Saturday, April 5, 2014

PHẢN KHÁNG XÃ HỘI BẮT ĐẦU LAN RỘNG!

Người dân Văn Giang cất tiếng "đả đảo"...
“Đả đảo!”
Phạm Chí Dũng - Không gian Việt Nam đã không còn quá hiếm tiếng hô “Đả đảo!”. Nửa cuối năm 2013 và những tháng đầu năm 2014 thậm chí còn vang dội tiếng thét “Đả đảo quân giết người!” và “Đả đảo chính quyền!”.
Kết quả tệ hại mà một chính quyền tạo dựng được là khiến cho tiếng thét phản kháng biến vọt từ cá nhân đến nỗ lực đồng thanh tập thể.
Nhưng khác với những cuộc biểu tình tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm xử luật sư bất đồng chính kiến Lê Quốc Quân vào cuối năm ngoái, giờ đây làn sóng “đả đảo” đang lan rộng ra các thành phần khác - những nạn nhân của chính quyền nhưng không hề mang tố chất chính trị.
Cuộc biểu tình tháng Ba năm nay của người dân ở Ninh Thuận chống việc khai thác titan gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt là một bằng chứng gần nhất, hiện thực nhất và sống động nhất. Chỉ là những người chân quê lam lũ với nắng gió rát mặt quanh năm, song có lẽ cảm xúc đột biến khó ngờ với dân chúng nơi đây đã bục nổ vào một ngày nắng nóng bức bối. Những người chứng kiến cuộc biểu tình và đối đầu của đám đông phẫn nộ với khối cảnh sát cơ động đã mô tả rằng không khí kích nổ rất cận kề. Khoảng cách giữa đám đông ấy và rừng khiên chắn công an có lúc đã gần chạm vào nhau, đến mức tưởng chừng chỉ nhích thêm vài bước nữa là lập tức xảy ra xung đột và sau đó có thể đổ máu. Không còn là khẩu hiệu, mà “Đả đảo!” đã tiến ra cửa miệng của hàng ngàn người dân - một con số gấp đôi so với báo cáo của cơ quan chức năng.
Người ta cũng chứng kiến cảnh sắc đầy phấn khích gần tương tự ở Dương Nội (Hà Nội) và Hà Tĩnh, Nghệ An, những nơi mà chính quyền địa phương đã dại dột xâm hại đến chủ quyền đất đai của dân lành và biến những kẻ bị đuổi cổ khỏi nơi chôn rau cắt rốn thành tội phạm chế độ. Thậm chí ở Nghệ An, con số biểu tình đã lên đến 3.000 - 4.000 người. Chỉ xét về mặt lượng, con số này đã gấp nhiều lần cuộc biểu tình phản đối doanh nghiệp nạo hút cát của ngư dân huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi vào năm 2013.
Nhưng khác hẳn với đám đông nhỏ bé ở Dương Nội, nơi có hai người bị công an bắt cóc và vẫn mất tích cho đến nay, không có mấy dấu hiệu cho thấy chính quyền và công an dám đụng đến người dân biểu tình ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Trong khi đó chỉ mới vào tháng 9/2013, chính quyền Nghệ An còn dễ dàng quy chụp cho giáo dân Mỹ Yên tội danh “chống người thi hành công vụ” và kết án tù giam hai người dám bày tỏ xác tín tôn giáo mạnh mẽ nhất.

