Đối thoại với Luật Sư người Séc
Tiếng Pháp được dùng trong buổi thảo luận với Luật Sư đoàn, và vấn đề
được bàn là một quan tâm rất lớn của giới Luật gia ở các nước Cộng Sản.
Các bạn chủ nhà bắt đầu cuộc thảo luận.
- Trong một nước mà sự phân quyền được áp dụng, thông qua tổ chức các
Toà Án, quyền Tư Pháp thi hành Luật và chế tài những kẻ phạm pháp.
Nhưng muốn những sinh hoạt Tư Pháp được vận hành tốt và Luật Pháp được
áp dụng, giới Luật gia phải hành nghề với tất cả lương tâm và trách
nhiệm, vì thế bản thân họ không thể tự đứng ra bảo vệ quyền lợi riêng
của mình mà phải nhờ đến sự can thiệp của Hiệp Hội Luật Sư, nhất là vào
những khi họ bị chính quyền tăng cường áp bức trong một bối cảnh xã hội
phức tạp, hay những khi xảy ra xung đột giữa các hội viên với nhau. Vấn
đề nêu ra là để thấy là: chúng ta có cần một sự cho phép của những giới
chức chính trị để được hành nghề Luật Sư hay không?
- Tôi đang ở vị thế mà tôi có thể thoả mãn sự tò mò của các bạn. Ở
Pháp, năm 1931, khi tôi tuyên lời thề trước Toà Phá Án ở Monpellier, họ
không hề đòi hỏi bất cứ hình thái cho phép nào. Để hành xử một nghề tự
do, chuyện xin phép một thẩm quyền nào đó là một điều đáng nực cười vì
nó đã đánh mất quyền tự do của người này. Ngay cả chuyện quốc tịch cũng
không là vấn đề, ít ra là cho những người là công dân của Pháp. Chỉ có
hai đòi hỏi duy nhất: một là phải tốt nghiệp một Trường Luật, để nói
rằng là đã có một trình độ hiểu biết Luật Pháp tối thiểu và điều thứ hai
là chưa một lần mắc tội hình, một lần nữa để nói rằng mình có một đạo
đức tốt.
- Rất có lý. Nhưng tại sao ở những nước Cộng Sản, nhà lãnh đạo chính
trị cho rằng họ phải nắm Hiệp Hội Luật Sư và cho rằng chúng ta, những
người hành nghề phải tuỳ thuộc nơi họ?
- Điều đó có thể giải thích được. Ở một nước Cộng Sản, Đảng tuyệt đối
độc quyền chính trị, nắm giữ mọi quyền hành; theo chủ nghĩa Cộng Sản
giai cấp nắm quyền không bao giờ san sẻ quyền lực cho bất cứ ai khác. Để
mãi mãi nắm quyền, hưởng mọi đặc quyền, kéo dài đến vô tận, khai thác
đến tột cùng của chiều sâu; nói một cách gãy gọn, đây là một chế độ
chuyên chế ở ba chiều không gian, một chế độ chuyên quyền gần như tuyệt
đối, gian xảo nhất, cứng rắn nhất trên thế giới và trong lịch sử nhân
loại. Dưới một chế độ như thế, quyền tự do là một lầm lẫn, một loại bệnh
hoạn cần phải loại bỏ trong dân chúng. Vì vậy, không bao giờ có bất cứ
loại ngành nghề nào là nghề tự do, không có nghề Luật Sư, không có nghề
Bác Sĩ mà chỉ có những người là nhân viên làm việc và ăn lương của Nhà
Nước, phải nhanh chóng thi hành lệnh của họ. Khi mà Đảng và những người
chóp bu không thể có mặt ở mọi lúc mọi nơi để hành xử quyền tuyệt đối
của mình, họ bắt buộc phải nhờ vả đến những người có khả năng, mà khả
năng nếu có, chỉ là khả năng tuân chỉ người chủ của mình một cách mù
quáng và tự động. Hậu quả là những người nắm giữ quyền hành từ cao đến
thấp đều làm việc không với kiến thức hay khả năng cần thiết mà bằng sự
thiếu sót về văn hoá và sự ngu dốt! Ở vài nước, Bộ Trưởng Giáo Dục chưa
hề qua hết lớp Trung Học Phổ Thông, Bộ Trưởng và Thứ Trưởng Bộ Tư Pháp
chưa hề học qua Trường Luật. Trong những hoàn cảnh đó, một Luật Sư Đoàn
chân chính làm sao có thể hoạt động được? Bị lệ thuộc hoàn toàn vào nhà
cầm quyền, Luật Sư Đoàn không thể sinh hoạt theo như truyền thống được.
- Chuyện xảy ra như thế nào?
- Bước đầu, nhà cầm quyền chọn một số người để đưa vào Luật Sư Đoàn:
đa số là những nhân viên hưu trí với một lương hưu chết đói và một vài
người trẻ tốt nghiệp ở những nơi gọi là trường Luật do một số biết nói
chuẩn tiếng Nga và đã học được một vài điều bóng bẩy của Hệ Thống Tư
Pháp Liên Xô. Đám người này là những đầy tớ ngoan ngoãn cho Nhà Nước.
Cùng lúc ấy, những người đau khổ để lộ một vài ý muốn độc lập thì bị
loại ngay tức khắc khỏi Luật Sư Đoàn và bị mất phần lớn, nếu không muốn
nói là tất cả thu nhập. Chỉ nội bao nhiêu đó cũng đủ làm cho họ trở nên
cam tâm thuần phục.
Hơn nữa, cái tên là “kẻ bảo vệ nhân dân” gán cho họ cũng để nhắc nhở
là họ không phải là những Luật Gia với những kiến thức về Luật đang hành
nghề tự do, họ không có quyền hay có những phương tiện vật chất, để mở
văn phòng tư. Họ là thành phần của một đoàn thể có một văn phòng là nơi
làm việc và tiếp thân chủ. Thiên hạ bu những người cố vấn ấy như những
con ruồi bu một tảng đường. Giá phí được định bởi Nhà Nước. Lối tổ chức
này nhằm thoả mãn hai yêu cầu: thứ nhất, nguyên tắc làm việc tập thể
được áp dụng như bất cứ nơi nào. Thứ hai, việc tập thể hoá là có lợi cho
Nhà Nước; họ đưa người của họ và chỉ định Thủ Lãnh Luật Sư Đoàn, dĩ
nhiên người này là một quan chức, hoàn toàn không biết chi về Luật nhưng
lại là một tay cự phách trong việc điều hành, nhất là điều hành quân
đội.
- Tại sao Đảng lại than van về Luật Sư Đoàn?
- Thứ nhất, bất cứ nhà cầm quyền nào cũng bị điều kiện hoá bởi khuynh
hướng chuyên quyền. Nhưng người Cộng Sản lại bị chuyện này hơn ai hết.
Để áp đặt quyền thống trị mà họ rất biết đây là vấn đề hết sức tế nhị,
chính quyền cộng sản đã sáng tạo ra muôn vàn thủ đoạn bằng cách đưa
nhiều người ngoài vào tổ chức, có khi số người ấy lại nhiều hơn là người
của chính tổ chức. Bằng cách trộn lẫn người trong người ngoài như thế
trong một tổ chức quần chúng, Đảng kiểm soát họ dễ dàng hơn, hiệu quả
hơn và gặt hái thành quả của một khối nhân sự mà trong đó có tay sai của
mình. Những tay sai như Angus và Ceberus. Bên cạnh đó, bằng cách cấm
cản người của họ dùng lý trí và ngôn từ, Đảng đã hạ họ xuống hàng động
vật, nhồi nhét họ những phản xạ để biến họ thành những người máy. Chẳng
phải không có lý do mà bà phù thuỷ Circé đã biến tù nhân của bà ta thành
những con heo được phú cho tài năng duy nhất là biết nhảy qua chiếc
máng ăn khi nhận hiệu lệnh. Tất cả các tay nắm quyền đều chung mơ ước là
có được chiếc đũa thần của thầy phù thuỷ.
