Nguyễn Mạnh Tường - Hà Nội 1954-1991:
Bản án cho một trí thức
“Bản thảo cuốn sách này đã được soạn và đánh
máy trong một tình thế lén lút và bị cô lập. Vì vậy tôi khiêm tốn gửi
lời xin lỗi về những lỗi lầm hay sai trật đến những ai quan tâm đến
những suy tư và những bài viết của tôi, và mong muốn cuốn sách này sẽ
được phát hành ở Pháp”
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường
13 Tháng 5 năm 1991
13 Tháng 5 năm 1991
PHẦN MỘT: ĐẠT ĐẾN ĐỈNH VINH QUANG
Vài tháng sau trận Điện Biên Phủ, tôi được lệnh tập trung lên trình
diện tại Chiến Khu Việt Bắc. Tôi nghĩ đây cũng là lần tập trung để học
chính trị như những lần trước. Cấp lãnh đạo luôn rất quan tâm đến việc
giáo dục quần chúng và truyền giảng cho giới trí thức những ý niệm về
chủ nghĩa Maxist-Leninist mà họ tự cho rằng chỉ họ mới là những người
duy nhất hiểu biết nó. Bằng con bài chủ của mình, những hiểu biết dó, họ
cho rằng có thể áp đặt được sự nể trọng họ lên giới trí thức, và cùng
lúc, họ có thể thanh toán được nỗi mặc cảm tự ty của mình. Đúng là ngây
thơ, nhưng tất cả các ngài đều mang bệnh ngây thơ ấy. Vì thế, tôi đành
phải tự chèo chống lấy mình cho qua những giờ dài đăng đẳng để khỏi nghe
vài diễn giả cà lăm lải nhải. Họ không thể nào ngăn được tôi trốn trong
một góc khuất, ngáp dài nếu không ngủ hay mơ về bất cứ điều nào mà tôi
thích. Nhưng cái chiến thắng vang dội vừa mới đây lại mang đến cho tôi
những xì xầm to nhỏ. Sự tiên liệu của tôi đã thành sự thật khi thấy cả
ngàn cán bộ thuộc đủ các ngành đang tập trung ở Tân Trào. Sau rốt, chúng
tôi biết chúng tôi sắp được học “chính trị” – đây là một cụm từ linh
thiêng, ở Việt Nam, mọi chuyện đều là “chính trị”- để tổ chức buổi lễ
Chính Phủ Kháng Chiến tiến vào tiếp thu Hà Nội. Quân đội Thực Dân phải
ra đi và bàn giao lại tất cả các cơ quan công quyền bao gồm cả nhà cửa,
thiết bị dụng cụ và cả những người Việt đang làm việc nơi đây.
Buổi học tập là để biết phải có thái độ gì đối với những công nhân
viên đã được chỉ định để bàn giao cơ quan mà trước đây họ làm việc trong
thời kỳ Pháp thuộc. Những mật báo viên của chúng tôi đã lập những hồ sơ
những người chủ chốt của cơ quan, hồ sơ lý lịch, gia cảnh, thái độ đối
với Kháng Chiến, cảm tình đối với xếp trên người Pháp của họ và nước
Pháp, cũng như khát vọng và khả năng của họ. Những thông tin đó rất quý
giá và nó giúp chúng tôi đánh giá mức độ tin cậy đối với từng người, sự
hỗ trợ của mỗi người có thể có cho chúng tôi và những kỳ vọng mà chúng
tôi có thể chờ đợi từ mỗi người của họ. Như vậy chúng tôi không phải quá
mạo hiểm đi vào một vùng xa lạ, có thể vấp khựng trước những chướng
ngại vật hay trượt ngã vào những cạm bẫy bất ngờ.
Câu hỏi nhạy cảm là làm sao tìm ra một thái độ cư xử với những người
mà tình cảm được che giấu sau bức màn của lễ độ và của nụ cười? Người
của Kháng Chiến phải tự mình hết sức cẩn trọng trong lời nói, cách nhìn,
cử chỉ để tránh ám chỉ dù nhẹ nhàng nhất đến sự khinh thường hay chiếu
cố riêng đối với từng nhân viên dưới quyền.
Nếu các cấp lãnh đạo cấp cao thấm nhuần và luyện tập bản thân về ý
này, thì rủi thay, đám tôi tớ tuỳ tùng không hề bỏ lỡ một cơ hội nào để
phô trương sự ngạo mạn một cách lố bịch và đầy tai hại. Chúng nó tự ca
tụng và phô trương là đã chịu nhiều gian khổ và bệnh tật trong những năm
bí mật kháng chiến, nay chúng đòi phải được trả công bởi những kẻ không
“may mắn” được tham gia Kháng Chiến. Tai hại gây nên bởi loại người
thiếu thận trọng đó thật lớn lao. Hố ngăn cách hai nhóm người trong xã
hội càng đào sâu hơn nữa. Trong số những người bất mãn, có những người
bỏ ra nước ngoài mang theo tài sản của Đất Nước và lòng yêu nước, mang
những của cải làm quà cho những Đất Nước nhận dung dưỡng và cho họ những
cơ hội thích hợp với khát vọng và ước mơ của họ. Những người khác thì
đã nức hận thù chống cộng, luôn tìm cơ hội để phát tiết nỗi oán giận,
thành lập những tổ chức bí mật, thiết lập quan hệ với kẻ thù của chúng
ta ở nước ngoài, nhận tiền và chỉ đạo và ngay cả những trợ giúp quân sự
với mục đích gây rối loạn, gây biến động nổi dậy, và nếu được là một
cuộc đảo chính. Đại bộ phận dân chúng thì trì trệ trong sự dửng dưng,
chọn thái độ chờ xem, chẳng màng suy nghĩ hay kêu gọi những mong đợi của
họ về chuyện thay đổi chế độ; họ giữ im lặng, quan sát, nghe ngóng và
không làm một hành động hay đưa ra một thái độ nhiệt tình nào trong công
việc giao cho họ. Bất cứ công việc nào mà con tim không có, thiếu niềm
vui, vắng nhiệt tình, thì nó không thể cho ra kết quả hữu hiệu, ít nhất
cũng là việc chính quyền kháng chiến, mặc dù những tuyên ngôn, mà hoá ra
như những lời khoác lác làm trò cười cho thiên hạ, đã không cung cấp
nổi cho công nhân viên những nhu cầu tối thiểu của đời sống hàng ngày.
