Thursday, July 19, 2012

ĐƯỢC PHÉP GIẾT NGƯỜI

Paulo Thành Nguyễn - Thời tiết Hà Nội vào ngày diễn ra phiên tòa phúc thẩm vụ án trung tá công an Nguyễn Văn Ninh đánh chết người (17/07/2012) mát mẻ hơn thường ngày. Nhưng dường như lại có sức nóng toát ra từ những ánh mắt của rất nhiều người lạ mặt ngồi xung quanh tập trung nhìn vào nhà Kim Tiến. Trước đó có rất nhiều xe công an di chuyển qua lại khu vực này từ sáng sớm.
Khi chúng tôi bước lên taxi đến tòa án thì rất nhiều an ninh thường phục bám theo sau, đến đoạn đường Đội Cấn thì không khí mát mẻ, trong lành của buổi sớm tan biến hoàn toàn, thay vào đó là sự căng thẳng bao trùm bằng rất nhiều rào chắn, công an, an ninh chìm nổi, dân phòng, trật tự… Nhẩm tính con số hơn 300 người.
Những hàng ăn, quán nước ở gần khu vực tòa án vắng tanh được thế chỗ bởi những chiếc xe thùng, xe công an, xe đặc vụ.
Một sự tập trung cao độ của hàng trăm con mắt và sự im lặng trống rỗng khi chiếc taxi chở chúng tôi dừng lại trước tòa. Đồng hồ lúc đó là 7h20, chưa đến giờ làm việc thường ngày của cơ quan nhà nước nhưng hôm nay có vẻ họ phải làm việc sớm hơn.
Chúng tôi đi bộ qua đường và đứng trước cổng tòa, bốn người phụ nữ và một đàn ông lọt thỏm trong vòng vây, có thể ví như “thiên la địa võng” được đan xen bởi nhiều sắc phục, rào chắn, dây thừng, xe chuyên dụng và hàng trăm ánh mắt hình viên đạn. Tôi hơi choáng và cố lấy lại bình an bằng những câu đùa, bằng những tiếng cười. Chúng tôi cười vì sự ngớ ngẫn khi không hiểu được tại sao những người dân bé nhỏ như chúng tôi lại được “quan tâm” một cách đặc biệt như vậy.
Chúng tôi đứng yên trong vài phút sau đó, vừa để lấy lại thăng bằng vừa ngóng chờ sự có mặt của những người thân, người bạn. Những người dân tò mò đứng gần chúng tôi đều bị xua đi chỗ khác. Cảm giác về sự cô lập trong tôi bị phá vỡ khi xuất hiện lần lượt gương mặt của các bạn sinh viên tôi biết trên facebook là El Nino, Florence K, Nguyễn Đình Hà, Vuong Nguyen, Gió lạnh, Aduku, Nguyễn Chí Đức, Binh Nhì, Ngô Duy Quyền, Yên Khê, Chien Nguyen, Anh Chí, Phuong Binh Dang, Nguoi Buon Gio, HungViet Nguyen, bác Tô Oanh và một số người hưởng ứng từ thư mời của Kim Tiến… Họ hiên ngang đi thẳng đến chúng tôi bất chấp sự căng thẳng xung quanh, họ nhận áo mang thông điệp “STOP - Police Killing Civilians” được trao tận tay bởi bà nội của Kim Tiến và mặc vào.
Tôi có cảm giác tảng băng do sự căng thẳng được tạo nên trước đó đã bị phá vỡ. Trên người chúng tôi mang thông điệp mà cũng là ước muốn chính đáng của bao người: Chấm dứt tình trạng công an giết người.
Hàng chữ bằng tiếng Anh vì chúng tôi muốn gửi đến cho thế giới về khát vọng chính đáng của chúng tôi.
Chấm dứt tình trạng công an giết người - Chúng tôi có cảm giác đó không chỉ là lời kêu gọi của chúng tôi mà còn là tiếng than thống thiết của những oan hồn đã chết oan ức, và của cả những nạn nhân tương lai.
Kim Tiến lấy trong balo mình ra biểu ngữ “Yêu cầu pháp luật xử lý nghiêm minh trung tá công an đánh chết người” và đưa lên. Các anh công an từ các vị trí cũng bắt đầu di chuyển gần chúng tôi, ra hiệu giải tán những người dân đi đường dừng lại. Tiếng còi, khẩu lệnh, tiếng xe máy nổ xen lẫn nhau làm inh ỏi cả khu phố.