Nhưng, nếu Đảng áp dụng biện pháp khắt khe trên giới Luật gia, trước
hết là vì họ là người trí thức và là đối tượng ghét hận của những kẻ
chuyên quyền, vì Luật gia là người có cái đầu để suy nghĩ và có cái mồm
để nói, hai thuộc tính gây ác cảm nơi kẻ cầm quyền, làm phức tạp cho
công việc và gây xáo trộn cho kế hoạch của họ. Hơn nữa, trong giới trí
thức, giới Luật gia lại càng nổi trội với kiến thức về Luật, thông thạo,
thường nắm vững những hội nghị và những cuộc phê bình, và còn hơn nữa
là họ có ý thức về tư cách, danh dự và trách nhiệm. Họ tự mình đặt vào
vị thế tương phản với những con người máy khúm núm nịnh bợ với những kẻ
chuyên quyền. Từ đó, trong khi tác nghiệp bảo vệ quyền lợi thân chủ
trước các cấp Toà Hình Sự, rất thường khi, họ trở nên có thái độ khinh
thường, ngay cả láo xược trong những lúc kình chống lại hệ thống Pháp lý
của công quyền hay các cấp lãnh đạo chính trị. Đối với quần chúng,
trong khi những nhà “bào chữa nhân dân” luôn vạn lần cúi đầu, thì giới
Luật gia đứng thẳng trên tầm vóc của mình, gây sự chú ý và vì thế đã trở
nên đối tượng bị ghét hận của giới cầm quyền. Họ theo mẫu mực của La
Bruyère và chấp nhận đứng về phía của Nhân Dân.
- Có thể nói là giới Luật Sư là một thành phần riêng của thế giới người trí thức?
- Thượng Đế lại phò trợ cho họ! Họ nắm những khuyết điểm của người
Luật Sư là những người không chịu hy sinh, không nghĩa danh liệt sĩ,
càng không muốn việc thay đổi chính quyền và thường là những kẻ cơ hội
chủ nghĩa. Nhưng là người trí thức, họ lại là những người dân đầy tính
dân chủ chảy trong dòng máu. Tôi nghĩ rằng tôi có thể khẳng định rằng
Luật Sư Đoàn là một tiêu chuẩn của nền Dân Chủ, rằng ở nước nào tiêu
chuẩn đó thắng thế và có một Luật Sư Đoàn chân chính hoạt động, nơi đó
nền Dân Chủ chiến thắng.
- Bạn hãy cho chúng tôi biết nơi nào có một thể chế như thế?
- Rất dễ hiểu. Trong khi tác nghiệp, và có được quyền tự do ngôn
luận, tức là tự do tư tưởng, người Luật Sư sẽ phản đối nạn chuyên quyền
của nhà chức trách, sự bất công của hệ thống pháp chế. Bất cứ chế độ
chuyên chế nào cũng không chấp nhập quyền lực của họ bị đặt vấn đề, chấp
nhận những cái điên rồ của nền pháp lý của họ bị bóc trần. Chỉ có ở
những nước Dân Chủ, người dân mới có thể thấy cảnh đó.
- Nhưng vần đề là làm sao một Luật Sư Đoàn với ý thức trách nhiệm của
mình, gồng mình can đảm để thực thi Dân Chủ đồng thời làm cho guồng máy
chạy?
- Đây là một câu hỏi chính đáng! Luật Sư Đoàn chỉ có thể hoàn thành
một cách có hiệu năng vai trò của mình càng nhiều càng tốt, duy nhất là
phải có một nền Tư Pháp độc lập ghi rõ trong Hiến Pháp và Luật Sư Đoàn
tự mình phải ý thức được trách nhiệm của mình. Toà Án phải là nơi dũng
cảm cũng như là nơi của chính trực và liêm khiết, là nơi luôn luôn có
quyết tâm mãnh liệt trong việc áp dụng Luật và Công Lý mà không dính đến
những hệ luận về bổng lộc hay lợi ích cá nhân do tham nhũng đưa đến.
Toà Án và Luật Sư Đoàn, với danh dự và phẩm giá như là hai đức hạnh
đương nhiên, là hai cột trụ của một nền Dân Chủ.
Toà Án và Luật Sư Đoàn liên kết với nhau trong cùng một cái nhìn về
những ràng buộc của nghề nghiệp, cùng một niềm tôn trọng với Luật Pháp
và Công Lý.
- Nhưng ngành Tư Pháp chỉ chăm lo việc áp dụng Luật và trừng phạt kẻ
phạm pháp. Nó chỉ tiêu biểu cho khoảng một phần ba của một nền Dân Chủ.
- Vả lại, tự bản thân, nó bảo vệ cho nền Dân Chủ nằm trong một cấu
trúc mà nó tham gia. Nền Dân Chủ mà “Chính quyền là của dân, do dân và
vì dân” tự nó là tập trung trong tay ngành Lập Pháp nơi làm ra Luật ; và
ngành Hành Pháp sẽ lo áp dụng Luật. Sự nguy hiểm sẽ xảy ra khi cả hai
đều cùng cho rằng mình có quyền, với những đặc quyền riêng, được đứng
trên Luật Pháp. Nguyên tắc cơ bản của một nền Dân Chủ là mọi người đều
bình đẳng trước Pháp Luật. Hệ quả là ba ngành cùng tồn tại trong một
tương quan “cân bằng và tự kiểm soát lẫn nhau”, tự cô lập mình trong một
cách nào đó khỏi phải đi trật đường, rơi vào xa cách và vào cảnh bên
lề, để giữ gìn cho một chính quyền vì dân và do dân.
Như thế, việc chia ra làm ba ngành (Lập Pháp, Tư Pháp và Hành Pháp)
đã ngăn chận những kẻ độc tài có cơ hội tập trung mọi quyền lực trong
tay một người. Nguy cơ tổn hại về kinh tế, xã hội từ những thảm hoạ gây
nên bởi sự độc quyền về chính trị, nói một cách chính xác, bởi những tay
chóp bu, có thể được tránh khỏi hay có thể giảm đến mức tối thiểu.
Giới Luật Gia Séc rất kinh hoàng khi biết về sự can thiệp của chính
trị và của những kẻ độc quyền vào lãnh vực Luật Pháp, về việc Đảng nắm
hết chính quyền, cám ơn chúng tôi đã giúp xua tan những khổ tâm của họ.
Trước đó họ thấy những tác hại nhưng không làm sao tìm ra nguyên nhân,
lý do là họ sống trong một thế giới bưng bít, không hề nhận được một
thông tin gì từ thế giới bên ngoài, mà chỉ thấy một dân chúng quỳ lạy
suy tôn thần tượng và đồng ca những bài kinh cầu để vinh danh chủ nhân
của họ. Họ thấy những tác hại một cách mập mờ rối rắm, nhưng lại không
làm sao tìm ra giải pháp cho vấn đề. Ít ra, giờ đây họ đã thấy một chút
đại cương về toa thuốc của cơn bệnh đang tàn phá đất nước mà họ là những
người đang chứng kiến. Chúng tôi đã mở mắt và mang cho họ nét đại cương
của một nền Dân Chủ. Chúng tôi đã đốt ngọn nến tò mò của tri thức, họ
sẽ tự tìm thấy những kiến thức với những tìm tòi nghiên cứu. Khi chúng
tôi lên đường, trong lòng chúng tôi mong mỏi rồi đây họ và nhân dân của
họ sẽ được hưởng ánh sáng ban mai của nền Dân Chủ đang chói sáng về phía
chân trời.
