Friday, April 11, 2014

HÃY ĐỂ YÊN CHO ÔNG CÙ HUY HÀ VŨ SỐNG NHƯ MỘT NGƯỜI BÌNH THƯỜNG

Thụy My (RFI) - Nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng của Việt Nam, tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ đã được bất ngờ trả tự do hôm 06/04/2014, đưa thẳng từ nhà tù ra sân bay và đến Hoa Kỳ hôm 7/4. Nếu báo chí nhà nước không hề loan một dòng tin nào về sự kiện này, thì trên các mạng xã hội việc ông Cù Huy Hà Vũ được phóng thích và đi Mỹ ngay sau đó đã làm dấy lên nhiều bình luận sôi nổi. RFI Việt ngữ đã phỏng vấn nhà báo tự do Phạm Chí Dũng ở TP Hồ Chí Minh về vấn đề này. 
RFI: Thân chào nhà bình luận Phạm Chí Dũng. Thưa anh, việc thả tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ tất nhiên là một tin vui nhưng nhiều người cho là các nhà bất đồng chính kiến một khi đã ra hải ngoại sẽ khó thể tiếp tục tranh đấu cho dân chủ được nữa? 
Nhà báo Phạm Chí Dũng: Tôi thấy tình hình dư luận càng ngày càng phức tạp và đa chiều, thậm chí là hỗn mang, và có nét dị biệt không thể tránh khỏi trong quan điểm của cộng đồng. Gọi là cộng đồng, nhưng thực ra có rất nhiều nhóm, phái. Và điều này đã xảy ra không phải chỉ với ông Cù Huy Hà Vũ – đối với ông thì đây không phải là lần đầu tiên, mà cả với những người khác nữa. Thí dụ như ông Đoàn Viết Hoạt, bà Trần Khải Thanh Thủy - cũng từ trong nước mà đi ra, cũng từ nhà tù mà đi ra - nhưng cũng đã phải chịu những lời dị nghị khá nhiều. Ông Cù Huy Hà Vũ cũng vậy.  
Và tôi xin nhắc lại, cho tới giờ vẫn có dư luận đánh giá ông Đoàn Viết Hoạt là một loại «gà» của chính quyền cộng sản đưa ra hải ngoại để hoạt động, quấy phá «phong trào dân chủ». Tôi cho đó là quan điểm khá cực đoan. Bà Trần Khải Thanh Thủy cũng thế, một số người cho rằng bà là tay sai của Nhà nước, và cũng được gài vào trong các nhóm, các phong trào dân chủ để hoạt động.  
Thì ngay lập tức khi ông Cù Huy Hà Vũ mới đáp xuống phi trường Washington DC có một ngày thôi, lại đã xuất hiện dư luận tương tự như đối với bà Trần Khải Thanh Thủy và ông Đoàn Viết Hoạt. Điều đó làm cho tôi cảm thấy ngạc nhiên vì tại sao mới chỉ có một ngày, trên người đang mang một số thứ bệnh - và đúng là có lý do để đi chữa bệnh thật sự - ông Cù Huy Hà Vũ lại bị lôi ra trước công luận để mổ xẻ, với một thái độ không mấy thiện cảm như thế.  
Còn có luồng dư luận đánh giá là ông sẽ phải chịu những điều tiếng khá nặng nề nếu ông không hòa nhập được với cộng đồng. Và có thể bản thân ông Cù Huy Hà Vũ, vốn là một người xuất thân từ chế độ, mang những đặc tính tâm lý truyền thống khó tránh khỏi, sẽ khó thể hòa nhập được cộng đồng người Việt hải ngoại, ở Mỹ hoặc ở một số nước khác trên thế giới. Đó là một thách thức mà ông Cù Huy Hà Vũ phải đối mặt, phải giải quyết trong thời gian tới. Và người ta cho rằng có thể ông Cù Huy Hà Vũ sẽ không vượt qua được thử thách đó. 

Mà khi không vượt qua được thì làm thế nào? Hoặc là ông sẽ phải im lặng, hoặc là ông từ bỏ con đường tranh đấu. Vì nói gì thì nói, để tạo dựng nên một uy tín, năng lực và chân đứng ở hải ngoại, điều đó khó hơn nhiều so với ở trong nước. 

