Wednesday, April 16, 2014

NHÀ BÁO PHÁP PIERRE DARCOURT VIẾT VỀ NHỮNG NGÀY GIỜ CUỐI CỦA VIỆT NAM CỘNG HOÀ: 7-4-1975, GẶP TƯỚNG NGUYỄN KHOA NAM NGHE CHUYỆN TỔNG THỐNG THIỆU VÀ TƯỚNG PHÚ

LTS. Suốt Tháng Tư 1975, nhà báo Pierre Darcourt có mặt tại Sàigon, trực tiếp gặp và nghe nhiều điều riêng tư, từ các cấp thẩm quyền quân dân sự miền Nam, như Tướng Nguyễn Khoa Nam, Bộ trưởng Hoàng Đức Nhã, lãnh tụ Ngiệp đoàn Trần Quốc Bửu, tới…. Bà Ngô Bá Thành thủ lãnh phong trào Phụ Nữ Đòi Quyền Sống. Ông cũng sát cánh với các đơn vị VNCH giờ chót tại các phòng tuyến ven đô cho tới ngày cuối cùng và chỉ rời khỏi Saigon vào buổi trưa 29 tháng 4 năm 1975. Những ngày giờ cuối cùng của VNCH được Pierre Darcourt viết thành sách "Vietnam, Qu’as Tu Fait De Tes Fils" do Editions Albatros, Paris xuất bản. Sau đây là một số sự ghi nhận của nhà báo Pháp đặc biệt này, được lược trích theo bản dịch Việt ngữ “Việt Nam Quê Mẹ Oan Khiên” của Cựu Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa, do Tủ sách Tiếng Quê Hương ấn hành. Tựa đề các trích đoạn do toà báo đặt.
Thiếu Tướng Nam mừng rỡ nắm chặt lấy tay tôi lắc thật mạnh và tiếp tôi trong văn phòng của vị tỉnh trưởng, Người quân nhân Nhảy Dù nầy năm nay 48 tuổi, nước da đen sạm, với gương mặt luôn luôn cảm hóa mọi người, ông đã qua các trường đào tạo "mũ đỏ” của người Pháp và được người Mỹ huấn luyện về chiến thuật trực thăng vận. Ông là người quân nhân duy nhất thuộc một gia đình quí tộc danh tiếng ở Huế, gồm toàn các cụ đồ nho và quan lại của triều đình. Ở con người ông, nổi bật nhất là tướng người vạm vỡ, cầm vuông rõ nét của một con người thượng võ. Đến giờ nầy ông vẫn sống độc thân không hối tiếc (điều nầy bảo đảm cho tính thanh liêm trong sạch của ông ở một đất nước mà các bà thường mượn uy quyền và địa vị của các ông chồng để làm ra tiền), và ông chỉ thấy vui vẻ thoải mái khi được sống giữa hàng binh sĩ và các đơn vị tác chiến của ông. Người bạn thân nhất của ông là Đại Tá Ninh (một "mũ đỏ” khác được đào tạo ở trường Nhảy Dù Pau, Pháp) một sĩ quan mảnh khảnh với bộ râu mép ngạo mạn, người đã cùng ông với đạo quân tiếp viện của mình bẻ gãy vòng vây An Lộc, một trận Verdun của Miền Nam Việt Nam.
- Sao? Thiếu Tướng Nam vừa cười lớn lên vừa nói với tôi, Anh muốn xuống đây kiếm tôi, chỉ vì các tay trên Tổng Tham Mưu không chịu nói sự thật với anh chớ gì?
- Anh Nam ơi, tôi chỉ xuống đây để được biết tin tức thôi.
- Được rồi, Chúng ta hãy nói chuyện về Vùng IV của tôi. Đường sá luôn luôn được mở sạch sẽ để cho lưu thông được an toàn, và Việt Cộng không phải là chủ ở đây. Các đơn vị Bảo An và Dân Vệ của tôi giữ chặt lãnh thổ, điều nầy cho phép tôi điều động hoàn toàn 3 sư đoàn chánh quy của tôi trong các cuộc đụng độ mạnh với các đại đơn vị Cộng Sản Bắc Việt đang muốn xâm nhập vào đây từ phía Cam Bốt. Hôm qua, chúng tôi có "sơi” một trung đoàn thuộc sư đoàn 4 bộ binh Bắc Việt ở Phú Sơn. Hôm nay họ bị dồn về phía trước các hãng đường ở Đức Hòa rồi. Chúng tôi đã tịch thu hơn một trăm vũ khí nặng, súng không giật, súng phóng hỏa tiễn, bách kích pháo và cả một số súng liên thanh phòng không.