Đối thoại với Luật Sư Liên Xô
Ghé Moscova trên đường về, chúng tôi được đoàn Luật Sư Dân Chủ của
Liên Xô đón. Tôi là trưởng đoàn nên được đưa vào khách sạn Metropole,
đối diện với nhạc viện Bolchoï. Căn phòng dành cho tôi được trang hoàng
lộng lẫy với những đồ xưa quý giá. Những ngọn đèn pha lê chiếu hắt trên
những bàn ghế lộng lẫy thời Sa Hoàng, nhưng phòng tắm lại chiếu rực với
những trang bị hiện đại. Một chiếc xe hiệu Zim Zis được dành riêng cho
tôi sử dụng; tôi có thể ngả mình nằm dài trên chiếc ghế phía sau, tha hồ
mà êm ái. Nhưng tôi cũng cảm thấy chiếc xe được lái tới 120 km một giờ
dù rằng người tài xế tỏ ra rất kinh nghiệm và hoàn toàn làm chủ tay lái
của mình. Nhưng, hắn thường nực mùi vodka….
Chúng tôi trở nên tò mò và ao ước được nghe những thông tin về những
vấn đề quan trọng. Nhưng chúng tôi đành phải kềm chế sự tò mò vì lẽ
chúng tôi biết rằng trong thế giới cộng sản, thật không đúng cách khi
đặt những câu hỏi mà người đối thoại cảm thấy rất ngại ngùng khi trả
lời. Luật im lặng được áp đặt cho họ cũng như cho chúng tôi. Vì thế, như
thường lệ, chúng tôi tránh đặt câu hỏi, tự giới hạn mình vào việc nghe
những báo cáo đọc đã được đọc đi đọc lại nhiều lần, những báo cáo chắc
chắn đã được chỉnh sửa bởi những “người trách nhiệm” của Đảng. Ai cũng
có thể nhận biết trước màu sắc, giọng điệu và nội dung của nó. Sau màn
tố cáo chế độ Tư Bản thối nát là phần ca tụng những thành quả của chế độ
Cộng Sản và, đặc biệt là phần một trăm phần trăm hoàn thành kế hoạch
hằng năm và sau hết là phần vinh danh Đảng và các lãnh đạo. Nhưng lần
này, phía chủ nhà Liên Xô đã phá lệ. Thứ nhất, không có màn báo cáo
thành tích của Luật Sư Đoàn. Sau đó là họ đề nghị trao đổi về Trách
Nhiệm của Nhà Nước. Hết sức kinh ngạc, chúng tôi tưởng như đã nhảy văng
khỏi ghế ngồi. Đây là lần đầu tiên mà hai cụm từ Trách Nhiệm và Nhà Nước
được gắn kề, trách nhiệm của Nhà Nước đã được nêu lên. Chúng tôi tự hỏi
phải chăng những ý kiến của Đại Hội lần thứ XX của Đảng Bolchevik đang
nhập cuộc và phải chăng ảnh hưởng của Khrushchev đang thắng thế trên đất
nước Liên Xô. Mặc kệ, chúng tôi thật vui sướng khi được cùng các đồng
nghiệp Liên Xô bắt đầu chung những điều tốt như thế. Không còn gì hấp
dẫn hơn là được lướt đi trên con đường không giống ai và có vẻ dị hợm,
con đường mà chỉ vài năm trước đây đã có thể đưa chúng tôi trực chỉ lên
máy chém hay đi tù ở Siberia!
Người chủ nhà Liên Xô đón tôi với nụ cười.
- Tôi thấy trong mắt của bạn chói sáng một sự ngạc nhiên. Vâng, rất
đúng như thế: chúng ta sẽ trao đổi về Trách Nhiệm của Nhà Nước. Khi
Stalin còn sống, đây là một chuyện cấm kỵ và người ta có thể bị nguy
hiểm dù chỉ ám chỉ nhẹ nhàng đến nó: Nhà Nước không bao giờ chịu trách
nhiệm về chuyện gì… Bây giờ thì chúng tôi bớt bị trói buộc và có thể,
trong vòng giới Luật Gia, có thể bàn cãi khá nhiều vấn đề!
- Chúng tôi chúc mừng ông và rất vui vì điều ấy. Có thể nào, trong
thời gian sắp tới, chúng tôi có thể được tự do và hoàn toàn được tự do
phát ngôn trong những buổi thảo luận của chúng ta?
- Ngay cả ngày hôm nay, chúng ta được ở trong phòng riêng vắng những
đôi tai bí mật muốn nghe những gì chúng ta nói, chúng ta thật có toàn
quyền nói những suy nghĩ của chúng ta.
- Thật là một thời kỳ lạ, một thế giới kỳ lạ! Những Luật Gia lại cư
xử như những kẻ âm mưu đang giấu mình khỏi cặp mắt của công an và gián
điệp. Nhưng họ đang âm mưu vì Pháp Luật và Công Lý. Có những yếu tố giảm
án nếu họ bị bắt và truy tố trước Toà Án.
- Hay đó lại là yếu tố tăng tội khi gặp phải ông quan toà cộng sản hề
khoan nhượng và ai cũng rõ sự không khoan nhượng đó đã cấu thành từ sự
khiếp sợ của họ đối với Luật Pháp và Công Lý.
- Bây giờ chúng ta đang ở trung tâm của vấn đề đấy. Nếu một nhà nước
cộng sản, cũng như trong thời kỳ quân chủ tuyệt đối, đều cho rằng họ
không chịu trách nhiệm về bất cứ hoạt động của họ, thì việc của chúng ta
còn lại là tập trung vào trọng tâm của vấn đề. Con người tự phân biệt
mình với thú vật và cho rằng mình cao hơn thú vật là nhờ ở những đức
tính mà chỉ con người mới có. Nhưng lương tâm, tư cách và danh dự lại
liên hệ đến đạo đức và dính líu đến mỗi cá nhân. Mỗi người càng có nhiều
đạo đức thì càng được nhiều người kính nể. Thiên Đường là nơi thiêng
liêng nhưng nơi ấy thì con người không được mời đến. Trong đời sống xã
hội, nơi mà người chung đụng với người, nơi mà những quan hệ xã hội được
hình thành và tổ chức, mỗi người phải chịu trách nhiệm về suy nghĩ và
lời nói của mình, phải giữ gìn cho chính bản thân, trong nghĩa là không
gây tác hại về quyền lợi vật chất, thể chất cũng như tinh thần cho người
chung quanh. Trật tự xã hội chỉ có thể được duy trì nếu mà bất cứ vụ
phạm luật hay làm thiệt hại cho tài sản người khác đều phải bị trừng
phạt và bồi thường. Như thế trong một thế giới văn minh, chính là cá
nhân và những trách nhiệm của cá nhân là nền tảng để xây dựng xã hội.
Cái nguy hiểm thường trực treo trên đầu nhiều nhà nước trên thế giới
là những kẻ bạo quyền luôn đặt mình trên nhân dân của họ, tự cho mình
những đặc quyền do sự độc quyền mà họ nắm, tự cho mình trên cả Luật Pháp
và tỏ ra vô trách nhiệm. Nói như thế là để nói rằng những ý tưởng và
hành động của họ phải được thảo luận và phê bình, những lỗi lầm của họ
phải bị trừng phạt.
