Friday, July 27, 2012
CHẾ ĐỘ NGUYỄN PHÚ TRỌNG- CON ĐỈA HAI ĐẦU TIỀN THẾ KỶ 21
Âu Dương Thệ - Những biện pháp gọi là chống tham nhũng, mua quan bán chức và lợi ích nhóm của Nguyễn Phú Trọng từ khi làm Tổng bí thư không xuất phát từ những động cơ lành mạnh và thực tâm, nó chỉ là những bình phong, những thủ đoạn thanh toán lẫn nhau giữa các phe ở trung ương, đồng thời tìm cách đánh lạc sự theo dõi của nhân dân vốn đang mất niềm tin vào nhóm cầm quyền...
* Nguyễn Phú Trọng đang chặt chân và vây cánh Nguyễn Tấn Dũng
* Không thể chống tham nhũng bằng duy trì độc quyền
* Bất lực trước Bắc kinh vì không dựa vào dân
Hiện nay nhân dân và tổ quốc đang phải đứng trước hai vấn đề cực kì nguy hiểm: Đó là nạn tham nhũng, phí phạm tài sản quốc gia và hiểm họa chiếm giữ các hải đảo, chiếm đoạt tài nguyên và giết hại các ngư dân VN của nhà cầm quyền Bắc kinh. Trong khi nạn nội xâm do bọn quan tham nhũng đang tung hoành làm giầu bất chính trên mồ hôi nước mắt của nhân dân thì nạn ngoại xâm từ phương Bắc đang trắng trợn thi hành những hành động ngang ngược, sau khi xâm chiếm các hải đảo chúng lại đang xấc xược đòi chiếm cứ tài nguyên và đòi quyền kiểm soát toàn bộ biển Đông của VN và cô lập VN với quốc tế.
Sau hơn một năm rưỡi đứng đầu chế độ độc tài toàn trị Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thấy ra được nguyên nhân nào khiến hai mối họa đang ngày càng nguy hiểm chưa? Ông đã đưa ra những giải pháp nào để giải trừ hai mối họa trên? Các giải pháp của ông ta có tính khả thi không? Từ những động cơ nào đã khiến ông Trọng theo đuổi những giải pháp này?
Hết Tướng đến Vua nhưng tham nhũng như bầy đỉa!
Sau hơn 6 năm làm Thủ tướng kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, nhưng trong Hội nghị Trung ương 4 vào cuối tháng 12. 2011 những người có quyền lực cao nhất của chế độ độc tài toàn trị đã phải thừa nhận là đã thất bại trong việc chống tham nhũng và phí phạm tài sản công (1). Đầu tháng 3 vừa qua Nguyễn Tấn Dũng đã mở "hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về phòng chống tham nhũng, lãng phí; tổng kết 5 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng" (2). Tuy phải nhìn nhận thất bại trong trọng trách này, nhưng Nguyễn Tấn Dũng vẫn không muốn mất chức Trưởng ban vì nó giữ vị thế bảo vệ cho chính Nguyễn Tấn Dũng và gia đình, đồng thời bao che cho bọn đàn em đang bòn rút tài sản của nhân dân và phí phạm tài sản công một cách vô tội vạ, như các vụ Vinashin, Vinalines, EVN... lên tới nhiều tỉ USD! Chính vì thế tại Hội nghị này ông Dũng đã hằn học cho đó không phải lỗi của cá nhân ông mà đổ do từ "sự lãnh đạo của Đảng" trong công tác này:
“Nhưng dù lập Ủy ban phòng chống tham nhũng độc lập hay giữ nguyên bộ máy giống như hiện nay thì cũng không có quyền làm thay cấp ủy đảng trong công tác cán bộ, không thể làm thay chức năng của thanh tra kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố… Ủy ban phòng chống tham nhũng không thể độc lập, đứng ngoài bộ máy nhà nước, đứng ngoài sự lãnh đạo của Đảng. Vấn đề này sẽ tiếp tục được thảo luận để xin ý kiến Bộ Chính trị, Trung ương” (3).
