke đã xác quyết
“Mặc dù những lời lý giải có thể giả dối đến
đâu, mục đích của luật vẫn là không thủ tiêu và hạn chế mà là bảo toàn và mở
rộng tự do... Nơi nào không có luật, nơi đó cũng không có tự do”.
Phải chăng vì vậy mà chính chủ tịch Hồ Chí
Minh đã từng dự cảm:
“...nếu nước được độc lập mà dân không được
hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập chẳng có nghĩa lý gì”.
Lý Đông A, một trong những nhà tư tưởng yêu
nước chủ trương thuyết Duy Tân ở Việt Nam cũng từng suy tưởng:
“Quốc gia với dân tộc chỉ là một khái niệm,
một tên gọi rỗng không nếu không sung thực cho nó một thực thể ở bên trong”.
Ông cho rằng “Quốc gia hay dân tộc chỉ là hư
danh” mà điều quan trọng là phải kiến tạo cho được
“Cái sinh mệnh thực thể của giống nòi và toàn
dân hướng theo một lý tưởng và chính nghĩa”.
Mấy năm gần đây, Quốc hội Việt Nam đã chú tâm
và có thành tích khá là đã xây dựng gấp gáp được một số bộ luật, trong đó có
những bộ luật quan trọng liên quan đến nhân quyền. Tuy nhiên, soạn thảo các bộ
luật là điều cần thiết nhưng giáo dục và phổ biến luật pháp cũng là yêu cầu
không thể không thực hiện đối với toàn xã hội. Thực thi pháp luật càng có ý
nghĩa quan trọng hơn.
Thật là tồi tệ khi thực tế cho thấy rằng trước
khi thi hành luật tố tụng hình sự, ở nước ta, trong số những người bị bắt giam
chỉ có chừng 30% được đưa ra xét xử. Bảy mươi phần trăm còn lại phần đông là bị
bắt oan. Lúc đó, tỷ lệ số người bị bắt khẩn cấp một cách vô tội vạ chiếm tới
90%. Sau khi thi hành luật tố tụng hình sự, số người bị bắt khẩn cấp năm 1989
giảm xuống được khoảng 22% nhưng cho đến nay, riêng năm 1996 vẫn còn tới trên
dưới 500 người bị bắt oan.
Nhà nước pháp quyền phải là “nhà nước phục
tùng pháp luật”, hay có thể nói, nhà nước pháp quyền là nhà nước ban hành pháp
luật, tuân thủ pháp luật và quản lý xã hội bằng pháp luật. Nhưng, biết đến bao
giờ nhân dân Việt Nam mới được sống trong tinh thần công lý của nhà nước pháp
quyền khi mà ngay cả các cơ quan công quyền cũng chưa hiểu hết hoặc cố tình
không làm theo pháp luật; khi mà vẫn tồn tại những phiên tòa lập lờ, công khai
trá hình, có xử mà không có xét như các phiên tòa xử Hoàng Minh Chính, Đỗ Trung
Hiếu, Lê Hồng Hà, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Kiến Giang!
Không cần để tâm gì đến những quyền đã được
ghi trong điều 17 của Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền 1948:
“Mỗi người sống riêng một mình hay trong tập
thể, có quyền sở hữu tài sản. Không ai phải bị tước đoạt sở hữu của mình một
cách tùy tiện”,
những năm tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa,
chúng ta đã không những chỉ thẳng tay truy quét tư sản mà còn hăng hái quyết
tâm tiêu diệt “công thương nghiệp tư bản tư doanh”. Trong các hội nghị Trung
ương đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 15 - 16, chúng ta đã từng chăm chú nghe báo
cáo một cách hoan hỉ
“Nền kinh tế miền Bắc từ chỗ có nhiều thành
phần, về cơ bản, đã trở thành một nền kinh tế thuần nhất với hai hình thức sở
hữu toàn dân và tập thể”!
May sao, mãi đến gần đây chúng ta mới kịp sửa
sai và đã chịu ghi vào Hiến pháp
“Nhà nước phát triển nền kinh tế hàng hóa
nhiều thành phần theo cơ chế thị trường... Cơ cấu kinh tế nhiều thành phần với
các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh đa dạng dựa trên chế độ sở hữu toàn
dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân...” (điều 15)
Chỉ riêng việc nhận thức ra được và dám từ bỏ
cơ chế sai lạc của kinh tế xã hội chủ nghĩa để dấn thân vào kinh tế thị trường
đã cho phép chúng ta giải quyết tốt hơn những vấn đề nhân quyền trong lĩnh vực
kinh tế - xã hội. Kinh tế thị trường tạo điều kiện cho con người được bình đẳng
về kinh tế. Trong kinh tế thị trường, mỗi người vừa là kẻ mua vừa là người bán,
mỗi người đều trong tư thế cạnh tranh ngang nhau. Không có đặc quyền nào lũng đoạn
được quy luật giá trị trong việc chi phối cơ sở kinh tế của xã hội bởi vì ở đây
vị trí từng người tùy thuộc vào chỗ họ đáp ứng và thực hiện quy luật giá trị
đến mức nào. Quy luật đó đưa người này lên, dìm kẻ kia xuống không có sự nhân
nhượng nào. Những ý đồ tạo nên các quy định pháp lý cho đặc quyền của nhóm
người này hay đảng phái kia đều sẽ bị quy luật kinh tế thị trường vô hiệu hóa.
