Monday, April 21, 2014

CHỦ-NGHĨA NHÂN-VỊ: CON ĐƯỜNG MỚI, CON ĐƯỜNG CỦA TIẾN BỘ? PHẦN I

Tiến Sĩ Nguyễn Ngọc Tấn
Ông Ngô-Đình-Diệm đã đi vào lịch-sử Việt-nam với tư-cách là vị Tổng-Thống dân-cử đầu-tiên của nền Đệ-Nhất Cộng-Hòa. Một nhà lãnh đạo với một viễn-kiến rõ rệt và độc-đáo về một mô-hình phát-triển xã-hội Việt-nam thời hậu thuộc-địa. Trong một bài điểm sách, Giáo-sư Sử-gia Edward Miller viết:
“Ngô Đình Diệm là một người có hoài bão. Với tư cách là người lãnh đạo miền Nam từ 1954 đến 1963, Diệm mong muốn trở thành nhà lãnh đạo hàng đầu trong việc xây dựng chính quyền quốc-gia, Ông cương quyết tìm ra một đường lối khác biệt với con đường mà Hồ Chí minh và Đảng Cộng-Sản Việt-nam đang theo đuổi.” (2003)
Và Sử gia Henry Fairbanks đã tóm tắt sự thật lịch sử này bằng lời lẽ khách quan, trong một bài báo tưạ đề “The Enigma of Ngô Đình Diệm”, được đăng trong tờ Commonweal, như sau:
“Ông Diệm tìm kiếm và khôi phục lại những giá-trị cổ-truyền làm nền tảng cho giải-pháp canh tân xứ sở trong khi đó những người khác lại đi tìm những học thuyết ngoại lai. . . .Dù sao đi nữa, Ông ta vẫn là một người có cái nhìn sâu sắc về tương lai. Cả thế giới này đều yêu mến các chiến-sĩ dũng cảm và ai ai cũng phải nể trọng những kẻ đeo đuổi một lý-tưởng cao cả nào đó. Ông Diệm ao ước thực hiện một nhà-nước được xây dựng trên những giá-trị cổ-truyền tốt đẹp nhất của Á-châu và Tây-phương, những đặc điểm đúng đắn và khả thi nhất để phục vụ quyền-lơị chung và tôn trọng nhân-phẩm. Ông Diệm cho rằng Xã-Hội Chủ-nghĩa và Tư-bản Chủ-nghĩa đều là những học-thuyết cực-đoan cần có một hình-thức trung-gian, một lực lượng đứng giữa, nhằm tổng hợp được những giá-trị ưu-tú nhất của cả hai để phục vụ cho lơị ích chung: công bằng đối với người này là tự-do của kẻ khác, cũng như loại bỏ độc tài toàn chế và tinh thần vô trách nhiệm của Chủ-nghĩa cá-nhân.” (21-9-1962, tr.516)
Và trong buổi lễ nhậm chức Thủ-tướng vào tháng Bảy năm 1954, với lời lẽ tràn đầy hy vọng Ông Ngô-Đình-Diệm đã long-trọng xác-nhận và trấn an dân chúng:
“Dân-tộc Việt-Nam đã bị lạm-dụng từ lâu, nay đang tìm lối đi, một đường lối chắc-chắn dẫn họ đạt tới những lý-tưởng nồng nhiệt khát khao từ lâu. Tôi cương quyết vạch đường lối ấy cho dân-tộc, bất chấp moị chông gai gian-khổ.” (1955, Q.I, Tr.11)
Viễn-kiến ấy, đường lối ấy, chính là con đường Nhân-Vị, là chủ-thuyết chính-trị đã khai sanh ra nền Cộng-Hoà 1955-1963 tại Miền Nam Việt-nam và là kim-chỉ-nam hướng dẫn cuộc cách-mạng quốc-gia, phát-triển đất nước. Tuy Chủ-thuyết Nhân-vị đã trực-tiếp ảnh hưởng đến sự an-nguy của hàng chục triệu người, nhưng mãi đến nay vẫn chưa được lịch-sử đánh-gía đúng-mức vai-trò của nó. Bài viết này sẽ dành riêng cho việc tìm hiểu về Chủ-Nghĩa Nhân-Vị như là một vấn đề lịch-sử còn tồn đọng của thế-kỷ vừa qua.
I-Chủ-Nghĩa Nhân-Vị
1- Chủ-nghĩa Nhân-vị là gì?
Theo Hán-Việt Tự Điển của Đào-Duy-Anh thì NHÂN (http://ngodinhdiem.net/images/NDD/Nhan.png) là Người và NHÂN (http://ngodinhdiem.net/images/NDD/Dao.pngcòn có nghĩa là lòng thương người, tình-yêu (tr.60); VỊ có nghĩa là điạ-vị, hay chỗ đứng (tr. 547). Theo Hán-Việt Tự Điển của Thiều-Chửu thì NHÂN (http://ngodinhdiem.net/images/NDD/Nhan.png) có nghĩa là giống khôn nhất động vật (tr.14) và NHÂN (http://ngodinhdiem.net/images/NDD/Dao.png) có nghĩa là cái đạo-lý làm người phải thế mới goị là người. Còn có nghĩa là yêu người không vì lơị riêng của mình thì mới goị là NHÂN (tr.5). Vị (http://ngodinhdiem.net/images/NDD/Vi.png) là người có cái vị-trí của họ (tr.20). Hai chữ này hợp lại để diễn tả ý-tưởng: Vị-trí, phẩm giá và trách nhiệm của con người trong cộng đồng nhân loại và trong vũ-trụ.