Mọi người còn nhớ khi ra mắt Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng vào cuối năm 2006, chính khi ấy Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng và Phó Trưởng ban này là Trương Vĩnh Trọng đã hô hoán lên rằng, lần này Tướng ra quân thì bọn tham nhũng không còn đường chạy! Còn Nguyễn Tấn Dũng đã ra Quyết định nếu cơ quan nào để xảy ra tham nhũng thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm! Nhưng các lời dao to búa lớn này không làm bọn tham quan lo sợ, vì chính ông Thủ còn cho con cái hôi của của dân và bòn rút tài sản nhà nước, đồng thời ông Thủ còn che chở và đỡ đầu nhiều người có quyền lực khác!
Nhưng tham vọng và ý đồ của ông Dũng đã bị Nguyễn Phú Trọng và phe của ông phá. Sau khi nắm chức Tổng bí thư được vài tháng Nguyễn Phú Trọng đã tìm cách ngăn chặn ảnh hưởng của Nguyễn Tấn Dũng. Tuy nhiên, động cơ của ông Trọng không phải để làm sạch bộ máy Đảng và chính quyền, mà chỉ vì ông Dũng đã ăn quá tham cả tiền bạc lẫn quyền lực và đã trở thành đối thủ chính trị của ông Trọng trong vài năm gần đây mà cao điểm là sự tranh giành các ghế quan trọng tại Đại hội 11 (1.2011). (4) Vì thế chưa đầy một năm nắm ghế Tổng bí thư ngay tại Hội nghị Trung ương 4 Nguyễn Phú Trọng đã tìm cách thu vén quyền lực bằng cách chặt chân tay của Nguyễn Tấn Dũng. Một trọng tâm chính trong Hội nghị này là thảo luận về tệ trạng tham nhũng nhằm hạ uy tín của Nguyễn Tấn Dũng và từ đó tìm cách mở rộng quyền cho phe mình. Cho nên thay vì lập một ban độc lập chống tham nhũng như nhiều lão thành cách mạng và chuyên viên có uy tín đề nghị, ông Trọng lại giành độc quyền chỉ huy ban này. Đây là kết quả của Hội nghị Trung ương 5 (7-15.5.2012). (5) Cho tới nay vẫn được phe Nguyễn Phú Trọng coi là Hội nghị Trung ương quan trọng nhất đánh dấu quyền lực đang vươn lên của ông Trọng và sự thất thế thê thảm của ông Dũng. Trước đó tại Hội nghị Cán bộ Toàn quốc vào cuối tháng 2.2012 để tước chức Trưởng ban chống tham nhũng của ông Dũng, ông Trọng đã cố tình hạ uy tín ông Dũng ngay trước hơn 1000 cán bộ cao cấp. Thật vậy, trong phần cuối diễn văn ngày 27.2 tại Hội nghị này Nguyễn Phú Trọng đã khuyên các "cán bộ lãnh đạo…, đặc biệt là người đứng đầu" "phải tự giác, gương mẫu làm trước" "tự kiểm điểm, soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình". Ranh mãnh nữa là, trong nguyên bản của diễn văn này ba chữ "gia đình mình"đã cố tình cho in đậm nét. (6) Như thế ở đây rõ ràng là người cầm đầu chế độ và tác giả của diễn văn này đã muốn chiếu tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhắc ông nên chấm dứt gia đình trị. Vì từ đầu năm nay Nguyễn Tấn Dũng đã cho con trai làm Thứ trưởng bộ Xây dựng và con gái giữ các ghế quan trọng trong ngân hàng, mặc dầu hai người này còn rất trẻ.