- Kẻ độc tài xem ra giống như vợ của Caesar: tuy không có chi để nghi
ngờ, thế mà Messalina lại phải lang thang suốt đêm khắp thành Roma! Dĩ
nhiên, không có tên độc tài nào lại chối bỏ những trách nhiệm mà hắn
biết rõ là chỉ là những trách nhiệm của trẻ con hay của những người điên
hay mất trí. Những khi đó, ngay đối với những chuyện không được ai nói
đến, cũng không có nghĩa là không có chuyện gì xảy ra. Với một xuất thân
ngu dốt, không văn hoá kẻ chuyên quyền không hề ý thức được những gì
bất bình thường đang xảy ra. Để giành mọi đặc quyền cho mình, họ đưa ra
luận điệu ưu việt: họ tán tụng đã liên hệ được với những người ngoài
hành tinh, họ là “con của Trời”, họ là “người đã được chọn” hay tự cho
mình là chính là Quốc Gia. Louis VIV đã tuyên bố “Quốc Gia chính là ta”.
Bốn thế kỷ sau, trong một buổi nhận huy chương cao quý của dân tộc, De
Gaulle đã tuyên bố “Quốc Gia không tự mình gắn huy chương cho mình”!
- Bằng cách chiếm hữu, một cách không tốn kém và cũng chẳng có chứng
cớ chi, một gốc gác siêu phàm, một thực thể vô hình, bằng cách cho mình
là Quốc Gia, kẻ chuyên quyền tự cho mình đứng trên dân chúng, và vì thế
được miễn trách mọi trách nhiệm. Kẻ chuyên quyền cộng sản hãnh diện là
những người duy vật vô thần thì không kêu rằng họ có nguồn gốc siêu
phàm. Họ cũng chẳng cho rằng họ là Quốc Gia. Chỉ có lực lượng nhân dân
đưa họ lên đỉnh của quyền lực.
Rất thú vị nếu chúng ta cùng nhau phân tích tiến trình này, nó không
giống như tiến trình nắm chính quyền như thời quân chủ chuyên chế.
- Vào thế kỷ 17, ở Pháp, do sự chia rẽ của giai cấp phong kiến và
đồng thời cũng nhờ sự tham lam kinh hoàng của giai cấp tư sản đồng minh,
nền quân chủ đã thắng phong kiến một cách khó khăn (phong kiến vẫn chưa
thừa nhận sự thất bại), quyền lực như tù trên Trời rơi xuống. Biểu
tượng “vua-mặt trời” chỉ là để chỉ sự khao khát của Triều Đình chứ không
có nghĩa là Thiên Đàng hay Ý Trời. Vua Louis XIV tuyên bố “Quốc Gia là
ta!” Nhưng, khi ông ta tự nhận mình là Quốc Gia thì ông ta không hề nhận
là có trách nhiệm với nhân dân. La Bruyère và Fenneton tố cáo dân chúng
nghèo khổ kinh hoàng nhưng nhà vua không hề cảm thấy có trách nhiệm cho
hoàn cảnh đang xảy ra. Câu nói lịch sử mà ông ta nói là chỉ để giữ một ý
đơn giản là ông ta sẽ dùng quyền hành mình để đập tan mọi mầm mống
phiến loạn, tiêu diệt mọi mầm bệnh truyền nhiểm gây chia rẽ và làm tan
rả sự thống nhất còn đang dao động của Đất Nước. Việc lên ngôi của vua
Louis XIV được quy định bởi Luật của Triều Đình, nhưng cuộc xung đột
chính trị với giai cấp phong kiến mà ông ta tiến hành lại được sự ủng hộ
của nhân dân, của giới tài phiệt, giới tư sản trí thức và giới tư sản
nghị viện. Nếu ông ta không phải là nạn nhân của những điều ngớ ngẫn vô
ích của chính ông ta, nếu ông ta có những cái nhìn chính xác và gẫy gọn
về những quyền lợi hiện tại và tương lai, ông ta đã phải dựa vào dân thì
nước Pháp đã tránh được một cuộc Cách Mạng.
Đối với những gì liên quan đến Liên Xô, nhân dân đã thoát những ngày
gian khổ vào cuối triều Louis XIV. Liên Xô đã hưởng vinh quang và sự vĩ
đại của một cường quốc. Nhưng chỉ có Thượng Đế mới biết giá phải trả là
bao nhiêu cho việc này? Sau cái chết của Staline, nhờ những hớ hênh ít
nhiều được dàn dựng, và cũng nhờ những lời kêu than vì đau đớn, tiếng
gầm uất hận của hàng ngàn hàng vạn gia đình, khắp miền Đất Nước, có con
có chồng bị giết, bị tra tấn đến chết trong những trại, những lao tù ở
Siberia, sự thật về Stalin đã được mọi người biết. Chính quyền cách
mạng, vừa mới được xây dựng, còn đang chao đảo, và kẻ thù, trong và
ngoài nước, chỉ mong nó chết đi. Cần thiết phải có một người với nắm tay
sắt để lèo lái những bước đi, để sống còn và phát triển. Kết quả đã
vượt qua những hy vọng. Từ một nước yếu kém, kinh tế yếu kém, chúng ta
đã thành một sức mạnh quân sự đủ sức đánh bại quân phát xít Hitler và
trở thành một trong những nền kinh tế dẫn đầu thế giới. Stalin xứng đáng
được dân chúng tôn sùng vì đã được sống những giờ phút vinh quang của
Lịch Sử Liên Xô. Bất hạnh thay, ông ta cũng phạm những tội ác kinh hoàng
mà hồ sơ chồng chất năm này qua năm nọ.
Tiến trình nắm chính quyền của những kẻ chuyên quyền cộng sản ở Việt
Nam lại là một tiến trình bình thường. Vô số quần chúng ở nông thôn,
được kích động bởi một số người, vỡ oà ra hiểu rõ nỗi thống khổ của
mình: bị bóc lột bởi phong kiến, bị đàn áp bởi thực dân… Ngày 19 tháng 8
năm 1945, dựa vào thế thuận lợi lịch sử của tình hình thế giới, mặt
khác trận đói kinh hoàng đã giết hàng triệu sinh mạng, những người kích
động dân chúng còn sống sót nổi dậy và tiêu diệt kẻ thù, chiến đấu mãnh
liệt để chiếm lấy thức ăn và áo mặc. Mục tiêu rất đơn giản và rõ ràng,
nhưng bọn chuyên quyền đã thất bại và không đạt được mục tiêu tưởng
chừng như ít ỏi đó. Mặc dầu vậy, khẩu hiệu “Cơm ăn, áo mặc” cũng đủ biến
giai cấp nông dân thành kẻ cuồng tín và biến họ thành những kẻ đi theo
cách mạng. Vì thế, cách mạng thành công là nhờ lực lượng quần chúng.
Nhưng phe cách mạng cảm thấy cần chính thức hoá sự thành công của mình
bằng một cuộc bầu cử Quốc Hội. Không thành vấn đề nếu mà tuyệt đại đa số
các đại biểu là thất học, không hề hiểu ý nghĩa của lá phiếu mà họ được
mời tham gia. Họ đến tham gia Quốc Hội theo tiếng gọi của một đợt tuyên
truyền rất chuyên nghiệp và đến bỏ phiếu thế thôi. Thủ tục hình thức
Luật định đã được cứu vãn, nền “Dân Chủ” đã thành hình và những người
làm Cách Mạng hả hê vì đã kết dính sự hợp nhất của họ với nhân dân.
- Còn có những gì cần khác hơn?