Những người bạn đến mỗi lúc một nhiều hơn, chúng tôi cùng mặc áo, cùng chụp hình và nhìn nhau cười mà không cần để ý đến sự có mặt của hàng trăm an ninh và rất nhiều máy quay đang chỉa về phía chúng tôi.
Có bạn hỏi một bạn sinh viên nữ là: “Có sợ bị an ninh quay phim không?”
Bạn nữ đã trả lời rằng: “Em thấy việc này là đúng đắn mà việc gì phải sợ, cho họ quay thoải mái!”
Đến 7h45 chúng tôi di chuyển vào bên trong tòa thì bị chặn ngay từ cổng. Chúng tôi cho rằng phiên tòa này tuyên bố xét xử công khai thì bất cứ ai cũng có quyền vào, các anh là công bộc của dân phải cư xử cho đàng hoàng. Một anh công an đã nói rằng: "Các anh có hiểu thế nào là phiên tòa xét xử công khai không? Công khai là dành cho những người có liên quan, có giấy tờ mới được vào tham dự..." Cảm thấy bị đuối lý không biết xử lý thế nào nên hàng chục công an lao vào đẩy chúng tôi ra và đóng cửa lại.
Một bác lớn tuổi đứng nhìn nói “Tụi nhỏ bây giờ nó không còn biết sợ công an nữa rồi!”.
Gia đình Kim Tiến vào bên trong và chúng tôi đành tham dự phiên tòa bên ngoài vỉa hè, tranh luận về các vấn đề xã hội hiện nay, về vấn nạn “công an đánh chết người”, về công lý và quyền con người…
Sau hơn ba tiếng chờ đợi kết quả nhận được từ phiên tòa là “y án”. Mặc dù đây là kết quả mà nhiều người đã dự báo trước nhưng vẫn không tránh khỏi cảm giác bức xúc khi đón nhận.
Chúng tôi đứng trong im lặng cùng gia đình Kim Tiến trước tòa với thông điệp trên tay “STOP- Police Killing Civilians” trong sự bỡ ngỡ của người đi đường. Thế là công lý vẫn bị giam cầm bởi bạo quyền, nhưng chúng ta đã chiến thắng, chúng ta đã ngẩng cao đầu để lên tiếng trong sự cúi mặt của những người vừa đại diện và cũng vừa là cai tù của công lý.
Đứng trước cánh cửa đóng kín của toà án, chúng tôi cảm nhận được rằng: Chúng tôi mới là những người đang mang bộ mặt của công lý!
Nỗ lực đấu tranh cho công lý luôn cần có sự hành động dựa trên niềm tin vào sự tồn tại của chính nghĩa. Và chính điều này thúc đẩy con người có đủ động lực để vượt qua mọi sự sợ hãi. Người ta có thể hy sinh để bảo vệ tính chính nghĩa mà bản thân mình tin tưởng vào nó, và chính điều đó đã tạo nên nhiều thành công trong lịch sử.
Có rất nhiều người đi đường đã dừng lại để chia sẻ và bày tỏ với gia đình Kim Tiến, và điều phấn khởi hơn mà chúng tôi nhận được đó là sự can đảm dám lên tiếng bày tỏ cảm xúc và suy nghĩ trước bản án bất công của phiên tòa phúc thẩm hôm nay của những người dân thường. Những người mà chúng tôi thấy hôm nay, đã phần nào vượt qua sợ hãi khi nhắc đến lực lượng công an và các sai phạm của họ một cách công khai. Tôi nghĩ, đó là phần thưởng cho những nỗ lực không mệt mỏi của gia đình chú Trịnh Xuân Tùng trước vấn nạn công an đánh chết dân đang ngày một gia tăng hiện nay.
Phần thưởng đó chứng minh rằng, dù kết quả phiên tòa có bất công, công lý vẫn còn tiếp tục bị đày đọa thì hôm nay chúng ta đã chiến thắng với vũ khí duy nhất, đó là sức mạnh của niềm tin chính nghĩa. Niềm tin về tiếng lương tâm trong mỗi người, niềm tin vào sự thật, vào sự đúng đắn sẽ đánh tan sự sợ hãi trước bạo quyền. Nếu tất cả cùng cố gắng nỗ lực, dám đi đến cùng sự thật, thì tôi tin chắc rằng không lâu nữa, mọi việc sẽ phải thay đổi, sự sợ hãi sẽ bị đẩy lùi nhường chỗ cho những tiếng nói can đảm vì một xã hội tốt đẹp, lành mạnh, vì sự hiện hữu của công lý.
"STOP Police killing civilians"