Những công chức được trả lương hậu hĩnh dưới thời chính quyền Thực Dân
trước đây được tiếp tục hưởng lương như thế trong một thời gian. Nhưng
một vài “tâm hồn cao quí” trong bọn họ, được sự “chỉ đạo” đúng đắn và
bài bản của “lãnh đạo”, không biết dưới sự đe doạ hay được lời hứa
thưởng công, đã đưa ra kiến nghị cùng bình đẳng lương bổng, nhưng không
phải bình đẳng theo hướng nâng lương lên cao mà cùng giảm lương về mức
thấp. Để thuyết phục các đồng nghiệp chấp nhận ăn miếng bánh thanh bạch,
những tác giả của kiến nghị “công bằng lương bổng” kéo nhau rỉ tai là
“Trong những năm kháng chiến, chúng mình chưa bao giờ bị đói, lạnh, nguy
hiểm đến tính mạng; chúng mình sống no đủ hạnh phúc thoải mái với gia
đình. Như vậy, chuyện từ bỏ những đặc quyền và giảm bớt lợi tức của
chúng ta cho bằng các bạn đồng nghiệp phía kháng chiến có phải là một
việc làm có tình có lý hay không? Như vậy chúng ta đã có một hành động
công bằng; chúng ta cho thấy khả năng chấp nhận hy sinh và sẽ không bao
giờ thành đối tượng bị khinh miệt bởi người khác; chúng ta mang lại sự
đoàn kết trong cộng đồng công nhân viên nhà nước, và bình đẳng giữa
người này người khác. Chúng ta cùng cực khổ cáng đáng việc xây dựng lại
Đất Nước nhé!”. Nhiều người đã rùng mình ớn lạnh khi nghe những lời rủ
rỉ phát sinh từ cấp cao nào đó truyền xuống mà thấy miệng đắng như vừa
nuốt nguyên túi mật không tên. Đó là mùi vị của khốn cùng mà tất cả công
nhân viên nhà nước đang cúi mình gánh chịu.
Về phía dân chúng, đối với chúng tôi họ dành trong lòng một sự tò mò
nhưng thân thiện. Họ và chúng tôi cùng dòng máu đang chảy trong huyết
quản, cùng một quá khứ đầy tự hào và tủi nhục. Điện Biên Phủ đã tràn
ngập con tim của mọi người với cùng độ nức lòng và cùng tầng nhiệt
huyết. Nhưng, dù thế nào, kháng chiến vẫn là một thế giới riêng, người
đi kháng chiến cũng là những con người thường nhưng với những tập quán
thói quen có thể làm ngạc nhiên thế giới văn minh. Người ta có thể nhìn
chúng tôi như những kẻ man rợ vì không biết dùng lược và nước hoa để
chải đầu hay xài xà phòng tắm để săn sóc làn da; man rợ vì không biết
cầm dao nĩa thế nào cho đúng cách; nhưng cũng có người vừa to mắt ngạc
nhiên vừa trao tặng chúng tôi một bó hoa; có người chờ xem hành động và
lời nói của chúng tôi để xem có thể dành cho chúng tôi mối cảm tình nào
đó hay chỉ thuần là một nỗi nể nang sợ hãi, nếu chưa muốn nói đến một sự
lãnh đạm xa cách.
Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là việc tiếp cận giới trí thức Hà
Nội, nhất là khi họ đã được cảnh báo về chủ nghĩa Cộng Sản. Việc họ bỏ
nước ra đi sẽ gây thiệt hại đáng kể cho Đất Nước bị mất đi những chất
xám mà sau đó chính những nước ngoài là người hưởng dụng. Đó là lãnh vực
mà ta cần phải tránh những sai lầm ngớ ngẩn do những người được giáo
dục đúc khuôn từ Đảng là thủ phạm, bởi vì họ đầy tự mãn, đầy kiêu căng,
bởi vì họ không có trình độ về lãnh vực trí thức và xã hội.
Nhưng, theo đánh giá của cấp Lãnh Đạo, điều tệ hại nhất là điều đe
doạ đến tính trong sáng của cán bộ kháng chiến đã hơn mười năm nay được
Đảng giáo dục. Khi đến với kháng chiến, toàn bộ hay ít nhất là gần như
toàn bộ cán bộ là đã có những vết nhơ của tư sản, của thế giới phản
động. Những vết nhơ đã làm hoen ố tâm hồn nhiều hơn là thể xác, làm biến
chất con người, làm sai lạc quan điểm và làm méo mó tư duy của họ. Phải
cần nhiều năm miệt mài học chủ nghĩa Lenin, hàng năm theo những lớp học
chính trị, những buổi phê bình và tự phê bình, những ngày lao động chân
tay, trải nghiệm gian khổ để chữa sạch những vết thương mưng mủ, để
chữa trị khỏi những tật bệnh nếu không phải là để cho một sự trinh
nguyên cho thể xác, thì cũng để đạt đến sự chân thành biến thành những
kẻ dễ bảo cho lãnh đạo.