Chữ NHÂN trong Khổng-học, ngoài ý-nghĩa trên còn mang một bản chất siêu nhiên,“Nhân linh ư vạn vật”, nghĩa là con người linh thiêng hơn hết mọi loài và là nền tảng cho mọi sự trong vũ-trụ. Con người khác với con vật ở chỗ biết suy-tư, tức là có một đời sống tâm-linh, lại còn có một đời sống vật chất biết hành động. Hai yếu tố tinh thần và vật-chất đối nghịch này lại cùng tồn tại và phát triển như là một thực thể duy nhất. Đấy là sự huyền diệu của bản chất con người.
Ngoài ra giá-trị con người còn nằm ở khả năng của ý-chí dung hoà được những mâu thuẫn nội tại và bên ngoài. Ví dụ, mâu thuẫn giữa ý-chí và đam mê hay giữa thiện và ác. Ý-chí và tình yêu đều mang bản chất tự nguyện. Muốn hành động xấu hay tốt, yêu hay ghét là hoàn toàn do ý-chí tự-nguyện của con người: “Cái việc vi nhân đó không phải nhờ cậy ai đâu: tính nhân trời phú cho mình, đức nhân ở sẵn trong lòng mình, bây gìơ làm cho hết công việc nhân cũng chỉ bởi tự mình làm lấy, há phải ở người ngoài nữa rư?” Nói một cách đơn-giản, nếu những gía-trị nhân-bản và vị-trí cao-qúy của con người này mà không được tác-động, không có cơ-hội hoặc môi-trường thuận-lợi để phát-triển thì chúng chỉ là những gía-trị, những ý-niệm tĩnh (chết), là những lý-thuyết suông, không giúp-ích gì cho con người và xã-hội. Cho nên Khổng-Tử chủ-trương muốn thành NHÂN (động) tức là đạt đến những gía-trị và vị-trí cao-qúy này, mỗi người phải lấy tu-thân làm đầu: “Tu thân — Tề-gia — Trị-quốc – Bình thiên-hạ”.
Trong sách Luận-Ngữ Khổng-Tử dậy:
“Trừng trị hết cái bệnh tư-dục của mình là khắc-kỷ, hồi phục được chân-lý của Trời là phục-lễ thế là NHÂN [khắc-kỷ phục-lễ vi nhân] . . . Hễ một mai khắc được kỷ, phục được lễ, công phu làm Nhân đã hoàn toàn, đức nhân ở trong mình đã thạnh vượng thời ảnh-hưởng vì đức nhân mình mà truyền bá được rất xa, chắc thiên-hạ đều quy hướng vào nhân cả thảy [nhất nhật khắc kỷ phục lễ thiên-hạ quy nhân yên]. (P.B.Châu, tr.35)
Những người đã dầy công-phu“khắc được kỷ phục được lễ”, đều là những bậc chính-nhân quân-tử, được đáng được suy-tôn là “chí-sĩ”. Khổng-Tử nói:
“Hễ gọi bằng người “sĩ” có “chí”, chẳng phải người gì lạ đâu, cũng chỉ là người có đức nhân mà thôi. Làm trọn vẹn được đức nhân mới gọi là chí-sĩ. Những bậc người ấy, một đời người từ thỉ chí chung, chỉ đặt cái chí mình trên chữ NHÂN: “Đời mình sống với nhân, đời mình chết cũng chết vì nhân; nếu chẳng may mà gặp lấy hoàn cảnh xấu, mà thân mình không thể sống được thời âu là giữ lấy chữ “nhân” cho trọn vẹn cái chí của mình, chứ không cầu sự sống mà vì nó làm hại đức nhân. Khi sự thế đáo đầu, phải xem “nhân” hơn sự sống, nên có lúc giết cái thân mình, để vì nó mà hoàn thành được đức nhân. [Chí-sĩ nhân nhân, vô cầu sinh dĩ hại nhân, hữu sát thân dĩ thành nhân].” (Phan-Bội- Châu, Khổng Học Đăng, tr. 32)
Hai anh em Ông Ngô-Đình-Diệm và Ngô-Đình-Nhu đã sát-nhập hai học thuyết NHÂN và VỊ này của Nho-Giáo rồi hệ-thống-hóa các tư-tưởng nhân-bản này lại thành một chủ thuyết chính-trị, lấy tên là Chủ-Nghĩa Nhân-Vị. Trong ngày kỷ niệm sinh-nhật của Đức Khổng-Tử, Ông Ngô-Đình-Diệm đã long-trọng một lần nữa xác nhận rằng NHÂN và VỊ chính là hai học thuyết của Nho-Giáo (1958, Q.4, tr.97). Và Ông còn lập lại lời của thầy Mạnh-Tử: “Hãy sống (động) theo Nhân và hành động theo Nghĩa thì đó là một đời sống có đầy đủ ý-nghĩa rồi.” Vì thế, cứ dưạ vào Nhân-nghĩa và điạ-Vị để mà hành động, chúng ta không còn phải lo sợ lỗi lầm gì nữa (1958, Q.4, tr.99). Ông Ngô-Đình-Nhu đã đặt con người riêng rẽ vào trong cộng-đồng của con người, khung cảnh xã-hội của nó, để phác họa vai-trò của cơ-quan công-quyền trong giải-pháp Nhân-Vị như sau:
“Lý-thuyết về một Xã-Hội Nhân-Vị gồm hai nguyên-tắc căn bản: Tôn-trọng phẩm-gía con người và thiết-lập một hệ-thống những quyền-lợi chung của cộng-đồng; Giải-pháp để giải-quyết các vấn đề xã-hội nằm ở chỗ thực hiện được tình-trạng quân-bình giữa những nhu-cầu căn-bản của cá-nhân và quyền-lợi của cộng-đồng mà cá-nhân ấy là một thành-phần.”(1952, Lược-Đồ Cải-Tạo Xã-Hội)
Nguyên-tắc thứ nhất chính là mặt tĩnh của Chủ-Nghĩa Nhân-Vị. Nguyên tắc thứ hai mới là phần động, phần tích cực của Chủ-Nghĩa Nhân-Vị: Một chính-quyền muốn phục-vụ cho lợi-ích căn bản của con người, có trách-nhiệm tạo cơ-hội và điều-kiện thuận lợi để con người được tự do phát-triển (tu-thân) và phải thực hiện cho được tình-trạng quân-bình giữa các nhu-cầu căn-bản của cá-nhân và cộng-đồng. Ví-dụ như hiến-pháp quy-định mọi người đều có các quyền tự-do căn bản nhưng chính-quyền không làm gì để những quyền này được thực hiện, thì các quyền tự-do căn bản này cũng chỉ là những ý niệm xuông. Hiến-pháp chỉ là tờ giấy nháp!