- Vẻ bề ngoài như thế là đủ. Nhưng có kẻ còn muốn vượt qua vẻ bề
ngoài để cố gắng nắm cái thực tiễn. Dù không biết đọc, biết viết, nhưng
người ta đã bỏ phiếu và diễn tả rõ ràng ước muốn của mình. Đây là chỗ
hiểu lầm, mà như một số người đã nói, mà thảm cảnh bắt nguồn. Người Cộng
Sản tưởng rằng đã chiếm được trái tim của nhân dân. Nhưng đó chỉ là một
ảo tưởng mà dù sớm hay muộn họ phải dứt bỏ. Lý do hay nhất là, vào
những năm 1945-46, có một số người mà con số không quá mười đầu ngón
tay, từ Liên Xô hay Trung Quốc quay về nước với một mớ mơ hồ và không rõ
ràng về chủ nghĩa Cộng Sản.
- Nhưng người dân đã dùng lá phiếu để bầu cho ai?
- Người ta sẽ trả lời cho bạn là họ bầu cho ông Hồ Chí Minh, họ không
bầu cho con người cộng sản đang giấu mặt kín bưng trong cuộc chơi và
con người đó không hề đả động gì đến việc đấu tranh giai cấp, nhưng, với
dáng dấp một nhà nho truyền thống, với chùm râu không thể thiếu, ông ta
chỉ có một câu nói trên cửa miệng: “Đoàn kết, đại đoàn kết”, có nghĩa
như ông ta đang đặt mình là người đối lập với đấu tranh giai cấp. Một
vài lão thành cộng sản đã xì xầm là ông ta đã từng tự phê bình trước mặt
Stalin! Trong bất cứ chuyện gì, tên Hồ Chí Minh đã trở thành bùa chú để
chống tai ương và mang lại hạnh phúc. Tệ sùng bái cá nhân đã thành
hình, ông ta đã được thần tượng hoá, tên ông ta được dùng khắp nơi,
quyền lực của ông được xử dụng để đưa nhân dân vào thế là người có lỗi
càng nhiều càng tốt [*]. Vì vậy, huyền thoại Hồ Chí Minh chỉ toả ra một ý
nghĩa dân tộc và không cộng sản, trong khi Đảng, cố tình hay vô ý, kéo
cả tấm chăn về phía mình và chiếm hưởng tất cả niềm tin của nhân dân.
- Đây là một sự lập lờ đánh lận con đen nhưng nó bi thảm ở chỗ nào?
- Bi thảm là ở chỗ chính Đảng đã tự lừa dối mình, nghĩ rằng mình có
thể đưa ra những đường lối chính trị trẻ con phát xuất từ bệnh ấu trĩ,
duy ý chí, chủ quan, vi phạm những định luật của khoa học, quay lưng lại
với thực tiễn, những chính sách này sớm hay muộn cũng sẽ đưa Đất Nước
vào sự nghèo túng và đưa nhân dân vào sự đau khổ. Bên cạnh đó, với niềm
tin cho rằng mình là vô địch, Đảng nghĩ rằng mình có thể áp chế nhân
dân, chơi đùa trên sinh mạng của họ, buông lơi Luật Pháp, hành động với
sự tàn ác vô nhân tính như đã xảy ra trong đợt Cải Cách Ruộng Đất, một
kỷ niệm đau buồn không bao giờ quên được trong tâm khảm của người dân.
Vì vậy, vấn đề quan tâm là trách nhiệm của Nhà Nước và chính xác hơn, là
trách nhiệm của bọn chuyên quyền đã thống trị nó.
- Một nghiên cứu về những kẻ chuyên chế trên thế giới trong lịch sử
và qua thời gian đã cho thấy chúng có những nét chung không thay đổi mà
chúng ta cần phải nhớ đến. Thứ nhất, ngay cả trong thời kỳ xưa kia của
nền quân chủ chuyên chính, vai trò của nhân dân luôn luôn là quyết định,
dù rằng họ không đóng vai nổi bật trên chính trường. Mọi cuộc đảo
chánh, mọi cuộc Cách Mạng chỉ có thể thành công nếu được nhân dân đồng
tình ủng hộ. Chủ nghĩa Marx nói đúng khi cho rằng lịch sử là do quần
chúng làm nên. Những học thuyết chủ nghĩa, những lý thuyết đều phát
nguồn từ bộ óc của cá nhân, nhưng hành động, muốn có hiệu quả, lại phải
tuỳ thuộc vào khả năng và sức năng động của quần chúng. Chủ nghĩa Marx
đã dạy điều như thế nhưng những tay chuyên quyền lại hay quên hay không
để ý đến. Những tay chuyên quyền khi đã đạt địa vị thì quay lưng và tự
cô lập mình và xa rời quần chúng, không còn lắng nghe tiếng nói hay lời
than phiền, ước vọng của nhân dân. Chúng gây hại cho nhân dân, chúng bịt
tai thành điếc nên không còn nghe lời than van hay đòi hỏi của nhân
dân, và như thế họ đã tự giết cả chính mình.
Vì thế, cần phải biết rằng có một ràng buộc qua lại giữa kẻ nắm quyền
và nhân dân. Một khi được nhân dân đưa lên đỉnh cao của quyền lực, kẻ
nắm quyền phải có trách nhiệm lo cho quyền lợi của nhân dân, và trong
mức có thể, họ phải làm tăng trưởng quyền lợi của nhân dân theo số lượng
và chất lượng. Một thoả thuận hai bên giữa những kẻ nắm quyền và nhân
dân, dù không bằng văn bản hay lời nói, nhưng dưới dạng hiểu ngầm, căn
cứ trên những truyền thống lịch sử hay xã hội. Ngay khi những kẻ chuyên
quyền vi phạm bổn phận của mình, gây hại cho quần chúng thì lập tức quần
chúng được qưyền huỷ bỏ những ràng buộc về phần họ; kẻ chuyên quyền sẽ
bị nhân dân trừng phạt và có thể bị nhân dân áp đặt án tử hình.
- Hơn thế nữa, trong suốt thời gian nắm quyền, bất kể kẻ cầm quyền
nào cũng thực hiện những chuyện tốt lẫn chuyện xấu. Nhưng dù đã thực
hiện được nhiều chuyện tốt cho dân chúng họ vẫn không thể được miễn
trách cho những chuyện xấu mà họ đã gây ra. Chỉ có nhân dân mới có cái
quyền tối thượng đưa ra phán xét là giữa cái tốt và cái xấu cái nào nặng
hơn cái nào. Nếu cái tốt thắng, thì cán cân nghiêng về phía kẻ nắm
quyền, và họ sẽ được dân chúng biết ơn một cách chân thành, họ sẽ được
đưa vào vinh quang của Lịch Sử mà con cháu đời sau sẽ luôn nhớ! Nhưng
nếu cán cân nghiêng sâu về phía xấu, trong cuộc đời của họ, họ sẽ bị hạ
bệ vứt đi, và sau khi chết, tên họ sẽ bị nguyền rủa muôn đời.
- Trường hợp của Stalin là môt ví dụ điển hình. Ông ta đã thực hiện
được một số lớn chuyện tốt nhưng đồng thời cũng làm một số lớn chuyện
xấu. Nhưng không có ai dám chỉ trích những việc xấu mà Stalin đã làm vì
cái nguy hiểm kèm theo rất cao. Cái tệ hại nhất là hồi ấy người đời
tranh nhau ca tụng Stalin! Bây giờ thì công lý đã có cơ hội để vận hành
những nguyên tắc mà dân chúng đã xây dựng qua những tháng ngày sống
trong đắng cay và đau đớn. Từ nay trở đi, không có kẻ cầm quyền nào có
thể đòi hỏi là những chuyện tốt họ đã làm có thể làm tan biến trách
nhiệm về những tội ác mà họ đã để lại nỗi kinh hoàng trong tâm trí của
người dân lương thiện. Đó là những trách nhiệm có tính hình sự. Có những
tình huống làm nặng thêm hay làm giảm nhẹ tội, nhưng dứt khoát là không
có chuyện miễn tội.