Với những người dân cần có thời gian để tiêu hóa nỗi sợ hãi luôn gặm nhấm trong tâm hồn và thể xác, họ đã có ít nhất 4-5 minh họa sống động từ đầu năm 2013 đến nay: khi đám đông biểu tình lên tới hàng ngàn người, chính công an lại phải tìm cách tiêu hóa nỗi e sợ trong chính từng bộ sắc phục.
Vạn vật nhân quả
Giai đoạn đầu của cuộc đấu tranh đang ở trên bề mặt thô nhám của nó. Quân số và cường độ la hét luôn mang ý nghĩa quyết định cho ưu thế đối đầu.
Hiển nhiên số lượng người biểu tình đang trở thành biến số đầu tiên khiến cho các chính quyền địa phương chuyển từ tâm lý e ngại sang trạng huống sợ hãi. Những đám đông dù hình thành tự phát nhưng cùng một tình cảm và hơn nữa cùng chung mục đích luôn khiến ngay cả lực lượng cảnh sát cơ động và phòng chống bạo loạn biểu tình cũng phải thoái lui - hình ảnh mà người dân đã được chứng kiến ở Ninh Thuận và Nghệ An. Và hẳn đó cũng là một bước tiến nối vòng tay lớn hơn của người dân Việt Nam năm 2014, so với cuộc “biểu tình quan tài” nhanh chóng bị tàn lụi ở Vĩnh Yên năm 2013.
Tất nhiên, không phải tất cả những người tham gia biểu tình đều có mối dây quan hệ trực tiếp đến mất mát đất đai hoặc đều là nạn nhân môi trường. Nhưng chính hình ảnh hòa nhịp gián tiếp của nhiều người dân, dù chỉ mang tính tự phát hoặc hùa theo đám đông, đã một lần nữa minh chứng cho sự biến đổi đang gia tốc của lịch sử: lòng dân đã uất hận đến một mức độ đang vượt nhanh qua giới hạn sợ hãi tự thân, đặc biệt trong điều kiện đám đông được chia sẻ và được nhân rộng về con số.
Chu kỳ lịch sử đang gấp gáp sang trang. Xã hội việt Nam đang chứng kiến mọi kìm nén của người dân từ những năm trước đã gần đạt đến điểm kích nổ, ứng với lý thuyết phòng chống bạo loạn biểu tình của chính quyền và ngành công an về “điểm nóng chính trị” chứ không còn đơn thuần là “điểm nóng xã hội” nữa.
Tất cả đều tuân theo quy luật lượng đổi chất đổi, đặc biệt tại những vùng xa - nơi các chính quyền địa phương có khuynh hướng dùng “luật rừng” để cai trị và đàn áp dân chúng, trong khi người dân lại không quá dốt nát để không nắm được những thông tin liên quan đến quyền được tự do biểu đạt của họ.
Thực trạng quá khốn quẫn giờ đây đối với chính quyền là trên khắp các vùng đất nước, mũi dùi của nhân dân đang chĩa thẳng vào công an, đặc biệt là khối cảnh sát mang tần suất o ép và va chạm với dân chúng nhiều nhất, cùng các quan chức hành chính có nhiều tì vết đen đúa và mang thói quen biến dân chúng thành đày tớ cho tầng lớp quan lại.
Vạn vật đều nhân quả. Xã hội Việt Nam cũng đang tiến đến điểm vận hành ngày càng thắm thiết giữa các nhóm lợi ích với các nhóm chính khách từ thấp đến cao, để hình thành khái niệm mới mẻ “nhóm thân hữu”. Từ một dự án thu hồi đất với quy mô nhỏ cấp xã cho đến các dự án “khu đô thị” mang tầm vóc quốc gia, đâu đâu người ta cũng chứng kiến cảnh doanh nghiệp dùng tiền hối lộ để tạo nên một thứ “dịch vụ hỗ trợ thi công”, mà bản chất của nó là việc lạm dụng hoặc lợi dụng lực lượng cảnh sát tại chỗ để trấn áp những người dân “bất đồng chính kiến”.
Dù theo báo cáo của Thanh tra chính phủ, số lượng các đoàn khiếu kiện tập thể của người dân có vẻ giảm đi so với những năm 2007-2008, nhưng “chất lượng” giải quyết khiếu nại tố cáo lại ngày càng thăng tiến về mức độ vô cảm và khuynh hướng đàn áp. Từ đề xuất không thể hoang tưởng hơn của một quan chức quốc hội về “thu phí dân khiếu kiện” cho đến những manh động về “quyền nổ súng” của Bộ Công an, tất cả như đều toa rập nhịp nhàng với nhiều cái chết của người dân chống cưỡng chế trong đồn cảnh sát.