Tóm lại khi nói Chủ-Nghĩa Nhân-Vị mang một ý nghĩa nhân bản, phải hiểu là nó bao gồm đầy đủ bản chất của con người (phần tĩnh [static]) và ý-chí (phần động [dynamic]) như vừa trình bầy. Và quan-niệm “Cộng-đồng Nhân-Vị” diễn tả “một tập hợp những con người () có đạo lý làm người của chữ NHÂN (), trong đó phẩm-giá của mỗi con người được thực sự tôn trọng một cách tự nguyện. Có thể nói Cộng-đồng nhân-vị tương đương với “xã-hội dân sự” (civil society), một quan niệm được các lý-thuyết gia dân-chủ học của Tây-phương đem vào xử dụng hồi cuối thế kỷ hai mươi.
2- Căn-bản Triết-học của Chủ-Nghĩa Nhân-Vị
Nền tảng triết-học của Chủ-Nghĩa Nhân-Vị là các gía-trị nhân-bản của Nho-Giáo.
Khổng-học lúc đầu, chú trọng đến việc thiết lập một hệ-thống luân-lý thực tiễn cho các sinh hoạt xã-hội hơn là đề-xướng một triết-học nhận-thức hoặc một tôn-giáo. Mãi đến khi về già, Khổng-Tử mới lấy Kinh Dịch làm căn bản triết-học cho một đạo sống thực tiễn. Ông cho rằng cội rễ của vạn vật là do một thực-tại tuyệt-đối có những tánh chất tương-tự như Đạo của họ Lão. Thực tại tuyệt đối đó được mệnh danh là Thái-Cực (the Absolute). Nhưng trong cái trạng thái im-lìm và thuần nhất của Thái-Cực, tự nó đã chứa sẵn bên trong hai nguyên động-lực tương-sinh tương-khắc gọi là Lưỡng Nghi: Đó là Âm (negative) và Dương (positive). Hai nguyên-tắc Âm và Dương đó tương-sinh tương-khắc lẫn nhau để sinh ra Tứ-Tượng (4 seasons) rồi cứ tiếp tục phân hóa như thế thành muôn vàn hiện tượng của vũ-trụ này. Đó là quan-niệm của Nho-giáo về cách thức và lịch-trình hiện-tượng hóa (hay còn goị là Dịch-hóa). Kinh Dịch đã dần dần kết tập sự chuyển hoá Âm Dương thành 64 quẻ, mỗi quẻ tượng trưng cho một trạng thái tương quan giữa TRƠÌ, ĐẤT và NGƯỜI. Tương quan này biểu hiện sự hòa-đồng Tiểu-Ngã con người với Đại-Ngã của Vũ-trụ hay còn goị là lý-tưởngTHÁI-HÒA (vừa tĩnh vừa động). Cho nên Khổng-học đưa ra thuyết “Thiên, Nhân, tương dữ” (Trời, Người, như nhau) làm quan-niệm căn bản.
Đến đầu thế-kỷ 20 thì lý-tưởng hoà-đồng giữa con người với vũ-trụ của Nho-giáo đã được Triết-gia Kim-Định hệ-thống hóa trong học-thuyết Tam-Tài của Việt-Nho (khác với Hán Nho), xác định rõ giá-trị và vị-trí của con người. Vũ-trụ-quan (cosmology) của Việt-Nho cho rằng trong vũ-trụ này có ba quyền lực lớn, có giá trị ngang nhau và cùng tồn tại với nhau. Vì thế Việt-Nho coi con người là một tiểu vũ trụ, là nơi hội tụ của trời và đất. “VỊ” của con người là đứng giữa và ngang hàng với Trời và Đất. Vị-trí này theo Cấu-Trúc-Luận của An-Vi là vị-trí THÁI-HÒA, thái-hòa giữa tinh-thần và vật-chất, giữa tình và lý, giữa hơn và kém, giữa đúng và sai, giữa quyền lợi cá-nhân và cộng-đồng, tức là giữa 2 đối cực. Ở vào vị-trí này con người đã đạt đến một tình-trạng quân-bình động, một tình trạng thuộc về tâm-linh. Nhưng muốn đạt đến vị-trí Thái-Hòa, bản-thân mỗi người phải trải qua một tiến-tình tu-thân bền bỉ.Những người này đã khắc được kỷ phục được lễ, đã làm trọn vẹn đức NHÂN và Khổng-Tử gọi họ là “chí-sĩ”. Vì thế, lý tưởng hòa đồng hay thái-hòa của Việt-Nho được triết-lý An-Vi xếp vào bậc cao nhất trong sử trình tâm thức con người.
Tóm lại những gía-trị nhân-bản dùng làm căn bản xây-dựng Chủ-nghĩa Nhân-vị đều có một cơ-sở triết-học vững-chắc. Ngoài ra Chủ-nghĩa Nhân-vị khi được hướng dẫn bởi lý tưởng Thái-Hòa, một sự kiện Tâm-Linh (heart-spirit) bao gồm hết các giai đọan phát triển nên mang tính toàn thể và thực dụng. Thực-dụng vì nó bao gồm cả lý và tình, nên có khả năng huy động những nghị lực thâm sâu nhất của con người: Chủ-nghĩa Nhân-vị là một chủ-nghĩa hành-động.