- Đây không phải là chuyện xử tội kẻ cầm quyền, mà là chuyện những
con người phải trả lời về những tội ác mà họ đã làm. Nhưng, khi mà những
sai lầm, hư hại phát xuất từ một chính sách hay đường lối chính trị, sự
tàn phá có thể là gây ra trên bình diện rộng lớn và tan thương, trách
nhiệm của kẻ cầm quyền vẫn được coi là chính trị… Không có gì đáng ngạc
nhiên: trong bậc thang giá trị của con người, mạng sống là luôn luôn cao
hơn những của cải vật chất mà họ nắm trong tay. Mặc dù vậy, đã có những
người bị mất mạng vì sự cẩu thả, vô ý hay có khi vì chủ ý xấu của người
hay một cơ quan của Nhà Nước. Dĩ nhiên, nếu người phạm tội một cách có ý
thức, người này phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi của họ trước
Pháp Luật, nhưng rất nhiều khi họ không có tiền để bồi thường những
thiệt hại cho nạn nhân hay trả tiền cho thân nhân của người bị chết. Nhà
Nước phải chịu trách nhiệm một cách gián tiếp, dựa trên tính liên đới
giữa kẻ phạm tội là người đã hành động trong khuôn khổ trách nhiệm được
nhà nước giao phó. Nếu không, đó là một trách nhiệm tập thể của chính
quyền đã gây ra thiệt hại trong khi thi hành một công việc mà Nhà Nước
hay kẻ cầm quyền trao cho, đã vô tình gây thiệt hại vật chất cho một hay
nhiều công dân, nhà nước phải bồi thường những thiệt hại do nhân viên
của mình gây ra. Ở Pháp, nguyên tắc trách nhiệm hành chánh của Nhà Nước
và của tập thể công nhân viên nhà nước là được công nhận. Có nhiều cấp
Toà Án hành chánh mà cao nhất là Hội Đồng Quốc gia (Conseil d’Etat) mà
quyền cao nhất là có thể huỷ bỏ một phần hay toàn diện những quyết định
hành chánh nếu những quyết định này gây ra thiệt hại vật chất cho công
dân. Rủi thay, tôi nghĩ rằng tôi sẽ không lầm khi phải khằng định rằng ở
các nước Cộng Sản, Nhà Nước chối bỏ việc chịu trách nhiệm hành chánh,
không hề tổ chức những Toà Án Hành Chánh có quyền xét xử Nhà Nước và
những đơn vị hành chánh thuộc quyền của Nhà Nước. Vì thế có những vùng
rộng lớn mà nhà cầm quyền hành xử như vợ của Caesar – theo ý thích và
không sợ ai phán xét. Các cấp cầm quyền cấp dưới và dưới nữa lợi dụng
tình hình này ra sức áp bức và khai thác nhân dân là những người mà họ
tiếp xúc hàng ngày.
Nếu lãnh vực vô trách nhiệm chính trị càng lớn hơn thì hậu quả lại
càng không thể đo lường và sửa chửa được. Nhà Nước chỉ là bàn tay nối
dài của Đảng và con người lãnh đạo Đảng chính là người đang nắm trọn
quyền lực. Nhân dân không là gì hết, tiếng nói của họ đã bị bịt kín. Tất
cả những bộ phận của Nhà Nước là gồm những con người của Đảng hay những
người toàn tâm toàn ý với Đảng; tất cả cái giống người này chỉ có cái
lưỡi gỗ và cái lưng cong cúi luồn với chủ. Trong những điều kiện như
thế, làm sao có được những tiếng nói dấy lên để đòi truất phế và thay
những kẻ bạo quyền, hay ít ra là để đưa ra những đề nghị, những ý kiến
để làm đứng lại cái xe đang lao mình với tốc độ kinh hoàng về phía hố
sâu của sự xấu? Mọi chuyện được quyết định từ hậu cung của Đảng, nơi
Thần Bí nhất của Thiên Cung, bao quanh bởi một vòng thành kín bưng như
Vạn Lý Trường Thành bên Trung Quốc!
Người ta không thể nói chuyện về trách nhiệm, về Luật Pháp đối với
chuyện một con cọp đang sẵn sàng ăn tươi con mồi trước mặt. Chưa bao giờ
trong lịch sử con người mà lưỡi tầm sét của Thần Zeus - tức cái búa của
Thiên Lôi - cùng với cây gậy thần của Circé lại nằm cả trong tay của
một người, làm thành một bộ máy thống trị và áp bức cực kỳ hoàn hảo, một
bộ máy chuyên dùng khủng bố làm chất nhờn bôi trơn những trục máy! Hơn
nữa, ít nhất là cho tới ngày hôm nay, chưa có một tên bạo quyền cộng sản
nào đã bị nhân dân xét xử và kết án. Chúng nó chỉ chết trên giường. Nếu
tiếng nói nghe được ngoài hành lang của phòng xác, thì không phải là
tiếng nói để vinh danh mà là tiếng nói dành nhau xé cái xác lạnh lẽo
kia, và có thêm chăng là những tiếng hét xem ai là kẻ sẽ thay thế vào
chức của hắn.
Phân tích của chúng tôi đưa đến kết luận là bạo quyền không bao giờ
chịu trách nhiệm về những hoạt động của họ trong cả ba ngành Hành Pháp,
Tư Pháp và Lập Pháp. Phải hiểu rằng tình trạng vô trách nhiệm của những
người chủ nắm quyền là do, trước nhất là những thủ đoạn tinh vi để kềm
kẹp và áp bức của họ, thứ hai cũng phải kể đến tình trạng ù lì của dân
chúng. Khi tiếng nói bị ếm nhẹm thì trong lòng trở nên sôi sục uất hận,
nhưng dù thế, chưa có một ai dám chịu trách nhiệm với quê cha đất tổ mà
giương cao ngọn cờ khởi nghĩa. Trong nhiều thế kỷ, người phương Đông đã
quen sống trong một nồi hơi ép mà kẻ cầm quyền nắm giữ sức nóng và sức
ép, đã thành công biến nhân dân thành những kẻ không còn nghị lực, trở
thành lãnh đạm và dững dưng trước mọi thứ và mọi người. Tinh thần trách
nhiệm là một thiếu sót lớn nhất trong quần chúng. Giới quan chức làm
gương, lạm dụng quyền hành, phù phiếm, ăn cắp của công, tham nhũng và
lạm quyền. Mẫu mực của quan chức này lại được các thuộc cấp noi theo.
Trong các bệnh viện, có người bị chết chỉ vì không có tiền hối lộ cho
những người được trả tiển và lẽ ra là phải có bổn phận lo cho bệnh nhân.
Trong các kỳ thi và thi tuyển, đề thi được bán cho bất cứ ai chịu trả
tiền. Mọi thứ đều có thể xảy ra. Tinh thần vô trách nhiệm như ngọn gió
thổi trên toàn đất nước và kỷ lục của sự phạm pháp và sự vô liêm sĩ luôn
luôn bị phá. Sự vô đạo đức cười nhạo sư vô tội và lương thiện.