Đây là kết quả chuẩn bị công phu từ lâu của Nguyễn Phú Trọng. Vì ngay sau khi Hội nghị Trung ương 4 chấp thuận tổng kết công tác chống tham nhũng trong 5 năm vừa qua thì Nguyễn Phú Trọng đã lèo lái dùng áp lực để Ban phòng và chống tham nhũng không thuộc quyền của Nguyễn Tấn Dũng nữa. Nguyễn Phú Trọng đã thành công trong việc này, cho nên tại cuộc họp ngày 7.3 (nói trên) Nguyễn Tấn Dũng đã phải nhượng bộ công khai và chỉ còn tuyên bố gương gạo như trên. Chứng tích rõ ràng hơn nữa là sau khi Nguyễn Tấn Dũng phải nhượng bộ thì Nguyễn Phú Trọng đã giao cho ủy viên Bộ chính trị và Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa, người thân tín của ông Trọng trong nhiều năm qua, “thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng”. (7) Ban này gồm 9 người do ông Rứa làm Trưởng ban, 6 ủy viên khác đều là Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương, chỉ có 2 ủy viên của ban mới này là đại diện của Chính phủ và Quốc hội.
Trong Hội nghị Trung ương 5 Nguyễn Phú Trọng chỉ còn làm công việc vuốt mặt các ủy viên Trung ương để cho thảo luận lấy lệ và chính thức giao cho "thành lập Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ chính trị do đồng chí Tổng bí thư làm trưởng ban." (8) Không những vậy, ông Trọng còn cho tái lập "Ban nội chính trung ương" để giúp ông trong công tác này. Đặc điểm quan trọng khác là Ban nội chính trung ương phụ trách công việc chính là chống tham nhũng còn được thành lập ở các đảng bộ cấp tỉnh và thành phố để thay thế ban này của chính phủ ở các địa phương trước đây. Như vậy, từ nay các vây cánh của Nguyễn Tấn Dũng tại các địa phương cũng sẽ bị kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, mặc dù nắm toàn quyền công tác này, nhưng Nguyễn Phú Trọng còn tinh ranh rào trước đón sau không nhận trách nhiệm nếu Ban mới sau này không thành công:
"Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị; lập lại Ban Nội chính Trung ương, vừa thực hiện chức năng một ban đảng, đồng thời là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng….
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng không làm thay các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước; không phải cứ lập Ban chỉ đạo là xoay chuyển ngay được tình hình như "một chiếc đũa thần"." (9)
Tiếp theo đó, để gây uy thế và tìm cách lập lại niềm tin trong nhân dân, sau Hội nghị Trung ương 5 trong các cuộc họp của Bộ chính trị Nguyễn Phú Trọng còn thúc ép không chỉ Nguyễn Tấn Dũng mà cả một số người trong phe của ông Trọng làm những tín hiệu tỏ rằng ban lãnh đạo mới đang có quyết tâm chống tham nhũng. Vì thế từ giữa tháng 6 ba tin liên tiếp cố tình để lọt ra ngoài: Con gái của Nguyễn Tấn Dũng phải ngưng các chức trong ngân hàng, con gái của Tô Huy Rứa thì nghỉ chức giám đốc một công ty và con trai cựu Tổng bí thư Nông đức Mạnh thôi làm Bí thư tỉnh ủy Bắc giang để chuyển sang làm Phó Trưởng ban Dân tộc Quốc hội. (10) Qua những tín hiệu này Nguyễn Phú Trọng muốn cho dư luận biết là, những gì mà tới nay không ông lớn nào dám làm, nhưng ông đã làm và thành công!
Tuy đề cao và cố tỏ quyết tâm chống tham nhũng, nhưng từ khi làm Tổng bí thư ông Trọng không chỉ ra sức bảo vệ chế độ độc tài mà còn nuôi dưỡng những cơ sở để các tệ trạng tham nhũng, phí phạm tài sản công và dung túng các nhóm lợi ích. Trong Cương lĩnh chính trị 2011 do ông Trọng đẻ ra vẫn ca tụng chế độ độc đảng và để chủ nghĩa đã phá sản Marx-Lenin tiếp tục độc tôn. Trong việc sửa đổi Hiến pháp hiện nay ông cấm không cho Quốc hội được động tới Điều 4 của Hiến pháp 1992 giữ độc quyền lãnh đạo toàn xã hội của ĐCS. Ông Trọng đòi giữ nguyên hệ thống kinh tế nhà nước làm chủ đạo, tức là duy trì các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, mặc dù biết thừa rằng nó đang làm ăn thua lỗ hàng trăm ngàn tỉ đồng như Vinashin, Vinalines, EVN… Và ông Trọng cũng biết thừa là, chính các ban quản trị, ban giám đốc các Doanh nghiệp nhà nước này đang theo đuổi lợi ích nhóm, để các con ông cháu cha chia chác, thu vén và phí phạm tài sản công suốt mấy chục năm qua khiến cho kinh tế của VN tiếp tục lụn bại! (11) Tệ hại nữa là từ khi làm Tổng bí thư ông Trọng còn để cho Đinh Thế Huynh, ủy viên Bộ chính trị và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương bịt miệng báo chí và bẻ cong ngòi bút của các nhà báo. Ông Trọng thừa biết rằng, ngay trong các báo cáo của nhiều cơ quan đã xác nhận, các vụ tham nhũng bị tố giác đều từ nhân dân và báo chí, trong khi bọn tham quan tìm mọi cách im lặng!