3- Chủ-Nghĩa Nhân-Vị: Chủ-thuyết hành-động
A-Chủ-Nghĩa Nhân-Vị và công cuộc dân-chủ hóa Việt-nam
a-Cái nhìn của Nhân-Vị về mô-hình dân-chủ cổ-điển hay đại-nghị Tây-phương và dân-chủ tập-trung của Cộng-sản
Chủ-Nghĩa Nhân-Vị cho rằng dân-chủ của Cộng-sản độc-tài chà-đạp nhân-phẩm con người, coi người như con vật. Chủ-Nghĩa Nhân-Vị cũng bác bỏ loại dân-chủ muốn đặt tư-bản phong-kiến trên tầng lớp cần-lao, và chủ-trương chế-độ thực-dân để bóc-lột những dân tộc nhược tiểu.(1955, Q.2, tr.104) Theo Ông Diệm dân-chủ không thể đóng khung trong một số công thức và định lệ được đặt ra ở những thời đại khác, dưới những bầu trời khác. Nhiều quốc-gia đã có lâu đời ở Tây-phương, phong-phú về mọi phương diện, cũng đã phải cải cách cơ-cấu của chế-độ dân chủ đại-nghị mà họ đã áp-dụng từ trước. Có nhiều nước mới dành độc-lập chỉ vì vội vã chấp nhận những chế-độ dân-chủ đó mà bây giờ rơi vào tình trạng bế-tắc hỗn loạn. (1959, q. 5) Khi trả lời Phóng-viên báo Malaya Mail về vấn đề dân-chủ-hóa Việt-nam, Ông Diệm lập luận rằng:
“Một mô thức dân-chủ nào đó không thành vấn đề tại các nước kém mở mang. Điều đáng quan tâm là sự dung-hoà những phương pháp dân-chủ ấy với những sự đòi hỏi cấp bách để có thể nhanh chóng thoát ra khỏi tình trạng kém mở mang, nghĩa là sự ngu-dốt, nạn đói kém, tật bệnh, ngoại-xâm và nỗi nhục nhã do tất cả những nạn đó gây ra. Nếu muốn thoát khỏi điều kiện thấp kém đó một cách mau lẹ chứ không phải trong hàng thế-kỷ, ta nhất định phải theo một lộ-trình cưỡng bách nào đó. Vấn đề dân chủ nằm ngay ở điểm phải đặt giới hạn cho lộ-trình cưỡng bách đó.” (19-02-1960)
Theo Ông Ngô-Đình-Diệm, các mô-hình về dân-chủ chẳng qua chỉ là hình-thức, là lý-thuyết xuông (duy lý-niệm), sẽ không có thực dụng. Cần phải dung hoà chúng với thực tại và một biện-pháp hoặc kỷ-luật tinh thần (yêu-chuộng công-ích chẳng hạn) đi kèm theo thì mới có thực nghiệm. Hay nói theo An-vi các lý-thuyết này khởi đi từ “Ý” (ý-niệm) nên chỉ đến tới “TỪ” (lời nói xuông) và không đạt tới “Dụng” (thực hành) được.
b-Dân-Chủ Nhân-vị hay Dân-chủ thực-sự
Ông Diệm chủ trương Dân-chủ nhân-vị là một tình trạng tinh thần, một lối sống mà trong lối sống ấy con người thực sự biết tôn trọng nhân-phẩm của chính mình và của người khác. Quan niệm này nhấn mạnh đến hai yếu tố (a) đặc tính văn-hóa cổ truyền của dân tộc”(1959, q.5) và (b) yếu tố con người: tinh thần sống đạo đức (phần động) phải có, của tầng lớp lãnh đạo cũng như các tầng lớp dân chúng. Ông nói “Dân-chủ là một chế-độ đạo-đức chỉ phát triển nếu quan niệm Thiện-Ích Chung mỗi ngày mỗi ăn sâu-rộng trong Nhân-dân và Chánh-quyền.” (1957, q.3, tr.12) Và đạo-đức mà Ông Diệm nói ở đây chính là tinh thần yêu-chuộng công-ích, trọng danh-dự và thể-diện quốc-gia, đức liêm-khiết chính-trực; moị người cần phải rèn-luyện lại tinh thần hy-sinh, óc kỷ-luật, tinh-thần trách-nhiệm, sự nhã-nhặn trong giao-tế, tôn-trọng người và tôn trọng cả chính mình. Đó là những đức-tính được gói trọn trong hai chữ THÀNH và TÍN của Nho-giáo và mang một bản-chất tự-nguyện. Phải tu-thân mới có được. Đây chính là những nguyên tắc căn bản về nền dân chủ tương lai cho Việt-nam mà Ông Diệm đưa ra trước Quốc Hội ngày 5-10-1959, nhằm hướng dẫn việc soạn thảo Hiến Pháp. Tuy nhiên những gía-trị tinh thần nói trên cũng khó mà xuất hiện khi con người còn đang phải nô-lệ miếng cơm manh áo. Vì thế Chủ-nghĩa Nhân-Vị đã đưa ra một chiến lược dân chủ-hóa, một tổng-hợp các phương pháp dân-chủ nhằm phù hợp với hoàn cảnh Nam Việt-nam, một xã-hội hậu thuộc-địa và trong tình trạng chuẩn bị chiến-tranh với cộng-sản miền Bắc.
c-Chiến-lược dân-chủ-hoá Việt-nam của Chủ-Nghĩa Nhân-Vị
Để thực-hành lý-thuyết dân-chủ nhân-vị, Chính-phủ của Ông Diệm đã phát-động hai cuộc cách-mạng cùng một lúc, nhằm dung-hoà (Thái-Hòa) giữa lý-thuyết và thực-hành, giữa các phương-pháp dân-chủ và điều-kiện đặc-biệt của xứ-sở. Tuy-nhiên, trọng điểm của chiến lược dân-chủ-hoá là từ dưới bùng lên.