Khi ở trong nước, người ta đương nhiên là có uy tín, đặc biệt là những nhân vật mới ở tù ra, và còn có thể tập hợp được một số quần chúng nào đó. Nhưng mà ở hải ngoại, với đặc tính có quá nhiều các nhóm thậm chí là phe phái, thì việc có thể đứng vững được trên đôi chân của mình, với uy tín của mình dù là có năng lực, cũng là một điều khá khó khăn.  
Điều đó đã được chứng thực là hiện nay cho tới giờ, ở hải ngoại vẫn ít có gương mặt nào được coi là trở thành thủ lĩnh có thể thống nhất được các lực lượng tranh đấu hải ngoại. Thậm chí chỉ có một ít thủ lĩnh nhỏ thôi, và những người thủ lĩnh đó cũng đang phải đối mặt với khá nhiều khó khăn. Đó là đặc thù mà người ta gọi là tính chia rẽ, trong các phong trào đấu tranh dân chủ hải ngoại nói riêng, và trong đặc tính tâm lý của người Việt nói chung.  
Đây là vấn đề mà chúng ta phải bàn tới ngày hôm nay. Tôi cho đó cũng là một thử thách mà trong những ngày tới, ông Cù Huy Hà Vũ dù có muốn đấu tranh trở lại hay là không vẫn phải đối mặt với nó, vẫn phải tìm cách vượt qua nó.  
RFI: Thưa anh, như vậy khi trả tự do ông Cù Huy Hà Vũ, Việt Nam có được lợi thế nhiều hơn là bất lợi phải không ạ?  
Nhà báo Phạm Chí Dũng: Tôi có cảm giác là kỳ này Nhà nước Việt Nam đã giành một lợi thế nho nhỏ trong việc thả ông Cù Huy Hà Vũ. Bởi vì trước mắt họ đáp ứng được điều kiện của phía Hoa Kỳ, và Hoa Kỳ dường như cũng hài lòng về chuyện đó - lên tiếng hoan nghênh, thậm chí từ phía dân biểu Ed Royce. Đó là người đã cùng một số nghị sĩ khác vào tháng 7/2013, trước khi ông Trương Tấn Sang đến Washington DC gặp Tổng thống Barack Obama, thì ông Ed Royce và một nhóm nghị sĩ đã gửi thư riêng cho ông Trương Tấn Sang, đề nghị trả tự do cho ông Cù Huy Hà Vũ. Nhà nước Việt Nam đã đáp ứng một vấn đề, có thể nói là một điều kiện nhỏ của phía Hoa Kỳ - một điều kiện nhỏ thôi.  
Thứ hai nữa, có thể là một bước tiến nhỏ trên con đường đạt tới mục tiêu tối thượng mà tôi nghĩ Nhà nước Việt Nam đang muốn tiến tới, đó là Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương. Và sau đó nữa, có thể cả một lời hứa của Tổng thống Barack Obama – hoặc vào cuối năm nay, hoặc sang năm tới - nhưng gần như chắc chắn là vào một lúc nào đó, phía Hoa Kỳ sẽ xác định là Tổng thống Obama đến Việt Nam.  
Lúc đó sẽ là một hình ảnh tái lập chuyến đi của Barack Obama đến Miến Điện vào cuối năm 2012, khi tình hình dân chủ Miến Điện được cởi mở, Tổng thống Thein Sein đã thả khoảng hơn 100 nhân vật được coi là bất đồng chính kiến và tù nhân chính trị. Đó là mối lợi của Việt Nam.  
Đồng thời về mặt trong nước, nếu Nhà nước Việt Nam chịu khó tuyên truyền thì tôi nghĩ rằng họ cũng đạt thêm được một mối lợi nhỏ. Rằng họ đã bắt đầu mở cửa, bắt đầu có dân chủ hơn, và đã bắt đầu chiếm được một chút lòng tin của dân chúng.  
Nhưng khách quan mà nói, sau cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát Nhân quyền vào tháng 2/2014 tại Thụy Sĩ, Nhà nước Việt Nam đã bắt buộc phải thể hiện sự tôn trọng hơn chút đỉnh đối với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về chống tra tấn. Trong đó liên quan tới những điều kiện thả tù nhân chính trị, cải thiện chế độ lao tù một chút. 

Điều đó cho thấy, có những tín hiệu đang phát ra về một lối mở thỏa hiệp - nhẹ nhàng hơn, mềm dẻo hơn, và có triển vọng hơn một chút, giữa Nhà nước Việt Nam với Hoa Kỳ, trong mối quan hệ thương thảo giữa hai bên về chính trị, ngoại giao, quân sự và kinh tế. Đó là một tương lai mà tôi cho là cũng không đến nỗi quá tồi đối với nền dân chủ Việt Nam nói chung, và đối với ông Cù Huy Hà Vũ nói riêng.  