Ngày nay họ lại phải trở về với chính nơi độc nhiễm mà họ trước đây
sinh sống, Đảng đã bắt chước Trung Quốc tìm cách cho họ tránh những
“viên đạn bọc đường” bằng cách trang bị cho họ những bao ngừa thai để
tránh những mầm SIDA chính trị, một bệnh truyền nhiễm chết người, y
chang như trang bị cho người để chống SIDA ở đời thường. Cái gì đã quyến
rũ các ông quan kháng chiến một khi họ trở về Thủ Đô? Một bữa ăn thịnh
soạn có champagne, rượu Tây, thuốc lá Anh, những điệu valse ẻo lả, những
ánh mắt đưa tình và những nụ cười mời mọc của những nàng tiên kiều diễm
là quá đủ để kéo tên “man rợ” ra khỏi rừng rú ném hắn vào đám yêu tinh
và làm hắn phải “bán linh hồn cho quỉ dữ”… Nhưng làm sao sự khôn ngoan
và những tiên liệu của Đảng lại có thể ngăn được những đợt thuỷ triều
của ham muốn đã nhiều năm bị đè nén và đang đến lúc nổ tung? Trong những
năm 1989-1990, cả nước bàng hoàng thất vọng và kinh hoàng trước tội ác
của những đảng viên biến chất, nhiều quan chức cao cấp của Đảng và của
Nhà Nước đã hành xử như những băng đảng trộm cướp, đã nuốt nhiều tỉ đồng
của công quỹ để thoả mãn ham muốn đê tiện của mình. Chưa bao giờ, dù
dưới bất cứ chế độ nào, một vụ tai tiếng như thế lại có thể xảy ra, và
Đảng phải đỏ mặt vì xấu hổ và đen như nhuộm bùn. Viên đạn bọc đường quả
thật đã chơi trội việc giáo dục chính trị.
Ngày 10 tháng 10 năm 1954 đúng 10 giờ sáng, lực lượng Kháng Chiến
trọng thể tiến vào Thủ Đô. Dẫn đầu là đoàn quân với những lá cờ tung bay
với tiếng trống liên hồi. Những cán bộ đứng trên những chiếc xe tải vẫy
tay chào đồng bào đứng đầy hai bên đường đang hô to những tiếng vui
mừng, phất phất những lá cờ nhỏ. Tất cả hai bên nhà phố đều trang trí và
niềm vui không tả trên ánh mắt của từng người dân. Từng chặp, đoàn quân
phải ngừng lại để nhận những vòng hoa của từng đoàn thiếu nữ mang tặng.
Sự nồng nhiệt của dân chúng đã lên đến cao độ, thật chân thành và nồng
hậu. Kể cả những người mà con tim còn đang nhịp nhẹ những tiếc nuối với
người chủ hôm qua, tất cả đều chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc găp gỡ dễ
thương bằng sự rộng rãi và lịch sự, họ vỗ tay hoan hô những người đã làm
nên chiến thắng Điện Biên Phủ: chiến công của họ khơi động lại niềm
hãnh diện của người dân Việt và phục hồi lại danh tiếng cho nước nhà.
Trong hai tuần đầu, tất cả cán bộ đều được lệnh không ra khỏi nơi
đang cư ngụ. Chúng tôi không biết được lý do tại sao. Có phải đây là vì
vấn đề an ninh? Không kể những viên đạn bọc đường mà mọi người cho rằng
có thể phá vỡ sự trong sáng của những con người kháng chiến sau nhiều
năm được cải tạo, thì có phải chăng vì sợ súng đạn của những kẻ quá
khích hay gián điệp có thể mang đến những cái chết vô nghĩa cho những
người mà Đảng đã mất hàng chục năm để đào tạo và đã biến họ thành những
người Cộng Sản trung kiên? Hay đã có những ý nghĩ kỳ quặc đang manh nha
trong đầu của vài lãnh đạo đang nắm quyền và họ chỉ muốn thuộc quyền
tuân phục một cách mù quáng? Mặc kệ lý do gì! Có chuyện lo bảo vệ an
toàn hay chỉ là một nhắc nhở là chúng tôi chỉ là những con chốt tầm
thường trong tay của những người lãnh đạo, chúng tôi đều cúi đầu phục
tùng cho bạo chúa phán lệnh lúc nào phải hành động y những con rô bốt mà
chẳng biết bận tâm suy nghĩ tại sao. Trong khi chúng tôi có thể về thăm
nhà ở Hà Nội để có chỗ nơi ăn ở đàng hoàng, giường êm nệm ấm thì chúng
tôi phải nằm trên sàn trần, cuốn mình trong những tấm chiếu không khác
gì những tử tù đang chớ ngày đút đầu vào máy chém… Chúng tôi tiếp tục
sống đời kham khổ kỷ luật như những người Spartan như những năm bí mật
kháng chiến; khi bữa ăn kết thúc, chúng tôi lại xếp hàng rửa bát bên vòi
nước. Thật ra đâu cần thiết phải đối xử bất nhân kéo dài thêm hai tuần
xa cách cho những người đi kháng chiến đã hơn mười năm chưa gặp lại gia
đình? Chỉ còn thêm vài trăm bước đường nữa là mọi người trở về đã có thể
ôm lại cha mẹ anh em và trao cho nhau những giọt nước mắt mừng tủi sau
những năm xa cách mà tưởng như thiên thu. Có phải chăng người Cộng Sản
là những anh hùng mà mắt đã không còn lệ, mà trong tim tình cảm gia đình
đã biến mất, linh hồn đã bị huỷ diệt bởi một niềm tin điên cuồng vào
một học thuyết chủ nghĩa hay một tôn giáo?