Cuộc cách mạng thứ nhất, xẩy ra trên thượng tầng cấu-trúc: chuyển đổi chế-độ quân-chủ sang chế-độ cộng-hoà. Cuộc cách mạng không đổ máu này được phỏng theo các định-chế của chế-độ dân-chủ đại-nghị ở các nước tự-do đàn anh. Bắt đầu là một cuộc trưng cầu dân-ý (23 – 10 -1955), truất-phế cưụ-hoàng Bảo-Đại và tín nhiệm Ông Diệm trong chức vị Quốc-trưởng. Sau đó một quốc-hội lập-hiến được bầu ra để soạn-thảo Hiến-pháp. Hiến-pháp trù liệu bầu ra một Tổng-Thống và quyền lực quốc-gia cũng được phân phối theo nguyên tắc phân quyền giữa hành-pháp, lập-pháp và tư-pháp. Nhưng đặc biệt là theo Tổng-thống-chế, Tổng-thống được giao-phó nhiều quyền lực nhằm mục đích thiết lập ra cái giới hạn cho một lộ-trình cưỡng bách với mục đích dung hòa các lý-thuyết dân-chủ với thực trạng của đất nước lúc bấy giờ. Tuy nhiên tất cả chỉ là (dân-chủ) hình thức, mang nặng phần lý-thuyết và là “bước đầu để tiến tới công cuộc dân-chủ hoá các guồng máy quốc-gia.” Để giải thích thêm về sự chọn lựa này, Ông Ngô-Đình-Diệm kể lể với Higgins:
“Cô Higgins, Cô đã viếng thăm các làng quê Việt-nam. Cô cũng đã từng nhìn thấy những người Thượng cầm cây lao và với những phong tục tập-quán đầy mê-tín dị-đoan. Những người Chàm. Những người Cao-đài. Những người Hoà-hảo. Những làng mạc còn trong tình trạng sơ-khai, cai-trị bởi Ông Bà Tổ-Tiên, bởi những ngươì đã chết – đấy cũng là tình trạng ở hầu hết các nơi khác của Việt-nam. Cô nói cho tôi biết, cô Higgins, một nền dân-chủ đại-nghị có ý-nghĩa gì đối với họ trong khi ngôn-ngữ của họ chưa có ngôn từ để diễn tả từ-ngữ chính-trị này?”(Tr.166)
Tình-trạng thấp kém này buộc Chánh-quyền dân-chủ nhân-vị phải đặt giới hạn cho một lộ-trình cưỡng bách, giới hạn về cơ-cấu (không phải về tinh-thần dân-chủ), để dung-hoà những phương-pháp dân-chủ với tình trạng kém phát triển của đất nước. Để phục vụ con người của một xã-hội lạc hậu, mô-hình dân-chủ nhân-vị không thể đóng khung trong những mô-thức dân-chủ của Tây-phương với một xã-hội đã ổn định và có một đời sống vật chất cao. Ấy là chưa kể đến mô-thức dân-chủ tập-trung của Cộng-sản chà đạp nhân-phẩm con người và dân-chủ đại-nghị Tây-phương lại đặt lơị-ích tư-bản trên tầng lớp cần-lao. Ngoài ra đây là một sự chọn lựa cần thiết để xoa dịu những đòi hỏi phải thực hiện dân-chủ đại-nghị kiểu Tây-phương của trí-thức cấp-tiến cũng như các phe đối lập. Và để bổ-túc cho “dân-chủ đại-nghị hình-thức”  thượng tầng, Chủ-Nghĩa Nhân-Vị thực-hiện một lọai dân-chủ trực-tiếp bằng một cuộc cách mạng dưới hạ-tầng.
Cuộc cách mạng thứ hai, xây dựng một nền dân-chủ thực-sự dưới hạ-tầng cơ-sở: Đó là quốc-sách Ấp-chiến-lược (ACL) hay còn goị là cuộc cách mạng nông-thôn. Một hệ-thống Ấp-chiến-lược, dinh-điền, khu trù-mật, với tinh-thần dân-chủ cổ-truyền của làng xã tự-trị Việt-nam đã được xây-dựng trên khắp miền quê Việt-nam. Đây không phải là cái mô hình ACL đã được xây dựng ở Mã-Lai bởi Đại-Úy Thompson, một sĩ-quan trong quân-đội Liên-hiệp Anh. ACL ở Mã-lai thuần túy là một định chế quân-sự, nhằm tách rời Mã-cộng ra khỏi dân-chúng để tiêu diệt. Trái lại, ở miền Nam Việt-nam,

“Đề xướng Ấp-chiến-lược (ACL) là để tạo thành một cuộc cách-mạng chánh-trị, xã-hội và quân-sự, thích hợp cho những nước kém mở mang và nhằm chống 3 thứ giặc chậm-tiến, chia-rẽ và Cộng-sản. ACL bảo đảm an ninh thôn xã và duy-trì mối tương thân liên-đới và tự-túc. Một nền dân-chủ pháp-trị thực-sự, cộng-đồng đồng-tiến, công-bằng xã-hội.