Vì vậy những biện pháp gọi là chống tham nhũng, mua quan bán chức và lợi ích nhóm của Nguyễn Phú Trọng từ khi làm Tổng bí thư không xuất phát từ những động cơ lành mạnh và thực tâm, nó chỉ là những bình phong, những thủ đoạn thanh toán lẫn nhau giữa các phe ở trung ương, đồng thời tìm cách đánh lạc sự theo dõi của nhân dân vốn đang mất niềm tin vào nhóm cầm quyền. Giải pháp để cho Đảng chỉ huy chống tham nhũng đã từng được thực hiện dưới thời Lê Khả Phiêu xuyên qua Nghị quyết 6/2 (1.1999) và mở phong trào tự phê bình và phê bình trong Đảng suốt hai năm (19.5.99 -19.5.2001). Trong thời gian đó Nguyễn Phú Trọng đã từng là cánh tay mặt cho Lê Khả Phiêu. (12) Nhưng cuối cùng nạn tham nhũng cho tới nay càng bất trị!
Vì vậy các hành động ngoạn mục trên của Nguyễn Phú Trọng không đánh lạc được các giới ở trong nước và quốc tế am hiểu tình hình chế độ. Lí do rất rõ ràng ở đây là một con én không thể làm mùa xuân. Vả lại đây không phải con én mà con ó, con diều hâu! Vì cho tới nay những nguồn gốc gây ra nạn tham nhũng, mua quan bán chức và phí phạm tài sản công không những không bị giải tán, nghiêm khắc trừng trị, trái lại còn được ông Trọng đề cao và hết sức bảo vệ.
Một chân lí từ Đông sang Tây từ cổ chí kim là, chế độ chính trị độc tài là nguồn gốc các tệ trạng xã hội tham nhũng, mua quan bán chức, phí phạm tài sản đất nước và hình thành các nhóm lợi ích ích kỉ! Chính cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An và nhiều chuyên viên đã công khai nói thẳng là, tệ trạng tham nhũng của bọn tham quan ngày càng bất trị là lỗi của chế độ độc tài toàn trị của một đảng, lỗi hệ thống.… Chính nó đẻ, nuôi dưỡng và bảo vệ những tính xấu của người có quyền, nó biến người có quyền từ tốt trở thành xấu, từ không muốn tham trở thành tham, như ngựa không cương, xe không có thắng... Nhiều dân tộc văn minh đã nhận ra được và đã thay đổi tận gốc bằng cách dứt khoát với độc tài, dù độc tài của một đảng hay độc tài cá nhân. Nhiều nước đã nhìn nhận chế độ đa đảng, tam quyền phân lập, báo chí tự do, kinh tế thị trường và quyền tư hữu. Đó là những cơ sở bảo vệ tự do bình đẳng của công dân, vừa thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, vừa ngăn ngừa hữu hiệu những lạm quyền của đảng cầm quyền. Nhờ thế đất nước họ đang đi lên, dân họ đang sống hạnh phúc thực sự, chứ không phải quằn quại từ thân xác tới chịu bao nỗi nhục nhằn bất tận như trong giai đoạn vô tận của thời kì quá độ Chủ nghĩa Xã hội ở VN hiện nay của Nguyễn Phú Trọng!