Bối cảnh khủng hoảng thị trường bất động sản từ năm 2011 đến nay cũng khiến các nhóm lợi ích “còn đảng còn mình” càng lúc càng hoảng loạn trong cơn ác mộng về cái chết vỡ nợ sắp ập tới. Với một chút hy vọng vào sự hồi phục của không khí mua bán nhà đất và tống táng được hàng tồn kho, khối ngân hàng chủ nợ đang dư thừa đến ít nhất 200.000 tỷ đồng bắt buộc phải tiếp tục bơm vốn cho các doanh nghiệp con nợ để triển khai hàng ngàn dự án bị bỏ bê từ 3 năm qua. Đó cũng chính là nguồn cơn mà càng sớm càng tốt, công cuộc “hiệp đồng binh chủng” của các nhóm lợi ích và các tầng lớp quan lại phải nhắm đến mục tiêu tận cùng: đẩy đuổi dân chúng và bần cùng hóa dân sinh để giành đoạt bằng được cái gọi là “đất sạch”.
Nền văn hóa trả thù
Cú lao dốc không phanh của chế độ lại là một đặc trưng văn hóa thời đại: chủ nghĩa lợi nhuận và quan điểm cường quyền dã man đã tàn phá những dấu tích văn hóa truyền thống cuối cùng trong cung cách hành xử của chính quyền với dân chúng. Trong rất nhiều trường hợp và bỏ qua rất nhiều lý do, chính quyền và ngành công an luôn sẵn sàng đánh đập và bắt bớ người dân khiếu kiện - hiển hiện như một lời chứng về tội ác của nền chuyên chính phản dân.
Không hẹn mà gặp, 4 cuộc biểu tình ở Ninh Thuận, Hà Nội, Nghệ An và Hà Tĩnh, chưa kể đến một số cuộc biểu tình với quy mô nhỏ hơn của dân oan miền Tây tại Sài Gòn, đã tập kết gần như đồng thời vào những ngày cuối tháng 3/2014. Dù sự kết nối giữa các khu vực không hẳn được chuẩn bị từ trước, nhưng cho thấy ít nhất người dân khiếu kiện các tỉnh đã có được ý thức về chia sẻ thông tin và không khí đấu tranh, cùng lúc đồng cảm với nhau về hoàn cảnh và tình người. Đó cũng là bài học mà người dân khiếu kiện Việt Nam rút ra từ cuộc tập trung thống nhất của dân oan hàng chục tỉnh tại Văn phòng quốc hội ở Sài Gòn vào năm 2007.
Làn sóng “đả đảo” vừa qua cũng cho thấy một đặc trưng thời đại: 14 năm sau cuộc nổi dậy ở Thái Bình năm 1997, cho đến nay mới diễn ra một sóng triều biểu tình khá rộng lớn. Tuy vậy khác với sự kiện Thái Bình, con sóng biểu tình lần này còn lan vào cả khu vực Nam Bộ - vùng vẫn được nhiều cấp chính quyền xem là “địa lợi nhân hòa” với tư cách là “bên thua cuộc”
Cũng khác một ít cuộc biểu tình xảy ra năm 2013 với độ giãn về thời gian, những cuộc biểu tình dân sinh đầu năm 2014 đã diễn ra gần như trùng khớp thời điểm, tạo nên một hiệu ứng phản kháng xã hội không thể phủ nhận.
Không thể nói khác hơn là phản ứng của dân chúng đã biến thành phản kháng, và chỉ cần đủ thời gian để phản kháng trở thành đối đầu và xung đột với chính quyền. Không chỉ là phản kháng về đất đai như trước đây, mà môi trường cũng đang trở nên một chủ điểm làm cho dân lành quằn quại cùng đứng dậy. Không ai có thể quên được câu chuyện tang thương của hơn 50 mạng dân lành đã bị “giết sống” bởi cơn xả lũ vô đạo của 15 nhà máy thủy điện tại các tỉnh miền Trung vào cuối năm 2013. Nhưng sau cơn thảm sát hãi hùng ấy, tai họa còn ghê rợn hơn: không một quan chức chính quyền nào, từ giám đốc nhà máy thủy điện, Tập đoàn điện lực Việt Nam đến ủy viên trung ương đảng kiêm bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng, bị lôi ra trước vành móng ngựa.
Một ước tính cho thấy xã hội Việt Nam hiện có đến hàng triệu dân oan đất đai và hàng trăm ngàn nạn nhân môi trường đang chờ chực cơn “nhân tai” từ những kẻ còn lâu mới bị lôi ra trước vành móng ngựa.
Nhiễm sắc thể bạo bệnh phản văn hóa đang ăn sâu vào thời kỳ cuối cùng của cơn ung thư di căn. Có quá nhiều lý do để cho rằng tình thế khốn quẫn về văn hóa cai trị sẽ càng lan rộng hơn, tỷ lệ thuận với vô số đối phó bạo ngược của nhiều cấp chính quyền và công an ở nhiều địa phương, thậm chí ngay tại Hà Nội.
Nhưng liệu chính quyền trung ương ở Hà Nội có “kịp thời và chủ động” rút ra được một bài học đáng giá nào đó để “ổn định niềm tin của nhân dân”?
Câu trả lời gần như được lập trình: với tư cách là một bài học đắt giá nhất, vụ gia đình Đoàn Văn Vươn dùng mìn và súng hoa cải chống cưỡng chế ở Hải Phòng vào năm 2012 đã không làm cho Bộ chính trị đảng lẫn Chính phủ ngộ ra ít nhất một sáng kiến vỡ lòng về lòng dân. Những gì tinh túy nhất trong học thuyết “Lấy dân làm gốc” của Nguyễn Trãi từ bao đời qua đã bị các thế hệ vua chúa con cháu “nhổ sạch”.
Những đám đông dân oan và đám đông nhân loại cũng vì thế cứ ngày càng đông hơn, dày hơn nữa, cao hơn nữa. Như đã chín muồi, năm 2014 rất có thể đóng dấu bản lề cho một làn sóng phản kháng xã hội rộng lớn và gia tăng tính kết nối, tập trung vào khối đông nạn nhân chịu rủi ro bởi nạn trưng thu đất đai, ô nhiễm môi trường và kể cả vi phạm lao động của giới chủ.
Để khi mọi dòng sông đều dồn về biển cả, đó sẽ là lúc một cuộc trả thù văn hóa khởi sự. Nhưng thật khó có thể tránh thoát rằng trận lũ báo oán ấy sẽ không đồng cảm với bất kỳ ngữ nghĩa nào của từ “văn hóa” trong từ điển bách khoa của đảng Cộng sản Việt Nam.
Bởi lẽ mọi vớt vát khi đó đều là quá muộn…
Phạm Chí Dũng

Tác giả gửi trực tiếp cho quý vị độc giả!

No comments:

Post a Comment