Justice for all


19.7.2012
Paulo Thành Nguyễn - Facebook



ĐƯỢC PHÉP GIẾT NGƯỜI

Mặc Lê (Danlambao) - Sự thể đã ngày càng hết sức trầm trọng và rõ rệt, rằng người dân Việt Nam hiện nay đang sống dưới một chế độ cai trị bằng khủng bố bạo lực. Cứ theo dõi những vụ công an giết người bị xử “chìm xuồng” hoặc không xử gì hết. cho qua và cho quên luôn thì đủ thấy. Vụ ông Trịnh Xuân Tùng TXT)), thân phụ của cô Trịnh Kim Tiến (TKT) là một ngoại lệ, vì gia đình TKT và cá nhân cô đã kiên trì hằng năm trời để đòi cho được công lý. Nhưng cô Tiến và gia đình có đòi được “cái công lý” đó không?

Theo tôi thấy thì là… KHÔNG.
Công lý làm sao có được khi đất nước tuy bề mặt có đủ chức sắc ban, ngành, bộ biếc này nọ. Nhưng cái cần có nhất là “chủ quyền quốc gia” thì lại không. Chủ quyền quốc gia đã từ lâu nằm trong tay Tàu cộng. Vì thế, ngay cả việc con dân Việt Nam xuống đường biểu tình chống Tàu cộng xâm lấn lãnh hải (và xâm lấn cả lãnh địa theo nhiều cách rất Tàu như dựng “phố Tàu trên đất Việt”, mở mang kinh tế như lập hồ nuôi thủy sản ngay trên đất Việt…) thì bị ngay “cái nhà nước” của VN cho công an đàn áp, đánh đập.

Sự việc khủng bố bạo lực được triển khai cả vào đời sống bình thường của những người yêu nước Việt. Tại sao vậy? Chỉ có bọn ngoại bang xâm lăng mới cấm dân Việt yêu nước Việt. Câu hỏi thực tế rất dễ dàng hồi đáp.

Hãy đọc trên “Dân Làm Báo”:
(00 giờ 30 sáng thứ Bảy - 14 tháng 7) - Tối thứ Sáu ngày 13 tháng 7, khoảng 40-50 bạn bè của các blogger Trịnh Kim Tiến, Trăng Đêm, Bùi Minh Hằng đã đến tham dự sinh nhật của 3 người tại quán Hương Đồng 4 quận Bình Thạnh. Khoảng 20 an ninh / côn đồ thường phục "quen mặt" đã kéo đến và sau đó đã bám theo, khủng bố, đập xe và gây thương tích cho một số blogger trên đường về.

Blogger Nguyễn Hoàng Vi, người đã bị an ninh trấn áp và bắt giam trong ngày biểu tình 1 tháng 7, đã bị an ninh canh gác hàng ngày quanh nhà và bám sát khi Vi đến thăm mẹ ở bệnh viện và đến dự tiệc sinh nhật với bạn bè.

Khi an ninh đến nơi, thấy các bạn đang vui sinh nhật với nhau thì đã gọi thêm những "côn đồ thường phục" khác đến để "tiếp viện". Có khoảng gần 20 công an bày binh bố trận khắp các bàn chung quanh, rình rập và lén lút chụp hình.

Đã quen với những hành vi theo dõi, khủng bố tinh thần và gây hấn mọi người vẫn bình thản coi như không có chuyện gì.

Đến khoảng 10:30 tối thì các bạn ra về sau khi gửi đến Kim Tiến, Bùi Hằng, Trăng Đêm những lời chúc sinh nhật bình an và hạnh phúc.

Tuy nhiên, bình an và hạnh phúc đã không đến được khi cuộc sống của người dân nằm trong tay an ninh côn đồ. Nhóm các bạn Vi, Quyết, chị Dương Thị Tân (vợ cũ của blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải), chị Bùi Hằng và bạn Lee Nguyễn đã bị 8 mật vụ, an ninh mặc thường phục bám theo xe ngay khi rời khỏi quán. Khi xe vừa khởi động và đi trên đường Đinh Tiên Hoàng, Q. Bình Thạnh khoảng được 200m thì 8 tên an ninh này đã ép xe và kiếm chuyện gây sự. Mọi người chạy chậm và an ninh đã đập nát kiếng xe bên hông phải phía sau.

Những chuyện như bên trên đã xảy ra quá nhiều, tôi kể lại chỉ làm một thí dụ điển hình mà thôi. Một câu hỏi củ sì sẽ có một số người đặt ra là “Tại sao nhà nước cộng sản VN lại cho công an ta đàn áp bức hại ngay chính dân mình?”

Xin trả lời: Nhà nước CSVN hiện nay chỉ là tay sai, là đàn em đàn út của cộng sản Trung quốc, đang gò lưng cúi đầu làm một thứ “đại diện thái thú” chứ cũng chẳng được là thái thú cho thiên triều Trung quốc cộng sản. Nói cách khác, chính quyền và đảng csVN đang làm nhiệm vụ canh giữ trật tự cho csTQ trên mảnh đất chư hầu Việt Nam.