ACL là cơ hội để luyện tập khổ hạnh cho tâm hồn thanh khiết, tự mình vượt qúa mình. Mục đích của ACL là để cưú vớt và giải-phóng toàn diện con người đứng trước hiện-tượng chậm tiến của Á-Phi. ACL nêu lên một chủ trương lớn lao, một lý tưởng để-phụng sự, một cuộc cách mạng để hoàn thành. (1962,Q.8, tr.118-119)
Chiến lược xây-dựng dân-chủ nhân-vị bắt đầu từ hạ tầng cơ-sở, ở nông thôn, nơi mà 95 phần trăm dân chúng sinh-sống. Thứ nhất là vì dân chúng thành thị, các thành phần trí thức và quan chức trong guồng máy công quyền đã va chạm và bị ảnh hưởng sâu đậm bởi một lối sống văn minh vật chất, công cuộc tái võ trang tinh thần cho họ cần thời gian. Thứ hai, nếu xây dựng được tại nông thôn một vùng thịnh-vượng với kinh tế sơ-bản, mỗi gia-đình vô-sản đều có được một nóc nhà và một miếng đất sinh hoa lợi đủ sống, tức là đã trang bị cho đại đa số dân chúng một bảo đảm thực sự cho tự do cá-nhân và thói quen tham-gia việc chung (làm quen với sinh-hoạt dân-chủ). Từ những định chế dân-chủ căn-bản, tự-trị về tinh-thần và vật-chất ở hạ tầng cơ sở này, công cuộc dân chủ-hoá trên thượng tầng cấu trúc sẽ dần dần xuất hiện.
B-Chủ-Nghĩa Nhân-Vị và vấn-đề phát triển Kinh-tế Xã-hội
Ngày 16 tháng 6 năm 1949, lúc còn ở ngoài Chính-quyền, Ông Diệm đã bắt đầu cổ võ cho đường lối kinh-tế Nhân-vị như là một giải-pháp thích hợp để đem lại dân-chủ tự-do thực-sự cho Việt-nam. Ông nói:
“. . . . . Điều quan-trọng là moị người cần hiểu rằng cuộc đấu-tranh của chúng ta hiện nay không phải chỉ thuần túy là một cuộc đấu-tranh để dành độc-lập cho đất-nước. Đây còn là một cuộc cách mạng xã-hội để đòi lại độc-lập về kinh-tế của các nông-dân và người lao-động. Tôi chủ-trương những cuộc cải-tổ tiên-tiến và táo-bạo về mặt xã-hội, nhằm bảo toàn và tôn-trọng phẩm giá của con người, nhắm vào một mục đích duy-nhất là thấy được tất cả những người của một Việt-nam mới được làm ăn sinh sống như là một con người thực sự tự-do.”(Gió-Nam,1-7-59, tr.3)
Vậy thế nào là độc-lập về kinh tế? Nghĩa là phải thâu hồi cho bằng được chủ-quyền kinh tế từ các chủ-nhân ngoại quốc, bao gồm các khu vực nông-nghiệp, thương-mãi, kỹ-nghệ, giao-thông vận-tải, ngân hàng, vân vân. Khi có được chủ-quyền về kinh-tế, moị người dân mới có thể trực tiếp tham gia vào việc điều hành guồng máy kinh-tế và mau chóng nâng cao mức sinh hoạt, sớm giải thoát họ khỏi nỗi tủi nhục đói-nghèo, khỏi kiếp làm thuê làm mướn, và cuối cùng, mới có thể bảo đảm được phẩm-giá của họ. Không có độc-lập kinh-tế cũng sẽ không bao giờ có dân-chủ kinh tế thực sự, một nền dân-chủ mà trong đó thợ với chủ có thể cộng-tác chặt-chẽ trên căn bản bình-đẳng: bình đẳng không phải chỉ về phương diện luật-pháp mà phải cả trong đời sống hàng ngày. Muốn như vậy phải tạo nên cả một hệ-thống an-ninh xã-hội trong đó người dân ở bất cứ giai cấp nào, từ lúc lọt lòng cho đến khi nhắm mắt, đều được bảo-vệ chống lại nạn đói-rét, nạn thất nghiệp, nạn già yếu, nạn ốm đau vân, vân . . . (1955, Q2, tr.160)
a- Các nguyên-tắc của Kinh-tế và Xã-hội Nhân-vị.
Ông Diệm đã đưa ra một chương trình kinh tế nhằm hai mục tiêu: Thứ nhất là kiện toàn nền độc-lập của nước nhà trong lãnh-vực kinh-tế. Thứ hai là canh tân nền kinh tế quốc-gia để nâng cao mức sống của nhân dân. Đặt trên căn-bản Thái-Hòa, Nhân-vị chủ-trương cuộc cách mạng kinh-tế xã-hội phải gồm ba điều kiện tiên quyết:
§      Dân phải được trực-tiếp tham-gia vào việc điều-hành các hoạt-động kinh tế.
§      Mục tiêu ưu-tiên hàng đầu của chính sách kinh-tế xã hội là phải bảo đảm mỗi người dân có được một mái nhà và sở hữu-chủ các phương-tiện sản-xuất để làm ra của cải nuôi sống bản thân và gia đình mình.
§      Nhân-vị (cá-nhân) và cộng-đồng đồng tiến.
Những nguyên-tắc này được chọn làm căn bản giải-quyết xung-đột cố-hữu về quyền-lợi giữa cá-nhân và cộng-đồng, vấn-đề tái phân phối lợi-tức quốc-gia.
b- Kiện toàn nền độc lập về mặt kinh tế.