Về phần mình, một mặt lòng tôi rộn rã vui sướng được đặt chân trở lại
thành phố nơi tôi sinh ra, nơi mà những kỷ niệm đầy nhớ mong đã bám
chặt lấy tôi suốt những năm xa cách; một mặt khác, lòng tôi lại héo buồn
vì không được quay về nhà trong giờ phút đầu tiên để gặp lại cha mẹ già
đang khắc khoải chờ mong gặp lại đứa con trai lớn đang ra vào hiểm nguy
mà không cần tranh cãi chi đến đến chuyện nó ra đi là có cần thiết hay
chính đáng không.
Điều không vui của tôi kết thúc khi tôi được phân công về nhận trường
Luật. Ngay sau khi buổi lễ bàn giao chấm dứt là tôi chạy bay về nhà gặp
lại mẹ cha chảy những giòng nước mắt khi thấy con mình còn sống trở về.
Ngày kế, tôi tập họp toàn thể nhân viên trong phòng giám đốc, một căn
phòng lớn mênh mông ở phía phải đầu trên cái thang lầu to tướng, đối
diện với cái giảng đường to mà hơn mười năm trước tôi vẫn hay đứng giảng
bài cho sinh viên hay thuyết trình trong những buổi hội nghị cho mọi
người.
Tất cả ban giảng huấn đều biến mất ngoại trừ ông Đào Bá Cường, tất cả
đã chọn con đường ra nước ngoài hay quay ra hành nghề luật sư. Tôi chỉ
còn lại ba cô thư ký và một lái xe hãnh diện là đã giấu và giữ lại được
một chiếc xe thoát khỏi tay cảnh sát của Thực Dân. Trong khi chờ đợi
quyết định tổ chức lại hay giải tán trường Luật, chúng tôi chẳng có
nhiều việc để làm, nhất là sau khi đã xếp lại thứ tự cho Thư Viện, xếp
vào kệ bộ sách Luật Dalloz-Sirey toàn tập mà khối lượng sách đã từng
nhiều lần làm tròn xoe mắt của dân không chuyên ngành. [1]
Tôi đã phải mất công kéo giờ có mặt của các cô thư ký xuống hai giờ
mỗi ngày, bởi “tập thể” – tên mới mà những người cộng sản dùng – không
thể ngồi đó lâu hơn vì chả lẽ cứ ngồi đó mà ngáp và không làm gì cả cho
hết ngày? Vì vậy, để tránh khỏi sinh ra ức chế vì cả ngày không việc gì
làm, những ngưởi cộng tác với tôi yêu cầu tôi khai tâm cho họ về chủ
nghĩa Maxist. Không có gì làm họ khó chịu bằng phải nghe những điều đần
độn về chủ nghĩa Maxist vả những cái ngạo mạn chỉ đáng cho cái tát vào
mặt. Tôi bảo đảm cho những người nghe là nhiều kẻ nói về Marx nhưng chưa
lần nào đọc về Marx, hoặc nếu có cơ may đọc được vài đoạn trong cuốn Tư
Bản Luận thì họ cũng chả hiểu chi. Chứng cớ là những người Marxist dày
dạn đã phạm những sai lầm ghê gớm gây khổ đau cho dân tộc, kéo theo sự
nghi ngờ về sự hiểu biết của họ về cái học thuyết mà họ đang theo.
Khi mà tôi không có một mảnh bằng hay đạt một trình độ nào về học
thuyết Marxist, tôi cảm thấy không thoải mái khi can thiệp vào lãnh vực
chuyên môn của các Tiến Sĩ về chủ nghĩa Marx. Tôi cố gắng giới hạn trong
việc thoả mãn trí tò mò của mấy người cộng tác. Tôi trình bày vấn đề
bằng cách đặt ra những câu hỏi mà họ có thể dễ dàng trả lời. Nhờ đó qua
cách gợi ý tôi đã chuyền cho họ một chút hiểu biết về chủ nghĩa Maxist
qua hơn mười năm trong kháng chiến. Tôi nói rõ ràng với họ là hiểu biết
về chủ nghĩa Marx của tôi chỉ là một tẹo nhưng cũng đủ để lật mặt nạ
những kẻ dốt hay nói chữ như Trissolin [2] hay tháo gỡ những sai lầm do
những người Marxist có bằng cấp.
Thời gian trôi qua. Đảng vẫn chần chừ trì hoãn quyết định đóng hay mở
Trường Luật. Tôi hiểu những ngập ngừng này. Trong nhiều năm làm việc ở
các cấp Toà Án và làm luật sư chỉ định của Chính Quyền, và nhờ việc phải
theo dõi tiếp xúc thường xuyên với những cán bộ có trách nhiệm, tôi có
dịp quan sát thấy sau cung mê tiềm thức của họ là một sự hãi sợ tột đỉnh
về Luật Pháp. Xưa kia, trong thời hoạt động bí mật, những người đi làm
cách mạng đã có những ngày đen tối với chế độ xử án của Thực Dân và
những quan toà của nó. Vì vậy, họ kết bè với nhau với những ngày hy sinh
và cực khổ trong hệ thống xét xử mà họ cho rằng đó là công cụ kềm kẹp
trong tay của bọn tư bản. Tuy nhiên nếu họ chịu đào sâu tìm hiểu về hệ
thống pháp lý và các bộ Luật của Liên Xô, thì họ sẽ thấy những công cụ
trấn áp quần chúng lao động cũng hoàn toàn có thể biến thành những
phương tiện bảo vệ Nhà Nước và Cách Mạng chống lại giới tư sản phản
động. Họ chỉ cần thay người và mục tiêu.