Muốn ngăn ngừa cháy nhà thì phải rỡ bỏ đi các thùng xăng dầu đang chứa trong nhà. Các dân tộc văn minh đã làm thành công như vậy. Hiện nay nhiều chuyên viên và đảng viên tiến bộ cũng thành thật khuyên ông Trọng như vậy. Nhưng thay vì sáng suốt và biết điều, Nguyễn Phú Trọng lại kết án họ là "sám hối", "trở cờ", "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". (13) Người cầm đầu chế độ mà lại có thái độ kiêu ngạo, ngông cuồng và tư tưởng điên rồ như thế thì thật vô cùng nguy hiểm cho đất nước!
Từ "vấn đề Biển Đông không có gì mới" tới"đang diễn biến phức tạp"!
Trong khi bệnh nội xâm đã chạy vào phủ tạng thì lại chỉ xoa bóp ngoài da như thế, còn nạn ngoại xâm thì Nguyễn Phú Trọng đối phó như thế nào? Từ lâu ông Trọng có tiếng là người tin cẩn của phương Bắc. Nhưng vẫn có người hi vọng là, nếu ông ta cầm quyền thì Bắc kinh sẽ biết giữ thể diện cho ông và không lấn tới. Vậy từ khi Nguyễn Phú Trọng cầm đầu chế độ trên một năm rưỡi thì Bắc kinh có biết điều không, có nể ông Trọng không?
Dưới đây là một số sự kiện chính trị, quân sự và ngoại giao quan trọng mà ai cũng có thể kiểm chứng được:
Chỉ sau khi Nguyễn Phú Trọng nhẩy được lên ghế Tổng bí thư vài tháng thì đầu 2011 Bắc kinh đã hai lần liên tiếp cho các tầu hải quân Trung quốc đội lốt ngư chính tiến sâu xâm phạm trực tiếp hải phận VN và còn ngăn cản các hoạt động kinh tế của VN. Trước thái độ xâm lấn ngang ngược như thế của Bắc kinh, trong tư cách là Bí thư Quân ủy Trung ương, chức chỉ huy cao nhất trong quân đội của chế độ này, ông Trọng đã im thin thít không có lời phản kháng trực tiếp với nhóm cầm đầu Bắc kinh và cũng không có hành động ngăn cản nào! Khi thanh niên, trí thức và nhân dân biểu tình ôn hòa chống Bắc kinh xâm lấn thì ông Trọng ra lệnh đàn áp. Không những thế còn cử các phái đoàn quân sự và ngoại giao cao cấp vận động để Bắc kinh mời Nguyễn Phú Trọng sang. Lời hứa với Bắc kinh của các tướng Nguyễn Chí Vịnh và Ngô Xuân Lịch không để tái phát biểu tình của nhân dân VN chống Trung quốc được coi là lễ vật đi cống để có chuyến đi Bắc kinh của Nguyễn Phú Trọng lần đầu với tư cách Tổng bí thư vào đầu tháng 10.2011.
Tại Bắc kinh hai bên đã kí kết "Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHội nghịD Trung Hoa." Điểm 5 trong Thông cáo chung ngày 15.10.2011 giữa Hồ Cẩm Đào và Nguyễn Phú Trọng còn ghi rõ:
"Trước khi giải quyết dứt điểm tranh chấp trên biển, hai bên cùng giữ gìn hòa bình, ổn định trên Biển Đông, giữ thái độ bình tĩnh và kiềm chế, không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp, không để các thế lực thù địch phá hoại quan hệ hai Đảng, hai nước, xử lý các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để ảnh hưởng tới quan hệ hai Đảng, hai nước và hòa bình, ổn định ở Biển Đông." (14)
Nhưng ông Trọng hãy trả lời trước nhân dân VN và dư luận thế giới: Từ sau chuyến đi của Ông thì ai kiềm chế, ai hung hăng? Ai đang làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp? Biển đông có được hòa bình, ổn định hơn hay đang trở thành điểm nóng không chỉ cho VN mà trở thành vấn đề tranh chấp quốc tế?
