Saturday, July 28, 2012

THƯ NGOẠI TRƯỞNG HOA KỲ HILLARY CLINTON TRẢ LỜI BÁC SỸ NGUYỄN ĐAN QUẾ


(Tin từ TCQTYTCTNB)
Washington D.C. , 26 tháng 7, 2012. – Ngày 8 tháng 7, trước khi Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tới Việt Nam, Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế đã gửi cho bà một văn thư trình bầy một số nhận định và đề nghị về tình hình Việt Nam. Sau đây là bản dịch sang Việt ngữ văn thư mang tiêu đề của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, do Phó Phụ Tá Ngoại Trưởng Joseph Yun thay mặt Ngoại Trưởng trả lời và ký tên, gửi Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế, qua Bác Sĩ Nguyễn Quốc Quân, đề ngày 19 tháng Bảy, 2012.


Thưa Bác Sĩ Quế,

Xin cảm ơn ông về lá thư đề ngày 8 tháng Bảy gửi Ngoại Trưởng Clinton. Ngoại Trưởng đã yêu cầu tôi thay mặt để trả lời ông.

Bộ Ngoại Giao chia sẻ những quan tâm được bầy tỏ trong lá thư của ông, đặc biệt là sự thiếu không gian để phát biểu về chính trị một cách ôn hòa và chính quyền Việt Nam sử dụng các điều 79 và 88 để bóp nghẹt đối lập.
Như Ngoại Trưởng đã phát biểu ngày 9 tháng Bảy trong cuộc gặp Cộng Đồng Dân Chủ tại Ulaanbaatar ở Mông Cổ, “dân chúng khắp nơi muốn có một tiếng nói và một lá phiếu trong những quyết định có ảnh hưởng tới cuộc sống của họ, và họ xứng đáng được các chính quyền bảo vệ những quyền của họ và tôn trọng nhân phẩm của họ”. Trong cuộc thăm viếng Hà Nội ngày hôm sau, bà đã trực tiếp nêu những quan tâm của chúng ta tới Tổng Trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, và Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Nguyễn Phú Trọng. Ngoại Trưởng đã vừa công khai vừa riêng tư nói rõ rằng để trở thành một đối tác chiến lược của Hoa Kỳ, Việt Nam sẽ cần làm nhiều hơn để bảo vệ những quyền của người dân của mình.

Chúng tôi tiếp tục theo dõi sát hoàn cảnh của ông và tình trạng của những người Việt Nam khác đã bị bỏ tù và quấy nhiễu chỉ vì bầy tỏ quan điểm chính trị của mình một cách ôn hòa. Chúng tôi cũng coi trọng mối liên lạc giữa chúng tôi với bào huynh của ông là Bác Sĩ Nguyễn Quốc Quân, và chúng tôi sẽ tiếp tục gặp ông ấy để trao đổi những thông tin hầu chia sẻ thêm mục tiêu của chúng ta là thăng tiến những điều kiện về nhân quyền tại Việt Nam.
Tôi hy vọng là những thông tin này hữu ích và chúng tôi mong tiếp tục được nghe những ý tưởng của ông về mối liên hệ Mỹ - Việt.

Trân trọng,

Joseph Yun
Phó Phụ Tá Ngoại Trưởng
Văn phòng Đông Á và Thái Bình Dương Sự Vụ


Ngày 8 tháng Bảy, 2012
Kính gửi Bà Hillary Clinton Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ
Đồng kính gửi:
- Tổng Thống Barack Obama
- Bộ Trưởng Quốc Phòng Leon Panetta
- Phụ Tá Ngoại Trưởng Kurt Campbell
- Phụ Tá Ngoại Trưởng Michael Posner
- Phó Phụ Tá Ngoại Trưởng Andrew Shapiro
- Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear
Kính thưa Bà Ngoại Trưởng,