- Sau thảm trạng ở miền Trung, thật sự quân lực VNCH còn bao nhiêu lực lượng khả dụng?
- Còn được 7 sư đoàn với quân số đầy đủ: 6 sư đoàn bộ binh, 1 sư đoàn Dù, cộng thêm 2 lữ đoàn thiết giáp và nhiều liên đoàn Biệt Động Quân. Hai lữ đoàn Thủy Quân Lực Chiến và 2 sư đoàn khác (sư đoàn 2 và sư đoàn 4) đang được bổ sung quân số và tái thành lập với những đơn vị vừa từ miền Trung rút về.
Sài Gòn được phòng thủ rất chặt chẽ với 2 nút chận thật mạnh. Nút chận thứ nhất là vòng đai phòng ngự phía Bắc của thủ đô do sư đoàn 25 bộ binh của tướng Lý Tòng Bá, một kỵ binh lực lưỡng và đầy đủ kinh nghiệm.Trung tâm điểm của tuyến phòng ngự nầy dựa trên thị xã Bến Cát, một vị trí chủ, được xây dựng chung quanh môt ngọn đồi được bố trí các loại súng và có hầm trú ẩn bê tông cốt sắt.
Nút chặn thứ hai là tuyến phòng thủ mặt Bắc, tiếp giáp nhau chung quanh thành phố Xuân Lộc, do Sư Đoàn 18 Bộ Binh trấn giữ, một sư đoàn ưu tú mà tư lệnh là Tướng Lê minh Đảo, hùng hục và vui vẻ như một thiếu úy. Tôi nghĩ là Bắc Việt cũng khó mà đánh bật được 2 phòng tuyến nầy.
- Dù sao cũng vẫn còn một nguy cơ, ông Nam ơi. Bọn Việt Cộng không có thói quen đánh trực diện vào các cứ điểm mạnh. Họ dùng toàn bộ pháo binh nã vào cứ điểm mạnh nhằm cầm chân các đơn vị của ta để họ lợi dụng vùng rừng bụi tiến đánh bọc hai bên sườn của mình. Nên nhớ là Xuân Lộc và Bến Cát đều có các vuờn cao su và rừng cây bao quanh.
- Chắc vì thế mà chúng không dám đến đánh ở địa thế gần như trống trải ở đồng bằng. Có lẽ bọn chúng sẽ cố gắng cô lập Sài Gòn hơn, cắt đứt thủ đô với vùng vựa lúa và giàu nhân lực vì nguy cơ lớn nhất phải đến ngay từ Sài Gòn. Tôi muốn nói đến các chuyện lộn xộn và tham vọng chánh trị ở Sài Gòn. Các nghị sĩ băt đầu rục rịch, các tướng lãnh không có quân cũng đang có âm mưu gì đó, và Tổng Thống Thiệu càng ngày càng bị cô lập. Chánh quyền có thể bất thần sụp đổ và rơi vào tay của những kẻ vô trách nhiệm, sẵn sàng hấp tấp mở cửa rước bộ đội Bắc Việt vào Sài Gòn.
- Anh giải thích thế nào về sự sụp đổ đã xảy ra ở miền Trung?
Tướng Nam chống tay lên thành ghế ông đang ngồi, và bực tức cằn nhằn:
- Có rất nhiều lý do. Mà đầu tiên và trước hết là do ông Thiệu.
- Ở Tổng Tham Mưu, Đại Tá Khôi nói với tôi người chịu trách nhiệm là Thiếu Tướng Phú.
- Không phải. Anh đã biết Tướng Phú còn hơn tôi nữa mà. Ông là một cấp chỉ huy có khả năng, bám trận địa như một con rận bám sát tóc vậy.
Không, ông không phải loại người chuồn đi, bỏ lại cả một thành phố và toàn bộ chiến cụ nguyên vẹn như vậy.