Sự vô trách nhiệm của giới cầm quyền, trong mọi lãnh vực chính trị
lẫn hành chính, không phải là điều bất thường. Nó tròng lên xã hội vòng
vương miện của sự dơ bẩn.
- Chúng tôi đồng ý với bạn. Nhưng từ đó bạn muốn đi tới đâu?
- Chúng tôi muốn nhấn mạnh là ác quyền không thể thắng mãi mãi. Chúng
tôi không muốn mình là kẻ thầy bói hay nhà tiên tri. Nhưng cuộc đời đã
dạy chúng tôi một bài học biện chứng: cùng tắc biến – từ cái xấu cái tốt
sẽ đến. Bất cứ khi nào cái xấu đã đến tột cùng của nó thì tự nó sẽ làm
phát sinh ra giải pháp trị bệnh cho nó.
- Bạn hãy giải thích thêm để cho chúng tôi có lý do để hy vọng.
- Không có gì là ma thuật ở đây. Các nhà cách mạng Việt Nam hô hào
thúc đẩy nhân dân đứng lên tham gia kháng chiến vì đã làm cho họ thấy
xấu hổ là đã không làm gì. Con giun sẽ quằn mình nếu bị ai giày xéo lên
nó. Cho đến lúc nào con người, ngay cả kẻ hèn hạ nhất, vẫn còn tiếp tục
còn chấp nhận bị phong kiến bóc lột và Thực Dân đàn áp?
Những tiếng nói hô hào như thế quở phạt những người đang trùm chăn
trong sự thờ ơ, hèn nhát. Hãy để lúc “chín muồi” đến. Như trận đói năm
nào làm vương vãi những xác người chết đói đen kịn trên ruộng vườn và
trên những con đường làng. Tất cả sự khốn cùng và sự chết đang ép lên
những con người còn trơ xương thì họ sẽ đem hết sức tàn mà tấn công tận
sào huyệt của phong kiến và thực dân. Cách Mạng đã ghi nhận một bàn
thắng không thể chối cãi được.
Tới đây, chúng ta có thể tựởng tượng rằng, sau một vài nhượng bộ, kẻ
cầm quyền vẫn tiếp tục bám víu vào độc quyền chính trị và tiếp tục vô
trách nhiệm, tiếp tục tự cô lập mình với quần chúng, đẩy sự khốn cùng
lên đến tột đỉnh! Sẽ có lúc mà hàng triệu người sẽ không chịu ngồi đó
khoanh tay mà cùng nhau tiến lên chống lại bạo quyền và độc tài. Chúng
ta hãy nhớ rằng chính nhân dân là kẻ làm nên lịch sử, đưa lên kẻ cầm
quyền và cũng chính nhân dân là kẻ sẽ hạ bệ kẻ cầm quyền đó. Khi mà Đảng
không còn làm bổn phận của mình là làm cho dân, họ sẽ được đưa trở về
vị trí ngày xưa bởi dân, những người đang lấy lại trong tay số mệnh của
chính mình. Khế ước ngầm giữa nhân dân và kẻ cầm quyền từ nay xem như bị
cắt đứt. Sự “đúng” đã chiến thắng không màu mè hoa ngữ hay bàn cải dài
dòng vô ích… Sau chế độ bạo quyền, một chính quyền chân chính sẽ bắt đầu
một ngày mới.
- Tuyệt! Đây là ý kiến nằm trong logic và chuẩn mực. Theo chúng tôi,
vần đề có thể được nhìn dưới một góc cạnh khác. Cái góc nhìn của Luật nó
có cái lý của nó. Nhưng cái nhìn của xã hội nó cũng không thể bị từ bỏ
được. Như bạn đã biết, ở nhiều nước, nhiều chính thể giá trị đạo đức
được nâng lên chin tầng mây. Đối với chủ nghĩa Tư Bản thối nát và đang
dẫy chết với giới cầm quyền đầy tham nhũng, người làm Cách Mạng tự cho
mình là hiện thân cho sự thiêng liêng, trong sáng trong suy nghĩ, tâm
hồn không chút vẩn đục, cao cả trong đạo đức và nếp sống. Khuôn mặt tiêu
biểu nhất cho con Tàu Cộng Sản là một Hồ Chí Minh huyền thoại với hai
mảnh áo quần bằng Kaki bạc mầu và đôi xăng đan làm bằng lốp xe cũ. Thật
vậy, giới vô sản đã tìm cách liên kết giai cấp nông dân vào chung mục
đích, họ đã chơi cuộc chơi một cách công bằng ngay thẳng và đã đạt được
hậu thuẫn của những người cùng chia sẻ điều kiện sống và cùng có chung
niềm khát vọng. Đối với những kẻ làm ăn đủ sống, Hồ Chí Minh với chòm
râu của một nhà nho truyền thống đã làm say mê họ và làm họ đi theo. Vì
thế với cuộc tổng nổi dậy của mọi tầng lớp nhân dân, trong một khí thế
hồ hởi mà Cách Mạng đã tiến hành cuộc đấu tranh và đạt được thắng lợi.
Trong thời kỳ quá độ, những bộ óc biết suy nghĩ bắt đầu nhận chân
rằng những người làm cách mạng mà tình yêu tổ quốc và chủ nghĩa anh hùng
đáng được đề cao, lại không có đủ văn hoá và khả năng để đưa dân tộc
lên một số phận cao đẹp hơn! Những thiệt hại to lớn do những lỗi lầm của
họ gây ra đã làm người dân nghi ngờ về khả năng trí tuệ của họ, dù
không bị huen ố, nhưng niềm tin của nhân dân về họ cũng đã bị giảm sút,
niềm tin mà họ cần có để nâng cao tinh thần chiến đấu. Rủi thay, vì tình
trạng không ai chịu trách nhiệm như thế đã mở cửa cho bao nhiêu vi phạm
và tội ác; những quan chức của Đảng, với những chữ ký sinh ra vàng, đã
để cho mình bị tiêm nhiểm những con vi trùng của tiền của, để tự mình
ngày càng chìm sâu trong vũng lầy của tội ác. Những kẻ thuộc quyền, được
khuyến khích bởi sự “bất bị quy trách” của xếp mình, trở nên những kẻ
đồng loả, tập họp nhau thành băng thành nhóm. Thời sẽ đến khi mà Đảng
vẫn còn tiếp diễn những ung nhọt như thế: họ sẽ không còn niềm tin yêu
của nhân dân, niềm tin mà họ đã mất cả một thời gian dài mới có được. Đã
thiếu văn hoá và khả năng, nay lại mất cả niềm tin yêu của dân là cái
cơ sở lớn nhất để họ nắm quyền, một quyền lực mà họ có được là nhờ tư
cách đạo đức và cũng sẽ mất nó vì nếu họ thành kẻ ác vô nhân. Khi họ trơ
mình trước quần chúng như một người đàn bà đĩ thoã nghèo nàn và trần
truồng, tôi ngại rằng họ còn có thể tiếp tục độc quyền chính trị. Cũng
có thể lãnh đạo cấp cao không làm ác như những thuộc quyền, nhưng họ vẫn
phải chịu trách nhiệm đối với những kẻ này, bởi những hành động của
những người thứ ba, làm tan rả Đảng vì uy tín Đảng đã bị tan biến bởi
những ngọn gió đầy cay đắng và khinh miệt thổi vào. Chừng nào mà con số
phạm tội còn nhỏ, chừng ấy Đảng còn che đậy chúng dưới thảm dày để giữ
được mầu trắng của sự trong trắng! Nhưng một khi tai tiếng đã trở nên
thái quá, không còn giấu giếm được nữa thì Đảng sẽ làm kẻ điếc trước
những than phiền chính trị. Đảng sẽ chọn sống xuống cấp trong im lặng
thay vì bị nổ tung ra trước ánh sáng ban ngày với những vụ kiện mà uy
tín của Đảng sẽ bị mãi mãi mất và thanh danh của Đảng bị huỷ diệt, từ
cấp cao đến cấp hạng bét. Bất cứ chọn cách nào, Đảng cũng sẽ thất bại
trên hai chuyện uy tín và thanh danh. Chính trị rồi đây sẽ nhường bước
cho đạo đức, đạo đức rồi sẽ kéo theo sự can thiệp của Luật Pháp để chấm
dứt một quá khứ đau khổ mở đầu cho một kỷ nguyên mà ánh sáng của lý lẽ
và công bằng một lần nữa sẽ chiếu rọi với việc tái lập nền Công Lý và
bảng tuyên ngôn về trách nhiệm của Nhà Nước và những ai đại diện nó.