Đầu năm nay nhà cầm quyền Bắc kinh lại đơn phương ra lệnh cấm tầu thuyền quốc tế qua lại và đánh cá chung quanh khu vực các quần đảo Hoàng sa và Trường sa. Như vậy là bắt VN và quốc tế phải công nhận các khu vực này là thuộc chủ quyền Trung quốc. Không những thế, Bắc kinh còn đe dọa các công ty quốc tế không được tham gia vào các dự án của VN khai thác dầu khí ở biển Đông thuộc thềm lục địa VN. Nhưng mới đây chính Bắc kinh lại ngang ngược công khai gọi thầu quốc tế ở 9 lô trên biển Đông, trong đó có nhiều lô VN đang khai thác từ nhiều năm nay. (15) Không những thế trong thời gian này Bắc kinh vẫn tiếp tục ngăn chặn, cướp bóc và bắt giữ nhiều tầu đánh cá và ngư dân VN trên biển Đông.
Vào giữa tháng 7 trong khi Asean đang mở Hội nghị cấp Ngoại trưởng ở Nam vang bàn về tranh chấp biển Đông, Bắc kinh đã công khai thực hiện hai việc song song để cho thế giới biết sức mạnh của họ, một mặt cho 30 tầu đánh cá Trung quốc với sự hộ tống của các tầu hải quân được che giấu bằng "tầu ngư chính" tới bắt cá ở Trường sa, đồng thời ép chính quyền Hun Sen, đang làm Chủ tịch luân phiên Asean, không cho ghi vấn đề tranh chấp biển Đông vào Thông cáo chung, khiến cho lần đầu tiên suốt 45 năm Hội nghị Asean đã không ra được thông cáo chung (16), phải đợi hơn một tuần sau với sự môi giới của Nam dương mới ra được bản Thông cáo chung chẳng ra gì cả! Hành động ngang ngược nữa là mới vài ngày trước Bắc kinh còn cho thiết lập cơ quan hành chánh và Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung quốc Hồ Cẩm Đào cho lập lực lượng quân sự đồn trú ở Hoàng sa. (17) Trong khi ấy cũng là Chủ tịch Quân ủy Trung ương Quân đội Nhân dân nhưng ông Trọng chẳng dám có thái độ và hành động nào cả, mặc dù Hồ Cẩm Đào đã đạp lên Thông cáo chung 15.10.2011 trong chuyến đi thăm Trung quốc của Nguyễn Phú Trọng! Không ai muốn có chiến tranh, nhưng ít nhất người đứng đầu phải trực tiếp công khai kết án trước dư luận VN và quốc tế về hành động gây hấn quân sự của Hồ Cẩm Đào!
Như vậy các hành động chính trị, quân sự, kinh tế và ngoại giao vô cùng ngang ngược của Bắc kinh đã cho thấy rõ, từ sau chuyến đi thăm Trung quốc của Nguyễn Phú Trọng Bắc kinh đã lợi dụng những nhượng bộ của ông Trọng để lấn lướt thêm nắm chắc các hải đảo, mở rộng thêm khai thác kinh tế và cô lập VN với quốc tế. Những lời hứa của Hồ Cẩm Đào với Nguyễn Phú Trọng hoàn toàn không có giá trị gì cả, trong thực tế chỉ là thủ đoạn ru ngủ, như chuyện chó sói khen con gà trống đẹp trước khi giết!