Trước khi đổ vấy trách nhiệm cho cấp chỉ huy và cho lỗi lầm chánh trị, có vài điểm kỹ thuật cần được làm sáng tỏ: cuộc tổng tấn công của Cộng Sản vào Vùng Cao Nguyên đã được chờ đợi từ nhiều tuần lễ rồi. Nhưng vì thiếu tin tức chính xác về những cuộc điều quân hay di chuyển của các đơn vị Cộng Sản Bắc Việt xuyên qua rừng rậm, Tướng Phú nghĩ cũng đúng là nỗ lực chính của Cộng Sản phải nhắm vào Kontum hay Pleiku, nằm ngay ở phía Bắc, và ông ta đã tập trung phần lớn lực lượng vào hai thành phố nầy. Xui cho ông, Bắc Việt lại tấn công vào Ban Mê Thuột, nơi mà quân trú phòng chỉ có một trung đoàn và vài liên đoàn Biệt Động Quân mà phải đương đầu với cả 3 sư đoàn Cộng Sản ! Sau đó Cộng Sản cắt hết các con đường giao thông chính trên Cao Nguyên. Phản ứng đầu tiên của Tướng Phú là phản công. Ông ta cho trực thăng vận 300 binh sĩ Dù và một liên đoàn Biệt Động Quân đổ xuống chiếm lại hai phi trường ở Ban Mê Thuột, và sau đó đã cố gắng vào được thành phố và tảo thanh thị trấn. Trong một vài giờ, Ban Mê Thuột đã biết được một không khí thật sư vui mừng, một cái gì mường tượng như lúc thủ đô Ba Lê được giải phóng. Dân chúng vẫy cờ hoan hô các binh sĩ của Chánh Phủ. Các chủ vườn cao su đem rượu cỏ-nhác ra uống mừng chiến thắng. Nhưng sau đó, đùng một cái, theo lệnh từ Sài Gòn chuyển lên, lực lượng Miền Nam được lệnh phải rời khỏi thành phố. Hai sư đoàn Bắc Việt khép kín họ lại và đã tiêu diệt họ.
Còn ở Pleiku và Kontum: còn 2 trung đoàn thuộc Sư Đoàn 23 Bộ Binh. Pleiku là một căn cứ Không Quân quan trọng của một sư đoàn Không Quân, không thiếu một thứ gì từ lương thực đến đạn dược.
Tướng Phú đã quyết định đánh và kháng cự. Ông ta đã xác định với các sĩ quan của ông như vậy. Tuy nhiên ngày 14 tháng 3, Tổng Thống gọi ông về Cam Ranh và cho lệnh ông phải lui quân. Bây giờ chúng tôi biết được là cuộc bàn cãi rất là sôi động đầy sóng gió. Tướng Phú đã từ chối không thi hành lệnh. Ông ta đã nói thẳng với Tổng Thống Thiệu: "Tôi đã đánh giặc 23 năm rồi, và tôi chưa bao giờ biết lui quân. Hãy tìm một người khác để chỉ huy cuộc "chạy trốn "nầy.” Nói xong ông vứt khẩu súng lục của ông lên bàn và ra khỏi phòng họp, đóng sầm cửa lại. Và sau đó ông bay về Nha Trang, khai bệnh vào nằm bệnh viện. Chuyện đâu có khó khăn gì với ông ta đâu, vì anh cũng biết là ông ta luôn luôn bị khó chịu với hai lá phổi của ông.
- Đại Tá Khôi lại xác định với tôi là Tướng Phú đã bay về Pleiku và đã cho lệnh triệt thoái vài giờ sau đó.
- Đó là luận thuyết chánh thức. Bộ Tổng Tham Mưu quả quyết là khi về đến Pleiku, Tướng Phú đã nói với tư lệnh phó của ông "tôi cho ông hay một bí mật lớn, là chúng ta sẽ phải sớm di tản hết các vị trí của chúng ta". Vị tư lệnh phó nầy lập tức báo tin cho các sĩ quan, và cuộc triệt thoái được thi hành ngay lúc đó. Tôi đã gặp Tướng Phú ở Sài Gòn ngày hôm kia, ông ta đã xác nhận với tôi là ông ta đã không bao giờ ra lệnh triệt thoái.
Dù sao thì giải pháp tốt đẹp duy nhất là nên giao cho Tướng Phú một nhiệm vụ hy sinh bằng cách cho lệnh ông phải tử thủ tại chỗ để bảo vệ Pleiku, nhằm mục đích mua thời gian và để cho dân chúng và các liên đoàn Biệt Động Quân rút đi trong vòng trật tự, như thế thì mới tránh được cái dịch hốt hoảng đã đầu độc cả nước.
- Như vậy thì ai là người ra lệnh triệt thoái?
- Chính là ông Thiệu. Sau khi Tướng Phú đã từ chối không thi hành lệnh, Tổng Thống Thiệu đã báo cho Đại Tá Tất, tư lệnh phó của ông Phú, một sĩ quan Biệt Động Quân và giao cho ông nầy chức vụ Tư Lệnh Vùng.