Cứ nghe và nhìn rồi động não một chút thôi, tất hiểu, ở Quảng Ninh nhà nước csVN đang phát động “Toàn Quốc đại hội: Nhớ ơn Trung quốc”.

Mọi việc đã được sắp xếp, tính toán và…. hầu như an bài. Trở lại vụ án trung tá công an NVN giết công dân TXT. Thử đọc bộ luật hình sự của csVN:

Điều 96: Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Giết nhiều người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm.

Điều 97: Làm chết người khi thi hành công vụ khung từ 2 đến 7 năm thôi.

Tên Ninh tất nhiên không nằm trong trường hợp của điều 96. mà cũng không thể được kết tội như trong điều 97.

Mà tên trung tá công an này rõ ràng phải được kết tội trong khung án CỐ SÁT CÓ DỰ MƯU theo chính lời khai của đương sự. Xin đọc:

"Ông Ninh còn nói khi có hành vi đánh vào gáy nạn nhân Trịnh Xuân Tùng là lúc ông ta đang rất bình tĩnh để xử lý tình huống". (theo Dân Làm Báo).

Tôi tin rằng một công an (hay cảnh sát) của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, đều được huấn luyện khi vào trường công an (hay cảnh sát) rằng: không được dùng bạo lực nếu tình huống chưa cần thiết, Không được nổ súng vào đối tượng tay không vũ khí. Và mỗi công an (hay cảnh sát) đều phải được học một số những thế võ để khống chế những nghi phạm khi họ đang trong trạng thái mất bình tĩnh.

Ông TXT không có vũ khí trên tay và ông chỉ một mình. Công an NVN có đồng bọn và những dân phòng tiếp sức. Không thể có tình huống nào đến nỗi NVN phải dùng đến đòn SÁT THỦ để HẠ SÁT một công dân chỉ vì lỗi không hay quên mang mũ bảo hiểm.

Suy ra, ngay ở trong điều luật 97, đã tiềm phục mọi ngõ ngách cho công an được giết người mà vẫn thoát tội: Làm chết người khi thi hành công vụ. Vì trong bộ luật đã không có khung cho tội “LỢI DỤNG LÚC THI HÀNH CÔNG VỤ ĐỂ CỐ Ý SÁT NHÂN”.

Hết sức bình tĩnh để đánh đánh vào đầu nạn nhân đến chết, không CỐ SÁT thì là gì? Một câu hỏi được đặt ra là, giữa công an NVN và nạn nhân TXT không có thù oán gì, sao NVN lại cố giết cho được TXT. Xin trả lời: Theo phân tâm học có nhiều người bẩm sinh có “chất sát nhân” trong người. Họ thích đánh đập, hành hạ người khác. Những người này thích chọn những ngành, nghề như: công an, cảnh sát, đồ tể v.v… Còn nữa:

Vẫn theo Dân Làm Báo thì: “Đặc biệt nghiêm trọng hơn là bị cáo Nguyễn Văn Ninh cũng là một trong những người có mặt tại đồn công an Thịnh Liệt tối hôm đó, đã ngăn cản việc được cứu chữa kịp thời của nạn nhân khi gia đình đến đề nghị, van xin đưa nạn nhân đi cấp cứu. Thay mặt gia đình nạn nhân, Trịnh Kim Tiến yêu cầu phải truy cứu trách nhiệm của các dân phòng và các công an trực ban đã tham gia bắt giữ và đánh đập ông Trịnh Xuân Tùng.”

Nếu không cố ý sát nhân, tại sao NVN (và đồng bọn) đã không cho gia đình nạn nhân đưa ông TXT đi cấp cứu? Trừ phi công an NVN đúng như tôi đã phân tích là một tên SÁT NHÂN BẨM SINH, thích thú khi tàn hại, giết được người khác. Và những tên tòng phạm như các dân phòng và công an trực ban…? Chả trách NVN đã hiên ngang khai giữa tòa là ông ta đã: làm rất đúng, là đã giết được nạn nhân. VKS cũng đồng quan điểm này và tuyên bố là “tên Ninh làm rất đúng.” Hóa ra, chẳng phải chủ trương của đảng và nhà nước cs VN là dung túng cho bọn công an muốn giết ai, muốn làm chi cũng được, chỉ cần bảo vệ được chế độ, thì những tội lệ như giết dăm ba người dân lành có đáng kể chi?

Chúng ta, người dân Việt Nam, còn phải chịu áp bức, bất công, khủng bố, đàn áp bởi một cái nhà nước dùng công an trị để dày đạp, xiềng xích người dân và cam tâm dâng đất dâng biển làm nô lệ cho Tàu cộng này đến bao giờ?

Mặc Lê
danlambaovn.blogspot.com

No comments:

Post a Comment