Trong nhiều năm làm Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã cố tình ngăn cản không cho bàn tới biển Đông và còn tuyên bố công khai là vấn đề biển Đông không có gì mới, mãi tới cuối tháng 6 vừa qua Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội ra đạo luật về biển. Bề ngoài Bắc kinh phản đối kịch liệt, nhưng trong thâm tâm họ biết thừa đạo luật này chỉ là giấy lộn, không có lực mà cũng chẳng có hồn. Không có hồn vì Nguyễn Phú Trọng đã cúi đầu trước Bắc kinh, không có lực vì nhân dân VN không ủng hộ nhóm cầm đầu hiện nay. Nó chỉ ru ngủ dân VN, cũng như các luật và pháp lệnh chống tham nhũng của chế độ này từ trước tới nay. Cho nên Bắc kinh vẫn lấn át và thực hiện con đường xâm lấn công khai bằng hành động. Chính vì thế trong cuộc tiếp xúc với "đại biểu cử tri" ở Hà nội vào cuối tháng 6, trước chất vấn của nhiều người về tình hình biển Đông Nguyễn Phú Trọng lại ấm ớ trả lời ngọng nghịu là “vấn đề Biển Đông đang diễn biến phức tạp” (18). Người đứng đầu chế độ không dám nêu thẳng để nhân dân VN và dư luận quốc tế biết, chính các hành động bành trướng của Bắc kinh đang làm tình hình biển Đông “diễn biến phức tạp”. Nếu hiểu cách sử dụng ngôn ngữ của nhóm cầm đầu CSVN thì từ “phức tạp” mà Nguyễn Phú Trọng dùng ở đây phải hiểu là, cuộc tranh chấp với Bắc kinh đang trở nên rất căng thẳng, nhưng vì quá lệ thuộc vào Bắc kinh nên Nguyễn Phú Trọng không dám nêu tên thủ phạm!
Nó đang chiếm đảo, chiếm biển, đánh giết dân mình mà lại bảo nó là “BẠN” thì nếu không phải điên thì là chạy theo giặc. Vả lại ông Trọng còn tuyên bố như vậy trước trên một ngàn cán bộ cao cấp tại Hội nghị Cán bộ toàn quốc vào cuối tháng 2. 2012 thì lại càng nguy hiểm, làm mất ý chí chiến đấu, làm lạc hướng đấu tranh của đảng và nhân dân, đồng thời bạn bè quốc tế của VN không thể cứu được! (19) Thái độ nhu nhược và cúi đầu này của Nguyễn Phú Trọng đã khiến cho Thủ tướng Kampuchia Hun Sen –một người từng được Hà nội giáo dục và đưa lên chức Thủ tướng Kampuchia- cũng coi thường, cho nên ông không thèm đếm xỉa các đòi hỏi của Hà nội tại Hội nghị Ngoại trưởng Asean vào giữa tháng 7. Điều này phù hợp với những yêu sách của Hồ Cẩm Đào với Hun Sen khi thăm Kampuchia vào cuối tháng 3 vừa qua. (20)
Nguyễn Phú Trọng quá sợ Bắc kinh nên đã ngọng nghịu không dám chỉ mặt chỉ tên thủ phạm bành trướng xâm lấn VN. Nhưng đối với nhân dân VN Nguyễn Phú Trọng lại có thái độ hoàn toàn ngược lại là vừa tàn bạo quỉ quyệt và độc tài. Từ khi làm Tổng bí thư ông Trọng quay mặt với nông dân, ra tay đàn áp thanh niên, trí thức dân chủ, khinh khi lão thành cách mạng, đe dọa đảng viên tiến bộ, bịt miệng báo chí. Đặc biệt là Nguyễn Phú Trọng và phe cánh đang thi thố các thủ đoạn này rất bài bản và cực kì độc ác!