Được Tổng Thống liên lạc thẳng, Tất đã sốt sắng thi hành lệnh, và cho bắt đầu ngay cuộc hành quân triệt thoái, mà không cho tiến hành phá hủy một kho tàng nào. Anh ta đã để lại nguyên vẹn sáu tháng lương thực, một nửa các khẩu pháo và nặng nhất là để nguyên lại 40 chiếc phi cơ và trực thăng còn tốt. Tổng Thống Thiệu đã phạm một lỗi về xét đoán nhân sự không thể nói được khi ông giao quyền chỉ huy cho Đại Tá Tất. Tôi biết anh nầy quá nhiều, ông ta là một sĩ quan can đảm, một sĩ quan chuyên về tác chiến lưu động, đột kích hay phá hoại. Nhưng anh ta không được đào tạo hay huấn luyện một tí gì để có thể hướng dẫn một cuộc hành quân loại triệt thoái rất tế nhị và quan trọng nầy.
Tổng Thống Thiệu cũng phải gánh hoàn toàn trách nhiệm trong việc bỏ thành phố Huế và Vùng I Chiến Thuật. Tướng Trưởng có 3 sư đoàn ưu tú để lo phòng thủ Vùng nầy, Sư Đoàn 1 Bộ Binh, sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến, và sư đoàn Dù. Nhưng ngày 20 tháng 3, Tổng Thống Thiệu vì sợ bị đảo chánh, nên đã cho rút sư đoàn Dù đưa ngay về Sài Gòn làm cho Tướng Trưởng đứng trước một lổ hổng quá rộng trong hệ thống phòng thủ của ông. Vì chỉ với 2 sư đoàn mà ông phải tái phối trí cho một tuyến phòng thủ dài 150 cây số ngàn. Do đó mà ông phải quyết định thu gọn lực lượng về tuyến phòng thủ Đà Nẵng, lực lượng quân sư ưu tiên lui về trước.
Trong lúc các đơn vị đang trên đường di chuyển, Tổng Thống Thiệu lại cho lệnh phải trở lui lại Huế, nhưng Cộng Sản Bắc Việt đã chận đường trở lại Huế ở khoảng đèo Hải Vân. Trước hết Sư Đoàn 1 đã đánh một trận khốc liệt để tái chiếm đèo Hải Vân và tái lập lưu thông trở lai. Nhưng vô phước là làn sóng dân chúng chạy loạn như nước vỡ bờ đã phá tan hàng ngũ của sư đoàn 1. Có rất nhiều binh sĩ quá lo âu cho số phận của gia đình mình, nên đã bỏ hàng ngũ, còn một số binh sĩ khác thì đào ngũ hẳn. Vị tư lệnh sư đoàn 1 ở Đà Nẵng đã cố gắng nắm lại sư đoàn của mình nhưng đã bị một anh phản loạn đánh gục.
Thiếu Tướng Nam đứng dậy, vươn vai và đi vài bước trong phòng. Sau một vài phút yên lặng, ông lại ngồi xuống và tiếp tục:
- Tổng Thống Thiệu bị ám ảnh vì sự bỏ rơi hèn hạ của người Mỹ. Tôi tin chắc là ông ta muốn bi thảm hóa tình hình bất thần như vậy, hy vọng là Tổng Thống Ford sẽ vượt qua được một mức độ khó khăn nào đó để đi đến quyết định phải gởi các oanh tạc cơ hạng nặng qua giúp V NCH. Nhưng sự việc sau đó đã cho thấy là ông tính toán sai. Và chúng ta đã mất mát quá nhiều trong vấn đề đó. Biện pháp hữu hiệu nhất để thuyết phục Quốc Hội và Nhà Trắng, là chúng ta phải chiến đấu tại chỗ cho đến viên đạn cuối cùng. Chính bọn Cộng Sản Bắc Việt cũng không tin là chúng sẽ chiến thắng dễ dàng như vậy. Bằng chứng hùng hồn nhất là cả 4 sư đoàn trừ bị chiến lược của Miền Bắc chỉ mới vượt qua vĩ tuyến 17 trong tuần lễ vừa qua.
Trước khi từ biệt, Tướng Nam nói là ông không tin là TT Thiệu sẽ còn khả năng vượt qua được các biến cố.

Kỳ tới: Gặp riêng với Tướng Nguyễn Khoa Nam


No comments:

Post a Comment