RFI: Nhưng tại sao lại là ông Cù Huy Hà Vũ, trong lúc nhà tù Việt Nam hãy còn nhiều tù nhân lương tâm khác.  
Nhà báo Phạm Chí Dũng: Còn bản thân ông Cù Huy Hà Vũ tại sao lại được chọn để thả? Trong trường hợp này, nói «thả» vì thực chất là Nhà nước Việt Nam cho ông đi luôn, chứ không phải là sau khi chữa bệnh, ông Cù Huy Hà Vũ phải trở lại thụ án nữa. Theo đánh giá của tôi, ông Cù Huy Hà Vũ không phải là một nhân vật quá nguy hiểm đối với Nhà nước Việt Nam. 
 Ông có tiếng nói, nhưng có thể về mặt tập hợp quần chúng và vị thế trong phong trào dân chủ ở Việt Nam, ông khó mà bằng được những nhân vật khác đang nằm trong chốn lao tù như ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải hay ông Lê Quốc Quân, ông Trần Huỳnh Duy Thức, hoặc linh mục Nguyễn Văn Lý.  
Khi xác định chọn thả nhân vật nào đó, Nhà nước Việt Nam phải tính toán rất kỹ về ảnh hưởng của nhân vật đó sau khi được thả, tác động của của người đó trên trường quốc tế và cả với chính trị đối nội trong nước như thế nào.  
Chúng ta nhớ rằng vào tháng 8/2013, sau chuyến đi của ông Trương Tấn Sang đến Washington DC gặp Barack Obama, thì nghe nói phía Hoa Kỳ đã đưa ra một danh sách có năm người, đề nghị phía Việt Nam trả tự do. Đứng cuối danh sách đó là cô Phương Uyên – bị bắt năm 2012 trong một vụ rải truyền đơn. Và phía Việt Nam đã chọn nhân vật nhẹ nhàng nhất, trẻ tuổi nhất, ít ảnh hưởng nhất, chỉ mang tính biểu tượng nho nhỏ mà thôi. Đó chính là cô Phương Uyên, và họ đã trả tự do cho cô. Sau đó vào tháng 11/2013, họ tiếp tục trả tự do tại tòa cho một blogger là Đinh Nhật Uy.  
Đối với những trường hợp như thầy giáo Đinh Đăng Định, hay cựu đại úy quân lực Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Hữu Cầu, mà Nhà nước Việt Nam đưa ra lệnh đặc xá cho họ vào đầu năm 2014, cũng là những bước đi có tính toán. Vì đó là những người có thể nói là không còn sức khỏe để hoạt động nữa, hay nói cách khác đó là những người « sắp chết ». 
Đó là cách tính toán của Nhà nước Việt Nam, làm sao vừa tạo ra một điều gọi là « nhân hòa » đối với tình hình chung, mà vẫn không làm cho các tù nhân chính trị được thả có điều kiện để hoạt động mạnh.  
Riêng với ông Cù Huy Hà Vũ, vấn đề sức khỏe của ông có thể khả quan hơn nhiều so với thầy giáo Đinh Đăng Định (đã mất) và ông Nguyễn Hữu Cầu. Nhưng việc quyết định đưa ông đi nước ngoài, tôi cho đó là một tính toán khôn ngoan, vì đó là một cách – theo Nhà nước Việt Nam - là «tống khứ» được nhân vật bất đồng chính kiến nào ra hải ngoại thì càng tốt chừng đó.  
Ở hải ngoại, họ sẽ khó có điều kiện như ở trong nước để tập hợp quần chúng, để nói lên tiếng nói và tạo được phản ứng của dư luận. Đặc biệt là ở nước ngoài, họ khó có độ cảm nhận, độ rủi ro thường trực len lỏi, theo đuổi như là người ở trong nước. Vì vậy họ sẽ khó thể phân tích, đánh giá tình hình một cách thuyết phục như là những người trong nước.  
Đó là lý do mà tôi nghĩ Việt Nam đã chọn lựa khi thả ông Cù Huy Hà Vũ, phù hợp tương đối theo cách nhìn của Nhà nước. 
 RFI: Dư luận cũng đang cho là việc thả những tù nhân lương tâm nổi tiếng là một cách vô hiệu hóa họ. Người ta mong muốn họ được trả tự do nhưng vẫn ở lại trong nước. 