Người dân Việt Nam vui mừng được biết bà đang sừa sọan thăm viếng nhiều nước, kể cả thủ đô Hà Nội vào ngày 10 tháng Bảy, để trình bầy về chiến lược của Hoa Kỳ tại vùng châu Á – Thái Bình Dương, một trong những khu vực trọng yếu nhất của thế kỷ 21.
Vào những tuần lễ gần đây, trước khi bà tới Hà Nội, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã gia tăng vi phạm những nhân quyền căn bản của người dân Việt Nam. Những vi phạm này đi từ quấy nhiễu các bloggers đến việc dẹp bỏ các cuộc tụ họp ôn hòa. Những quyền này là những giá trị phổ quát đã được Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc theo đuổi để thăng tiến các cá nhân và cộng đồng trên toàn thế giới.
Để góp phần vào những cố gắng của bà, chúng tôi xin xác định rằng:
1. Người dân Việt Nam rất muốn đất nước chúng tôi trở thành đối tác chiến lược của Hoa Kỳ vì sự tái võ trang gây hấn của Trung Quốc và cuộc tranh chấp đang diễn ra tại Biển Đông. Tuy nhiên, để Hoa Kỳ có thể tạo được một sự hợp tác thực sự, lâu dài, an toàn, hòa bình và ổn định trong vùng này, bà nên tìm sự hợp tác với một Việt Nam tự do và dân chủ.
2. Dân chủ hóa Việt Nam không phải chỉ quan trọng cho chiến lược an ninh của Hoa Kỳ mà còn giúp cho Viêt Nam trong tương lai trở thành một quốc gia dân chủ mạnh và thịnh vượng trong vùng.
Hiện nay, Việt Nam vẫn còn theo chế độ độc đảng, trong đó không có phân quyền giữa các ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp. Đảng Cộng Sản Việt Nam kiểm soát chặt chẽ mọi cấp chính quyền, điều khiển Quốc Hội, can thiệp vào công việc của tòa án, hướng dẫn và theo dõi truyền thông đại chúng, và phủ nhận mọi nhân quyền căn bản của người dân Việt Nam. Không có bầu cử tự do và công bằng, và cũng không có nghiệp đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi của hàng triệu công nhân người Việt. Người dân bất đồng ý kiến và phát biểu quan điểm của mình một cách ôn hòa bị bắt bỏ tù.
Đảng Cộng Sản Việt Nam và những đồng bọn ác độc tại địa phương cùng thân nhân của họ đã đưa Việt Nam tới bờ phá sản qua lãng phí và đầu tư không hiệu quả. Tài sản khổng lồ nằm trong tay một số nhỏ những kẻ cầm quyền tham nhũng, trong khi đại đa số dân chúng sống trong nghèo nàn; giá sinh hoạt tăng vọt – giá điện, nước, xăng dầu tăng lên từng ngày – tiền "đồng" Việt Nam mất giá trong khi tiền lương không tăng. Dân chúng, nhất là giới công nhân, phải lao động ngày đêm, mà vẫn không có được cuộc sống hẳn hoi. Rất nhiều người dân yêu nước đã lên tiếng đòi thay đổi để có dân chủ.
Thưa Ngoại Trưởng Clinton, theo chỗ tôi được biết, trước khi rời APEC để tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Bali, Indonesia vào tháng 11 năm ngoái, Tổng Thống Obama đã long trọng tuyên bố: "Như lịch sử đã chứng minh, qua tiến trình lâu dài, dân chủ và phát triển kinh tế đi đôi với nhau. Thịnh vượng mà không có tự do và dân chủ, chỉ là hình thức khác của nghèo khó". Trước lời tuyên bố đó, tại Trung Tâm Đông Tây ở Hawaii, bà cũng đặc biệt đề cập tới Việt Nam trong một diễn văn về chính sách đối với châu Á, khi nói rằng: "Chúng tôi đã nói rõ với Việt Nam rằng nếu Việt Nam muốn phát triển một mối liên hệ hợp tác chiến lược, Việt Nam phài tăng thêm việc tôn trọng và bảo vệ nhân quyền của người dân". Phụ Tá Ngoại Trưởng Kurt Campbell và vào tháng trước Bộ Trưởng Quốc Phòng Leon Panetta và Phó Phụ Tá Ngoại Trưởng Andrew Shapiro cũng đã nói rõ với Hà Nội các điều kiện này.