Nhưng theo tôi, người cộng sản ghét pháp luật có một lý do sâu xa
hơn. Có nhiều quan điểm thật khác nhau giữa những con người làm chính
trị và những con người chăm lo Luật Pháp, họ khác nhau về thói quen tâm
lý và khác nhau cả về tư duy.
Chính trị là một lãnh vực mà mọi biên giới đều mờ nhạt mà một người
có thể vượt ngang qua không chiếu khán và thường khi không biết luôn cả
việc có biên giới hay không. Đó là một vùng đất đầy những đồi cát mà gió
có thể làm biến dạng tuỳ thích, có những đầm lầy cần phải tránh để khỏi
một cái chết bị ngập lún. Đây là nơi mà sự nhập nhằng là kẻ chiến
thắng. Cái không chính xác về hành động và ngôn ngữ đã tạo cơ hội cho
những diễn dịch khác nhau, nhiều khi mâu thuẫn lẫn nhau. Kẻ phải phiêu
lưu vào đó phải tránh chuyện logic, sự sáng sủa và chính xác, chỉ phải
nghĩ đến những việc ở thời hiện tại mà quên đi những gì liên hệ đến quá
khứ hay tương lai, phải gạt bỏ những chuẩn mực đạo đức hay tình cảm và
trên hết thảy, phải hành xử với một thái độ cơ hội chủ nghĩa sắc bén và
linh động.
Vùng đất của Luật Pháp, ngược lại, được bao bọc bởi núi và sông như
những đường ranh giới tự nhiên. Ở đây chỉ có cái chặt chẽ của hình học,
của logic thuần lý, sự chính xác của phép tính theo tinh thần Descartes
và của một sự rõ ràng minh bạch. Giữa sự hợp pháp và bất hợp pháp là một
đường phân rõ ràng như giữa trắng và đen. Ngôn ngữ của Luật thể hiện
những ý niệm, ý kiến, định nghĩa từng nội dung và không chấp nhận những
vùng khuất trượt lướt chung quanh, những lập lờ chữ nghĩa, những giải
thích đầy phù phép và lừa gạt đưa ra. Những tranh luận về Luật kéo theo
những đụng độ về ý kiến nhưng phần thắng luôn đến từ những lý luận đặt
cơ sở trên nguyên tắc của Luật Pháp, trong những bài viết không còn
những từ ngữ rỗng tuếch và còn tranh chấp đúng sai trong cái sự thanh
thản của biện chứng, dưới ánh nắng lạnh lùng của lý trí.
Vì thế, sự đối kháng giữa chính trị và luật pháp là không thể nào
giải quyết được. Trong khi nhà chính trị muốn khẳng định chủ nghĩa duy ý
chí thì nhà Luật học lại chiếm ưu thế về sự hợp lý. Một phe thì luôn
đặt vấn đề một cách cụ thể, phân tích từng yếu tố của sự việc, xem xét
những tương quan và những tác động qua lại, tìm chọn tất cả những giải
pháp để rốt cuộc chọn lấy giải pháp tối ưu và có lợi nhất, và dùng tất
cả quyền hành trong tay để thực hiện nó. Loại người đó không hề bị ràng
buộc bởi bất cứ nguyên tắc, nghĩa vụ hay niềm tin nào. Họ tự do như
những con ngựa hoang trên cánh đồng cỏ mênh mông, tàn phá như những cơn
bảo hung tàn đang giật tung những mái ngói và nhận chìm những con tàu
chìm sâu vào lòng biển khơi. Dựa vào hoàn cảnh thuận lợi, nhà chính trị
đã chơi xả láng con chủ bài của mình và biểu thị một lòng ham muốn vô
giới hạn. Nhưng cơ hội của họ lại va chạm đến tính cứng nhắc của hệ
thống tư pháp và những qui điều trong Luật. Vì thế họ muốn quét bỏ hệ
thống tư pháp và nhảy xổm lên trên Luật Pháp; nhưng dầu thế nào họ cũng
đã có một nền tư pháp đang ngủ yên và quên lãng trong Kháng Chiến, nơi
mà chính phủ chỉ nói chuyện với cỏ cây thú rừng khi mà những người theo
kháng chiến với tấm lòng yêu nước và chỉ lo thi hành bổn phận, không dám
quấy rầy giấc ngủ của lãnh đạo.
Nhưng tất cả đều trở nên xáo trộn sau ngày trở về Hà Nội. Ở đây là
thái độ một thành phố thu mình không còn nhộn nhịp và ngay sự yên tĩnh
cũng gây khó chịu cho chính quyền mới. Thái độ như thế biểu dương một
tinh thần tôn trọng Luật Lệ. Bất cứ khi nào quyền lợi của họ bị xâm
phạm, lập tức người dân đến gõ cửa Luật Sư và Luật Sư Đoàn như những
thành trì của công bằng và Công Lý. Để chứng tỏ thiện chí, chính quyền
cộng sản đã không thấy gì trở ngại để giữ lại Luật Sư Đoàn khi mà những
Thẩm Phán xử án đã được thay thế bằng những người do Đảng đào tạo và
giáo dục, và chính những người này là những người quyết định kết quả của
mọi vụ án. Sau ngày tiến vào Hà Nội, trong khi những chuyện có tính nội
bộ như thế có thể giải quyết dễ dàng, thì ngoài những nước anh em, Việt
Nam còn phải nối quan hệ với các nước tư bản. Những nước này là những
nước thượng tôn Pháp Luật và chỉ chịu ký kết những hiệp định phù hợp với
khung pháp lý. Bên cạnh đó, những định chế quốc tế hay những tổ chức
nghiên cứu rất kỷ về Việt Nam, họ có khả năng giúp Việt Nam hưởng những
trợ giúp của họ và đồng thời cũng quy trách được nếu Việt Nam phạm những
sai lầm. Bằng con đường quốc tế, những quy điều của Luật đã mạnh mẽ đi
vào Việt Nam và nhà cầm quyền bắt buộc phải quan tâm đến.