 Nhà báo Phạm Chí Dũng: Tình trạng chung hiện nay là nhiều tù nhân lương tâm còn trong tù chỉ muốn ở Việt Nam khi được tự do, không muốn đi nước ngoài. Những người thể hiện quan điểm kiên định nhất theo tôi biết là Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Lê Quốc Quân, linh mục Nguyễn Văn Lý, kể cả một số người khác. Nghe nói họ đã được gợi ý đi định cư ở nước ngoài, nhưng họ kiên quyết không chịu, và cũng kiên quyết không ký kết bất kỳ một cam kết nào đối với giám thị hay cơ quan công an, an ninh điều tra về việc đi nước ngoài và phải chấp nhận im lặng. 
 Thế thì vấn đề đối với ông Cù Huy Hà Vũ là như thế nào? Ngay lập tức đã xuất hiện những dư luận có vẻ bất lợi cho ông. Dường như là những người nóng ruột đang muốn ông ngay sau khi đến Hoa Kỳ phải lập tức lao vào dòng thác đấu tranh, và làm tất cả những gì theo họ là có lợi cho phong trào dân chủ. Họ không hài lòng về việc tại sao ông Cù Huy Hà Vũ đến Washington DC một cách lặng lẽ như thế. Không có bạn bè tiếp đón ở phi trường, thậm chí đài VOA muốn phỏng vấn cũng không nhận được hồi âm ngay của ông. 
 Theo một số dư luận, điều đó cho thấy dường như đã có một sự thỏa hiệp nào đó giữa cá nhân ông Cù Huy Hà Vũ, giữa gia đình của ông với ngành công an, với Nhà nước Việt Nam. Thậm chí có sự thỏa hiệp giữa Việt Nam với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong việc đưa đón ông Cù Huy Hà Vũ - từ nhà tù không phải ghé qua nhà ông ở đường Điện Biên Phủ ở Hà Nội mà ra thẳng sân bay để đi Mỹ. 
 Vấn đề đặt ra là ông Cù Huy Hà Vũ sẽ suy nghĩ như thế nào, và sẽ phải đối mặt ra sao trước vấn đề này. Nhưng theo quan điểm của tôi, thì tôi xin nói luôn là những người ở ngoài, chưa từng bao giờ chịu cảnh tù đày, nên có một chút chia sẻ và thông cảm đối với những người đã từng trải qua tình trạng mà người ta gọi là một ngày tù bằng ngàn thu ở ngoài. 
 Nhà tù không phải là môi trường lãng mạn một chút nào hết. Đó là một môi trường mà người ta đói ăn, nóng bức, chịu những áp lực về tâm lý, kể cả sự xúc phạm về thân thể thường xuyên, thậm chí là có thể dẫn tới những căn bệnh nan y như đối với thầy giáo Đinh Đăng Định mà chúng ta vừa chứng kiến. 
 Vì vậy cần có một sự cảm thông nhất định đối với những người mới ở tù ra. Đừng quá đặt nặng việc họ phải là một nhân vật này, nhân vật kia ; đừng quá coi trọng sự nổi tiếng của họ, để rồi tạo ra áp lực là họ cần phải đấu tranh ngay lập tức. Hãy xem họ là một người bình thường thôi, và một người bình thường thì cũng có tâm sinh lý hết sức bình thường. 
 Đối với ông Cù Huy Hà Vũ, trước mắt ông cần đi chữa bệnh, thì hãy để cho ông đi chữa bệnh. Còn những điều ông làm trong quá khứ - ông là một trong những người đầu tiên trong phong trào phản biện đối với dự án bauxite ở Việt Nam, thì chúng ta hãy ghi công ông. Còn đối với hiện tại và tương lai thì hãy để cho ông bình yên chữa bệnh. 
 Đừng tạo áp lực quá lớn đối với ông rằng trong tương lai gần ông phải làm một điều gì đó, còn nếu ông không làm sẽ trở thành một nhân vật thừa thãi, ở trong cái xã hội hết sức công nghiệp. Một xã hội mà nếu người ta không làm việc thì sẽ phải nhận trợ cấp, sẽ phải nhờ vả tới mọi người, và có thể sẽ trở thành một ngoại lệ không đáng có. 
 RFI: Về phía người được thả là ông Cù Huy Hà Vũ đã tỏ ra hết sức lặng lẽ. Nhưng về phía chính quyền - như lúc nãy anh có nói, nếu chịu khó tuyên truyền thì sẽ có được uy tín. Nhưng Việt Nam cũng không thông tin gì về việc trả tự do cho tù nhân lương tâm nổi tiếng này? 