3. Dân chủ hóa Việt Nam vừa quan trọng cho việc tái cân bằng cho chiến lược Hoa Kỳ ở châu Á – Thái Bình Dương vừa là ước vọng lâu đời của nhân dân Việt Nam.
Trước sự thích hợp của các sự việc trong hiện tại, chúng tôi trân trọng đề nghị:
a) Tình trạng chính trị hiện thời ở Việt Nam là cơ hội bằng vàng để Hoa Kỳ bầy tỏ sự ủng hộ một chế độ chính trị cởi mở hơn. Nói rõ hơn, trước khi quá muộn, nhà cầm quyền Việt Nam nên đưa ra một thời biểu về một cuộc bầu cử tự do và công bằng dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc, đế nhân dân Việt Nam có thể bầy tỏ nguyện vọng của mình về việc chọn lựa một chế độ chính trị phù hợp cho đất nước.
b) Trở ngại chính trị lớn là điều 4 Hiến Pháp, quy định phi pháp vai trò độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Điều này phải loại bỏ để thiết lập một chế độ dân chủ pháp trị.
c) Nhà cầm quyền Việt Nam phải ngừng quấy nhiễu, bắt giữ và cầm tù những công dân phát biểu quan điểm của mình một cách ôn hòa. Họ phải thả tất cả tù nhân lương tâm, và chấm dứt đe dọa hoặc quấy nhiễu các cựu tù nhân chính trị.
d) Trong khi phải tập trung cố gắng vào việc đòi thả tất cả tù nhân chính trị, chúng ta cũng cần phải nỗ lực đạt được những tiến bộ có tính lâu dài, cụ thể và khả thi bằng cách khuyến khích sửa lại Bộ hình luật. Ưu tiên là bỏ những điều như 79 (lật đổ chính quyền), điều 88 (tuyên truyền chống lại chính quyền), là những điều mơ hồ và không nói rõ lý do bắt giữ và bỏ tù những người vi phạm. Nhà cầm quyền Việt Nam phải chấm dứt xâm phạm và khám nhà, cùng bắt người mà không có trát của tòa án. Chính quyền Hoa Kỳ, làm việc với các cơ quan quốc tế ngoài chính phủ (NGO), có thể giúp đỡ chính quyền Việt Nam tu chỉnh bộ hình luật và việc thi hành luật phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế để luật pháp không còn được dùng để trừng phạt những người hành xử nhân quyền của mình.
e) Nhà cầm quyền Việt Nam phải thực thi tự do tôn giáo, công nhận quyền tư hữu, và khuyến khích các nghiệp đoàn độc lập cũng như thương lượng tập thể.
Tôi vững tin rằng những người như chúng tôi đã mất tự do khi cuộc chiến chấm dứt vào năm 1975 cuối cùng có thể đạt được thắng lợi trong việc bảo vệ tự do và nhân phẩm, cũng như trong việc thành lập một liên minh vững mạnh cho an ninh thế giới để vượt qua bất cứ một đe dọa nào về quân sự. Nhưng trước hết, chúng ta phải hoàn tất những đòi hỏi về cải tổ chính trị, khởi đầu bằng mối liên hệ tốt đẹp giữa Hoa Kỳ và Đông Nam Á. Không phải bằng tạm thời ủng hộ độc tài, mà bằng gốc rễ sâu đậm của nền dân chủ mới. Tại Việt Nam, Cao Trào Nhân Bản của chúng tôi cam kết hoàn thành những mục tiêu dân chủ đó trong sự ủng hộ một Việt Nam kiên trì tại thời điểm trọng đại này.
Xin cám ơn bà rất nhiều,
Trân trọng kính chào bà.
Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế
Sáng lập và Chủ Tịch Cao Trào Nhân Bản tại Việt Nam


No comments:

Post a Comment