Theo Ông Ngô-Đình-Diệm thì các ngành hoạt động quan-trọng như kỹ-nghệ, thương mãi, vận-tải, ngân hàng, bảo hiểm lúc bấy giờ, đều đang nằm ở trong tay người ngoại-quốc. Vì thế, tuy nông nghiệp là căn bản của dân sinh, nhưng nếu không nắm được chủ-quyền về các ngành then chốt như kỹ-nghệ, thương mãi thì người nông dân sẽ là nạn nhân đầu tiên vì bị thiệt thòi. Trước ngày Ông về lập chánh-phủ, người nông dân Việt-nam chỉ được hưởng 12% trên tổng số tiền xuất cảng thóc gạo hàng năm. Số 88% được dùng để trả công, trả hoa-hồng, hay trả lãi cho các ngân-hàng, các công-ty bảo-hiểm, công-ty xuất nhập cảng, các hãng vận tải, các nhà máy gạo . . . . nghĩa là những trung gian ngoại-quốc sinh sống ở Việt-nam. Dân Việt-nam tuy làm việc đầu tắt mặt tối, chân lấm tay bùn mà vẫn nghèo túng. Ngoài ra, mục đích tối hậu của những nhà đầu tư ngoại kiều này là lợi nhuận nên “khi vui thì vỗ tay vào” đến khi hoạn nạn thì họ rút ra và nền kinh tế của ta sẽ bị tê-liệt. Cuối-cùng, dù cho chúng ta có giỏi giang siêng năng đến đâu thì cũng vẫn là kẻ làm thuê, đóng những vai trò phụ, làm trung gian đắc lực cho các hãng ngoại quốc. Ông tuyên bố: “Nay hoàn cảnh đã khác hẳn. Các bạn có thể trông cậy vào sự nâng đỡ triệt để của Chánh-phủ Quốc-gia do tôi lãnh đạo, để khuyếch trương công cuộc kinh doanh của chính các bạn.” (1955, q.2, tr. 154 )
c- Kinh-tế Nhân-vị và các mô-hình kinh-tế chỉ-huy và tư-bản
Các nguyên-tắc mà Nhân-vị theo đuổi phủ-nhận những mặt tiêu-cực của cả hai mô hình Kinh-tế tư-bản tự-do và Kinh-tế Xã-hội chỉ-huy. Ví-dụ như mức độ can thiệp của Chính-phủ vào guồng máy kinh-tế chẳng hạn. Kinh-tế chỉ huy và Kinh-tế tư-bản đều tỏ ra cực đoan, hoặc can thiệp tối đa hoặc không can thiệp gì cả. Chính-sách kinh-tế Nhân-vị đặt giới hạn mức độ can thiệp của Chính-phủ vào guồng máy kinh tế quốc gia trong cuộc cách-mạng kinh-tế xã-hội, tuy không theo đường lối kinh-tế chỉ huy của cộng-sản nhưng cũng chẳng theo hẳn đường lối kinh tế tự-do của tư-bản. Trong thực-hành, Chính-phủ sẽ phải quyết định về mức-độ can-thiệp vào guồng máy kinh tế làm thế nào để dung-hoà (thái-hòa) các ưu-tiên phải thực hiện với hoàn cảnh phức tạp hiện tại của đất nước, cân bằng được đòi hỏi của cá-nhân với quyền lợi của cộng-đồng.
Ông Ngô-Đình-Diệm giải thích: “Theo ý tôi, trong hiện tình của nước nhà, những thắc mắc về một mô hình kinh-tế, là quá nặng về phần lý-thuyết và không mang một lơị ích thiết thực nào. Chánh-phủ do tôi lãnh đạo chỉ có một mục đích duy-nhất là: bảo-vệ nền độc-lập của giang sơn và tăng gia hạnh phúc của toàn thể dân-chúng. Cái gì có lợi cho Quốc-gia dân-tộc, thì nên làm. Trái lại, bất cứ cái gì có hại cho quốc-gia cho dân-tộc, thì phải bài trừ cho triệt-để. Hiện nay nước ta bị tàn phá rất nhiều vì chiến tranh: vậy nhiệm vụ đầu tiên của Chánh-phủ là kiến-thiết lại đất nước, là xây đắp đường xá, tu sưả cầu cống sông ngòi. Hiện nay có một triệu-dân di cư: vậy nhiệm-vụ của Chánh-phủ là tìm chỗ cho họ định cư, tìm việc cho họ. Các xí-nghiệp ngoại-quốc đang chuẩn-bị rời khoỉ Việt-nam. Chúng ta có nhiệm vụ phải hỗ-trợ xây dựng những xí nghiệp Việt-nam để thay thế vào đó. Nếu các doanh gia Việt-nam chưa thể làm được thì Chánh-phủ sẽ phải đứng ra gánh vác.” (q.2, tr.157)
d- Canh-tân nông nghiệp để nâng cao mức-sống và tiến đến tự-túc.
Ý-niệm “nâng cao mức sống” của Nhân-vị không phải chỉ bao gồm những nhu cầu sinh lý trực tiếp của con người như ăn mặc, nhà cửa, điện nước vân vân mà còn bao gồm tất cả những sinh hoạt có những tính cách chế-ngự khung cảnh địa-lý, sửa đổi khung cảnh đó, và biến nó thành một khung cảnh mới làm căn bản không những cho sự thỏa mãn nhu cầu vật chất của một số người xấu-số mà cả các sinh hoạt trí-thức và tinh thần của toàn thể xã-hội và ở một mức cao hơn, đó là ý niệm “Cải tạo căn bản vật chất của sinh hoạt xã hội.” Như vậy cải tổ xã-hội về phương diện vật chất, đòi hỏi không những sự phân phát cho một số người nghèo và thiếu thốn một số vật dụng cần thiết cho đời sống của họ, mà cả một cuộc cách mạng kỹ-thuật để tạo cho xã hội một khung cảnh vật chất hoàn toàn mới, rộng rãi hơn và mỹ lệ hơn. Cách mạng kỹ thuật này đòi hỏi một sự cải tổ rộng rãi của giáo dục, và đặc biệt là đem khoa học vào giáo dục, đem tinh thần khoa học vào giáo dục (như việc thiết lập các trường Quốc Gia Hành Chánh, trường Đại-Học Khoa học, Công-nghệ, Trường Quốc Gia Nông Lâm Súc, Kỹ thuật, vân vân.)