Sau Điện Biên Phủ, ai cũng biết rằng Hiệp Định (Genève) chia đôi Việt
Nam ra thành hai phần: phía Bắc do Nhà Nước Cộng Sản nắm, phía Nam do
chính quyền thân Mỹ Ngô Đình Diệm nắm. Mặc dù rất đúng Luật về mặt hình
thức, Hiệp Định Genève đã xâm phạm quyền của một dân tộc từ ngàn xưa đã
luôn luôn sống trên một Đất Nước duy nhất. Từ rất sớm, khởi nghĩa vũ
trang đã được tổ chức trên cả vùng chống lại nhà cầm quyền, khởi đầu cho
những bước thống nhất Đất Nước. Để phản công, nhà cầm quyền phía Nam đã
bắt cầm tù một số trí thức như Luật Sư Nguyễn Hữu Thọ và giáo sư Phạm
Huy Thông, kết án họ là những người cầm đầu cuộc nổi dậy, và tiến hành
việc đàn áp đẫm máu những người mà họ cho rằng nuôi dưỡng những khuynh
hướng nhằm thống nhất Tổ Quốc.
Chính nghĩa thống nhất Đất Nước phải được biện hộ trước diễn đàn quốc
tế; dư luận quốc tế phải được thông tỏ chuyện gì đang xảy ra ở miền Nam
Việt Nam. Năm 1956, Hiệp Hội Luật Gia Dân Chủ triệu tập hội nghị thế
giới ở Thủ Đô Bruxelle của Bỉ. Trước cơ hội thật lớn lao đó, nhà cầm
quyền (phía Bắc) liền tổ chức một đoàn đại diện để đi tuyên truyền cho
chính nghĩa của mình. Trong cương vị là Chủ Tịch Luật Sư Đoàn và là Phó
Chủ Tịch Hội Luật Gia Việt Nam tôi được giao phó làm trường đoàn, cùng
với Luật Sư người Công Giáo Nguyễn Huy Mân là Hội Thẩm, đồng thời là Chủ
Tịch Toà Án Quân Sự và cũng là một quan chức cao cấp của Đảng. Nhiệm vụ
của chúng tôi là làm sao được Hội Nghị đưa ra nghị quyết ủng hộ Dân Tộc
quyền đấu tranh để thống nhất Đất Nước.
Khi chiếc máy bay Sabrina (Tây Ban Nha) đáp xuống phi trường cũng vừa
lúc hoàng hôn. Một thư ký Hôi Nghị đón và đưa chúng tôi về khách sạn.
Sau khi tắm rửa và thay quần áo, chúng tôi xuống phòng ăn rộng mênh mông
và lộng lẫy sáng chói. Tất cả những chiếc bàn tròn được phủ những chiếc
khăn không một vết nhơ trang trí với những bình hoa đều có khách ngồi.
Chúng tôi là những kẻ đến sau cùng để chiếm cái bàn duy nhất còn lại.
Sau bữa ăn, chúng tôi vào phòng khách và được một đoàn tiến gần tiếp
cận: đó là đoàn của Bắc Triều Tiên. Chúng tôi làm quen thật nhanh chóng,
hai đất nước chúng tôi có số phận giống nhau.
Đoàn chúng tôi chia nhau mỗi người đi gặp một đoàn bạn để tranh thủ
cảm tình cho chính nghĩa của mình. Cá nhân tôi, tôi đã tìm gặp ông Chủ
Tịch Luật Sư Đoàn Bruxelles và thảo luận với Chủ Tịch Đoàn của Đại Hội
nhằm đưa vào nghị trình vấn đề của chúng tôi. Họ từ chối một cách rất lễ
độ là chương trình đã đầy không còn thời gian trống, và hơn nữa Hội
Nghị đã định cho mình sứ mạng gìn giữ Hoà Bình và không ủng hộ bất cứ
một cuộc khởi nghĩa võ trang nào, dù là có chính nghĩa. Tôi vẫn không
mất can đảm, vẫn tiếp tục tranh thủ những trưởng đoàn các nước, những
người mà tôi cho rằng là có trình độ trí thức cao, những người mà tôi
cho rằng có một ảnh hưởng nhất định, là việc đưa vấn đề cực kỳ thiết
thân của chúng tôi vào nghị trình là một việc cần thiết. Những cố gắng
ấy cuối cùng cũng được đền đáp bằng một thành công thật may mắn: vấn đề
của Việt Nam được đưa vào nghị trình nhưng được sắp vào lúc cuối cùng
của Hội Nghị. Chúng tôi thật nản lòng. Kinh nghiệm những hôi nghị quốc
tế như thế này, càng lúc vào phút cuối, phần lớn các đoàn là đã tranh
thủ lo vé máy bay, sửa soạn hành lý đề đi về. Quả thật chúng tôi thật
nặng lòng và buồn phiền chờ buổi kết thúc hội nghị. Chắc chúng tôi tham
dự Hội Nghị lần này là mất công toi. Chúng tôi phải ăn nói ra sao với
lãnh đạo đây?
Một bất ngờ đã xảy ra. Sau khi bài tham luận chót được đọc thì đoàn
Việt Nam được mời lên điễn đàn. Chúng tôi thật tình không chờ đợi một cử
chỉ lịch sự như thế vào lúc chót. Tôi liền lên bục ngay sau khi Chủ Toạ
Đoàn loan báo hội nghị được kéo dài thêm mười lăm phút. Lòng tôi thật
vui sường và tim tôi đập loạn xạ… Bằng giọng nói đầy xúc cảm, tôi bắt
đầu trình bày luận đề.