Dĩ nhiên, chuyên đó không phải là chuyên xảy ra ngày mai. Nhưng nó đáng cho chúng ta mong đợi!
Hãy cho chúng tôi được hy vọng những gì sẽ xảy ra như bạn nói là sự
thật. Hãy cho chúng ta được quyền hy vọng ngày mà chúng ta ăn mừng được
thấy lý lẽ và công bằng trở lại ở những nước cộng sản là một ngày không
xa lắm!
Khi chia tay, chúng tôi bắt tay nhau lần cuối, nhìn trong mắt nhau và
có cảm nghĩ rằng chúng tôi đã cùng chia nhau chung một ý nghĩ. Những
suy nghĩ chung với những cảm xúc chia sẽ giống nhau: “Chúng tôi, những
người trí thức, một đám người đang bị tất cả những ngươi cầm quyền
nguyền rủa, và đặt biệt là những tay chuyên quyền cộng sản. Họ là những
người tuyệt vời kỷ luật, và chúng ta là những kẻ mà trong người đã có
giòng máu vô kỷ luật đang sôi sục. Họ là những kẻ vui sướng khi nhìn
những kẻ cúi đầu tuân phục, hít thở những khói nhang của a dua nịnh bợ,
làm những trò ảo thuật, dựng nên những tấn tuồng vĩ đại trên sân khấu.
Là những người cứng đầu cứng cổ, chúng ta ngẫng mặt hiên ngang, nhin
thẳng vào phía trước với cặp mắt biết quan sát và một bộ óc biết phê
phán. Thay vì thốt ra những điều ngu dốt để làm người ta thoả mãn, chúng
tôi chọn một sự im lặng đầy trách móc. Chúng ta đã thấy rất rõ cặp mắt
của nhà ảo thuật, thấy cái đạo đức của chủ nghĩa hình thức, thấy con dao
nhọn dấu dưới tay áo khi chúng vừa lễ độ than mật cúi xuống. Phải công
nhận là chúng ta là những người bất trị. Hơn thế nữa, chúng ta không thể
biết mình sẽ ở đâu và ngày mai mình sẽ trở thành cái gì!”
Ánh mắt chúng tôi tràn đầy những cảm thông cho nhau. Chúng tôi biết rằng mọi người đã hiểu nhau.
Hai đoàn chúng tôi cùng đồng ý gửi một ý kiến chung đến hai Đảng Cộng Sản Liên Xô và Việt Nam:
“Cho phép chúng tôi được gửi đến quý ông bà những ước vọng và đề nghị
của chúng tôi. Quyền lực được giao phó cho quý vị không được dùng để
đàn áp, trù dập hay đoạ đầy bất cứ ai lên tiếng nói đến quyền lợi và bổn
phận, bất cứ ai lên tiếng nói đến quyền hành và trách nhiệm. Nếu quý vị
muốn các tầng lớp nhân dân mà quý vị đang quản lý tôn trọng trật tự và
sống trong pháp luật, về phía quý vị, quý vị phải có bổn phận chăm lo
cuộc sống đầy đủ của nhân dân và luôn luôn bảo đảm họ được hạnh phúc.
Nếu được như thế, quý vị sẽ được nhân dân vinh danh trong hàng trăm năm
và quý vị sẽ được nhân dân mãi mãi biết ơn!
Nhưng nếu cứ vướng mãi với những hành động dại dột, mất trí hay điên
khùng, quý vị sẽ đưa dân tộc vào nghèo đói và đau khổ, tiếp tục làm
những chuyện chuyên quyền, phạm luật và vô nhân đạo thì quý vị sẽ không
kéo dài lâu! Ngay sau khi quý vị chết, nhân dân cũng tiếp tục nguyền
rủa, đào mồ và quăng cái xác thối rửa của quý vị cho sài lang và diều
hâu cắn xé! Tên tuổi của quý vị sẽ bị đóng ghi trong Lịch Sử và sẽ bị
khinh bỉ trong hàng trăm năm sau.
Ngày xưa, ở thành phố Roma, một tướng soái thắng trận đang nhận lãnh
những vinh quang của ngày chiến thắng. Để tránh bớt cho vì tướng bị
những tung hô nhiểm độc, lợi dụng lúc đang gần bên xe trận của ông
tướng, một tên nô lệ nói nhỏ với ông rằng “Ngài nên nhớ ngài cũng là một
con người”. Cũng như thế, Luật Pháp cững đang nói nhỏ với kẻ cầm quyền
“Bổn phận của các ông là phục vụ chứ không phải là nô lệ hoá nhân dân”.
Trở về Hà Nội, chúng tôi được khen ngợi nồng nhiệt bởi đã mang lại
những thành quả bất ngờ mà chúng tôi gặt hái được ở Hội Nghị ở
Bruxelles. Một buổi chiêu đãi để vinh danh chúng tôi được Bộ Ngoại Giao
tổ chức.
Trong những buổi như thế, chúng tôi nhận được tin hai lãnh đạo của
Phong Trào Gìn Giữ Hoà Bình Saigon-Chợ Lớn ở miền Nam đã bị bắt giữ:
Luật Sư Nguyễn Hửu Thọ và giáo sư Phạm Huy Thông. Cha đẻ của giáo sư
Thông chỉ định tôi là luật sư để bào chữa cho con ông. Bộ Ngoại Giao và
Chủ Tịch Toà Án Tối Cao khuyến khích tôi nhận lãnh sứ mệnh này. Tôi đánh
một điện tín vào Toà Án Saigon thông báo họ là tôi sẽ là luật sư bào
chữa cho ông Thông và yêu cầu họ cho biết ngày giờ xử của vụ án. Nhưng
chính quyền Ngô Đình Diệm đã không cho phép tôi vào Saigon. May thay,
tôi cũng không có gì để tiếp tục, vụ án cũng không bao giờ được xử vì
hai kẻ tội nhân đã vượt ngục an toàn.
(Còn tiếp)
Nguyễn Mạnh Tường
Nguyễn Quốc Vĩ chuyển ngữ
Nguyễn Quốc Vĩ chuyển ngữ
_____________________________
[*] Vào cuối đời được đưa vào sống trong căn nhà sàn cạnh vườn Bách
Thảo hay sau khi chết được đưa vào Lăng giam xác vào lồng kiếng, Hồ Chí
Minh vẫn được dùng như di vật linh thiêng trưng bày cho dân chúng tôn
sùng, để thoả mãn sự tò mò của những kẻ hành hương, họ vẫn không ngừng
khai thác cái hào quang của ông ta để áp đặt lên dân chúng những điều mà
chính Hồ Chí Minh cũng lấy đó làm phiền. (N.D.)
No comments:
Post a Comment