Đặc biệt, trong lãnh vực cải-cách điền-điạ, Chủ-Nghĩa Nhân-Vị đưa ra một quan niệm mới về quyền tư-hữu để xác nhận điạ vị ưu-tiên của sức cần-lao: tối thiểu mỗi người phải được làm chủ một mảnh ruộng đủ lớn với các phương-tiện sản xuất để có thể làm ra của cải để nuôi-sống mình và gia-đình mình; đồng thời sở hữu một mảnh vườn một căn nhà. Khi phân phối lại đất đai để thực hiện chính sách về tư-hữu này, Chánh-phủ Nhân-vị được trao quyền lực để truất hữu và bồi thường các điền chủ có ruộng đất “cò bay thẳng cánh”. Chánh-phủ đã “ban-bố luật cải-cách điền-điạ hợp lý công bằng và thích ứng với nhu-cầu kỹ thuật. Trong những đạo luật cải cách ấy, Chánh-phủ không chủ-trương tiêu-hủy quyền tư-hữu (như Kinh-tế chỉ-huy đã làm) – vì quyền ấy là một đảm-bảo cho tự-do căn bản của con người – nhưng quyết định hạn chế triệt để những sự lạm dụng phát sinh ra do những quan-niệm cổ-truyền qúa ư rộng rãi về quyền tư-hữu (như Kinh-tế tư-bản chủ trương), và đồng thời tạo cho nông dân và gia đình họ những phương tiện sản xuất thuận-lợi với những điều-kiện sinh-hoạt vững-chắc.” (1955, Q.1, tr.31) Ở đây, khi công nhận quyền tư-hữu của nông-dân có nghĩa là chống lại chính sách vô-sản hoá của nền kinh-tế chỉ-huy; nhưng Chánh-phủ lại can-thiệp bằng một đạo-luật nhằm giới hạn quyền tư-hữu tuyệt đối của hệ-thống kinh tế tư-bản, thường đem lại hậu qủa người quá giầu và kẻ không có gì cả.
Nguyên-tắc công-bình và nhân đạo chẳng hạn, được thể hiện trong những Đạo-dụ ấn định mức tô-xuất trong khoảng 15 – 25 phần trăm trị giá huê lợi và khẩu-ước giữa tá-điền và điền chủ phải cải thành “khế-ước”. Hoặc trong một dự-án trích cấp đất cho dân di-cư, cựu-chiến-binh: “Những ruộng bỏ-hoang trong mùa vừa qua sẽ được trích cấp, trong một thời hạn 3 năm, cho các tá điền đã cấy-cầy những ruộng đất ấy, cho dân di cư, cho các cựu chiến-binh và công dân đã bỏ mình vì nước. Những người được hưởng ruộng đất trích cấp, sẽ được miễn điạ tô hoàn toàn trong năm đầu, một nửa trong năm thứ nhì và một phần tư trong năm thứ ba.”(Q.1, tr.31)
Ngoài ra, Chánh-phủ còn chủ-trương khuyến-khích nông dân tập hợp thành Hợp-tác-xã nông nghiệp với mục đích trao đổi với nhau về chuyên môn để nâng cao kỹ thuật sản xuất và loại bỏ trung gian, tiếp-thị những nông-phẩm của chính họ. Rồi những gia đình nông dân này sẽ cùng với Hợp-tác-xã, hợp thành một cộng-đồng. Cuối cùng ba định-chế này sẽ được tập-hợp lại thành một 
đơn-vị kinh-tế xã-hội
 mang bản chất tự cung, tự-cầu. Ba định-chế này sẽ là thế chân vạc để giúp xã hội này nẩy nở phát triển không ngừng về moị mặt, tiến thành những Ấp tự-trị lấy tên là Ấp-chiến-lược. Không những họ có thể tự-trị về chính-trị, kinh-tế, xã-hôi, và ngay cả an-ninh nữa. Các Ấp này được xây dựng khắp nơi để thực hiện khẩu hiệu cá-nhân và cộng-đồng đồng-tiến.
Như vậy, khi hoàn được quốc sách Ấp-chiến-lược ít ra ở hạ tầng cơ-sở, đại đa số nông-dân, công-nhân đã có thể hưởng độc-lập, dân-chủ và tự-do thực sự. Và miền quê Việt-nam sẽ có một bộ mặt mới, một xã-hội tự-do dân-chủ ấm-no hạnh phúc thực sự trong sự tôn trọng nhân phẩm, công bình và bác ái. Những giá-trị nhân bản này chính là ý-nghĩa đích thực của chữ NHÂN trong văn-hóa Việt-nam. Mô-hình chính-trị làng-xã cổ-truyền là những giá-trị dân-chủ cổ-truyền độc đáo của dân tộc Việt-nam.
Tóm lại, chủ thuyết Nhân-Vị là một triết-lý nhằm xác- định và đề cao giá-trị của con người, vị-trí của con người trong tương quan với vũ-trụ, với người khác và trong cộng-đồng xã-hội. Đồng thời là một chủ-thuyết chính-trị chủ trương thiết lập những định-chế thích-hợp để tạo cơ-hội và khuyến-khích việc phát-triển các gía-trị này đến mức cao rộng nhất và hướng về việc phục vụ hạnh-phúc con người. Chủ-Nghĩa Nhân-Vị lấy “con người biết tu-thân (thái-hòa)”làm nền tảng cho giải-pháp, để giải quyết các mâu-thuẫn trong sinh hoạt của con người. Khi Ông Diệm nói một đường lối mới, ý Ông muốn nói đã lâu rồi những truyền thống tư-tưởng tốt đẹp này của dân tộc không được đem ra để áp-dụng vào trong các sinh hoạt quốc-gia vì bị nô lệ Tầu, Tây và phong kiến, rồi lại bị ảnh hưởng bởi một tà-thuyết duy-vật ngoại lai.

No comments:

Post a Comment