Đấu tranh, dù là có vũ trang, với mục tiêu loại bỏ sai quấy hay trừ
bỏ bất công, đàn áp, hành động man rợ, hay để loại bỏ những chướng ngại
ngăn cản sự tiến bộ của hoà bình là cái mở đầu, là giai đoạn đầu tiên
cho một ngày kiến tạo và gìn giữ hoà bình. Danh ngôn của Hy Lạp đã nói
muốn có hoà bình phải chuẩn bị chiến tranh. Phải chăng là không có mâu
thuẫn giữa chiến tranh và hoà bình, khi mà chiến tranh xâm lược đã giết
chết hoà bình, mặt khác, chiến tranh có chính nghĩa là để giành được hoà
bình, gìn giữ và bảo vệ nó. Chỉ có kẻ ngây thơ và trẻ con mới tin rằng
chiến tranh là đối ngược với hoà bình, là hai mặt đối kháng lẫn nhau
không thể nhân nhượng như thể giữa đêm và ngày. Ai có thể chấp nhận một
quan điểm mơ hồ như thế? Tôi đã mang hết những lý lẽ tình cảm, chủng
tộc, lịch sử, ngôn ngữ, kinh tế và xã hội để vận động cho chính nghĩa
của Dân Tộc Việt Nam.
Trong phần kết, tôi trình bày với người nghe bằng những ý như sau:
“Thưa các bạn Ba Lan và Hung Gia Lợi, mới ngày hôm qua, các bạn đã đau
khổ nhìn quê hương bị chia năm xẻ bảy; thưa các bạn người Hàn và người
Đức, các bạn cũng đau đớn chịu nỗi bất hạnh như thế. Nhưng các bạn may
mắn hơn chúng tôi là không phải thấy với chính mắt mình những nét mặt
đau đớn, được nghe tận tai tiếng thét của những người, có cùng dòng máu
chảy trong huyết quản, có con tim cùng chia sẽ những buồn vui với bạn,
phải quằn mình đau đớn dưới bàn tay của những kẻ đao phủ.”
“Tôi không biết, trong số những người đang nghe tôi ngày hôm nay, có
ai đã, vì bó buộc của nghề nghiệp, phải tận mắt chứng kiến cảnh thân chủ
của mình bị hành hình. Đó là thời Thực Dân chiếm đóng. Toà Án Hà Nội đã
chỉ định tôi làm Luật Sư bào chữa cho một tên cướp biển người Hoa bị án
tử hình, ngưởi này ở vịnh Hạ Long đã giết hơn mười hành khách trên một
chiếc tàu. Tôi được chỉ định bào chữa cho hắn và phải có mặt khi hắn bị
hành hình. Bản mặt hung ác của nó không làm ai cảm tình, nhưng ánh mắt
cuối cùng khi hắn đút đầu vào máy chém làm tôi thấy tôi nghiệp. Tôi nhìn
nơi khác khi lưỡi dao rớt xuống cắt gọn ngang cổ hắn. Một dòng máu phụt
ra, cái đầu rớt một bên, cái thân một bên rớt vào cái hòm với đầy mạt
cưa”.
“Thưa các bạn, cái máy chém đó, có từ thế kỷ trước. Nó chẳng những
được dùng để chém đầu những kẻ phạm tội ác, mà còn dùng để chém đầu
những người con yêu nước đang đấu tranh để thống nhất Tổ Quốc, để khủng
bố dân lành và để trấn áp lòng yêu nước của họ.”
“Và cầu Hiền Lương với tên gọi mang âm hưởng tử tế như thế lại là cây
cầu chia cắt Việt Nam thành hai miền, phải chăng đó là lưỡi dao nhọn
đâm thẳng vào da thịt của người dân, chia tách gia đình ở hai bên bờ
không thể nhìn nhau với con mắt đầy lệ. Giòng sông không còn là nước
chảy mà mang trong lòng nó những giòng nước mắt của phân ly, những giòng
máu của những người can đảm vượt sông để rồi ngã xuống bởi những viên
đạn bắn từ những con Tàu tuần cao tốc.
Các bạn đồng nghiệp thân mến, trong suốt thời gian hành nghề, chúng
ta ít nhất đã một lần chứng kiến cảnh chia tay của một cặp vợ chồng.
Trong buổi hoà giải đầu tiên ở Toà, chắc các bạn đã không bao giờ quên
nét căng thẳng của hai cha mẹ, và hơn thế nữa ánh mắt sợ hãi và đầy nước
mắt của những đứa con hết nhìn cha rồi lại nhìn mẹ, hết nhìn mẹ rồi lại
nhìn cha, chúng cảm thấy đau đớn trước thảm cảnh chia lìa của mẹ cha,
trước sự sụp đổ của hạnh phúc gia đình, bi kịch của một sự đau khổ đã
quét đi một gia đình mà chỉ mới hôm trước đây chung sức xây đắp một gia
đình đầy ắp tiếng cười vui, nhưng ngày mai đây, mỗi người sẽ ngồi khóc
trầm lặng trong một góc của mình trước nỗi bất hạnh không thể nào cứu
vãn. Làm thế nào người thầy cãi chúng ta lại có thể dửng dưng trước một
gia đình tan vỡ, nhất là khi cái gánh nặng buồn đau lại đổ trên vai của
những đứa con?”