Nông dân đã từng là lực lượng nồng cốt nuôi nấng, bảo vệ và xây dựng chế độ, nhưng những người cầm đầu CSVN, kể cả Nguyễn Phú Trọng, đang quay lưng trước những bức xúc của nông dân, không những thế còn đang đứng về phe các công ty tư bản và các đại gia bóc lột và đàn áp nông dân. Điển hình mới nhất nhân dân ai cũng biết là, Thành ủy Hải phòng đã ra lệnh cho công an Hải phòng tịch thu đầm nuôi cá và phá hoại nhà cửa của ông Đoàn Văn Vươn và các anh em tại Tiên lãng Hải phòng vào dịp Tết vừa qua. (21) Tiếp đó là các cơ quan chính quyền địa phương và Hà nội đã huy động hàng ngàn công an có vũ khí tấn công nông dân ở Văn giang và bảo vệ công ty Ecopark vào cuối tháng 4. (22) Mới đây một số nông dân ở Văn giang còn bị nhóm thanh niên làm việc cho Ecopark đánh đập và gây thương tích. (23)
Sau khi Quốc hội thông qua Luật biển các giới trí thức, thanh niên và nông dân tổ chức biểu tình vào các ngày Chủ nhật từ đầu tháng 7 ủng hộ quyết định này để tố cáo các hành động xâm lấn ngang ngược của Bắc kinh, đồng thời thử xem thực tâm của những người cầm đầu như thế nào trong việc này. Nhưng thay vì khuyến khích và bảo vệ, Nguyễn Phú Trọng lại ra lệnh ngăn cản và sử dụng các thủ đoạn tồi tệ nhất để khủng bố tinh thần và đe dọa an ninh nhiều người tham gia, đặc biệt một số nhân sĩ tên tuổi. Ông Trọng đã để cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà nội Nguyễn Thế Thảo công khai kết án các cuộc biểu tình yêu nước là “những thế lực thù địch”. (24) Đồng thời còn để cho các đài truyền hình và báo chí của Đảng thực hiện phương pháp tố khổ cụ bà Lê Hiền Đức và LS Lê Quốc Quân, là hai người tích cực trong các biểu tình gần đây ở Hà nội. Chính cụ Đức mới đây đã viết bài rất nổi tiếng “Phản cách mạng đã rõ ràng”! (25) Ngoài ra chế độ Nguyễn Phú Trọng còn sử dụng Công an Phường ngày đêm theo dõi, đe dọa và cản trở những công dân trong phường đã tham gia các cuộc biểu tình. Biến các phường thành nhà tù quản thúc nhân dân. Rõ ràng đây là những hành động tồi tệ và thấp hèn nhất đang chà đạp an ninh và nhân phẩm của công dân! Mới đây tổ chức Phóng viên Vô biên giới (RSF), một tổ chức quốc tế có uy tín, đã kết án cách đối xử như thế của chế độ CSVN là“hành xử như những kẻ côn đồ”. (26)
Nói tóm lại, đứng trước hai vấn nạn cực kì nguy hiểm của đất nước là tham nhũng, phung phí tài sản quốc gia và xâm lấn ngang ngược từ phương Bắc thì những mưu đồ và hành động của Nguyễn Phú Trọng từ khi làm Tổng bí thư đến nay đã nêu ra trên đây chứng minh rằng, ông Trọng không có thực tâm chống tham nhũng, cũng không dám ngăn chặn những hoạt động xâm lấn ngang ngược của Bắc kinh.
Gần một thế kỉ trước đây người sáng lập chế độ CSVN đã từng ví và kết án chế độ thực dân Pháp như con đỉa hai đầu, một đầu hút máu mủ nhân dân thuộc địa, còn đầu kia hút máu mủ dân bản xứ. Nay chế độ của Nguyễn Phú Trọng cũng là con đỉa hai đầu. Một đầu thì phủ phục cúi lạy phương Bắc, còn đầu kia thì hút máu mủ nhân dân VN!
Trong những ngày tới ông Trọng sẽ phát động phong trào tự phê bình và phê bình từ ngay các ủy viên Bộ chính trị mà người đứng đầu là Ông. Nhân dịp này thiết tưởng ông Trọng thử đặt tay lên trán và trả lời câu hỏi, thế hệ đầu tiên của những người CSVN có làm như ông không? Có đàn áp dân và bắt tay với thù ngoài không?
Hãy thành thực với mình, hãy để lương tâm chất vấn và dám nói công khai trước Đảng và nhân dân trong cuộc tự phê bình sắp tới về những mưu đồ và hành động của Ông trong tư cách Tổng bí thư từ hơn một năm rưỡi nay!
26.7.2012
Âu Dương Thệ
Mục Thời sự Tạp chí Dân chủ & Phát triển điện tử:www.dcpt.org hay www.dcvapt.net
Hiệp Hội Dân Chủ và Phát Triển Việt Nam
gửi Dân Làm Báo
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment