Wednesday, February 5, 2014

TỪ TUYÊN BỐ 258 ĐẾN UPR HÔM NAY

Mẹ Nấm (Danlambao) - Cuối cùng rồi tôi cũng được thấy kết quả từ những nỗ lực của anh chị em, bạn bè mình vì quyền tự do ngôn luận cho Việt Nam trong phiên Kiểm điểm Nhân quyền định kỳ Phổ quát (UPR) hôm nay - ngày 5 tháng 2, năm 2014 tại Geneva, Thụy Sĩ.

Nhân quyền (human rights) và quyền tự do bày tỏ (freedom of expression) có lẽ là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong các chất vấn của nhiều nước đối với Việt Nam tại phiên UPR kỳ này.

Không thể giấu được niềm vui vì thế giới đã nghe chúng tôi - những bloggers Việt Nam bị giới hạn quyền tự do bày tỏ của mình - nói.

Bắt đầu từ hơn 100 bloggers, với Tuyên bố 258 được trao tận tay cho nhiều tổ chức NGOs, cùng những phiên gặp gỡ, tiếp xúc và trình bày với các đại sứ, lãnh sự quán, đến những đề nghị của các nước như Thụy Điển, Đức, Đan Mạch, Hy Lạp, Úc, Phần Lan, Ái Nhĩ Lan hôm nay về việc cải thiện quyền con người và quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ.

Việc bắt giữ bloggers - những người bày tỏ ý kiến thông qua mạng Internet thêm một lần nữa được nêu ra rõ ràng trước thế giới. 

Theo dõi trực tiếp phiên UPR lần này, nghe đại diện của Thụy Điển chất vấn:

“Đã có hàng triệu người sử dụng Internet nhưng đã ban hành quá nhiều luật lệ đàn áp tự do Internet. Đã có ít nhất 58 người bị bắt giữ chỉ vì bày tỏ ôn hòa trên Internet. Đã có nhiều người bị bắt giữ và tra tấn trong tù, đề nghị chính phủ Việt Nam thực hiện nghiêm túc Công ước Chống tra tấn. Đề nghị bãi bỏ các điều luật mơ hồ trong Bộ luật Hình sự như 79, 88 và 258...”

Tôi nghĩ về anh Điếu Cày, anh Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Trương Duy Nhất... và nhiều người khác nữa. Họ là những viên gạch lót đường, là động lực để tôi và nhiều người khác lên tiếng trong Tuyên bố 258, là động lực để chúng tôi cố gắng chứng minh cho thế giới thấy: ở Việt Nam, nhân quyền là một khái niệm được diễn giải riêng biệt với lý do “an ninh quốc gia” để chặn đứng những ý kiến trái chiều không được kiểm duyệt bởi Ban Tuyên giáo.

Và hôm nay, trong phiên UPR này, ít nhất có nhiều người ở khắp nơi trên thế giới thấy rằng một khi đã tham gia vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nhất định Việt Nam phải thực hiện các cam kết của mình để phù hợp với trào lưu tiến bộ chung của thế giới. 

Những cam kết ấy có được thực hiện hay không, không còn phụ thuộc vào các báo cáo trả lời được soạn sẵn để các cán bộ ngoại giao đọc như phát biểu trước Quốc hội nữa, nó sẽ được chứng minh bằng chính sự tự do của mỗi công dân Việt Nam.

Hôm nay tôi vui vì thấy anh chị em bạn bè mình như anh Trịnh Hội, chị Đoan Trang, Trịnh Hữu Long, Nguyễn Anh Tuấn, Bùi Tuấn Lâm... những người đã thay mặt các thành viên Mạng lưới Bloggers Việt Nam kể tiếp câu chuyện dang dở từ Tuyên bố 258, mặc dù nhiều người trong số chúng tôi hôm nay không thể có mặt ở Geneva, nhưng chúng tôi biết, thế giới đã lắng nghe và đang theo dõi câu chuyện của Việt Nam.

Cám ơn các anh chị em mình rất nhiều.

Và tôi cũng muốn nhiều người bạn khác của mình biết rằng, nếu chúng ta mạnh dạn lên tiếng, sẽ có người lắng nghe, và sự thay đổi nhất định sẽ đến từ những nỗ lực cá nhân ấy.

Hôm nay là một ngày vui vì tôi biết Chúng Ta không cô đơn. Nhất định là như thế!

Thư mời đến Geneva của Tổ chức Ân xá Quốc tế. Nếu không bị Bộ Công an cấm xuất cảnh, thì tôi và 4 thành viên khác của Mạng Lưới Blogger Việt Nam gồm có Nguyễn Hoàng Vi, Đào Trang Loan, Nguyễn Thảo Chi, Châu Văn Thi - cũng nhận thư mời này - đã ở đó cùng bạn bè mình. Nhưng có hề chi, tôi không nói được thì có anh chị em bạn bè tôi nói. Thành viên của Mạng Lưới Bloggers Việt Nam nỗ lực vì quyền con người.


No comments:

Post a Comment