“Hơn thế nữa, các đồng nghiệp thân mến, không phải chỉ có một gia
đình bị tan vỡ mà hàng triệu gia đình đang kêu than và khổ não. Vĩ tuyến
17 không chỉ là một đường biên vô hình hay một đường chia tự nhiên của
địa hình, mà là một làn sóng phóng đi những tiếng kêu van, trách móc và
than khóc của hàng triệu người bị buộc phải xa lìa nhau mà không hề biết
tại sao, sự tàn ác của những người đã bắt họ phải chịu đọa đầy vì cách
chia và cô quạnh. Làn sóng đó cũng phát đi những tiếng uất hờn và hận
thù của hàng chục ngàn người con yêu nước đã phải chết gục dưới làn đạn
hay máy chém, duy nhất chỉ vì họ muốn sống trong một đất nước thống
nhất, cho họ và cho người khác!”
“Tôi vừa phát âm lên một từ ngữ thiêng liêng: Hoà Bình. Chúng ta tập
trung với nhau ngày hôm nay ở đây là để gìn giữ Luật Pháp và Hoà Bình.
Nhưng ở Hội nghị này, người ta đã nhân danh Hoà Bình đó để từ chối ghi
chuyện của Việt Nam vào chương trình nghị sự. Một vài đồng nghiệp, chắc
chắn là rất thiện chí, lại quan tâm đến chữ nghĩa hơn là ý nghĩa sâu
thẳm của hai chữ Hoà Bình, đã cho rằng mọi đấu tranh có vũ trang không
thể được Hội Nghị ủng hộ vì chúng ta phải bảo vệ Hoà Bình. May mắn thay
họ đã nghĩ lại đúng lúc và lương tri đã thắng: chúng tôi đã đứng đây,
trên diễn đàn này để mong mọi người quan tâm sâu sắc và ủng hộ những cố
gắng của Việt Nam chúng tôi nhằm kiến tạo Hoà Bình và thống nhất lại Tổ
Quốc.”
“Chúng tôi thấu hiểu rõ ràng rằng, qua quá nhiều hy sinh mất mát
trong Thế Chiến Thứ II, chịu đựng tàn phá cùa bom nguyên tử, sống những
ngày như sắp tận thế, nhân loại trở nên tê liệt vì sợ hải, lại càng cảm
thấy nhu cầu khẩn thiết được sống trong Hoà Binh và lại càng muốn gìn
giữ nó! Nhưng sợ hãi đã trờ thành nổi ám ảnh, mâu thuẫn giữa Chiến Tranh
và Hoà Bình đã được đơn giản hoá, bình dân hoá và càng trở nên mù mờ,
từ đó cái định kiến Chiến Tranh và Hoà Bình là hai mặt đối kháng lại
càng được củng cố. Cách suy nghĩ đó đã cản trở lối suy nghĩ biện chứng
cho thấy quan hệ qua lại hai chiều của chúng. Người bình dân thường hay
bám vào vào những suy nghĩ hời hợt của vấn đế, họ cũng thường hay lập
nên những rào ngăn không thể vượt giữa ngôn từ, chữ này chối bỏ chữ kia.
Bổn phận của chúng ta là phải vượt qua cách suy nghĩ chỉ nặng phần ngữ
âm và cú pháp, để đào sâu từng ý nghĩa sinh động trong nội dung từng câu
chữ, nhận thức chúng qua thực tế cụ thể và sinh động. Chúng tôi lúc nảy
có nói đến câu danh ngôn Hy Lạp “Si vis pacem, para bellum” [Muốn có
hoà bình phải chuẩn bị chiến tranh], chúng ta không nên hiểu nó như cái
gì gây hại, mà phải hiểu là không có lằn ranh giữa chiến tranh và hoà
bình.”
“Chúng ta nhớ rằng năm 1938, ông Neville Chamberlain đã ký kết Hiệp
Uớc Munich và tuyên bố rằng hoà bình đã được cứu vản! Sai lầm: hiệp ước
đó chỉ là là một báo trước cho cuộc chiến xảy ra một năm sau đó! Ngược
lại, một cuộc chiến với chính nghĩa và hợp pháp chống lại kẻ xâm lăng
dành lại độc lập cho Tổ Quốc và tự do cho Nhân Dân, chấm dứt sự chia cắt
hai miền, biến nước mắt vì khổ đau thành nước mắt của mừng vui là có
phải chăng là một cuộc chiến báo hiệu cho một nền hoà bình công bằng,
vững bền và thật sự, nó đoàn tụ những gia đình ly tán, chấm dứt việc
khóc than của những kẻ vô tội, làm những nụ cười khô héo nở hoa trở lại
trên môi, mang lại hạnh phúc và hy vọng cho trái tim, tìm được niềm vui
của cuộc sống, được tái sinh trở lại như một con người. Trong ngôn ngữ
của nhân loại, hay ít nhất là của chúng tôi, cuộc chiến đó tên gọi là
Hoà Bình.”
“Không phải bổn phận của chúng ta, những Luật Sư Dân Chủ, là làm dễ
dàng cho việc thiết lập nền hoà bình như thế trên thế giới bằng cách ủng
hộ những cuộc đấu tranh để có một kết thúc thực mỹ mãn. Cho phép tôi
được nêu vấn đề để mong quí vị quan tâm. Tôi hy vọng rằng khát vọng của
dân tộc tôi sẽ không bị biến thành thất vọng và tôi hy vọng nhận được
những giúp đỡ động viên của quí vị để giúp dân tộc tôi cống hiến nhiều
hơn nữa”.
Những cố gắng đã mang lại thành công mỹ mãn và chúng tôi đã đạt được những gì mà dân tộc mong đợi.
Trên đường về nước chúng tôi đã được đoàn Sec mời ghé thủ đô Prague để dự vài buổi làm việc chung. Chúng tôi nhận lời.
(Còn tiếp)
Nguyễn Mạnh Tường
Nguyễn Quốc Vĩ chuyển ngữ
Nguyễn Quốc Vĩ chuyển ngữ
No comments:
Post a Comment