Để tạo điều kiện cho quy luật kinh tế thị
trường nhanh chóng phát huy mặt tích cực của nó trong đời sống xã hội, chính phủ
cần nhanh chóng chuyển từ chức năng chỉ đạo các chủ thể kinh tế thông qua các
bộ và ủy ban nhân dân địa phương sang chỉ đạo chủ yếu qua các cơ quan thuế, tòa
án, bằng hệ thống pháp luật; nhanh chóng tách các hoạt động hành chính có tính
chất quản lý khỏi các hoạt động hành chính có tính chất tài phán nhằm giảm
thiểu tình trạng thiếu dân chủ, lạm quyền, ức hiếp quần chúng thường xảy ra ở
các cơ quan hành chính, quản lý chỉ đạo.
Dẫu sao cũng phải thấy rằng sau những năm tiến
hành công cuộc đổi mới, chúng ta đã giải quyết khá thành công nhiều yêu cầu của
các quyền kinh tế cho nhân dân trong khi các quyền thuộc lĩnh vực dân sự -
chính trị vẫn còn rất nhiều bức bối. Cần gấp rút sửa đổi một cách nghiêm túc
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Tổ chức Quốc hội theo hướng hiện đại và
dân chủ thật. Xóa bỏ tình trạng “đảng cử, dân bầu” và những thủ đoạn sắp xếp
nhân sự để gài bẫy hoặc dồn ép lá phiếu của nhân dân. Thực sự tôn trọng và bảo
đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội cho nhân dân. Đừng láo
xược quy kết trình độ dân trí thấp cho một dân tộc đã được những dân tộc có dân
trí hàng đầu trên thế giới nể trọng khi cần ngụy biện quanh co để hạn chế các
quyền tự do chính trị.
Mục tiêu tối thượng của cách mạng phải là nhân
quyền chứ không phải chỉ là cái mẫu chủ quyền quốc gia mỏng manh. Đừng huyễn
hoặc, dương dương tự đắc để nhấm nháp mãi với những chiến công năm xưa. Những
nhu cầu muôn thuở và hiện đại của nhân quyền đòi hỏi mỗi đảng, mỗi chính phủ,
mỗi cá nhân đều phải vươn tới, cải tạo, thậm chí lột xác nếu còn muốn xứng đáng
ở vị trí lãnh đạo.
Hãy nghe lời phán bảo từ giữa thế kỷ trước:
“Các chế độ chính trị lỗi thời đã trải qua một
lịch sử đầy thảm trạng bởi vì cơ chế quyền lực của nó đã biến ước vọng tự do
của con người thành ảo vọng. Sở dĩ chế độ này mang bản chất bi thảm là vì nó tự
buộc cho mình một nội dung hãnh tiến vô vọng. Hễ cái chế độ này vẫn ngoan cố
chống lại nguyên tắc và lý lẽ mới của thời đại, thì chính tự bản chất của nó là
một lỗi lầm lịch sử... Chế độ này là vở hài kịch to lớn của thế giới mà tất cả
những anh hùng của nó đều đã bị khai tử. Lịch sử tiến bước và sẽ không bỏ sót
một ai. Nó sẽ đi qua những sân khấu mà chung cuộc sẽ vất bỏ những chế độ lạc
hậu vào nghĩa trang. Sân khấu cuối cùng mà lịch sử vừa mới bước qua là cả một
vở bi hài kịch khủng khiếp”. (7)
Việt Nam đã từng dõng dạc mở đầu “Tuyên ngôn
Độc lập” của mình bằng những chân lý phổ quát của nhân quyền. Việt Nam là thành
viên của Liên Hợp Quốc. Việt Nam đã ký kết tham gia hoặc phê chuẩn nhiều công
ước liên quan đến nhân quyền như: Công ước về các Quyền Chính trị và Dân sự,
Công ước về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa, Công ước về loại trừ mọi hình
thức phân biệt đối xử với phụ nữ, Công ước quốc tế về Quyền trẻ em, Công ước về
loại trừ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, Công ước về ngăn ngừa và trừng trị
tội diệt chủng, Công ước quốc tế về loại trừ và trừng phạt tội ác Apartheid.
Việt Nam đã tuyên bố:
“Các nguyên tắc cơ bản trong các văn kiện quốc
tế đó là những giá trị chung của nhân loại mà chúng ta cần bảo vệ”. (8)
Việt Nam đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện
đại hóa; Việt Nam có thể sẽ Hóa Rồng nhưng, trước hết và quan trọng hơn, Việt
Nam nhất định phải phấn đấu vì những giá trị chung thiêng liêng đó. Bởi vì, đấy
chính là khát vọng ngàn đời của nhân loại, của nhân dân Việt Nam.
Hà Nội, 10 tháng 12 năm 1996
No comments:
Post a Comment