 Nhà báo Phạm Chí Dũng: Tôi hơi ngạc nhiên về điều đó. Và chẳng lẽ điều mà tôi muốn nói lại là mách nước cho Nhà nước Việt Nam rằng, nếu đúng họ đang có những lợi thế nho nhỏ về chuyện thả Cù Huy Hà Vũ, thì tại sao họ không tuyên truyền về chuyện đó? Đúng ra bộ máy Nhà nước Việt Nam có thể làm điều này, trong khi nhiều trường hợp khác không đáng có mà họ vẫn tuyên truyền. 
 Nhưng lần này tôi cho rằng họ rơi vào thế bị động. Và đó là thế bị động truyền thống vốn có, tức là không ai dám quyết định về một vấn đề, một trường hợp quan trọng. Họ luôn e ngại rằng tuyên truyền vấn đề này ra thì dân biết, và có thể «lợi bất cập hại». Có thể sẽ phản tác dụng cho chế độ - rằng Nhà nước Việt Nam đã phải yếu thế trước đòi hỏi của Hoa Kỳ và phương Tây, phải nhượng bộ trước các vấn đề nhân quyền, và phải thả tù chính trị. 
 Thực ra đối với vấn đề Cù Huy Hà Vũ thì tôi cho rằng Việt Nam nên làm điều đó. Và một khi đã tuyên truyền, thì tính minh bạch chỉ gây hiệu quả tốt đối với họ thôi. Không chỉ minh bạch đối với trường hợp này, cứ nói thẳng ra tất cả những trường hợp khác. Kể cả về thầy giáo Đinh Đăng Định, về ông Nguyễn Hữu Cầu, về tất cả những trường hợp họ thả người, và viết một cách khách quan, tôi cho đó không chỉ là tính minh bạch mà còn là tính chính danh của chế độ nữa. 
 Họ cứ nói thẳng ra điều đó đi, đừng có ngại ngần gì cả. Càng nói ra thì tôi nghĩ phương Tây và người Mỹ sẽ yêu mến họ hơn, và càng dễ vào Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương hơn. 
 RFI: Thưa anh, có ý kiến cho là đối với phong trào dân chủ bây giờ, không chỉ cần đấu tranh đòi thả các tù nhân lương tâm, nhưng còn phải đòi hỏi chính quyền không buộc họ phải ra nước ngoài sau khi được trả tự do. 
 Nhà báo Phạm Chí Dũng: À, tất nhiên! Đó là một vấn đề mà tôi nghĩ phong trào dân chủ và những người bất đồng chính kiến Việt Nam sẽ phải làm trong thời gian tới. Và không chỉ làm đơn độc trong tập thể, cá nhân, mà sẽ vận động quốc tế - đặc biệt là áp lực của quốc tế. 
 Các báo cáo viên, thanh sát viên quốc tế của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc can thiệp vào vấn đề Việt Nam để làm sao trong xu hướng mở dần sắp tới, thì những tù nhân chính trị được thả - và tôi cho là trong năm 2014 này sẽ còn thả thêm một số nhân vật nữa - sẽ được ở lại Việt Nam, không bị áp lực đi định cư ở nước ngoài. 
 Và một trong những lý do mà tôi cho rằng nên nêu ra là gia đình họ ở đây, khi họ ra tù và ở Việt Nam sẽ có điều kiện để đóng góp hơn nhiều hơn là ở nước ngoài. Vì Nhà nước Việt Nam đã kêu gọi sự phản biện mà, và những người tù bất đồng chính kiến thực ra trước đó họ cũng chỉ thể hiện sự phản biện, tự do biểu đạt mà thôi. 
 Nếu sắp tới họ ra tù thì họ cũng sẽ thể hiện tự do quan điểm, tự do chính kiến, đóng góp phản biện với Nhà nước Việt Nam, thì tại sao phải đưa họ ra nước ngoài? Ở đây họ sẽ đóng góp tốt hơn, nhiều hơn, hiệu quả hơn ; và nếu Nhà nước chịu thỏa hiệp với họ, thì tôi cho đó là một điều kiện tốt để cùng phát triển. 
 RFI: Xin rất cảm ơn nhà bình luận Phạm Chí Dũng đã vui lòng nhận trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ.
  
Thụy My

No comments:

Post a Comment